Trang chính » Sáng Tác, Tùy bút Email bài này

PHÍA BÊN KIA. MẶT GƯƠNG ĐÃ TRÁNG THỦY

 

 

Ở bờ bên kia. Tôi không tận mắt thấy. Nhưng có lần từ phía đó tôi nghe tiếng cha tôi gọi vọng sang : – Con ơi hãy nhớ khóa cửa nẻo cẩn thận. Tôi vẫn mãi rong chơi, vẫn quên, vẫn thường bung cửa nẻo, và cứ thả rê tuổi trẻ tôi bất luận…Việc thả rê nói nào ngay cũng còn tùy theo sức quyến rũ của ngoại cảnh, tôi phải công nhận có lúc mê mết, khó dừng. Mê mết như đứa bé cầm được cây cọ vẽ trên tay, cười ngặt nghẽo , đắc chí bên vô số hộp sơn màu đang mở nắp. Nhìn quanh quất chẳng có ai, dại gì không nhúng cọ vào sơn quấy khắp sàn nhà như từng thấy cha nó vẽ tranh. Nguệch ngoạc trong nụ cười nắc nẻ, ánh mắt kinh ngạc, bé chẳng hề biết mình vẽ rồng, vẽ rắn, vẽ còng, vẽ cua, hay vẽ người. Chán chê thì ném cọ sang một bên, nằm ngay lên tác phẩm còn ướt của chính mình, chổng đít lên trời, đầu hạ xuống như đang trông em. Lặng thinh, có khi bật cười nắc nẻ, vừa cười vừa luôn nhìn quanh xem có ai cười hùn. Cười chán thì lại thở dốc, hoặc tệ hơn sẽ khóc. Khóc thật ngon lành không duyên cớ. Khóc như bầu trời Sài Gòn xưa trong trí nhớ mòn mỏi của tôi, đang nắng bỗng chợt mưa ầm ào, rồi vụt tạnh ngắt. Khóc chán , nhìn quanh chẳng thấy ai dổ thì nín với bộ mặt ràn rụa nước mắt. Cũng có lúc may mắn ngăn lại kịp không bật khóc, nhưng khuôn mặt mếu bỗng méo xệch dúm dó khó coi.

Ở bờ bên kia. Tôi có lúc tò mò tưởng mình đã được sờ mó, cầm nắm, quơ vói, đụng chạm những thứ được xếp vào loại vô hình, ma thuật hay thần quyền. Tôi thật háo hức tiếp tục thả rê đời mình vào sâu tận các bức màn huyền ảo đó. Tôi lao mình vào như con thiêu thân, khẩn cầu mình được trui luyện thần quyền. Tôi đặt hết niềm tin rằng thầy tổ của tôi là đấng bạch hổ tu luyện ngàn kiếp. Đêm đêm, chờ đến giờ âm khi mọi người đã thiếp ngủ, tôi ra sân , thắp ba nén nhang thành kính cầu thầy tổ bạch hổ về nhập xác tôi để luyện võ công. Tôi càng tin rằng thầy tổ ra vào thân xác mình thường xuyên như vậy, lỡ bất chợt hôm nào giữa phố xá chợ đời kia nếu ai muốn ám hại tôi, họ vừa xuất chiêu là thầy tổ bạch hổ sẽ nhập xác tôi, các cơ bắp tôi sẽ gồng cứng như đồng và dù họ có chém cũng không đứt. Đang trong giai đoạn say mê, háo hức nhất bỗng tôi nghe tiếng cha tôi từ bờ bên kia vọng lại : – Mỗi khi đến đâu nhớ khóa xe cẩn thận kẻo bị mất cắp con ơi ! Và sau đó một vị thiền sư đã xuất hiện…

Ngồi ở một quán cà phê ven đường rẽ vào ngôi chợ làng, kế bên là một vị thiền sư áo nâu sòng đã bạc thếch. Ông luôn thở ra như mệt mỗi khi gặp tôi bởi vì gặp bất cứ điều gì trong cuộc đời nhiễu loạn nầy tôi đều đặt cho ông các câu hỏi. Hôm đó ngồi một lúc thì gặp một gã thanh niên tóc tai rối nùi, thả dài xuống tận lưng, bù xù, dơ bẩn từ trong nhà lồng chợ bước ra, vừa đi gã vừa lảm nhảm liên tục trong miệng, thỉnh thoảng cười ngất, dừng lại nhìn lên trời đưa tay chỉ chỏ, nói một tràng gì đó, gật đầu rồi lại đi tiếp. Đến quán cà phê gần chỗ tôi ngồi gã dừng lại, cúi mặt vào thùng rác một lúc, thò tay vào thùng lôi từng cái vỏ chuối, vỏ đu đủ thồn vô miệng nhai nuốt thật ngon lành cùng nụ cười thật sảng khoái. Không bỏ lở cơ hội, tôi vừa gọi thầy, vừa khều ông và chỉ vào gã đó. Ông điềm tĩnh cười, không nhìn vào tôi, ông từ tốn : – Thì đó, do căn kiếp sống không tu đức, tạo vay nhiều nghiệp nợ nên gia tài có chiếc xe mà đậu cũng hớ hênh khiến kẻ gian nó vào cướp xe lái vòng vo chơi. Đâu phải xe của nó đâu mà nó thương tiếc, lo giữ gìn sợ bị va quẹt. Phải nói là thầy khá đẹp trai. Quen thầy cũng khá lâu, từ lúc đi gia đình Phật tử, tôi có nghe về duyên xuất gia của thầy. Theo lời kể của hòa thượng trụ trì, thầy xuất gia lúc 10 tuổi ở quê, đến 18 tuổi vì khá đẹp trai nên trong hàng Phật tử viếng chùa có nhiều cô gái ngắm nghé chọc ghẹo. Họ hay buông câu : Sao đẹp trai mà đi tu chi uổng vậy ? Có bao nhiêu đó thôi mà thầy để dành tiền , lần hồi ra tỉnh nhổ dần hết hàm răng cho mình trở nên xấu xí để không ai theo. Tu học từ nhỏ nên kiến thức thầy khá uyên bác. Có lần tôi hỏi thầy : – Mỗi đêm thầy đều liên tục ngồi thiền, liệu khi viên tịch thầy sẽ thành gì ? Thầy cười, đáp ngay không suy nghĩ : – Thành quỷ. Tôi giựt mình hỏi lại : – Ủa ! Sao vậy thầy ? Thầy từ tốn : – Muốn thành Phật đâu phải cứ chịu khó ngồi thiền là thành. Thân không tu, tâm không tịnh thì thành gì ?

Ở bờ bên kia. Tiếng cha tôi thật trầm buồn : – Ba nói sao con không nghe ?… Dạo gần đây tôi lại bắt gặp mỗi giấc ngủ ban đêm của mình lại là một cuộc rong chơi đầy đắm mê, nhưng không cùng đích, không nguyên lành như các giấc mơ thời thơ ấu. Có một lần hiếm hoi, tôi gặp lại dòng sông thời thơ ấu. Dòng sông có cây bình bát trĩu quả, nơi chiều chiều lũ trẻ tinh nghịch chúng tôi lần lượt trèo lên nhánh bình bát rồi thả tay phóng ùm xuống sông bơi lội, và nghịch phá. Khúc sông ấy trong ký ức dường như đã trôi đi khá lâu và khá xa. Nhưng ở bờ bên kia. Ngay thời khắc nầy, các hoạt cảnh tôi dự phần lại luôn có cái kết cục rơi vào trễ nãi hoặc dang dở. Cũng có cả vài cuộc tình ban đầu thật diễm tuyệt, nhưng các nàng luôn là những người buông bỏ tôi ra đi. Hay trong những chuyến du hành hứa hẹn nhiều kỳ thú, tôi luôn là kẻ đến sân bay vừa vặn trễ, máy bay vừa nhấc bổng thân hình khỏi phi đạo, hoặc tự dưng ngã bệnh trước giờ lên đường, hoặc thức giấc mới biết mình bị trộm lấy sạch túi tiền. Còn với các phương tiện của cuộc sống, tôi lại luôn hớ hênh để thất thoát. Một hôm thấy mình vừa dựng chiếc Dream II cáu cạnh ( và nhớ đã khóa cẩn thận ) trước tiệm bánh mì Như Lan ở chợ Cũ, bước vào vừa order mấy ổ bánh mì thịt, quay ra giấc mơ của tôi đã tan biến, hỏi ai họ cũng lắc đầu.

Ở bờ bên kia. Tôi không tận mắt thấy, nhưng tiếng cha tôi lần nầy thật quá rõ : – Nhớ về ôn lại mấy bài học cũ con ơi !… Giật mình, nhìn ra cửa sổ trời đã hửng sáng, lũ chim sẻ trong lùm cherry bắt đầu lao xao…

Chu Thụy Nguyên

bài đã đăng của Chu Thụy Nguyên

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)