Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Hòn còng lửa

conglua_thumb.jpg

 

 

conglua

 

Tôi vẫn nhớ giọng nói chậm rãi, đều đặn, không một chút sôi nổi của cha tôi, khi ông nhắc tới hòn đảo phù sa.

Quê tôi nằm ven biển tân bồi. Bờ phù sa non là dải rừng mắm dài ngoằn ngoèo. Sâu thêm là chéo rừng tràm èo uột. Sâu thêm nữa là cánh rừng đước âm u, rập rợn những chuyện kể hoang đường. Chưa lần nào tôi dám một mình đặt chưn vô đó.

Thế giới ấu thơ của tôi là một khoảng thời gian vô cùng cô quạnh, không ngày tháng. Sáng tối tiếp nhau rầm rì nuôi tôi lớn bên cạnh những người thân yêu già nua, lạnh lẽo như những bộ da thuộc. Tôi là đứa trẻ độc nhứt trong nhà. Má tôi ốm khảnh, nhưng không yếu. Hầu như việc nào bà cũng có thể tự xoay sở làm lấy một mình. Cha tôi vạm vỡ, sông sổng như một thân cây trên đất thuần. Bà nội tôi mới ngoài sáu mươi, nhưng dáng vẻ già lắm, có lẽ vì cặp mắt loà và cái nắng mặn nóng nơi đây. Nắng ngày và nóng đêm. Nắng làm mái tóc má tôi đổi màu đồng già, khô khốc. Nắng làm thân thể cha tôi lúc nào cũng tươm ướp mồ hôi. Người ông luôn toát ra một mùi kỳ lạ, gây gấy nồng, như của một loại gỗ hứng nắng lâu đời.

Đôi khi, vào những đêm trăng tròn, giựt mình tỉnh giấc, trí óc ngây thơ của tôi nẩy ra vài thắc mắc lạ. Tại sao tôi được sinh ra tại nơi nầy? Tại sao tôi không đọc được ý nghĩ của người khác? Tại sao tôi thường mơ hoang và khó ngủ vào những đêm rằm? Những mùa trăng thơ ấu, ôi, làm sao tôi quên được. Chúng đã trở thành những bản chì khắc dấu đời đời trong tôi. Cha tôi cho rằng, trăng biển nhiệt đới sáng đẹp hơn trăng những nơi khác. Hiếm khi tôi nghe cha thốt những lời huê mỹ. "Nhiệt đới" và "trăng biển". Không biết ông nghe hay học được những chữ kỳ lạ đó ở đâu, vì nơi đây không có gì ngoài cái nắng trưa khắc nghiệt, ngoài bãi bùn non ngơ ngác lũ cá thòi lòi, ngoài những âm thanh rì rào rì rào từ cánh rừng đước vọng về trong tâm tưởng tôi quạnh quẽ. Cha tôi ít nói, nhưng mỗi khi cất lời, toàn những điều lạ lùng đối với suy nghĩ non nớt của tôi thuở đó. Những khi ông chèo xuồng chở tôi vô rừng đốn củi, ông thường kể chuyện. Chẳng hạn về hòn còng lửa:

"Mỗi năm một lần, lũ còng lửa lại trở về đây sinh sản. Chúng từ đâu tới, không ai biết, nhưng nhiều vô số kể. Chúng bò ngập ngợn dưới làn nuớc trong veo hổ phách. Lúc nước rút, đáy bùn trở thành tấm thảm đỏ rực. Chúng tràn kín thân cây, nắng rọi thành lớp vỏ màu máu lựu, sáng rỡ như cẩn kiếng. Rừng đước chỉ là nơi gặp gỡ, bãi bùn non lô nhô rễ mắm mới là chỗ lũ còng rắc trứng. Suốt ngày đêm, chúng chờ thuỷ triều đem sóng vỗ bờ, để dựng ngoe, giơ càng, ưỡn bụng theo điệu múa khai sinh. Đàn bà chuyển bụng đau đớn, đằng nầy, ngắm lũ còng sinh nở, ta có cảm giác dường như chúng hân hoan. Đó là ở trong bờ, còn ngoài hòn còng lửa, không tài nào tả nổi, cảnh tượng rộn ràng xiết bao. Con chưa nghe nói tới hòn còng lửa bao giờ à? Tuốt ngoài khơi xa, xa lắm, có hòn đá lớn nhô lên giữa biển, bám đầy phù sa, năm tháng phủ lên đó một lớp rêu xanh rì. Tới mùa còng đẻ, hòn đổi màu gạch cua, rực trong nắng ngày, lóng lánh ánh trăng đêm."

 

Tôi không rõ cha tôi thấy hòn còng lửa đó khi nào, vì hiếm khi ông ra biển. Dù vậy, chuyện kể của ông đã ghim sâu vào tâm trí tôi, bắt tôi đôi lúc trơ người dõi mắt ra khơi xa. Biển gần bờ có màu đất non, mỗi lần sóng cuộn, phù sa nổi cợn đập rầm rì lên bãi. Càng ra xa, biển cành xanh. Chỗ tiếp giáp với trời là một vòng đai nước xanh huyễn hoặc, loè nhoè khói sóng. Những chiều nắng ráo, nơi ấy hực lên ráng trời, cho tôi cảm giác rạo rực của một hoả lò nóng hôi hổi.

Đôi mắt loà của bà tôi không thấy được xa, nhưng bà biết hết. Gần hết. Vào những sáng tinh mơ, tôi thường nằm trong vòng tay bà kề mặt ngắm hai tròng mắt đục lờ ẩn hiện ánh lửa bếp bập bùng, hỏi chuyện trời mây. Những câu hỏi "tại sao" được lặp lại cho tới lúc bà hết kiên nhẫn, đẩy tôi ra, chép miệng:

– Tuổi nầy, đáng lẽ phải được đi học.

Má tôi ngồi gần đó, hoà giọng:

– Đúng rồi.

Tôi ngơ ngẩn:

– Đi học là đi đâu vậy nội?

Bà cười móm mém:

– Là đi tới trường, có thầy dạy.

– Dạy cái gì?

– Dạy đọc, dạy viết, dạy điều phải trái ở đời.

Tôi lớn mắt, giọng ngây ngô:

– Ba cũng dạy con nhiều điều lắm.

Rồi những khi chỉ có hai bà cháu, tôi thủ thỉ thuật lại câu chuyện hòn còng lửa cho bà nghe. Bà vuốt tóc tôi. Tôi tiếp được cảm giác êm ả từ ngón tay bà lan trên đỉnh đầu, rồi truyền khắp thân thể. Bà tôi thấp giọng:

– Làm gì có, tía mầy chỉ giỏi nói xàm.

Tôi ngơ ngác hồi lâu. Nhiều câu hỏi lướt ngang đầu. Rồi tôi quên ngay, vì chợt nhớ tới điều bí mật chắc chưa ai biết. Một lần vui chưn lạc vô xẻo Ma da, tôi bắt gặp một chiếc ghe cắm sào dưới tàn cây rậm. Chỗ này, tôi ít dám léo hánh, vì nghe nói có ma. Quang cảnh xẻo nước thâm u, nhiều bóng mát. Dây mướp rắn quấn ngoằn ngoèo cây cành, rũ nhánh như xoã tóc xuống mặt nước tĩnh. Dòng dọc xây tổ treo cành lủng lẳng. Cò ma đắp ổ đẻ con trên ngọn chót vót. Lẩn trong tiếng lép nhép thở than của lũ kỳ nhông biển và tiếng rào rạt đi về của bầy dòng dọc lanh lẹ, dường như tôi bắt được cả nhịp thở phập phồng từ cõi âm linh. Vậy mà có kẻ lớn gan cắm sào nghỉ chưn nơi đây.

Chiếc ghe có mái và vách lá chằm. Mũi ghe dựng cây sào tre, căng ngang sợi dây phơi phất phơ chiếc áo bà ba màu nâu đất và một mảnh khăn trắng tinh. Màu trắng kỳ lạ, rực rỡ giữa mớ hoả lò, nồi niêu bên dưới và đám cây lá chằng chịt rối rắm chung quanh. Màu trắng như nỗi gì âm thầm, ẩn sâu nơi đâu nhưng có đó. Nó khiến tôi nhớ tới mùi họp chợ những ngày đầu tháng, và những bóng ảnh chiêm bao rậm rật không nguôi.

Tôi cố giấu, không kể cho ai nghe điều khám phá kỳ thú nầy. Xẻo Ma da là chỗ ẩn tốt, vì hầu như không ai dám léo hánh tới. Cũng theo lời bà nội, thuở xưa có vài người bạo gan vô đó lưới cá tôm, rồi không thấy trở lại. Nghe nói có một "ông" sấu biển dài cỡ chiếc xuồng tam bản làm hang trong đó, sống từ đời nầy sang đời khác, hiển nhiên hoá thành ông thần giữ xẻo. Tôi chưa thấy cá sấu bao giờ. Bà nói, cá sấu đồng loại với kỳ đà, rắn mối nhưng lớn hơn bội phần và có thể hụp lặn dưới nước. Đặc biệt, răng cá sấu có đặc tánh trị tiệt chứng phong thấp kinh niên. Rồi bà lận ra từ túi áo cánh một lóng xương sáng giới. Tôi xoe mắt, cầm lấy vật lạ, soi ra luồng sáng lờ nhờ. Màu xương óng ánh xà cừ. Tôi hoang mang như chạm mặt thần linh. Những hoang đường cổ tích nhấp nháy trong trí tôi. Bà tôi nói thêm, phải là sấu thần mới có cái răng như vậy.

Tôi đem chuyện này kể cho chú Năm Dưỡng nghe, chú cười xoà:

– Nội mầy chỉ nói chuyện tầm phào. Từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ, tao chưa thấy ở đây có cá sấu.

Tôi không biết chú Năm Dưỡng bà con ra sao với gia đình tôi, chỉ thấy lâu lâu chú lại chèo xuồng ghé thăm. Không giống như cha tôi, chú Năm ốm còi, khẳng khiu, hai ống chưn đóng phèn mốc thít, miệng lúc nào cũng bặp bặp điếu thuốc vấn. Mỗi bận chú tới, cả nhà đều mừng. Tôi thích kiểu cười của chú. Khi cười, mặt chú ngửng lên, hai mắt nhíp lại, miệng há toác để lộ hàm răng cáu nhựa thuốc lá; cục yết hầu trồi sụt háo hức; tiếng cười có âm dội, nghe như phát ra từ thùng thiếc rỗng. Nhưng điều lạ không phải ở những điểm đó, mà là ở cây đờn tây gần như lúc nào chú cũng cặp kè bên cạnh. Chú kêu đó là cây "dĩ cầm". Ban ngày hiếm khi chú kéo đờn. Muốn nghe, phải đợi tới đêm. Nếu đêm có trăng, tiếng đờn của chú càng thêm mùi mẫn. Chú nói: "Trăng biết rượn với tiếng đờn làm lòng tao hứng tình theo". Đúng vậy, nét mặt của chú lúc đó thiệt lạ, như của ai khác. Hai mắt khép lờ đờ như mắt cá linh mùa nước dại. Màu trăng dường như cũng khác, lóng lánh giát bạc lên khung gỗ đánh vẹc-ni cũ nứt, run rẩy từng luồng từng luồng theo bàn tay xương xẩu của chú lướt cung đờn lên hàng dây hoan hỉ. Trăng và đờn nhập vào nhau. Người và âm thanh thành một. Lòng tôi rợn lên cảm xúc không thể giải thích. Thính giác tôi trôi theo tiếng vĩ cầm nức nở hoà giọng chú Năm, bi ai ẻo lả điệu vọng cổ. Ảo giác tôi thoắt cái lìa xa chốn muỗi mòng đìu hiu nơi đây, để rượt theo cánh chim nhàn nhào lộn trên chéo biển phẳng lì. Hòn còng lửa phựt cháy đỏ rực. Những cặp càng giơ lên, lật bật lắc lư như những bàn tay cùi sứt chắp lại khấn vái.

Đã có lần tôi hỏi chú về tông tích cây đờn lạ lùng ấy, chú đáp:

– Cây vĩ cầm nầy là của thằng tây đội trưởng cho tao. Thời trẻ, tao đi lính cho tây. Thằng đội trưởng biết tao thích đờn, nên đôi khi buồn tình nó kéo đờn cho tao nghe. Rồi nó chỉ tao mánh lới kéo đờn. Khi về nước, nó tặng tao cây đờn làm kỷ vật. Nó còn dạy tao đờn mấy bài nhạc tây nữa nghe mậy!

Rồi chú âu yếm tựa càm vô thành đờn, đưa đẩy dây cung. Âm điệu réo rắt tân thời gợi lên trí tôi những vùng đất, những mặt người, những bông thơm thú lạ. Và sắc trắng kỳ quặc như của áng mây vướng lại trong rừng cây u minh. Tôi giựt mình nhớ ra, đó chính là màu trắng mảnh khăn treo trên chiếc thuyền lạ trong xẻo Ma da.

Thỉnh thoảng, khi có ai nhắc tới chú Năm, má cười cười, bình phẩm:

– Chú ấy nửa tây nửa ta, kỳ cục hết sức.

Cha bênh:

– Buổi giao thời mà bà.

Má hấm hứ:

– Nhưng đâu phải cái gì của tây cũng hay.

Tôi ngại ngần xen vô:

– Con thấy tiếng đờn của chú nghe rầu lắm.

"Nghe rầu lắm", câu nói lạc lõng như một ráp đoạn không ăn khớp với câu chuyện giữa cha và má tôi. Tiếng đờn như có ma lực, thường bắt tôi dạo chơi trong những đêm hoang tưởng bầy còng lửa trở lại. Chúng cựa quậy ngập kín giấc mơ tôi. Như cái ấn tượng còn rỉ máu tươi về lần chạm mặt người đàn bà neo thuyền trong xẻo Ma da.

Chiều hôm đó nắng tàn hực hỡ. Sau bữa cơm, tôi vui chưn tìm ra xẻo nước. Từ chỗ nấp, tôi ngó thấy một dáng đàn bà qua lại đầu khoang. Luồng khói xám, mỏng như dải lụa, uốn éo tuôn lên rặng tràm thưa lá. Tim tôi ngưng đập, người tôi bất động một thoáng. Không gian im nghỉ chết điếng. Rồi tất cả bừng lên, sởn sơ tiếp nhận sinh lực. Dòng dọc về tổ gọi nhau rộn rã, đoạn nối đoạn, náo động một góc trời. Người đàn bà dừng tay, ngước mặt ngó mông. Gió thốc vạt áo bà ba ngấc lấp xấp. Tôi làm gan, lúp xúp chạp tới. Một tiếng khỉ ré lên hốt hoảng, kèm theo tiếng bồ nông oang oác từng cơn. Tôi nghe giọng đàn bà quát hỏi:

– Ai đó?

Câu hỏi được lặp lại nhiều lần. Tôi ngần ngừ giây lát, rồi luống cuống rời chỗ núp, thẳng người bước tới gần. Người đàn bà đứng trên mạn thuyền, tay cầm côn thủ thế, thần khí sắc lại đăm đăm. Nhận ra tôi, một thằng nhỏ ốm yếu, nét mặt tò mò ngơ ngác, tia nhìn người đàn bà dịu xuống. Bà lơi tay côn hỏi trỏng:

– Làm gì đó vậy?

Tôi lúng túng:

– Tui… con… ở gần đây…

Người đàn bà lẹ miệng:

– Đừng xưng bằng con, cô còn trẻ. Tên gì? Nhà ở đâu?

Tôi bắt đầu dạn dĩ:

– Tên Ngãi, nhà cách đây một chái rừng.

– Cứ tưởng vùng trên bờ muỗi kêu như sáo thổi, dưới nước đỉa lền như bánh canh nầy không có ai, đâu dè… Nè, tên cô là Bảy Xứng, kêu là cô Bảy đủ rồi. Ngãi đi đâu, ăn uống gì chưa? Xuống ghe ngồi nói chiện với cô một chút cho đỡ buồn.

Không bao giờ tôi quên được cách bài trí trong lườn ghe của cô Bảy Xứng. Sàn trải chiếu bông, tấm sáo trúc ngăn một góc, hẳn là chỗ ngả lưng của cô Bảy. Góc còn lại, cô bày một trang thờ leo lét cây đèn hột vịt ám bồ hóng. Ảnh thờ lạ lắm, tôi thấy lần đầu, vẽ hình một người đàn bà diện mạo thanh tú, không phải người mình, đầu toả hào quang, tay bồng một trẻ sơ sanh, khăn vải quấn ngang bụng, cũng một vòng hào quang quanh đầu. Một thập giá con dựng trước tấm ảnh.

Cô Bảy rót nước cho tôi uống, dúi vô tay tôi trái chuối xứ chín rục, miệng huyên thuyên hỏi han. Tôi trả lời, tai lắng nghe mà thần trí vất vưởng nơi đâu. Ảnh tượng nầy, hương sắc nầy, thứ ánh sáng nầy đối với tôi hoàn toàn mới lạ, vượt khỏi tầm hiểu biết trong tôi, như thể tôi vừa lạc qua một cảnh giới khác. Đại dương vây quanh hòn còng lửa trong trí tưởng tượng của tôi không còn êm ả nữa, mà dậy bão, vươn tay sóng đập chan chát vào vách đá, chỗ lũ còng dựng càng ưỡn bụng no căng buồng trứng con. Hàng triệu hột trứng li ti tuôn ra biển. Tiếng càng chạm đá canh cách, át cả tiếng sóng gầm, dội thành âm vọng buốt óc. Tôi thấy mình cảm được niềm sảng khoái chất ngất của bầy còng cái lúc huơ càng run rẩy hứng lấy đợt nước xối, xổ trứng vào lòng đại dương hung tợn. Nhưng tất cả đều lạ lùng, xa cách lạnh lẽo như cái ve chai đựng một chút nước muối, một viên sỏi con, và được ảo tưởng tôi điên cuồng lắc mạnh.

Sau đó, gặp chú Năm Dưỡng, tôi thuật lại cho chú nghe câu chuyện gặp gỡ cô Bảy Xứng. Chú cười cợt:

– Mầy ngủ mớ chớ làm gì có ai dám chèo xuồng vô xẻo Ma da.

Tôi xừng mặt:

– Có mà, chính mắt con thấy mà.

Rồi tôi kể thêm về cách bày biện trong lườn ghe của cô Bảy Xứng cho chú nghe. Chú Năm Dưỡng gật gù:

– Ờ, thì con mẻ theo đạo Thiên Chúa nên thờ ảnh Mẹ đồng trinh, đâu có gì lạ.

Đối với chú, không lạ, nhưng với tôi, mọi chuyện là một bí ẩn lớn. Tôi hỏi chú, đạo Thiên Chúa và Mẹ đồng trinh là gì? Chú trả lời qua loa rồi cắt ngang:

– Ối, con nít con nôi biết gì mà hỏi.

Câu nói ngụ ý "tao chỉ biết bấy nhiêu đó, đừng hỏi nữa!" Vì vậy, trí tò mò của tôi càng bị kích thích. Những lúc rảnh rang, ngồi vắt vẻo trên cây cầu khỉ, hai chưn đong đưa vọc nước hay những khi nằm phơi gió trong khoang xuồng chờ cha trở lại, tôi thường nghĩ ngợi về đức tin của cô Bảy Xứng. Suy tưởng của tôi gập ghềnh như lăn trên đường đất đầy lỗ chưn trâu. Có điều gì bất an, khó hiểu trong những mẩu đối đáp rời rạc giữa cha tôi và chú Năm Dưỡng về chuyện quốc sự.

– Đức Thầy chống thực dân, nhưng hoàn toàn không theo Việt minh.

– Chú Năm à, Việt minh cũng chống Tây, tại sao mình không hiệp nhứt với nhau mà cứ chia rẽ manh mún như vậy?

– Ủa, anh không biết là cộng sản đang lộng giả thành chơn trong hàng ngũ Việt minh sao?

– Biết chớ, nhưng mục tiêu chánh bây giờ là đánh đuổi thực dân.

– Tui chỉ đồng ý với anh phân nửa.

– Chớ ý chú muốn sao?

– Khó. Dân mình còn khổ nhiều nghe anh!

Cái khổ mà chú Năm Dưỡng thường nhắc không rõ ra sao, riêng những ngày tháng ấu thời của tôi rất thảnh thơi, gần như nhàm chán. Chiều nọ, đang ngồi vuốt lại mấy lưỡi câu, tôi chợt nghe âm thanh rầm rì từ xa vọng tới. Thoạt đầu nhỏ rồi lớn dần, đâu đó trên cao. Tôi ngửng đầu dáo dác. Một khối sắt phản chiếu nắng chiều, lướt ngang trời. Tôi nhổm người, co chưn chạy theo coi cho tới lúc vật lạ khuất dạng sau rừng mây đùn lên ở phương đông. Tiếng động cũng tắt ngúm. Hỏi cha, cha nói đó là "máy bay của Tây".

Những lần lén tới chơi với cô Bảy Xứng, sau đó, tôi khoe với cô về mấy điều tai nghe mắt thấy. Cô Bảy cười dịu dàng làm tim tôi dịu nhiễu.

– Ngãi sáng dạ lắm. Có muốn cô dạy cho học không?

Tôi ấp úng:

– Dạ… là sao vậy cô?

– Cô sẽ dạy cho Ngãi đánh vần, tập cho Ngãi đọc.

– Để làm chi vậy cô?

Cô Bảy cười giòn:

– Để mở rộng tầm hiểu biết chớ để làm chi, chỉ hỏi dại.

Tôi ngần ngừ:

– Cô cho em dìa hỏi lại tía má.

Cô Bảy xoè tay ngăn:

– Đừng, cô không muốn ai biết là cô ở đây. Giữ kín giùm cô chiện nầy, hứa đi!

Tôi xịu mặt, không dám thố lộ đã lỡ kể cho chú Năm Dưỡng nghe rồi, nhưng đành gật đầu:

– Em hứa.

– Giơ tay thề trước mặt Chúa trời đi!

Tôi làm theo lời cô Bảy, không nghĩ ngợi:

– Em xin thề trước mặt Chúa trời.

Rồi cứ vậy, những buổi học lén lút đầy thú vị nhẹ thổi vào tâm trí tôi nhiều luồng gió mới lạ, ngộ nghĩnh. Tới khi tôi thuộc làu mấy câu tập đọc bùa chú "ô thời đội nón, ơ thời thêm râu", thì tôi bắt đầu thắc mắc về những ngày vắng mặt của cô Bảy Xứng, thường vào thứ bảy. Trước đó, tôi đâu biết gì về cách phân định ngày tháng.

Cô Bảy có một cuốn lịch con mười hai tờ in chằng chịt những con số mà cô gọi là "lịch tây". Công dụng của nó ra sao, tôi chẳng màng, tôi chỉ để mắt tới mười hai tấm hình in trên đó. Hình đen trắng chụp thắng cảnh "ở bên Tây". Tháng một, hình tuyết đọng trên nóc nhà thờ Đức bà. Tuyết là gì? Cô Bảy giải thích: "Xứ mình thuộc miền nhiệt đới, nóng ẩm quanh năm, nên chỉ có mưa nước, còn xứ Tây thuộc miền ôn đới, tới mùa lạnh mưa đóng băng rơi xuống thành bông tuyết." Tôi chỉ có thể mường tượng lờ mờ, nhưng thấy cảnh tuyết thiệt nên thơ. Tôi hỏi cô Bảy, cô thấy tuyết lần nào chưa? Cô gật đầu, trong mấy tuồng chớp bóng. Tuồng chớp bóng? Lại một điều mới, nhưng tôi không thắc mắc nhiều vì tôi còn bận tâm suy nghĩ về cái xứ Tây xa lắc xa lơ đó. Tờ lịch tháng tư in cảnh đồng cỏ nghìn nghịt bông, không rõ màu gì. Trí tưởng tượng tôi tô lên đó sắc vàng bông mướp. Giữa cánh đồng, vươn lên một cội cây rậm lá hình nấm. Màu lá lục non đầu xuân hằn đậm lên sắc trời xanh lơ, không một gợn mây. Và phong cảnh tháng bảy với chim nhàn lượn lờ bãi cát, rồi tháng mười với cánh rừng trơ lá. Ảnh đen trắng mà nhuộm đầy màu sắc trong trí tôi. Tôi từ từ hiểu ra, quê tôi chỉ là một góc đất quạnh hiu trong vô vàn góc đất khác.

Cho tới một hôm, cô Bảy vui miệng nhắc tới hòn còng lửa. Trời ơi, tôi tưởng chỉ có mỗi cha tôi và tôi biết nó. Nhưng tôi tôi lặng thinh, lắng nghe cô Bảy thầm thì kể chuyện như sợ người thứ ba biết được. Trí tôi nẩy ra vài nghi hoặc. Người tôi nóng hực như trúng nắng. Tôi quyết định tìm cho ra lẽ.

Mỗi tháng vào đêm rằm, cha tôi có thông lệ đi giăng câu. Ông nói, mùa trăng tròn là lúc tôm cá rượn tình, trồi lên mặt nước cáp đôi với nhau. Thường ông đi cùng với vài người bạn, nhưng tối đó ông đi một mình. Tôi thao thức chờ tới nửa đêm, rồi rón rén rời nhà. Lối tới xẻo Ma da phải băng ngang một cửa sông rộng, ban ngày chỉ là một dòng nước mênh mông lầy lụa phù sa, lục bình trôi dật dờ, hai bờ rễ mắm chĩa tua tủa như dáo cắm. Đêm, dòng nước trở nên êm ả như sống lưng trần của mỹ nhơn ngư đẫm trong luồng trăng muời lăm huyễn hoặc. Tôi ngước mặt. Dĩa trăng kim loại no nê huyền bí, in bóng lên lưng sông uốn éo điệu múa mùa cá động tình. Theo lời cha kể lại, ngộ lắm, tới một lúc như hẹn sẵn, bầy cá cùng lượt quẫy mình, có con bắn lên không như hát xiệc, rồi chúng cáp nhau từng đôi xoay tròn xoay tròn như người say men. Bóng trăng tan thành triệu miểng vỡ li ti, run lên như vẩy lưng con cá khổng lồ từ từ trườn ra biển.

Tôi dừng chưn một lát trên cây cầu khỉ chông chênh. Không thấy điệu múa của cá. Không thấy những vẩy trăng lóng lánh cử động. Chỉ một bóng nguyệt song sinh dầm mình trong dòng nước đậm sệt, giống như giọt thuỷ ngân ai đó rắn mắt rảy lên. Thấp thoáng trong lùm rậm, vài cặp mắt thú sáng quắc như những hòn khí đá. Tôi như bị những tròng mắt lân tinh thôi miên, đờ đẫn đứng ngắm cho tới khi thấy chúng cựa quậy mới sực tỉnh, lẹ chưn chạy một mạch qua bờ bên kia. Lúc thấm mệt, tôi vật người ra đất, nằm nghỉ. Côn trùng vẫn rên rỉ bài hát quen tai. Trăng sáng loá mờ những ánh sao trên cao. Nhưng tôi vẫn nhận ra ở một góc khuất, có vì sao rực rỡ. Tinh mệnh ai đó? Tôi tự hỏi, rồi lồm cồm ngoì dậy, quét mắt ngó quanh, mới hay tôi đang ở bên nầy bờ xẻo Ma da. Người tôi rợn lên. Bên kia, thấp thoáng ánh đèn hắt ra từ lườn ghe cô Bảy Xứng. Tôi nhổm lưng, vạch lá ngó kỹ. Tim tôi thảng thốt một nhịp lạc, rồi rối loạn mê sảng cơn sốt kinh động. Neo cạnh lườn ghe cô Bảy là chiếc xuồng giăng câu của cha tôi. Hai chiếc ghe nằm sóng đôi như thân hai con cá lớn đang âu yếu quấn nhau dưới luồng trăng loã lồ, xoay tròn xoay tròn theo mùa động tình trong tia mắt tôi hoa lên nhức nhối. Tôi quay lưng, chạy miết ra bãi tân bồi. Bùn non nhớp nháp dưới chưn, tôi trợt té mấy lần, lại ngoi dậy chạy tiếp cho tới lúc cảm thấy nước vỗ về hai chưn mới chậm lại. Lệ dâng mờ hai mắt tôi. Gió nhẹ, biển đêm nhấp nhô, trăng hờ hững rắc bạc xuống mặt nước đen lóng lánh. Tôi bước lần ra xa, dầm ngực xuống lòng đại dương đặc quánh như chén thuốc bắc khổng lồ. Hai tay tôi giơ lên hướng trăng mọc. Đôi càng còng lửa trong hoang tưởng tôi cũng khởi động, đập cành cạch cành cạch vô sườn đá rêu bám. Bất ngờ một lượn sóng cao ụp xuống đầu tôi, xô tôi vào rồi cuốn ra xa. Tôi sặc sụa cưỡng lại, lóp ngóp bò vô bờ, nằm khóc tỉ tê cho tới lúc trăng lặn. Ánh sao mai sáng rỡ trên nền trời ửng màu lá dứa. Tôi ngoi dậy, trở về nhà, trúng lạnh liệt giường ba hôm. Bà nội, má rồi cha tôi lo lắng hỏi tôi đi đâu, làm gì cho ra nông nỗi, nhưng tôi nhứt định tịnh khẩu.

Tôi giả câm như vậy đúng ba mươi ngày rồi quyết định quên chuyện đó. Khi tôi trở lại chỗ cô Bảy Xứng cắm sào thì thấy trống trơn. Tôi phân vân lượn quanh xẻo Ma da. Cảm xúc tôi kỳ quặc như vừa hoá thành một sinh vật khác, không thể hiểu được ngũ quan của giống người. Rải rác trên bờ, tôi lượm được nhiều mảnh giấy xé vụn. Ráp lại thì thấy đó là một trong mười hai tấm hình trong quyển lịch tây, cảnh tuyết tháng một. Thì ra bây giờ là tháng hai, không chừng tháng ba hay tháng nào khác, tôi không rõ, cũng không màng tới. Chỉ biết, kỷ niệm ấu thời nầy đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong tôi, cho tới bây giờ. Không, phải nói rằng, nó là mấu chốt của một chuỗi giao động tâm lý gây ảnh hưởng suốt cuộc đời tôi.

Sau đó vài năm, cha tôi bỏ gia đình làng xóm, tập kết ra bắc. Rồi chiến tranh tràn lan. Nội mất. Má dắt tôi ra tỉnh rồi ngược lên thành phố lập nghiệp.

Tôi không phải là một đứa trẻ sống động. Tôi còi cọc, chậm lớn. Tôi đần độn khác thường giữa đám trẻ con phố chợ khôn lanh quỉ quái. Tôi bị khuyết tật cà lăm cho tới tuổi trổ mã, đã ít nói lại thêm đổi giọng vịt đực, tôi càng ngại phát âm. Hội chứng tuyệt khẩu bắt đầu. Nhưng nó bắt tôi viết, viết liên miên, từ chuyện thật tới chuyện giả, chuyện tỉnh tới chuyện điên, chuyện hợp tới chuyện tan, chuyện sinh tới chuyện tử. Nhưng thiệt tình, tôi thường xuyên bị câu chuyện về hòn còng lửa của cha tôi ám ảnh. Nó xui tôi nhớ lại vài chương đời cực kỳ linh hoạt thuở ấu thời. Từ cái ảo tưởng có một hòn còng lửa giữa đại dương mênh mông, tới cảnh tượng chiếc máy bay của thực dân tây lượn lờ trên nền trời đỏ rực ráng chiều, rồi tới buổi hội ngộ cô Bảy Xứng với niềm tin Thiên chúa giáo mà tôi biết tới lần đầu. Nhưng biến cố quan trọng hơn hết là hôm cha tôi lìa gia đình làng xóm biệt xứ. Ông tập kết ra bắc hay đi tìm hòn còng lửa mà ông luôn tin rằng nó có thật?

(Bản chính, 05. 1999; bản nhuận sắc, 03. 2012)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

1 Pingbacks »

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)