Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 11

NDSL-10_thumb.jpg

 

NDSL-10

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

(tiếp theo)

 

6.

Những ngày trước cơn lụt lớn, người đưa thơ tới đã không định kỳ, nay còn trễ tràng hơn nữa. Đã nhiều tháng qua không thấy tăm hơi ông đâu. Giờ giấc ông tới rất thất thường. Có bữa, trước ngọ đã nghe ông khua dầm vô cầu ván báo hiệu. Nhịp gõ khoan thai, bốn tiếng rõ ràng. Bữa khác ông tới trễ, lúc bìm bịp đã khắc khoải báo hoàng hôn bên kia sông. Những khi đó, tới gần ông, bắt được mùi rượu đế. Men rượu làm ông hoạt náo hơn thường ngày. Dần dà cả làng xóm ai cũng rõ, trước khi đi giao thơ, thỉnh thoảng ông ghé ngang quán cóc chị Bảy Rạng nhâm nhi vài chén rượu.

Người đàn bà chủ quán cũng là một nhân vật lạ đời. Theo lời chị kể, sau khi chồng chị rắp tâm bỏ nhà theo kháng chiến chống Tây, chị mới hay mình cấn thai, đẻ ra thằng con trai, đặt tên Được. Cái thằng giống má ở cái miệng nói không kéo da non, thêm thói không biết đâu ra, ưa đặt điều mắm muối. Chị Bảy Rạng tạng người thanh mảnh, quanh năm chày tháng rút rít trong chòi lá nên nước da trắng xanh như người thiếu máu. Có lẽ tự biết mình có chút nhan sắc, nên chị lấy đó làm mồi chiêu dụ khách đàn ông.

Ông Chín đưa thơ tuy đã có bà lớn bà bé, con cái đùm đống, nhưng bản tánh huê nguyệt, thường ghé quán chị Bảy uống rượu và gạ chuyện. Ông đeo kiếng trắng, không rõ thị tật ra sao. Ông không điển trai, nhưng nhờ cặp mắt kiếng ra vẻ học thức, lại ăn nói nhưn nhị có duyên, nên được phụ nữ cảm thích. Mỗi khi ông tới nhà, đều được má vui vẻ mời vô uống miếng nước, ăn bánh trái lấy thảo.

Đôi lúc ông tạt ngang, dẫu chẳng có thơ tín chi. Mấy hổm rày má tới lui nhấp nhổm, tai ngóng tiếng dầm đập vô cầu ván, nhưng không nghe động tĩnh gì. Chỉ là mớ tạp âm thường ngày. Sau trận lụt kinh hồn, chúng như thể báo hiệu thời thiên địa cầm thú phục hồi. Mỗi tinh sương, vẫn là hồi chuông ngân nga tĩnh mặc từ núi Phụng. Đoạn, tiếng tam bản của bạn hàng lách chách xuôi chèo ra chợ sớm, lẫn tiếng chim muông reo réo gọi nắng lên. Hôm nào gió nổi, cành lá vườn nhà xao xác không ngơi. Nhưng mọi thứ thanh âm chừng như hoang mang, dè dặt hơn trước.

Trường chợ đã sinh hoạt trở lại. Sáng sáng chị Châu lại theo chân Cẩm và anh Chung tới trường. Mỗi lần trở về, chị đều loan tin mới: nhà nào có thân nhân mất tích, ai chưa hồi cư, … Cả những chuyện khó tin, không thể kiểm chứng. Chị Ba Khởi là người rành rọt hơn ai hết. Hôm nào cũng có chuyện để chị lê la. Tay chị vừa đánh vẩy con cá, miệng không ngớt huyên thiên:

– Trời, nghe nói nhà phú hộ Hoạch bị trộm viếng mấy bận, không còn cái chổi để quét rác. Ông bà phú hộ tản cư lên Sài gòn, trở về thấy nhà cửa trống trơn, thiếu điều muốn tự vận. Hai cô tiểu thơ Giang, Linh bây giờ phải tự chèo ghe đi chợ. Hết thấy hai cổ diện áo dài thắt eo, mang guốc bông, đeo bông tai tòn teng, mà bận áo bà ba trơn, quần mỹ a đen, đi guốc tiều. Còn gia nhơn, đầy tớ hả? Tội nghiệp, có người chỉ còn hai bàn tay trắng, bỏ đi xứ khác làm ăn. Cái đất gì mà ác nhơn!

Hay:

– Dì Tư với nội biết sáng nay con ra chợ gặp ai hông? … Con Mừng, cháu gái thầy Ba mù đó! Không hiểu nó ăn nhằm thứ gì mà cái bụng sình hơi chang bang, coi dị hợm hết sức. Hỏi thăm thì nó nói bị mắc đàng dưới. Kẻ khác chận đầu chận đuôi vặn vẹo, nó mới buồn xo thú thiệt, mất đường kinh mấy tháng nay rồi. Hỏi chơi vậy thôi, chớ ai lại hổng biết cái chuyện nó bị cưỡng hiếp lúc tản cư lên núi Phụng. Có điều, mười người hết chín rưỡi, ai cũng cho là nó đặt điều. Cái tạng nó, chó chê mèo chửi, ai mà thèm.

Bà nội nhướng mày, hỏi tới:

– Vậy ai là chủ cái bào thai? Không lẽ nó chửa ma?

Chị Ba Khởi thấp giọng, ra điều quan trọng:

– Còn ai vô đây ngoài thầy Ba … Mà hổng phải con nói à nghen!

Má rầy rà:

– Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Vu oan giá hoạ cho người ngay, không tốt nghe con!

Chị Ba Khởi lỏn lẻn im re. Chợt có tiếng "lộp cộp" ngoài sông vẳng lại. Má nhổm lưng dáo dác, không tin ở tai nghe. Chị Ba Khởi ré giọng:

– Dữ hông, bữa nay mới nghe tiếng ông Chín đưa thơ.

Má lật đật khoắn chân bước ra hàng ba, giơ tay che mắt về hướng cầu ván, nhịp tim rộn rã. Hôm nay ông Chín tới sớm. Nắng đầu trưa mới ưng ửng tàn lá sững gió. Quả thật ông Chín. Ông đang từ tốn cột xuồng vô sào tre. Điệu bộ ông thủng thẳng, khoan thai như muốn dằng dưa khoảnh khắc chờ đợi, hâm nhuyễn nỗi nôn nóng của người nhận thơ. Một tia nắng lạc vô tròng kiếng đeo mắt ông, chói loà, làm má có cảm tưởng điều huyền nhiệm sắp sửa xảy ra.

Ông Chín quảy túi da nâu rạn xéo qua vai, chúm môi huýt gió điệu xàng xê, chân bước trệu trạo. Má mất kiên nhẫn, lớn giọng:

– Tưởng anh bị bà nào bắt cóc rồi. Sao, khoẻ không anh Chín?

Người đàn ông giơ tay vuốt mồ hôi trán, cười khề khà:

– Nhờ trời, tui vẫn khoẻ. Còn gia đình chị độ rày ra sao?

Má vồn vã:

– Mời anh vô nhà uống miếng nước, nghỉ mệt, rồi mình thơi thả nói chuyện.

Chị Ba Khởi biết ý, vừa nghe má và ông Chín chào hỏi nhau, đã nhen lửa ông táo, nấu nước pha trà. Gian bếp sau cơn đại lụt được sửa sang, dọn dẹp, ngó bộ tươm tất hơn trước. Những chỗ hư dột được bàn tay vén khéo và đầu óc nhiều sáng kiến của ông nội, hợp lực phụ hợ của anh Chúc, anh Chung đắp đúm, hàn gắn lại. Nhân tiện má kêu khoét thêm vuông vách làm cửa sổ, lấy gỗ tạp lắp vô chỗ bị cây so đũa đâm thủng.

Má mời ông Chín ngồi. Người đàn ông đặt túi xách lên bàn, ngó quanh, tấm tắc:

– Nhà chị Tư coi gọn gàng, sáng sủa hẳn ra.

Má sắp ra dĩa nải chuối xứ vừa chín tới, bày trước mặt ông Chín, thở ra:

– Cái khó ló cái khôn, anh Chín à. Coi vậy chớ hư hao, mất mát cũng bộn.

– Của đi thay người!

– Còn vợ con anh thì sao, mạnh giỏi hết chớ?

Ông Chín chăm chú vấn thuốc rê, đáp không ngửng mặt:

– Khổ rồi chị Tư ơi, con vợ tui bày đặt mang bầu chi hổng biết. Thằng con lớn, tui cho ở nhà đi giúp người ta sửa sang quét dọn, kiếm tiền trà nước. Còn mấy đứa nhỏ đi học lại rồi.

Má châm trà ra tách. Hương trà xanh thơm lừng. Viền khói mỏng chờn vờn khuôn mặt sắc cạnh của người đàn ông. Lúc ông mở nắp quẹt máy, bật lửa, má thấy ngón trỏ ông run khẽ như thể vỗ về chút bâng khuâng dấy động. Không gian đột nhiên lặng lẽ, chỉ nghe tiếng củi lửa chuyện vãn.

Ông Chín hít một hơi sâu, thả khói ra rãnh môi thâm, nhíp mép giữ điếu thuốc, quơ tay mở túi da, lấy ra xấp thơ cột dây nhợ. Ngực tim má đập nhanh. Ông Chín như muốn trêu ngươi, thủng thỉnh tháo dây, cầm lên từng lá thơ một, ngắm nghía. Cử chỉ này, má đã quen mắt, nhưng bữa nay chúng làm má bực bội ngầm. Má cố giữ nét mặt thản nhiên, chờ. Lá thơ nào không phải cho má, ông chín úp lại để qua một bên. Một lá, hai lá rồi ba lá màu xám xanh thân thuộc được ông để ngửa bên phải. Chưa hết, ông Chín còn rút ra một tờ giấy cứng, vàng xỉn, đẩy tới trước mặt má, ngón tay gõ gõ, chậm rãi giải thích:

– Cái nầy là tờ măng-đa của ảnh gởi tiền. Bữa nào rảnh, chị đem giấy tờ tuỳ thân ra ty bưu điện tỉnh, ký tên lãnh về.

Không dưng má trào nước mắt, nghẹn lời:

– Giấy … giấy tờ gì, anh Chín?

– Thì tờ khai sanh của chị đó. Không có, thì tờ giá thú hay tờ thuế thân, thuế đất gì đó, cũng được.

Má giơ tay áo, chùi nước mắt, trách móc lấy lệ:

– Bày đặt gởi tiền chi hổng biết.

– Còn đây là ba lá thơ cho chị. Có lá cũ rồi, tại ba cái vụ lụt lội, nên trễ nãi.

Má cười ra tiếng:

– Quỉ thần ơi, tui mừng thiếu điều chết đi sống lại. Tui cảm ơn anh thiệt tình, nghe anh Chín. Mời anh ăn trái chuối lấy thảo. Cả một vườn, chỉ còn lại chục cây, vậy mà nó trổ buồng, trái nào trái nấy mập ú, thấy thương hết sức.

Ông Chín tủm tỉm, bẻ một trái chuối bỏ vô túi, miệng nói mà điếu thuốc không rớt.

– Xin chị một trái đem theo ăn dọc đường.

Nói rồi ông đứng lên, vươn vai, xương cốt kêu răng rắc. Ông bặp bặp hơi thuốc cuối, dụi tàn, nâng tách trà ực một hơi cạn ráo. Má đứng lên theo, đưa ông Chín ra tới cầu ván. Bấy giờ, nắng đã xối xả tuôn lên sông ruộng trần trụi. Gió biếng nhác biệt tâm. Ông Chín lấy nón vải ra đội, uể oải xắn dầm quay mũi ghe, xuôi theo con nước ròng. Lục bình bông tím run theo từng nhát chèo xộc xệch. Má đứng ngó theo cho tới lúc chiếc tam bản đưa thơ khuất dạng sau lùm cây lá rối rắm.

 

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)