Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 37

NuiDoan-37_thumb.jpg

 

 

NuiDoan-37

 

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

(tiếp theo)

 

Tôi lang thang vô hướng. Đầu óc tôi biệt tăm quá khứ, bước chân chuệch choạng ngược gió. Đèn đêm thắp vàng đại lộ xoã lá hàng cây vỉa hè. Ô-tô, xe kéo hối hả mặt đường rộng thênh. Những khuôn mặt da trắng thực dân, y trang lịch lãm nhàn nhã qua lại bên hè phố cửa hiệu lắp kính bóng loáng. Những thân người thuộc địa nhỏ thó, kẻ tây phục kẻ áo dài cổ truyền kẻ ngực trần giơ xương, độc nhất chiếc quần đùi, chân không thất thểu. Chẳng ai chú ý nhau. Họ, những hình người vô xuất xứ trong một đất nước đang lâm cơn đẻ khó, tại một thành phố lem luốc buổi giao thời. Tôi, kẻ lạ mặt trong chính tổ quốc mình, đang dò dẫm lạc lối. Người tôi bốc mồ hôi gắt nồng. Quần áo bung gấu rách vai, lấm bẩn bụi đường xuyên Việt. Bờ sông dang tay phất gió chào đón. Tôi ngồi xuống băng đá trống, tỉnh táo đôi chút, hướng mặt trông ra con nước nhấp nháy ánh vàng dây đèn điện giăng dọc thân tàu buôn kẻ hàng chữ Marseille-Saïgon.

Bấy giờ cái đói mới thốc lên. Chất chua từ dạ dầy trào ra lưỡi. Tôi cúi mặt giấu giếm, phun bãi nước bọt nhớt lầy xuống nền xi-măng, mở túi vải, lần ra vắt cơm nắm muối vừng, nhai uể oải. Cảnh vật trước mắt loè nhoè ngấn lệ hoang mang. Nhúm cơm nhạt nhẽo trong mồm. Những gương mặt thân thiết mới hôm qua chập chờn bật lên trí nhớ. Tự dưng tôi nghĩ tới thằng Nhẵn. Không biết số phần nó hiện giờ ra sao?

– Chú… chú có làm sao hông?

Một giọng trẻ con cất lên ngờ vực. Tiếp theo là cảm giác ngón tay ai thúc nhẹ vài cái vào xương sườn. Tôi giật người quay nhìn. Khuôn mặt thằng bé nhem nhuốc, đôi mắt chăm bẳm. Tôi nuốt vội vắt cơm nguội, lúng búng:

– Em… em hỏi gì?

Hai con ngươi đứa con trai trợn lên:

– Tui hỏi chú có bị sao hông?

Tôi ngơ ngẩn:

– Sao là sao?

– Chời ơi, cái chú này kỳ khôi, tui nói tiếng mình chớ có phải tiếng Tây đâu mà hổng hiểu.

Rồi nó giơ tay gãi xoành xoạch đầu tóc rối bù:

– Tại tui để ý thấy chú ngồi đó từ nãy giờ như người mất hồn, tôi tưởng… tưởng chú bịnh hoạn gì.

Tôi nhoẻn cười ngờ nghệch:

– Tôi tới đây lần đầu.

Thằng bé cười hăng hắc:

– Ngó bộ mặt đực chai của chú, biết liền… Mà chú từ đâu vô, nói cái giọng nghe kỳ cục vậy?

Tôi ngượng nghịu:

– Từ… từ miền ngoài.

– Ngoài nào?

– Ngoài Bắc.

Thằng bé chau mày:

– Là đâu vậy, xa hông?

– Làng Thồi, xa lắm.

– Chưa nghe bao giờ. Còn cha sanh mẹ đẻ tui ở Đất hộ, miệt cầu Kiệu, gần đường Bôn-Be đó chú.

Tôi lặp lại:

– Là đâu vậy?

Thằng bé phất tay giải thích:

– Tui quá giang xe ngựa chừng nửa tiếng là tới chợ Đất hộ, rồi đi bộ vô thêm mười phút. Còn chú vô đây mần chi?

Tôi ngần ngại:

– Mần chi là sao?

Thằng bé gãi đầu:

– Là… là… để làm gì, kiếm ai?

– Tôi đi tìm người quen.

– Ở đâu?

Tôi mò mẫm túi vải, lấy ra lá thư nhầu nát ghi địa chỉ người anh chú bác đã vào đây nhiều năm trước nạn đói Ất Dậu, trao cho thằng nhỏ. Nó trợn mắt:

– Có biết đọc đâu, đưa làm gì mất công.

– Nhà người quen của tôi ở xóm Cầu Mới.

Thằng bé reo lên:

– A, gần xịt Đất hộ, để tui dẫn chú tới đó. Mà chú tên gì?

– Tên Hoàng.

– Tui tên Thìn, tại đẻ năm rồng.

Rồi giọng nó nhỏ lại, thều thào:

– Mà bây giờ khuya rồi, đi lớ quớ gặp mã tà lính kín hỏi giấy, mệt a. Tui quen nước quen cái, rành đường đi nước bước, để sớm mai tui dắt chú tới đó. Còn bây giờ mình đi kiếm chỗ ngủ.

Tôi còn bối rối, chưa biết tính sao thì thằng bé đã nắm chặt tay, lôi đi. Tôi phó mặc. Được vài trăm thước, tới cột đèn điện chết bóng, thấy lờ mờ bậc xi-măng dẫn xuống chân cầu sắt bắc ngang lòng sông nhàn nhạt ánh điện. Bóng tối sậm sệt. Phải mất vài giây, thị giác tôi mới nhận ra trong hốc cầu những hình thù nhỏ nhắn quắp quíu sắp lớp bên nhau. Thằng bé thản nhiên đẩy đứa nằm ngoài vào trong, thấp giọng như ra lệnh:

– Chú nằm đây!

Những thây người động đậy. Vài tiếng càu nhàu ngái ngủ cất lên. Tôi nép lưng nằm nghiêng, túi vải kê dưới gáy. Sông khuya lách chách khua nhẹ vào gộp đá, lẫn cùng âm thanh chóp chép khe khẽ của ai đó như đang thưởng thức món ngon trong cơn mơ đói. Hương kẹo vừng kẹo lạc cô Bích thơm lừng trí nhớ tôi. Và chao ơi, bùi bẳm làm sao vị bánh giò bà cả Bạch Tạng. Ôi, hương cốm mới ấm lòng những sáng tháng chạp trời trở rét. Tâm tư tôi quặn lên nỗi quạnh quẽ kẻ xa nhà. Mặt sông nhoè ra thênh thang mảnh quá khứ ấu thời chằng chịt tối sáng. Rồi đột nhiên, không gian loe ra điệu kèn ác-mô-ni-ca dè dặt, se sẽ của ai đó mất ngủ thổi lên. Giai điệu không rõ rệt. Tiếng nối tiếng, lẫn cùng nhịp nước lách chách đập vào kè đá, quyện thành chuỗi âm thanh luyến láy, vỗ về ngũ quan. Cõi lòng tôi nhen lửa ấm. Đêm nơi thành phố lạ mở rộng vòng tay choàng lấy điệu kèn buồn buồn, hờ hững đưa tôi vào giấc ngủ phương Nam.

 

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)