Mùa lũ – Ảnh Ngô Viết Ngọc
Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.
(tiếp theo)
3.
Sang ngày thứ bảy, sáng ra, mưa vẫn rì rào. Nước sông đã dâng cao hơn nền nhà. Rác rến, cỏ mục và xác gia súc trôi lều bều đây đó. Vài hôm trước, lúc nước vừa ngập lé đé hàng ba, má đã hối thúc mọi người thu dọn vật dụng lên gác. Nhà nhiều gian, đồ đạc toàn bằng gỗ nặng, gác lại bắc ván mỏng, nên chỉ khuân lên những thứ nhẹ, cần thiết. Chị Châu vừa tóm vén quần áo, sách vở và mấy cuốn tập chép thơ, nhạc vừa thút tha thút thít. Cẩm có chiếc va-ly con bằng mây đánh vẹc-ni nâu, ông nội tự tay đan lấy, cất hoài trong tủ, nay được dịp đem ra xài. Cẩm lựa ra mấy bộ quần áo ưng ý, tẩn mẩn xếp gọn vô va-ly, cùng tất cả quà cáp của ba mua cho. Má huy động chị Ba Khởi đem gạo nếp, mắm muối và lương thực khô, phần chất lên bộ ngựa nhà bếp, phần đem lên gác dự trữ. Lúa còn hai phần ba lẫm, má kêu chú Năm Tự hốt đổ đầy hai bộ thọ dành cho ông bà nội kê trên cặp chân ngựa dọc mái hiên nhà. Đâu đã đủ, phần còn lại anh Chúc với anh Chung xúc vô bao bố, chèo ghe tải lên núi Phụng, gởi trong chùa. Ông nội lo dọn dẹp cây kiểng lên chỗ cao ráo. Chẳng mấy chốc, nóc tủ bàn thờ đầy nhóc nhách đồ xưa và chậu kiểng lùn. Còn mấy hòn giả sơn, ông nội bỏ thí ngoài mưa gió. Tội nghiệp, bà nội tuổi già liệu lẫn, cứ xê dịch bộ ấm trà men rạn ưa thích và tráp con sơn mài đựng trầu cau từ chỗ nầy qua chỗ kia, mà vẫn chưa vừa bụng. Tới khi ông nội dằng lấy, xách thẳng lên gác, bà mới thôi than thở.
Rạng ngày thứ tám, má thức sớm, ra ngó hướng đông. Mây đùn lên, lớp lớp ba đào. Gió không đủ mạnh, thổi mây tan. Thinh không nặng trịch hơi nước. Trời đất biến thành vùng đại hải, a dua liên hoàn cùng sấm sét. Má nhớ lời thầy Ba dặn dò bữa trước, hối thúc cả nhà lên ghe, nhắm hướng núi Phụng.
Nhà có hai ghe, một tam bản và một ngũ bản. Má kêu chú Năm Tự và chị Ba Khởi lùa con heo nái vừa chạm nọc tháng rồi và khiêng hai giỏ mây chen chúc gà vịt chục con lên chiếc tam bản. Số còn lại dồn hết qua ghe lớn cùng quần áo và gạo mắm dùng ngắn hạn. Anh Chung ngồi mũi, anh Chúc chèo lái. Ghe khẳm lườn, mưa trút không thương tiếc, má và chị Châu phải liền tay tát nước. Cẩm ôm khư khư chiếc va-ly trong lòng, tóc tai mặt mũi đầm đìa nước mưa, cả hai dòng nước mắt lo sợ. Lần đầu trong đời, Cẩm thấy nước nhiều như vậy. Lênh láng. Vô tận. Phù sa rặt một màu xương xáu. Mà không phải chỉ có nước, còn thấy xác heo chó phình trương, lềnh bềnh. Cả xác người. Cái sấp cái ngửa. Cái quắp tay chổng trời, cái bung tóc bấp bênh quấn củi mục. Mỗi lần như vậy, má tức thì ngừng tay tát nước, giơ che mắt Cẩm. Cẩm chỉ dám nhìn một lần cảnh tượng khủng khiếp đó. Sau đó, mỗi bận nghe anh Chung hô lớn, xác tắp xác tắp, là Cẩm tự động cúi mặt, nhắm mắt kín mít.
Cẩm nhớ lúc trước theo má và bà nội tới núi Phụng bằng xe ngựa, đâu có xa lắm. Sao lần nầy, ngồi ghe, thấy lâu lắc lê thê. Tới chân núi, hoá ra ghe chèo lạc hướng vòng vo nhiều tiếng đồng hồ. Chị Châu buột miệng càu nhàu. Anh Chúc bực bội:
– Tới được là may rồi, ở đó cằn nhằn. Lụt lội tràng giang đại hải như vầy, sao định được phương hướng? Giỏi, chèo đi!
Má mắng:
– Tụi bây câm miệng lại! Lo khiêng đồ lên chùa, không thôi trời tối.
Bây giờ mọi người mới để ý. Ở phương đông, bóng ngày đã nhá nhem sẩm màu. Một vệt đen đủi, thô kệch, vắt vẻo bám lưng trời. Hướng đối diện, le lói ánh chiều, tím ngắt như ứa máu bầm. Anh Chúc cắm sào, buộc ghe vô thân cây gần đó, vuốt mặt cho ráo nước mưa, rồi lẹ tay khiêng đồ đạc khỏi ghe. Anh xốc nách Cẩm, đặt lên tảng đá lớn. Cẩm mếu máo, quay mặt quanh quất, không tin ở mắt nhìn.
Không phải chỉ riêng gia đình ba má tản cư lên núi Phụng, mà sa số. Người, như lũ chuột nước lụt, từ hang hốc đâu kéo về, lố nhố. Tiếng gọi nhau, tiếng quát tháo, tiếng chửi rủa, tiếng than khóc lẫn tiếng gia súc vang vẳng chỗ đất hẹp, nơi bằng phẳng duy nhất gần lối lên chùa. Đất cỏ nát bấy chân người, lầy lội bùn sình, trơn như thoa mỡ. Cẩm ngước mắt lên con dốc rắn trườn cong giữa lùm bụi um tùm, thấy dòng người chen nhau, lúc nhúc, hỗn độn như bầy thú tan tác. Vài đốm đèn chai tắt hiện tựa ma trơi. Thỉnh thoảng một lằn chớp xé trời, loằng ngoằng loé bóng những thân người di động. Tiếp theo là tiếng sấm kinh thiên hoà cùng dăm ba tiếng rú hãi hùng. Hai chân Cẩm lập cập, muốn khuỵu xuống trước cảnh tượng quái dị. Chợt, có bàn tay ai kẹp lấy cổ tay Cẩm, lôi đi tuồn tuột. Mưa phẫn nộ, chan hoà. Gió từng cơn nghiến rít khe lá, tưởng như roi quất xiên xéo thinh không. Chân ai giẫm lên gót dép. Cẩm chói lói kêu lớn:
– Dép của con… má, má!
Má lạc giọng:
– Vụt đi!
Rồi như hét:
– Chúc, nắm tay bà nội! Thằng Chung… Chung đâu, coi chừng ông nội! Châu, lẹ lên!
Tiếng má bạt theo gió, tan biến vào chuỗi tạp âm, nghe như một đám hát sơn đông mãi võ kỳ dị…
Khi khứu giác Cẩm bàng bạc bắt được hương bông sứ, và đột ngột, một hồi chuông hoàng hôn dõng mãnh dội vào không gian, Cẩm mới thực sự hoàn hồn. Chuông gióng gần lắm. Như lời chào đón hoan hỉ. Như ngàn bàn tay thanh âm xoè ra, từ bi đón nhận lũ chúng sinh khốn nạn. Nhiều người buông giọng "mô Phật" liên hồi. Gót chân Cẩm giẫm lớp gạch vụn rải sân chùa, đau nhói. Khoé mắt Cẩm đục ngầu nước mắt và mưa gió lập loè nhiều đốm đèn vàng lợ, có chỗ sáng rực sắc trắng vài ngọn măng-xông. Bóng tối thiên tai úp xuống chóng vánh. Mới đó đã phủ trùm đen nghịt. Đám người mệt lả tự động chúi lưng xuống khoảng sân rộng, nằm ngồi hỗn độn. Má cũng ấn vai Cẩm ngồi xuống. Cẩm mềm nhũn như sợi bún, ngả vào lòng má, rã rượi tan theo cơn mê bầm dập kinh hoàng, nhấp nhô xác sinh vật trên sóng nước phù sa đen đủi.
Cẩm ngất đi bao lâu, không rõ, lúc ngũ quan Cẩm mong manh khẽ chạm bờ hồi sinh, thì mơ hồ nhận ra bóng ngày. Có những khối sáng lờ mờ đập vào thị giác Cẩm. Lớp lớp đục lờ tròng tréo đan lên tiềm lực Cẩm, vực dậy. Chốn nầy, Cẩm cảm nhận yếu ớt, đã có lần đặt chân tới, đã thấy qua khi nào rồi. Cẩm chớp mắt định thần. Một vệt nâu bụ bẫm đâm ngang khung ảnh trắng đục. Và lắc rắc những đốm sáng rỡ, mịn màng, tươi rói như lộc non. Cùng lúc với giọng người lắc lay gọi tỉnh. Tâm cảm Cẩm bật thức, nhận ra cành sứ đơm bông trắng ngoài cửa bếp một lần đi lạc.
Ảnh sắc quanh Cẩm rõ dần. Nhiều khuôn mặt cúi gần. Má, bà nội, rồi chị Châu, anh Chúc, tới ông nội, anh Chung. Sau cùng là mùi dầu khuynh diệp quen thuộc ám đầy mũi Cẩm, và gương mặt ngắn, phúng phính hai gò má của chị Ba Khởi. Không thấy chú Năm Tự đâu. Còn ba? Cẩm tự hỏi, giờ nầy ba đang phiêu bạt nơi nào, có hay cảnh nhà đang lâm cơn gian khổ? Dưng không trực giác Cẩm bất an khi nghĩ tới ba. Cẩm láp dáp:
– Ba, ba đâu?
Nhiều nét mặt ngơ ngác, đưa mắt ngó nhau. Má nhẹ vuốt tóc Cẩm:
– Ba không về được. Khi nào nước rút, ba về.
Cẩm thều thào:
– Khát! Cho con nước!
Gương mặt chị Châu vụt biến khỏi tầm mắt Cẩm. Hai dòng nước mắt không nguyên cớ lăn chậm xuống thái dương Cẩm, ấm áp như hai ngón tay ba dạo nọ nhúng màu nước vẽ hề lên mặt Cẩm. Tiếng cười Cẩm lúc soi gương vọng lại khanh khách như mảnh vụn pha lê vỡ nát xuống nền gạch. Không phải, mà là phiến gương quá khứ rực rỡ, ai đành đoạn đập bể tan tành. Cẩm nức lên, thấy khuôn mặt hề rạn nứt trăm mảnh méo mó, dị hợm.
Chị Châu trở lại, tay cầm chén nước, tay nâng đầu Cẩm, kê vào miệng. Cẩm hớp lấy hớp để, khiến chị Châu phải lên tiếng:
– Từ từ em, kẻo sặc.
Bàn tay má mơn vuốt đầu tóc Cẩm, lau nhẹ hai vệt nước mắt quằn quện:
– Có gì đâu mà khóc. Mai mốt mình về nhà!
Chưa bao giờ Cẩm thấy hai tiếng "về nhà" gần gũi, thân thiết như vậy. Cẩm dáo dác:
– Mình đang ở đâu vậy má?
– Trong chùa Phụng, con không nhớ sao?
Cẩm chau mày. Má nhắc:
– Hai hôm trước nhà mình tản cư lên đây tránh lụt. Tới nơi, con ngã ra chết giấc, mê man hai ngày hai đêm làm má lo muốn chết. May có Phật độ. Con thấy trong người ra sao?
Cẩm ngơ ngác:
– Con thấy ba về, bôi mặt cho con làm hề.
– Lụt lội như vầy, ba làm sao về được con? Con có đói bụng không, má đút cháo cho ăn?
Giọng má nghe hiền từ, mà sao đườm đượm nỗi gì như than trách. Cẩm gật đầu. Má sai chị Châu đi múc cháo. Ăn xong chén cháo với đường thẻ, mồ hôi rịn hột, Cẩm thấy khoẻ khoắn, tinh thần minh mẫn hẳn. Thêm một giấc ngủ vùi, dặm nhạc mưa và chuông mõ ru êm, Cẩm tỉnh giấc lúc trời còn chạng vạng. Nhổm lưng ngồi dậy, Cẩm lờ mờ nhận ra quanh mình, người nằm sắp lớp. Nếu đó đây không nghe tiếng ngáy và nhiều hơi thở mệt, đứt quãng, Cẩm đã nghĩ rằng mình đang nằm cạnh vô số thây người la liệt. Rãnh cửa hé rọi đường sáng nhờ nhợ. Cẩm ngóng tai. Không còn tiếng tai ương giận dữ. Tất cả phẳng lặng, yên tĩnh như thể những gì xảy ra hôm trước chỉ là quyển truyện kinh dị, gấp sách lại là hết.
Cẩm rón rén giở mền, rời chiếu nằm, lần theo vạch sáng, ra cửa tìm nước uống. Cẩm không muốn tin ở mắt nhìn. Đáy trời, tận nơi xa, ánh bình minh rựng sáng, nhuốm hồng vân vi. Sắc hồng của ngàn nụ dâm bụp non. Sắc hồng rướm tươi rói hai má chị Châu những trưa gội tóc ngoài ao nắng. Cẩm như bị thôi miên, chân không dò dẫm theo luồng sáng nhàn nhạt dẫn lối, run rẩy rơi xuống sân gạch, toả sương mỏng. Bàn tay và hơi thở của thiên nhiên nhẹ lắm, vô cùng dịu dàng, bất giác bị khuấy động bởi giọng người khe khẽ. Cẩm nhíu mày, khựng chân bên cội sứ già, vạm vỡ.
Một đỗi im lặng. Rồi hắt lên tiếng cười khẽ khàng, cố nén. Một giọng đàn ông:
– Mượn bàn tay thôi… rồi trả.
Âm hưởng cách nói không phải miệt nầy. Cẩm ngờ ngợ…
– Mà… mà không được nắm chặt… nghe thầy!
Lồng ngực Cẩm, có ai nện trống lùng bùng. Giọng nói nầy, tiếng cười ấy, đâu ai khác ngoài chị Châu. Và Cẩm hiểu ra, tiếng đàn ông nọ… Trời, của thầy giáo Hoàng. Cái người mà Cẩm đôi khi chạm mặt ngoài sân chơi, lúc tan học, nhưng hiếm khi Cẩm dám ngó thẳng mặt. Đi ngang là khoanh tay, cúi đầu chào khép nép. Cái dáng người, khoảng khắc này, còn sót lại sắc áo trắng tinh như loá nắng, đọng ám trí nhớ Cẩm. Lạ lẫm. Xa cách.
Cẩm mon men trở lại chỗ nằm. Cổ họng vẫn khô khốc. Dịch vị trào lên, chua loét. Cẩm cong lưng, dỗ giấc ngủ tiếp. Lại thiếp đi.
Cẩm thấy mình thất thểu lạc giữa đồng cỏ khô cằn. Chân trần tránh né khe đất nứt nẻ. Áo quần tả tơi. Đầu tóc bù rối. Chung quanh, không một bóng người. Chỉ có đất trời và nắng chan lửa, thiêu đốt. Cẩm cứ lầm lũi dấn bước, không mục tiêu. Lạ nỗi, tuy khát, nhưng Cẩm đi không phải để tìm nước uống. Mà có tiếng ai từ tâm khảm gọi về, xui Cẩm bắt đầu cuộc hành trình gian nan. Dẫu những mất mát và hoài nghi, vẫn không màng. Cứ đi, lủi thủi tiến tới. Nơi đó, chỗ Cẩm dừng chân, sẽ có người dang rộng vòng tay, sẽ có người rót vào tai Cẩm những lời thân tình mà Cẩm chưa từng nghe, sẽ có người kê vào rãnh môi Cẩm bầu nước giang hồ chứa chan những hoài bão lớn. Hai vạt áo phong sương của người ấy sẽ mở ra, phủ bóng yêu dấu choàng lấy Cẩm. Những ngón tay sẽ chặm khô vết mồ hôi nhọc nhằn trên trán Cẩm, khua lên, gọi thức những trang dĩ vãng đẹp đẽ như chuyện cổ tích. Nhân vật ấy, không phải chỉ có trong thần thoại, mà chính là ba. Cái hình bóng ròng rã nhiều đêm liền, trở về ám mộng Cẩm không nguôi.
Cẩm giật mình tỉnh giấc khi có người đánh thức. Chị Châu.
– Em chiêm bao thấy gì mà ú ớ dữ vậy?
Chị hỏi, vẻ mặt tươi tắn. Cẩm dụi mắt, nhớ lại giấc mộng lạ lùng. Chẳng hiểu sao, Cẩm không muốn kể cho chị Châu nghe, nên nói lảng:
– Quên rồi. Em khát nước.
Chị Châu vui vẻ đi lấy nước cho Cẩm. Ngoài kia, nắng soi mỏng cành lá. Da trời ửng màu ve chai sau vuông cửa. Gian bếp rộng, chỗ tạm trú cho dân tản cư, sống động hẳn. Trẻ con đuổi nhau giữa mớ chiếu chăn bừa bộn, cười giòn tan. Người thân Cẩm đi đâu mất.
Cẩm uống một hơi cạn chén nước, rồi quệt mép hỏi:
– Nhà mình đi đâu hết rồi chị?
– Ông nội đang tập thể dục ngoài sân. Bà nội với má lên chánh điện tụng kinh cầu an. Anh Chúc bận họp hành gì đó. Còn thằng Chung chạy đi chơi rồi.
Cẩm thắc mắc:
– Anh Chúc họp hành gì vậy chị?
– À, em chưa biết. Thầy giáo Hoàng cũng tản cư lên đây. Thẩy đề nghị sư ông chia công tác cho mọi người. Ông bà nội trong đội bô lão. Má thuộc cánh phụ nữ lo việc ẩm thực. Anh Chúc với thằng Chung trong toán thanh niên giữ an ninh, trật tự. Chị là đoàn viên y tế và vệ sinh. Chị Ba Khởi, chú Năm Tự cũng có chuyện làm, coi đám gia súc và ra giếng gánh nước. Em khoẻ rồi, để chị nói với thầy cho em vô đội thiếu nhi học tập.
Cẩm ngơ ngác:
– Phải học nữa sao?
Chị Châu giơ tay vuốt tóc Cẩm:
– Nghe oai vậy chớ học hành khỉ khô gì. Toàn là ca hát với lại chơi giỡn. Thôi, em đi rửa mặt!
Rồi, nội ngày hôm đó, Cẩm được nhập đội thiếu nhi, họp mặt trong nhà trai. Nhiều đứa là bạn học Cẩm. Đội trưởng là các chị lơn lớn. Cẩm sà lại manh chiếu có nhiều đứa quen. Chưa ấm chỗ, thì có đứa vỗ vai, giọng hớn hở:
– Ê, nhỏ mít ướt.
Cẩm quay lại. Thằng Được cười toét, nhe hàm răng siết ăn lỗ chỗ. Cẩm cười trả, không nói. Thằng Được tự động ngồi xuống sau lưng Cẩm. Suốt buổi, mặc chị đội trưởng chỉ dạy cách giữ vệ sinh ngừa bệnh dịch, thằng Được cứ chồm mặt lân la gợi chuyện Cẩm. Tới nỗi chị đội trưởng phải tách nó ra ngồi riêng một góc, mới yên.
Chị đi trưởng vỗ tay yêu cầu im lặng:
– Bây giờ các em đồng ca bài "Đàn chim nhỏ", chị dạy hôm qua. Một, hai, ba, …
Chị bắt giọng, tay ra nhịp. Lũ trẻ con như bầy cưỡng đồng, ngẩng cổ vô tư, nghiêng mặt líu lo ca theo. Bài hát lạ hoắc lạ huơ. "Chúng em là đàn chim nhỏ, tự do trong trời xanh. Quê hương mình đẹp như tranh. Lúa vàng và sông rộng. Tha thiết mãi trong lòng…" Cẩm không thuộc lời, chỉ vỗ tay phụ hoạ. Tia mắt Cẩm chểnh mảng ngó ra khung cửa sổ mở bung có nhiều khuôn mặt tò mò ghé nhìn. "Chim ơi, chim ơi, tự do ơi, bao la. Từ rừng núi tới biển xa. Một dải huy hoàng của riêng ta…" Một khuôn mặt kệch cỡm đập vào mắt Cẩm. Cái đầu lắc lư theo điệu hát, tóc rối bù. Bộ dáng xấu xí ấy, Cẩm đã gặp rồi. Khi nào? Ở đâu? Cẩm cố moi trí nhớ. "Chim ơi, tự do ơi, cho ta…" Lời hát vẫn nhịp nhàng bên tai.
(còn tiếp)