Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 9

NgoVietNgoc-MuaLu_thumb.jpg

 

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

NgoVietNgoc-MuaLu

Mùa lũ – ảnh Ngô Viết Ngọc

 

 

(tiếp theo)

 

5.

 

Cảnh nhà sau khi nước rút trở nên tiêu điều, hoang phế. Vườn cây úng thuỷ giơ cành khẳng khiu. Gốc ổi lão cạnh chái bếp trốc gốc, vắt ngang mương cạn, nhánh lá rung theo gợn nước mỏng như nhịp thở mòn. Bùn non đọng lớp khắp nơi, trơn ướt dưới nền nhà, khắc ngấn khô nứt chân vách. Chậu sứ, đôn sành, lu khạp ngổn ngang đó đây. Cửa nẻo trống hốc. Vệt nắng giữa trưa xuyên mái hiên thốc ngói lỗ chỗ, soi vệt lốm đốm lên hàng ba lóng bùn nhầy nhụa. Rác rưởi vung vãi ngõ ngách.

Cẩm bàng hoàng ngước mặt. Trên đầu hồi, một con quạ than liếng mỏ như rình rập. Thấy đám người bên dưới lầm lũi tiến gần, nó xoạc cánh lên không, buông tiếng oang oác, nghe như nuối tiếc. Không ai nói gì, lẳng lặng vào nhà. Má khuỵu chân ngồi xổm, mặt ngửng quanh, đầu tóc vấn bung ra, xoã rối cặp vai mỏng. Chị Châu dìu bà nội tới ngồi lên bộ ngựa, chỗ ông nội thường nằm nghỉ trưa. Bây giờ Cẩm mới để ý tới tủ kiếng đựng sách và vật dụng linh tinh. Hai cánh tủ mở bung. Trời ơi, Cẩm kêu thầm, chạy lại nhìn kỹ. Bộ tượng tam ông Phước Lộc Thọ bằng ngọc thạch biến đâu mất. Cả tấm bình phong con con, khung gỗ mun, căng lụa hoạ bông tứ thời cũng không còn đó. Và những món tiểu xảo bằng đá quí được ba góp nhặt tứ phương đem về, cũng không thấy đâu. Chỉ còn lại những gáy sách xếp hàng trơ trọi. Cẩm xoè tay, run run miết ngón lên những dòng chữ nổi kim nhũ hoen mốc. Chữ bắt được hơi người, rực lên tươi rói từng vết từng vết. Trí Cẩm lùng bùng bật lên giọng đọc của anh Chúc trưa hè nào. Cảm giác sần sượng của chữ nghĩa từ đầu ngón tay mọc thêm những chấm nâu đỏ, tựa nốt ruồi loắn xoắn mấy sợi lông tài trên vai ba. Không dưng Cẩm cảm nhận nỗi gì như bất an, khi lờ mờ thấy ra những sợi lông đột ngột rơi rụng lúc Cẩm giơ tay khẽ vuốt. Cẩm sững sờ rút tay về, hai vòm mắt ngó trâng trâng vào khoảng không báo ứng.

Cẩm nghe mình hoảng hốt gọi lớn:

– Ba, ba …

Có tiếng chân đạp bùn bước lại. Bàn tay ai rớt xuống vai. Cẩm quay mặt, nước mắt ràn rụa khoé mi. Gương mặt nhăn nheo với chòm râu bạc của ông nội cúi gần. Giọng ông dịu dàng:

– Gì vậy con?

Cẩm mếu máo hụt hơi:

– Mấy … mấy … cuốn sách … sách … của ba.

Ông nội thở hắt:

– Còn nguyên đó, may quá!

Rồi ông ngẩng mặt lên nóc tủ, run giọng:

– Chỉ còn trơ trụi bình cắm nhang.

Cẩm nhỏ thấp, không thấy gì, nhưng có thể hình dung ra những mất mát. Trên đó, bàn thờ Phật với cặp chân đèn bằng đồng, bình bông men rạn sơn thuỷ, tượng Phật Quán thế âm bằng gỗ quí, tay cầm bầu nước cam lồ, cái mõ đồng đen khắc chữ Phạn mà mỗi sáng tinh sương Cẩm vẫn nghe ông nội thỉnh tiếng trong trẻo, và những món cổ vật cùng chậu kiểng lùn ông nội dọn lên lúc nước vừa lấp xấp dâng cao. Những mất mát trước mắt ấy, chẳng hiểu sao, Cẩm không cảm thấy sâu đậm bằng thứ linh cảm thoáng lướt qua mới nãy khi nhớ lại mụt ruồi đỏ bầm trên vai ba.

Từ nhà sau, tiếng anh Chung vọng lên hối hả:

– Má ơi, nội ơi … xuống đây coi nè!

Má lật đật đứng lên, bấu chân dẫm bùn men xuống nhà dưới. Mọi người tất tả theo sau. Khung cửa thông ra vườn sau mở tung. Má đưa tay che miệng, ngăn tiếng kinh ngạc. Một thân so đũa chúi qua vách gỗ, đập gẫy cái thang tre bắc lên gác thành hai khúc chỏng chơ trên đất bùn. Nắng sáng vàng lườm nhấp nháy chái bếp rộng. Trên mặt ván chỉ còn lại những vật dụng vô giá trị. Gia vị, mắm muối tung toé. Mùi hôi hám, ẩm thấp bám đầy không khí.

Không ai nói tiếng nào. Mỗi người tự động thu nhặt mấy thứ còn sử dụng được, một cách máy móc. Chú Năm Tự xăng xái cởi áo, ra nhà kho lấy xẻng cào bùn. Chị Ba Khởi vừa quệt nước mắt vừa xếp đặt lại nồi niêu, ông táo. Anh Chúc, anh Chung lo cưa, chặt thân so đũa chắn lối. Chị Châu giúp má tóm vén mớ tô chén bể. Cẩm đứng xớ rớ, chờ mọi người sai vặt.

Cây so đũa còn tươi lá, nghịt bông trắng. Không ai biểu, Cẩm cắp rổ, lặt bông cho chị Ba Khởi nấu canh tép. Chợt Cẩm hoảng hốt thu tay về khi vừa mon men chỗ lá rậm. Có vật gì động đậy. Một tiếng "chíp" khẽ khàng, như thể cầu cứu. Cẩm xoe mắt ngó kỹ, bật tiếng kinh ngạc:

– Ớ … ớ … tổ chim.

Cả nhà đồng loạt ngừng tay, máu mắn xúm lại chỗ Cẩm đứng. Cẩm rón rén vạch lá. Giữa đám lá xanh rì, một ổ rơm con vương vãi vỏ trứng bể và hai nhúm thịt đỏ hỏn quắp quíu cạnh nhau, im re. Cầm toan thò tay nựng nịu thì ông nội ngăn lại:

– Đừng làm nó sợ, con!

Cẩm ngỏn ngoẻn:

– Dễ thương quá à!

Má chen vô:

– Chỉ có chim mẹ mới biết cách đối xử sao cho đúng, con lớ quớ làm nó gãy chân, lọi cánh, tội lắm.

Cẩm chau mày thắc mắc:

– Mình phải làm sao bây giờ, má?

Má còn ngần ngừ thì chú Năm Tự đã bày vẽ:

– Tui đề nghị mình đem tổ chim dọn lên cây so đũa ngoài kia.

Không ai phản đối. Chị Châu nhắc nhở:

– Nhẹ tay nghe chú Năm!

Người đàn ông xoè đôi bàn tay ô dề, ngửa úp, tháo gỡ tổ chim. Hai con chim non cảm nhận được điều bất thường, mọp cánh thin thít. Cẩm nín thở dõi mắt theo từng cử động của chú Năm Tự. Tay chú chai sần, thô kệch vậy mà khéo léo không ngờ. Chốc sau tổ chim con đã yên vị gọn bâng trong hai bàn tay chú. Cẩm xoa tay reo:

– Ô, hay quá, chú Năm giỏi quá!

Rồi Cẩm cùng anh Chung tíu tít theo chân chú ra vườn. Má tươi mặt ngó theo, tâm tư bớt nặng nề, như vừa chứng kiến điều nhiệm màu nhỏ nhoi sau cơn biến động trầm kha. Má thấy ra lý lẽ rạch ròi chuyện tử sinh và những thịnh suy của đời sống. Bà vừa lăng xăng thu dọn vừa nghĩ ngợi mông lung, sực nhớ tới mấy thứ cất giấu, chỉ mình bà biết.

Đêm trước hôm tản cư lên núi Phụng, mưa rỉ rả triền miên, gió ngả nghiêng bốn hướng, má trở trăn qua lại trong buồng riêng. Bà không phải là người ưa chưng diện, dù vậy vẫn tư hữu một mớ nữ trang và vàng vòng đựng trong cái tráp hai ngăn bằng gỗ mít có khoá chốt. Một ngăn đựng vàng lá, mề-đai, cà-rá nhận hột xoàn. Có thứ là của hồi môn hai bên nội ngoại, có thứ là vật sính lễ ngày cưới của đàng trai, thứ khác là quà riêng của ba mua tặng mỗi bận về thăm. Và một số di sản của bà ngoại để lại. Má ưng bụng nhất đôi bông cẩm thạch tòn teng hình giọt nước. Thuở còn thanh xuân, má thường lấy ra sắm sửa những dịp lễ lạt. Khi tuổi đã ngoài tứ tuần, bà chỉ đeo chúng vào những khuya tái ngộ ân tình. Món trang sức nầy thật ra không phải thứ đáng giá, nhưng là tặng vật đầu tiên của ba lúc má ốm nghén đứa con đầu lòng. Lẽ đó, nó tiềm tàng một ý nghĩa đặc biệt.

Liên tiếp nhiều đêm, má đắn do, không biết nên cất giấu những món quí giá nầy chỗ nào. Sực nhớ tới hai bộ thọ ăm ắp lúa dọc hiên nhà, má rón rén cắp tráp, dò dẫm bước ra ngoài đêm. Gió cào ran rát vườn lá. Đôi khi một lằn chớp mỏng, ngoằn ngoèo cứa ngang trời. Lưng đất chợn vợn rực lên rồi trở lại tối ám. Má đặt tráp xuống đất, gắng sức mở nắp quan. Hòm xiểng bằng gỗ cẩm lai, nặng vậy mà không hiểu sao, chẳng cần dụng sức nhiều, má cũng nhấc được sang bên. Bà lẹ tay chia mớ nữ trang vô hai túi nhung, vừa vùi chúng xuống sâu lòng áo quan, vừa lẩm nhẩm cầu nguyện vong linh người khuất mày khuất mặt phù hộ mọi sự an lành.

Hôm nay, đêm đầu tiên về lại ngôi nhà thân thuộc, má cũng không an giấc. Côn trùng tấu khúc du dương ngoài ruộng vườn, ra rả len qua cửa sổ lá sách. Bóng trăng nhợt nhạt kẻ vệt sóng soãi lên vách tối. Má nằm vắt tay ngang trán, nhắm mắt để đó, như vậy không biết bao lâu. Khi ngôi nhà hoàn toàn tĩnh mịch, má chống tay ngồi dậy, xuống giường, lần ra mái hiên. Hai bộ thọ vẫn nằm đó, vững vàng trên cặp chân ngựa gỗ mít. Không dưng nhịp tim má đập mau. Ánh trăng dường như sống sượng, lộ liễu làm má không khỏi ngần ngại. Má lần chần chờ tới khi có áng mây đêm vắt ngang khung trăng, mới vung tay xô nắp. Lớp gỗ nặng chịch như đóng chốt. Má bặm môi, cố sức bình sinh vẫn không thể lay chuyển. Sau vài lần, trán má bắt đầu tươm mồ hôi. Lạ quá, má nghĩ bụng, lần trước má đâu cần vận sức nhiều như vậy. Má hổn hển gập người vắt ngang nắp áo quan, vòng tay ôm lấy mặt gỗ ớn lạnh hơi đêm. Tự dưng má trào nước mắt, cảm giác bất thường choáng váng đầu óc. Những khuôn mặt quá vãng ngoi ngóp hiện về tâm tưởng má, tròng tréo nhau, lem luốc xám trắng. Không những của hai đấng sinh thành, của thai nhi chớm tượng hình, mà lạ thay, cả khuôn mặt sắc cạnh, cương nghị của người phối ngẫu cũng loè nhoè ẩn bóng. Má lắp bắp lời khấn nguyện nằm lòng, mười ngón tay ghịt lấy da gỗ rờn rợn hơi ấm. Bà loáng thoáng nhận thức tính vô nghĩa của mọi vật. Như bèo bọt những con nước phù sa, tất cả rồi sẽ tan đi, mất biến trong vòng chuyển hoá của đời sống, thì sá gì mớ vật chất điểm trang kia. Vòng ôm má lơi dần. Khung trăng sạch ráo mây giăng, tỏ lộ tán quang vằng vặc. Bất giác má bắt được mớ tiếng động âm ỉ, lắc rắc như thể những sớ gỗ vô tri đang lần lượt trở mình ngoi dậy. Má buông tay, lùi lại nửa bước, sửng mắt ngó hiện tượng dị thường. Không gian vẫn trầm mặc ánh trăng soi. Côn trùng vẫn thầm thì âm điệu đêm. Gió miên miết chòm cây xoã tóc lá. Má nhíu mày như thể mê hoặc thân gỗ nặng nề, trơ trơ trước mặt.

Má xê dịch nắp quan sang bên, một cách dễ dàng. Lúa còn nguyên vẹn đó, đầy ắp. Bà xọc tay lục lọi, chốc sau rút ra hai túi nhung nâu. Má nhắm mắt, lẩm nhẩm cảm tạ các đấng vô hình. Trong giây phút linh hiển bàng bạc đó, bà chạnh lòng tha thiết nhớ tới người bạn đời, không biết giờ nầy lưu lạc phương nao, có thấu chăng gia cảnh đang gặp cơn khốn khó? Rồi không hiểu sao, lúc trở lại buồng nằm, má mầy mò lấy ra đôi bông cẩm thạch, xỏ vô tai. Dòng hồi tưởng rạt rào xô tới.

 

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)