Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài
(tiếp theo)
Chỗ nghỉ trưa là liếp đất bồi từ thuở nào không biết, giờ đã khô quánh, đẫm bóng mát tàn bần hai mùa tươi lá. Chú Năm Tự trải chiếu chỗ bằng phẳng. Trong khi ông Bông ngồi xếp bằng, lau chùi, thông nòng cây súng săn, chú xăng xái dọn bữa. Bà Bảy gói ghém đùi gà rô-ti nước dừa ăn kèm bánh mì, một chai rượu nho, một chai nước lọc và một bình thuỷ đựng trà. Ông Bông kêu chú Năm cho chó Su uống nước, rồi trỏ tay cho phép chú ngồi xuống cạnh ông. Chú Năm rụt rè phủi đáy quần cụt, ngồi cách người chủ da trắng một sải tay, chờ nghe sai biểu. Mặc dù sáng nào chú cũng lau rửa thân thể ông, nhưng chú làm vì bổn phận tôi tớ, chớ không nghĩ ngợi gì khác. Hôm nay, lần đầu tiên chú có cảm tưởng thật sự thân cận ông.
Ông Bông lẳng lặng ăn uống, xương thừa quăng cho chó Su gặm. Nhác thấy chú Năm Tự ngồi co một chân không cục cựa, ông nhíu mày ngạc nhiên, môi mép láng lẩy mỡ:
– Ủa, không đói sao?
Chú Năm nuốt nước miếng, dạ dạ. Ông Bông hối:
– Ăn đi chớ!
Chú Năm vói tay bốc cái đùi gà vàng lườm, tươm mỡ. Thơm ngon làm sao. Bơ mặn quyện nước dừa tươi ngọt béo phi tỏi làm cái đùi gà giò có hương vị lạ miệng khó tả. Chú Năm ăn thiếu điều nuốt trộng. Ông Bông xuề xoà:
– Chú gặm xương ngó như chó Su.
Chú Năm hiểu ý chủ, nói mà không thâm ý. Ông Bông mút chóp chép ngón tay, cầm chai rượu nho trắng, ực mấy ngụm liền. Rồi ông ợ một tiếng sảng khoái, cất giọng trỏng trơ:
– Lâu lắm tôi mới được tự do, thoải mái như vầy.
Chú Năm dạn mặt quay nhìn. Ông Bông nhíu mắt hướng ra xa. Nắng trưa hừng hực rưới không thương tiếc lên sông ruộng. Thú vật và cây cỏ phơi lưng trần trụi dưới cái nóng khắc nghiệt. Chó Su đã khoanh đuôi ngủ say bên mép chiếu. Giọng ông Bông trầm trầm, lơ lớ:
– Xứ An nam nầy, hổng hiểu sao, cuốn hút tôi dữ vậy không biết. Ma-đàm đâu có muốn qua đây. Tôi phải năn nỉ hoài, bả mới chịu đi đó chớ. Đất đai nơi nầy, rừng vàng biển bạc, vậy mà con người còn lạc hậu, vô thần, người Tây chúng tôi muốn giúp cho phát triển, có được niềm tin ở đấng tối cao, chớ không có ý xấu. Đã không chịu hiểu thì thôi, còn nổi lên chống đối là sao?
Chú Năm Tự ngậm tăm. Cảm giác bất ổn từ lúc thấy kiểu cách ông Bông săn bắn rồi ăn uống ngồm ngoàm khiến chú không khỏi sinh lòng ngờ vực những lời ông vừa thốt.
– Đáng lẽ người An nam phải mang ơn chúng tôi mới đúng. Chú thấy sao?
Bị hỏi bất chợt, chú Năm không khỏi lúng túng:
– Dạ … dạ … tui hổng rành chuyện quốc sự, thưa mơ-xừ.
– Nói vậy, biết đọc biết viết không?
– Dạ, không.
Ông Bông "hừm" tiếng nhỏ. Bất giác ông vươn vai, khớp xương giãn răng rắc.
– Nóng nực làm mau mệt. Chú biết đấm bóp không?
– Biết chút đỉnh, mơ-xừ.
– Đấm lưng cho tôi vài cái, tôi thưởng tiền.
Nói đoạn ông thản nhiên cởi quần áo, sấp ngực xuống chiếu. Chú Năm Tự dụ dự giây lát rồi khum tay vần nắn sống lưng săn sẻ của người đàn ông. Động tác chú mạnh dần. Ông Bông nghiêng mặt, lim dim mắt khoan khoái. Da lưng ông đỏ rần, mồ hôi ướt át lòng tay chú Năm Tự. Đôi lúc ông Bông không kềm được, hé môi ư ử … Âm thanh nầy, đã có lần chú nghe được, khi bưng nước ấm cho ông bà Bông lau rửa mỗi sáng. Cửa buồng chỉ khép hờ. Qua khe sáng lờ mờ ngọn đèn chong, sau lớp vải mùng, chú thấy phản lưng nặng nề của mơ-xừ úp trên tấm da thịt trắng hếu của ma-đàm. Chú Năm chùn chân, lớn mắt chăm bẳm. Người đàn ông ngấc đầu, chõi tay, đáy lưng nhún nhẩy. Bà Bông rướn cổ, quặt tay ra sau, bấu song sắt đầu giường, nẩy bụng hứng hẩy. Cột xương sống chú Năm như có ai rạch một đường dao bén, sinh lực trai tân ứa khắp lỗ chân lông theo tiếng hai con thú da trắng rên siết hỗn hễn.
Trưa nay, cũng tiếng hắt ấy thoát ra cửa miệng ông Bông, bắt chú không khỏi liên tưởng cảnh tượng mắt thấy tai nghe sáng nào. Chú rùng mình, ấn hai đầu ngón cái xuống rãnh mông giao lông vàng hoe. Ông Bông nửng người vài cái, nấc giọng đùn đục. Chú Năm vần mạnh mười ngón tay lực điền lên thớt lưng nhớp nhúa mồ hôi. Bất ngờ, ông Bông trở lưng bật ngửa, thở phì phì, miệng láp dáp:
– Bông, bông … Giỏi, giỏi lắm!
Rồi cầm tay chú Năm dúi lên phần dương vật gân guốc, láng lẩy. Chú hiểu ý, nắm lấy, lục sục tới lui, lẫn đẫn nghĩ tới mớ tiền thưởng hậu hĩnh sau đó. Nhịp thở người đàn ông gấp gáp hụt hơi, mặt mày lệch lạc chừng như đau đớn. Cho tới lúc không cưỡng lại được, ông trâng người rống tiếng thống khoái, rúng rẩy phún tinh lên khoảnh bụng nạm lông xoắn.
Chú Năm Tự giơ tay quệt mồ hôi trán. Một tay ông Bông, không biết vô tình hay cố ý, vê vuốt nhột nhạt bắp chân chú như mơn trớn. Ngồi lâu không cử động, hai đùi chú tê rần, tuồng như thịt da đông đặc, nhốt chặt mớ cảm xúc tan hoang, bấn loạn.
Cơn phóng dậc lắng xuống, ông Bông hắt giọng hệch hạc:
– Về nhà, nhắc tôi đưa tiền!
Xong, ông nhổm lưng, chạy một mạch xuống sông. Chó Su tỉnh ngủ, quắn đuôi rượt theo. Tiếng sủa, tiếng khuấy nước khua động mảnh nắng trưa tĩnh mịch.
*
Bà Bảy đi thăm con gái ở đẻ, trở lại đã hai ngày rồi mà vẻ mặt lúc nào cũng dàu dàu. Chú Năm Tự hỏi han, bà chỉ trả lời cụt ngủn. Chú linh cảm chuyện chẳng lành, nhưng chưa có dịp thuận tiện tìm hiểu cớ sự. Ông Bông đi Sài gòn từ hôm qua, nửa tháng mới về. Ông dặn chú Năm nhớ coi sóc chuyện nhà cửa chu đáo. Hằng năm ông có lệ lên Sài gòn vài ba bận để giải quyết mọi thứ giấy tờ, nhân tiện mua sắm vật dụng cần thiết, thuốc men và thực phẩm tây thiếu hụt, lần nào về cũng chở khẳm ghe máy. Chú Năm Tự để ý thấy dường như bà Bông không lộ vẻ gì nhung nhớ.
Sáng nọ, thức dậy ra nhà sau rửa mặt, chú Năm không thấy ánh lửa bếp bập bùng vuông cửa mở như thường lệ. Chú tới gõ vách buồng bà Bảy thì nghe tiếng bà ư hử yếu ớt. Chú lập tức xông vô, thắp đèn, vén mùng thấy bà nằm ngoặt đầu, mớ tóc bạc sấp sải mặt gối. Chú hấp tấp nâng đầu bà lên, kêu hoảng :
– Bà Bảy, bà Bảy, bà sao vậy ?
Người đàn bà hé mắt mấp máy :
– Tui … tui … thấy xây xẩm, khó ở … quá … chú ơi!
Chú Năm xốc lưng bà lên, nói mau:
– Để tui xức dầu, cạo gió cho !
Bà Bảy khoát tay gượng gạo :
– Khỏi, khỏi … chú coi nhóm lửa, lo bữa lót lòng giùm tui.
– Được rồi. Bà đắp mền nằm nghỉ cho khoẻ. Trời, tay chưn sao lạnh ngắt vầy nè!
Không đợi bà Bảy phản ứng, chú Năm Tự đặt bà nằm xuống, lấy dầu nóng nắn tay nắn chân. Cả người bà lập cập run rẩy. Hơi ấm máu huyết từ từ lưu thông trở lại. Vừa lúc có tiếng chân người bước vô. Giọng bà Bông lo lắng:
– Chuyện gì vậy?
Chú Năm không day mặt:
– Chắc bả bị trúng gió, ma-đàm.
Bà Bông tới gần, kêu chú Năm Tự soi đèn cho bà vạch mắt bà Bảy ra săm soi, hỏi han cớ sự rồi thở hắt:
– Sốt rét rồi. Để tôi lấy kí-ninh cho uống.
Xoay qua chú NămTự, bà ra lệnh:
– Chú đi cho chó ăn rồi ra vườn làm việc, mấy chuyện khác để tôi lo.
Chú Năm lo lắng:
– Bà Bảy bị vậy, có sao không, ma-đàm?
Bà Bông lắc đầu:
– Không sao đâu, uống thuốc năm bảy bữa sẽ khỏi.
Nghe vậy, nhưng chú Năm Tự vẫn lo chằm chặp. Ngày ngày, xong việc đâu đó, chú tự động vô bếp nấu cháo, pha trà gừng trà quế cho bà Bảy. Bà Bông biết thói ăn nết uống dành cho người bệnh của dân An nam nên để yên. Chú Năm Tự còn đỡ đần bà Bông chuyện nấu cơm, rửa chén. Thấy chú Năm quán xuyến việc trong ngoài tươm tất, bà Bông ưng bụng lắm. Một bữa, chú Năm bưng khay trà bánh cữ chiều ra nhà thuỷ toạ cho bà Bông, bà đề nghị:
– Hôm nào mơ-xừ trở lại, tôi cho phép chú về thăm quê bảy bữa.
Chú Năm khúm núm:
– Đội ơn ma-đàm.
Bà Bông lân la hỏi dò:
– Tính ra, chú tới ở đợ cho vợ chồng tôi đã hơn một năm, vậy chú thấy sao?
Chú Năm Tự không khỏi lúng túng:
– Dạ, dạ, … tui thấy vừa bụng.
Bà Bông cười khẽ, ra dấu biểu chú ngồi xuống:
– Vừa bụng là sao? Chú cứ nói thiệt, đừng ngại!
– Thưa ma-đàm, miếng ăn chỗ ngủ đàng hoàng, việc làm có giờ giấc, lương hậu, tui đâu muốn gì hơn.
Người đàn bà gật gù ra chiều vừa ý:
– Nói vậy, mơ-xừ có bàn với chú chuyện rửa tội chưa?
Chú Năm đáp nhỏ, dạ chưa, mà đầu óc lan man nghĩ tới những lần tháp tùng ông Bông ngược xuôi đây đó vừa qua. Kể từ cái buổi đi săn vịt, ông Bông thường tìm tạo dịp đi riêng với chú Năm Tự. Không hiểu do đâu, ông bà Bông làm chủ được nhiều mẫu ruộng ở miệt rừng úng thuỷ. Cứ mỗi đầu tháng, ông Bông lại giắt súng sáu, kêu chú Năm chở đi thâu tiền nhà tiền đất. Dọc đường, nghỉ trưa chỗ khô mát, ông lại sai chú xoa bóp hoặc ra lệnh để ông thoả mãn dục vọng thân xác, kèm theo lời răn đe, bổn phận nô lệ của dân An-nam-mít đối với người Tây tiến bộ là phục tòng tuyệt đối, không được cãi. Tuy vậy lần nào, sau đó, ông cũng dấm dúi cho chú vài cắc bạc Đông dương buộc-boa.
Có lần vui miệng, ông thuật chuyện lai lịch mấy mẫu điền đất tư hữu.
Có tay phú hộ mê cờ bạc, thua tới độ phải vay nợ, bán đất. Ông Bông ban ơn bằng cách mua giúp. Lần hồi rồi ông thấy ra, làm chủ đất miệt nầy không phải chuyện đơn giản. Dân Nam kỳ thuộc điạ tuy dễ tính nhưng nóng nảy, lại dễ bị lôi cuốn theo Việt minh hoặc mấy đảng phái cách mạng chống Pháp. Thời gian gần đây ông thấy đã nhú mầm chống đối. Dân ở mướn không còn tiếp đãi lịch sự, mời ăn mời uống, biếu xén quà cáp cho ông bà Bông nữa. Có người đóng không đủ địa tô, đổ thừa tại nước háp, hứa mùa gặt tới sẽ nộp đủ số. Đã mấy mùa thu hoạch trôi qua, vẫn không thấy gì. Lý ra ông Bông làm mạnh, đòi lại đất, nhưng thấy họ lộ mặt hung dữ, ra vẻ chống đối bằng võ lực, ông đành hoà hoãn trở về. Hơn nữa, có người đã từng tới nhà ông nghe giảng đạo Chúa trời, lẽ nào ông hành xử hà khắc?
Bận trước, xuống ghe về, được một quãng thấy trên bờ lố nhố năm sáu gã thanh niên, mình trần trùng trục, đứng huơ dáo mác đe doạ. Một người còn hô lớn:
– Đuổi Tây mũi lõ về nước!
Cả bọn hùa theo:
– Đuổi nó về!
– Quân thực dân ăn cướp, đánh chết mẹ nó đi!
Ông Bông chột dạ, nhưng cố giữ bình tĩnh, đứng lăm le họng súng sáu về hướng đám đông khí thế bừng bừng. Chú Năm Tự nao núng, xắn dầm chèo lẹ ra sông lớn.
(còn tiếp)