Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Tiếng suối đêm giao mùa

Văn chương có hai đề tài lớn: tình yêu và cái chết.

Marcel Reich-Ranicki.

 

edvard munch Cuối năm âm lịch nhằm cao điểm đông chí, mới năm giờ chiều mà trời đã tối sẩm. Vừa xong thời kinh chiều và cúng giao thừa, thầy Trí tắt ngọn đèn chính, ngoảnh mặt nhìn trang thờ Phật leo lét hai chân nến điện, vừa bước ra thì nghe tiếng chuông cửa. Thầy cao giọng gọi:

– Cang à, ra coi ai đó con!

Rồi chau mày lẩm bẩm: ‘‘Ai tới xông đất vậy kìa? Điềm gì đây không biết?’’

Niệm Phật đường Mai thôn nguyên là một nông trại nhỏ, tồi tàn, do một thí chủ bản xứ cúng dường trước khi qua đời. Trại nằm ven đường làng, cạnh thửa đất trồng lê táo. Lúc thầy Trí tới viếng trại, nhằm tiết xuân, vườn cây nghịt bông trắng. Cái tên Mai thôn ra đời từ đó.

Thầy lần chần đứng ở hành lang, chờ. Một giọng đàn bà khe khẽ, ngại ngần:

– Chào chú, xin lỗi cho tôi gặp thầy trú trì.

– Dạ, sáng mai bà trở lại được không? Giờ mở cửa từ …

– Chuyện gấp lắm, chú à, cần xong trước giao thừa.

– Giao thừa qua rồi mà.

– Theo giờ địa phương, còn tới bảy tiếng.

– Nhưng mà…

Chú Cang còn dùng dằng thì thầy Trí đã bước tới, mở rộng cửa. Hơi lạnh lùa vào se sắt. Thầy chắp tay xá chào, niềm nở:

– Mời bà vào.

Người đàn bà bước vội vào trong. Chú Cang lấm lét cúi nhìn dấu giày khách lạ loen tuyết trên thảm, rồi xập cửa lại. Hương nước hoa đài các thoang thoảng. Cách phục sức của người khách kiêu kỳ, lạnh lùng, gần như xa cách. Khăn nỉ quấn đầu, choàng quanh cổ. Áo khoác lông thú lụng thụng. Găng và xách tay bằng da tiệp màu.

Thầy Trí chỉ chỗ cho người đàn bà máng áo, cất khăn quàng và găng tay. Chú Cang lẽo đẽo theo sau, chờ sai bảo, mắt không ngớt quan sát cử chỉ và diện mạo người khách cuối năm. Gương mặt điểm trang khéo. Cặp chân mày tỉa lá liễu, mí viền nhạt chì xanh, nổi bật hàng lông nheo vuốt cong. Môi tô son huyết dụ, hợp với màu áo len khoác ngoài sơ-mi cổ bẻ. Quần nỉ mỏng màu tro. Lúc bà giơ tay sửa xâu chuỗi ngọc trai đeo cổ, để lộ bàn tay thô xấu, sần sượng, cộm gân xanh, như thể của ai khác.

Thầy Trí bảo chú Cang pha trà đãi khách, rồi mời người đàn bà vào thư phòng. Lúc thầy tới bên cửa sổ, đưa tay đẩy khung kính quên khép thì tuyết bắt đầu rơi. Hàng bông tuyết buông thơi thả từng nụ trắng nõn, sáng lên trong ánh đèn hiên nhợt nhạt. Không gian lặng gió, tịch mịch sau lớp kính chắn, gieo vào tâm tư thầy thứ cảm giác khác thường như đứng trước một bức tranh thuỷ mặc sống động, hoành tráng, vỏn vẹn hai màu đen trắng. Cái động hờ hững của tuyết. Cái tĩnh lầm lì của những bộ xương cây. Lưng trời xám ngoét, nặng nề như một vách đá. Bấy nhiêu sắc ảnh hiện lên trong tích tắc. Thầy Trí mang mang nhận ra tâm mình vẫn chưa tịnh lắng.

Hương trà thơm thoảng khiến thầy tỉnh táo. Chú Cang cất tiếng mời người đàn bà, cầm khay lui ra, ánh mắt đầy nghi hoặc.

Thầy Trí khởi giọng:

– Thưa, bà đến đây có chuyện chi?

Người khách khẽ động rãnh môi, nét mặt vô cảm:

– Xin lỗi đã quấy rầy thầy vào giờ giấc thiêng liêng này. Ngặt nỗi, tôi ở tỉnh xa, lạc lối khá lâu mới tìm ra.

Thầy Trí nhoẻn cười rộng lượng, hai bàn tay đan trong áo thụng bắt đầu tươm mồ hôi. Thầy có tật hay đổ mồ hôi bất chợt như vậy.

– Không sao. Chắc hẳn bà tới không phải để cúng Phật đầu năm?

– Không hẳn, thưa thầy. Nếu thầy cho phép, tôi xin kể câu chuyện, có hơi dài dòng.

Thầy Trí bung tay, đặt khum khum trên mặt bàn. Hơi ấm lòng tay thầy ám mờ một khoảnh gỗ bóng.

– Bà cứ nói!

Người đàn bà nâng chung trà men lam, thổi giạt hơi nóng, hớp một ngụm, đặt xuống. Tiếng ‘‘cách’’ thật khẽ, trong veo như mõ gióng. Tâm thân thầy Trí dập dềnh trôi theo giọng kể từ tốn của người khách đêm trừ tịch nơi đất trú.

– Tôi theo về quê chồng vào cuối thập niên sáu mươi …

*

Jan có một đứa con trai trong đời vợ trước. Sau khi người vợ qua đời vì bệnh nan y, chàng tìm quên bằng cách xin qua Việt nam làm công tác thiện nguyện. Đứa con được giao cho bà nội nuôi nấng. Thuở ấy tôi là thành viên đắc lực trong Phong trào Thanh niên Chí nguyện do thầy Thích chân Hạnh khởi xướng. Lần đầu tôi gặp Jan trong một dịp cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung. Đâu khoảng 1966. Tôi mười chín tuổi. Jan đã xấp xỉ bốn mươi. Cả đoàn thân mật đặt cho chàng cái tên Việt nam, anh Giang.

Trận bão những ngày qua chưa tan hẳn. Vòm trời ảm đạm giăng mây chì. Gió từ biển thổi vào, phần phật qua cánh rừng điêu tàn vì thuốc khai hoang. Những mái lá xiêu vẹo. Cư dân từ các thôn làng bị ngập lụt lũ lượt kéo về tạm trú trong sân vận động tỉnh. Công việc của chúng tôi là căng lều, xây nhà vệ sinh, phát thuốc giúp cách anh chị trong ban y tế, chăm sóc các trẻ em thất lạc thân nhân. Mệt, nhưng vui.

Jan là người da trắng độc nhất trong đoàn. Chàng nói được bập bẹ tiếng Việt nam. Chúng tôi giao tiếp với nhau bằng Anh ngữ. Chỗ trú của chàng là chiếc lều cá nhân màu xanh cắm ngoài khuôn viên trại tạm cư. Không hiểu sao, dáng điệu nửa thân thiện nửa khinh bạc của chàng khiến tôi chú ý ngay từ đầu. Chúng tôi bắt chuyện với nhau trong lần đi vét mương chung. Xong, chàng rủ tôi đi dạo. Tôi hỏi, đi đâu? Chàng đáp, ra biển. Tôi hơi ngạc nhiên. Từ hôm ra đây tới giờ, tôi chỉ quanh quẩn trong trại, đâu biết rằng nơi đây gần biển. Đôi lúc bất chợt, tôi bắt được hơi muối mặn theo gió thốc ngang. Chút lãng mạn thanh xuân thoáng hiện. Tôi hỏi, xa lắm không? Jan trỏ tay bâng quơ, gần thôi. Thì đi. ‘‘Gần thôi’’ của Jan mất khoảng ba mươi phút. Thời tiết hôm ấy hanh nắng. Những vạt nắng hiếm hoi lâu lâu chọc thủng tầng mây xám, soi từng chặp lên mặt đất. Lòng tôi rộn ràng vì biết rằng bão sắp dứt. Vừa khi chúng tôi tới biển, nắng rựng lên. Mặt biển chói loà, nhấp nháy. Từng đợt sóng vươn vai, quất mạnh xuống, rồi líu ríu đùa vào bãi. Đợt này tới đợt kia, không mỏi. Bãi vắng tênh. Cát trắng tinh, không dấu chân người. Khơi xa, không một bóng ghe chài. Quang cảnh bao la, kỳ bí. Viền núi lam mờ nơi xa gợi thêm vẻ hùng vĩ. Chúng tôi ngồi trên đụn cát thưa cỏ.

‘‘Đất nước cô đẹp lắm, cô biết không?’’

Tôi rợn người xúc động, chỉ biết gật đầu. Chúng tôi im lặng đỗi lâu. Sau đó tôi mở lời:

‘‘Tại sao anh chọn nơi này?’’

Jan quay mặt nhìn tôi. Tóc chàng để dài, gió thổi vài lọn vướng ngang gương mặt ốm. Chàng giơ tay vén, rút sợi dây thun trong túi áo, cột túm sau gáy. Hai mắt Jan xanh thẫm, trong vắt soi vào hai mắt tôi nâu đen.

‘‘Phần vì tôi muốn đi xa, càng xa càng tốt. Phần khác, tôi muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa. Quê hương cô đang gặp thảm hoạ chiến tranh. Chỉ có vậy.’’

‘‘Anh không sợ sao?’’

‘‘Có, nhưng ít thôi. Tôi đi ba năm rồi về.’’

‘‘Anh nghĩ sao về cuộc chiến này?’’

Jan trầm ngâm quay nhìn ra hướng biển. Vài dải nắng ít oi lướt thành những diện tích ánh sáng trên nước. Đẹp não bùng.

‘‘Chúng mình nói chuyện khác được không?’’

Tôi mau mắn:

‘‘Được chứ. Anh nói trước đi!’’

‘‘Cô thích nghe chuyện gì’’

Tôi ngập ngừng:

‘‘Chuyện tuyết.’’

Jan cười thành tiếng:

‘‘Tuyết thì có gì để kể.’’

‘‘Tôi thấy cảnh tuyết thơ mộng chứ.’’

‘‘Vì cô chưa thấy nên nghĩ vậy, thật ra chẳng có gì đặc biệt. Nhưng… mà… có câu chuyện này ít nhiều liên quan tới tuyết, tôi kể cô nghe nhé! Dòng họ tôi gốc Do thái, lì lợm lắm. Mẹ tôi thỉnh thoảng lại nhắc tới cái chết của ông ngoại bà, tức ông cố của tôi. Thuở ấy chúng tôi cư ngụ tại miền nam Đức, giáp ranh nước Ý, bên rặng núi Alpen. Ông cố tôi có tính mẫn cảm bẩm sinh, biết trước những thiên tai. Năm ấy ông đã ngoài tám mươi, nghễnh ngãng lắm rồi. Thành ra không ai để ý tới mấy điều ông cứ lặp đi lặp lại, đỉnh núi tuyết kia là nấm mồ chôn tao đấy. Một hôm, nhà vắng người, ông gọi mẹ tôi vào, lúc đó bà xấp xỉ mười tuổi, bảo mẹ sửa soạn quần áo, giày vớ ấm cho ông. Đang mùa đông, bên ngoài tuyết phủ dầy mấy tấc. Đỉnh Bạch sơn trắng như bông, sừng sững. Lâu lâu vài cơn chấn động ngầm làm tuyết truồi, trắng xoá một góc trời. Cảnh tượng vừa ghê rợn vừa quyến rũ. Ông nói với mẹ tôi, giờ đã điểm, chỗ an nghỉ cuối cùng của ông là trên kia. Mẹ tôi nào hiểu gì, lẽo đẽo theo ông tới chân núi. Ông dặn dò, cháu về nhắn với mọi người cứ yên tâm, đừng lo cho ông mà hãy tự cứu lấy thân, trận địa chấn cấp bảy sẽ xảy ra vào khuya mai, liệu mà tản cư đi nơi khác. Không tin, coi chừng mất xác cả lũ. Đã nói rồi, cái nấm mộ vĩ đại thế kia… Mẹ tôi khóc, nài nỉ, níu kéo ông quay về. Ông nhất định không. Dùng dằng cho tới lúc không biết phải làm sao, mẹ đành bỏ ông ngồi đấy, hấp tấp trở lại nhà, kêu cứu. Bất ngờ trời đổ tuyết mịt mù, mất lối. Thâu đêm, cả nhà thắp đuốc tìm, vẫn không thấy ông đâu. Sáng ra, truy lùng thêm lần nữa, vẫn vô hiệu quả. Sau đó ông ngoại tôi chở tất cả sang trú tạm nhà người quen, tránh thiên tai. Địa chấn đâu không thấy, tuyết truồi cũng không nốt. Mãi hai mươi năm sau lời tiên tri của ông cố mới ứng nghiệm. Đó là thảm cảnh Đức quốc xã sát hại sáu triệu di dân Do thái. Cả dòng họ tôi, chỉ mẹ tôi sống sót nhờ lấy chồng gốc Đức thuần chủng. Tôi hỏi mẹ, vậy lúc đó ông cố đi đâu? Bà nhún vai, bảo ông bị chứng hoang tưởng, nghe trong đầu tiếng gọi của núi tuyết, chắc đã bỏ xác dấm dúi đâu đó dưới vực băng trên đỉnh Bạch sơn.’’

Suốt câu chuyện kể, Jan không nhìn tôi, mặt ngoảnh ra khơi xa, nơi có những dải nắng nhấp nhô đuổi nhau trong gió. Mây tan dần. Thấp thoáng cuối trời, khe ánh sáng rụt rè ngoi lên. Jan dứt lời, tay ngắt một dúm cỏ, đứng thẳng người, thả bay theo gió. Tôi đứng lên theo. Gió phất tung tóc chàng và tóc tôi. Gió lộng căng lưng áo chàng. Ngón tay gió luồn vào ngõ ngách da thịt tôi, mơn trớn nổi gai.

Tôi hỏi Jan một câu vô vị:

‘‘Anh có thấy mấy dứa trẻ lạc mất cha mẹ?’’

Jan gật đầu:

‘‘Những đứa trẻ Do thái bị lùa vào trại tập trung.’’

Tôi muốn nói với Jan, hai trường hợp không hoàn toàn giống nhau, nhưng không nỡ khi nhìn nét mặt đắm đuối phiền muộn của chàng, chỉ khẽ nhắc:

‘‘Chúng mình về thôi.’’

Sau buổi dạo biển hôm đó chúng tôi thân thiết nhau hơn. Trở lại Sài gòn, chúng tôi vẫn liên lạc gặp gỡ nhau. Lén lút vì gia đình tôi không chấp nhận chuyện tôi giao du với một người đàn ông dị chủng. Có dịp, tôi vẫn theo đoàn Thanh niên Chí nguyện đi cứu trợ những nạn nhân thiên tai và chiến tranh. Lúc xuôi về cực Nam, khi ngược ra vĩ tuyến 17. Luôn luôn có Jan theo cùng. Phong trào của thầy Thích chân Hạnh còn tổ chức nhiều buổi xuống đường hô hào phản chiến, lập đàn cầu siêu cho những người nằm xuống vì bom đạn, bên này cũng như bên kia. Trong chuyến xuất ngoại vận động cho hoà bình, thầy Thích chân Hạnh bị cấm chỉ hồi hương. Nếu tôi nhớ không lầm, vào năm 1967 thì phải.

*

Chuông đồng hồ thong thả gõ sáu tiếng, cắt ngang câu chuyện lan man của người đàn bà. Mồ hôi tay thầy Trí đọng hơi ươn ướt lên mặt bàn. Những ngón tay nhẹ nẩy theo từng chi tiết sống động. Có tiếng gõ cửa rụt rè. Chú Cang lách vào, chắp tay nói:

– Thưa thầy, tới giờ trai chiều.

Thầy Trí gật đầu:

– Con dọn thêm chén đũa, mời bà ở lại dùng cơm.

Người đàn bà toan khoác tay từ chối thì thầy Trí đã điềm đạm:

– Chuyện kể của bà rất thú vị. Tôi đề nghị, mình tạm ngưng để lót dạ. Bà đừng ngại, chỉ là bữa cơm chay đạm bạc.

Mâm cơm có đậu đũa luộc, tàu hũ chiên, tương chao và tô canh mướp tây trong leo lẻo. Không ai nói gì suốt bữa ăn. Tâm trí mỗi người đeo đuổi mỗi ám ảnh. Thầy Trí với hoàn cảnh bi đát của những đứa trẻ lạc mất cha mẹ trong trận bão năm nào. Người đàn bà với cảm xúc xác thịt đầu đời trong bối cảnh chiến tranh dịp Tết Mậu Thân 1968.

*

Trận công kích bắt đầu vào mồng một Tết, giữ chân tôi lại nhà trọ Jan trong một xóm lao động. Sau đợt súng đầu tiên, tôi muốn về nhưng Jan cản lại. Khu phố nhốn nháo rồi im phắt. Tiếp theo là tiếng chân thình thịch hối hả, tiếng người quát tháo, tiếng liên thanh chát chúa từng tràng ngoài hẻm vắng. Jan kéo tôi nằm rạp xuống sàn gỗ. Vách nhà rung theo mỗi chấn động âm thanh. Cả người tôi cũng run rẩy. Bình hoa cắm cành mai tôi vừa mang tới, đổ ngang, toé nước đọng bãi lên sàn, ngay trước mặt tôi. Những giọt nước sau cùng nhỏ xuống, rời rạc dần. Tay Jan rắn rỏi giữ chặt tay tôi, trấn an. Tôi nâng lên, áp mặt vào. Lớp lông tơ vàng hoe nhoà nhạt trong tầm mắt tôi, nhăn nhúm theo tiếng đạn rách trời ngoài kia, trong âm thanh nhỏ giọt ‘‘tách, tách’’ của bình hoa vỡ. Chàng ghì tôi sát vào lòng. Mùi mồ hôi chàng ngọt đằm. Nhịp thở chúng tôi hoà vào nhau, khi Jan kề mặt, ghé vào môi tôi. Lưỡi chàng lách giữa rãnh môi tôi ngần ngại, rồi mở ra ngậm lấy, xoắn xuýt. Cảm giác giao tiếp mới mẻ, háo hức. Cả người tôi lẩy bẩy phó mặc. Ngón tay Jan lần tháo hàng khuy nút khai xuân. Lớp vải lụa nội hoá màu hoa đào mở ra thịt da thanh tân, cho bàn tay và làn môi Jan dịu dàng khám phá. Tôi tránh mắt khi Jan tự cởi áo, tháo thắt lưng. Chàng từ tốn úp lên. Tôi bấu nhẹ bờ vai chàng. Vòm ngực xoăn xoắn lông nâu phập phồng, thấp gần. Chàng thầm thì: ‘‘Em sợ không?’’ Tôi khẽ gật. Ngoài kia súng vẫn nổ, từng tràng giòn tan, cận kề như thể những lằn đạn xéo ngang trên thân thể trần truồng hai chúng tôi. Jan trườn tay xuống, đặt giữa hai đùi tôi khép nép, xoa nhẹ. Tôi thở hắt từng chặp, từ từ mở ra theo bản năng. Jan cho vào, thận trọng từng đoạn. Tôi nấc nghẽn theo mỗi cử động chàng. Bụng Jan dán vào bụng tôi. Có lúc tôi phải đẩy chàng ra, dằn cái đau xé thịt. Người tôi như đê vỡ. Máu tôi hoà với tinh dịch Jan. Máu của dân tộc tôi trong cuộc chiến phi lý. Tinh dịch của Jan sống sót sau thảm cảnh diệt lùng dân Do thái. Tiếng Jan bứt rứt kêu nghẹn khi chàng gấp rút rót vào người tôi giọt mưa dục cảm. Tôi siết lưng chàng, kéo xuống. Chân tôi lỏng dần, rã rượi. Jan nấn nán cựa đẩy vài cái sau cùng. Phần da thịt chàng từ từ rời khe bụng tôi ẩm ướt. Tôi hất Jan ra, gấp chân nằm nghiêng. Chàng âu yếm cong lưng sóng đôi, ngón tay sâu đo rờn rợn khắp người tôi, bò lên mặt, ngập ngừng dừng lại gò má ướt.

‘‘Sao em khóc?’’

Jan hỏi. Tôi lắc đầu, giọng nghèn nghẹn:

‘‘Em phải về, nhà trông.’’

Jan hoảng hốt:

‘‘Chưa được, nguy hiểm lắm.’’

Tôi ngồi phắt dậy, rủ tóc che mặt, rấm rứt:

‘‘Em không thể ở lại đây qua đêm. Trời ơi, …’’

Nhưng những biến động giam chân tôi lại gác trọ Jan cho tới mồng ba, tình thế tạm lắng, tôi đánh bạo tìm về nhà. Mẹ ôm tôi, khóc ròng, tưởng tôi lạc đạn chết oan ức đâu đó. Tôi nói dối, tới chơi nhà bạn gái rồi kẹt lại.

*

Người đàn bà gác đũa ngang miệng chén, chấp tay xá ba cái, toan đứng dậy dọn dẹp thì thầy Trí đã khoa tay từ tốn:

– Bà để đó, chú Cang dọn được rồi. Mời bà vào phòng khách, uống trà ăn mứt chú Cang làm. Chùa tha hương thiếu thốn đủ thứ, được cái chú Cang có nhiều sáng kiến và tháo vát.

Dĩa mứt bày biện đẹp mắt. Men dĩa trắng muốt gợn hoa lá vân vi làm nổi bật màu gạch cua mứt cà-rốt tỉa cánh, màu xanh non mứt lê cắt hình vuông cờ, màu sương mù những thỏi xu xoa ngậm đường, màu vàng tươi mứt ớt tây thái sợi. Tuần trà lần này cũng khác. Thầy trú trì bảo người đàn bà thử cho vào tách trà một nhánh quế chi. Hương quế cay dịu hoà với chất trà không tẩm ướp thành vị thơm ngọt đằm, mang mang hương hoang dã thầm kín của cây lá.

Thầy Trí không nhắc, người khách đã tiếp giọng kể:

– Sau một khoảng thời gian kết bạn, tôi nhận lời cầu hôn của Jan. Cha mẹ tôi chấp nhận cuộc hôn nhân một cách bất đắc dĩ. Đúng ra, không phải ông bà chống đối vì Jan là người khác chủng tộc, mà vì hai người biết rằng thế nào cũng sẽ xa tôi. Thật vậy, sau khi Jan mãn hạn làn việc tại Việt nam, tôi theo về quê chồng. Nhằm mùa lạnh, trước Tết ta vài tuần…

*

Ngôi từ đường dòng họ chồng tôi nằm trong thung lũng miền núi thấp. Nhà hai tầng, dưới xây gạch, trên bằng gỗ thông. Mái lợp ngói đá núi cắt bảng màu xám chì. Khu vườn bao bọc vào đông trông tiêu điều như có cơn lốc vừa thổi qua. Nhà chỉ còn mẹ Jan và người con trai giờ đã trưởng thành, trọ học ở tỉnh gần, mỗi năm về thăm đôi lần vào những dịp lễ lớn. Mẹ Jan dáng người nhân hậu, tóc bạc trắng, nước da hồng hào. Lúc chúng tôi về tới, trời đã tối. Cảm giác đầu tiên trong tôi pha lẫn giữa hoang mang và kỳ thú. Tuyết bám khắp nơi. Màu trắng lạnh giá hắt thứ ánh sáng huyễn hoặc vào lòng đêm mênh mông. Những ô cửa sáng đèn nhà Jan rực lên ấm áp. Tia nhìn của mẹ Jan dừng lại một thoáng trên gương mặt tôi, khi Jan chẩm rãi cất lời giới thiệu. Rồi bà mở vòng tay ôm tôi vào lòng. Tôi bắt được hương rơm rạ và hoa úa toát ra từ bà cụ. Tâm tính uỷ mị trong tôi bất giác dâng lên làm hoen nước mắt. Tôi có cảm tưởng, khi tôi bước qua ngạch cửa nhà Jan là tôi đang khởi đầu một đời sống thứ hai, bỏ lại sau lưng thời quá khứ vụn vãi những ký ức. Mảnh quê nhà ngập nắng nhiệt đới. Thân phận tiểu quốc đầy bất trắc. Những giấc mơ loà ánh sáng hoả châu lên mặt đất mấp mô. Và những khuôn mặt trẻ thơ bẩn thỉu, van nài ngước lên trong những buổi phát quà cứu trợ. Tôi kêu thầm, trời ơi, và để mặc hai dòng lệ lăn dài trên má.

Trọn tầng trên dành cho chúng tôi. Phòng ngủ trông về phương đông, có bao lơn. Những sáng đẹp trời, lúc tôi kéo màn cửa, nắng tràn vào hăm hở. Sắc nắng bắc Âu vàng nhạt, ngại ngùng như bàn tay tình nhân trong lần đầu tiên. Từ khung cửa phòng ngủ, tôi có thể phóng tầm nhìn ra tít xa. Thâm thấp bên dưới là những mái nhà tuyết bám, lả lơi làn khói lò sưởi trong vũ điệu dâng hiến. Xa hơn là triền đồi phủ khăn trắng, đắp vá loang lổ những mảnh xanh của rừng thông bạt ngàn. Tận nơi xa là vành núi nhấp nhô, trắng đục, man rợ, ngạo nghễ. Mẩu chuyện Jan kể năm nào ven biển Thái bình trở về. Có lần tôi hỏi Jan, đỉnh núi nào là nơi ông cố chàng mất tích? Jan cười đáp, ở một nơi khác.

Tiết đông năm ấy tuy lạnh nhưng cho tôi nhiều hạnh phúc. Người và cảnh đều mới lạ. Càng vui hơn nữa khi Jan tìm được việc làm trong toà đô chính một tỉnh lân cận. Tôi ở nhà lo việc nội trợ và săn sóc mẹ Jan sau một cơn nghẽn tâm mạch nhẹ. Cuối tuần ấy có Danny, con trai Jan, về thăm.

Danny thua tôi ba tuổi. Khoảng chênh lệch ít ỏi khiến tôi nhiều khi không khỏi bối rối. Danny rất giống cha, chỉ khác ở đầu tóc cắt ngắn. Chúng tôi trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ tạp nhạp nhiều tiếng Anh và mớ ngữ vựng bản xứ tập tễnh. Danny buộc tôi nghĩ tới đời vợ trước của Jan. Tôi muốn biết chút ít về người đàn bà ấy.

Tháng tư, thời tiết chuyển mùa. Tuyết tan. Một khuya, trong tĩnh mịch lũng đêm, tôi tỉnh giấc bắt được tiếng suối róc rách vọng lại thật khẽ. Thoạt đầu tôi tưởng đó là dư âm cơn mơ hoang đọng trong thính giác. Nhưng không, nó có thật. Tôi choàng tay tìm Jan. Trống hốc. Tôi mở mắt, bật ngồi dậy, ngơ ngác đỗi lâu. Khi mắt tôi quen với bóng tối, tôi nhận ra bóng Jan bất động bên khung cửa hé màn. Luồng sáng một đêm quang đãng giát bạc lên người chàng. Tôi xuống giường, bước tới sau lưng Jan, quàng tay khép quanh bụng chàng. Dây lưng áo choàng thắt hờ, để mở một phần da thịt ấm. Tôi lặng lẽ luồn tay vào. Giọng Jan se sẽ:

‘‘Em có nghe tiếng suối?’’

‘‘Có, nhỏ lắm, như thể mình nằm mơ.’’

‘‘Hằng năm vào độ này, băng tan, con suối nhân tạo nối với sông lớn bên kia đồi bắt đầu chuyển động, như con bạch xà cựa mình sau giấc ngủ mùa đông. Thính giác ai bén nhạy sẽ nhận được, nhưng chỉ một lần, vì sau đó quen tai, không nghe ra nữa.’’

Cách nói của Jan nghe là lạ. Tôi níu chàng trở lại giường, cởi áo choàng, đắp chăn lại. Tôi nằm sấp bên Jan phơi ngửa. Tay tôi úp lên phiến ngực lông mịn. Nhịp tim chàng đập rối. Tôi biết Jan đang rạo rực vì nỗi gì khác thường.

‘‘Anh đã nói dối. Vợ trước của anh không phải chết vì bệnh nan y mà vì tai nạn. Cưới nhau về, anh mới hay bà ấy bị chứng mộng du. Khuya ấy bà lang thang ra bờ vực, không ai hay, trượt chân rơi xuống bất tỉnh. Vực cạn thôi, nhưng bên dưới là dòng suối nhân tạo, cũng không sâu, nhưng rủi thay bà ta ngã úp vào dòng nước, chết thảm. Lúc tìm thấy, thi thể đã cứng.’’

Tôi rùng mình. Cũng trên mặt nệm này, người đàn bà tới trước tôi đã mơ những giấc hoang đàng, đã giao hoan mặn nồng cùng Jan, đã để lại tâm thức chàng những thương tích sâu kín. Tôi rợn người nghĩ tới những lưu dấu không bao giờ phai của người ấy. Những dấu tay xoắn trôn ốc. Những sợi tóc vướng phất phơ khe gỗ nứt. Những tế bào da rơi rớt, mắt thường không nhìn ra. Và kinh khủng nhất là vọng âm dòng suối mỗi năm lại chuyển mình thì thào cào lên ký ức Jan.

Một trưa chủ nhật, tôi quẫn chân, rủ Jan đi dạo. Chàng than mệt, không đi. Hôm ấy tiết giao mùa tươi rói. Nắng trong như ngọc. Tuyết đã tan hẳn. Lối mòn trong cánh rừng trơ lá trở nên lầy lội. Vài nơi in dấu chân thú hoang. Jan bảo, chốn này chỉ còn nai và heo rừng. Tôi loang quanh một đỗi, vô tình theo hướng dẫn ra miệng vực. Một bãi đất rộng nhú cỏ non, loằng ngoằng uốn theo con suối bên dưới. Tôi tần ngần nghĩ tới câu chuyện Jan kể khuya nào, cuối cùng bước tới đứng bên bờ vực, trông xuống. Vực sâu chừng mươi thước, vách lô nhô đá dựng, vài thân cây còi tách đá nhoài ra. Đáy vực lổn ngổn sỏi đất. Mùa này, tuyết thượng nguồn tan chảy, dòng suối no ứ, cuộn sóng nhấp nhô. Niềm thương cảm dâng trong lòng tôi. Đêm mộng du và cái chết nghiệt ngã của người đàn bà xa lạ. Tiếng suối giao mùa hằng năm âm thầm khêu sáng ngọn đèn thời gian le lói trong tiềm thức Jan. Cuộc chiến phi lý vẫn tiếp diễn ở quê nhà. Những cánh tay trẻ thơ khẳng khiu chìa ra nài xin. Cảnh hỗn loạn trong xóm nghèo dịp Tết lửa đạn năm nào tràn vào.

Hai đêm tôi kẹt lại nhà trọ Jan. Giữa đêm nghe tiếng đập cửa, rồi giọng người quát tháo:

‘‘Thằng Mỹ trốn đâu, kêu nó xuống.’’

Bà chủ nhà trọ líu ríu:

‘‘Ông ấy là người Đức, không phải Mỹ.’’

‘‘Người Đức là… là ở đâu? Qua đây làm gì? Kêu nó xuống!’’

Tôi theo xuống cùng Jan. Chàng chỉ mặc mỗi cái quần cụt, áo thun ba lỗ. Tôi nhăn nhúm trong bộ quần áo ngủ rộng quá khổ của chàng. Hai người đàn ông, chân mang dép cao su, quần dài, áo sơ-mi cụt tay bỏ ngoài quần, lăm lăm họng súng ngắn chĩa vào hai chúng tôi. Jan run giọng giải thích bằng tiếng Anh:

‘‘I am German, no American, no GI.’’

Tôi lắp bắp đỡ lời:

‘‘Ô… ông này là dân Đức, sang đây làm công tác xã hội, không… không phải lính Mỹ.’’

Giọng người đàn ông cầm súng cộc lốc:

‘‘Giấy tờ đâu?’’

Jan tìm giấy tuỳ thân đưa cho người đàn ông. Ngọn đèn trần soi không đủ sáng gương mặt bên dưới vành nón kết, in bóng chúng tôi sóng soãi lên vách những hình thù kỳ quặc, méo mó, đầy đe doạ. Thời gian như đứt đoạn, nứt ra những rãnh địa chấn, ngoằn ngoèo chia thành vực sâu.

Người đàn ông gặn hỏi thêm vài câu, rồi trả giấy tờ cho Jan, hất hàm ra dấu với người đứng cạnh. Cả hai nhanh chân bỏ đi, không một lời từ giã. Bà chủ nhà thở phào, miệng nam mô, khép vội cửa lại. Tôi và Jan trở lên gác, nằm thao thức. Tôi lắng tai theo từng tiếng động bên ngoài. Thỉnh thoảng ánh hoả châu hắt qua cánh cửa lá sách, vạch lên thân thể chúng tôi những lằn sáng như roi quất. Người tôi run lên từng chặp theo tiếng trực thăng quạt cánh gần đấy, kèm theo từng hồi liên thanh giòn nghiến. Jan siết tôi vào lòng, trấn an. Bàn tay chàng miết lên thân tôi. Nam tính chàng cấn vào đáy lưng tôi. Chàng xoay ngửa tôi ra, đắp người lên. Cảm xúc lần đó vô cùng kỳ lạ. Tôi hoang mang giữa khoái lạc thân xác và mặc cảm tội lỗi là kẻ ngoại cuộc, vô trách nhiệm trước những tang thương dồn dập trên đất nước. Lằn roi hoả châu cứa bờ vai Jan nhấp nhứ khúc xạ xuống ngấn cổ tôi, thắt lại. Tôi nấc nghẹn, trào ra chất hoan lạc có chiều sâu của nỗi đau không thể giải thích. Jan ngửa mặt, rên hắt khoái cảm, đẩy lút vào bụng tôi, xối xả tia ấm. Mồ hôi chúng tôi tươm hạt, tẩm vào chăn nệm. Tóc Jan loà xoà xuống mặt tôi. Mùi tóc, mùi da thịt của chuỗi biến động nhọc nhằn lùa vào khứu giác, truyền từ ngón tay dương tính Jan đưa vào miệng tôi. Lần đầu tiên tôi nếm được hương vị của tình yêu và cái chết.

Thân tôi bủn rủn bên vực cạn, nghiêng theo dòng hồi tưởng bấn loạn. Có ma lực nào từ dòng suối sung mãn hút tôi xuống. Tiếng suối nô nức trong đêm giao mùa, tiếng thổn thức của những oan hồn mất tuổi thanh xuân kêu réo trong ảo thính tôi, gấp hai chân tôi khuỵ xuống, kịp lúc có bàn tay ai ghì lại. Tôi quay mặt, hai mắt mở lớn.

Danny cất giọng lo ngại:

‘‘Dì có sao không?’’

Tôi vuốt mái tóc rối, sửa lại chéo khăn xốc xếch, cười gượng:

‘‘Tự dưng tôi hoa mắt, không hiểu tại sao.’’

‘‘Dì đừng nhìn xuống vực, chỗ này khi trước… nghe nói…’’

Danny ngưng ngang, nét mặt thoáng bối rối. Tôi vẫn chưa thật sự thiện cảm với cách xưng hô giữa hai chúng tôi. Danny dùng từ nhân xưng thân mật, mà trong giọng nói anh, tôi cảm nhận thứ cảm tính như thể thương xót.

Chúng tôi bước chậm về nhà. Tiếng chân khẽ thôi, nhưng đủ khua động bầy chim ẩn náu trong rừng cây thưa. Chúng hoảng hốt đập cánh xước ngang trời, léo réo như giận dữ. Chúng tôi đồng loạt ngước mặt nhìn. Danny bâng quơ:

‘‘Chim báo tin xuân.’’

Tôi ngập ngừng:

‘‘Sao Danny biết tôi ngoài này?’’

‘‘Danny về lấy vài thứ cần thiết, hỏi thăm dì thì cha bảo dì đang đi dạo. Danny cũng muốn rảo bước một lát cho đầu óc thoải mái.’’

Tôi hỏi thẳng:

‘‘Danny biết gì về mẹ?’’

Nhịp chân người thanh niên vấp váp giây lát trên cỏ ướt. Nắng rắc lốm đốm lên lối đi. Sau hàng cây rụng lá, ngôi nhà ửng sắc nắng như được tiếp hơi phục sinh. Danny chậm lời:

‘‘Không nhiều. Theo lời bà nội, mẹ qua đời vì rủi ro rơi xuống vực. Mẹ Danny mang hội chứng mộng du, dì không biết sao?’’

‘‘Mới biết đây thôi.’’

Và tôi toan nói thêm, trong đêm nghe dòng suối chuyển mình, nhưng không biết dụng ngữ như thế nào cho Danny hiểu.

Rồi Danny nhỏ giọng, kể một hơi về thuở ấu thời sống cạnh bà nội. Khoảng thời gian không có những bất trắc, nhưng vô cùng hiu quạnh. Anh cười khẽ, bảo không hiểu sao, cứ nhớ mãi câu chuyện hoang đường bà nội kể ru mỗi tối. Có giống người vi tế sống ký sinh như loài chấy rận trong rừng tóc của một gã khổng lồ. Họ uống mồ hôi, ăn gàu da đầu, cuộc sống không vướng bận âu lo về vấn đề sinh tồn. Tới năm thứ hai trăm, gã khổng lồ già bệnh, thể xác bắt đầu kiệt quệ. Nạn đói khởi sự từ chứng rụng tóc. Rừng thưa dần. Những giếng mồ hôi cạn ráo. Da đất tàn tạ, nhăn nheo thành những gấp núi ngất ngưởng. Lũ người vi tế bàn nhau di cư sang nơi khác. Không phải chuyện đơn giản, vì mỗi gã khổng lồ là mỗi tinh cầu cách nhau vạn dặm ánh sáng trong vũ trụ đặc kín tinh tú. Những khối tinh cầu nối thành một khối hình học đối xứng, vận hành theo trục quay của định mệnh. Một người vi tế cực kỳ thông minh, cho rằng chính họ đã huỷ diệt gã khổng lồ. Họ đã uống cạn mồ hôi, ăn tiệt tế bào da, gián tiếp phá hoại khu rừng tóc là đất an trú của họ. Bằng định luật đơn giản, lấy thứ gì trả lại thứ đó, giống người vi tế bắt đầu cấy mồ hôi và gàu da bằng phép thuật ghép nhiễm sắc thể. Từ những giếng mồ hôi đọng sót vài giọt, từ những cánh đồng da trơ trọi dăm ba mảnh, họ cầy cục cấy giống. Bẩm tính lạc quan, tháo vát giúp họ tiến hành công việc bằng tốc độ siêu việt. Chỉ trong thời gian ngắn, những rặng núi da nhăn được san bằng, những lòng giếng mồ hôi dâng đầy trở lại. Rừng tóc nhú mầm đen mướt. Gã khổng lồ từ từ hồi sức và dứt được bệnh hoại diệt, vượt qua định luật sinh tử.’’

Những chuyện kể của bà nội lúc nào cũng có những kết thúc lành lặn, Danny dứt lời. Tôi không dám chắc mình đã hiểu trọn và nắm được ẩn ý câu chuyện, nhưng nó làm tôi cảm động. Khoảng cách giữa tôi và Danny từ từ ngắn lại.

Sau đám tang mẹ Jan, ngôi nhà trống trải hẳn. Phòng ngủ bà, Jan bảo để vậy, không dời đi hay vất bỏ bất cứ thứ gì. Tôi đồng ý với chàng, và mỗi tuần vào đấy quét bụi một lần. Tôi không tin tưởng vào giác quan thứ sáu của mình, nhưng thoảng hoặc tôi lại có linh cảm như hơi hướm bà cụ vẫn khoả ấm quanh đây. Mùi da thịt tàn phai, nhịp thở khó nhọc mỗi lần tôi xốc lưng bà, cho uống thuốc hay đút ăn, phà vào cổ tôi, đọng bám vào khứu giác tôi thứ mùi lạnh lẽo, cực kỳ tàn bạo của cái chết. Nhưng ảo tưởng đó không làm tôi sợ hãi hay bất an, mà càng lúc càng trở nên gần gũi. Như thể tôi đã mặc nhiên chấp nhận nơi đây, chủng tộc này là quê hương, dân tộc mình. Tôi an tâm với ngày tháng vào ra lặng lẽ bên cạnh hai người đàn ông dị chủng. Danny về thăm thường hơn, gần như mỗi cuối tuần. Nhiều khi tôi có cảm tưởng mình đã lẫn lộn, không thể phân biệt ai là cha, ai là con, vì Danny chính là bản sao của Jan hơn hai mươi năm về trước.

*

Tiếng gõ cửa cắt ngang câu chuyện của người đàn bà. Thầy Trí đảo mắt nhìn đồng hồ, giật mình vì không ngờ thời gian trôi nhanh. Sắp mười giờ. Chú Cang bước vào, còn chần chừ thì thầy Trí đã gật đầu:

– Con cứ đi nghỉ, mình thầy tiếp khách được rồi.

Bấy giờ chú Cang mới hỏi:

– Thầy có cần con pha thêm trà hay dọn thêm thứ gì khác?

– Không cần. Con nhớ coi lại cửa nẻo.

Chú Cang xá kiếu thầy Trí và người đàn bà, lui ra khép cửa lại. Khi ấy có luồng gió mạnh xô chệch khung kính, rèm cửa run bần bật. Thầy Trí lấy làm lạ, đẩy ghế đứng dậy, bước tới xem xét. Thì ra ban chiều thầy chỉ khép hờ chứ không khoá chốt. Và ngoài kia, trời đang trở gió. Thầy lẩm bẩm, thời tiết xứ này bất thường như bàn tay sấp ngửa, mắt quét nhìn một thoáng những bông tuyết chao đảo vô hướng.

Người đàn bà buông tiếng:

– Thầy có lý.

Thầy Trí ngẩn mặt, chưa kịp hỏi thì người đàn bà đã tiếp lời:

– Trà xanh bỏ thêm một nhánh quế chi, thơm lạ miệng và tỉnh táo hẳn ra.

Thầy Trí trở lại bàn ngồi, lan man:

– Vị khách tặng chùa hộp quế chi này, bảo đấy là đặc sản vùng Quế lâm ở cực nam Trung hoa. Quí lắm, vì bây giờ rừng rậm bị phá hoại, khai khẩn để trồng các thứ khác mang lợi tức nhiều và nhanh hơn. Thời này, nhắc tới quế, trầm, tới cẩm lai hay vàng tâm, quả thật có hơi quê mùa, lạc hậu.

– Đúng vậy, thưa thầy, mỗi thời mỗi khác. Giá trị vật chất thay đổi là lẽ đương nhiên, cả giá trị đạo đức cũng đảo ngược nốt. Nhưng không vì vậy mà tôi nghĩ rằng mình đã phạm giới vì… không biết phải nói sao…. vì tôi từ từ nhận thấy cuộc sống giữa tôi và Jan có ít nhiều thay đổi.

*

Đời sống luyến ái của chúng tôi vẫn mặn nồng như xưa. Có điều, nhiều khi, giữa cơn hoan lạc, tôi cứ chập chờn liên tưởng hai đêm nguyên đán bạo loạn đã trói chân tôi lại nhà trọ Jan. Sắc sáng đỏ chạch như nhuốm máu của những trái hoả châu. Tiếng chân rầm rập ngoài ngõ. Giọng người nạt nộ, tiếng vũ khí lên nòng canh cách, tiếng binh xa thắng gắt, … Tất cả lẩn vào nhau thành thứ tạp âm lạ lùng, chát chúa hoà cùng hoan điệu phát ra dồn dập từ rãnh môi Jan. Nét mặt chàng lệch lạc ẩn hiện diện mạo thần linh và quỷ ám. Chúng truyền nhiễm vào tâm thức tôi như loài vi khuẩn dấy loạn. Chúng thổi gió, nhen lại những tro than chưa thôi ấm. Từ một không gian an lành, cách trời quê hương vạn dặm, tôi dằn vặt nhớ tới những mồ chôn tập thể, những cuộc thảm sát giữa người đồng chủng, những dấu tay sát nhân được lịch sử vinh danh.

Tôi thường nói với Jan, em phải về thôi. Jan hỏi tại sao. Tôi không thể giải thích cho chàng hiểu. Jan nhẫn nại giãi bày, ở đây còn ngôi nhà dòng tộc, còn mảnh vườn, và nhất là còn tình nghĩa vợ chồng gắn bó. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt Jan lúc đó, vì nó là tấm gương kỳ diệu soi rõ chân tính tôi. Jan hỏi, em không hạnh phúc sao? Tôi thành thật phơi bày ý nghĩ mình: em sợ lạnh, sợ tuyết, sợ sắc trắng thê lương mỗi tàn năm. Mùa đông của thời tiết biến đổi theo chu kỳ, còn mùa đông của lòng người bản xứ? Nói vậy, nhưng cơn lốc thời sự ở quê nhà cản chân tôi lại. Biến cố tháng tư 1975 kéo theo thảm kịch vượt biên hãi hùng của triệu người đồng hương. Tôi không biết làm cách gì khác ngoài những món tiền cứu trợ, cho tới lúc tôi liên lạc trở lại với các bạn cũ trong Phong trào Thanh niên Chí nguyện. Từ dạo bị cấm chỉ hồi hương, thầy Thích chân Hạnh lưu vong lang bạt xứ người. Sau 1975, với sự trợ lực của làn sóng di dân, thầy lập một thiền viện mang tên Làng Sen. Tôi tìm tới. Jan không đi cùng vì bận việc. Nhân dịp Danny nghỉ ba tháng hè, chàng nhờ Danny chở tôi đi.

Làng Sen là một thửa đất rộng miền nam Pháp, ven Đại tây dương. Những nhà kho, vựa lúa, chuồng nuôi thú được tu bổ thành nơi ăn, chốn ngủ, chỗ tu tập cho thiền sinh từ khắp nơi đổ về. Một hồ nước con, trước mọc toàn thuỷ thảo, giờ trồng đầy sen. Hè, mặt hồ đan kín sen hồng. Cảnh sắc vô cùng thơ mộng với mái am cong sau hàng tre trúc rì rào. Chiếc cầu ván bắc ngang hồ nước. Tiếng ve sầu từ rừng ô-liu rền rĩ theo gió bạt ngàn. Không khí nhẹ tênh, thơi thả, vương vướng hương sen, mùi nhang trầm và vị mặn của đại dương. Nhưng đó chỉ là cảm giác ban đầu. Dần dà tôi nhận ra tâm tư mình vẫn chưa vào khuôn nếp.

Danny cắm lều ngủ ngoài trời. Tôi theo cánh phụ nữ trú trong khách xá, vừa tập thiền vừa phụ giúp chuyện cơm nước theo thời khoá biểu. Mỗi nửa tiếng, mõ gióng, mọi người ngưng hoạt động, thiền quán giây lát bằng hơi thở. Lúc này, hơn bất cứ lúc nào, tôi nhận chân mình. Như thể chỉ khi ngưng gió, mình mới nhận bóng diện mạo mình soi trên nước. Với riêng tôi, không phải là thứ cảm giác bình an. Bản sắc tôi vẫn còn nhiều vị kỷ nhỏ nhen, nhiều dục vọng thường tình. Ghê sợ nhất là những giả tướng. Tôi thường nghĩ ngợi theo lẽ thuận nghịch: trong hạnh phúc thấy ra nỗi khổ đau, trong sự sống hoan lạc là cái chết tiềm tàng. Tất cả đều mong manh như mây trời hợp tan. Thế nên, khi tôi nhìn ngắm nét khắc khổ, già nua trên gương mặt thiền sư, tôi thấy ra những bất an trong ý thức ông. Cùng lúc tôi nhận rõ những chướng ngại trong ngoài tâm linh mình. Thân xác tôi chỉ là một khối hữu cơ lem luốc những tham vọng, những ngã chấp, những tự tôn, những trật tự gò bó, … Tôi không xứng đáng thuộc vào nơi này. Vì vậy, bữa nọ Danny hỏi tôi có muốn ra biển, tôi ưng thuận. Hôm ấy nắng tươi. Biển đông người. Trưa nước xuống, phải ra sâu một đoạn mới chạm nước. Bãi tắm dài, cong, từ từ hẹp lại. Chúng tôi ngồi nghỉ ở chỗ không thể đi tiếp, bên lưng vách đá lô nhô. Khoảng khắc ấy, giữa mênh mông biển trời, trong bối cảnh thiên nhiên và sinh vật được xếp đặt vô tình, tôi băn khoăn tưởng lại lần dạo biển với Jan năm nào. Tôi xúc động nghiêng mặt nhìn sang. Chân dung Danny ngược nắng, loa loá hiện lên thị giác tôi khuôn mặt Jan đương thì phơi phới. Không có những bóng mây tối ám nhọc nhằn đuổi bắt nhau trên đất. Không có những nhánh tay khẳng khiu chìa ra, của đám trẻ con trong trại tạm cư trước 1975, của những thuyền nhân đắm thuyền trên biển sau 1975, của hàng triệu cái chết vô cùng phi lý. Tôi lặng người, gắn kính mát lên mắt, giấu khoé mi long lanh, và cất tiếng vu vơ:

‘‘Danny thấy thế nào?’’

Danny nhếch cười:

‘‘Ý dì muốn hỏi về khoá thiền tập? Tốt, vì là dịp để trút bớt căng thẳng của đời sống văn minh.’’

‘‘Còn chuyện tình cảm của Danny, tới đâu rồi?’’

Danny thở hắt:

‘‘Bây giờ, coi như bạn.’’

Tôi không hỏi tiếp, ngại lấn sâu vào đời tư anh, mà bắt qua chuyện khác:

‘‘Danny nghĩ gì về cha?’’

Sau một đỗi ngưng lặng, người thanh niên chậm lời:

‘‘Danny lớn khôn cạnh bà nội. Cha giang hồ liên miên, hết nơi này tới nơi khác, lâu lâu mới về thăm. Ông không để lại trong Danny chút hơi hướm thân thuộc nào. Từ thuở bập bẹ tập nói cho tới khi bà nội mất, Danny gọi bà là mẹ. Bà không sửa, cha cũng không sửa. Thành thử nhiều lúc Danny nhầm lẫn chiếc bóng này với chiếc bóng kia. Giờ đây lại có thêm dì là mẹ kế, càng thêm phức tạp.’’

Dứt lời, Danny bật cười giòn. Tôi cười hoạ theo. Nước bắt đầu dâng. Danny bảo phải trở lại, không thôi bị giam chân bên vách đá này. Anh đứng lên. Gió lộng căng lưng áo trắng, làm rối xoà tóc tôi. Cảnh tượng và cảm xúc tựa như thuở nào, với Jan, ven bờ Thái bình dương.

Tối ấy có hội hoa đăng. Tiết trăng rằm, trời trong mát. Thiền sinh tụ quanh hồ sen, im lặng thắp nến đặt vào hoa giấy, thả trôi theo nước. Những đốm sáng lung linh, len lách giữa hoa lá mộng mị, nhập vào bóng trăng đẫm mình trong nước. Chỉ còn tiếng côn trùng tấu khúc. Thiền sư khẽ bảo mọi người nắm tay nhau, tìm cách đưa hơi thở từ hai lá phổi sang tay phải, rồi tay trái, và chia nhánh nhập vào hơi thở hai người bên cạnh. Như thể hơi thở mình là dòng sông hoà cùng những dòng sông khác, xuôi ra biển lớn. Tôi tập trung theo lời chỉ dẫn của thiền sư. Bên trái tôi là Danny. Bàn tay chúng tôi nắm hờ, rồi siết lại kín đáo theo lưu lượng dòng nước hơi thở. Tôi bất công khi san sớt luồng thở mình không đồng đều ra hai bên. Thắt tay tôi và Danny ấm lên, rịn mồ hôi. Xúc cảm tôi phạm giới. Tôi hoảng hốt nới thắt tay nắm, ngăn mực nước sông mình đang dậy sóng cuồng lưu. Không biết, giờ này, Jan đang làm gì ở nhà?

Mặc cảm mang tội ghì nặng trong tôi suốt khoá thiền tập. Về lại nhà, tôi bâng khuâng nhận ra lòng mình chớm thay đổi. Tôi vẫn yêu chồng. Nhưng thêm vào đó vừa nhen thứ tình cảm khác, mới mẻ, tươi tắn, như thể lần đầu. Ngôi nhà bừng lên ấm áp. Vườn cỏ rộn ràng sinh khí. Vòng tuần hoàn của mùa màng, thời tiết không còn nặng nề buồn chán, mà trở nên linh hoạt như trẻ lại sau cuộc phẫu thuật. Tôi cũng trẻ lại, cùng lúc thẫn thờ nhận biết, mình đã đánh mất thời hoa niên. Ai, cái gì đã cướp đoạt quãng thời gian tươi đẹp nhất của đời tôi? Đã không có nhiều hướng đi cho tôi chọn lựa. Tôi đã tiêu dùng thời con gái mình bằng những sinh hoạt bị cảm tính đánh động. Tôi đã sống, không phải cho mình. Gặp Jan, chàng vạch ra cho tôi một lối thoát, tuy tiêu cực, nhưng đó là dịp duy nhất để tôi xổ lồng thoát ra.

Tôi đắp vá những ý tưởng vô luân bằng cách chiều chuộng Jan nhiều hơn trước. Chuyện gối chăn giữa hai chúng tôi không còn điều gì cấm kỵ. Trong bóng tối giao hoan cùng chồng, tôi không khỏi tưởng tượng đấy là Jan của hai mươi năm trước, thuở tóc còn rậm, mắt còn tinh anh, thịt da còn săn chắc. Và tôi rùng mình nhận ra đấy chính là Danny bây giờ. Nếu khi trước tôi thường xuyên phân vân trước ám ảnh của chiến tranh và cái chết, giờ đây tôi dùng dằng giữa hai người đàn ông. Tôi không muốn bào chữa, nhưng đúng hơn, với tôi lúc ấy hai người là một. Họ chỉ khác nhau một đoạn thời gian không tới ba mươi năm.

Nhưng giữa tôi và Danny chỉ là thứ tình yêu thánh thiện. Tôi kềm giữ được ham muốn. Những lúc chỉ có hai chúng tôi, Danny ngỏ ý xin, tôi dịu dàng bảo không thể. Bù lại, tôi để ý chăm sóc Danny như em ruột mình. Thỉnh thoảng anh đùa, gọi tôi là ‘‘mẹ’’, đôi lúc ngay trước mặt Jan. Còn Jan hóm hỉnh bảo tôi là ‘‘con gái cưng’’. Thì ra vai trò của tôi trong gia tộc này không đơn giản, mà càng lúc càng rối bòng.

Sự việc bắt đầu không lối thoát kể từ hôm Jan lâm nạn. Mùa đông, không gian đóng băng tê cóng. Trên đường về nhà, xe Jan trượt bánh đâm xuống vực cạn, chỗ con suối nhân tạo băng đá tự bao giờ. Chàng mê trầm gần hai tuần, nằm viện chữa trị và khám nghiệm thêm sáu tuần, sau đó được đưa sang viện hồi sức. Khi Jan được phép trở lại nhà, chàng không còn như trước. Jan không thể cử động được toàn thân, phải ngồi xe lăn. Mọi sinh hoạt của chàng cần tôi trợ sức. Có thể nói, đây là lúc tôi thấy rõ chân diện của kiếp người. Không phải chỉ đơn thuần trong những giao tiếp giữa hai thân xác lành lặn, qua những lần đối thoại không bị vấp váp vì khẩu tật, mà còn có thêm những nhu cầu tế nhị khác. Như vấn đề bài tiết, chẳng hạn. Yêu chồng, tôi không nề hà chuyện gì, cũng không nghĩ rằng mình đã hy sinh. Với tôi, đó là một bổn phận. Đúng hơn, là cách để tôi tỏ bày chân tình mình. Nhưng điều làm tôi thậ sự chua xót, vô cùng đau đớn, là phải chứng kiến cảnh sự sống dần mòn tàn tạ. Nó khoan thai, từ tốn, nhẫn nha, rất mực vô tâm. Rõ rệt nhất ở hai chân Jan. Chúng từ từ co rút, như có loài ký sinh vô hình nào gặm dần những cơ bắp. Gương mặt Jan cũng teo tóp lệch lạc như trái héo. Khoé môi chàng lúc nào cũng rỉ nước. May thay, Jan vẫn còn nói được, dù khó hiểu.

Dần dà đời sống cũng thành nhịp. Đấy cũng là lúc tôi khởi sự nghĩ ngợi, so sánh. Và ghê gớm hơn cả, là những cám dỗ. Những kềm chế no ứ bấy lâu đang chờ dịp vỡ toé. Những bờ đê mỏng manh của nhân tính bắt tôi rã rượi nhớ lại mỗi khi tôi lau rửa thân thể Jan. Phơi bày trước mặt tôi, sống sượng, trần truồng là khối thịt da teo tóp, co quắp, khẳng khiu. Nhúm dương tính mềm nhão, gần như mất hẳn trong đám lông rậm, vàng xoắn. Tôi thoa xà-bông, xối nước, chặm khô, vẫn không thấy phản ứng. Không như trước, chỉ cần khẽ xước đầu ngón tay là sinh lực bừng lên hối hả, cứng cáp, gân guốc. Nó tưng bừng. Nó hăm hở. Nó ứa tinh tuý. Nó truyền hơi ấm vào không gian thời gian tê lạnh nơi này. Nó buộc tôi, giờ đây, những lúc hiếm hoi ngồi hong nắng trong vạt nắng lạc vào gian bếp, đưa tay che mặt thổn thức.

Tôi biết mình đang đối diện trước thử thách lớn lao nhất đời người: chính là Danny. Khi trước, anh chỉ về thăm những cuối tuần. Giờ, thơi thả chút là anh về. Giúp tôi thay ngói chỗ mưa dột. Sửa lại chân bàn lỏng đinh ốc. Cùng tôi đẩy Jan dạo rừng. Và vụng trộm ngồi cạnh nhau bên hiên nhà trăng sáng. Chỗ ngồi này trước kia là của Jan. Có Danny thay vào, tưởng như không có gì thay đổi. Vẫn giọng nói ấm áp. Vẫn mùi mồ hôi thân quen. Vẫn những va chạm nồng nàn như thể toát ra từ sắc trăng miệt núi, đẫm thứ màu xanh chỉ thấy trong giây phút tuyệt vọng nhất. Tôi cố nén xúc động, tiếp tục đóng vai người đàn bà can đản cam phận với nghịch cảnh. Tôi sợ mình xuôi tay, buông xuống vực thẳm cám dỗ. Nhưng khi môi Danny rời môi tôi, cảm giác ướt át bắt tôi liên tưởng dòng nước bọt nhểu nhão nơi mép môi Jan. Hõm mắt chàng trơ trơ. Hốc mũi loe hoe vài sợi lông xấu xí. Hơi thở khò khè đờm dãi. Thế nên, khi bàn tay Danny sục sạo lên ngực tôi, tôi nhẹ đẩy anh ra, thều thào: ‘‘Danny, đừng! Mình không làm như vậy được.’’ Giọng tôi bén như dao cắt. Ngón tay Danny khựng lại đầu ngực tôi, nuối tiếc xoắn nhẹ vài cái sau cùng, rồi anh thở hắt, đưa tay vuốt mặt. Anh hỏi, khi nào? Tôi bảo không biết, nhưng bây giờ, nhất định không. Lặng câm giây lâu, Danny chép miệng, hiểu rồi.

Chúng tôi tiếp tục sống với nhau như thế ròng rã nhiều năm. Lắm lúc tôi thầm nghĩ, loài người là một sinh vật dai sức. Tôi cưu mang không phải một mà hai đời sống. Không biết, có thể gọi đó là đời sống, vì Jan hình như không còn cảm nhận được gì, hoàn toàn không có những nhu cầu. Không thèm ăn, không đòi uống, không biết khi nào phải bài tiết. Chàng ngủ với hai mắt mở. Có điều lạ lùng, hằng năm tới độ mùa chuyển xuân phân, con suối ngoài vực cạn uyển chuyển cựa mình vọng tiếng, tôi lại nghe Jan ú ớ lay gọi. Lâu rồi, tuy cùng phòng nhưng tôi không còn chung chăn nệm với Jan. Nhưng những khi chàng lên tiếng hay quẫy mạnh chân tay, tôi đều tới nằm cạnh, ôm chàng vỗ về ru giấc.

Một đêm nọ, tôi giật mình tỉnh giấc vì tiếng Jan rú gọi nghèn nghẹn. Thời tiết giữa đông, đâu đã giao mùa. Tôi tới nằm bên Jan. Toàn thân chàng run bật như trúng lạnh. Tôi luồn tay xoa bóp khắp người chàng, miệng không ngớt thủ thỉ:

‘‘Ngủ đi, ngủ đi anh.’’

Thân thể Jan vẫn rúng động như bị quỷ ám. Rồi giọng chàng lập cập, ngọng nghịu:

‘‘Cứu… cứu anh! Đi, giúp… giúp anh đi! Tiếng suối… thượng đế ơi, tiếng suối.’’

Tôi ngỡ ngàng không hiểu, kề miệng vào tai Jan:

‘‘Đi đâu? Anh muốn đi đâu?’’

Giọng Jan tỉnh táo bất ngờ:

‘‘Ra khỏi đời sống này.’’

Tôi bật người ngồi dậy, xương sống lạnh buốt. Jan vẫn thều thào:

‘‘Cứu anh… giúp anh… Đi! ’’

Tôi không thể đáp ứng ước nguyện của Jan, nhưng chàng bắt tôi suy tư. Đắn đo nhiều tháng dài, một hôm tôi ngỏ ý cùng người bác sĩ gia đình. Cặp mắt sau đôi kính trắng nhíu lại:

‘‘Bà có biết là chuyện trợ tử ở xứ chúng tôi vẫn còn bị cấm đoán không?’’

Tôi thuyết phục yếu ớt:

‘‘Nhưng ông thấy đó, chồng tôi sống như một…’’

Tôi không biết dùng từ ngữ nào diễn tả cho đúng trường hợp của Jan, chỉ biết cố gắng giải thích để người bác sĩ gia đình liệu cách giúp Jan. Ông ta bảo sẽ suy tính lại.

Điều này, tôi không tiết lộ cho Danny biết. Và cứ thế, năm tháng trôi. Hơn bất cứ lúc nào, tôi thấu hiểu tâm trạng sống nơi biên xứ giữa sự sống và cái chết. Những nghiệm trải quá khứ chợt trở nên xoàng xĩnh, mất ý nghĩa trước hoàn cảnh của tôi và Jan hiện nay.

*

Kể tới đấy, người đàn bà nhỏ giọng, ngưng lời. Đêm đã sâu lắm, dám chừng trời đã hửng sáng. Trà mứt nguội tanh. Kim đồng hồ tường chếch góc ở con số 12. Thầy Trí nghĩ thầm, lẽ nào, giương mắt nhìn kỹ thì thấy chiếc kim giây cứ nhinh nhích một chỗ. Thì ra, pin cạn. Thầy hé rãnh môi khô, nuốt xuống thứ dịch vị đọng tinh trà chát đằm, hỏi:

– Vì vậy bà tới đây để hỏi ý tôi nên quyết định như thế nào?

Người đàn bà không phản ứng. Thầy Trí tiếp lời:

– Ông bác sĩ gia đình nói đúng, trợ tử là một việc làm phạm pháp. Nhưng lấy tâm mà xét thì ý tôi, còn tuỳ. Nếu cứ để vậy, mình sẽ phung phí không phải chỉ một mà hai đời sống. Trường hợp chiều theo ý ông nhà, thì luật pháp sẽ kết án bà ra sao? Tôi là một cư sĩ, chỉ biết dụng tâm vị tha mà ứng xử. Còn bà, tuỳ cơ thôi.

Người đàn bà khép mắt, giọng trịnh trọng:

-Tôi cám ơn thầy.

Rồi bà giơ tay vén tóc, đẩy ghế đứng lên. Thầy Trí vội đứng lên theo, hỏi mau:

– Bà về sao? Giờ này, tuyết rơi đầy.

Rồi thầy khoắn chân tới kéo xoạc rèm cửa. Tuyết ngưng rơi từ khi nào. Cảnh ngoài trắng toát một màu, ửng chút ánh sáng của ban mai, của sự sống tiềm tàng. Thầy Trí lặp lại câu hỏi:

– Bà về thật sao?

Người đàn bà gật đầu dứt khoát:

– Tôi phải về thôi.

Thầy Trí tiễn chân người đàn bà ra tới cổng ngoài. Không gian lạnh giá, nhưng tươi rói như được khai tân. Thầy đứng lặng nhìn theo dáng người khách kỳ lạ dè dặt theo lối ra bãi đậu xe.

Được một đoạn, người đàn bà dừng chân, quay lại nhìn ngôi niệm Phật đường le lói ánh đèn sau vạt cây thưa. Bà lần tay vào túi áo, mân mê lọ thuốc ngủ. Trống không. Bà đã trút tất vào ly nước, khuấy đều, kề vào miệng Jan, trước khi tới đây. Hẳn chàng đang say ngủ. Không, đang xa khỏi.

(tháng 12. 2000)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)