Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Vầng trăng quang tuyến

 

 

 

Bây giờ Hoàng có nhiều thì giờ, rất nhiều thì giờ. Không như những ngày mới nhập viện, cả tuần chàng đánh vật với những khám nghiệm chẩn bệnh. Lấy máu, đo tim, chụp hình phổi, rà bao tử… Hoàng đang mở lòng ra, tênh hênh, phơi phới, cho mọi người xem.

Ngày bắt đầu từ năm giờ rưỡi. Giữa hè, ánh sáng thấp thỏm. Bà y tá người Phi-luật-tân vào phân phát thuốc. “Chào buổi sáng.” Mặt bà đăm đăm, thân hình phốp pháp, kính cận săm soi, bước chân nhinh nhích như đạp phải nhựa đường. Đáng buồn nhất, Hoàng chưa hề thấy bà ta cười. Chẳng bù với mấy cô y tá người bản xứ, nụ cười lúc nào cũng gắn trên môi.

Ông cụ bị bệnh xơ phổi chia phòng chung với Hoàng đã thức giấc. Còn một cụ nữa, già hơn, bệnh tim, vẫn ngáy đều. Hoàng cố nướng giấc ngủ. Khuya qua chàng ngủ khó. Lạ chỗ, trời nóng hầm, thiếu hơi nệm gối mồ hôi quen, thêm bị cụ Tim quấy nhiễu. Suốt đêm chàng vật vờ trôi trên sông nước ảo giác. Trăng lưỡi liềm e ấp thanh tân. Màu trăng ửng xanh, nhấp nhô trong cơ thể chàng rợn sốt. Chàng đã ngủ gà ngủ vịt như thế cho tới sáng.

Cụ Phổi đã hoàn tất vệ sinh sáng, đang ngồi điền mẫu thực đơn cho tuần tới. Trưa có món nóng, sáng và chiều gặm bánh mì. Riết rồi quen, Hoàng không hề phàn nàn. Thời gian nhập viện cũng chưa lâu để chàng thèm món ngon quê hương. Khoảng bảy giờ kém mười lăm Hoàng mới uể oải buông chân rời giường. Soi gương thấy ốm, như hai người lạ đối diện. Xong, khoảng bảy giờ hai cô y tá bản xứ đẩy xe vào kiểm bệnh, làm giường.

– Ba mươi tám độ hai.

Hoàng kêu lên:

– Gì dữ vậy.

– Nhịp tim chín mươi hai. Hôm qua có đi cầu không?

– Có.

– Lỏng, chặt ra sao?

– Sền sệt, chắc tại dùng thuốc tiêu hoá.

– Được rồi, để tôi lấy thuốc giảm sốt cho ông. Ông muốn thuốc viên hay thuốc nhét?

– Gì cũng được.

Rồi hai cô y tá xúm xít làm giường. Hoàng e dè nhìn đốm máu sáng qua người bác sĩ tập sự sơ ý vẩy lên mép chăn. Máu pha nước biển ánh màu hồng tươi như chất lỏng rỉ ra từ miếng thịt bò. Mấy hôm rồi thời tiết trở nóng. Nắng rợp, lặng gió. Đầu trưa, nắng hỗn hào cắt lên chỗ Hoàng nằm một ô sáng, đóng khung giọt máu hồng. Hoàng bâng khuâng nhìn đốm đỏ soi mói. Của mình đó sao? Sao lại nằm đây, lẻ loi trên chăn nệm lạ, trong mùi thuốc men kháng trùng?

Cô y tá đang lay thức cụ Tim. Trước đó cụ Phổi đã phàn nàn, hồi khuya ông ấy phá phách dữ quá, không ai ngủ được. Thật vậy, cụ Tim có lẽ là ma dơi sống về đêm, vướng thêm hội chứng “siêu linh động,” nên suốt đêm cụ hết đi ra rồi đi vào. Xô, xập cửa “rầm”; mở, tắt đèn lách cách. Cây gậy run rẩy dò đường theo vạch cửa nhá nhem. Rồi ngồi lặng ở mép giường, khi bị cụ Phổi cao giọng trách. Cụ Phổi cần không khí trong lành, ngủ phải mở hé cửa sổ. Cụ Tim thường bị đầy bụng, lâu lâu xì hơi “lóc tróc” tràng dài, còn lẩm bẩm: “Rồi đời không khí trong lành!”

Hoàng nghiêng người, nhướng mắt quan sát. Đêm soi tái ngoét lên chiếc đầu cụ Tim lơ thơ tóc, trông như tảng thịt heo ngâm nước. Da thịt già nua. Đầu cúi gằm như ngồi trong cũi chật. Cái hoại diệt già bệnh nhốt cụ vào xà-lim cuối đời, trông vừa đáng thương vừa đáng sợ. Cụ Tim ngồi im như thế không lâu. Hoàng vừa lim dim, lại nghe tiếng sục sạo. Hé mắt mệt mỏi nhìn sang, cụ Tim đang cắm cúi lục lọi hộc bàn. Một cây đèn bấm. Cụ lia ngọn đèn sang chỗ Hoàng nằm, tìm tòi, rồi chĩa sang giường cụ Phổi. Cụ ngồi phắt dậy, cao giọng:

– Làm gì vậy? Có tắt đi để yên cho người khác ngủ không!

Cụ Tim lè nhè:

– Có người trốn dưới gầm giường, phải tìm cho ra.

– Ai?

– Cái thằng mập nấp dưới giường.

– Thôi, ngủ đi! Lộn xộn tôi gọi y tá đẩy ông ra nằm một mình ngoài hành lang bây giờ!

Không biết cụ Tim có sợ hay không mà thừ người như tượng. Nhưng không được lâu. Sau đó trò ra vào, tìm tòi, lảm nhảm lại tiếp tục.

Gần tám giờ có y tá tới trích máu, lúc ở vành tai lúc ở đầu ngón tay. Hoàng hỏi để làm gì, được biết để đo lượng dưỡng khí trong máu. Toàn ma dơi hút máu. Gần như ngày nào Hoàng cũng bị lấy vài ống tiêm máu và truyền nước biển. Y tá cắm vào động mạch tay chàng một mũi kim gắn nút, để mỗi ngày ba lần, mỗi lần truyền vào nửa lít nước muối. Hoàng tưởng tượng vẩn vơ, tại sao những người thích ăn tiết canh heo không bắt chước kiểu này? Gắn một mũi kim vào huyết mạch heo, khi thèm cứ việc rút tiết! Hoàng rợn người. Tuy chàng là người giàu tưởng tượng, nhưng chưa lần nào chàng suy nghĩ quái gở như vậy. Cảnh tượng máu me man rợ, hoang đàng này thật trái ngược với mảnh không gian ngoài khung kính. Một vòm lá xanh lấm tấm hoa đỏ. Nắng sáng trườn nhẹ trên gối. Nắng trưa sàm sỡ, oi bức. Nắng chiều mong manh gió. Có lần, bất ngờ Hoàng nghe tiếng chim len qua khung cửa. Ngơ ngác, rời rạc, tròn trịa, không buồn không vui, mà dường như đượm nỗi gì lẻ loi lẫn ngờ vực. Chim ẩn mình trong đám lá. Chàng nằm gác tay trong giường nệm với vệt máu phai màu. Hoàng bắt đầu những trò chơi.

Khởi sự là các món ăn. Mỗi ngày ba bữa, sáng trưa chiều. Bữa trưa có ba món để chọn. Hoàng không phải kiêng thứ gì. Chàng ăn không nhiều, nhưng thấy ngon. Một kẻ đã nhiều năm lê la trong câu lạc bộ đại học như chàng, có thể tiêu hoá bất cứ thứ gì. Thịt bò hầm chua với sốt nho khô. Khoai tây nướng với sốt sữa và phó-mát. Súp đậu ăn kèm xúc-xích. Cá chiên rưới sốt rau thơm. Quan trọng ở món ăn địa phương là nước sốt, đủ loại, màu sắc vui vẻ. Vài người quen tới thăm, hỏi Hoàng có thèm ăn món gì không? Chàng xua tay, bảo không thèm gì cả. Nhưng sau gần hai tuần, thâm tâm chàng dậy chút hoài nghi. Đôi khi chàng nghĩ tới cảnh nhà đơn giản nơi đất khách. Hai phòng, có bếp và chỗ tắm. Căn bếp chật, thức ăn khô và dụng cụ làm bếp chất tràn ngoài tủ. Chỗ đứng rửa rau, xắt thịt cạnh chiếc máy giặt thời đức quốc xã. Mùi đường cháy nồng nặc mỗi lần kho thịt. Lúc chiên hành, phi tỏi, nhớ khép cửa hành lang. Chàng cảm thấy khó chịu khi từ ngoài vào, phải ngửi mùi xào nấu và hơi người, dẫu của chính chàng. Nhiều khi chuyện chợ búa nấu nướng trở thành gánh nặng. Chàng nấu qua loa, ăn cho xong. Bây giờ chàng lại thèm cái qua loa ấy. Hay có lẽ chàng chỉ thèm nhớ cái không khí thân thích, kề cận thường ngày. Hoàng phân vân dò xét lòng mình, thấy ra không có điều gì đúng. Tất cả trở nên tầm thường như giọt máu đã chia thân đoạn thể chàng, nằm trơ trọi trên chăn trắng.

Đã có lần ông Phổi ồn ào phát biểu:

– Đứa nào ăn tỏi, lại gần là tôi đuổi đi ngay. Vợ tôi bắt được mùi tỏi là xỉu liền.

Hoàng góp ý:

– Tỏi làm điều hoà huyết mạch.

Ông Tim nối lời:

– Con gái tôi ưa ăn tỏi ngâm giấm. Chồng cũ của nó là người I-răng, ăn tỏi như mình ăn hành củ. Nó theo thằng đó sang sống ở Tây-ban-nha mười hai năm, rồi bị ruồng bỏ. Hiện giờ nó sống một mình với “hội chứng lãnh cảm”…

Thấy ông Tim bắt đầu lạc đề, ông Phổi ngắt ngang:

– Vợ chồng thằng con trai tôi tới chơi, nói chuyện bốc mùi tỏi, tôi đuổi đi liền. Nếu có chiến tranh, chỉ cần thả vài trái bom tỏi, chết dám tới sư đoàn.

Hoàng cười lớn. Cụ Phổi già nên độc đoán. Cụ Tim già nên lẩm cẩm soi đèn tìm gian phi trong đêm tối. Còn Hoàng vẫn còn xuân xanh, nên tìm tòi trò chơi mới: đổi tên đám y tá. Cora, đứa bụ bẫm, là San Hô. Nadine, đứa ốm nhom, là Sậy Hương. Irene, đứa sứt môi, là Son Hồng. Sabine, tóc màu khí đá, là Bạch Lạp. Brigit có giọng nói dịu dàng mang tên Ca Dao. Bà Dolores, chuyên trực đêm, là Vũ Nữ. Còn hai tên đực rựa, đứa tóc nâu đứa tóc vàng, chàng gán tên Đen và Trắng cho tiện. Người nào cũng dễ mến. Đôi khi họ nghiêm khắc, cau có với bệnh nhân, cốt chỉ điểm mặt răn đe, không được nhõng nhẽo.

Mỗi thứ sáu, khoảng mười giờ, bác sĩ trưởng vào phòng chẩn bệnh, nhỏ lớn ba bốn người phụ tá đứng nghẹt phòng. Bắt tay chào, hỏi và trả lời:

– Ông khoẻ không?

– Tôi bị đau râm râm ở bụng.

Bác sĩ trưởng vạch bụng chàng, bóp nắn:

– Đau không?

– Không.

– Ăn no đau nhiều hơn phải không?

– Cũng bình thường.

– Phân ra sao, có như đậu đen không?

– Dạ, tôi đang bị tiêu chảy, màu nâu lợt.

– Tiểu khó không, màu gì?

– Dạ, bình thường, màu trà loãng.

Rồi ông quay sang bác sĩ trưởng khu, phun vài câu toàn từ ngữ chuyên môn. Hoàng hiểu loáng thoáng, rọi kiếng bao tử, chụp quang tuyến phổi và lục phủ ngũ tạng để tìm bướu. Hoàng biết, đời chàng bây giờ hoàn toàn nằm trong tay đám bác sĩ và y tá này. Đã có người mắng mỏ y sĩ đoàn là đảng “Mafia trí thức,” và bọn y tá là bầy “nữ yêu truyền kiếp,” nhiều khi đối xử tệ bạc, vô tâm với bệnh nhân. Nhưng đám nữ yêu chỗ chàng nằm, đứa nào cũng vui vẻ, nhanh nhẹn, tháo vát. Hoàng thầm nghĩ, làm những nghề này, phải xem bệnh nhân như thân nhân mình, mới có thể chịu đựng được chướng tính của họ.

Buổi chiều, sau giờ bánh mì tối, Hoàng thường ra ngồi ngoài hiên có lan-can nhìn xuống con đường ốm. Xéo bên phải là toà nhà ba tầng, khu dành cho nhi đồng. Những khung kính dán giấy màu, hoa bướm loè loẹt. Cảm giác an lành dấy lên lòng chàng. Xa xưa, ôi xa xưa với bàn tay má rờ trán mỗi khi chàng lên sốt.

Má hỏi:

– Con thèm ăn thứ gì?

Giọng chàng rưng lệ cá sấu:

– Con thèm phở, mì, hủ tiếu, cà-rem, nước đá nhận…

Má gắt:

– Bịnh, chưa được ăn mấy thứ đó. Để má kêu dì Phấn nấu cháo sữa cho ăn.

Chàng trả giá:

– Con cũng thèm xí muội.

– Được rồi, để má kêu tụi nó đi mua.

Bàn tay chàng nóng ran nằm trong lòng tay má mát rượi. Má bắt chàng uống thuốc rồi nằm nghỉ. Giấc mộng sốt trẻ con rối loạn hình ảnh, màu sắc kinh dị. Chàng không biết, đã lần nào chàng mơ tới một nơi như trong chiều nay, ngồi duỗi chân lên ghế, thẩn thơ trông lên những khung kính loang loáng mây qua. Chợt, một khung cửa mở xoạc, cái đầu thưa tóc nhô ra, hướng về chỗ chàng ngồi. Một đứa bé mà Hoàng đoán là người Á châu. Chàng toan giơ tay vẫy thì cái đầu đã thụt vào, và tay ai nhẫn tâm kéo vội màn cửa. Hoàng ngẩn ngơ giây lát. Một cánh bồ câu vút ngang. Chàng nhìn lên, trời trong vắt báo trước ngày mai oi ả.
 

*
 

Những cuộc dạ hành của cụ Tim không êm thắm như cụ nghĩ. Phần bị bà Vũ Nữ ngăn trở, phần bị ông Phổi cực lực phản đối chuyện đóng cửa lầm rầm. Một đêm, cụ Tim vừa thay quần áo vừa lảm nhảm:

– Tao đi gọi cảnh sát tới bắt tụi nó. Tao về nhà, ở đây chịu không nổi nữa rồi.

Rồi cụ chống gậy, lân lê bước ra ngoài. Đi đứng làm sao mà cụ té sặc máu mũi và mẻ trán. Hoàng không chứng kiến tai nạn thảm khốc này, vì ngay sau đó cụ Tim được dời sang phòng khác. Sáng hôm sau, ra phòng truyền hình, Hoàng thấy cụ Tim ngồi cú rũ trong ghế lăn, bị nịt vào lưng ghế, một mảnh băng quấn đầu, một nhúm bông nhét mũi thò thè nhúm máu khô, trông bệ rạc hết sức. Hoàng xúc động, tới ngồi cạnh, vuốt ve tay cụ. May quá, cụ chưa hoá cuồng, vẫn còn nhận ra chàng. Cụ cười xoà. Giọng Hoàng dịu nhiễu:

– Sức khoẻ ông ra sao?

Cụ Tim thều thào:

– Yếu, bị té dập mũi và bể đầu, chưa gọi được cảnh sát.

– Hôm nay vợ ông có tới thăm không?

– Không biết.

Hoàng nghĩ tới người đàn bà đoản tướng, xoắn xít bên cụ Tim mỗi lần viếng thăm. Bà kể lể, từ năm 46 tuổi cho tới giờ, hầu như chồng tôi chỉ biết có bệnh viện, y tá, bác sĩ và thuốc men; mười cuộc giải phẫu gắn máy trợ tim và ống thông huyết mạch, lần này thêm cái dạ dày hành hạ, không ăn uống được. Tuy vậy, Hoàng thấy cụ Tim vẫn trơn tru ăn uống, có vẻ còn nhiều hơn chàng nữa. Cụ bà hỏi han, mớm mồi; cụ ông nũng nịu, nhõng nhẽo như chim mẹ và chim con. Cụ thèm uống nước cam đá lạnh, bà đem vào một bình thuỷ đựng nước đá, để nửa khuya cụ loay hoay cạy đá, phiền nhiễu hàng xóm không ít. Cụ muốn nghe máy phát thanh, bà đem vào một “cái đài” quốc tế, để tối tối cụ tẳn mẳn dò đài, lè rè mọi ngôn ngữ như ong vỡ tổ. Cụ thèm ăn kem cây, bà lệu xệu ra đầu đường mua về, vợ chồng ngồi mút ngon lành như hai đứa con nít. Tuy bà không ngớt than thở về tính khí khác thường của cụ Tim, nhưng Hoàng thấy bà vẫn tíu tít xập xoè cạnh cụ như gà mái, dẫu tia mắt thỉnh thoảng ánh lên chút ngờ vực. Vì vậy, trưa nào bà đã mời cha xứ vào xức dầu, đọc kinh cho cụ Tim. Giọng bà hoà giọng cha xứ, đều đều vô cảm. Cụ Phổi nằm giường bên, giơ tay chùi mắt.

Cụ Phổi là người giàu cảm xúc, thường nhớn nhác khóc mứa. Bác sĩ cho hay, có thể phải mổ cắt bỏ phần phổi hư, cụ nhểu nhão cùng vợ:

– Chắc bị mổ. Thà chết chứ tôi không để cho mổ.

Bà an ủi:

– Bác sĩ mới nói có thể thôi, chưa có gì chắc chắn.

Hoàng xen vào:

– Nếu ông không chịu ký tên vào tờ cam kết, ai ép buộc ông được.

Cụ Phổi xướng giọng:

– Tôi chưa hề bệnh hoạn gì. Đây là lần đầu tiên tôi nằm bệnh viện. Tôi bỏ hút thuốc đã 15 năm nay. Ai tới nhà tôi, muốn hút thuốc phải ra ngoài hiên. Một bạn thân tới chơi, phì phèo thuốc lá, tôi bảo ông đừng hút vì vợ tôi dị ứng với khói thuốc. Ông ta bảo, vợ tôi nên tập quen với khói thuốc mới phải. Tôi giận dữ đuổi xéo, từ đó tuyệt giao luôn.

Ông thuật lại chuyện này ít nhất ba lần, lần nào cũng hả hê như thắng lớn, mặt đỏ ké như gà lôi. Chẳng bù với lúc cụ cùng Hoàng đi chụp hình lục phủ ngũ tạng. Mặt cụ xanh lè, dáng đi thẳng đuột như nuốt nhầm cán chổi, nhịp thở hổn hển. Cụ luôn miệng thỏ thẻ: “Có anh, tôi an tâm nhiều lắm.” Hoàng an ủi: “Đừng lo, tôi ở bên cạnh ông.” Tuy ngoài miệng khuyên cụ Phổi đừng lo, mà trong lòng chàng lại ngổn ngang trăm mối. Không biết họ sẽ tìm thấy gì? Một cái bướu to bằng hạt đậu, củ hành ta hay trái chanh? Dám chừng họ khám phá ra một chùm bướu như chùm ruột đơm trái! Với tâm trạng của nàng dâu không còn trinh trắng trong đêm tân hôn, Hoàng bước đi. Họ bắt chàng uống một lít chất lỏng âm ấm, màu vàng nhạt như nước tiểu trẻ con, mùi vị ghê tởm. Vậy mà, kỳ diệu thay, chàng uống hết. Rồi họ đẩy chàng vào một lòng máy khổng lồ, rỗng hai đầu, có trục quay veo véo. Cái giọng máy móc, chậm rãi cất lên: “Hít sâu, giữ lại… thở tiếp.” Sao giống kiểu thiền tập của thầy Nhất Hạnh! Họ chụp ngực bụng chàng đủ kiểu như chụp ảnh phụ nữ nhà nghèo. Chán chê, thải chàng ra phòng đợi. Ông Phổi đã làm xong sứ mạng cao cả, ngồi thở khò khè. Hoàng tìm một chỗ nắng soi, ngồi xuống. Nắng sớm chan hoà. Hồn chàng cũng chan hoà, tươi rói. Đời sống vừa tầm thường vừa tuyệt diệu. Tự dưng chàng bị xô vào trò chơi làm người đầy khóc cười này. Hoàng đã chứng kiến hoàn cảnh các cụ già trong viện, điển hình là cụ Tim. Cụ nghễnh ngãng như một ông già chớm cuồng và ngang bướng như một đứa con nít mất dạy. Lại thêm các cụ khác ngồi lê la trong phòng truyền hình, mặt mày nhớn nhác chờ phép lạ. Những tay chân khẳng khiu, những hố mắt lạc thần, những hang miệng toang hoác vô ý thức. Kiếp người khởi đầu thật kỳ diệu và kết thúc thật kỳ quái. Vậy mà y học vẫn cố giữ cho sống. Lẽ sống chết được nối liền bằng sợi tơ nhện mong manh. Cái đứt lìa nào cũng một nghĩa như nhau.

Một hôm y tá Đen mang khay thức ăn trưa cho Hoàng, xạo sự:

– Ông cần thêm gì, cứ cho tôi biết!

Trí Hoàng loé ra ý nghĩ:

– Anh giúp tôi một chuyện được không?

– Chuyện gì?

– Sang viện nhi đồng hỏi xem có đứa nhỏ nào đồng hương với tôi không?

Y tá Đen ngần ngừ chưa đáp thì Hoàng đã móc bóp rút ra tờ giấy mười đồng, dúi vào tay nó. Ánh mắt gã y tá nửa vui nửa ngờ vực, rồi gật đầu:

– Tôi sẽ hỏi giùm ông.

Trưa nay có món xúc-xích chiên ăn với khoai tây nghiền. Ăn xong, Hoàng ra ngồi vào chỗ quen ngoài hiên. Gió nhẹ vây vẫy. Vòm cây chao động, in lên nền trời gợn gạo mây trắng. Bên kia, những khung kính khép nghiêng, những màn cửa kéo kín, những hình thủ công thú chim hoa bướm màu mè sặc sỡ. Tất cả yên tĩnh như nhà trẻ vào mùa nghỉ. Tư lự chán, Hoàng trở người săm soi “nhan sắc” mình. Móng tay dài, phải cắt. Da khô, phải thoa kem. Còn mấy dấu kim ma cà rồng, đành chờ thời gian hàn gắn. Chao ôi, thời gian phù thuỷ dã man, tàn bạo. Nó bắt hoa tàn lá úa, da mồi tóc bạc. Thuở bé, Hoàng đẹp như tiên đồng, chỉ cái tội ghẻ ngứa và rụt rè quá đáng. Giờ đây chàng khô như táo héo, thêm căn bệnh quái quỷ, còn tính nhát nhúa mười phần còn hai, ba.

Cụ Phổi xề tới ngồi cạnh chàng lúc nào không hay, thấp giọng:

– Anh biết không, bác sĩ bảo nếu tôi không muốn mổ và bằng lòng với tình trạng hiện giờ, cũng được.

Hoàng ậm ừ tán đồng. Cụ Phổi thều thào thêm:

– Anh nghĩ coi, lúc mới vô đây tôi đi không nổi từ giường ra tới cửa sổ, bây giờ tôi có thể lượn hai vòng quanh viện. Tôi già rồi, đâu còn ước vọng gì. Tôi chỉ muốn về nhà sống với vợ và con cháu thêm vài năm. Nhà tôi có vườn rộng, nghĩ tới chuyện vợ tôi phải thui thủi dẫy cỏ một mình, tôi áy náy sao ấy. Mặc dù có đứa con dâu thường tới lui giúp mẹ, nhưng lòng tôi vẫn không yên. Tôi muốn về nhà, không muốn mổ.

Điệp khúc “không muốn mổ” được cụ Phổi lặp đi lặp lại nhiều lần, lần nào cũng đẫm mứa nước mắt. Cụ Phổi thú nhận, cụ là người có ít nhiều nữ tính, hay tò mò, nhưng không làm Hoàng khó chịu. Cụ có bà vợ mập bệu, tóc thưa, dáng dấp quê mùa. Hoàng thường mời bà phần bánh ngọt và cà-phê buổi trưa, thành ra bà “kết” chàng lắm. Bà đem tặng chàng một dĩa trái cây bọc trong giấy bóng, thắt tua hồng, trịnh trọng như quà cưới. Qua cách đối đãi, Hoàng thấy tình vợ chồng giữa bà với cụ Phổi không giống như giữa bà đoản tướng với cụ Tim. Một đằng là tình nghĩa và quý trọng. Một đằng lẫn lộn nghĩa vợ chồng với tình mẹ con. Vợ chồng lâu năm, giống như anh em. Điều này đúng cho trường hợp cụ Phổi.

Hoàng thường bâng quơ xúc động khi thấy những người vợ vào săn sóc chồng. Lòng hy sinh, nhẫn nại, ân tình được biểu lộ qua từng nụ hôn, bàn tay nắm, giọng nói dịu dàng như kể chuyện cổ tích. Đời sống không tầm thường nhạt nhẽo như Hoàng thường nghĩ, mà đậm sắc độc đáo như chiếc kính vạn hoa.
 

*
 

Thằng Đen gật đầu:

– Có một đứa nhỏ đồng hương với ông bên viện nhi đồng.

Hoàng nhổm người:

– Mấy tuổi, biết không?

– Chín, mười tuổi gì đó.

– Nó bị bệnh gì?

– Chắc ung thư. Bên đó là viện điều trị ung thư mà.

– Tên gì?

Thằng Đen giãy nảy:

– Không biết. Ông hỏi nhiều quá.

Hoàng nhìn thẳng vào tròng mắt hạt nhãn nhấp nháy như biết suy nghĩ của thằng Đen, cười mỉm:

– Tôi nhờ anh đâu phải không có gì.

Thằng Đen dịu giọng:

– Được rồi, ông cần chi nữa không?

– Anh đem một lá thư cho cô bé giùm tôi.

Thằng Đen nhún vai, giọng tuồng:

– Sứ mạng không thể thực hiện được!

– Quân lưu manh! Anh đừng bắt khó tôi, rồi sẽ có thêm chút gì mà.

Thằng Đen cười hinh hích, bỏ đi. Cụ Phổi quay sang, ánh mắt hau háu. Hoàng chặc lưỡi:

– Tội nghiệp.

Cụ Phổi chỉ chờ có thế, giọng bắng xắng:

– Sao anh không qua thăm, thư từ làm chi mất công?

Hoàng giả giọng bí mật:

– Tôi đang bắt đầu trò chơi mới.

Cụ Phổi ngạc nhiên:

– Cái gì?

– Tôi sẽ kể ông nghe sau.

Để rồi, sau bữa trưa Hoàng lấy tờ giấy ca-rô, nắn nót kẻ một ô chữ nhật lớn, chia ngang theo mẫu tự, dọc theo số. Chàng tô đen một vài ô cho bớt trống trải, vẽ thêm ở góc trái một mẩu hình tàu buồm hải tặc giương lá cờ sọ người. Giữa là đảo hoang chứa kho tàng và vài con cá mập vây quanh. Hoàng sao vẽ thành hai bản. Chàng đưa cho cụ Phổi coi kỳ công sáng tạo, giải thích:

– Đây là trò chơi “bắn tàu,” chắc ông cũng biết. Hai phe giấu tàu của họ trong các ô tự chọn, rồi thay phiên cho nhau biết toạ độ pháo kích, căn cứ theo hàng mẫu tự ngang và số dọc.

Cụ Phổi kêu lên:

– A, hồi nhỏ tôi cũng có chơi trò này.

– Điều quan trọng là phải thành thật, không được ăn gian.

– Anh định chơi trò này với ai?

Hoàng bật cười:

– Với cô bé bên viện ung thư, không lẽ với ông?

– Tôi thích chơi cờ Tây mù, nghĩa là không có bàn cờ, chỉ đọc và ghi các nước cờ.

– Khó vậy.

– Phải chơi rành và tưởng tượng giỏi.

– Tôi không biết chơi cờ. Tôi có trí nhớ của một con ốc sên. Nhưng được cái, trí tưởng tượng của tôi không bộ bách khoa nào có.

Cũng vì giàu tưởng tượng mà Hoàng thường mộng mị vá quàng. Như trong giấc mơ khuya qua, chàng thấy lại vầng trăng sừng trâu đêm nọ. Màu trăng lóng lánh ngân nhũ, toả sáng như khe hở núi đá dẫn vào kho tàng. Rồi không dưng cửa động rục rịch hé mở, rộng hơn, rộng hơn nữa. Lưỡi trăng trở nên méo mó như mảnh bột bánh của người thợ vụng tay. Cuối cùng trăng nhoè ra, tựa như tấm phim quang tuyến X, loang lổ những đốm trắng, dị dạng như bìa gan heo nổi mốc. Cái giọng phán đoán của ai vang lên, phải cắt, phải thẻo bỏ. Giọng cụ Phổi nấc nghẹn. Giọng người vợ an ủi. Giọng Hoàng ân cần khuyên lơn. Thêm hợp giọng trầm bổng nhiều người xướng lên, nghe như cầu kinh. Chợt vầng trăng từ từ nhỏ lại. Cửa động khép kín. Hình người và tiếng nói thoắt cái tan biến. Đêm thinh vắng rợn người. Hoàng giãy giụa mất hút vào không gian đen kịt, sâu hút, lặt lìa tuột vào tấm vải sa-teng khổng lồ. Chàng rơi không ma sát vào vũ trụ mênh mông, biến thành vì sao lẻ, loé màu trắng tía.
 

*
 

Thằng Đen trỏ vào tờ giấy gấp tư đặt trong khay thức ăn, nháy mắt cười, không nói. Hoàng nuốt qua loa cho xong, rồi vội vàng mở thư ra xem. Chữ viết của cô bé mũm mĩm, nắn nót, và ngạc nhiên thay, bằng tiếng Việt.

“Thưa Ông,

con tên Hằng, sắp mười hai tuổi. Con bị bệnh thiếu máu, đang tìm người hiến tuỷ mà chưa có. Quen được ông, con mừng lắm. Ở đây đồ chơi có nhiều, bạn cũng có, nhưng nghe tụi nó nói, con không hiểu hết. Con qua đây mới hơn một năm. Chiều nào ba má và anh chị con cũng thay nhau vô thăm, nhưng buổi sáng buồn lắm. Bác sĩ cho con uống thuốc, làm rụng tóc hết trơn. Bữa nọ hình như con thấy ông ngồi ngoài hiên. Họ nói bệnh của con có thể chữa khỏi, nhưng hơi lâu. Má khóc hoài. Má nấu chè, làm bánh, nấu mấy món con thích đem vô cho ăn. Lần tới con sẽ dành phần cho ông. Ông y tá đưa thư cũng dễ thương. Sáng nay con ngồi vẽ hình vô tập ảnh. Con ngó mấy tấm ảnh cũ, nhớ nhà quá. Nhà ở Việt nam chớ không phải ở đây. Con thương gà, vịt, heo con. Con ưa ăn trái nhãn lồng mọc dại bên mương. Có đêm con ngủ mơ, nghe tiếng chân bà ngoại xê dịch dưới bếp mỗi sáng sớm. Chỉ nghe tiếng mà không thấy ngoại. Con khóc.

Thư đầu biên cho ông, con kể toàn chuyện buồn, ông tha lỗi cho con. Con chúc ông mạnh khoẻ.

Kính chào ông,

Hằng”

Lòng Hoàng đổi sắc tươi rói như nắng mới. Chàng không ngờ, cô bé biết viết chữ Việt giỏi vậy. Chàng tự hỏi, không hiểu ba má và anh chị bé Hằng là ai, biết đâu chừng chàng quen. Dạo này có nhiều gia đình tới đây cư ngụ, Hoàng quen gần hết. Chàng gấp thư, cất vô hộc bàn, cười tủm tỉm. Nhìn ánh mắt nô nức hóng chuyện của cụ Phổi, Hoàng thương hại, kể xạo:

– Tên con bé là Trăng, bị bệnh hoại huyết, sắp khỏi. Người hiến tuỷ là chị nó. Nó mắc bệnh vì bị muỗi cắn. Bên xứ tôi có một loại muỗi voi độc địa vô cùng, bị nó chích mà không chữa ngay là mắc bệnh hoại huyết.

– Làm sao biết mình bị muỗi thường hay muỗi voi chích mà đi bác sĩ?

– Chỗ muỗi voi cắn sưng lớn, vài ngày sau nổi mụt bọc mủ.

– Chưa nghe bao giờ… Mà không, hình như ở bên Phi châu cũng có loại muỗi này.

Hoàng nghiêm mặt gật gù:

– Đúng đó!

Rồi chàng bật cười tràng dài. Cụ Phổi hiểu ra, phất tay, bỏ ra ngoài. Hoàng lấy giấy, gò gẫm hồi âm cho bé Hằng, còn kèm theo một đoạn tái bút, giải thích trò chơi “bắn tàu.” Vài ngày sau chàng nhận được thư đáp.

“Thưa Ông Hoàng,

ông hỏi con tại sao biết viết tiếng Việt giỏi vậy? Con được đi học ở Việt nam mà ông. Trong lớp, con luôn đứng đầu mấy môn viết chính tả và luận văn. Cả nhà đều nói, con có khiếu viết văn. Con thích đọc sách hình, truyện nhi đồng và cổ tích quê hương. Dễ thương nhất là truyện ‘Nàng Út ống tre.’ Ông biết chuyện này không? Nếu không, hôm nào con ghi lại cho ông đọc. Con biết trò chơi ‘bắn Tàu.’ Con tấn công trước nghe, mỗi lần hai phát, theo lời ông dặn. Mục tiêu của con là A12 và H9. Con đặt tên cho tàu cướp biển của con là ‘Cá voi can đảm.’ Còn tàu của ông tên gì? Chiều qua con có kể chuyện làm quen với ông cho ba má nghe, ba má tỏ vẻ vui vì con có người trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. Con không biết ông bao nhiêu tuổi, có già lắm không? Xin ông hứa với con điều này, ông đừng bao giờ qua đây thăm con! Con kèm theo đây cái bánh in nhưn sầu riêng, biếu ông ăn lấy thảo. Chúc ông sớm lành bệnh.

Con,

Hằng”

Lúc thằng Đen trao cho Hoàng lá thư và cái bánh, nó nói bóng gió:

– Ông được tặng cái bánh, còn tôi được cái gì đây?

Hoàng liếc nó, gầm gừ:

– Anh là con đỉa hút máu, biết không?

Thằng Đen nhe răng cười. Hoáng dúi vào tay nó năm đồng, bỡn cợt:

– Thời buổi khó khăn, đồng lương càng lúc càng ít, đừng buồn!

Thằng Đen xua tay:

– Công nhân dễ tính, không sao.

Rồi trỏ vô cái bánh:

– Hình như hư rồi, hôi quá.

Hoàng cười lớn:

– Thơm thấy mồ. Mũi anh hư thì có.

Thằng Đen vờ vịt bịt mũi, nhăn mặt chạy biến. Thằng này thật ra không phải là y tá mà là người làm việc thiện nguyện thay vì thi hành quân dịch. Nó là người tận tuỵ. Thỉnh thoảng Hoàng lại thấy nó đẩy xe cho ông Ốc Bươu đi dạo. Ông này có cặp mắt lồi đặc biệt. Lúc Hoàng mới vào, chạm nhãn với ông, chàng dội ngược. Tia nhìn ông châm chích, soi bói như đèn bấm, hỗn hào như xuyên thấu quần áo. Sau vài hôm, thấy ông chẳng ăn thịt ai, cũng không có người vào thăm, Hoàng lân la hỏi chuyện làm quen.

– Sức khoẻ ông hôm nay ra sao?

Ông Ốc Bươu lõ mắt:

– Vậy vậy.

– Ông nằm đây bao lâu rồi?

– Bốn tuần. Tôi là “con thỏ thí nghiệm” cho cô y tá Anabelle viết bài kết thúc học trình. Cô ta người Bồ-đào-nha, dễ mến. Tôi không ưa y tá Bạch Lạp, dữ như phù thuỷ.

– Ông bị bệnh gì?

– Không biết.

– Trời đất.

– Tôi không hỏi. Bốn tuần rồi mà họ vẫn chưa tìm ra bệnh. Họ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ chuyên môn, ai hiểu?

– Sao tôi không thấy ai vào thăm ông?

Ông Ốc Bươu nhìn tôi chăm bẳm:

– Tôi sống một mình.

Hoàng ngạc nhiên:

– Ủa, ông không có thân nhân sao?

– Không.

– Không bạn, không đồng nghiệp gì à?

– Có người quen vào thăm một lần rồi thôi. Tôi gửi chìa khoá nhà cho người hàng xóm, vừa gọi điện về hỏi thăm, chẳng có ai ở nhà. Tôi là con một. Cha tôi chết trận thế chiến thứ hai ở Nga xô, mẹ tôi chết bốn năm về trước.

Hoàng đặt tay lên vai ông, mềm giọng:

– Sau này được xuất viện, ông tự lo chuyện nhà được không?

Ông Ốc Bươu lưỡng lự:

– Chắc… được.

– Tôi thấy ông đi đứng khó khăn, làm sao ông đi chợ, nấu ăn?

– Được mà.

Thấy người lại nghĩ tới mình, cá mè một lứa bên trời lận đận, Hoàng chùng lòng. Thân phận tha hương đơn chiếc lại thêm bệnh hoạn. So với hoàn cảnh ông Ốc Bươu, ai đáng thương hơn? Còn biết bao nhiêu trường hợp thương tâm khác nữa. Mỗi người một nỗi đoạn trường, phải chấp nhận. Đâu ai muốn thế, không ai tự nguyện vào đây để bị hành xác, để mỗi sáng trời đẹp, ra ngồi hong nắng ngoài hiên, trông như lũ mèo hoang chăm chút mớ lông còi. Chiếc ghế này, chỗ ngồi quen kia, không một ai muốn mang theo khi xuất viện. Những suy tư hoang mang dấy lên lòng Hoàng chút bi quan. Nhưng nếu không có những vụn vặt bên lề, cuộc sống sẽ không toàn vẹn. Thế nên Hoàng cố nhặt nhạnh những tiểu tiết trong đời sống chàng, cất vào ngăn trí nhớ, để mỗi khi tưởng lại, ký ức bừng lên như chòm pháo bông đêm hội lớn. Và đừng nghĩ thêm nữa! Chỉ để ý tới khoảnh khắc chúng bừng nở, rực màu, toả sáng những đoạn đời, dẫu chênh vênh nhất.

Hoàng cũng có một chỗ ngồi quen ngoài hiên mỗi sáng. Nắng rắc vàng khắp nơi. Chàng vuốt tay lên đùi bắt tréo, như muốn sờ cái êm ả, cái ấm áp, cái an nhiên đạo vị của nắng mới.
 

*
 

“Ông thân mến,

ông cũng bắn trật lất rồi. Con giấu tàu khéo lắm. Lần này con nhắm hai mục tiêu B1 và F13. Trúng là phải chịu chìm tàu nghe ông, không được chơi ăn gian. Từ ngày quen biết ông, con đỡ buồn nhiều lắm. Lúc trước, khi con tủi thân, cứ co chân ngồi chù ụ trong góc giường. Bây giờ hết rồi. Con cười nói thường hơn. Lúc rảnh, con vẽ lại những ước mơ lên giấy hay tìm ý biên thư cho ông. Con tưởng tượng ra mỗi lá thư là một bài luận văn tiểu học. Lần này với đầu đề: ‘Hãy thuật lại một kỷ niện vui hay buồn mà em đã trải qua.’ Để con viết cho ông đọc, rồi ông chấm điểm cho con nghe!

‘Nhà em có nuôi một con heo nái. Em chọn cho nó cái tên Vú Sữa. Một hôm nhà em mướn người đem heo nọc tới cấy hoa Vú Sữa, vài tháng sau Vú Sữa mang bầu. Tới hạn, Vú Sữa đẻ một lứa tám con, con nào con nấy mập ú như trái mít non. Anh chị và em giành nhau chọn con nuôi. Em xí thằng Đốm, vì nó xấu xí và yếu ớt nhất bọn. Mỗi lần bú mẹ, em đều phải giúp nó. Đốm lớn chậm hơn mấy đứa khác. Nó hay bị anh chị ăn hiếp. Những lần được thả ra ngoài chơi, Đốm thường lẽo đẽo sau chót. Em sợ nó không chịu đựng nổi. Nhưng Đốm vẫn tiếp tục lớn theo anh chị. Khi bầy heo con thôi bú, ba má bàn với nhau bán đi một số. Nhờ Đốm èo uột, nên không bị bán mất. Em cũng không bao giờ quên ánh mắt buồn bã của Vú Sữa sau đó. Đôi mi cong dài trĩu nặng hai mắt long lanh ngấn lệ. Em vuốt lưng nó, nó không phản ứng. Em ứa nước mắt. Đốm và mấy đứa còn lại cũng lặng lẽ quấn mình quanh mẹ. Giờ đây, mỗi khi nhớ tới chuyện quê nhà cũ, em đều cảm động. Nỗi chia lìa nào cũng buồn như nhau.’

Ông đọc xong rồi cho con ý kiến nghe! Chuyện có thật trăm phần trăm. Về sau, Đốm lớn, bị thọc huyết làm thịt ăn Tết, con khóc như mưa tháng bảy. Con không động tới món ăn nào làm bằng thịt của Đốm.

Ông hỏi, tại sao con không muốn ông qua thăm? Vì hiện giờ con xấu xí lắm. Họ cho con uống các loại thuốc cực mạnh làm tóc con rụng gần hết. Da con xanh xao. Mười móng tay xám ngoét. Con mau mệt, cứ nằm miết trong giường. Bao giờ xong thời gian điều trị, tóc mọc lại, da dẻ hồng hào, con sẽ mời ông sang thăm. Nhớ ngày xưa, dịp Tết, nhà con tuy không giàu, nhưng ba má vẫn cố lo cho các con, mỗi đứa một bộ quần áo mới. Có lần má tự may cho con một chiếc áo dài bằng tơ nội hoá màu vàng bông cúc và một cái quần sa-teng trắng. Mồng một, con mặc áo mới, mừng tuổi ba má. Anh con rắn mắt, đốt pháo liệng nhát con, làm nám một phần tà áo. Con không dám khóc nhiều, sợ xui. Anh con bắt đền bằng một ly đá nhận xi-rô bạc hà, con mới hết giận. Đó, ông thấy không, con điệu như vậy đó! Con dừng bút ở đây, chúc ông sớm lành bệnh.

Con,

Hằng”

Hoàng vuốt tờ thư thẳng thớm rồi kẹp chung với các tờ thư khác theo thứ tự ngày nhận. Con bé biên thư hay quá. Chàng định sẽ cho bài luận văn của cô bé mười điểm. Văn không phải là sở trường của Hoàng, mặc dù chàng thích đọc sách. Lúc vào đây, chàng có mang theo vài cuốn đọc giết thì giờ. Trong đó có một quyển truyện mỏng của một tác giả ngoại quốc, viết về đời sống của những đứa trẻ trong một viện tâm thần. Nhiều thảm cảnh đáng thương quá. Irina, tám tuổi, bị chính cha mẹ ngược đãi, đâm loạn trí, suốt ngày tìm vật nhọn chích vào người. Marek, bảy tuổi, có người mẹ mù, bị mẹ cột vào chân từ bé, luôn tìm cách trói người vào chân bàn chân ghế. Hai đứa kết bạn với nhau. Irina lấy thắt lưng buộc tay Marek vào cổ tay mình, dắt đi luẩn quẩn. Còn tay kia, lâu lâu Irina lại điểm ngón lên thân thể. Tình bạn càng lúc càng thắm thiết. Marek không cần sợi thắt lưng nữa, mà nắm chặt cổ tay Irina. Irina không còn tự châm mình nữa, mà đã có ngón tay Marek dịu dàng điểm lên. Tai nạn xảy ra khi Irina nhặt được cây đinh rỉ. Nó đâm vào bụng, vết thương tấy mủ, dấy độc huyết mạch, được chở sang bệnh viện khác. Marek hư hao gẫy vụn như con rối sau giờ trình diễn. Truyện kết thúc ở đó. Khi gấp quyển sách lại, Hoàng thẫn thờ đỗi lâu. Trong trí chàng, tiếng rú cô đơn của Marek vào những đêm trăng còn dội vang. Chàng đâm ra sợ hãi phần tâm linh bí ẩn của con người. Đôi khi giật mình thức giấc giữa khuya, Hoàng tháo mồ hôi ngước đầu nhìn quanh, tự hỏi mình đang ở đâu. Không có bàn tay mềm mại nào sờ lên trán chàng. Không còn luồng ánh sáng lờ mờ xanh toát toả ra từ chụp đèn hình bông huệ đặt trên mặt bàn đêm. Không có cảm giác dậy sốt trì kéo, lôi chàng từ cõi thần thoại này sang cõi thần thoại khác. Chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng chân y tá trực đêm bước vội ngoài hành lang, tiếng ngủ mớ ú ớ, tiếng cửa mở đóng lập xập. Hoàng bần thần ớn lạnh. Vực miệng há hốc kinh hoàng, mở ra nuốt trửng rãnh sáng tái nhợt. Cảm xúc nghẹn thốn dâng ngang cổ họng. Bờ xa hiện tan nhấp nhô. Sóng đập ngực như thác nước va vào vách đá. Hoàng nhắm mắt lắng nghe các loại tiếng động và những hoang tưởng cuồn cuộn trong trí.

Chàng không thể kể cho bé Hằng nghe những chuyện này, cả thảm cảnh của Irina và Marek. Hoàng buông bút xuống tờ thư dang dở. Tại sao? Khi không chàng vào nằm đây, giữa đám người không cùng ngôn ngữ. Quê hương và người thân xa bạt ngàn. May cho Hoàng, chàng vẫn còn nhiều người quen tốt bụng. Trái cây ăn mệt nghỉ. Hoa hoè hoa sói lúc nào cũng thắm thiết một bình. Mụ làm phòng bày vẽ, cho một chút đường vào nước, sẽ giữ được hoa tươi tới sáu tuần. Hoàng làm theo, hy vọng sẽ được xuất viện trước khi hoa úa.
 

*
 

Người đàn ông trẻ kéo ghế tới ngồi cạnh Hoàng, tự giới thiệu:

– Tôi là mục sư Becker, lo về vấn đề tinh thần cho bệnh nhân tại đây. Tôi được phép trò chuyện với anh chứ?

– Được.

– Anh vào đây lâu chưa?

– Hai tuần rồi.

– Bác sĩ có cho biết bao giờ anh được về nhà không?

– Họ nói, bệnh viêm phổi của tôi theo nguyên tắc điều trị là ba tuần, thêm một tuần tịnh dưỡng nữa, vị chi là bốn.

– Lâu dữ há!

– Lâu quá.

Rồi im lặng một đỗi. Hai người ngồi dưới tán dù rộng ngoài hiên. Nắng soi rực rỡ. Một con bồ câu, mỏ ngậm cành khô, chuyền cành lao vào đám lá rậm xoè trên mái ngói.

Ông Becker gợi chuyện:

– Tôi thấy anh là người Á châu độc nhất ở đây, nên muốn hỏi thăm vài chuyện. Anh cần tôi giúp đỡ gì, cứ nói!

– Cám ơn ông tôi có bạn tốt.

– Còn tinh thần anh?

Hoàng nói thẳng:

– Thật ra tôi thích nghe chuyện hơn là nói về mình. Tôi không có vấn đề tâm lý nào cả. Có những chuyện xảy đến, mình không muốn, nhưng không tránh được. Mình nên nhìn nó bằng óc khôi hài hơn là than trách.

– Một quan niệm tốt.

Hoàng hù doạ:

– Tôi thích nghe nói về văn chương, tôn giáo và triết lý.

– Anh đọc sách nhiều?

– Không nhiều, nhưng nhiều thứ vớ vẩn. Tôi thích xem truyền hình và nghe nhạc hơn.

Ông Becker vui vẻ:

– Thứ bảy này tôi tổ chức tại đây một buổi độc tấu tây ban cầm bỏ túi, anh nhớ ra nghe!

– Tôi nhớ. Tôi tiếc là mình không biết chơi một nhạc khí nào.

– Tôi cũng vậy. Tôi có chân trong ca đoàn, giọng trầm. Chúng tôi đang tập nhạc của Haydn.

– Thỉnh thoảng tôi hát Karaoke.

– Xin lỗi, tôi không hiểu.

– Karaoke là hát theo máy.

– A, tôi biết rồi, một sáng kiến của người Nhật.

Hoàng gật đầu, không nói. Mẩu chuyện trao đổi nhạt phèo như cháo trắng. Ông Becker đứng lên, ngỏ lời từ giã. Ông có nụ cười chiêu cảm máy móc như tất cả các nhà tu khác. Được chỗ ông còn trẻ, ý nghĩ phóng khoáng. Hoàng biết mình có thể nhờ ông ta “gỡ rối tơ lòng,” nhưng hiện giờ tâm tư chàng còn mơn mởn thắm tươi như lá non, không màng tới những vết sâu đục. Ông Becker xin phép được trở lại. Hoàng nói, chàng sẵn lòng tiếp chuyện. Chàng nhìn theo bóng người đàn ông khom lưng dưới tàn lộng che nắng, nghĩ ngợi vu vơ. Chàng hay tưởng tượng bằng màu sắc. Vui là những vệt đỏ thắm thiết pha vàng nhuỵ sứ thành màu hồng cá hồi gợi cảm kỳ lạ. Buồn là màu tím than đặc quánh như hắc ín loang kín trong ngoài, đính lẻ loi một chấm trắng óng ả ngọc trai. Đó là hy vọng, là lối thoát tìm ra những sắc màu khác, điểm trang lên gương mặt đời sống. Không có lời giải thích hợp lý nào cho sự có mặt của chàng tại đây, bên cạnh những hình người héo hon chờ mục rữa.

Cụ Phổi sà tới, giọng đầy xúc động:

– Anh biết tin gì chưa?

– Chưa.

– Ông Tim chết rồi, khuya này.

– Ủa, hôm qua tôi thấy ông ấy còn đi đứng một mình được mà.

Cụ Phổi run giọng:

– Đáng lẽ hôm nay bác sĩ cho ông về nhà. Thằng y tá kể là sáng nay nó phải đẩy mười mạng qua nhà xác.

– Khủng khiếp quá.

– Thêm mạng nào nữa, nó sẽ từ chối không đẩy.

– Thôi, ông đừng kể tiếp, sắp tới giờ ăn trưa.

Cụ Phổi vẫn thều thào:

– Không biết địa chỉ của ông Tim ở đâu để tôi gởi thiệp chia buồn. Ông có bà vợ thật dễ mến.

Rồi hai người trơ mắt nhìn nhau. Mới hôm nào cụ Phổi còn rầy mắng cụ Tim về chuyện làm ồn giữa khuya và xì hơi ẩu tả làm ô nhiễm môi sinh. Mới hồi nào Hoàng còn hỏi thăm sức khoẻ cụ Tim, vuốt lên bàn tay da mồi tàn tạ.

Đỗi lâu, cụ Phổi mới cất giọng tươi tắn:

– Đó là tin buồn, còn tin vui này nữa, đầu tuần tới tôi được về nhà.

Hoàng trợn mắt:

– Vậy à?

– Tôi thấy sức khoẻ mình bao nhiêu đó đủ rồi. Tôi chỉ mong sống thêm vài năm yên vui bên vợ con.

– Với điều kiện là ông không hút thuốc trở lại.

– Anh yên chí.

– Hôm qua có bà hàng xóm vào thăm, kể chuyện này cho tôi nghe. Hai mươi năm trước, vợ chồng bả là dân ghiền thuốc nặng. Trước khi đi ngủ, thấy hết thuốc là phải đi mua cho bằng được một gói để sáng mai có thuốc hút sau bữa điểm tâm. Một hôm, người chồng vào bệnh viện thăm bạn, khu tai mũi họng. Trong khi ngồi chờ vơ vẩn, có một bệnh nhân tới hỏi xin ông một điếu thuốc, giọng thều thào. Cổ họng ông ta bị băng nhiều lớp. Người chồng móc thuốc, châm lửa cho ông. Bệnh nhân nhận lấy, run tay đưa lên… trời ơi, rùng rợn quá… không phải lên miệng, mà gắn vào cái lỗ mở ra ở cổ họng, hổn hển hít lấy hít để. Thì ra bệnh nhân bị cắt mất một đoạn khí quản vì ung thư. Người chồng về kể cho vợ nghe, cả hai nhất quyết cai thuốc từ đó. Bằng cách nào đây? Tình cờ bác sĩ gia đình của họ biết phương pháp châm cứu. Ông biết không, chỉ cần một lần châm vào huyệt vành tai, nằm yên hai mươi phút, tốn mỗi người ba mươi đồng, là họ bỏ thuốc cho tới bây giờ. Nghe như phép lạ.

Cụ Phổi vừa lắng nghe vừa luôn miệng hỏi, vậy à, thật không? Cuối cùng ông thở ra:

– Người ta đâu có mấy ai tự chủ được mình. Thí dụ như thằng mập xâm mình nằm phòng số 9. Đứng tim lần này là lần thứ ba, bị gắn năm ống thông mạch, mà vẫn không chừa thói hút thuốc và ăn nhiều thịt mỡ. Tôi nghe kể, nó hứa với bác sĩ, sẽ bỏ hút. Được một buổi lại thấy nó ngồi phì phèo ngoài hiên. Còn người ta bắt nó ăn mỗi ngày không được quá 1000 ca-lo-ri, nó lén nhờ người mua đồ về ăn thêm. Mà anh thấy không, người nó coi thô tháp như vậy mà có con vợ gọn gàng, đẹp gái ghê.

Hoàng có trò chuyện với thằng mập mấy lần, thấy nó hơi cứng đầu nhưng đáng mến. Nó nói mỗi hình xâm trên người nó trị giá cả ngàn đồng. Hoàng bảo, vậy là mày có nguyên một gia tài kếch xù trên người. Nó vênh mặt, chớ sao, tao còn có ý nhắn nhe, lúc tao chết, vợ con nhớ kêu người lột da, phơi khô rồi đóng khung treo lên, thay vì treo di ảnh. Hoàng tở mở, ý kiến hay, mà ty vệ sinh có cho phép không đã? Thằng mập đứng lên, vuốt râu cười chúm chím, tao ra ngoài hút thuốc đây. Hoàng trông theo cái dáng bò mộng nghênh ngang đi lần ra cửa, nhủ thầm sẽ kể cho nó nghe chuyện bệnh nhân hút thuốc bằng cổ họng.
 

*
 

Hoàng thường lên sốt mỗi chiều. Có hôm, mệt, chàng nằm miết trong giường, đếm thời gian nhỏ từng giọt nước biển vào thân mạch. Ngoài hành lang vắng lặng bất thường. Nắng úa màu trên tường vôi. Gió phất phơ lay rèm. Hơi mát lách qua khe cửa, xoa dịu thân nhiệt chàng. Thời tiết báo hiệu mưa giông. Cụ Phổi đã về nhà hôm qua. Chung phòng với Hoàng bây giờ là một cụ bị bệnh tim và sưng tuyến tiền liệt. Giống như đa số cụ khác, ông nói nhiều, hay than và lúc nào cũng cặp kè chiếc máy phát thanh bên cạnh. Ông thường bị đầy bụng, đêm đêm “thả bom hơi” còn kinh hoàng hơn cụ Tim nữa. Ông đi tiểu thường xuyên và khó, nên đêm phải tiểu bình. Hoàng mất ngủ vì tiếng ngáy của ông, lâu lâu còn chêm vào một tràng “bom hơi.” Có khi sực tỉnh, chàng nghe tiếng nước tiểu nhỏ “tách, tách” xuống bình, kèm theo tiếng rên khẽ, dằn nén. Hoàng cũng cố nén cơn đau rêm rỉ trong người để dỗ giấc. Đêm bất an, nhăn nhúm, tua tủa góc nhọn.

Mưa cuối hè bắt đầu rì rào xuống vòm lá xanh. Hoàng ra đứng ngạch cửa, ngắm mưa rắc hạt lên ghế bàn nhựa nâu ngoài hiên. Bệnh nhân líu ríu trở vào. Mưa nặng hạt, cuốn gió quất mạnh xuống cảnh vật không thương tiếc. Chớp xé rách trời, không để lại thương tích. Sấm động nát bấy không gian tịch mịch cuối ngày. Gió xô xéo tàn lộng, tạt nước vào khung kính, dội sạch bụi bặm những ngày nắng. Khi mưa tạnh, mọi vật gần như tái tạo. Ghế ngã chỏng chơ trên sàn gạch. Lộng nắng vắt vẻo bụi dâu gai. Gạt tàn lăn xô vào chân chậu cây cảnh. Mưa tẩy rửa không gian nhiễm trùng. Gió tiêm mát cơn sốt viêm phổi choáng váng. Vết thương trời liền da nối thịt sau cơn sấm sét kinh hồn. Hoàng mọp người trong chăn, lắng nghe mưa tạnh. Chàng nghĩ ngợi mông lung, thòm thèm đủ thứ. Chàng đã ớn tới cổ thực phẩm bệnh viện. Thời đi học, có câu chuyện truyền miệng. Người ta làm thí nghiệm, nuôi một anh sinh viên và một con chuột bằng thức ăn câu lạc bộ. Vài tháng sau con chuột xa đời, còn anh sinh viên vẫn nhăn răng tươi tốt.

Hoàng không muốn làm anh sinh viên câu lạc bộ. Chàng thèm hương vị quê nhà, càng đậm đà càng khoái khẩu. Một chén cháo trắng nhuyễn nhừ nóng hổi, một tô thịt kho tiêu cay xè, mặn chát, húp muỗng nào mồ hôi mồ kê lòng ròng. Hay cơm Nàng Hương, Nanh Chồn ăn với thịt ba rọi chấm mắm ruốc hiệu ba con tép, pha với đường, ớt, sả, tỏi và gừng bằm nhuyễn. Tỏi băm đem xào với thật ít dầu, đổ mắm vào để sôi nổi bọt cho chết bớt độc trùng. Thịt ba rọi luộc, xắt mỏng vừa. Rau sống, xà-lách, dưa leo, khế chua xắt khoanh bày mỹ thuật lên dĩa sứ. Nước luộc thịt dùng nấu canh với mướp tây hoặc su hào. Canh đựng trong tô men trắng, nước trong veo, ửng màu xanh ngọc. Hành ngò tiêu rắc lên mặt, thơm điếc mũi. Trời hỡi, ăn một miếng rồi sau đó ra sao cũng chịu.

Nhưng miếng ăn cái uống thật ra không phải là lý do để Hoàng bận tâm. Đã nhiều hôm rồi, chàng không nhận được tin tức của bé Hằng.

Buổi trưa, thằng Đen mang thức ăn vào, bị chàng chất vấn:

– Không thư, không quà bánh gì à?

– Không.

– Anh có ghé ngang dò la không đã?

– Hôm nào tôi lại không ghé ngang.

– Sức khoẻ cô nhỏ ra sao?

Thằng Đen trề môi:

– Thường thì không thấy nó ở đó. Y tá bảo nó đang ở trong phòng điều trị.

Hoàng bực dọc:

– Anh muốn gì nữa đây?

Mắt thằng Đen trợn ngược:

– Không muốn gì cả.

– Không thì tìm cách hỏi thăm sức khoẻ cô nhỏ giùm tôi!

Thằng Đen không nói, lầm bầm nho nhỏ rồi bỏ đi. Ông cụ mới vào, được Hoàng đặt tên là cụ Tiểu, nhìn chàng dò xét. Chàng ăn qua loa rồi lăn ra giường, vắt tay ngó trần nhà. Thấy buồn. Nỗi buồn mỏng, thoảng vị chua như chút cặn đọng dưới đáy ly chanh vắt. Chàng kêu thầm, Hoàng, Hoàng ơi, sá gì chút bụi ám phất phơ kia. Rồi sẽ xong, bụi cũng như đời chàng. Hoàng giơ tay mơn dịu lên dòng đời mình. Lửa rạo rực nhen hơi ấm. Vẫn còn đó niềm vui sống. Vẫn còn đó dòng sinh động nhịp nhàng của thời tiết, mùa màng trong tâm chàng.

Cụ Tiểu mon men tới gần, hỏi han:

– Anh mệt à?

– Không, tôi đang suy nghĩ vớ vẩn.

Cụ Tiểu được dịp, kể ron rót:

– Tôi nghĩ ngợi vẩn vơ còn nhiều hơn anh nữa kia. Từ ngày vợ tôi qua đời vì ung thư thực quản tới giờ, tôi sống một mình trong ngôi nhà rộng, chỉ biết chuyện trò với cái máy phát thanh. Nhà ba phòng, ba máy phát thanh vặn lớn, để đi đâu tôi cũng được nghe tiếng người hoặc tiếng âm nhạc. Tôi sợ cái thinh vắng. Anh có để ý điều này, trong im vắng người ta thường tưởng tượng ra những tiếng động kỳ dị. Tôi nghe lại tiếng chân của vợ tôi dẫm lên sàn nhà, đặc biệt là lúc bà ta được bác sĩ cho về sống với tôi lúc cuối đời. Tiếng chân lạc nhịp theo bệnh người. Nhiều khi tưởng nhớ nhiều đến vợ, đêm ngủ tôi cảm được tiếng chân bà tới cạnh giường, mở chăn, đẩy tôi nhích sang bên, trèo lên nằm kề. Hơi ấm và nhịp thở ấy, làm sao tôi quên được. Anh biết không, tôi và bà có tính thần giao cách cảm mạnh lắm. Tôi cầu là bà về.

Rồi cụ Tiểu lục lọi ví tay, moi ra mấy tấm hình đưa Hoàng coi. Người vợ có nét mặt thuần hậu. Đôi mắt này chắc chưa hề biết háy nguýt. Cái miệng này chắc chưa hề thốt ra những lời điêu ngoa. Cụ Tiểu chúm môi hôn nhẹ lên ảnh vợ, giọng lan man:

– Chúng tôi có mảnh vườn con sau nhà. Mùa hè chúng tôi tự trồng rau trái để ăn. Năm nay được mùa mướp tây, trái nào trái nấy to bằng bắp chân con nít. Còn mấy thứ rau khác bị thỏ hoang gặm hết trơn. Tôi vào nằm đây, nhờ đứa con gái chăm lo giùm vườn tược. Nó cắt trọi mấy cây hướng dương để tránh ong. Hôm qua nó bắt gặp một cây con nở hoa tí hon ngoài ban-công, cắt đem vô đây cho tôi. Anh coi, dễ thương không?

Cụ Tiểu cầm lọ hoa xinh xắn giơ lên. Cánh hoa vàng sói, nhuỵ màu gạch nung, lá lục sẫm trầm mặc như những ước mơ thầm kín. Cụ Tiểu đặt lọ hoa trên bàn, cạnh dĩa trái cây đầy ắp. Nho, lê, táo, cam tươi màu. Đôi khi thức giấc, Hoàng bắt được hương trái thơm lành, lòng nao nao niềm hoan lạc ấm áp. Thiên nhiên mở ra lòng chàng vòng sinh hoá nhịp nhàng. Tất cả vẫn còn đó, không hư hao mất mát. Những người thân yêu của chàng chết nhưng không mất, xa tận cõi âm nhưng thật gần trong mơ tưởng. Mấy đêm liền, Hoàng mơ thấy má. Má con ngồi trên cỗ xe ngựa đi đâu đó. Không gian hoang tàn, trơ trọi. Có tảng đá hình khối trồi sụt vực sâu sắc cạnh. Mảnh trời trong veo như rọi qua kính lọc. Cảnh vật trông như bức danh hoạ của Dali.

Xế chiều, bất ngờ thằng Đen gõ cửa phòng, trao cho Hoàng tờ giấy gấp tư. Chàng mở thư, đọc ngấu nghiến:

“Thân mến gởi ông,

mấy hôm nay con mệt quá, không biên được cho ông. Con biết ông trông, nên trưa nay cảm thấy người khoẻ lại, con viết gởi ông thư này. Bác sĩ nói, con sẽ được về nhà nay mai. Vậy mà má cứ khóc hoài. Ba thì tỏ vẻ vui, luôn miệng gọi, con gái cưng, con gái cưng của ba sắp được về nhà. Mỗi lần nghe hai chữ ‘về nhà’ là con lại xúc động. Nó nhắc con nhớ lại tuổi vừa có trí khôn, hè sang chơi quê nội. Nhà nội nằm sâu trong khoảng vườn âm u rậm lá. Có dòng sông nước lợ khẳng khiu trôi ngang. Cây cầu khỉ vắt vẻo nối liền hai bờ đất mấp mô. Thuỷ triều lên xuống buồn bã. Lũ cá thòi lòi vô tư ngược xuôi trên lớp bùn nước ròng. Đất phù sa chưa thuần, không trồng được nhiều cây trái, con không có dịp leo trèo, sáng sáng ra ngồi vọc nước ngoài ao, chờ cô đi chợ về. Hoặc con ngồi chụm gối nhìn ông đan giỏ mây hay nhảy nhót giúp ông tước vỏ dừa khô phơi lớp ngoài sân nắng. Bà nội mù mắt từ lâu lắm. Gần như suốt ngày bà ngồi quơ quẩn trên ván, bên khay trầu gỗ nâu, quai cầm lên nước sáng ngời. Thỉnh thoảng bà kêu con tới giã trầu cho bà. Vôi trắng trét lớp mỏng lên trầu xanh và một phần tư cau bổ, cho vô cối con, giã thành chất sền sệt màu gạch cua. Bà trút tất cả vô miệng, nhai móm mém. Đã nhiều lần con rón rén niểng đầu soi nhìn khe hở tròng kính đen thường xuyên che kín đôi lõm mắt bà. Không thấy gì hết. Bà con bị mù từ lúc còn trẻ. Thế giới của bà nhỏ bằng nắm tay. Từ phòng ngủ ra bộ ván hay xuống nhà vệ sinh. Con vẫn còn nhớ tiếng guốc bà lê chậm trên sàn gạch tàu rồi nặng nề mất hút xuống nền đất nện nhà bếp. Nhưng đậm đà trong trí con nhất vẫn là ánh lửa bập bùng soi vàng gương mặt cô. Đã gần bốn mươi mà cô con vẫn chưa có chồng. Cô nói, cô ở vậy để phụng dưỡng ông bà nội. Cô không đẹp, cũng không duyên. Trán vồ, mắt lồi, răng hô, người nhỏ ốm như một đứa con trai. Mỗi lần cười, cô đều giơ tay che miệng. Cô được sinh ra để làm việc nhà. Thế giới của cô rộng hơn của bà một chút, từ nhà ra chợ, từ nhà trước xuống nhà sau. Thỉnh thoảng cô được qua chơi nhà ba má con. Chỉ vài hôm, cô đòi về. Con để ý thấy cô lạc lõng như con cá được thả sang chậu lớn. Nó hốt hoảng vì cái rộng bất ngờ. Cô vào ra ngượng ngập, tay chân thừa thãi. Ít thấy cô giơ tay che miệng cười. Đôi khi con tự hỏi, bà và cô có được gì vui trong đời? Viết tới đây, con khựng lại hồi lâu. Con thấy ý nghĩ mình già quá. Má vẫn nói, con là đứa ‘trổ mã trước tuổi,’ hay vì những ngày bệnh đã cho con nhiều suy nghĩ không còn hồn nhiên?

Ông Hoàng ơi, con muốn về nhà. Con dừng bút ở đây.

Người bạn nhỏ của ông,

Hằng.

T.B. Mục tiêu của con lần này là C5 và G8. Trúng là chịu nghe ông, không được dời tàu chỗ khác à! Còn ông bắn tàu của con xém trúng. Chắc con phải bỏ tàu chạy trốn quá.”

Hoàng đọc đi đọc lại thư của bé Hằng nhiều lần. Nét chữ cô bé gầy guộc hơn trước. Hoàng cảm nhận ra giữa những hàng chữ cái vươn mình thành thiếu nữ của bé Hằng. Như thể cô nhỏ đang hối hả sống trước khi được xuất viện. Hoàng rợn người khi đọc tới dòng chữ cuối: “Con muốn về nhà.” Chàng cũng muốn “về nhà,” nhưng không rõ, “nhà” mình hiện giờ là đâu? Nơi này hay bên kia địa cầu? Nhiều lúc Hoàng cảm thấy trơ trọi như bị vất sang hành tinh khác. Đã nhiều năm rồi chàng xa quê. Hương lửa quê nhà bắt đầu tàn rụi trong lòng chàng. Nhưng Hoàng biết, vẫn còn đó mớ tro than âm ỉ, mãi mãi. Và, chỉ cần một hơi ấm, một hỏi han ân cần là củi lửa hoài niệm lại rỡ ràng phựt cháy.

Hoàng nhớ tới Sài gòn sau cơn mưa đêm. Thành phố tươi mát bí ẩn như thân thể đàn bà sau khi tắm gội. Đèn đường loang loáng hè phố thưa người. Hàng cây sật sờ giũ nốt mớ nước đọng bám. Người phu xích-lô cong lưng uể oải tìm khách đêm. Con chó ốm vục đầu vào thùng rác vương vãi.

Nỗi nhớ làm mắt Hoàng long lanh. Có tiếng gõ cửa, y tá Sậy Hương lướt vào, lảnh lót:

– Ông Hoàng, sáng mai người ta khám nghiệm bao tử ông, Từ mười giờ tối trở đi, ông không được ăn thứ gì hết. Sáng cũng không được súc miệng.

– Sao vậy?

– Ông súc miệng, kích thích bao tử tiết ra chất nhờn làm lụt lội, bất tiện.

Hoàng lo lắng:

– Khám nghiệm có đau lắm không?

Sậy Hương cao giọng:

– Bác sĩ sẽ thọc vô thực quản ông một ống cao su lớn cỡ ngón tay, đầu này gắn đèn, đầu kia có ống ngắm. Hơi khó chịu, nhưng nếu ông muốn, người ta sẽ tiêm thuốc mê cho ông.

– Ống cao su có dài lắm không?

– Dài hai thước để có thể quấn trong bao tử ông, như một con rắn.

Hoàng kêu lên:

– Trời ơi, sao tôi chịu nổi.

Sậy Hương cười giòn:

– Thỏ đế, người khác chịu được, không lẽ ông thua họ?

– Cô đổi tiền lẻ giùm tôi để tôi gọi điện thoại được không?

– Tôi không có tiền lẻ.

– Tôi muốn từ biệt mọi người trước khi quá trễ.

Sậy Hương nghiêm mặt:

– Tiền cắc đâu mà đổi cho ông.

– Tôi thấy cô cười dễ thương hơn.

Sậy Hương thoáng bẽn lẽn:

– Dạo này tôi làm việc hơi nhiều. Ba má đi nghỉ mát, nhờ tôi trông nom nhà cửa giùm. Ổng bả có nuôi con chó, thấy ghét, hay sủa bậy.

– Săn sóc bệnh nhân và lo cho chó, chuyện nào dễ hơn?

– Săn sóc bệnh nhân.

Hoàng ví von:

– Người bệnh nhiều khi cũng hay sủa ẩu.

Sậy Hương cười ngúc ngắc:

– Nhưng mình ngăn họ được.

– Tôi biết, đôi khi y tá còn nhéo bệnh nhân.

– Cắn mới ghê.

Sậy Hương quay lưng nguây nguẩy, còn nói vói lại:

– Mai cho ông tha hồ nói.

Hoàng cười đuổi theo. Chuyện trò nhảm nhí làm chàng vui cho tới lúc vào giường ngủ. Cụ Tiểu bắt đầu mở máy cưa rậm rà rậm rật. Hoàng nằm nhắm mắt để đó. Mưa lại rơi bên ngoài. Nhạc mưa dìu dặt ru chàng vào giấc ngủ.
 

*
 

Đúng hẹn, mục sư Becker dẫn một cô nhạc sĩ tây ban cầm tới độc tấu. Sáng thứ bảy, viện êm vắng. Y tá lục tục đẩy vài bệnh nhân ra ngồi quanh một góc phòng. Vỏn vẹn chín người. Cô nhạc sĩ trẻ tuổi, có nụ cười duyên dáng, cất tiếng tự giới thiệu rồi nắn nót lên dây đàn. Mở đầu là “Tình dịu dàng,” một tấu khúc lãng mạn của Lindemann. Tâm hồn Hoàng trở mềm như vấy nước. Tay cô nhạc sĩ khảy nắn trên phím. Dòng nhạc lả lơi, óng ả như sương đọng trên búp non. Âm thanh trườn nhẹ lên dải lụa lòng Hoàng, lướt qua mà không chạm, lay động bằng thứ giao cảm vượt ngoài giác quan. Hoàng ứa nước mắt. Thì ra tâm tư chàng vẫn còn nguyên vẹn đó tính nhạy bén siêu việt của bộ máy đo địa chấn.

Xế trưa, thằng Đen vào đưa cho Hoàng bức thư của bé Hằng.

“Ông Hoàng quý mến,

mai con được về nhà rồi ông ơi. Cả nhà đều vui. Riêng con hơi buồn một chút, vì sẽ không còn dịp đọc và viết thư cho ông. Con gởi kèm theo thư này cái bánh xu xê má mua ở tiệm thực phẩm Á châu. Con thích ăn chè, bánh, nhất là cà-lem. Xứ mình, trời nóng, ăn cà-lem sướng ghê. Dạo này con muốn gì, ba má cũng chiều theo. Thật ra, con không ăn được nhiều. Bánh trái nhà đem vô, con đều chia cho Julia. Nó bị bệnh giống như con. Nó bạo ăn, thứ gì cũng khen ngon, nên người mập thù lù. Phần con vẫn vậy, còm nhom như tăm nhang. Đã nói với ông rồi, con xấu xí như con bé lọ lem. Nhưng con thích tự ví mình như chú vịt con xấu xí trong truyện cổ tích tây phương hơn, vì về sau nó thay lông trở thành con thiên nga đẹp đẽ. Không hiểu rồi con có cơ may giống vậy không? Con vẫn mơ ước, một ngày nào đó con sẽ gặp ông, không phải với màu lông vịt con xám xịt lem luốc, mà với bộ lông thiên nga trắng muốt như bông. Chỗ gặp là một nơi nào khác, ấm hơn, nhiều nắng hơn. Chỗ mọi người nói với nhau bằng thứ tiếng gần gũi hơn. Mơ với con đi ông!

Con,

Hằng.

T.B. Ông bắn trúng một chiếc tàu của con rồi. Con nhảy kịp thời xuống biển, lội qua tàu khác. Hú vía. Mai con về nhà, không chơi trò cướp biển với ông được nữa. Con buồn lắm, nhưng biết làm sao bây giờ. Con mến chúc ông sớm lành bệnh, để được về nhà như con.”

Hoàng ngước mắt ra cửa sổ, lòng rạt rào thương cảm. Tháng chín, vòm cây lá còn xanh gượng. Nắng hè muộn héo hắt. Hoàng cảm thấy trơ trọi hơn lúc nào hết. Như thể bắt đầu từ đây chỉ còn mình chàng đi nốt đoạn đời còn lại. Không còn ai bên cạnh. Hoang phế, đổ vỡ, khô khốc, xám ngắt. Như có ai vô tâm hất đổ chén nước trên tay chàng nâng niu, dẫu chỉ còn vài giọt. Hoàng quỳ xuống, nhặt nhạnh những mảnh vỡ còn ấm hơi người vãi vụn dưới chân. Chất nước sinh phần long lanh màu trăng thuỷ ngân rắc hạt trên đất. Vầng trăng quang tuyến hai buồng phổi nhoè ra như rướm máu, như nhạt nhoà nước mắt. Hoàng cúi đầu nhủ thầm, thế nào rồi chàng cũng về nhà để xem chú vịt lông xám hoá thân thành tiểu thư thiên nga đài các.
 

(Bản chính, tháng 9.1997; bản sửa, tháng 9.2009)

 

 

.

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • My Khanh says:

    Tuyệt vời. Ước chi mỗi tuần đều được thưởng thức một bữa ăn (tinh thần) thịnh soạn như bữa nay, hạnh phúc biết mấy. Bởi đọc bài này, no đến 7 ngày (và có thể lâu hơn nữa).

    Chao ôi! Tôi thường hay than thở, truyện ngắn ngày nay như ‘Fast Food’, vèo một cái là hết trơn, đói trở lại. Thậm chí, có nhiều truyện, tôi mới thử vài dòng đầu đã dội trở ra, hết muốn đọc tiếp. Nhưng đọc “Vầng Trăng Quang Tuyến” thì như dự buổi tiệc Hoàng Gia, nhẩn nha xúc, đưa vào miệng, nhai từ từ.

    Đọc chậm, hòng được thấm từng câu từng chữ. Thỉnh thoảng loé lên ý nghĩa, tại sao tác giả lại để vào đây một hồi ức, sao lại có cả những chập chờn mộng ảo vào đây nhỉ? Ơ! rồi hình như cái ánh trăng non lần lượt trở qua trở lại, tại sao? tại sao? Cứ thế chậm rãi, thong thả thưởng thức. Đọc đến dòng cuối cùng, thì câu trả lời xuất hiện: Đó là thời gian thực hiện 17 trang viết của tác giả.

    Chẳng gì có thể trả công cho một người nghệ sĩ khi tác phẩm trở thành tuyệt hảo.

    Xin nhận nơi đây lòng chân thành cám tạ của người đọc.

    PS: Ước mong các Ngài (Kings and Queens) đãi tiệc hoài hoài như thế này, MK có dịp tung hô vạn tuế.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)