Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 8

NgoVietNgoc-MuaLu_thumb.jpg

 

NgoVietNgoc-MuaLu

Mùa lũ – ảnh  Ngô Viết Ngọc

 

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

 

(tiếp theo)

Không biết vì lý do gì mà thầy Ba và con Mừng không ưng chung đụng với người khác. Mặc mưa tạt và gió chướng, hai người xin sư ông cho trú riêng một chéo hàng ba, chỗ ít ai léo hánh. Con Mừng tìm đâu ra manh lá chằm, ràng dây nhợ ngăn mưa hắt, làm chỗ nằm. Ít người để ý tới họ, vì ai cũng mừng thầm không phải cọ quẹt với hai nhân vật kỳ quặc nầy. Thầy Ba, tướng tá thấy sợ; còn con Mừng, đầu tóc chí rận đầy, người ngợm hôi rình. Vì vậy, khi nghe tin con Mừng bị cưỡng hiếp, ai cũng chưng hửng.

Con Mừng dắt thầy Ba về chỗ riêng, xếp dọn chăn chiếu gọn gàng, rồi bó gối ngồi ngó trời. Đã mấy ngày liên tiếp thời tiết khô tạnh. Nắng mỏng từng sợi vàng nõn xuyên khe lá. Nhiều người phỏng đoán, cái đà nầy, vài hôm nữa là nước rút. Gia đình nào cất nhà miệt cao, đã lục tục hồi cư. Nét phấn khởi đã thấy lại trên gương mặt. Cả lũ gia súc dường như cũng linh cảm được sự lành, bớt xâu xé nhau. Không hiểu sao, con Mừng cảm thấy gần gũi thú hơn người. Bởi vậy nó hăng hái tự nguyện chăm sóc chuồng thú vật, trợ giúp mấy người khác. Trong số đó có chú Năm Tự là kẻ duy nhất mà con Mừng tương đối thân thiết. Người thứ hai không giữ khoảng cách với nó là sư cô. Thấy con Mừng ăn ở thiếu vệ sinh, đã có bận sư cô đề nghị cạo đầu cho nó, hy vọng trừ tuyệt nọc chí rận. Con Mừng giẫy nẩy không chịu, nghi ngờ sư cô xúi giục nó xuống tóc qui y. Nhưng nó chịu để cho sư cô gội đầu bằng xà-bông đá. Sư cô còn cho nó mượn cái lược sừng trâu để chải chí.

Lũ gia súc theo dân tản cư lên chùa được nhốt trong khoảng đất bằng, cạnh luống đất trồng rau cải. Không phải chuyện đơn giản. Nơi nầy thật ra là nhà trai phụ, chỉ sử dụng trong những dịp lễ lớn, đông đảo khách thập phương. Giờ đây, ghế bàn được lật nghiêng, ngăn lô làm chuồng. Trước giờ thọ trai, toán phụ nữ phụ trách ẩm thực ra ngắt rau, cắt cải. Lặt lịa xong, họ quăng rác cho gà vịt. Bầy heo ăn cơm thừa. Riêng đám chó, của ai người ấy giữ, có gì ăn nấy.

Con Mừng thường lai vảng thăm viếng bầy súc vật. Sư cô còn giao cho nó trách nhiệm lượm trứng. Dạo gần đây, tự nhiên con Mừng đâm thèm hột gà, hột vịt sống. Thỉnh thoảng, thấy không có ai, nó lén đập một hột, trút vô miệng, nuốt ực. Rồi liệng vỏ cho lũ heo phi tang giùm…

Đỗi lâu, không nghe con Mừng nói gì, thầy Ba gợi chuyện:

– Bữa nào dìa nhà, tao cho mầy tiền ra chợ mua vải may quần áo.

Đứa con gái mím môi làm thinh. Thầy Ba chắt lưỡi:

– Ngàm đất nầy, tai hoạ dồn dập. Hay là tao với mầy đi xứ khác mần ăn?

Con Mừng lạnh tanh:

– Đi đâu bây giờ?

Nghe giọng, biết nó đang bực bội trong bụng, thầy Ba khuyên lơn:

– Chuyện dĩ lỡ như vậy rồi…

Con Mừng gắt gỏng gạt ngang:

– Tui hổng muốn nghe gì hết á!

Rồi nó đứng phắt dậy, le te một mạch nhắm hướng chuồng gia súc. Đám con nít tò mò đi theo. Con Mừng trừng mắt, đuổi đi. Chúng xô nhau tán loạn, lớn tiếng ghẹo:

– Con Mừng khùng, ra chuồng heo, ăn cám xú!

Tới khi người lớn lên tiếng rầy la, chúng mới yên. Con Mừng đã quen với cảnh tượng đó, không để bụng buồn lâu. Đôi khi nó còn bật ra ý tưởng kỳ khôi, tự thấy mình xa lạ với loài người. Tuy cũng đầy đủ mũi mắt, tứ chi mà dường như thiếu. Cái gì, không biết, nhưng rõ ràng thiếu. Cái thiếu càng đậm nét khi nó thẩn thơ chân không trong chuồng gà vịt, chăm chăm kiếm trứng. Lượm được hột nào còn ấm, nó giữ yên hồi lâu trong lòng tay. Xúc giác nó rợn lên lâng lâng như bắt được sự sống thiêng liêng truyền sang, len lỏi tràn lan từng sớ thịt. Nó mường tượng ra cuống giao điểm trống mái vừa nhú mầm, rồi lớn dần, lững chững cựa quậy. Nó muốn đập bể, muốn nuốt trộng, muốn tiêu hoá, muốn huỷ diệt cái nguyên nhân khó hiểu ấy.

Rồi, không cưỡng được động lực vô hình thúc giục, con Mừng mím môi bóp mạnh. Một tiếng "cạch" khô khan. Lòng trắng, lòng đỏ nhầy nhụa ứa ra kẽ tay. Đứa con gái kê lên miệng, liếm mút ngon lành, hai lõm mắt ráo hoảnh.

 

 

4.

 

Rời gia trang phú hộ Hoạch, Chúc thấy người nhẹ nhõm. Ông Chín quơ được chai rượu Tây, mở nút nhâm nhi, miệng láp dáp, ngon nghe bây, ngon nghe bây! Thằng Mười đòi thử, ông không cho, kêu nó chĩa mũi ghe trực chỉ rừng tràm. Chúc ngạc nhiên:

– Ủa, định đi đâu nữa đây, ông Chín?

Người đàn ông khề khà:

– Đêm còn dài, tao dẫn mầy tới chỗ nầy, vui lắm!

Mặt Chúc sa sầm, nhưng biết không thể làm gì khác, đành uể oải chèo lơi. Bấy giờ cái mệt mới tràn tới, thêm đói khát. Dạ dày Chúc cồn cào từng cơn. Chúc muốn vốc nước sông uống đỡ, nhưng liên tưởng cảnh người thú chết trôi, xác trương phình lều bều, Chúc lợm giọng. Ông Chín biết ý, đưa cho Chúc ống tre đựng nước giếng chùa Phụng, cho ba ngụm cầm hơi. Chúc đâm hối hận, vì lỡ nhẹ dạ nghe lời nhân nghĩa đãi bôi của ông Chín, làm chuyện phi pháp. Rừng tràm, thiên hạ đồn đại, là sào huyệt của bọn thổ phỉ bất lương và nghe đâu, còn là địa bàn hoạt động của đảng phái chống nhà nước thực dân cùng bè lũ tay sai. Lần len trâu vừa rồi, chú Đức đã dặn dò, tránh léo hánh ngang đó, va chạm mất công.

Lòng sông từ từ hẹp lại. Nhiều chỗ cành lá đan nhau um tùm, phải khom lưng mới chui lọt. Mái dầm nhớn nhác chẻ nước, len lỏi trườn chậm. Côn trùng rỉ rả không ngơi. Đây đó trong tán lá đêm, đom đóm rậm rựt điệu múa giao hoan, chớp tắt từng hồi. Mùi bùn non, hương dạ lan và dường như có cả vị mặn biển khơi quấn quýt trong không khí. Chưa lần nào Chúc thấy biển, chỉ hình dung qua chuyện kể của mấy kẻ giang hồ. Nó vẽ vời trong trí Chúc những hình ảnh huyền thoại, ăm ắp hấp lực và rờn rợn đe đoạ. Thiên hạ đồn đại, biển là nơi trú ẩn của loài rồng nước. Chúng sống thọ hằng trăm năm, có khả năng kết tụ tinh chất muối thành ngọc quí. Kẻ văn hoa chữ nghĩa gọi đó là "ngọc hải". Mỗi khi chúng cựa mình là biển động. Dữ dội nhất vào khoảng tháng sáu, mùa rồng nước cáp đôi. Đã có người tận mắt chứng kiến hiện tượng hãn hữu ấy. Đực cái xoắn lưng trồi lên mặt nước thành vồng, cái nào cái nấy cả chục thước, đen thui như rặng núi than hầm. Mỗi lần chúng quẫy đuôi là biển dựng từng đợt sóng thần, ào ạt nối nhau va bờ ầm ầm. Khi chúng ngóc đầu, há miệng phún lửa phì phì, cũng là lúc mặt đất rúng động chằm chặp như có ai lắc. Lửa rồng gặp nước, kết tủa thành ngọc muối. Người ta tin rằng, đó là lúc con đực xuất tinh. Dân chúng sinh sống dọc cửa biển, biết lệ, né đi chài mùa rồng dậy.

Nhưng lớn dần, va chạm trầy trụa với thực tế, Chúc không còn tin chuyện người lớn kể. Không hẳn vì thất vọng, mà vì Chúc đã biết suy xét lẽ thực hư. Chúc hiểu, ai cũng canh cánh bên lòng một hoài bão. Nhất là khi quốc sự đang lúc đục trong khó lường. Hẳn vì lẽ đó mà ông nội đã viện cớ sức khoẻ sa sút, trả chức hương quản. Và cha vẫn miệt mài lang bạt đó đây, mượn nghề thương buôn tìm kế sinh nhai cho gia đình hay để mưu toan chuyện gì khác, Chúc không biết. Mớ chữ nghĩa lạ tai trong tờ truyền đơn, cô Năm Bạch Liên dúi vào tay Chúc bữa nọ, đã làm Chúc nhen nhúm hoài nghi. "Lý tưởng" và "cách mạng". "Độc lập" với "tự quyết, tự cường". Và những lời lẽ bóng gió của ông Chín hổm rày không khỏi bắt Chúc suy tư.

Chiếc tam bản khẳm lườn khựng lại lưng chừng ngả ba sông. Chúc thấm mệt, bực dọc hỏi trỏng:

– Gì nữa đây, cha nội?

Ông Chín tỉnh queo:

– Để tao nhớ coi! Quẹo phải hay trái? Nước ngập mẹ nó mấy bụi dừa nước, không biết phương hướng nào mà mò. Mười, nhớ đường hông mậy?

Thằng Mười lưỡng lự:

– Theo ý tui, mình quẹo phải, ông Chín à! Tui áng chừng, cửa biển ở hướng trái.

– Mầy nói có lý. Thôi, đi!

Thằng Mười lập tức xắn dầm, bẻ mũi sang phải. Ông Chín day mặt ngó Chúc, giọng vỗ về:

– Tới nơi, tao kêu tụi nó dọn cơm mặn cho ăn, nghe Chúc. Ăn chay cả tuần nay, bao tử lỏng le, thịt da bở rệu.

Chúc ậm ừ lấy lệ. Theo cách nói của ông và thằng Mười thì hai người toa rập với nhau vụ nầy. Chúc lo sợ vẩn vơ. Mồ hôi lưng áo bất giác ớn lạnh một đường dọc xương sống. Chúc rùng mình nhớ lại chuyện kể về đảng cướp rừng tràm. Biết đâu chừng chúng ép buộc Chúc đi theo để ém nhẹm vụ ăn cướp nhà phú hộ Hoạch. Hoặc, dã man hơn, chúng dám thủ tiêu Chúc để phòng hậu hoạ. Càng nghĩ, Chúc càng rối trí. Sực nhớ mấy câu Bạch y thần chú cầu cho tai qua nạn khỏi thường nghe bà nội lẩm nhẩm, Chúc lẩm nhẩm đứt đoạn.

Cứ vậy cho tới lúc Chúc nghe giọng thằng Mười hớn hở:

– Tới rồi. Trời, tui phục tui hết sức.

Chúc đảo mắt quanh quất. Ông Chín nhổm lưng, hỏi mau, đâu đâu? Thằng Mười quơ dầm về phía trước:

– Đó, ánh đèn đó, hổng thấy he?

Chúc định thị. Trong vùng bóng tối chập chùng, nhấp nháy bầy đom đóm lập loè lân tinh, le lói nhiều đốm sáng, vàng vọt nối nhau một đoạn ngắn. Thằng Mười hừng chí chèo mau. Những chấm sáng rõ dần, bập bùng. Không phải chỉ có đèn mà có cả đuốc. Chúc không tin ở mắt nhìn. Hơn chục ghe xuồng lớn nhỏ chen nhau sắp lớp giữa cánh rừng trầm thuỷ, chiếc nầy nối chiếc kia bằng nhiều mảnh ván chằng chịt. Tới gần hơn, thấy ra đám ghe xuồng cắm sào có lớp lang đàng hoàng. Những chiếc nhỏ vây quanh chiếc lớn cỡ ghe thương hồ. Ván bắc như nan quạt. Đèn soi cá treo lủng lẳng đầu khoang. Đuốc tiểu, đuốc đại cắm mũi ghe. Tiếng người cười nói rân ran vẳng ra từ lòng ghe lớn.

Chiếc ghe của ba người đàn ông vừa lèn lách xấn tới thì một giọng quát to:

– Đứng lại!

Cả ba ngơ ngác, ngoảnh mặt dáo dác.

– Mấy người là ai? Đi đâu?

Ông Chín ngước mắt lên vòm cây phát ra tiếng nói, bình tĩnh:

– Qua là Chín Đậu, tự Cọp Rằn. Qua có hẹn với anh Hai thủ trưởng, bữa nay tới nộp thuế.

Giọng nói bất chợt mềm mỏng:

– Còn mấy người kia?

Ông Chín cười mơn:

– Em út hết mà, tụi nó theo làm phu trạo.

– Mấy người chờ đó, tui kêu tụi nó ra đón.

Tiếp theo là ba hồi chim ụt rời rạc cất lên. Lát sau, từ lườn ghe phía trước chui ra nhấp nhô hai bóng đen, tay cầm cây đèn trứng vịt. Một người ra lệnh cho ghe ông Chín xáp lại gần. Bóng sáng nhá nhem vừa đủ thấy ra lưng quần mỗi người giắt chéo con dao phay sáng giới. Chúc lạnh người. Đèn soi không rõ mặt kẻ lạ, chỉ nghe bật giọng mừng rơn:

– Tưởng ai, té ra ông Chín Đậu. Lâu quá không giáp mặt, biệt tích đâu vậy ông?

Ông Chín lừng khừng:

– Thì… qua mắc công tác nầy nọ… mà chú em là ai?

Người kia úp mở:

– Tui biết ông mà ông không biết tui. Nhằm nhò gì, đồng chí với nhau hết mà. Ông Chín chúi mũi ghe vô đây, rồi theo tui.

Ông Chín dặn dò:

– Chú em sai tụi nó ra xúc lúa, nhớ chừa lại cho qua phần ba.

– Được rồi, để tui lo. Ông với lại hai em đây ăn uống gì chưa?

– Từ chiều tới giờ đâu đã hột nào vô bụng.

– Vậy vô đây ăn ba hột cái đã.

Lườn ghe mái chằm thấp lè tè, tù mù chụp đèn dầu thấp ngọn. Chỗ thông ra đuôi ghe thấy anh ánh hai ba hoả lò còn đỏ lửa. Mùi hành tỏi rang mỡ heo chợn vợn thơm chảy nước miếng. Người lạ mời cả ba xếp bằng an toạ, rồi hắng tiếng gọi:

– Năm à, coi còn thứ gì dọn ra cho ba đồng chí nầy dằn bụng, đi em!

Có giọng phụ nữ "dạ" nhỏ, rồi tiếng đũa chén, nồi niêu khua xộc xạch. Ông Chín chép miệng thều thào theo thói quen, ngon nghe bây, ngon nghe bây! Một lát, từ phía sau lách vô một bóng xám nhỏ nhắn. Ông Chín và thằng Mười né người cho kẻ nọ lòn lưng, khum tay, kề mặt vặn lớn tim đèn. Chúc xoe mắt sững sờ, cô Năm Bạch Liên.

 

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)