Trang chính » Chụp và Chép, Chuyên Đề, Du Lịch, Email bài này

Ấn-độ du ký: Rajasthan – xứ sở của thần thoại, người, thú và rác (phần 1)

1.-n-du-k-phn-1_thumb.jpg

 

 

 

1.-n-du-k-phn-1

 

Tôi cùng bạn đến với Ấn-độ, hay đúng hơn với miền Tây Bắc Ấn, thuộc tiểu bang Rajasthan, là một hạnh ngộ ngẫu nhiên.

Ước nguyện của bạn tôi từ thuở hoa niên là một lần trong đời được đặt chân lên đất Ấn. Rồi, vì nhiều lẽ, anh ấy chưa có cơ hội thực hiện. Cho tới hè 2011, tình cờ đọc được mẩu quảng cáo hai tuần du hành sang Rajasthan với giá hạ, bạn tôi vội vàng đặt hai vé. Phân nửa giá, bạn tôi bảo, là quà tặng sinh nhật lục tuần cho tôi. Ý lành của bạn bắt tôi phân vân. Bởi lẽ, với tôi, du lịch sang Ấn không phải là ước vọng hàng đầu. Lẽ khác quan trọng hơn, tôi e ngại cho hoàn cảnh khuyết tật của bạn tôi, không biết có thích hợp với phương tiện lưu thông và hệ thống đường sá nơi ấy. Vì vướng phải bệnh MS (Multiple Sklerose), đã nhiều năm nay anh ấy phải ngồi xe lăn.

Đã nhiều lần chúng tôi tranh luận sôi nổi về chuyến du lịch sắp tới. Tôi không háo hức lắm khi vẽ vời trong trí những bất trắc có thể xảy đến cho bạn. "Rất có thể đây là chuyến du lịch sau cùng trong đời tôi", là lời nói của bạn buộc tôi chấp thuận với ít nhiều miễn cưỡng.

*

Máy bay từ Munich đáp xuống phi trường Indira Gandhi, thủ đô Tân Đề-li vào một sáng cuối tháng mười. Nắng phương đông tươi rói. Sau khi cùng hai nhân công phi trường ráp xong chiếc xe lăn, tôi hỏi họ chỗ đổi tiền và ngỏ ý muốn tặng họ một ít tiền thưởng. Xong xuôi, tôi thản nhiên rút ra vài tờ một trăm Rupees, trao cho một người. Lạ thay, anh ta giãy nảy từ chối, mặt mày lấm lét. Nhưng cử chỉ dùng dằng rõ ràng "không lấy thì tiếc, mà lấy thì sợ". Nhưng sợ ai? Đảo mắt ngó quanh, tôi thấy vài người lính, súng quàng vai, đang dò xét nhất cử nhất động của chúng tôi. Anh nhân công ra dấu, ý bảo từ từ… Khi dẫn chúng tôi ngang qua một nơi văng vắng, anh len lén xoè tay, cặp mắt đen nhánh chớp nhanh, đầu gục gặc. Tôi hiểu ý, vội dúi tiền vào lòng tay anh. Tôi hiểu ra, tại những nơi công cộng trên đất Ấn, nhân viên tránh "nhận tiền" một cách lộ liễu!

Hướng dẫn phái đoàn chúng tôi, gồm 28 du khách, là một người Ấn 36 tuổi thông thạo Đức ngữ, rành rẽ văn hoá và lịch sử Ấn. Mỗi người chúng tôi được chào mừng bằng một vòng hoa vạn thọ hai màu cam và hổ phách, thứ màu sắc thường thấy sơn phết, trang hoàng nơi đây. Trên xe, anh giải thích cho chúng tôi ý nghĩa tam sắc của quốc kỳ Ấn-độ: màu vàng nghệ biểu tượng cho Ấn-độ giáo, màu trắng cho Phật giáo và màu xanh lục cho Hồi giáo, và chính giữa là pháp luân.

(Kiểm soát lại tin mạng, tôi tìm thấy nhiều cách giải thích khác nhau. Tôi xin phỏng dịch cách giải thích của vị tổng thống Ấn-độ thứ nhì, S. Radhakrishnan (1888-1975), như sau [1]: Bhagwa hay là màu vàng nghệ biểu tượng cho đức tính thanh liêm [2]. Các vị lãnh đạo của chúng ta phải biết thờ ơ với lợi lộc vật chất và hiến mình cho bổn phận. Màu trắng ở giữa là ánh sáng, là con đường chân lý dẫn dắt tư cách chúng ta. Màu xanh lục chỉ mối tương quan giữa chúng ta với đất đai, với cỏ cây, là những thứ mà tất cả sinh vật đều lệ thuộc. Vòng quay Ashoka ở tâm điểm màu trắng là bánh xe giới luật của pháp. Chân lý hay là Satya, Dharma hay là phẩm hạnh phải là nguyên tắc cho những ai phục vụ dưới lá quốc kỳ này. Bánh xe còn có nghĩa tính động. Trong sự trì trệ tiềm tàng cái chết. Trong tính động là sự sống. Ấn-độ không nên cưỡng lại những thay đổi nữa, mà phải chuyển mình và tiến tới. Vòng luân xa tượng trưng cho động lực của những biến chuyển ôn hoà.)

Đoạn đường ước chừng 250 cây số từ phi trường Tân Đề-li tới Mandawa bằng xe buýt vào một đầu ngày tiết trời nắng ráo. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi trên đất Ấn là luật lệ giao thông bên trái. Ðường sá thủ đô náo nhiệt với nhiều xe gắn máy. Kèn bấm inh ỏi. Ở những trạm đèn lưu thông vắng mặt cảnh sát công lộ, xe và người thản nhiên vượt đèn đỏ. Hai lề đường, có chỗ đầy rác. Và, lạ chưa, thỉnh thoảng lại thấy đàn ông đứng xoay lưng, vạch quần tiểu tiện ven đường, một thói tục quen thuộc trong đường phố Sài gòn thuở trước, lâu lắm mới thấy lại.

Đường đi Mandawa hẹp, hư hao lỗ chỗ, nối liền nhiều làng mạc xơ xác, băng ngang những thị trấn đang giờ họp chợ, tấp nập kẻ bán người mua. Những quán xá, cửa tiệm san sát hai bên đường. Quán ăn chay, tiệm bán điện thoại bỏ túi, cửa hiệu tạp hoá, … Có cả "tiệm" hớt tóc lộ thiên một ghế, một bàn, một tấm kiếng treo tường hay đóng vào cội bồ đề, tàn lá xum xuê. Trẻ con vây quanh xe bán nước ngọt, xe chiên bánh tiêu Ấn-độ. Sạp hoa, trái cây, rau củ lấn ra mặt lộ. Thấy bày bán cam, chuối, táo, bưởi, nhiều mãng cầu ta (na) và một loại củ trông lạ mắt. Hỏi anh hướng dẫn viên, anh nói đó là củ năng Ấn-độ. Tôi mua ăn thử, thấy cũng… vui miệng. Tôi cũng mua vài trái mãng cầu ta, nhưng có lẽ nhằm loại không đạt tiêu chuẩn, vì thấy thịt mỏng, không dai và nhiều hột.

2.-Mt-sp-bn-c-nng-n-1

Một sạp bán củ năng Ấn độ

Anh hướng dẫn viên quảng cáo bánh Naan, một trong nhiều loại bánh nướng Ấn-độ làm bằng bột mì, ăn kèm với xúp hoặc các món có nước sốt sền sệt nêm nhiều gia vị đặc thù nghệ thuật ẩm thực Ấn-độ.

3.-Xe-bn-bnh-tiu-n-

Xe bán bánh tiêu Ấn độ

Cảnh tượng nhắc tôi nhớ về quê nhà. Nhưng nơi đây có nhiều điểm khác. Đa số người Ấn có nước da nâu sẫm. Đàn ông phần đông vận âu phục, nhưng cũng không ít người lớn tuổi mặc quốc phục trắng với quần Dhoti thắt đáy, vấn thắt lưng và áo Kurta, một kiểu sơ-mi không cổ áo. Đàn bà quấn váy Sari, áo chẽn Choli với khăn voan trùm đầu, hoặc để những người đã có gia đình dùng che mặt khi gặp người lạ khác phái. Y phục phụ nữ Ấn màu mè sặc sỡ. Có thể nói, họ chuộng vải vóc loại mỏng nhẹ, màu sắc loè loẹt, thêu hoa, viền đăng-ten, dệt chỉ vàng chỉ bạc lấp lánh. Ngay cả phụ nữ bán hàng, làm đường, chăn thú, làm rẫy cũng mặc loại áo quần như vậy,

4.-Ph-n-bn-hoa-thn-qu

Phụ nữ bán hoa ở thôn quê

 

có điều không được tươm tất như phụ nữ thành thị dưới đây.

Ph-n-thnh-th

Và thú vật sinh hoạt chung đụng ngoài đường phố với người: bò, lừa, chó và chim bồ câu. Thỉnh thoảng lại kẹt xe, vì có người chăn thú đang xua một bầy dê, cừu hay bò nghênh ngang qua phố. An nhiên tự tại nhất là bò, một trong vài giống thú được đa số dân Ấn theo Ấn-độ giáo coi là linh thiêng. Kinh Vệ-đà ghi lại, bò là hiện thân của thần nữ Prithivi Mata tượng trưng cho đất. Sữa bò dùng làm thức uống, bơ Ghee, phân bò phơi khô làm chất đốt, thậm chí nước tiểu bò còn được dùng làm dược phẩm trong y học cổ truyền Ayurveda. Nhưng xẻ thịt để "bồi dưỡng" cho hơn 1 tỷ 200 triệu miệng ăn, tuyệt đối không. Theo lời anh hướng dẫn viên, chỉ có bò đực mới bị bắt lao động, chứ bò cái được nuôi chỉ để vắt sữa và thường được chủ thả rông đi ăn chực, ăn xin tại các buổi chợ phiên, hay ăn mót các đống rác, coi như một công giải quyết được hai chuyện. Ngoài ra, có cả "viện dưỡng lão" cho bò già và bò bệnh, được các nhà hảo tâm quyên tiền xây cất, nuôi nấng cho tới cuối đời.

B-i-n-chc-trong-ch-phin

Bò đi ăn chực trong chợ phiên

Có thể nói, Ấn-độ là thánh địa cho muông thú. Rất nhiều giống thú được dân Ấn thánh hoá: Thần Hanuman là hoá thân khỉ, thần Ganesha là voi (thường đồng hành với chuột), và bò, hổ, rắn, chim công, lạc đà … Mỗi loài biểu tượng cho một thánh tích, là hoá thân hoặc được coi như linh thú thân cận với một vị thánh trong Ấn-độ giáo.

Bo-h-ho-tranh-thn-Ganescha-v-chut-nht-biu-tng-cho-s-sung-tc

Báo hỷ hôn lễ hoạ tranh thần Ganescha và chuột nhắt, biểu tượng cho sự sung túc

Tại Deshnoke có đền Karni Mata thờ chuột. Karni Mata là hậu thân của nữ thần Durga, một trong vô số thần thánh trong thần thoại Ấn-độ giáo, biểu tượng cho tính hoàn hảo, tri thức và nhiều phẩm hạnh khác. Anh hướng dẫn viên du lịch thuật chuyện, vào thế kỷ thứ 14 và 15 Karni Mata thuở sinh thời được một vương gia ở thành phố Bikaner sùng bái xem như thần hộ trì. Theo truyền thuyết, bà được một đại vương, Maharadscha, nhờ làm phép hoàn sinh cho người con trai nối dõi vừa qua đời. Trong cơn đồng thiếp, bà thỉnh cầu tử thần Yama trao trả sự sống cho đứa trẻ. Ngài phán, ngài không thể làm chuyện đó được, vì linh hồn của đứa trẻ đã được đầu thai kiếp khác. Thất vọng, Karni Mata thể nguyện, sẽ làm phép không cho một ai trong bộ tộc bà sau khi chết bước vào cõi tử của Yama, mà tất cả sẽ đầu thai làm chuột. Sau kiếp chuột, họ sẽ hoá thân làm Charans (thi sĩ hoặc ca sĩ) để bảo tồn cho giới này tại Rajasthan.

Cng-vo-n-chut-Karni-Mata-Deshnoke

Cổng vào đền chuột Karni Mata ở Deshnoke

Chúng tôi viếng thăm đền chuột Karni Mata vào một sáng nắng ráo. Vào đền, phải cởi giày, mang bao chân. Dưới mái hiên, bên cổng chánh điện, chuột từng bầy đang dùng điểm tâm, bu quanh một thau ăm ắp sữa. Trong đền bốc nồng mùi xú uế chuột. Chốc chốc lại có người quét dọn. Ðiện thờ đang giờ hành lễ, treo bảng "cấm chụp ảnh". Khách bản xứ đang dâng hương hoa bánh trái và được thầy cúng điểm son đỏ lên huệ nhãn ban phước lành. Chuột lớn chuột bé, chuột cha chuột con bò ngang dọc, tứ tung. Du khách phải thận trọng từng bước, vì nếu lỡ giẫm toi mạng một chú, không biết số phận sẽ ra sao. Nhưng có vẻ như chuột, vốn dĩ thông minh quỉ quái, biết rõ đâu là giang sơn của chúng và đâu là cấm địa, vì chẳng thấy chú nào vượt rào sắt, léo hánh ra lối đi dành cho khách thập phương.

9.-Ba-n-sng-ca-chut-trong-n-Karni-Mata

Bữa ăn sáng của chuột trong đền Karni Mata

Ngay cả các loại thú không được thần thánh hoá vẫn được dân Ấn coi trọng. Có những nơi trong phố, thấy bày bán ngũ cốc cho bồ câu.

10.-B-trai-ri-mi-v-a-gin-vi-n-b-cu-Udaipur

Bé trai rải mồi và đùa giỡn với đàn bồ câu ở Udaipur

Trong các đền đài, khách bón mồi cho sóc. Dơi ngủ ngày sắp lớp dưới mái các cổng thành. Chim én, chim sẻ và két xây tổ, liệng đàn loen loét khắp nơi. Quạ, ó và kên kên lượn lờ trên đỉnh trời cổ thành, bói tìm xác thú.

11.-Khch-bn-mi-cho-sc-rn

Khách bón mồi cho sóc rằn

Địa điểm du ngoạn đầu tiên là Mandawa, một thị trấn nhỏ nằm cạnh sa mạc Thar, giáp ranh Hồi quốc. Nơi đây thấy ít bò, nhưng nhiều lạc đà một bướu. Mandawa, một thời, là một trong những giao điểm thương mại sầm uất nằm trên "lộ trình Tơ Lụa" nối liền Trung Đông với Trung hoa vào thế kỷ 2 trước Công nguyên. Tàn tích của thời kỳ giao thương phồn thịnh này là những dinh thự của các thương gia vừa là nhà ở vừa là hiệu buôn với kiểu kiến trúc đặc thù và những bích hoạ Havelis.

12.-Bch-ho-v-thn-Hanuman-Mandawa

Bích hoạ vẽ thần Hanuman ở Mandawa

Nhiều bức tinh xảo hoạ Hanuman cưỡi voi, một vị thần mang cốt khỉ trong truyền thuyết Ấn-độ giáo. Thần Hanuman này không bà con thân thích gì với Tề Thiên đại thánh trong thần thoại Trung hoa "Tây du ký" được lưu truyền rộng rãi ở Việt nam; và có vẻ như hoàn toàn xa lạ với dân Ấn, vì khi tôi hỏi anh hướng dẫn viên về chi tiết này, anh không biết gì cả.

13.-Ca-khc-hoa-vn-v-du-vt-bch-ho-Mandawa

Cửa khắc hoa văn và dấu vết bích hoạ ở Mandawa

Ðược dân Ấn tôn kính hơn cả là thần voi Ganesha. Hội hè đình đám nào cũng phải được vị thần này chứng giám mới nên chuyện, hoặc sống hay chỉ là tranh tượng bày trên kệ thờ. Một lễ cưới sang trọng phải có voi, lạc đà, xe ngựa rước rể. Ở vùng đất "dương thịnh âm suy" này, phải nói "đàn bà cưới chồng" mới đúng. Vì vậy mà sinh chuyện sát sinh. Theo thống kê năm 2011, tại Ấn- độ có tới 6 triệu vụ phá bào thai nữ [3]. Nếu ở Trung cộng, phá bào thai nữ vì chính sách kế hoạch hoá gia đình "một con" và hủ tục "trọng nam khinh nữ" thì ở Ấn- độ, con gái là một gánh nặng tài chính cho những gia đình có lợi tức thấp. Ngay cả các phòng mạch bác sĩ sản khoa còn quảng cáo: "Thà bỏ ra 1.000 (khoảng 15,00 €) Rupees để thử nghiệm phái tính bào thai còn hơn phải tốn 100.000 Rupees cho một hôn lễ." [4] Những tệ trạng xã hội tế nhị này, anh hướng dẫn viên du lịch không đả động tới. Anh chỉ tâm sự, vì bất đồng tôn giáo, anh được vợ cưới tới hai lần, và thầy cúng Bà-la-môn thuộc giai cấp Brahmane, đẳng cấp cao quí nhất trong Ấn-độ giáo, bảo phải làm vậy mới yên bề gia thất về sau. Anh kể, Ấn-độ giáo là một hệ tín ngưỡng với những giới luật phân chia đẳng cấp rặt ròi. Con người được tái sinh làm tín đồ Ấn-độ giáo, cho tới mãn kiếp. Người khác tín ngưỡng không thể cải đạo để theo tôn giáo này. Vì lẽ này, Ấn-độ giáo khó lòng phát triển rộng rãi, và có lẽ sẽ mãi mãi là một đặc ân của hoá công dành cho dân tộc Ấn.

Đó là chưa kể tới tục lệ tuẫn táng bằng cách hoả thiêu người vợ theo xác chồng theo truyền thống Ấn-độ giáo, để chứng tỏ lòng chung thuỷ và tính phục tòng tuyệt đối. Đặc biệt trong trường hợp các vương gia tử trận, hành động tự thiêu của các thê thiếp cũng là cách để khỏi sa vào bàn tay… nhơ nhuốc của giặc. Trước khi lên giàn hoả, theo lời anh hướng dẫn viên, họ để lại dấu bàn tay trên tường thành cho hậu thế ngưỡng bái, và được phép sử dụng cần sa để bớt đau đớn. Tập tục này khiến tôi nhớ lại, sử sách nước nhà có ghi chuyện Huyền Trân Công Chúa đời trước được tướng quân Trần Khắc Chung cứu thoát cảnh tuẫn táng theo Chiêm vương Chế Mân, đưa về Đại Việt bằng đường thuỷ. Chèo chống kiểu gì không biết, cà rịch cà tang cho tới năm sau mới ghé bến kinh thành. Lúc đó, có lẽ goá phụ Huyền Trân đã một bụng chè bè, khó lòng chối cãi chuyện tư tình trăng mật với Trần tướng quân suốt chuyến hải hành đạt kỷ lục lâu nhất lịch sử này.

14.-Du-tch-bn-tay-cc-th-thip-trn-tng-cng-thnh-Junagadh-Bikaner-trc-khi-ln-gin-ho

Dấu tích bàn tay các thê thiếp trên tường cổng thành Junagadh ở Bikaner trước khi lên giàn hoả

*

Sa mạc Thar trải rộng từ tây bắc Ấn qua tới Hồi quốc. Một chiều tà, chúng tôi được hướng dẫn đi cưỡi lạc đà. Ðồi cát mênh mông. Dưa dại mọc hoang, đơm trái vàng nõn. Tôi cưỡi một chú lạc đà tên gọi "Ya-đô". Lúc nghỉ chân trên đồi cát, chúng tôi được uống rượu Rum Ấn-độ, ngắm cảnh hoàng hôn. Như có hẹn trước, một nhóm vũ công nghiệp dư cùng bầu đoàn thê tử tới giúp vui văn nghệ kiếm tiền chạy gạo. Ngay cả trẻ con còn bồng trên tay cũng được điểm son huệ nhãn, vẽ mắt tô son đậm nét. Nắng hoàng hôn sẫm lại, tưới sắc vàng nghệ lên chập chùng biển cát. Bận về là một màn đua lạc đà hào hứng giữa "Ya-đô" và một chú lạc đà khác. "Ya-đô" của tôi về nhì, bởi lẽ ông chăn đã trọng tuổi không địch lại anh chăn trai tơ sung sức kéo chú lạc đà kia.

15.-Ngi-v-th-ngh-chn-ngm-hong-hn-trong-sa-mc-Thar

Người và thú nghỉ chân ngắm hoàng hôn trong sa mạc Thar

Tiếp theo là chương trình giúp vui văn nghệ. Trong ban vũ ba người, nữ vũ công chính cao lớn hơn cả, có diện mạo sắc cạnh, trang điểm đậm nét. Tuy dáng dấp thô tháp, nhưng "cô" múa may điệu đà, uyển chuyển vô cùng điệu nghệ. Sau đó anh hướng dẫn viên cho biết, nữ vũ công ấy thuộc giới Hijra là những người có "phái tính thứ ba". Họ là những kẻ có bộ phận sinh dục "lưỡng phái"; hoặc có bản sắc nữ nhưng bị bà mụ nắn lộn giống, sinh nhằm nam nhân. Những ai lỡ sinh ra là Hijra đều bị gia đình ruồng bỏ, xã hội bạc đãi. Vì vậy họ phải kết đoàn để sinh tồn (có cả một đạo sĩ Guru làm chủ tịch), sống bằng nghề múa hát dạo kiếm tiền thưởng trong các lễ cưới, tiệc mừng tân gia hay hạ sinh con trai. Thậm chí họ còn tới xin tiền những đám ma chay cho trẻ con, khấn nguyện cho linh hồn đứa trẻ không phải đầu thai làm Hijra, bằng cách đập giày vào nhau như một hành động trừ tà ếm quỉ. Kiếm kế sinh nhai bằng những cách này không đủ, họ hành nghề mại dâm.

(Xin được ghi thêm ở đây, phái tính giới Hijra không liên quan gì tới bản sắc đồng tính luyến ái. Mặc dù kinh Vệ-đà có ghi chép nhiều thần thoại trực tiếp hay gián tiếp nhắc nhở tới vấn đề tình dục đồng tính, nhưng xã hội Ấn-độ hiện nay vẫn coi những liên hệ tình cảm này là chuyện phản thuần phong mỹ tục, mặc dù không còn bị luật pháp ngăn cấm như trước nữa. Những người có danh phận trong xã hội, một khi công khai hoá bản sắc đồng tình luyến ái của mình, phải nghĩ tới hậu quả. Đó là trường hợp của Manvendra Singh Gohil, công tử một hoàng thân Maharadscha ở tiểu bang Rajpipla [5]. Sau khi coming out, ông bị gia đình khai từ, truất quyền thừa kế, công chúng phẫn nộ biểu tình hoả thiêu hình ảnh ông. Dù sao, cảnh ngộ gia đình này sau đó được kết thúc có hậu, một happy end, sau lời tuyên bố của đại vương, rằng ông phản ứng như vậy chỉ vì áp lực của thân nhân và bằng hữu. Hoặc như trường hợp của nam tài tử điện ảnh Bolywood Yuvraaj Parasher, chỉ vì đóng một phim có nội dung đồng tình luyến ái, mà anh bị cha mẹ công bố từ bỏ [6].)

16.-Mt-v-cng-thuc-gii-Hijra-trong-v-khc-hoa-ng

Một vũ công thuộc giới Hijra trong vũ khúc hoa đăng

 

(Còn tiếp một kỳ)


Chú thích:

[1] http://de.wikipedia.org/wiki/Flagge_Indiens

"Bhagwa oder Safran steht für Entsagung und Distanziertheit. Unsere Führer müssen materiellem Gewinn gleichgültig gegenüberstehen und sich ihrer Aufgabe hingeben. Das Weiß im Zentrum ist das Licht, der Weg der Wahrheit, der unser Verhalten leiten soll. Das Grün zeigt unsere Beziehung zur Erde, unsere Beziehung zum Leben der Pflanzen, von dem alles weitere Leben abhängig ist. Das Ashoka-Rad im Zentrum des Weiß ist das Rad des Gesetzes des Dharma. Wahrheit oder Satya, Dharma oder Tugendhaftigkeit sollen die Prinzipien jener sein, die unter dieser Flagge arbeiten. Das Rad steht auch für Bewegung. In der Stagnation liegt der Tod. In der Bewegung ist Leben. Indien sollte Veränderungen nicht mehr widerstehen, es muss sich bewegen und vorwärts gehen. Das Rad repräsentiert die Dynamik friedlicher Veränderungen."

[2] "Entsagung und Distanziertheit": khước từ và giữ khoảng cách (nghĩa đen) trước những cám dỗ vật chất (nghĩa bóng).

[3] http://www.spiegel.de/panorama/gesellschaft/0,1518,772246,00.html

[4] http://www.change-culture.com/abtreibung.html

[5] http://www.spiegel.de/panorama/gesellschaft/0,1518,457626,00.html

[6] http://www.queer.de/detail.php?article_id=12809

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)