Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 4

 

 

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

(tiếp theo)

 

*

Sang ngày thứ ba mưa vẫn không dứt, mà chừng như nặng hơn. Nước đã ngập lút lối đi. Trường chợ đóng cửa từ hôm qua. Trong bữa cơm, má dợm ý ông nội:

– Cha coi thời tiết nầy, liệu mình có nên chất đồ đạc lên gác?

Nhà dưới, chỗ lẫm lúa, có xây cái gác gỗ tạp cất vật dụng linh tinh. Thuở nhỏ, tới mùa gặt, lúa đầy lẫm, anh Chúc và anh Chung ưa trèo lên gác, long nhong xuống lẫm lúa, cười nắc nẻ.

Ông nội bình thản:

– Chờ thêm vài bữa, rồi tính.

Tới xế trưa, má kêu chú Năm Tự sửa soạn chèo ghe đưa má đi công chuyện. Bà nội lo lắng:

– Mưa dầm như vầy, con định đi đâu?

– Mưa lớn, nhưng không có gió. Con tới rạch Bần, thỉnh ý thầy Ba, coi sao.

Bà nội biết tính má, khó ai cản. Cẩm chộn rộn theo chân má vô buồng thay quần áo. Má biết ý, nói:

– Thầy Ba không ưa con nít. Má đi chút xíu về.

Cẩm xụ mặt, vớt vát:

– Má nhớ mua kẹo dừa nghe má!

– Để coi người ta có bán không đã.

Má thắt lại khăn rằn, rồi cắp dù, hối hả xắn quần men theo hiên nhà, ra cầu ván. Mây đen vằn vện như có ai rắn mắt quệt lọ nghẹ lên da trời. Mưa lắc rắc cầm chừng, lâu lâu lại quất mạnh đe doạ lên tàu lá chuối. Chú Năm Tự mình trần trùi trụi, bận mỗi cái quần xà lỏn đen, chống dầm bươn ra sông. Mặt nước lẩy bẩy run theo từng nhát chèo chém ngọt. Có con rắn nước ngóc đầu loằng ngoằng đâm ngang mũi ghe. Lòng sông vắng hoe. Nước ứa ra hai bờ, ngập lộ đất. Canh đồng lau sậy loi ngoi chết đuối. Cảnh vật mênh mang xám xịt. Chỗ vàm đất rẽ vô nhà thầy Ba, không còn thấy lối đi. Một thân dừa lở đất sóng soải vắt ngang mặt sông, chừa khe hở hẹp té, phải khom lưng mới qua lọt.

Chú Năm Tự lơi tay dầm, cản nước cho ghe chậm lại. Tiếng chó sủa khách từ lùm bụi um tùm vang ra. Thời tiết làm thổ ngơi nơi nầy đã tịch mịch càng thêm âm u. Mười lần như một, ghé lại đây, má đều cảm thấy rờn rợn sống lưng. Không phải sợ, mà e dè. Như thể mọi thứ chàng ràng chung đụng với thầy Ba đều hoá nên linh thiêng, huyền bí. Gốc gác thầy, làng xóm ai cũng biết, nhưng không ai tường tận. Nghe đâu, thầy mù bẩm sinh vì người mẹ mắc bệnh phong tình. Lẽ đó mà da dẻ thầy sần sùi, khô quắm, bàn tay trái mất lóng cụt ngủn. Mù vậy mà thầy thấy hết thiên la địa võng, chỉ cần mò mẫm lòng tay kẻ khác là xổ vanh vách chuyện khứ lai. Giác quan thầy nhạy bén khác thường. Nghe hơi gió tiếng mưa, bắt được độ nóng lạnh đêm ngày là thầy đoán ra thiên thời địa lợi. Chuyện hạn hán, rồi cào cào, châu chấu từ Cao-miên túa qua phá rụi mùa màng mười ba năm trước là do thầy tiên liệu. Tới chuyện nước mặn từ vịnh Xiêm-la tràn vô, gây lụt lội sông ngòi, làm thất mùa vụ lúa tháng mười hồi nẳm cũng do thầy báo động. Rồi những năm dịch hành, người chết không kịp rắc vôi, cũng chính tay thầy gieo quẻ, biết hết.

Gia cảnh thầy Ba trơ trụi, không vợ con chi. Ai ưng? Thầy nuôi một đứa ở gái, tên Mừng, kêu bằng cháu và một con chó mực chân cao chân thấp. Con Mừng tướng tá cục mịch, mặt mày bặm trợn, ăn uống như súc vật. Nó có bề ngang xấp xỉ chiều cao, hai bàn chân nứt nẻ ngang phè. Rảnh, nó ưa ra cầu ván, ngồi xoã tóc vuốt trứng chí, bỏ vô miệng cắn lách nhách. Có lời đồn, thầy Ba nuôi con Mừng không phải chỉ để phụ hợ chuyện cơm nước, mà còn để giải quyết dồn nén sắc dục.

Má nghe được, bỏ ngoài tai. Ở cái làng nầy, chuyện thị phi hà rầm, hơi đâu để ý. Lúc má hư thai, phải nạo bỏ, cũng có kẻ bêu riếu, cái thai là của người khác. Không biết có phải vì vậy mà sau nầy má ít đi đâu, khách vãng lai cũng thưa thớt. Nhà chỉ rộn ràng mỗi năm đôi ba bận giỗ Tết, hay những khi anh Chúc, chị Châu tụ họp bạn bè đàn ca hát xướng ngóng trăng rằm mùa nắng.

Con Mừng buộc chó vô chân bàn thờ ông thiên, rồi chẳng nói chẳng rằng, ngoắc mắt ngó má một cái, xăm xăm đi trước. Má hiểu ý, theo nó vô nhà. Chái lá âm u, thoảng mùi nhang đèn. Con Mừng tới chống cửa sổ. Luồng sáng lem luốc soi lờ lợ chỗ khách ngồi đợi. Cái ghế dài gỗ trơn, lót chiếu hai người ngồi kê cạnh chiếc bàn vuông, một chân chêm miếng ngói vụn như thể ếm bùa. Mặt bàn đã bày sẵn bình cắm nhang và hai chân đèn cầy bằng đất nung. Con Mừng bật hộp quẹt châm đèn. Má sửng mặt thấy nó nhếch môi cười khó hiểu. Hai lưỡng quyền đứa con gái lấm tấm mụn cám nhoài ra vũng ánh sáng loang dần. Nó rút ba cọng nhang, sắp ngay ngắn trước mặt má, rồi lạch bạch chân vịt lui vô gian trong.

Má yên tâm trở lại khi khe giọng hò chú Năm Tự đứt hơi, bạt gió ngoài cầu ván. Bỗng dưng má cảm thấy điều gì nghịch lý hết sức. Tự nhiên có sức mạnh vô hình thúc hối má tới đây, bất kể mưa gió, không hẳn chỉ vì bản tính tin chuyện bói toán. Điều đó càng rõ rệt hơn, khi thầy Ba chậm chạp bước ra ngồi đối diện má. Hôm nay, chẳng hiểu sao, thầy không đeo kiếng đen. Má rùng mình nhác thấy lần đầu cặp mắt không tròng, lòi ra hai khối thịt đỏ hỏn, tươi rói như rướm máu. Má không dám ngó lâu cái diện mạo quái dị của người đàn ông, cúi mặt răm rắp tuân theo lời thầy sai khiến.

Sau khi má đốt nhang cắm vô bình, miệng lâm râm khấn vái thần linh về chứng giám, thầy Ba kêu má ngửa tay lên bàn. Sống lưng má lạnh điện một dòng, khi người đàn ông lần ngón tay cụt một phần ba, mầy mò lên từng ly vuông lòng tay. Má nhắm rịt hai mắt. Trong giây lát thịt da tiếp xúc, má cảm nhận rành rành hơi lửa nóng từ ngón tay người đàn ông truyền sang. Và đường lóng tay rị mọ theo mỗi lằn sinh mệnh gây cảm giác ran rát như đầu kim chích. Tâm trí má rối rắm, quên tuốt quá khứ, chỉ còn trâng tráo mảnh thực tại lơ lửng trong bối cảnh lở loét của thời tiết.

Không hiểu thầy Ba mò mẫm đọc chỉ tay má bao lâu, khi thầy cất giọng mệt mỏi ra lệnh má nắm tay lại thì má nẩy vai vài ba cái, hé mắt nhận thấy ánh đèn cầy vàng lườm chói loà. Thầy Ba ngâm lóng tay cụt trong lòng tay má thêm chốc lát mới rút ra, chẩm rãi. Nỗi khoan khoái kỳ lạ nỗi chung đụng xác thịt lan khắp người má. Chợt, người đàn bà nhận rõ, đó chính là cái lý do thúc đẩy bà tới đây.

Người đàn bà thấy nóng rần rật hai gò má, sượng sùng hắng tiếng chờ nghe lời thầy. Người đàn ông thở hắt, mắt lim dim. Hai khối thịt rực ánh đèn, đỏ lên như loé lửa. Lâu sau thầy mới cất giọng, nghe như của ai khác:

– Thời gia đạo đương hồi phẳng lặng. Nhưng không lâu. Cái người thân kia biệt tăm xa lắc, không phải ngãi nhơn bất tín, ngặt nỗi rủi ro. Mười phần hết bảy, khó trở lại. Nếu được quới nhơn phò trợ, trở về, sẽ ở luôn. Còn thằng trai nọ mới thiệt khó lường. Nó lậm phải bùa mê thuốc lú, gieo rắc tai hoạ. Mệnh hệ nó vậy. Không cản được. Có điều, phận số đứa con gái mới đáng thương. Gặp phải duyên lứa khác thường, thêm lúc cơ đồ mạt vận, gánh nhằm hậu quả dai dẳng nhiều năm. Mà chớ phải riêng bà mắc vận, mà đa số đều vậy. Chút an ủi còn lại là tin tưởng chuyện thịnh suy. Không có gì sung mãn miết. Cũng không có gì suy thối thiên niên.

Nói tới đó, thầy Ba oải giọng, đầu ngúc ngắc như giũ sạch vướng víu. Mấy điều thầy vừa phán, má không hiểu trọn. Nhưng chung qui, nhiều phần xấu. Má rầu rĩ rút tay về, chán nản đặt lên đùi. Bấy giờ má mới nhận ra, hơi tay lạnh ngắt từ khi nào.

Má lần túi, lấy tiền trả quẻ. Toan đứng dậy ra về, má sực nhớ, lý do tới đây là để vấn thầy chuyện phong vũ. Thầy Ba chặc lưỡi:

– Mưa dầm kiểu nầy, tui áng chừng điềm gỡ. Tới ngày thứ bảy, nếu trời còn mưa, liệu bề tản cư lên núi Phụng lánh nạn là vừa. Tui cảm nhận cái mùi gió trong khí trời ám hơi hướm âm thần. Chưa đoán được nặng nhẹ ra sao, nhưng chớ coi thường.

Má thở dài:

– Tạ ơn thầy đã chỉ dạy.

Gương mặt người đàn ông trơ trơ, không cảm xúc.

Trong lúc thầy Ba tiếp má trong nhà khách, con Mừng rảnh tay, nhắc ghế đẩu ra hông nhà, ngồi ngó mông. Trời đất gì mà thê lương. Rặt một màu xám ngắt. Mây đọng từng giề đen đủi, in bóng lên tứ bề nước ngập. Điều may, nền nhà đắp tương đối cao. Nó chép miệng thành tiếng, nghiêng đầu rũ bện tóc rối nùi bung một bên vai. Tay phải nó ghịt tóc, kéo thẳng sợi, tay trái bắc qua rị mọ tước trứng chí. Được trứng nào, nó bỏ vô miệng nhằn cái "tách", đoạn niểng mặt, hai con ngươi lờ đờ như mắt cá nục, mép môi vảnh lên lệch lạc, khoan khoái. Nó quên bẵng thực tại.

Chợt, đằng sau lưng, phát ra tiếng cười "hì". Con Mừng giật thót, ngoảnh mặt lại, ánh mắt sắc nét hung tợn. Nó lườm lườm ngó người đàn ông chèo ghe đưa bà khách tới coi bói. Chú Năm Tự đang đứng chống nạnh, điếu thuốc vấn dính môi, mặt lí lắc. Con Mừng mắc cỡ, mặt sượng trân. Phắt cái, nó quàng tay ra sau gáy, hất mái tóc bù xù ra trước, phủ kín mặt. Lưng nó cong xuống, dẻo nhẹo, đầu kẹp giữa hai gối quần vải thô đã rượn chỉ.

Chú Năm Tự thản nhiên ngồi chồm hổm xuống cạnh con Mừng, gỡ điếu thuốc bắn ra bãi nước mênh mông nghe cái "xèo", cất tiếng:

– Mầy hổng nhớ tao, sao Mừng?

Không nghe tiếng trả lời.

– Tao thấy mầy lớn bộn rồi nghe.

Cái đầu tóc vẫn bất động. Chú Năm ngửng mặt hò lơi:

Ớ… nữ thập tam, nam thập lục ơ… ờ… Người dưng xáp lại, con nghé đực cũng muốn cặp bầy…

Hai vai áo đứa con gái phập phồng. Chú Năm ghẹo tiếp:

– Giỡn chơi, mầy đừng giận. Tao hỏi thiệt, có con nghé đực nào để ý tới mầy chưa?

Phiến lưng con Mừng động đậy từng chặp. Rồi, không kềm được, đứa con gái ngấc mặt, vén tóc, cười rúc rích. Chú Năm Tự được thể, góp cười phụ hoạ, hò tiếp:

Hò ơ… Vòng vo lục tỉnh sáu miền. Tới đây sắm ruộng, đóng thuyền ớ… ờ… cái mà đợi em.

Bấy giờ con Mừng mới lắp bắp:

– Tui… tui… như vầy, ai… ai mà thèm, chú?

Nói mà mặt nó ngó lảng đâu đâu. Chú Năm thấy tội, an ủi:

– Tại chưa bén duyên, chớ người ta ai cũng có cặp.

Con Mừng cúi mặt, lí nhí:

– Nói vậy… vậy chú… cặp với ai chưa?

Chú Năm giật mình, ngẫm lại thân phận, cũng cô lẻ chiếu đơn. Chú cười khì:

– Duyên tao cũng chưa bén, Mừng à.

Rồi chú ví von:

– Mưa gió như vầy, lửa nào bén nổi.

Con Mừng ngước mắt lên thinh không. Mây đen quện tứ phương. Nó chép miệng, bắt chước giọng điệu thầy Ba mù:

– Tui áng chừng điềm gỡ, nghe chú!

 

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)