Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài
(tiếp theo)
Cẩm nhỏ nhẻ:
– Trưa hôm trước có thầy giáo Hoàng ghé nhà.
Không nghe má nói gì. Cẩm tiếp:
– Nhằm lúc má đương ngủ trưa. Thầy gởi lời hỏi thăm sức khoẻ má, mai thầy tới lần nữa.
Giọng má hoang mang:
– Còn … còn thằng Chúc có về nhà không vậy?
Đường lược lúng túng trong tay Cẩm:
– Dạ, không… chưa đâu má.
Má buông muỗng, trách móc:
– Cái thằng, thiệt tệ bạc, bất nhơn bất hiếu.
– Chắc ảnh còn ham chơi.
– Cái thứ diều tha quạ mổ làm khổ cha mẹ … Má no rồi con!
Cẩm cầm tô cháo chỉ vơi quá nửa, đặt lên bàn, trao cho má chiếc lược còn ấm hơi tóc.
– Lâu rồi má không chải đầu cho con.
Nói rồi, Cẩm tự động cong lưng ngồi gọn lỏn trong lòng má, khép mắt đón lấy cảm xúc thâm tình, toát nụ tươi mới trên đầu tóc. Cẩm thỏ thẻ:
– Má nè, làm sao con gái biết được là mình lớn, vậy má?
Cẩm nghe giọng mình lạ hoắc, như của ai khác, rồi an tâm đôi chút khi nhận ra đường lược tay má loắn xoắn chăm chút trên tóc. Má im lặng đỗi lâu, rồi chậm giọng đắn đo:
– Không giản dị … mà, cũng dễ thấy, vì con sẽ tới tuổi có đường kinh mỗi tháng.
Cẩm không khỏi giật mình:
– Là sao vậy má?
Má cất tiếng cười mềm, lưỡng lự giải thích … Cẩm rợn rạo thấy ra những băn khoăn mơ tưởng "khi xuân ra đời" không thật sự tươi tắn, không còn là "một trời bình minh có lũ chim vui" réo rắt hoan ca nữa. Trời ơi, dậy thì thiếu nữ với những giọt máu hoen lấm theo chu kỳ kinh nguyệt! Bấy giờ Cẩm nghĩ mình hiểu ra những điều thằng Được đã có lần chọc ghẹo mấy đứa học trò gái có bữa bận quần đen đi học. Nó còn hô lớn: "Tụi bây tới ngày treo cờ Nhựt rồi phải hông? Tò tí te, le le chàng bè …, kỳ nhông cắc ké …", bị tụi con gái rủa cho một trận mất vía.
Đem hỏi chị Ba Khởi, chị cười híp mắt:
– Ờ, thì tại nó ngó giống lá cờ mặt trời mọc của Nhựt …
Chị Châu chàng ràng gần đó, chêm vô:
– Bộ em tới kỳ hay sao vậy? Sớm dữ a!
Cẩm chối bây bẩy:
– Làm gì có. Em hỏi cho biết vậy mà.
Chị Ba ngước vuông mặt tươm mỏng mồ hôi, xuống giọng rủ rỉ ra chiều bí mật:
– Nói cho hai em đề phòng, chớ có ra ao tắm gội mấy bữa đó, hà bá quật mắc đàng dưới chết tươi, nghe!
Cẩm sợ sệt nín khe. Chị Châu cười giòn:
– Chị nầy, nói bậy!
Chị Ba Khởi dằn dứ con cá lóc cạo vẩy dở dang trên thớt, hấm hứ:
– Có người bị rồi, chớ bộ giỡn sao.
Cẩm ngần ngừ:
– Mà … mà … có đau lắm, không chị?
Chị Ba ra điều hiểu biết:
– Liệt giường, chớ hổng phải giỡn. Có người còn sanh chứng khật khùng nữa đó.
Cẩm nói mau:
– Không, không, em muốn hỏi là lúc người ta tới … tới … kỳ có đau lắm không?
Chị Ba Khởi và chị Châu đồng thanh cười nưng nức. Rồi chị Ba đổi mặt trịnh trọng:
– Nó bắt mình khó ở, chớ hổng đau đâu em.
Chị Châu thêm thắt:
– Có người còn bị nhức đầu, chóng mặt đâm ra quạu quọ. Ờ, máu huyết tới cữ thông thương thì vậy chớ sao.
Sau đó, khi chỉ có hai chị em ra sân ngồi hóng mát lúc chiều tà, Cẩm thủ thỉ:
– Má nói, tại ông trời bắt vậy.
Chị Châu day mặt trông ra vành nắng chiều loang loáng màu đỏ ngói xa tắp sau hàng dừa rũ lá im gió, lặp lại thờ ơ:
– Ờ, ông trời cắc cớ.
– Ông trời đứa thương đứa ghét, không đều. Sao ổng không bắt con trai cũng có kinh nguyệt cho vui?
Chị Châu không cười mà nét mặt chị tuồng như mộng mị lãng đãng. Chị cất giọng ngân nga:
– Gương tráng thuỷ mặt trong mặt đục. Duyên con gái bến đục bến trong. Bậu thiệt lòng thì sắm đôi bông. Qua nhà em cuốc đất cấy công, cho ông bà cha mẹ thuận lòng se tơ …
Cẩm mê mẩn hứng lấy lời ca dao không biết chị học ở đâu mà sao nghe qua, tâm hồn Cẩm nhỏ dại thoát nhiên mềm nhũn, pha trộn niềm vui buổi bình minh và nỗi man mác ai hoài lúc hoàng hôn xuống. Cẩm cảm phục chị Châu vô biên. Ở chị, cái gì cũng hay cũng đẹp. Từ quyển tập ghi thơ chép nhạc, mà mỗi tựa bài được chị tỉ mỉ tô điểm bằng viết chì màu, cho tới hộp thiếc bánh "Lu" chị dùng cất giữ những món đồ chơi đã bầu bạn cùng chị đằng đẵng thuở ấu thơ. Những hạt nút áo tròn trịa, anh ánh ngũ sắc xà cừ gợi ra trí Cẩm những bãi sông nước ròng trồi hiện vô số sò ốc, và nghễnh ngãng lũ cá thòi lòi lõ mắt quẩn quanh. Cẩm chưa từng tận mắt thấy cảnh tượng hoang dã đầy sức sống đó, chỉ nghe người lớn kể lại. Bầy ốc mượn hồn còng nhởn nhơ để lại nghìn nghịt dấu chân trên mặt bùn đặc quánh phù sa. Chúng nô nức rủ nhau đi tìm bạn, mặc những đe doạ rình rập. Đàn hải điểu đói mồi xoạc cánh liệng lờ trên không. Ánh tà dương bức xạ đỏ loét lún nước cạn. Bờ bãi rỉ máu những lằn roi đuôi cá sam. Chợt, như sấm chớp, một cánh hải điểu đâm thẳng xuống. Bấy giờ mới nghe tiếng cánh xoành xoạch tung lên. Nhúm sinh vật quẫy đập vô vọng trong móng quắp nhọn hoắt. Hoặc chỉ là một con ốc ma chưa kịp tìm ra chỗ trú thân bỏ trống.
Những câu chuyện nghe như huyền thoại đã đẫm sâu tâm trí Cẩm, bóng bẩy ảnh sắc, luông tuồng từng dòng chữ chưa ráo mực, tràn ngập những thanh âm chỉ hiện ra trong những giấc chiêm bao. Chị Châu vừa mân mê hạt nút áo xà cừ, vừa rắc giọng ví von: "Mỗi hột nút là mỗi giọt nước mắt của sông biển phù sa đó em. Trong đó đựng đầy mưa nắng, mùa màng, … là linh hồn của quê nhà nén lại trong lòng con ốc nhỏ."
Cẩm nghe xong, không khỏi kêu thầm, trời ơi, không biết chị Châu học ở đâu, của ai mà có thể thốt ra những câu ví von hoa mỹ, đẹp đẽ tới như vậy?
Trong khoảnh khắc ấy, Cẩm thoắt quên đi những phiền muộn xảy tới vừa qua. Anh Chúc dưng không bỏ nhà đi đâu mất biệt. Má rầu lo thương nhớ anh, sanh bệnh không thuốc chữa. Bà nội liệu lẫn vô ra, hỏi han những điều vô nghĩa. Không biết thằng Chúc có nhớ mua cho tao cục xà-bông thơm gội đầu, rửa tay không nữa? Rồi bà hớt hải mừng rỡ, Cẩm ơi, có người lắc chuông, chạy ra coi ai đó con! Không, không có ai rung chuông, mà chỉ là tiếng chim chèo bẽo ngóng cổ gọi khan. Lẫn đẫn. Ai oán.
Cẩm ngước mặt. Mái trời huy hoàng ráng chiều đan nghiêng từng bầy chim nối cánh về tổ. Tràng âm thanh quấn quýt vui vầy vang vọng không trung. Vẩy mây đùn đục thắt lại ánh sáng, hắt rãnh chói lọi như phát quang, gây cảm tưởng thần tiên. Cẩm long lanh ánh mắt, tự hỏi, quê nhà tuy nghèo mà đẹp vậy, cớ sao anh Chúc lại đành đoạn bỏ núi lìa sông?
– Chị Châu nè!
– Gì em?
Cẩm nói mà lòng như muối xát kim châm:
– Mai mốt chị đi lấy chồng, chỉ còn em là con gái trong nhà.
Lặng lẽ giây lát. Có tiếng dừa dơi khoét thẫn thờ rụng oạch xuống mương nước.
– Còn lâu mà em.
Giọng chị Châu bối rối. Cẩm thấy gương mặt chị rực đỏ, không hiểu vì thẹn thùng hay ửng sắc chiều. Rồi chị cất tiếng cười nghẹn:
– Ờ, khi nào chị về nhà chồng, chị sẽ cho em cái hộp thiếc đựng đồ chơi.
Cẩm cầm lòng không đậu, bật khóc rưng rức. Chị Châu cười xoà, xoay qua siết Cẩm vào lòng. Từ xa vẳng lại tiếng tù và ghe thương hồ nối nhau trầm buồn như lời tư vãn "buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê". Tàn lá vườn cây trải bóng lê thê, vờn vẫy theo gió chiều từ hướng sông thốc lên. Bất chợt, từ cửa hông, một bóng đen xoắn chân bước ra. Cẩm và chị Châu cùng lượt quay mặt. Má. Chưa ai kịp hỏi, người đàn bà đã lẹ chân chạy vô khu vườn đậm sệt bóng lá, buông rớt lại giọng cười khô khốc, lạ tai. Chị Châu và Cẩm rượt theo, hốt hoảng gọi má, má ơi. Chim trong vòm cây nghe động, tung lá loạc xoạc bắn lên. Hai chị em sửng mắt ngó má đương ghì chặt thân vú sữa tím, tỉ tê hỏi han:
– Đi đâu, giờ nầy mới về vậy con? Ốm dữ a. Thôi, đi thay quần áo, má kêu con Ba dọn cơm cho ăn.
Cẩm nấc lên lẩy bẩy, ôm chặt chị Châu. Hồi tù và ngoài sông chiều gióng giả tới gần, gần hơn, kề cận, và dội vang chát chúa trong hang động mộng tưởng lập loè tia sáng loá mắt từ khe hở đá nứt …
Cẩm bật lưng ngồi dậy, vã mồ hôi ướt đẫm. Đêm đen ám. Cánh cửa lá sách nhen nhúm vạch sáng lên vách, thỉnh thoảng lại run lên lay lắt. Cẩm sượng sật định thần. Giấc chiêm bao còn đậm nét trong trí. Cảnh sắc mềm mại dịu nhiễu tơ lụa. Cớ sao cảm xúc Cẩm lại thô nhám như chạm phải lớp vỏ cây sần sùi vết tích thời gian? Cẩm nhớ lại. Giọng má lạ hoắc lạ huơ như bị hồn hoang bóng quế sai khiến … Cẩm lạnh người, quơ tay tìm chị Châu. Không thấy đâu. Cẩm tỉnh hẳn. Chỉ mình Cẩm trơ trọi giữa mớ gối chị gối em ngổn ngang. Cẩm lấm lét ngó quanh. Mùng vách trắng xoá, thênh thang. Những bóng lá hoá thành vô số vòm mắt chăm bẳm sáng rực. Cột kèo mọc thêm nhiều cánh tay khẳng khiu, chực chờ quắp lấy Cẩm, nhai tươi nuốt sống. Cẩm lạnh người, nhắm rịt mắt, bấu chặt gối ôm, nằm chờ sáng.
(còn tiếp)