Trang chính » Chụp và Chép, Chuyên Đề, Du Lịch, Email bài này

Ấn-độ du ký: Rajasthan – Xứ sở của thần thoại, người, thú và rác (phần 2)

1.-n-du-k-phn-2_thumb.jpg

 

 

1.-n-du-k-phn-2

Ấn-độ là một quốc gia liên bang rộng lớn với hơn một tỷ dân cư, đã một thời bá quyền phong kiến được gầy dựng trên nền tảng tư tưởng Ấn-độ giáo, ảnh hưởng lan rộng cả vùng Nam và Đông Nam Á. Di sản của nền văn hoá vĩ đại này là những thánh tích tôn giáo với vô số đền đài, chùa chiềng và thành quách, cung điện, lăng tẩm các vương gia Maharadscha. Nói chung, kiến trúc Ấn-độ chịu ít nhiều ảnh hưởng văn hoá Ả-rập với lối chạm khắc cầu kỳ, đường nét hoa văn uốn lượn, tô vàng thếp bạc, giát thuỷ tinh lóng lánh. Những ô cửa sổ lắp kính màu, rọi vuông sáng sặc sỡ dưới nền nhà. Ít màu đỏ, nhiều sắc cam và xanh lục.

Trong suốt hai tuần du ngoạn Rajasthan, để lại trong tôi nhiều ấn tượng sắc sảo là cổ thành Jaisalmer, cung điện Amber ở Jaipur, đền Jain ở Ranakpur và lăng tẩm Taj Mahal ở Agra.

2.-Tng-thnh-Jailsalmer

Tường thành Jailsalmer

Cổ thành ở Jailsalmer được xây bằng sa thạch màu lưu huỳnh. Trong khi đá cẩm thạch trắng thường được dùng để xây đền đài và lăng tẩm, thì sa thạch là loại vật liệu xây cất thông dụng nhất tại đây. Nội thành là phố cổ ngoằn ngoèo ngõ ngách với tiệm buôn và tư gia, đa số bán quần áo, vật kỷ niệm. Du khách ngoại quốc và bản xứ chen chúc. Trẻ em đánh giày mời mọc, người ăn xin nài nỉ, có cả callboy miệt vườn lẽo đẽo theo đuôi, lộ liễu mời chào các nữ du khách. Và bò. Đi, phải để ý, không thôi đạp phải phân bò chưa được dọn dẹp. Cảnh tượng ồn ào, vô trật tự; không gian thoảng mùi rác rưởi, nhưng đằm đẵm vẻ gì vô cùng "hương xa", đậm đà sắc thái Ấn-độ.

3.-Hnh-ng-hai-o-s-trc-cng-thnh-Jailsalmer

Hạnh ngộ hai đạo sĩ trước cổng thành Jailsalmer

Tại đây, lần đầu tiên trong đời tôi được anh hướng dẫn viên mời uống trà Chai hay còn gọi là Masala Chai, là một loại trà đen nấu với sữa đường, gia vị Masala gồm có đậu khấu, hồi hương, đinh hương, quế hương, hạt tiểu hồi hương, gừng, … Hương trà Chai thơm lừng, hậu vị đậm sắc, bắt tôi liên tưởng tách trà Lipton của ba tôi thuở xưa ở quê nhà những xế trưa chủ nhật, pha đậm và uống với sữa đặc có đường.

5.-Mt-to-kin-trc-bng-sa-thch-trong-ph-c-Jailsalmer

Một toà kiến trúc bằng sa thạch trong phố cổ Jailsalmer

Nói chung, văn hoá ẩm thực Ấn-độ sử dụng nhiều gia vị. Chỉ riêng cà-ri không thôi, một loại gia vị đặc thù Ấn-độ, là một hỗn hợp từ 12 tới 36 (?) loại hương liệu khác nhau như nghệ, bột ớt, tiêu, đậu khấu, gừng, quế, đinh hương, hạt ngò,… Đúng hơn, cà-ri không phải là một thứ gia vị mà là tên gọi những món ăn được nêm nếm bằng các loại hương vị nói trên, gia giảm tuỳ theo người nấu. Có thể nói, cà-ri được hầu hết các giống dân trên thế giới ưa chuộng, ngoại trừ dân Trung hoa, vì ít thấy người Hoa sử dụng loại tạp vị này.

6.-Ba-n-tra-m-bc-ngoi-ng-ph

Bữa ăn trưa đạm bạc ngoài đường phố

Có lẽ vì tục lệ ăn bốc mà các món ăn Ấn hoặc được chiên nướng hoặc được nấu nhừ, đặc sệt nước sốt, chứ không có món nước như mì, phở, hủ tiếu thường thấy ở các nước Á châu khác. Đa dạng nhất trong phong cách nấu nướng miền bắc Ấn là các loại bánh mì cán mỏng, nướng lò than, tiêu biểu là bánh Naan. Và, cũng vì lý do tôn giáo mà dân Ấn dùng nhiều sản phẩm thực vật hơn động vật, đặc biệt thịt bò và thịt heo là hai loại thịt cấm kỵ tại đây. Thức ăn Ấn nhiều dầu mỡ, lạm dụng tối đa gia vị. Các món bánh ngọt gắt. Ăn không quen, khó nuốt.

7.-Ph-n-nng-bnh-Naan-trong-chi-bp-mt-qun-n

Phụ nữ nướng bánh Naan trong chái bếp một quán ăn

Hợp khẩu tôi, và cũng là món ăn gợi nhớ thời ấu thơ, là bánh chiên Pakora làm bằng bột một loại đậu xanh (Kichererbse, chick-pea), được gọi chung chung là "bánh rê, bánh cay"; và Lassi là một kiểu nước sinh tố bằng sữa chua với nhiều hương vị trái cây.

Tôi là người thích mạo hiểm khẩu vị, thấy món lạ hương xa đều muốn thử, nhưng đụng phải kiểu nấu nướng, chiên xào của người Ấn ngoài đường phố, tôi không khỏi chột dạ. Chịu, không dám, sợ phiền hà dạ dầy, mất vui.

8.-Xe-bn-thc-n-trong-ch-phin

Xe bán thức ăn trong chợ phiên

Trên đường đến Udaipur, chúng tôi được hướng dẫn thăm viếng đền Jain. Theo lời tán tụng của anh hướng dẫn viên, ngôi đền này là một kỳ quan kiến trúc toàn bằng cẩm thạch trắng xây vào giữa thế kỷ 15 với 1.444 cột đá, mà mỗi trụ cột là một công trình điêu khắc tinh vi riêng biệt.

9.-Khch-thp-phng-ving-n-Jain

Khách thập phương viếng đền Jain

Jain hay Kỳ-na giáo, cũng như Ấn-độ giáo và Phật giáo, có hệ thống tư tưởng bắt nguồn từ đạo Bà-la-môn, với những giới luật chay tụng nghiêm ngặt, ngăn cấm sát sinh triệt để. Khác với Phật giáo, Kỳ-na giáo không chống đối triệt để giai cấp Bà-la-môn, vì vậy được giáo phái này miễn cưỡng chấp nhận. Ðạo sĩ Kỳ-na giáo đi chân không, ăn chay trường, từ bỏ tư hữu lẫn tà dục. Vào đền, khách thập phương không những phải đi chân đất mà còn không được mang trên người bất cứ vật dụng làm bằng da, cũng không được mặc quần áo dệt bằng tơ tằm.

10.-Mt-s-ch-K-na-gio

Một sư chú Kỳ-na giáo

Thật vậy, đền Jain là một kỳ công của kỹ thuật kiến trúc và điêu khắc Ấn-độ. Khó có thể tưởng tượng nổi, đây là thành quả của năng lực và óc sáng tạo của con người. Mọi ngóc ngách, từ trần đền cho tới cột kèo, tường vách đều được đẽo khắc chi ly những phù điêu, bày ra một vũ trụ quan kỳ thú. Kiểu trang trí tròn vuông đối xứng này trông như những bức thiền tập Mandala. Trong đó, thần, thú và người hoà quyện luân hồi vào nhau, kết tủa thành tinh lực là "sự sống."

11.-Ph-iu-linh-x-ngn-u-Dharanendra-ph-tr-thnh-Parshavanatha-mt-trong-24-gio-ch-K-na-gio

Phù điêu linh xà ngàn đầu Dharanendra phò trợ thánh Parshavanatha (một trong 24 giáo chủ Kỳ-na giáo)

Cõi sinh tạo nên cảnh giới hữu hình và hữu tình. Một khi đã hiện hữu, tất vướng nghiệp. Mọi vật, sẽ có lúc, đều bị cái chết huỷ diệt, tan theo ảo giác của ý thức và sa vòng luân hồi Samsara. Tư tưởng này đã được tài nghệ thủ công và đức tin mãnh liệt của đệ tử Kỳ-na giáo biểu hiện qua cấu trúc kỳ diệu của ngôi đền này. Như thể, trong mỗi phiến đá ẩn một thần hồn. Đúng thời khắc linh hiển, đá sẽ cựa mình, cất tiếng thuyết pháp.

Rời Udaipur, đoàn du lịch chúng tôi đi Jaipur, thủ phủ của tiểu bang Rajasthan, còn được gọi là "Thành phố Hồng" (Pink City), vì phố sá nơi đây được sơn hồng. Jaipur còn được biết tới vì có "Đài vọng gió" (Palast der Winde) trong phố cổ. Với kiểu kiến trúc tinh vi, chính diện "Đài vọng gió" đặc biệt thoáng khí và mát mẻ, là nơi các hầu thiếp nhìn ngắm sinh hoạt bên ngoài, mà không sợ dân chúng nhìn thấy.

Wind_Palace-Jaipur-India0001

Đài vọng gió (Palast der Winde) xây bằng sa thạch màu hổ phách

Tại đây, chúng tôi đi thăm lâu đài Hổ phách (Amber Palast) trên đỉnh một ngọn đồi ở ngoại vi Jaipur. Khách du lịch cưỡi voi lên viếng lâu đài. Những thớt voi dềnh dàng, đầu tô hoa văn sặc sỡ, đủng đỉnh chở khách từ cổng Amber vào nội thành. Từ mái lầu, một giàn vương nhạc cổ truyền thổi kèn, vỗ phèng la chào mừng du khách. Cảnh tượng tưng bừng như một ngày hội lớn.

14.-Voi-ch-du-khch-ving-lu-i-H-phch-Amber-Palast

Voi chở du khách viếng lâu đài Hổ phách (Amber Palast)

Nghệ thuật xây cất lâu đài Amber nhắc nhớ kiểu kiến trúc Barock với hình thức cân xứng tuyệt đối, thịnh hành ở Âu châu vào thế kỷ 17. Trang trí nội thất có màu sắc trang nhã, quí phái, không sặc sỡ như các toà lâu đài khác, được biết tới với cung điện và hành lang giát gương, cẩn hổ phách, chạm khắc phù điêu hoa bướm bằng cẩm thạch trắng.

15.-Lu-i-H-phch-Amber-Palast

Lâu đài Hổ phách (Amber Palast)

Nhằm lúc có một đoàn nữ sinh được giáo viên hướng dẫn thăm viếng lâu đài. Các cô mặc đồng phục quần trắng, áo ngắn tay màu thiên thanh, sóng đôi nắm tay nhau, len lỏi cười nói qua những cột kèo, dưới những mái hiên nghiêng bóng nắng.

17.-Cc-n-sinh-ang-chm-ch-nghe-gio-vin-thuyt-trnh-trong-khun-vin-lu-i-Amber

Các nữ sinh đang chăm chú nghe giáo viên thuyết trình trong khuôn viên lâu đài Amber

Cho tới lúc này, tôi có thể khẳng định mà không sợ quá lời, rằng phụ nữ Ấn có nhiều người xinh đẹp, đặc biệt những người thuộc đẳng cấp thượng và trung lưu theo truyền thống Ấn-độ giáo, như trường hợp các nữ sinh này. Đa số có vóc người thanh mảnh, diện mạo duyên dáng, nước da không quá đen đúa, thô kệch.

16.-N-hc-sinh-n-

Nữ học sinh Ấn-độ

Bấy giờ tôi mới để ý, trong các thành phố Ấn, lớn cũng như nhỏ, phố sá hoàn toàn không có một bảng tên đường; nhà cửa cũng không ghi số. Vậy, làm sao du khách dò đường, tìm địa chỉ và cách thức phân phối bưu tín hoạt động ra sao? Anh hướng dẫn viên giải thích, mỗi khu phố đều mang một con số (khu bưu chính?) và người đưa thư thuộc nằm lòng tên các gia chủ trong khu phố đó. Còn khách lạ ư? Trước tiên phải đến đúng khu phố, sau đó chịu khó… hỏi thăm tiếp!!!

Thành phố Agra có kỳ quan thế giới Taj Mahal là địa điểm du ngoạn sau cùng, với nhiều người là cao điểm tuyệt đối toàn chuyến du lịch, trước khi chúng tôi trở lại Delhi, đáp phi cơ về Đức.

Taj Mahal, theo lời anh hướng dẫn viên, có nghĩa "Vương miện đài", được xem là công trình kiến trúc Hồi giáo tuyệt mỹ nhất đất Ấn. Có thể nhận ra đặc điểm này qua tập quán chôn cất người chết, không theo nghi thức hoả thiêu, và bốn tháp đối xứng trụ quanh lăng mộ. Bốn trụ tháp này được xây nghiêng ra ngoài, đề phòng trường hợp địa chấn làm đổ, gây hư hại phần mộ linh thiêng. Vòm lăng hình chuông vĩ đại, úp lên mộ lăng giát phiến cẩm thạch trắng, nhuộm sắc theo giờ giấc của ngày. Bình minh, khi mặt trời mọc, là thời điểm thuận lợi nhất cho du khách chiêm ngưỡng trọn vẹn ảnh sắc Taj Mahal. Vào những đêm trăng tròn, theo lời kể, lăng tẩm toả ngời sắc trắng huyễn hoặc, như thể khí phách người chết phát quang. Lăng tẩm là mộ phần công chúa Ba-tư Arjuman Bano Begum, còn được phong danh Mumtaj Mahal, chánh phi yêu quí nhất của đại vương Shah Jahan, qua đời sau khi hạ sinh đứa con thứ mười bốn, hưởng dương vỏn vẹn 39 tuổi (thật ra, bên trong có tới hai mộ lăng, một của bà chánh phi và một của đại vương sau khi ông băng hà).

Từ cổng lăng, cũng đồ sộ không kém, xây bằng sa thạch đỏ giát phiến cẩm thạch trắng vân vi hoa văn cẩn đá quí, du khách đã nhận ra xa xa toà lăng tẩm mờ ảo trong sương mai.

18.-Lng-tm-Taj-Mahal-m-sng-mai

Mặc dù vé vào cửa tương đối cao so với mức lương trung bình của dân bản xứ, 750,00 Rupees (khoảng 11,00 €), nhưng khách viếng lăng tẩm vẫn nườm nượp như đi trẩy hội. Đúng hơn, như một cuộc hành hương tới lăng thánh tượng trưng cho tình yêu vượt ngoài cõi chết. Đúng vậy, Taj Mahal là biểu tượng kiêu hãnh của dân tộc Ấn. Taj Mahal và Ấn-độ là một. Là thánh thất của tình yêu hoá thạch, bất diệt và chung thuỷ. Đã được thi hào Rabindranath Tagore ví von trong thi phẩm "Shah-Jahan" như "một giọt lệ trên đôi má thời gian" [1].

*

Mười bốn ngày du ngoạn xứ Rajasthan đã lưu lại tâm tư tôi nhiều cảm tưởng đối nghịch. Hình ảnh những cổ thành kiên cố, những đền đài nguy nga, lăng tẩm tráng lệ không tẩy xoá được vô vàn cảnh tượng sinh hoạt dân dã thường nhật tình cờ đập vào mắt tôi. Để rồi nằm đó, như những dấu hỏi không lời giải đáp về kiếp nhân sinh, mà bộ ảnh chụp gần 700 tấm không thể ghi khắc trọn vẹn. Hình ảnh cặp vợ chồng ăn xin, người chồng với đôi mắt mù lồi ra trắng dã, lẽo đẽo theo sau đoàn du khách trong cổ thành Jaisalmer. Hình ảnh cậu bé một sáng mai dắt cặp dê băng qua ngã ba, hối hả như sợ trễ phiên chợ sớm. Hình ảnh nam thanh niên cầm sô nhựa nhanh nhẹn, thuần thạo hốt dọn phân voi trong khuôn viên lâu đài Amber, như thể cậu được sinh ra chỉ để hoàn tất công việc ấy. Hình ảnh hai con dê ngẩng đầu ra ô cửa hẹp từ tầng nhà một căn hộ ngắm nhìn phố xá. Hình ảnh đôi chim bồ câu làm tổ ngay bệ cửa sổ phòng khách sạn của chúng tôi ở Udaipur. Hình ảnh người đàn bà ăn xin với gương mặt lở lói khẩn khoản bám theo chúng tôi trước cổng đền Sikh v.v…

Những ấn tượng ít nhiều bi quan ấy trộn lẫn vào quang cảnh một tiệc cưới với voi, ngựa, lạc đà xênh xang; hoa đăng chói loà. Một giàn nhạc công tháp tùng, mặc đồng phục trắng, cầu vai và thắt lưng đỏ thổi kèn, vỗ trống, nhịp phèng la inh ỏi. Quan khách tưng bừng nhảy múa, đón mừng cỗ song mã chở chú rể đầu đội mũ quấn thêu kim tuyến, mặc quần chẽn, áo dài gấm vàng, chậm rãi tiến vào sân yến tiệc. Nửa đêm tôi tỉnh giấc, văng vẳng bên ngoài tiếng pháo bông đốt mừng đám tiệc. Choàng dậy, vén rèm nhìn ra. Xa xa, bông pháo toả sắc trên trời đêm Jaipur. Gần hơn, hai đốm mắt con bồ câu mái đang ấp trứng ngay bệ cửa sổ xoáy nhìn tôi, lấp lánh không chớp.

Những hố thẳm nghịch lý này được dân Ấn chấp nhận bằng niềm tin mãnh liệt vào thuyết nhân quả. Họ, những người sinh ra thuộc đẳng cấp hạ tiện, chỉ còn cách "làm lành tránh dữ", tạo nghiệp duyên thuận lợi cho kiếp sau. Có lẽ vì vậy mà dân bản xứ hiếu khách, vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ tha nhân. Mỗi lần dừng xe, thấy bạn tôi đi đứng khó khăn, tôi cùng chú lơ xe loay hoay lắp ráp xe lăn thì đám đông xô lại, ân cần han hỏi. Lẩn thẩn nghĩ ngợi, một phần vì bản tính hiếu khách, phần khác có lẽ họ hy vọng nhận được tiền thưởng sau đó. Dù gì đi nữa, mối quan tâm của người dân bản xứ khiến tôi an dạ. Càng an dạ hơn, khi tôi nhận ra làn sóng văn minh "điện thoại bỏ túi" cùng kiểu kiến trúc "nhà cao ốc" chưa lấn chiếm quang cảnh phố sá nơi đây. Vô vị biết bao, nếu một ngày nào đó, trong cổ thành Bikaner, Jaisalmer, … nườm nượp khách vãng lai tai đeo máy nghe nhạc iPod, iPhone mỗi người cất trong túi, trong xách tay một điện thoại con thỉnh thoảng lại bật lên tín nhạc, hay một máy iPad mỏng như quyển vở trẻ con. Và những phố cổ ở Jodhpur, Udaipur, … bị san bằng, nhường chỗ cho những dự án kiến trúc tân kỳ, là chuyện đã xảy ra ở Trung hoa lục địa và Việt nam hiện nay.

Viễn tưởng một thế giới với những diện mạo kiến trúc đồng dạng, với những đám đông bị lệ thuộc vào hệ thống tin mạng ảo, đối với tôi, là một thảm cảnh kinh hoàng.

Lại thẩn tha suy tư, không hiểu cớ sao nền văn minh huy hoàng đã một thời gieo ảnh hưởng toàn cõi Nam Á và Đông Nam Á, chợt dừng lại ở biên cương Đại Việt? Đoàn quân viễn chinh trang bị vũ khí tâm linh Ấn-độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo nguyên thuỷ cùng văn hoá ẩm thực cà-ri và ăn bốc từ đại lục Ấn tràn qua Tích-lan, Miến-điện, Xiêm-la, Mã-lai-á, Chiêm thành, Ai-lao, lại không xâm nhập vào lãnh thổ Việt. Vì dãy Trường sơn hiểm trở ở phía tây và đèo Hải vân ở hướng nam khó vượt chăng? Chắc không phải, vì ngoài đường lộ, người Ấn còn giỏi giao thương bằng đường biển, mà ảnh hưởng văn hoá Ấn tại quần đảo Nam dương là một thí dụ điển hình. Chuyện gì lạ lùng vậy? Tôi không rõ. Chỉ biết Phật giáo đại thừa và kiểu cách ăn bằng đũa du nhập vào Việt nam qua ngõ Trung hoa. Văn tự Việt không chịu ảnh hưởng mảy may nào từ Phạn ngữ. Kỹ thuật xây cất sử dụng nhiều vật liệu bằng gỗ, bằng đất nung, chứ không đục đẽo đá tảng như dân tộc Khờ-me đã gầy dựng một Đế thiên Đế thích vĩ đại. Cũng chưa bao giờ thấy người Việt quấn sà-rông, và thả bò chạy tứ tán ngoài đuờng. Trong lãnh vực ẩm thực, cách thức nêm nếm món ăn bằng nước mắm đại thắng vẻ vang vị liệu cà-ri. Và món ăn Ấn chưa hề đóng vai trò quan trọng trong sở thích ăn uống của người Việt nam, ngoại trừ mấy món ăn chơi bánh rê, bánh cay. Cũng như người Ấn tại Việt nam, được gọi lầm là người Chà-và, chỉ là mấy ông chuyên nghề bán vải ở Sài gòn dạo trước.

Về lại nhà trọ nơi đất khách, tôi trở lại với thói quen đêm đêm lật sách đọc vài trang dỗ giấc ngủ. Quyển ba trong trường thiên tiểu thuyết bốn tập "Das Meer der Fruchtbarkeit" ("Biển năng sinh") của Yukio Mishima. Tình cờ, tới chương nhân vật chính Honda du lịch sang đông bắc Ấn. Ngoài những trang tác giả sắc sảo tả cảnh tế thần súc vật, hoả thiêu tử thi, nghi thức các tín đồ Ấn-độ giáo thanh tẩy bên bờ sông Hằng, có đoạn:

"Trong khi đó Benares là một thành phố không những mang tính thần thánh tột độ mà còn đầy ắp rác rưởi. Ven lề con hẻm hẹp, hầu như không một tia ánh sáng mặt trời xuyên qua nổi những máng xối mái nhà, san sát những hàng quán bán trái cây, thịt luộc sôi sục, chỗ này một chiêm tinh gia đang bói quẻ, chỗ kia đang cân lường ngũ cốc và bột mì cho khách hàng; tất cả ngập ngụa mùi hôi, hơi ẩm, bệnh tật. Rời nơi đây, Honda và hướng dẫn viên ra tới một quãng trường ven sông, sắp lớp hai bên là những kẻ bệnh tật từ mọi nơi đổ về hành hương, đang mọp người rũ rượi, van xin, trong khi chờ chết. Thêm vào đó là vô số chim bồ câu. Năm giờ chiều, trời nóng như thiêu đốt. Một lon nhôm, một bát ăn xin đựng mớ tiền xu đặt trước mặt một người cùi có con mắt mù đỏ hỏn, bàn tay sứt ngón giơ lên cảnh trời chiều, trông như một cây dâu bị chặt trụi cành." [2]

Tôi không biết, bao giờ tôi lại có cơ hội trở lại đất nước này. Chắc không. Dù sao, giờ đây tôi đã biết cách nấu trà Chai. Xin ghi lại dưới đây cách thức pha chế, coi như một món quà mang từ đất Ấn gởi tới độc giả Da màu:

Trà Chai hay trà Masala:

Vật liệu cho 4-6 tách:

– Hồi hương (4-5 hoa)

– Đinh hương (3-4 búp)

– Quế hương (1 thỏi)

– Đậu khấu (cardamom, khoảng 6-7 hạt)

– Một muỗng cà-phê hạt tiểu hồi hương (fennel)

– Vài lát gừng.

– Trà Assam Ấn-độ (hoặc trà đen, 3 muỗng súp)

– Nước (2-3 tách)

– Sữa tươi (4-5 tách)

– Đường (ít nhiều tuỳ khẩu vị)

Cách nấu:

Cho tất cả gia vị kể trên ngoại trừ trà vào nồi nấu sôi bùng, khuấy đều. Vặn lửa nhỏ, không đậy nắp, nấu liêu riêu thêm 1 phút. Cho trà vào nấu sôi. Lại để lửa nhỏ nấu thêm 10-15 phút. Lược bỏ gia vị. Cho đường tuỳ khẩu vị.

Chúc quí vị thưởng thức ngon miệng tách trà Chai xứ Ấn.

(tháng 2. 2012)


Chú thích:

[1] http://www.parabaas.com/rabindranath/articles/kMartin1.html

[2] Trích đoạn "Der Tempel der Morgendämmerung", tr. 64-65, bản dịch từ tiếng Nhật của Siegfried Schaarschmidt, nxb Carl Hanser, München, ấn bản 1987.

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

4 Bình luận

  • Văn hóa Ấn Độ

    Văn hóa Ấn Độ hiện diện ở VN trước đây theo tui được biết như sau:
    – Thức ăn cà ri cay khá phổ biến và chế biến thành món cà ri VN.
    – Phim ảnh, thời những năm 60s. Phim Ấn Độ rất nhiều, trước khi kỹ nghệ phim ảnh Hồng Kông phát triển và du nhập sau đó.
    – 2 tác gia R. Tagore và Krishnamurti. Do các dịch giả Đổ Khánh Hoan và Phạm Công Thiện giới thiệu. Tập thơ xuôi Tâm Tình Hiến Dâng của Tagore và các quyển triết luận như Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng v.v…của Krishnamurti.
    – Và dĩ nhiên còn có Phật Giáo VN với hệ thống âm chữ Phạn còn trong kinh sách.

    Tui có một vài kinh nghiệm giao du với cộng đồng người Ấn Độ tại Mỹ. Nói chung họ có bề ngoài bình lặng. Sạch sẽ. Lịch sự. Tư cách và cử chỉ khoan thai vô ưu. Họ cũng rất tự hào (và tự cao) về nền văn hóa lớn của dân tộc mình. Nhưng khác với người Hoa hay cường điệu và ồn ào. Họ khoe một cách im lặng hơn. Trong các dịp festival gì đó của người Ấn, âm nhạc tưng bừng vui nhộn. Thức ăn lạ miệng và rất ngon, thường là cơm, cà ri, cay cay, hăng hăng, thơm thơm. Các bà các cô áo quần màu sắc sặc sỡ nhưng không diêm dúa, cặp mắt to đen, mặt mũi tự nhiên, nghiêm, tuy là ít cười.

    Dân số Ấn Độ suýt soát China. Nhưng có điều lạ, là thế giới vững tâm hơn với Ấn Độ so với TQ. Không nghe ai nói về nguy cơ gây chiến của Ấn. Có lẽ là do phần lớn thái độ văn hóa của 2 dân tộc, 2 chế độ hoàn toàn khác biệt nhau

  • ngô nguyên dũng says:

    – Thưa Anh Phan Đức,

    cám ơn Anh đã nhín chút thì giờ, góp ý cho bài viết của tôi.

    Một mặt, việc phân chia đẳng cấp theo truyền thống Ấn giáo đã cản trở mức độ phát triển của Ấn-độ, vì những nhân tài thuộc đẳng cấp hạ tiện chiếm đa số không có cơ hội bột phát và thăng tiến.

    Mặt khác, nhờ niềm tin mãnh liệt vào thuyết “nhân quả”, mà đẳng cấp này không dấy loạn, chống lại tình huống bất bình đẳng, và chấp nhận số phận. Nhờ vậy mà xã hội Ấn không xảy ra nhiều bạo động giữa các tín đồ Ấn giáo. Vì vậy, theo ý mọn, là một lợi điểm không nhỏ cho tốc độ phát triển của xã hội Ấn.

    Trân trọng.

    – Thưa Anh Trần Đăng Khoa,

    đúng vậy, thưa Anh. Nhiều đền đài, lăng tẩm ở Rajasthan là những di tích thuộc dòng tộc các lãnh chúa theo Hồi giáo, điển hình là kiểu kiến trúc lăng mộ Taj Mahal. Đường lối kiến trúc tại những tiểu bang khác ở Ấn-độ như thế nào, tôi không rõ.

    Lại đồng ý với Anh về điểm, khuynh hướng văn hoá Việt bị văn hoá Trung hoa “cưỡng bức” nặng nề sau nhiều trăm năm đô hộ và ráo riết tìm cách đồng hoá, tới độ gần như “vô cảm” với văn minh Ấn. Giờ đây, ngẫm lại, ít ra chúng ta vẫn còn giữ được “văn hoá nước mắm và báng tráng”.

    Về nguồn gốc danh từ riêng Chà-và, theo như tôi biết, dùng để chỉ di dân từ đảo Java, Nam dương, tới Việt nam. Có lẽ vì họ cũng có nước da ngâm đen và theo đạo Hồi hoặc Ấn-độ giáo, mà người Việt gọi chung là “người Chà-và” cho… tiện. Chỉ khi nào biết rõ nguồn gốc, họ mới được gọi là người Ấn, thí dụ trường hợp của ca sĩ Việt Ấn.

    Trân trọng.

  • Trần Đăng Khoa says:

    “Nói chung, kiến trúc Ấn-độ chịu ít nhiều ảnh hưởng văn hoá Ả-rập”, tôi cho là tác giả có nhận định này vì nhiều kiến trúc ở Ấn ngày nay là từ thời Mogol, một vương triều Hồi, nhất là trong vùng Rajasthan.

    Tui cho là Văn hóa Ấn không ảnh hưởng nhiều (chứ không phải không có)lên xứ Việt vì rằng chúng ta bị anh láng giềng phương bắc cưỡng bức quá nhiều, đâm ra yêu luôn cái ông họ Khổng tên Khâu.

    Còn từ Chà Và, theo tui nhớ thì khi gọi mấy ông bán vải ở chợ Sài Gòn thì dân ta kèm thêm từ Bombay. Còn dân Hồi miệt Châu Đốc thì được gọi là Chà Và Châu Giang. Mấy người này được cho là có gốc từ Chiêm Thành, nhưng từ Chà và lại được cho là có gốc từ Java, không rõ thế nào.

  • Phan Đức says:

    Theo thiển ý tôi, chính sự phân biệt giai cấp của Ấn giáo đã làm cho
    nước Ấn không thể phát triển nhanh chóng được, dù hiện nay họ có lợi
    thế về công nghệ thông tin (IT)và những người Ấn có học thường viết
    và nói Anh ngữ rất thành thạo!
    Tôi có ông bạn dạy đại học Úc đôi khi được Ấn mời qua đó làm giáo sư
    thỉnh giảng. Ông kể cho tôi nghe là có lần ông mời người tài xế đi ăn
    trưa với ông và cả nhóm giáo sư người Ấn. Thế nhưng, người tài xế lại
    từ chối với lý do là ông ta thuộc giai cấp tiện dân không được ngồi
    ăn cùng bàn với giai cấp khác.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)