Ngô Nguyên Dũng
Phán già đi nhiều. Dám gần mười năm, tôi và Phán không gặp nhau. Chúng tôi là bạn học thuở còn ở quê nhà. Xa nước vì thời thế, đứa trước đứa sau, mỗi đứa một châu, hiếm có dịp thăm viếng. Lần này vì lý do gia cảnh, Phán sang đây, tiện thể ghé ngang.
Tôi biết Phán viết văn, làm thơ cho vài tờ báo văn chương. Tôi có đọc qua, rồi quên. Những bận tâm của Phán và của tôi không giống nhau. Với tôi là chuyện cơm ăn áo mặc cho một gia đình bốn nhân tố. Với Phán là điều gì đó viển vông, mơ hồ, không thực tế. Vì vậy, tôi không mấy ngạc nhiên khi biết Phán vẫn sống độc thân. Tôi đùa, ngần ấy tuổi mà chưa lập gia đình, nếu không bất lực thì cũng là đồng tính luyến ái. Phán không cải chính, chỉ cười. Không phải kiểu cười chấp nhận, chịu đựng mà như ngụ ý, thì đã sao.
Sau bữa cơm chiều, trong khi vợ tôi dọn dẹp bàn ăn, tôi mời Phán ra hiên nhà, uống trà ăn bánh. Chiều xuống chậm. Hè năm nay nóng khác thường. May, những khi hoàng hôn thường có vài ngọn gió phe phẩy. Chuyện trao đổi giữa tôi và Phán coi như cạn. Lâu không gặp, tái ngộ chỉ ôn lại dăm ba chương kỷ niệm còn đọng trong trí nhớ. Những vui chơi nông nổi thời tuổi trẻ. Vài biến động gia cảnh. Dăm ba cái chết. Có người không biết bây giờ ở đâu. Những ly tán buộc phải chấp nhận.
Chuyện vãn gần xa một đỗi, tôi chuyển đề tài:
‘‘Tôi có đọc bài ông viết trên mấy tờ báo.’’
Nói xong, tôi nhận ra mình vẫn chưa thật sự thuần khẩu với cách xưng hô ‘‘tôi, ông’’. Nhưng vào tuổi này, gọi ‘‘mày’’ xưng ‘‘tao’’, nghe bất xứng.
Phán nhỏ nhẹ:
‘‘Mình viết cho vui ấy mà, như trò giải trí.’’
Tôi bắt bẻ:
‘‘Thế thì không thể ‘lớn’ được.’’
Phán cười hắt:
‘‘Với bạn, thế nào mới gọi là ‘lớn’?’’
Ngần ngừ vài giây, tôi thành thật:
‘‘Tôi chưa đọc bài nào của ông viết về những thảm trạng chiến tranh, những xung đột ý thức hệ, những phân hoá vì chủ nghĩa của một dân tộc cùng huyết thống.’’
Nét mặt Phán phân vân thấy rõ. Anh nâng tách trà, hớp một ngụm. Cử chỉ anh từ tốn, thận trọng, như sợ khuấy động những tĩnh vật.
‘‘Mấy điều ông vừa nêu, phải công nhận lớn thật. Nhưng nỗi băn khoăn của tôi, nó khác. Cái lớn của tôi là đôi lẽ sống chết, là cái siêu phàm bao trùm sinh vật. Còn chiến tranh và gì gì đó, với tôi chỉ là những va chạm giữa hai nhóm người, hai phần đất, hai chính kiến. Tẳn mẳn so đo, chuyện lớn nhỏ quả có khác. Nhưng không vì vậy mà tôi cho rằng, chuyện này quan trọng hơn chuyện kia. Chung quy ở bẩm tính. Ông thử nghĩ, nỗi băn khoăn trong thế giới tâm linh của loài bò sát cũng lớn lao lắm chứ, tầm thường như bọn mình làm sao hiểu nổi.’’
Tôi rót thêm trà vào tách cho Phán. Hương trà sen Thái nguyên của người quen từ Việt nam mới qua đem biếu toả thơm thoảng. Tôi biết, uống trà cữ này, khuya nay thế nào tôi cũng trăn trở.
Tôi gật gù lấy có. Trời, tôi vừa rặn mọ thốt ra vài ngôn từ dao búa, có ý hù doạ Phán cho vui, ngờ đâu chạm nọc. Anh phun ra một hơi về những băn khoăn của anh và của loài bò sát, làm tôi bỡ ngỡ không ít. Lẽ đương nhiên nó khác. Nhưng lấy gì làm chắc, rằng rắn rết biết băn khoăn? Đôi khi tôi ngầm so sánh cuộc sống gia đình tôi với đồng hương. Có người, tôi hơn; kẻ khác, tôi không bằng. Nhưng đó toàn là những thứ có thể so giá như cái nhà, chiếc xe hay những chuyến đi nghỉ hè. Còn chuyện hơn kém về tinh thần, hay nói cách khác, về thế giới tâm linh, có khi nào tôi nghĩ tới. Nó không hiện hữu trong đời sống tôi. Hay có, mà tôi vì những nhu cầu vật chất, nên hoàn toàn không để tâm tới. Dù sao, mấy điều Phán vừa bộc bạch, bắt tôi suy nghĩ.
Phán thêm lời:
‘‘Xét cho cùng, tầm phán đoán của con người hạn hẹp lắm. Không ai thấy ra cái tận cùng của ý nghĩ. Vì vậy, trái đất càng già nua, thì mọi quan niệm, mọi suy tư chỉ là sự lặp lại. Khác chăng là cách biểu lộ. Chính cái khác này, theo tôi, gây ra những xung đột mà ông vừa nói.’’
Xong, Phán bật cười khan. Tiếng cười nghe lạ. Như để tô đậm lời nói, như nét điểm nhãn sau cùng lên bức hoạ truyền thần. Tôi chợt liên tưởng câu chuyện về một hoạ nhân vẽ chân dung có tiếng thời xưa. Nét cọ sau cùng dành cho đôi mắt. Điểm nhãn như một cách truyền sự sống, hà linh hồn vào cái mặt nạ trơ trơ bất động trên khung vải. Khéo, bức tranh được giữ lại. Vụng, sẽ bị rạch nát, vất đi. Một nghệ sĩ, tài hoa hay không, ở chỗ biết nhận ra điểm kém cỏi của mình. Tư lự lan man vậy thôi, chứ tôi không thố lộ cùng Phán, vì biết thế nào cuộc đối thoại cũng sẽ lâm vào ngõ cụt.
Có lẽ nhận thấy buổi chuyện trò bắt đầu nặng nề, sau khi hớp một ngụm trà, Phán đặt tách nghe ‘‘cạch’’ xuống dĩa con, rồi cất giọng:
‘‘Có thời gian dài, tôi thất nghiệp.’’
Tôi nghiêng mặt nhìn thẳng vào mắt Phán, có cảm tưởng như mình vừa nâng cọ chấm vào hai trũng thị giác Phán cái phần vi tế sống động, vô cùng tinh xảo, đựng bản năng định đoạt cả phận người.
Phán tiếp:
‘‘Một hôm tôi nhận được điện thoại của sở lao động giới thiệu cho tôi một việc làm tạm. Gác dan thư viện ông ạ. Có sao đâu? Cái số mình, tạm trú xứ người thì làm việc gì chẳng được. Ngặt nỗi, họ bảo cần người gác ca đêm. Tôi tần ngần tự hỏi, đời thuở nào lại có chuyện gác ca đêm thư viện? Ai thèm đụng tới cái mớ sách báo loạn phát bề bộn kia? Họ giải thích, chỉ phải gác suốt bốn tuần lễ triển lãm danh hoạ mượn từ các bảo tàng viện khắp nơi trên thế giới mà thôi. Tôi nhận lời, nhưng lòng không mấy phấn khởi. Tôi có tật đi ngủ sớm.’’
Nghe Phán nói tới đó, tôi liếc mắt nhìn đồng hồ tay. Sắp tám giờ tối. Nắng vẫn bịn rịn chưa tắt. Phán rót những giọt trà cuối cùng vào tách. Tôi vừa nhổm người, Phán đã hiểu ý, khoát tay bảo, không cần pha thêm trà, một ly nước suối đủ rồi. Tôi vào trong lấy nước cho Phán. Khoảng cách vào ra đâu bao xa, vậy mà tôi đã hình dung ra điểm thú vị trong câu chuyện Phán vừa khởi đề. Bản tính Phán kín đáo, hiếm khi tôi nghe anh lằng nhằng chuyện người hay mềm giọng tâm tình những ưu tư. Khoảnh khắc ngắn ngủi vào ra chợt loé trong tôi vài ý tưởng lạ lùng, tựa như cảm xúc đầu tiên tiếp nhận da thịt tình nhân. Hay cũng có thể đó là thứ giác quan kỳ diệu của tâm linh cho mình cảm tưởng vừa sờ được những chiếc bóng ẩn náu trong tiềm thức. Nhưng chưa bao giờ chúng bắt tôi phải bận tâm. Với tôi, tất cả biến động trong hay ngoài ý thức là lẽ tự nhiên. Tôi không thể hiểu sao lại có người xúc động băn khoăn chỉ vì một dấu môi nơi miệng tách trà, những tiếng chân rụt rè trên sàn gỗ long, hay cảnh người đàn bà trật áo, vắt sữa vào tách trà ly biệt chồng trước ngày nhập ngũ. Giờ đây, trong khoảnh-khắc-ngắn-ngủi-vào-ra này, tôi sững sờ cảm nhận cái lý tính phi thường của những điều xoàng xĩnh, gần như dung tục ấy. Cùng lúc là những nghi hoặc ở ngũ quan mình. Có thật là mình đã thấy đã nghe đã nếm đã ngửi đã tiếp xúc được chúng? Hay mọi sự chỉ là thứ ảo tưởng sống động, lặp đi lặp lại cho tới lúc thành như thật? Tôi cũng có những ảo tưởng, đâu riêng gì Phán hay những kẻ mẫn cảm khác. Đúng hơn, ảo tưởng của tôi là những chiếc bóng của dăm ba người thân đã qua đời. Họ hiện về kín đáo, tế nhị trong một góc chiêm bao nhỏ như chéo khăn tay, vậy mà đủ sức làm loé lên sắc trắng tươi rói, chói loà cả giấc mộng. Những hiện mất bật tắt, bật tắt cho tới lúc không còn biên giới của thực mộng, của sống chết, làm tái sinh những thứ mà mình tưởng đã tiêu tán. Với Phán là những trang sách kín chữ nối trăm năm này vào trăm năm khác. Có lẽ vậy.
Trở ra ngồi cạnh Phán, đưa cho anh ly nước, lúc ấy tôi mới nhận thấy ngày đang lặng lẽ chia tay. Bóng ngôi nhà phủ kín vườn cỏ vàng ngọn. Vài đốm nắng sót lại, lẻ loi điểm lên bụi nguyệt quế. Dưới gốc, hạt chín rụng đầy. Màu đỏ chói loà, rộn ràng khéo giấu nỗi man mác ly biệt giữa ngày đêm. Tôi sực nghĩ tới đoạn kết của một câu chuyện liên quan tới sắc đỏ chòm nguyệt quế một đêm giã từ. Và thẫn thờ nhận ra, dường như vừa có vài thay đổi trong tôi. Bất ngờ và âm thầm. Như thể buổi viếng thăm của Phán là khởi điểm làm xáo trộn những quan niệm sống trong tôi. Gần như trọn vẹn.
Tôi nghe giọng mình ngờ vực cất lên:
‘‘Rồi sao nữa?’’
Khoé môi Phán động đậy. Hai rãnh mắt nhíp lại. Giọng từ tốn. Tôi lắng tai, mắt ngoảnh nhìn một thoáng bụi nguyệt quế ngoài vườn chiều. Nắng đã khuất. Màu đỏ những hạt rơi, của những khe trống văn chương lấm loét nhoè vào bóng xám cuối ngày, loang ra thứ giao cảm riêng rẽ, không thể giải thích, khó biện luận, nối liền giữa tâm linh tôi và Phán. Thoắt cái, câu chuyện của Phán thẩm nhập vào mọi ngõ ngách ngũ quan tôi. Nghiệm tưởng tôi run rẩy thấy ra trũng đèn vàng tù mù trong một góc thư viện thành phố. Sách và sách. Mực và giấy. Hoá liệu và gỗ. Rừng cây chi chít lá chữ bâu quanh, từng hàng ngăn nắp. Hương liệu trừ mọt xông đằm đằm, như mùi thuốc khữ trùng trong một nhà chứa xác. Những thây chữ dựng trên kệ sắt, gáy nối gáy, được sắp theo thể loại, mẫu tự. Mỗi thây, một mã số. Nằm đấy, chờ.
*
Người đàn bà ký vội lên trang giấy, gấp tập hồ sơ, ngẩng mặt cười thân thiện:
‘‘Ông cho phép tôi vắn tắt vài lời. Việc làm của ông bắt đầu từ 10 giờ đêm tới 6 giờ sáng. Mỗi ba tiếng ông chịu khó rảo quanh xem xét tầng trệt và lầu một. Người quản thủ thư viện sẽ chỉ dẫn ông tường tận hơn về chuyện này. Tiền lương là 10 đồng một giờ, cộng phụ phí đêm 25 phần trăm. Điều quan trọng, ông nhớ để ý tới mấy điểm phải làm lỡ như chuyện gì xảy ra.’’
Nói tới đó, người đàn bà bật cười:
‘‘Chẳng có chuyện gì đâu, nhưng đề phòng vẫn hơn. Chúng tôi muốn nói tới những trường hợp rủi ro như hoả hoạn vì… vì… chạm điện, hay như có kẻ gian đột nhập… Ông không đoán được trị giá của ngần ấy danh hoạ đâu, tỷ chứ không phải triệu.’’
Tôi hoang mang hỏi:
‘‘Thư viện không có hệ thống báo động sao?’’
‘‘Có chứ, nhưng chỉ vài người biết nó hoạt động như thế nào. Chính tôi cũng không rõ. Ông vui lòng ký tên vào tờ giấy này, mang qua phòng ông quản thủ thư viện. Chúc ông nhiều may mắn.’’
Tôi cười cám ơn, đứng lên bắt tay từ giã bà chủ phòng nhân viên, nhủ lòng, lời chúc đượm vẻ gì như mỉa mai. Tôi mẫn cảm quá chăng? Nhiều lúc, tính mẫn cảm bất thường này bắt tôi thêu dệt những sự kiện không hề xảy ra. Ảo giác tôi đầy dẫy biến động. Tại một góc phố vắng. Nơi băng ghế công viên ngập xác lá. Dưới đống gạch vụn một ngôi nhà bị phá đổ. Ở chỗ ngồi bỏ trống góc thư viện rộng thênh. Và trên những mặt người.
Ông quản thủ thư viện có gương mặt hình quả lê còi. Cặp mắt mèo hấp háy sau tròng kính cận. Sống mũi dẹp, nhọn, thẳng như được gạch bằng thước. Đôi môi mỏng, tái ngoét. Lúc nói, miệng ông chỉ cử động nhấp chừng. Giọng ông mệt nhọc len qua kẽ răng, rồi rãnh môi, sau đó thở phào nhẹ nhõm lọt vào tai tôi.
Nhưng không phải ông không niềm nở.
‘‘Ối dào, không thể gọi đấy là việc làm, vì ông chỉ phải ngồi cho có mặt, lâu lâu lại rảo bước kiểm soát một lần. Nói thật, đây là cơ hội tốt để ông tập thiền. Ngồi đấy nhưng phải để ý mọi việc chung quanh. Tai ngóng chừng động tĩnh. Mắt phải tinh nhạy dò xét. Mũi phải bắt được những mùi lạ, tỷ dụ như mùi khét của dây điện cháy hay mùi giấy, mùi sơn bén lửa.’’
Ông vừa diễn giải vừa dẫn tôi chầm chậm len qua những lối thư viện. Lối chính tính ra dám tới trăm thước. Hai bên chia hàng, dựng kệ sách. Cạnh những khung kính rộng màu lam nhạt, một chiều từ trong nhìn ra, là dãy bàn ghế sơn xám. Cái màu buồn bã như nội cảnh thư viện vào giờ này, vắng tênh. Những chụp đèn soi quạnh quẽ lên mặt bàn lẻ loi vài quyển sách ai đó lười sắp lại kệ. Tiếng nói người đàn ông thoắt hiện thoắt mất trong thính giác tôi. Vườn cây lục sẫm và một mảng trời đùn mây lớp lớp hình vòng cung tô lên những ô kính lắp, trông như bức hoạ ấn tượng.
Giọng người đàn ông nô nức như reo vui:
‘‘Chỗ ngồi của ông.’’
Tôi nhướng mắt. Bên trái cuối lối đi, một quầy gỗ nâu hình bán nguyệt. Vài chiếc ghế trống. Giàn màn ảnh kiểm soát nhấp nháy. Sau giờ mở cửa, chỉ thấy những hành lang trống. Từ chỗ ngồi này, bằng những bộ mắt điện tử, tôi có thể theo dõi mọi chỗ vào ra trong thư viện.
‘‘Ông có hút thuốc không nhỉ?’’
Người quản thủ thư viện nheo mắt hỏi. Tôi lắc đầu. Ông gật gù:
‘‘Tốt. Ở đây hút thuốc là điều cấm kỵ. Những chuyện còn lại, tha hồ.’’
Tôi không hiểu ‘‘những chuyện còn lại’’ là chuyện gì, nhưng không hỏi mà đoán theo ý riêng, là tính phóng khoáng và phóng túng trong lãnh vực sáng tạo. Tôi muốn nói cho ông biết, tôi cũng là một kẻ sáng tạo tài tử. Mà nói để làm gì, khi tất cả chỉ là một cách nguỵ trang, tự phỉnh lừa bằng cường độ bi quan lẫn lạc quan quá đáng.
Tôi vừa hài lòng vừa e ngại với chỗ ngồi của tôi giữa rừng sách tồn trữ qua biết bao thập niên. Hài lòng vì tôi sẽ rộng thì giờ suy tư, ghi ra một bài viết mới. E ngại vì không gian trống trải. Và khuya khoắt.
Đêm đầu tiên tôi chống chỏi cơn đòi ngủ bằng vài tách cà-phê đậm. Lúc tứ chi chớm uể oải, tôi đứng lên bắt đầu rảo bước xem xét thư viện. Hai tầng rộng. Tranh được trưng bày ở tầng trên. Toàn danh hoạ trường phái ấn tượng đầu thế kỷ 20. Thoạt đầu tôi thích thú dừng chân trước mỗi bức, ghé mặt ngắm nghía. Nét cọ này, bố cục này, sao mà tinh xảo. Nhìn gần, khác. Đứng xa, khác. Chia nhãn quan ra từng ô như mắt ruồi, lại thấy khác. Ngàn cái khác gom thành cái hợp nhất hài hoà kỳ diệu. Giác quan thứ sáu của người tinh nhạy bắt được ngay sinh lực. Tôi có thứ giác quan ấy. Vì vậy, sau đó, cảm xúc bất an từ từ thẩm nhập. Như thể tôi bị theo dõi, rình rập bằng nghìn tia mắt. Không phải của nghệ sĩ sáng tạo, mà của những nhân vật giả tưởng. Họ thoát ra từ những khung tranh. Và kinh khủng hơn nữa, từ vô số lòng sách khép kín dựng trên kệ sắt. Thư viện giữa khuya bỗng rộn lên sống động. Sự sống và tính động âm thầm mà cực kỳ linh hoạt. Họ khiến tôi dè dặt lúc đầu, nhưng dần dà quen đi. Hơi thở của những hồn ma sáng tạo phà vào ngòi bút tôi thành những ý nghĩ kỳ quặc run rẩy trên giấy.
*
Tôi để ý tới người thiếu nữ vì mái tóc dài đen mướt. Cô ngồi bên bàn viết cạnh kệ sách của những tác giả tân tiểu thuyết khu vực Đông Nam Á. Một hôm tôi tới sớm, gặp cô đang thong thả gấp sách dựng lên kệ. Thấy tôi, một người Á châu, nét mặt cô rạng lên giây lát. Tôi khựng bước, gật đầu chào. Tia mắt tôi lướt ngang gương mặt thanh tú. Màu mắt xanh lạ lùng của thiếu nữ đọng lại thị giác tôi. Thứ màu xanh tuyệt vời, không do hoá chất kết hợp, mà chỉ thấy trong thiên nhiên. Phải rồi, đó là sắc xanh của một loại bướm trong khu rừng mưa. Và hương nước hoa vương vướng khứu giác. Tôi không rành về hương liệu, nhưng đã đọc đâu đó, rằng nữ phái có kích thích tố tiếp ứng hài hoà với một vài loại nước hoa. Vì vậy, tuy dùng cùng một nhãn hiệu mà mỗi người vẫn toả ra một thứ hương riêng. Rồi tôi suy diễn sa đà hơn, kích thích tố nữ tăng giảm theo mùa trứng rụng, hẳn ít nhiều ảnh hưởng tới hương thơm.
Cho tới bây giờ, kinh nghiệm về đàn bà của tôi chỉ được góp nhặt từ các văn bản và mấy lời khẩu khí bộc bạch trong cuộc rượu. Đàn bà họ có cái mùi lạ lắm; bảo thơm, không hẳn; bảo không thơm, cũng chẳng đúng, mà kích thích quá chừng. Này, mỗi loài thú có một chất kích dục riêng, nhờ vậy mà đực cái tìm tới nhau. Với chúng, đó là mùi thơm. Với khứu giác hạ đẳng của loài người, là thứ mùi hôi rình, chịu không thấu. Thì ra ngũ quan của động vật người như bọn mình, so đo, chẳng bằng ai cả. Chỉ được tạo hoá ưu đãi ban cho bộ óc tinh xảo mà tạo dựng biết bao kỳ công. Và phá hoại, người khác xen vào. Ấy, câu chuyện đi có hơi xa, mình đang nói về thứ mùi gấy dục của đàn bà mà, rồi lan man qua ngũ quan. Ý mình muốn nói, người khác thú nhờ sở hữu cái linh cảm. Ừ, vì vậy mình khai mở vô biên ngũ quan. Mắt thấy ra cõi vũ trụ tột cùng. Mũi bắt được hương cảm của loài vô tri giác. Tai nghe thấu tiếng gieo động của sương đêm. Lưỡi nếm được mùi vị của thời gian ký ức. Da tiếp nhận tinh lực ấm áp của những giấc mơ. Trời, cái linh cảm kỳ diệu quá sức!
Làm sao tôi quên được hương da thịt của những người đàn bà đã một thời kề cận tôi. Thuở tấm bé, của dì tôi. Chẳng hiểu sao, khi tôi bắt đầu biết ghi nhớ, hằng đêm tôi phải ngủ chung với dì ở nhà sau. Phòng ngủ cạnh căn bếp, cách nhà trên một dải sân tráng xi-măng, chừa một vuông đất trồng cây mận chua. Mùa nắng, trái đơm chùm chi chít. Màu trái hồng nhạt, gợn vân đỏ bầm, mọng nước bóng lưỡng. Trái nhiều quá, ăn không hết, đem biếu thì vô lễ vì không phải loại trái quí, má tôi bày vẽ làm mứt mận. Dì tôi ngồi xên mứt bên hoả lò lửa than, trong mảnh sân nhấp nháy hoa nắng. Mồ hôi tươm hạt trên gương mặt dì ửng hồng. Dì thiếu nhan sắc. Quai hàm bạnh. Hai gò má nhô, điểm vết nám, mà dì bảo bị nắng ăn. Đôi môi mỏng, khi mím lại, cong đòn gánh. Tính dì đôi lúc cộc cằn, trả treo bặm trợn với má tôi khi dì không vừa ý chuyện gì. Nhưng dì thương tôi. Đêm mùa nóng, dì quạt cho tôi ngủ. Lúc tiết trời trở mát, dì úm tôi vào lòng. Phòng ngủ hẹp, hắt ánh điện đỏ quạch từ trang thờ Phật. Khung cửa lá sách thường mở hoác. Tấm mùng trắng phập phồng những khuya gió. Có đêm, tấn mùng không kỹ, tôi ngủ lăn ra mép mùng, để muỗi vô đầy, vo ve. Dì tôi thức dậy, bật đèn đập muỗi, lòng tay lốm đốm máu.
Tới tuổi yêu đương, thỉnh thoảng dì xin phép má tôi đi xem hát đêm, cũng là dịp hẹn hò với bạn trai. Dì quắp tôi theo. Phim sạc-lô câm, trắng đen, cả rạp cười nghiêng ngửa. Hay cải lương hương xa, có đoạn kép chính bị xử trảm, ở trần, hai nách cạo sạch, trước lúc hành quyết còn xuống sáu câu mùi rệu; đèn bật đỏ, khán giả vỗ tay rần rần. Vậy mà lần nào, giữa chừng tôi cũng ngủ gục. Bận về, dì đèo tôi trên lưng. Đầu tôi ngoặt ngoẹo trên vai dì, dập dềnh theo mỗi bước chân. Khuya phố thị cuối thập niên năm mươi, tiết trời mát rượi, dịu dàng như lòng tay mênh mông. Tôi chập chờn ngủ trộm, thần trí phiêu diêu trong thực ảo của giác quan. Hương tay đêm, hương da thịt dì tôi thuở xuân thì ướp tẩm bờ ngực tấm vải mùng gió lay phập phồng, trắng toát.
Mùi hương thiếu nữ có suối tóc óng ả ám đầy tâm thức tôi, ứa ra những dòng mực lem nhem xuống lòng giấy những khuya thức. Vài đêm đầu, tôi sờ sợ vì không gian tịch mịch. Những đêm sau, tôi quen dần. Cho tới lúc tôi cảm nhận từ khối tịch mịch đê mê ấy vài loại âm thanh. Tiếng sột soạt của giàn nhu liệu điện tử. Tiếng rầm rì mở tắt của hệ thống điều hoà không khí. Tiếng gió chướng cào rát lưng cửa kính. Tiếng bút thép cứa lên ngực giấy, tuôn mực. Và rồi, ngũ quan tôi vượt qua ranh giới thực ảo, cho tôi nghe thấy ngửi nếm cảm được những hiện tượng siêu hình. Điều lạ, chúng không bắt tôi sợ hãi, mà cho tôi cảm tưởng như vừa tìm ra, tái ngộ những thứ những người đã từ lâu bặt tin. Cho nên, một khuya nọ, khi khứu giác tôi tiếp được hương nước hoa rụt rè thoang thoảng, tôi hoàn toàn an tâm. Trực tính trong tôi trỗi dậy, lần bước theo hương thơm, tìm tới chỗ ngồi của thiếu nữ tóc đen. Sự có mặt của cô gái vào giờ giấc cấm đoán này không làm tôi nghi hoặc điều chi. Ngược lại, tôi cảm thấy rạo rực trước vùng ấm áp bao quanh chỗ cô ngồi. Dòng tóc mượt mà ôm lấy lưng ghế. Vạt áo mềm mại vắt ngang đùi. Quần dài phủ kín gót chân. Màu quần áo nhuôm nhuốm ngân nhũ, trắng loá như chiếu sáng. Tôi dừng chân cách đoạn sau lưng cô, trộm ngắm đỗi lâu. Đơn vị thời gian trong khoảnh khắc ấy xáo trộn như những trang chữ bị gió thốc tán loạn. Tôi biết mình đang thấy lại một trong những nhân vật mà tôi đã hạnh ngộ đâu đó trong quá khứ.
Tôi bước tới đứng cạnh thiếu nữ. Bàn tay cô chắn ngang lòng sách mở, gương mặt nhếch lên. Màu mắt xanh, ôi màu mắt xanh hoang tưởng. Môi cô nhoẻn cười thay lời chào. Tôi bất động giây lát vì thần sắc linh diệu toát ra từ gương mặt thánh hoá. Thiếu nữ nhỏ nhẹ giải thích bằng ngôn ngữ bản xứ:
‘‘Em xin lỗi đã quấy rầy ông vào giờ giấc khuya khoắt này.’’
Tôi lắp bắp:
‘‘Cô… cô… vào đây bằng cách nào?’’
Thiếu nữ nheo mắt ra chiều bí mật:
‘‘Bằng cách riêng của em. Ông không biết sao? Thư viện có nhiều khung cửa không bao giờ khoá.’’
Rồi thiếu nữ giơ tay che miệng cười khúc khích:
‘‘Em nói đùa, chắc ông không hiểu. Thật ra em là người thân của ông quản thủ thư viện, có chìa khoá riêng, muốn vào ra lúc nào tuỳ ý.’’
Tôi khẽ nhíu mày. Tôi chưa hề nghe người quản thủ thư viện nói về biệt lệ này. Nhưng nhìn khuôn mặt quyến rũ của thiếu nữ, tôi không hoài nghi lâu. Linh cảm tôi phát ra chuỗi tín hiệu màu xanh an toàn. Có điều tôi muốn biết, cô gái vào đây tìm đọc những gì? Đoán ra thắc mắc của tôi, thiếu nữ nhỏ nhẹ:
‘‘Em cần một vài chi tiết cho tư liệu, tìm hoài chưa thấy. Ban ngày em không chú tâm được vì nhiều tiếng động. Ông ngồi xuống đi!’’
Thiếu nữ nói như ra lệnh, rồi gấp sách lại. Tôi kéo ghế ngồi cạnh, lướt mắt lên bìa sách. ‘‘Hồi ký của Nguyễn thị’’ và tên một tác giả tôi chưa hề nghe. Tự dưng lòng tôi trĩu xuống. Chút thương cảm vô cớ nhè nhẹ dâng lên. Ôi, những kẻ sáng tạo vô danh, nhũng dòng chữ âm thầm theo mối mọt thời gian, những khát vọng không bao giờ thành tựu…
‘‘Em kể ông nghe nhé!’’
Ánh mắt thiếu nữ rực lên sắc lửa. Tôi nghiêng mặt lắng tai.
‘‘Có thể nói, mọi ngõ ngách trong thư viện này nằm gọn lỏn trong lòng tay em. Ông quản thủ thư viện không kể cho ông nghe chuyện một đứa con gái bị ma thuật của sách vở mê hoặc sao? Ông ấy quên đấy. Em thích đọc sách từ tấm bé. Em đọc đủ cả, từ chuyện cổ tích tới phiêu lưu, từ những hồi ký ấu thơ tới chuyện tình tuổi mới lớn. Vì lẽ đó mà em không có bạn. Chẳng hề gì, vì bạn của em chính là các nhân vật ẩn khuất trong những trang sách vô tri giác. Họ là những chiếc bóng lẽo đẽo đồng hành, san sớt cùng em những buồn vui. Thuở đó thư viện chỉ là một ngôi nhà gỗ, nhỏ thôi, nhưng vô cùng ấm cúng, nằm giữa vườn cây thưa. Một lối đi lát đá xanh từ đường lớn dẫn vào. Những khung cửa lắp kính rộng thoáng. Mái lợp ngói đỏ, dựng ống khói lò sưởi chơi vơi một ổ cò bện cành khô. Chớm xuân, vợ chồng cò trở lại, vùng trời thư viện ấm lên những giao cảm gắn bó giữa người với thú, giữa động vật với thiên nhiên. Những thông điệp văn chương cũng rợn lên đón nhận hơi thở nồng nàn của bàn tay thời tiết. Em yêu chúng, yêu những thông điệp của những ngòi bút vô danh từ các tiểu quốc xa xôi. Những kẻ được sinh ra rồi chết, như thể họ sống chỉ để viết, thế thôi. Những chương sách có mặt như lũ trẻ ốm còi, đen đúa, bẩn thỉu, suy dinh dưỡng, nhưng ánh mắt chúng rực lửa tinh anh, bốc hôi hổi sức sống và lòng cương quyết vượt qua mọi chướng ngại. Sinh vật có thể bị chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch huỷ diệt, nhưng những trang chữ vẫn rành rành đó, kiêu hãnh. Em thấy ra tính bất biến kiên trì của những trạm thiên văn truyền tín hiệu từ các quốc gia nhược tiểu Đông Nam Á. Chúng lẻ loi một cõi, như những tinh tú chớp tắt không mỏi trong thiên hà.
Cho tới tuổi biết suy luận, em tự hỏi tại sao em có được thứ linh cảm ấy? Và dường như chỉ mỗi mình em. Em bắt đầu tìm hiểu. Câu chuyện khởi sự từ xấp ảnh lưu niệm của cha em cất trên gác. Ảnh đen trắng, màu thuốc rửa nhuốm vàng thời gian, đóng khung những sinh hoạt phiêu lưu của ông thời trai tráng. Ảnh chòi lá ven rừng cây. Ảnh thú dữ bị ông săn giết. Ảnh những thổ dân da màu, gần như loã thể. Ảnh người đàn bà vận áo cổ cao, mặt phẳng, tóc vấn, đứng ngang vai ông. Tấm ảnh ấy đột nhiên làm tim em rộn lên thứ giao cảm khó tả. Soi gương, em nhận ra mình chỉ có mỗi màu mắt xanh giống cha, còn mọi thứ khác đều lạ lẫm, vay mượn của ai đâu. Em không dám hỏi cha vì sợ. Tật nghiện rượu của ông là bức tường vô hình chắn ngang tình phụ tử. Trong cơn say, ông thét gào như thú hoang những đêm trăng. Ông tự hành xác bằng cách cào cấu thân thể. Tại sao vậy? Ám ảnh nào đã dằn xé ông khiếp đảm thế? Em không hiểu, chỉ biết trèo lên gác, giấu mình co ro trong góc khuất. Màu ngân nhũ mùa trăng đầy vạch khung chữ nhật lên sàn gỗ. Tiếng cha em thống thiết như thú đêm gọi bầy. Những dải mây lướt ngang khung trăng, cứa vết lên tuổi thơ em, bứt lìa em xa khỏi những chương sách thần tiên. Em dậy thì trước tuổi, và tìm ra bản sắc mình.
Ông quản thủ thư viện thuở đó là chồng của cô em. Thấy em ham đọc sách, ông dành cho em nhiều đặc quyền, cả quyền có chìa khoá riêng. Em thường gặn hỏi cô em về dời tư của cha và tông tích mình. Cô luôn luôn tránh né, cho tới lúc nhận ra em đã tới tuổi hiểu biết, cô mới tiết lộ.
Cha em phiêu lưu sang An-nam lúc ông khoảng ngoài ba mươi. Đôi ba năm một lần, gia đình mới nhận được thư và ảnh ông gửi về. Trong bức thư cuối cùng, ông báo tin đã kết hôn với một người bản xứ. Bẵng đi lâu lắm, một khuya mùa đông nọ, bất ngờ ông trở lại, không phải một mình. Cô em bảo, cô vẫn nhớ như in cảnh đêm tái ngộ năm ấy. Ngoài trời bão tuyết tru tréo. Tiếng gõ cửa gấp rút, nối theo hàng loạt tiếng động, thoạt đầu thơi thả rồi huyên náo dần. Cô tốc chăn rời giường, khoác áo len, xỏ giày nỉ, mở cửa lần ra cầu thang gỗ, len lén trông xuống. Một người đàn ông vạm vỡ đứng cạnh một người đàn bà nhỏ thó. Cả hai trông như người tiền sử trong lớp y phục, khăn mũ đùm đụp, trắng tuyết. Ông nội em thúc hối bà giúp việc thắp đèn, đun nước pha trà, rồi tự tay ông sửa soạn củi sưởi. Hai người viễn khách ngồi hơ ấm bên hốc lửa chập chờn, chuyện vãn to nhỏ cùng ông bà nội. Khi bà em tới cạnh người đàn bà, ra dấu bảo tháo khăn choàng thì theo lời cô kể, một dòng tóc óng ả đen mướt bung xuống lưng, dài gần chạm đất. Nghe tới đó, em hỏi ngay: ‘‘Có phải bà ấy la..à… mẹ em?’’ Cô gật đầu.
Mẹ em không thích ứng với phong thổ nơi đây, thêm căn bệnh sốt rét, nên sau khi em ra đời được chừng một năm, bà mất. Cha em thay đổi tâm tính từ đó. Ông trở nên lầm lì, lại sinh tật uống rượu. Khi say, ông than gào như thú hoang. Cô em bảo, cha em bị những oan hồn thuộc địa hiện về báo oán. Không hiểu từ đâu, cô biết được những tội ác cha em gây ra ở xứ An-nam: giết người, đoạt đất, cưỡng dâm, bóc lột thổ dân, … Tới một lúc, có lẽ ông không chịu đựng được nữa, ông hoá cuồng, nổi lửa thiêu huỷ ngôi nhà gỗ. Rồi ông bỏ đi biệt tăm. Có người leo núi, bảo tìm thấy xác ông dưới vực tuyết. Kẻ khác đưa tin, có gặp một người dáng vẻ tương tự tại một đảo quốc tận Thái bình dương.
Ông thấy đó, dẫu những hưng phế nghiệt ngã, em vẫn trường sinh, vẫn nhẫn nại truy tầm căn nguyên mình. Di sản mẹ em để lại chỉ ngần này.’’
Dứt lời, thiếu nữ nghiêng đầu, rũ tóc thành dòng xuống vai. Mái tóc mà tôi đã lén lút chiêm ngưỡng nhiều lần. Hương thuốc gội toả ngan ngát. Không phải thứ hoá liệu chế biến trong phòng thí nghiệm mà là hương hoa trái nhiệt đới. Đúng rồi, đấy là hương chanh ngậm nắng đồng nội vào mùa lúa chín, đựng cả thứ tình thắm thiết giữa người và đất mẹ. Tôi xúc động, không thốt ra lời. Thiếu nữ cầm sách, đẩy ghế đứng lên. Từ đó cho tới khi tiếng chân cô nhỏ dần rồi mất hẳn, tôi như người bị ma lực thôi miên, đắm đuối trong âm cảnh.
Những đêm sau, tôi có ý ngóng chờ thiếu nữ, nhung không thấy. Sáng cuối cùng, xong giờ làm việc, tôi vào gặp ông quản thủ thư viện, chào từ giã. Tôi nhắc tới người con gái quên không hỏi tên. Ông quản thủ thư viện lắc đầu:
‘‘Tôi không có người bà con nào như vậy cả. Ông nghe lầm chăng?’’
Tôi chậm rãi thuật lại mọi chi tiết. Đôi chân mày người đàn ông nhíp lại, giọng nói đứt khoảng, đầy ngờ vực:
‘‘Không lẽ nào… Khó tin quá. Ông có… ngủ quên rồi mơ tưởng không đấy?’’
Tôi lắc đầu quả quyết. Người đàn ông tháo kính, rút khăn lau chậm. Tia mắt ông dại hẳn đi.
‘‘Chuyện xảy ra lâu rồi, khoảng đầu thế kỷ 20. Trời, thời gian qua mau quá. Mới đấy mà thư viện này đã gần trăm tuổi. Quả thật, người quản thủ thư viện thuở ban đầu có một cô cháu gái mê thích đọc sách. Rồi nghe đâu, cô qua đời trong một trận hoả hoạn. Họ bảo do chính người cha châm lửa. Nhưng không có tang chứng, cũng không tìm ra thủ phạm. Hẳn ông đang thắc mắc tại sao tôi biết được chuyện ấy? Có điều lạ, sau khi dập tắt đám cháy, người ta tìm thấy một quyển tập chép tay, gần như nguyên vẹn, được viết bằng ngôn ngữ an-nam-mít, ghi tựa ‘Hồi ký của Nguyễn thị’. Tập được dịch thuật, phổ biến thành sách, tái bản nhiều lần dưới tên của thân nhân người quá cố. Thư viện có lưu trữ quyển sách ấy, ông tìm trong danh mục ‘văn chương cận đại vùng Đông Nam Á’, sẽ rõ. Mà này, có điều mâu thuẫn… cô bé chết thiêu thuở ấy đâu chừng mười tuổi chứ mấy. Hay là… không lẽ… ’’
(tháng 10.2000)