Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – Phần 33

NuiDoan-27_thumb.jpg

 

NuiDoan-27

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài

 

 

(tiếp theo)

*

Mặt mày chị Ba hớt hải như bị ma hớp hồn, vừa buông giỏ thức ăn xuống ván, đã giật giọng thất thanh:

– Dì Tư ơi, bà nội ơi … em Chúc … nghe nói …

– Hả? Mầy nghe ai nói cái gì?

Bà nội đương ngồi nhỏm nhẻm nhai trầu trên bộ ngựa gần đó, cũng gấp gáp lê chân tới cạnh chị Ba Khởi, run tiếng đứt đoạn:

– Thằng Chúc … sao rồi?

Cẩm và chị Châu đương giặt áo ngoài ao, thấy chị Ba Khởi đi chợ về, quáng quàng một mạch vô bếp, biết có chuyện khác thường, cũng tất tả chạy vô. Chị Ba vừa kể vừa vung tay ra bộ, cổ trán nổi gân máu căng thẳng:

– Mới rồi ở ngoài chợ, con gặp hai cô tiểu thơ Giang với Linh, con ông phú hộ Hoạch. Nói chuyện qua lợi một lát, mới lòi ra chuyện bữa hổm hai cổ tình cờ đi chung xe ngựa ra chợ tỉnh với em Chúc. Hai cổ đi đặt may đồ, tới tiệm thì gặp em Chúc cũng có mặt ở đó.

Má hấp tấp:

– Tiệm may tên gì?

Chị Ba Khởi chớp mắt lúng búng:

– Dạ, dạ … cái gì Tân … Tân … quên rồi! À, tiệm Tân Thời đó dì Tư.

Chị Châu chen vô:

– Tiệm may đó, con biết, chuyên may đồ Tây, có vải nhập cảng.

– Rồi sao nữa?

Má nóng nảy hỏi tiếp. Chị Ba Khởi nuốt nước miếng cái ực, rối rắm lựa chữ:

– Hai cô tiểu thơ còn nói, có vẻ như em Chúc quen biết sao đó với cô chủ tiệm may … Trời, bữa đó con thấy em Chúc ăn bận bảnh tọt là con sanh nghi tức thời. Em bỏ nhà đi theo gái chợ chớ còn gì nữa!

Má nạt:

– Im cái miệng mầy lại! Họ còn nói gì nữa không?

Chị Ba giơ tay quệt mồ hôi trán, trợn trạo:

– Dạ, hai cô gởi lời hỏi thăm hết cả nhà, chúc ở lại mạnh giỏi. Họ sửa soạn dọn đi Sài gòn.

Má buông người phịch xuống ghế con, chỗ chị Ba Khởi thường ngồi lặt rau giá, giọng thẫn thờ:

– Ổng với thằng Chung ra tỉnh mất tiêu mất đất rồi, biết làm sao liên lạc đây!

Bà nội chẳng nói chẳng rằng, quay lưng lom khom trở lại chỗ ngồi quen thuộc bên khay trầu cau, ấm tách ố nâu cao trà. Từ sau nhà, tiếng gà cục tác trõm trơ trong vắng lặng trưa nắng. Không ai nói gì. Chị Ba Khởi uể oải sắp bày những thứ trong giỏ ra ván, sửa soạn bữa cơm trưa. Chú Năm Tự ra vườn làm việc từ tảng sáng, bước vô, ong ỏng:

– Ngoài bụi chuối xiêm có con rắn lục bự ác. Nó chưa tới số, nên tui phang hụt cái cuốc …

Chợt chú nhận ra vẻ mặt người nào người nấy ù lì ủ dột, liền ngại ngùng ngưng bặt. Chị Ba Khởi nhỏ nhẹ:

– Chú Năm nó sẵn tay, làm ơn ra hái giùm tui một rổ rau tạp tàng, vài trái khế xanh với lại chuối chát ăn ghém với mắm chưng.

Chú Năm Tự ngạc nhiên quá chừng. Kể từ hôm chú tha hương cầu thực tới giúp việc cho gia đình nầy, lần đầu tiên chú nghe chị Ba Khởi nhờ vả dịu dàng. Chú còn lấn cấn, chân đông chân tây thì má đã cất tiếng:

– Chú Năm có biết giác nầy còn xe ngựa ra tỉnh không vậy?

Chú Năm nhậm lẹ:

– Dạ, hồi nào tới giờ chỉ có độc nhứt một cuốc khởi hành từ chưn núi Phụng, chạy ngang lộ cái lúc trời vừa đổi hường, dì Tư à.

Má kêu nhỏ:

– Trời ơi, làm sao báo tin cho ổng biết đây!

Chú Năm Tự ngơ ngác. Vừa khi ấy, ngoài cửa vọng vang ba hồi chuông khách trong trẻo. Cẩm đoán biết, thầy giáo Hoàng đã đạp xe tới dạy chị Châu học, nhanh chân chạy ra mở cửa. Mới tháng trước, ông thầy giáo mua được chiếc xe đạp cũ hiệu Peugeot, sườn sơn đỏ mồng gà, vè nhôm, tay lái xi kim loại sáng ngời, không sét. Chỗ tay cầm gắn cái chuông tí hon. Mỗi sáng tới trường, thầy giáo Hoàng đều gióng chuông ra hiệu cho lũ học trò tránh đường. Tiếng chuông ngộ nghĩnh vui tai. Bữa đầu tiên ông thầy đi dạy bằng xe đạp, đám học trò tở mở bu quanh ngắm nghía con vật bằng sắt vô tri giác có hai niềng bánh phập phều, có con mắt lồi độc nhỡn đằng trước và con mắt đỏ ké gắn ở vè sau, ban đêm có thể phát sáng, có chuông kêu reng reng. Và đặc biệt hơn hết, nó không cần ăn uống gì. Có lần Cẩm thắc mắc hỏi, chiếc xe đạp không bị bệnh gì sao thầy? Thầy giáo Hoàng cười lớn, có chứ em, nhưng không giống những chứng bệnh của con người, mà ví dụ như nó có thể bị bể lốp vì cán nhằm vật nhọn, bị trật dây xên hay đứt phanh … Xem vậy chứ nhiều bệnh vặt vãnh lắm, nếu chủ nhân không chịu khó lau chùi, bơm dầu nhớt. Đã có lần Cẩm chứng kiến cảnh thầy giáo Hoàng phải dắt xe lội bùn, vì thổ ngơi xứ nầy hợp thuỷ, chỉ sau một trận mưa ngắn là lộ đất nhão nhoẹt như cháo nấu đường thẻ, trơn lầy như quết mỡ. Tới trường, ông thầy sai mấy đứa học trò lớn dắt xe ra bờ sông dội rửa. Tụi nó giành nhau đi. Lúc đem về, ngó bộ xe láng lẩy như mới. Có điều, đèn xe bị vô nước, chết bóng. Thầy giáo Hoàng cười dả lả, con tuấn mã một mắt, bây giờ mù luôn. Mấy đứa con trai lo lắng ra mặt. Thầy nói, để chủ nhật tới thầy đạp xe ra chợ tỉnh, mua bóng đèn khác thay vào là nó sáng mắt trở lại.

Anh Chung đem lòng chết mê chết mệt con thiếc mã của thầy giáo Hoàng. Thầy tới, dựng xe bên hàng ba, anh cứ tò tò quanh quẩn bên cạnh, rà mặt ngắm nghía. Cái gì cũng lạ kỳ, ngộ mắt. Càng thắng bánh trước đính miếng cao su đỏ nối với cần tay lái bằng một sợi kẽm bọc nhựa. Thầy giáo Hoàng cắt nghĩa, lúc "phanh" xe nhớ từ từ, nếu không xe chổng mông hất mình ngã như chơi. Còn cái bánh cao su bơm hơi này có hai lớp, lỡ gặp trường hợp lủng lỗ, mình có thể nạy ra vá lại. Nếu nó chỉ xì hơi thôi thì lấy ống bơm thầy kẹp ở sườn xe, bơm hơi vào cái vòi con này. Tại sao đèn sáng hả? Điện xuất ra từ cái bình, tiếng Tây gọi là đy-na-mô, gắn ở bánh sau đây này, này … Để hôm nào thầy chỉ cho mấy em chạy xe đạp. Không khó đâu, nhưng phải tập.

Ngặt nỗi, chiếc xe đạp người lớn dành cho phái nam, sườn ngang ngất ngưởng, anh Chung không quàng chân ngồi lên yên được, phải vẹo lưng lòn qua đạp lặt lìa lặt lọi. Anh té sấp té ngửa, chỏng gọng, trầy vi tróc vẩy rướm máu, nhưng lì lợm mê mẩn tập chạy cho bằng được. Cẩm sợ đau, không dám thử, chỉ xoắn xuýt tới lui, reo hò cổ võ. Chị Châu, một tay khoanh trước ngực, một tay giơ ngang cằm, đứng trong bóng mát hàng so đũa, chờ dịp che miệng cười khúc khích. Chị Ba Khởi thập thò bên cửa bếp theo dõi cảnh tượng hài hước. Cả ông bà nội, má cũng ra đứng ở hàng ba, coi anh Chung quặt quẹo tập xe trong sân nhà như người biểu diễn màn xiệc độc đáo. Sau hơn nửa giờ đồng hồ, thầy lẫn trò thấm mệt, mồ hôi lấm lem mặt mũi, bê bết tóc tai. Anh Chung và thầy giáo Hoàng tự động cởi áo, vô ngồi thở dốc trong bóng mát hàng ba, nghỉ mệt. Má kêu chị Ba bưng nước giải khát.

Anh Chung trỏ tay lên vết thẹo trăng trắng, lớn cỡ đồng su trên bả vai thầy giáo Hoàng, hỏi lý do. Thầy bảo, vết thương thuở nhỏ đánh nhau với trẻ con hàng xóm. Vết thương thành sẹo, sẹo thành dấu tích, dấu tích thành hoài niệm quê quán mãi mãi không phai trên da thịt, trong tâm tưởng người đàn ông. Khoảnh khắc nầy, tại miền cực Nam của đất nước, thầy chợt não lòng nhớ tới quê Bắc vạn dặm đoạn lìa. Đường đê sông Hồng những chiều gió nổi, cậu bé Hoàng thả lòng phơi phới theo cánh diều luân lạc mơ về những vùng đất hoang sơ tận phương Nam. Nơi đó, nghe nói, đêm đêm còn nghe tiếng hổ gầm đòi lại chéo rừng bị người An nam cướp đoạt. Vào những mùa vọng nguyệt, còn lấp lánh những đồng tử cá sấu trong cánh rừng trầm thuỷ chen chen trầm đước và đằm đằm lau sậy rình rập. Những đốm mắt lân tinh bị nguyệt tính thôi miên, loé miệt mài đêm dài, nhẫn nại chờ. Ai, điều gì? Không rõ. Nhưng cứ chờ cứ đợi. Ắt hẳn một ngày vận hội lớn sẽ tới. Những hồn ma Chàm xứ Trung kỳ sẽ ngoi dậy, chiếm lại Trường sơn. Lũ hổ hoang đất Chân lạp sẽ tư hữu lại rừng sâu. Bầy cá sấu miệt nước lợ sẽ giành lại thuỷ thổ, trải dài từ chùa Vàng chùa Bạc, xuôi dòng Cửu long, ngược lên Đồng nai, vẽ lại tấm bản đồ xứ Cao-miên của hai thế kỷ trước.

Chao ơi, trang sử ký Nam tiến vấy máu man rợ, thầy giáo Hoàng kêu thầm. Chúng có liên hệ gì tới thảm cảnh mà dân mình phải hứng chịu hiện giờ? Tại sao chúng bắt thầy cứ mãi ngờ vực, hoang mang. Giang hồ và đi tìm chỉ là hai cái cớ đắp đổi nhau. Bao giờ mới thôi? Khi nào mới an phận dừng lại?

 
(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)