Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 39

NuiDoan-37_thumb.jpg

 

 

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

 

(tiếp theo)

Châu lúng búng:

– Thầy … thầy … em sợ.

Thầy giáo Hoàng mềm giọng:

– Em sợ chuyện gì?

Cô gái nói như sắp khóc:

– Không biết. Em cũng không hiểu tại sao nữa.

Ông thầy giáo khoanh tay, soi mắt nhìn thẳng cô học trò:

– Em có muốn thầy chính thức ngỏ lời với người lớn không?

Châu phui phủi:

– Không được đâu, nhà em đương có chuyện không vui.

Người đàn ông thở ra:

– Nói vậy chứ thầy cũng không chắc mình sẽ ở đây bao lâu.

Châu ngơ ngác:

– Ủa, thầy định đi đâu?

– Chưa biết, nhưng thế nào cũng đi. Không chừng thầy… thầy về lại ngoài ấy.

Cô con gái ngỡ ngàng bất động, tâm trí hoang mang đầy nghi hoặc. Thầy giáo Hoàng chậm rãi tiếp lời:

– Vào đây rồi, thầy mới nhận rõ thảm cảnh nô lệ của đất nước mình và ý thức ra bổn phận của người đàn ông. Thầy đâu thể nào làm ngơ.

Châu hấp tấp ngắt lời:

– Thôi, thầy đừng nói tiếp! Em buồn.

Giọng người đàn ông trĩu xuống cung bậc ngũ âm u hoài:

– Ở đâu quen đấy. Nếu phải đi, thầy cũng sẽ buồn như em. Nói vậy chứ chưa có gì chắc chắn, em đừng bận tâm.

Rồi thầy bật tiếng cười nhẹ, nhịp cây thước tre lên mặt bàn, trỏ tay lên tấm bản đồ Âu châu:

– Nước Pháp giáp ranh Bỉ quốc, Đức quốc, nước Thuỵ sĩ, nước Ý-đại-lợi, nước Tây-ban-nha…

Hai mắt cô con gái đăm đăm dõi theo đầu ngón tay người đàn ông xê dịch trên trang sách địa lý. Đầu óc cô bay bổng tận nơi đâu. Tiếng gà cục tác ngưng bặt từ khi nào. Không gian chìm vào thinh vắng trưa nắng đồng nội. Mùi củi than lan vào hăng hắt. Không biết chị Ba Khởi nhóm lửa làm gì vào giờ giấc nầy? Châu thầm thắc mắc.

Lát sau nghe tiếng gõ cửa rụt rè, rồi thấy Cẩm bước vô, bưng khay đựng chén con bốc hương nước cốt dừa lá dứa thơm ngát, đặt lên bàn, cất giọng nhỏ nhẻ:

– Má kêu em đem mời thầy món chè chuối chưng ăn lấy thảo.

Lúc bước ra, Cẩm nhác thấy cổ áo bà ba của chị Châu hớ hênh vài khuy nút quên cài.

*

Mọi chuyện xảy ra nhặm lẹ như lật bàn tay. Mới hôm qua bà nội còn lần dò xuống nhà sau, tới chỗ ngồi quen thuộc bổ cau têm trầu, bông lơn không đầu đuôi chuyện quá khứ vị lai. Vậy mà giờ đây bà nằm đó, thi thể lạnh ngắt.

Bữa nào như bữa nấy, chị Ba Khởi là người thức sớm hơn ai hết, khi trời còn tịch mịch, gà chưa gáy. Sáng nay chị giựt mình muốn la hoảng lúc vừa thắp sáng tim đèn dầu, sực thấy ông nội ngồi lù lù bất động, ngay chỗ bà thường ngồi co gối ăn trầu. Thần sắc ông khô rang khô hoảnh như bị ai vắt sạch sinh khí. Một tay ông úp lên khay trầu cau phủ vải nâu, tay kia đặt trên đùi xếp bằng. Ánh đèn dầu soi bóng ông lên vách ván, lẻ bạn quạnh quẽ.

Chị Ba Khởi linh cảm điềm dữ, giọng đứt quãng:

– Ông… ông… có sao hông?

Ông nội nói không ngoảnh mặt:

– Bả đi rồi.

Đầu óc chị Ba còn ngái ngủ mê hoảng, chưa hiểu ra thì ông nội đã điềm nhiên tiếp lời:

– Con vô kêu thằng Năm dậy, nhặm lẹ lên chùa rước thầy tới tụng kinh, rồi chuẩn bị làm cơm chay đưa bả đi! Bả ưa ăn bầu luộc chấm tương chao. Nhớ nấu cơm nhão nhão nghe con, bả thích vậy.

Sau đó ông kể lại cớ sự:

– Giữa khuya bà thức giấc, than tức ngực, nhức đầu, kêu ông đưa cho bả chai dầu gió. Tưởng hổng sao, vì thấy bả ngủ ngon, ai dè sáng ra mới hay bả đi từ hồi nào hổng biết. Im ru bà rù, không kịp trăn trối lấy một lời.

Xế trưa, sư ông chùa Phụng dắt theo hai chú tỳ kheo áo nâu vá, đi chân đất tới sửa soạn nghi thức ma chay. Ba với anh Chung ra chợ mướn đám đạo tỳ tới từ sớm, khiêng bộ thọ lên nhà trên lau chùi sạch bóng. Má dặn chị Ba Khởi đi chợ nhớ mua vải ta về cắt may áo tang, không quên nhắc chú Năm Tự tới quán má thằng Được đong vài xị đế lau rửa thân thể cho bà nội trước khi tẩn liệm và cũng để cho đám thợ đám ma lai ra ba sợi, đặng làm việc thêm sốt sắng. Má nói thêm:

– Con coi nấu món mặn cho họ ăn chặt bụng. Vả lại thể nào bà con chòm xóm cũng tới phụ hợ, chia buồn, mình mời họ miếng cơm hớp nước tạ ơn.

Chị Ba Khởi mếu máo kể lể:

– Bà nội ơi, bà nội, bà thích ăn cơm cháy mỡ hành, thịt kho hột vịt… Để con nấu cho bà ăn, nghe bà!

Chiều xuống, nhà trên nhà dưới đã thấy nhiều người đem nhang đèn hoa trái trà bánh tới phúng điếu. Ðám đàn bà tự động xuống bếp giúp chị Ba Khởi chuyện cơm nước. Cẩm và anh Chung được nghỉ học, nhớn nhác đi lên đi xuống, mặt mày buồn thiu. Nhất là lúc chị Châu kêu Cẩm tới bận thử áo tang. Áo không gấu không khuy nút, chắp may sơ sài, buộc sợi vải xé quấn thắt lưng. Lúc sư ông tụng chú vãn sanh, cả nhà lên quì lạy trước linh cữu. Giọng sư ông lơ lớ lên xuống. Trầm nhang phảng phất ngan ngát. "Đã quá chín từng trời đến vị. Thần đặc an, tinh khí cũng an. Từng trời gắng bước thênh thang. Trông mây nhìn lại cảnh nhàn buổi xưa…" Cẩm day qua lén ngó anh Chung ngồi xếp bằng kế bên. Mấy đầu ngón chân anh lấp ló gấu quần tưa sợi, móng đóng đất đen thui. Mặt anh lúi cúi. Con ruồi ở đâu bay lạc, sà xuống đầu gối anh, đầu cánh dáo dác như định hướng. Bất giác tâm tư Cẩm bật ra ý nghĩ ngộ nghĩnh, con ruồi nghe tin dữ, tới đưa vong linh bà nội về trời. Nó đang ngơ ngác lắng nghe bài tụng rỉ rả buồn buồn, dặm theo tiếng mõ lóc cóc, hoạ giọng phụ xướng ồ ề của hai chú tiểu vừa bể tiếng. "Cõi thảm khổ đã vừa qua khỏi. Quên trần ai, mong mỏi mộng đào. Ngó chi khổ ải sóng xao. Đoạn tình yểm dục đặng vào cõi thiên. Châm trà!…" Ba đứng phắt dậy, châm trà vô ba chung con. Chợt, anh Chung cong tay búng tróc con ruồi đang lơ đãng nghe kinh. Cẩm sửng sốt ngó con vật văng xuống chiếu, cánh giẫy tê tê, mấy ngoe chân cựa quậy chốc lát rồi xụi lơ bất động. Cẩm trợn mắt, há miệng thều thào, anh Chung, anh Chung,… Đứa con trai quay ngó. Hai khoé mắt anh đỏ hoe, không biết vì nhang khói hay vì xúc động. "Vườn Ngạn Uyển sanh hoa đã héo. Khối hình hài đã chịu rã tan. Bảy dây oan nghiệt hết ràng. Bợn trần rửa sạch muôn ngàn đau thương. Ba lạy!…" Cả tang gia đồng loạt mọp lưng lạy ba cái. Bấy giờ nước mắt Cẩm không dưng ứa ngập khoé mi. Khung cảnh trước mặt giăng mây nhoè nhoẹt. Hương da thịt bà nội lững đững nhen lại trong khứu giác hồi tưởng, những lúc Cẩm biếng nhác vùi người gọn lỏn trong lòng bà, nghe bà kể chuyện cổ tích quê hương, chuyện niên thiếu ở miền quê đâu đó xa lắc ngoài xứ Quảng.

Bà chắt lưỡi:

"Năm đó, phần giặc giã phần nắng hạn làm thất mùa, đói kém, ông bà cố ngoại con bèn đem cả nhà vô đây tha hương cầu thực."

Cẩm thắc mắc:

"Tha hương cầu thực là sao vậy nội?"

"Là bỏ nhà, bỏ mồ mả tổ tiên, bỏ đất chôn nhau cắt rún đi chỗ khác kiếm miếng ăn."

Cẩm lo ra:

"Rồi ông bà cố có kiếm được miếng nào hông? Với lại làm sao bà nội gặp được ông nội?"

Bà nội tủm tỉm:

"Đội ơn trời, ông cố ngoại con xin được chưn tá điền cho nhà ông phú hộ kia ở Sóc vàng, nên có được miếng đất cát nhà, làm lụng kiếm ăn qua ngày. Còn chuyện bà gặp ông nội là duyên số trời xe, chớ ông bà cố ngoại con nghèo rớt mồng tơi, đâu dám đèo bồng. Thuở đó ông cố nội con là địa chủ, ruộng vườn minh mông thiên địa, cò bay mỏi cánh, có dưới tay hàng trăm tá điền, đầy tớ trong nhà cả chục người…"

Nói tới đó, dưng không bà ngưng ngang. Cẩm ngửng mặt, thấy bà nhoẻn cặp môi nhuốm trầu vôi đỏ hường cười lỏn lẻn, phóng tầm mắt mông lung như níu lấy hình bóng quá khứ. Gương mặt bà ánh lên chút lửa ấm xuân xanh, giọng nói chừng như trẻ lại:

"… Trong số đó có bà nội."

Cẩm nhíu mày, chưa kịp hỏi, bà đã cất tiếng:

"Ờ, hồi đó bà ở đợ, là một trong ba người đi chợ nấu ăn cho gia đình ông nội con và đám tá điền người mình người đàng Thổ lẫn lộn. Lúc đó bà đâu chừng mười bốn, mười lăm, đen thui xấu ỉn hà, nhưng người ta nói, bà nội ngó có duyên, ăn nói hiền hậu. Có lẽ nhờ vậy mà ông nội con đem lòng thương, muốn cưới làm vợ, nhưng ông bà cố nội con nhứt định không chịu."

"Sao kỳ vậy nội? Cưới bà cho ông nội, có phải cho ông bà cố nội đâu mà hổng chịu?"

Bà nội vuốt tóc Cẩm, cười xoà:

"Ậy, tại vì hai gia đình không môn đăng hộ đối."

"Là gì vậy, nội?"

"Tại vì ông bà cố ngoại con nghèo, ít học, không thuộc dòng dõi phú hộ, chớ sao. Vậy mà ông nội con cãi lời, bữa nọ lén lút dẫn bà trốn đi xứ khác làm ăn. Ông bà nội trôi sông lạc chợ ròng rã nhiều tháng trời, cuối cùng mới lưu lạc tới đất Ngàm long là chỗ rồng ẩn nầy mới dừng lại lập nghiệp."

Cẩm lim dim mắt, chìm vô giấc ngủ ngan ngát hương trầu cau lẫn mùi dầu gió hăng hắc. Đầu ngón tay bà len lỏi trong dòng tóc còn thơm mưa nắng hai mùa. Mùi hồ keo dán quạt phảng phất những trưa nắng sửng gió, bà nội phe phẩy ru Cẩm ngủ, xen lẫn giọng bà tụng kinh gõ mõ mỗi sáng, trời ngoài chưa nhả bóng đêm, rựng nhá nhem ánh ngày.

Vừa lúc nhà sư nhỏ giọng nhắc nhở, tang gia cùng lạy, ba cái nghe! Rồi, không ngăn được, nước mắt Cẩm vắn dài từng giọt lăn xuống gò má.

Mọi người đồng loạt đứng dậy. Cẩm giơ tay áo chùi nước mắt. Giọng người san sẻ to nhỏ. Cẩm lẩn thẩn bước ra hông nhà. Bàn ghế không biết ở đâu, của ai khiêng tới bày dọc ngang ngoài sân. Nhiều khuôn mặt lạ, Cẩm mới thấy lần đầu. Mấy chú đạo tỳ áo quần đen, dây lưng đỏ, đi chân đất ngồi chồm hổm tụ năm tụ ba trong bóng mát hàng so đũa rụng lưa thưa bông trắng, vấn thuốc hút. Có người mặt đỏ bừng như ngấm rượu. Theo thói quen, Cẩm rảo bước ra cầu ao, những khi không biết làm gì. Nhưng bữa nay, Cẩm nhận rõ cảm giác mình không giống như mọi lần. Mây nước, cỏ lá dường như thay đổi. Nắng rưới hôi hổi lên đầu tóc Cẩm chít khăn tang. Cẩm ngồi xuống cầu ván, xõng chân chờn vờn mặt ao nước ròng không chạm nước. Bầy cá lìm kìm thẩn thơ quanh quẩn đám bèo lợn cợn. "Má ơi, con vịt chết chìm. Con thò tay vớt nó, cá lìm kìm cắn con." Câu hát ru ấu thơ vọng lại trong tâm tưởng Cẩm. Bầy lìm kìm ca dao còn nhởn nhơ tụ năm tụ ba kia, còn giọng nội khoan khoải lời ru ngày xưa đang về đâu?

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

1 Pingbacks »

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)