Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.
(tiếp theo)
Mưa bắt đầu rơi từ nửa đêm. Sáng ra, ngưng một đỗi rồi trút hột trở lại. Bầu trời quện bùn non xám xỉn. Chái nhà sau, chỗ dựng lẫm lúa và chứa nông cụ, dột vài chỗ. Giữa khuya, Cẩm thức giấc vì tiếng má hối chị Ba Khởi và chú Năm Tự lấy thau, khạp hứng mưa dột. Nhiều vệt đèn dầu xiên xéo khe ván hở. Tiếng chân người xê dịch lao xao. Mưa đập lào rào mái nhà. Gió chướng xô cửa sổ lá sách va lạch cạch vô vách. Chị Châu lật đật xỏ dép đi khép cửa.
Đã tháng sáu. Mạ vừa gieo tuần trước, thời tiết còn trổ nắng trong veo. Có lần ông nội nói trong bữa cơm, năm nay có mòi như mưa ít. Lệ thường, theo vòng tuần hoàn của mùa màng, tới tháng nầy nước sông đã dâng cao. Năm nào mưa dầm, nước ngập mấp mé nền nhà cao hơn nửa thước, phải bắc ván ra tới đầm nước cắm xuồng tam bản. Bằng không, nước chỉ ngấp nghé mắt cá chân.
Xong bữa lót lòng cháo trắng với trứng vịt muối, Cẩm và anh Chung thay quần áo sửa soạn tới lớp học thêm của thầy Hoàng trong mùa nghỉ hè, mỗi tuần ba buổi. Ngoài trời, mưa trở nặng, còn dặm thêm gió. Má kêu, thôi hôm nay cho hai đứa bây ở nhà. Cẩm và anh Chung khoái chí, lẹ làng thay quần áo. Được nghỉ, học trò đứa nào cũng ham, riêng chị Châu không vậy. Tuy đã thôi học, nhưng sáng nào chị cũng theo Cẩm và anh Chung tới trường. Cho đỡ buồn vậy thôi. Má tinh mắt, thấy hết, nhưng không hỏi. Chị Châu uể oải thay đồ rồi thắp đèn ngồi trước quyển sách mở bên cửa sổ khép kín.
Cẩm luẩn quẩn trong chái bếp, coi chị Ba Khởi sửa soạn bữa cơm trưa. Trước đó chị đã lừng chừng muốn chèo ghe ra chợ, nhưng má cản, nói mưa gió như vầy chợ chiếc gì, mầy coi trong nhà còn thứ gì, quơ quào nấu đỡ, mai đi chợ cũng được. Chị Ba Khởi sai chú Năm Tự dầm mưa ra vườn cắt trái bầu và bứt dúm hành lá. Chị nói với má:
– Con nấu canh bầu với tôm khô, nướng mấy miếng khô cá sặc dầm nước mắm xoài băm, được không dì Tư?
Má dặn dò:
– Sao cũng được, nhưng nhớ luộc riêng cho tao miếng bầu, tao chấm với tương hột.
Chị Ba Khởi đổi ý:
– Hay thôi, con luộc trứng vịt dầm nước mắm ớt.
Bà nội chen vô:
– Nhớ làm thêm chén nước mắm, mỡ hành, nội vét cơm cháy, nghe Khởi!
Má cười hăng hắc:
– Má còn mấy cái răng làm vốn, nhai đồ cứng, coi chừng mất vốn đa!
– Kệ má, con.
Chú Năm Tự bước vô, tay xách trái bầu đẫm nước nhểu nhão, miệng lầm bầm trỏng không:
– Gió thổi sập cha cái giàn bầu rồi.
Chị Ba Khởi xẳng giọng:
– Hành lá đâu?
– Luống rau ngập nước lênh láng, hành hẹ gì nữa mà bứt.
Chị Ba Khởi "hứ" tiếng lớn, xoay qua nói với bà nội:
– Con xào mỡ với hành củ, được không nội?
– Ờ, thì vậy chớ sao. Chú Năm nó đi thay đồ, không thôi cảm lạnh. Mà chú giỏi áng chừng phong thuỷ, thấy con nước năm nay ra sao?
Chú Năm Tự quơ cái khăn móc trên vách, lau ráo người, chậm giọng:
– Mưa mửng nầy, tui hổng biết chừng, nội à! Gió dữ lắm. Mây kéo giề vằn vện hướng cửa sông, thiếu điều nuốt trửng núi Phụng. Điệu nầy, tui nghi mưa gió liên hườn, nghe nội.
Giọng má nửa tin nửa ngờ:
– Sáng nay còn nghe chùa dộng chuông.
Bà nội chưng hửng:
– Sao má hổng nghe gì ráo.
Cẩm ngồi ngó mưa bên ngạch cửa dẫn ra vườn sau, vọt miệng:
– Con cũng nghe tiếng chuông.
Thật vậy. Lúc mưa mỏng hột, trời rựng miếng sáng len qua rãnh cửa, Cẩm trở mình. Đâu đó xa xôi, khi được khi mất, tưởng như từ góc hẹp chiêm bao vọng lại là tiếng chuông trầm mặc. Cẩm tỉnh dần. Chuông gióng từng hồi khoan thai. Thêm tiếng mưa rắc mỏng và gió giảm cường độ khiến hồi chuông nghe như ai khấn giọng từ bi. Trăm lần như một, nghe chuông, Cẩm không khỏi liên tưởng vuông mặt sắc cạnh của vị sư trú trì. Hai lõm mắt ông sáng ngời dưới cặp chân mày rậm, cong queo vài sợi bạc, dài gần chạm mi dưới. Tai lớn, đế cụt ngoẵng, liền với quai hàm bạnh, ánh xanh chân râu xuống tận chiếc cằm ngang. Ông ưa quấn cà sa vàng nghệ vắt chéo vai. Bên khoảnh vai trần thấy xâm mấy nét chàm ngoằn ngoèo, người ta nói đó là chữ Miên. Tới tai ông nội, ông hắng tiếng, bậy nà, chữ Phạn chớ Miên Lèo gì ở đây. Mặt mày nhà sư coi bặm trợn, tay chân ông bắp thịt u nần vậy mà giọng nói ông nhỏ nhẻ, hiền khô. Tới ngày rằm lớn, hay cúng Vu Lan, Đản sanh, má và bà nội đều đi chùa, lần nào cũng dắt Cẩm theo. Đôi lúc có thêm chị Châu, anh Chung.
Khởi hành từ hừng sáng. Chú Năm Tự chèo ghe chở ra chợ, từ đó tới chân núi Phụng bằng xe ngựa. Núi Phụng không cao, leo bộ được, những chỗ dốc người ta đốn cây làm bậc cấp. Chùa xây trên đỉnh bằng, chỗ đổ gạch vụn chỗ lắp gạch tàu. Mặt tiền hướng về tây phương. Phía sau dựng lan can gie ra sườn núi cheo leo. Những sáng trời đẹp, cảnh mặt trời rựng huy hoàng. Sân chùa trồng nhiều sứ trắng. Cẩm ưa lượm bông sứ, xâu chuỗi đeo cổ, toả hương thơm ngát. Giữa sân xây hồ nước chữ nhật trồng sen trắng. Trước hồ dựng một lư đồng lớn đại, cho thiện nam tín nữ cắm nhang khấn vái. Những dịp lễ lạt, khói hương nghi ngút. Khách thập phương đông nghẹt, Cẩm phải níu tay người lớn, sợ lạc.
Vậy mà cũng có lần Cẩm đi lạc. Đang đứng mếu máo giữa đám xô bồ thì có bàn tay ai đặt lên vai. Một giọng đàn bà cất lên:
– Con đi lạc, phải không?
Cẩm ngước nhìn. Gương mặt sư cô ưu ái cúi gần. Cẩm gật đầu, nước mắt lưng tròng. Sư cô nắm tay Cẩm dẫn lối, cười trấn an:
– Con vô đây ngồi chơi, đợi sư cô kiếm thân nhân cho.
Cẩm theo sư cô lách đám đông, ra sau chùa. Người thưa hẳn. Sư cô dắt Cẩm vô gian nhà rộng, mùi xào nấu thơm lừng. Chính giữa kê một bộ ngựa ván dầy cả tấc, kẻ ngồi người đứng loay hoay xắt thái, chuyện vãn rân ran. Rau củ, cơm xôi, bánh trái bày biện ê hề. Bên trái, cạnh ba vuông cửa sổ mở hoác, dãy ông táo kê nồi niêu son chảo, lửa khói tưng bừng. Nước mắt Cẩm tuôn đầm đìa, phần vì khói cay phần vì lo lắng. Sư cô phải an ủi, dúi vào tay Cẩm cái bánh ú. Cẩm không bóc ăn vội, cảm thấy bụng thấp thỏm đầy hơi.
Ngồi được một lát, Cẩm có thêm bạn đi lạc. Một thằng con trai, tóc bờm xờm mỏng dầy. Đi lạc mà vẻ mặt nó không lộ nét gì sợ sệt. Được sư cô cho bánh, nó bóc ăn liền, rồi chạy xin nước uống. Nó còn xáp lại chỗ nầy, tắp vô chỗ kia, miệng hỏi tay chỉ tía lia. Sư cô phải nắm tay, kéo nó về chỗ ngồi, cao giọng:
– Con ngồi xuống đó, cấm cục cựa! Nói không nghe, sư cô kêu sư ông tới bây giờ.
Thằng nhỏ le lưỡi sợ hãi. Ngồi yên mà nó cứ xoay qua ngó Cẩm chằm chằm. Nó có hai con mắt cá thòi lòi. Cặp môi vảnh ra, chực ăn chực nói. Rồi, như không dằn được, nó nuốt nước miếng cái ực, ngó xuống tay Cẩm, hỏi:
– Sao không ăn đi?
Cẩm xụ mặt làm thinh.
– Mầy nắm nó hoài, nó sình ra, ăn đau bụng, ỉa chảy đó!
Cẩm tiếp tục im lặng, lơi mấy ngón tay nắm bánh, mặt vẫn cúi gầm.
– Lạc vô chỗ nầy, coi như lạc luôn. Đứa nào không biết đường dìa nhà, sư ông giữ lại, cạo đầu bắt đi tu, coi như rồi đời.
Cẩm thót bụng, dịch vị ứa ra chua loét. Thằng nhỏ chót chét:
– Tao biết đường dìa nhà một mình đó chớ, nhưng giả bộ theo sư cô vô đây để ăn bánh.
Cẩm bắt đầu hoang mang, nhưng không nói ra, len lén liếc sang chỗ thằng nhỏ. Nó đang day nhìn chỗ khác. Cẩm thấy màng tang thằng con trai hằn một vệt trắng, dài tới sau ót, không một sợi tóc. Vành tai nó lốm đốm chấm trắng. Miệng nó láp dáp:
– Đi tu buồn lắm nghe mậy. Phải tụng kinh, gõ mõ suốt ngày, chán lắm. Mà cực nữa. Nhà mầy ở đâu?
Thằng nhỏ đột ngột xoay qua ngó Cẩm. Đứa con gái lúng túng:
– Không biết… Xa lắm.
– Sao khờ quá vậy? Nhà ở đâu cũng không biết, sao dìa cho đặng?
Giọng Cẩm nức nghẹn:
– Tao đi… đi… với má, với… bà nội.
– Đi với ai, kệ mầy! Không biết đường dìa nhà là đi tu mãn kiếp. Mầy thấy mặt sư ông lần nào chưa?
Cẩm gật đầu. Thằng nhỏ nhích ghế lại gần Cẩm, thều thào:
– Thấy mà ghê. Ổng dữ lắm nghe mậy. Đứa nào học kinh không thuộc, ổng oánh bằng roi cá đuối, ở đó cà rỡn!
Bộ mặt dị thường của nhà sư trú trì hiện lên trí Cẩm. Lần nầy đượm thêm nét gì như hung dữ. Cẩm lỏng tay cầm bánh. Dạ dầy Cẩm trợn trạo no hơi. Cẩm không thiết ăn uống gì nữa, chìa tay đưa bánh cho thằng nhỏ, mặt chằm vằm. Mắt đứa con trai sáng lên. Nó chụp lấy, lẹ làng bóc vỏ, bỏ vô miệng ngốn nghiến.
Ngoài kia, nắng đã lên cao. Mảnh trời trong vắt, không một gợn mây, làm phông bức tranh sơn thuỷ lồng trong khung cửa gỗ nâu bóng. Vài cành sứ già đâm ngang, lá thưa, bông đơm trắng muốt, bụ bẫm. Một sợi khói lãng đãng giây lát rồi tan biến. Tiếng tụng niệm rầm rì đệm tiếng mõ từ chánh điện theo gió đưa lại, lúc rõ lúc không. Chợt, có cánh chim gì không biết từ khung cửa trái lao ngang. Thoắt cái mất hút vào mênh mông. Tiếng cánh loạc xoạc rớt lại lẻ loi. Cảnh tượng diễn ra chỉ vài giây, mà sao Cẩm nhận rõ mồn một. Cái màu xanh rười rượi của bầu trời. Cành bông sứ no nê sức sống. Làn khói uốn mình theo nhạc kinh. Bóng chim ngoắt ngoảy vệt cánh đập, như vẩy mực mồng tơi lên sắc trời tinh khiết.
Cảm xúc Cẩm lúc ấy lạ lùng lắm. Nhiều sự việc xảy tới cùng lúc, dồn dập như đợt sóng xô bờ ngoài cửa sông ngày gió nổi. Cẩm bối rối cùng cực. Trong sâu thẳm giác quan tuồng như có động lực vô hình nào tách đôi Cẩm. Bằng nhãn quan của kẻ thứ hai, sành sõi, Cẩm nhận ra nhiều chi tiết mới mẻ, phân biệt rạch ròi giữa cái vô cùng rộng với cái vô cùng chật. Điều nầy khiến Cẩm vừa thích thú vừa lo sợ. Hai con mắt tinh tường của kẻ thứ hai trong Cẩm chứa đựng nhiều bí ẩn, như nội dung những pho sách dầy cộm của ba khoá kín trong tủ. Và, lần đầu tiên trong đời, Cẩm ngờ ngợ thấy ra mình không những còn một tương lai thậm thượt trước mắt, mà có cả những quá khứ mờ mịt sau lưng. Cẩm sợ có lúc mình sẽ là cánh chim mê muội lao về phía vô tận, đành đoạn bỏ lại chỗ nương náu quen hơi.
Cẩm xúc động bâng quơ, ứa nước mắt.
– Khóc hoài, rầu quá!
Thằng nhỏ cất tiếng than. Cẩm giơ tay áo, chùi ngang mắt.
– Mầy muốn nghe tao kể chuyện không?
Cẩm gật đầu. Thằng nhỏ điểm nhẹ ngón trỏ lên vai Cẩm vài cái dè chừng:
– Mà mầy không được thèo lẻo với ai nghe không?
Cẩm lại gật.
– Chuyện động trời, hổng phải giỡn chơi. Sư ông chùa nầy trước kia là tướng cướp đó nghe mậy.
Cẩm giật mình, trợn mắt ngó thằng con trai. Nó thản nhiên tiếp lời:
– Mầy có để ý thấy mấy chữ ổng xâm trên vai không? Chỉ có tướng cướp mới xâm mình, người làm ruộng, ai làm vậy? Không phải tao đặt điều tầm bậy đâu, tao nghe lóm người lớn nói chuyện với nhau. Ổng là người Việt gốc đàng Thổ, trước kia ở đâu đó miệt biên giới, chuyên cướp của dân thương hồ. Được cái, ổng ăn cướp để phân phát cho dân nghèo. Lần nọ ổng đánh cướp nhà ông phú hộ, nghe đồn giàu nhứt lục tỉnh. Tới nơi mới hay, ông phú hộ coi giàu vậy, đất đai ruộng vườn cò bay mỏi cánh, chớ tiền bạc vòng vàng chẳng có bao nhiêu. Nhằm lúc loạn lạc, đất ruộng bị chia xẻ manh mún. Ông bà phú hộ lại chẳng có con cái gì ráo. Đám bà con ổng bả được thể giành đất làm của riêng. Bữa đó, hổng biết ổng nói sao đó với đám ăn cướp, mà dìa nhà, tướng cướp bỏ xứ, cạo đầu đi tu luôn. Có ngộ hông?
Cẩm nghe chuyện mà đầu óc bay nhảy nơi đâu, nơm nớp không biết má và bà nội có kiếm ra chỗ nầy. Vừa lúc một giọng đàn bà ré lanh lảnh:
– Được, đồ quỉ phá chùa chay! Mầy trốn đâu làm tao tìm muốn chết?
Thằng con trai nhớn nhác ngó Cẩm, chép miệng, má tao, rồi rúm người lại, giơ tay che đầu. Người đàn bà xấn tới, đập chan chát lên lưng, lên đầu thằng con trai, rủa xả:
– Trời ơi, đồ yêu lồi! Xổng tay một chút là mầy chạy mất, trăm bận như một. Lần nầy là lần chót tao dắt mầy theo. Dìa nhà, mầy biết tay tao! Tao nhốt mầy vô chuồng heo, cho ăn cám xú.
Nhiều người xúm lại, can lơn. Cẩm xanh dờn mặt mày, ngó điệu bộ hung tợn của người đàn bà, chết trân. Thằng Được co người như con cuốn chiếu, lăn cù ra đất. Sư cô chạy tới, tách đám đông, chụp cườm tay người đàn bà, trấn an. Bà ta tiếp tục phân bua, mặt mũi đỏ gay:
– Tại sư cô với và con chưa biết, nhẹ tay với thằng quỉ nầy, hổng có được. Nó phá phách, đặt chuyện kỳ khôi lắm lận. Chớ dại mà tin nó. Biết vậy, thà tui đẻ hột gà hột vịt, ăn quách!
Nhiều tiếng cười lớn. Sư cô "mô Phật" liên hồi, tay giữ thằng Được, tay nắm người đàn bà, dẫn ra cửa. Từ đám đông nhốn nháo, Cẩm nghe giọng má dồn dập gọi tên.
Tiếng kêu "Cẩm, Cẩm ơi…" dạo nào lẫn vào tiếng mưa xào xạc vườn lá đầu ngày, nhỏ dần rồi mất hút, như tiếng chim đập cánh tan vào xa xăm. Câu chuyện "kỳ khôi" của thằng con trai tên Được theo màn mưa sóng sánh trở về xâm nhập trí Cẩm, nhểu xuống từng giọt chữ, xếp hàng méo mó lên trang vở ấu thơ Cẩm. Ẩn mật như những giấc mơ. Lao xao âm thanh. Loè loẹt màu sắc. Chợt Cẩm bần thần nhận ra, chúng có cả linh hồn. Như mỗi động vật. Luôn cả tĩnh vật. Điều mà Cẩm luôn luôn tin rằng có thật.
(còn tiếp)