Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 24, Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Thương tích thời gian

 

Từ tháng hai, bọn sinh viên da vàng đã bắt đầu rục rịch. Mỗi tối, tin chiến sự từ bên nhà được hai đài truyền hình chính tường thuật càng lúc càng sôi động. Triệt thoái cao nguyên. Dân chúng từ miền ngoài xô nhau tản giạt về Đà nẵng, Nha trang. Tin Mỹ việt nam hoá toàn bộ chiến cuộc, không tiếp tế đạn dược.

Tôi là ma mới từ tỉnh khác tới. Nơi đây chỉ chừng vài chục đồng hương, toàn sinh viên du học, cùng một lứa bên trời lận đận. Đã ít, lại chọn khác phân khoa, không cùng trường, nên bị phân tán mỏng. Cư xá tôi ở, năm mạng chẵn chòi. Phòng tôi và phòng Chưởng sát cạnh nhau. Tối tối sau giờ cơm, chúng tôi tụm lại, bàn luận chuyện thời sự và tiên đoán thời tiết cho tàu chạy ven biển. Họp mặt thường ở phòng Chưởng vì thằng này ở dơ, bày bừa khỏi mất công dọn dẹp.
Phòng cư xá sinh viên diện tích đồng dạng, nhưng phòng của Chưởng có cái mùi đặc biệt, đậm đà hương vị quê hương. Một góc phòng, sát cửa ra vào, được trang bị làm bếp. Chưởng nấu ăn thích nêm nước mắm. Món nước còn đỡ, nhằm món xào, ôi tội nghiệp cho khứu giác mấy đứa đồng môn bản xứ; không những trong phòng mà ngoài hành lang, ngất lịm mùi hương. Đi học về, bắt được cái mùi đặc trưng quê nghèo hình cong cong chữ S là biết ngay Chưởng đang trổ tài nội trợ. Chưởng làm mất sĩ diện dân tộc không ít, vì nhiều khi từ trong phòng tôi nghe tiếng người ngoài hành lang la lối, trời ơi hôi thúi quá! Tầng này chỉ có hai thằng Mít và một thằng lọ, cái mùi kỳ dị kia phát xuất từ đâu, thật dễ biết. Tôi xấu hổ không ít. Mũi lưỡi tha hương của tôi cũng bắt đầu dị ứng với mấy thứ mắm miếc, với cả những món máu me, sống sít. Chưởng thuộc sinh vật hỗn tạp, quất ráo. Mà chúng tôi đâu đã nấu nướng gì ra vẻ, toàn cơm canh bình dân học vụ: thịt ba rọi xào bắp cải, thịt vai kho trứng, giò heo hầm, gà ba món canh xào mặn, … Thiên thu nhị kỳ, tới tiết xuân phân hay đông chí, chúng tôi mới tụ họp nhau nấu ăn chung.

Thập niên một chín bảy mươi đâu đã nhiều cửa hàng thực phẩm á châu. Muốn có nước mắm, bánh tráng, miến, … phải lặn lội tới các thành phố lớn, khuân về. Hay được gia đình gửi sang vào những dịp lễ tết. Hai món thường được chúng tôi chiếu cố là chả giò và phở. Cả hai đều dễ làm, dễ nấu, chỉ mất công, nhưng khó nấu cho ngon. Lúc còn ở nhà, muốn ăn phở, ba má dẫn anh chị em chúng tôi ra tiệm, chưa tự nấu bao giờ, nên tôi không biết. Riêng chả giò, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy làm. Tôi thấy dì và chị tôi làm nhưn bằng thịt heo bằm trộn thịt cua luộc với hành tây và củ xắn xắt hột lựu. Hình như không có trứng, mộc nhĩ, miến. Khi tôi nghe Chưởng và mấy đứa khác bảo phải bỏ thêm mấy thứ đó vào, tôi ngờ ngợ. Lại cãi nhau. Cuối cùng phải thoả hiệp để kết thúc chuyện nhưn. Không có củ xắn, chúng tôi dùng cà-rốt. Tới phần cuốn, trời ạ… Chị tôi quấn chả giò cuốn nào cuốn nấy nhỏ cỡ ngón chân cái, dài chừng ngón tay; còn chúng nó nhúng cả tấm bánh tráng lớn, vích một đống nhưn bện vô. Kết quả trông thấy: cuốn chả giò lớn bằng cườm tay con nít, dài cả tấc, mềm èo, chắc mẻm lòi ruột khi chiên. Tôi la chói lói. Chúng nó cười hềnh hệch, nguỵ biện, cho đỡ mất công, cuốn như mày biết chừng nào mới xong.
Chả giò ngon nhờ nước mắm pha đúng điệu và rau rá quấn kèm. Nhằm tiết đông lạnh thắt, chỉ sắm được xà-lách và dưa leo. Sang hè, mùa màng mãn khai, dạo đó văn minh rau trái nhiệt đới chưa lan tới xứ này, chúng tôi ra thửa đất sau cư xá, lặt húng lông về làm rau sống. Cũng thơm, ngon. Chỉ hơi ngài ngại, vì lưng lá phủ một lớp lông mịn, ăn sợ ngứa cổ, và sợ lặt nhằm bụi bị chó đái.

Đó là kể chuyện thuở quê nhà gió bụi chiến chinh chưa biến thiên động địa như bây giờ, tin dữ mỗi tối dồn dập theo về qua chương trình thời sự truyền hình. Chưởng ký cóp sắm được một cái máy ti-vi màu cũ to kềnh, hình ảnh rỡ ràng đẹp đẽ, đứa nào cũng thích. Cả bọn vừa ăn vừa coi. Đôi khi miếng cơm chợt nghẹn cổ họng. Nhớ lại hôm trước, Tấn về Việt nam ăn tết trở qua, kể, miệng cười mà mắt kém vui:
– Hú vía tụi mày ạ! Tao ham chơi, ở lại tới giây phút cuối cùng, rời phi trường bằng chuyến máy bay chót.
Rồi mắt nó trợn lên:
– Ông bà già tao ở Trảng bàng, cách Sài gòn đâu bao xa, mà đi xe đò cả buổi mới về tới thành phố. Quân cảnh, quân xa chận đường kiểm soát lên xuống mấy bận. Có người bà con ngoài Qui nhơn vô ở đậu, nói tụi nó làm dữ lắm, như muốn dứt điểm sao đó! Ban đêm hả, hoả châu sáng rực như ban ngày. Đại bác thụt rầm rầm, ruột gan cu dái gì teo hết trọi.
Tôi nhớ lại những lần tranh luận với mấy đứa khác vế chiến tranh Việt nam. Một lũ, ngấp nghé tuổi trưởng thành, đâu mấy ai để ý tìm hiểu sâu xa vấn đề chính trị. Thành ra chỉ đấu láo và cãi nhau chí choé chuyện thương tích ngoài da. Dù sao cũng biết được ít nhiều quan điểm mỗi thằng. Có bộ ba gốc gác Phú yên, Tuy hoà chi đó, tên họ hai chữ, thường đi chung với nhau. Tôi kết thân với một đứa, ăn nhờ ngủ lậu phòng nó đôi ba lần. Có dịp hè hai đứa đi làm chung hãng. Một hôm tình cờ tôi tới thăm, thấy chúng nó và hai thằng khác đang bàn bạc chuyện chi, mặt mày lộ vẻ nghiêm trọng. Thấy tôi vào, cả lũ im re, cười gượng gạo. Tôi toan thối lui, nhưng Lê Chính kêu ở lại. Mấy đứa kia nấn nán một lát, rồi bỏ về. Chính rủ tôi ra bếp nấu cơm.
Chỗ Lê Chính trọ là một cư xá khác. Bếp chung cho cả tầng là một căn rộng hai gian có bàn ghế và tủ lạnh chia ngăn, lắp ổ khoá và đánh số phòng hẳn hoi. Tầng bảy, hướng tây, hôm nào trời đẹp, ngắm cảnh chiều tà đỏ bầm một khối hoang mang. Tâm trạng tôi cũng tím lịm hoang mang như vậy.
Chính diễn đi diễn lại tuồng cũ, không chán, thịt ba rọi kho trứng, nước lỏng bỏng vịt ngỗng bơi lội được. Nhưng đói, gì cũng ngon. Giữa bữa ăn, Chính khơi chuyện:
– Cuối tuần này tụi tao đi Aachen chơi, mày đi không?
– Chơi gì ở đó?
Chính ngần ngừ:
– Thì… hội sinh viên Aachen gửi thư mời hội thảo về tình hình đất nước. Bên nhà đang đánh nhau tơi bời khói lửa, mình ở đây phải làm một cái gì.
Tôi giảm tốc độ tiêu thụ thức ăn, nghĩ ngợi một thoáng. Lũ sinh viên Aachen có tiếng tả khuynh vùng này, hoạt động tung hứng nhịp nhàng với tình thế chính trị bên nhà. Sài gòn xuống đường đi ăn xin, sư sãi lập đàn cầu nguyện cho hoà bình đất nước, là y như rằng, sau đó họ tổ chức lạc quyên này nọ để tuyên truyền hỗ trợ. Báo chí, thông cáo mời họp nườm nượp gửi tới đồng hương. Chẳng rõ họ có địa chỉ từ đâu mà hay vậy. Đoán, có lẽ xin xỏ toà đại sứ. Rận rệp hoạt động nằm vùng, thiếu gì.
Tôi gật gù:
– Mày nghĩ nên làm gì cho đúng?
– Ít ra cũng là lên tiếng cho cộng đồng sinh viên cùng hay. Hồi nào tới giờ, đa số đều thụ động.
Tôi lý luận ba xu:
– Mình qua đây học, thành tài về giúp nước, đâu phải để làm mấy chuyện ruồi bu.
Chính hăng hái:
– Đành vậy, nhưng trưóc tình thế này, không lẽ thờ ơ. Tao đi họp với Hồ Bá, Trịnh Bốn, Ngôn.
Tôi ậm ừ:
– Ừ. Về, có gì lạ kể tao nghe!
Chuyện thời sự tới đó chấm hết. Chính làm tôi nhớ có lần thằng Đáng tới gõ cửa phòng, xin vào nói chuyện. Tôi chẳng thân thiết gì với nó. Chưa bao giờ chúng tôi tiếp xúc riêng tư với nhau. Thật ra Đáng không phải hạng người khó ưa như vài đứa khác. Chỉ tội một điều, Đáng lùn xịt. Nhất lé nhì lùn tam hô tứ sún. Trời sinh ra con người có mắt miệng không phải để liếc láo, xỏ xiên nhau. Dịp này, Đáng sử dụng khẩu thuật thiệt khéo. Nó nói, biết tôi là người thích và biết làm thơ, viết văn, nên tới xin tôi một bài đăng trong tờ báo sinh viên có tên ‘‘Bồ câu trắng’’. Nó làm tôi liên tưởng mấy câu hát ngợi ca hoà bình ‘‘Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa tôi sẽ là một đoá hướng dương… ’’ Lời ca giản dị, trong sáng; giai điệu tha thiết, gợi tình hoài hương. Nghe hay hay. Nhưng uổng thay, họ những văn nhân nghệ sĩ chỉ là những con bồ câu giả dạng lót đường cho bầy diều hâu xông vào, là những đoá hướng dương chỉ nở theo ánh sáng mặt trời chủ nghĩa sộng sản. Vì vậy, lẫn trong niềm xúc động còn có thêm cảm giác rờn rợn, khinh bỉ.
Nhưng tôi vốn ngây thơ, nên vẫn cặm cụi sáng tác một tuỳ bút trao cho Đáng. ‘‘Bồ câu trắng’’ quay ronéo, đóng kim, giấy vàng trăm phần trăm sinh viên nghèo. Bài viết của tôi nhiều xám hơn hồng. Đó cũng là cảm nhận xác thực trong tâm tư tôi thuở bấy giờ. Ngoại cảnh ảnh hưởng nhiều tới cá nhân tôi, kẻ tương đối giàu tình cảm. Thành phố này có những khu phố cũ, tường nhà xám xỉn, mái ngói thâm đen, nhiều căn bỏ hoang, kính vỡ toang hoác. Xưởng thép ộc khói không ngưng nghỉ. Tôi thường đi xe điện ngang đấy, cảm thấy lòng lửng lơ như bóng ma nơi ranh giới âm dương, chân đi mà tâm ngoảnh lại. Một năm đâu mấy tháng nắng. Cuối tháng mười, thời tiết đã chập choạng thay màu. Nắng hè hong chưa ráo nhũng mốc meo đông trước đã lại tàn. Lá sẩm vàng lơi lả. Cái lạnh thâm niên vô tâm úp bàn tay thép xuống không gian nặng trịch hơi nước. Lòng người nơi đây cũng như thời tiết, mười người lạnh lùng hết sáu, bảy. Những khi buồn chuyện đời, tôi chạnh lòng nghĩ tới má nuôi người Đức. Từ lúc tôi rời tỉnh lẻ, nơi tôi trọ học tiếng Đức và làm thực tập gần năm trời, tôi và bà vẫn liên lạc thư từ thường xuyên. Trong mỗi lá thư bà gửi cho tôi là tờ giấy bạc hai mươi Đức mã. Được tiền, ai chẳng thích. Riêng tôi, thêm tính chuộng nghệ thuật, đã có lần tỏ lộ, muốn có thêm một bức tranh dầu do bà vẽ tặng. Số là, đã vài lần tôi và vài người bạn được bà mời sang nhà ăn tối, thấy phòng khách treo vài khung tranh hoa tuyệt đẹp. Hỏi, bà đáp, tôi vẽ đấy, rồi cười ngượng ngùng. Ai cũng trầm trồ. Rồi nhân dịp sinh nhật tôi, bà mời tôi tới nhà. Đoạn đường chừng ba mươi cây số, nhưng phương tiện giao thông rắc rối, đổi một lần xe buýt sang xe điện tới nhà ga, lấy xe lửa cà rịch cà tang tới tỉnh nhỏ chỗ má nuôi ở, có người ra đón. Ôi, nhiêu khê.
Ngôi nhà sau nhiều năm lìa xa vẫn vậy. Tường vôi trắng cũ, sầy trướt. Cửa sơn nâu rạn nếp thời gian. Những ngày xưa vui vầy tươi màu sống động, khi tôi nhìn sang chỗ trọ đầu đời tha hương. Thuở ấy, nhằm đông chí, nhiều sáng thức dậy, củi sưởi lạnh lẽo tro than, khung cửa sổ bông tuyết từng đoá mãn khai. Điệu hát Carpenters buồn bã cất lên ‘‘We’ve only just begun to live… so many roads to choose…’’ Có những đoạn đường, tôi không tự chọn mà tuân theo bản năng, bước tới.
Má nuôi tôi lúc nào cũng tươi cười, ăn mặc lịch lãm. Tôi mang biếu bà một bó cẩm chướng và khuân về một bức tranh hướng dương, ngang dọc xấp xỉ nửa thước, khung gỗ nâu thếp vàng tuyệt xảo. Danh hoạ hướng dương có nhiều, nhưng tấm này, với riêng tôi, mang thêm ý nghĩa đậm đà, gắn bó. Lúc tháo bọc giấy, tôi thấy phía sau tranh có đính một mảnh giấy con ghi dòng chữ: ‘‘Tới sinh nhật hẵng đọc!’’. Chút bâng khuâng dấy lên. Tâm tư tôi bất định giữa nhiều cảm tính đối chọi: xa cách với đất nước này, nhưng quyến luyến thâm tình với bà má nuôi đầy lòng từ ái.
Hoạ phẩm cổ điển của má nuôi không hài hoà với kiểu trang trí phòng trọ sinh viên, nhưng tôi vẫn treo lên. Thỉnh thoảng tia nhìn bất chợt đọng trên những cánh hoa sơn sởn vàng choé, nhuỵ nâu to bản, phiến lá lục sẩm nổi bậc trên màu nền ngọc thạch, trông như mảnh trời một ngày hè óng ả;, tôi không khỏi nhớ tới má nuôi người bản xứ và má ruột ở quê nhà. Hai người đàn bà và hai cuộc chiến tranh. Má nuôi goá bụa sau thế chiến thứ hai. Má tôi đỡ đần một đại gia đình trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng, có cơ dẫn tới một kết thúc tối ám. Má nuôi nghe tin chiến sự gay go, biên thư thăm hỏi. Tôi cũng không biết gì hơn, vì đã nhiều tuần qua tôi không nhận được thư nhà. Tôi xót xa nhưng biết làm sao. Nội bộ bọn tôi, đám thanh niên mang nhãn hiệu ‘‘ưu tú’’, cũng hoang mang không ít. Từ nào tới giờ, chúng tôi hiếm khi bàn chuyện chính trị, nên không ai rõ khuynh hướng chính trị của nhau, ngoại trừ vài trường hợp lộ diện tả khuynh, ai cũng biết. Trong số đó là hội sinh viên tỉnh Aachen, bị gọi xách mé là ‘‘ổ Việt cộng’’. Bởi vậy, khi nghe Lê Chính rủ đi Aachen, tôi đã hồ nghi.
Trở về, bộ tam Bá Chính Bốn đưa tin, hội sinh viên Aachen có nhã ý muốn tới sinh hoạt cùng hội nhà: đá banh một trận giao hữu, sau đó họp mặt thân mật. Đa số chúng tôi, đứa nào cũng thích nhất đá banh, nhì đàn hát, ba ăn nhậu, còn chuyện dục tình… tự ai nấy lo. Nên nghe vậy, liền chọn ngày lành tháng tốt, tiếp đón hội bạn. Hội nhà, gần hai chục mạng, chỉ một sinh viên gái. Chị lại có bạn trai rồi, ngay anh hội trưởng, nên số còn lại coi như… cùi.
Trước ngày sinh hoạt chung, một số tụ lại phòng Chưởng, phác kế hoạch cho chương trình văn nghệ tự do sau khi đá banh. Thoại, ca hay, ngâm thơ giỏi, tự đề nghị:
– Tao sẽ ngâm một bài thơ.
Nói rồi Thoại rướn cổ, mắt mơ màng, trổ giọng sang sảng:
– Hà nội, chao ơi Hà nội, với những con đường đọng tím, những con đường câm nín, những con đường chết lịm ở trong tim…
Chưởng cười hềnh hệch:
– Sai rồi! Như vầy mới đúng: ‘‘Hà lội, chao ơi, Hà lội…’’
Thoại sừng sộ:
– Ê, chửi cha không bằng pha tiếng, nghe mày.
Biết tính Thoại lửa nóng, không đứa nào muốn nhạo báng. Thiền hăng hái:
– Tao tình nguyện ca mấy bài thuộc loại ‘‘Thép súng’’.
Có đứa hỏi:
– Nghe có diều hâu quá chăng?
– Hùng hồn chứ diều hâu gì.
Tôi góp ý quèn:
– Xứ tự do, không ai cấm mình ca hát, nhưng đây là một cái hội, có luật chơi đàng hoàng, muốn làm gì phải hỏi hội trưởng. Hơn nữa, tao nghĩ sẽ có một số không đồng ý hát mấy bài đó dâu.
Thiền gân cổ gà:
– Tao hát chớ bộ. Lỗ miệng của tao, cây đàn của tao, tao toàn quyền quyết định. Thằng nào xớ rớ, đánh bỏ mẹ.
Một đứa can:
– Du côn quá, mày! Thằng Dụng có lý, mày muốn hát hò bài gì tuỳ ý, nhưng nhớ báo cho thằng hội trưởng để nó lo liệu chương trình.
– Mày làm như văn nghệ Tết không bằng. Lần này chỉ là buổi họp mặt bỏ túi, đâu phải đứng trên sân khấu, kính thưa qúi vị này nọ mà bày đặt kiểu cách. Sao, tao chán mày quá!
Một thằng ba phải:
– Thằng Thiền có lý luôn.
Thoại vung tay:
– Tao đề nghị, đứa nào muốn ca múa kiểu gì, thả cửa, nhưng nhớ tập tành sao coi cho được mắt, không thôi chúng nó cười.
Gì chứ cái màn văn nghệ, đứa nào đứa nấy một túi làm vốn. Có dám biểu diễn trước mặt người lạ hay không, là chuyện khác. Phòng của Chưởng, tuy hôi và dơ, vẫn là chỗ các ca sĩ, ngâm sĩ, đàn sĩ thượng thặng hải ngoại thường lui tới. Thoại đặt cho nó cái tên ‘‘Nightclub Ly Hương’’.
Những năm sống đời sinh viên, vui nhất những cuối tuần không bận bịu thi cử. Từ chiều thứ sáu, đã khởi sự rộn ràng. Trong khi bọn sinh viên bản xứ, đứa về thăm nhà, đứa hẹn hò với bạn, đứa la cà mấy quán rượu tiệm nhảy, đám thanh niên tiểu quốc da vàng chúng tôi chỉ biết đàn đúm nấu ăn, xem trận túc cầu trực tiếp truyền hình, nhậu nhẹt lai rai hay ca xướng tới khuya trờ khuya trật. Một cây đàn ghi-ta, một tập phóng ảnh những bài nhạc tình ưng ý. Đèn thắp vừa đủ sáng. Mặt bàn ngổn ngang ly dĩa. Món nhậu tuỳ hảo tâm chủ phòng, thường thì một bịch khoai tây lát giòn, sang thì củ kiệu hộp hay bánh phồng tôm Sa Giang. Thuốc lá thì khỏi nói, hút tới mờ sương căn phòng chật. Tàn gạt thành núi. Mùa hè còn đỡ. Sang đông, đóng cửa sổ ngăn hơi lạnh, sáng hôm sau đứa nào cũng váng vất như cá un khói.
Dịp này xui tôi nhớ lại cái Tết tha hương đầu tiên trọ học Đức ngữ tại trung tâm văn hoá Goethe ở Iserlohn, một thành phố nhỏ, núi đồi chập chùng. Lũ mán chúng tôi cũng bày đặt tổ chức văn nghệ Tết, bỏ tiền lẻ mua kẹo đãi khách. Có màn hợp ca ‘‘Nhớ người thương binh’’, vài đoạn được dịch sang tiếng Đức, không đứa nào dám sô-lô, tôi xâm mình tình nguyện. ‘‘Auf dem Feld erwartet eine Frau ihren Mann ihren Mann…’’ Rồi cả bầy rống lên: ‘‘Chiều về, chiều về trên cánh đồng xanh…’’ Khởi xướng buổi tổ chức năm ấy là thằng Võ Quang Huế. Thằng này con nhà giàu, tính lăng xăng lít xít như con lật đật, thích và nói nhiều tới sùi bọt mép. Nó thường liên lạc với toà đại sứ ở Bonn, nên có tục danh ‘‘tay sai toà đại sứ’’. Gốc gác Huế đâu đó Phú yên, Tuy hoà, nhưng không nhập bọn có mấy đứa đồng hương mà hay la cà với chúng tôi. Thâm tâm tôi, không bao giờ để ý tới chuyện đồng hương đồng hành nọ kia, vì tôi cho rằng đó là mầm mống của chia rẽ.
Sau mấy màn văn nghệ nghèo nàn, vá víu là chương trình nhảy đầm. Trước khi tới đây, tôi đã được cảnh cáo, coi chừng bị gái Đức bắt cóc. Những sinh viên tới học các khoá trước, ai cũng quen biết Rita và Kiki, một còn đi học, một là nhân viên ngân hàng. Cả hai rất thích giao tiếp với người Việt. Khoá học Đức ngữ nào, những dịp lễ lạc, hai cô đều tới làm quen. Các chị khoá trước còn may tặng mỗi cô một chiếc áo dài. Tháng hai, dạ vũ hoá trang, hai cô sắm áo dài tới dự, anh Mít nào cũng trơ mắt ếch trầm trồ.
Rita còn biết lõm bõm vài câu nhạc Việt: ‘‘Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu…’’ Có đứa láu cá, dạy thêm điệp khúc đầu đường xó chợ: ‘‘Dạy cho con biết đánh bài cào, dạy cho con biết chơi bầu cua…’’ Nghe cô trổ tài, chàng nào cũng rung động trái tim cô đơn.
Nhà Rita nằm lưng chừng con dốc dài. Từ trạm xe buýt, thả bộ vài trăm thước là tới. Đầu xuân, hoa mận vườn nhà nở trắng. Những cuối tuần trời trong, mây kết đoá thênh thang, chúng tôi thường rủ nhau tới thăm Rita. Chủ nhật nơi đây là ngày thiên hạ nghỉ ngơi, cần yên tĩnh. Phố xá vắng hoe, ngơ ngác. Lũ mường mán chúng tôi cóc biết, vừa rảo bộ vừa giỡn hớt ồn ào, chó sủa rân rầy rà. Những ánh mắt nghi ngại sau rèm cửa vén ném ra. Lúc đó, đất nước người còn mới lạ, tôi chưa thấm nhận những hao hụt, mất mát phần tinh thần. Vui, nhưng với tâm tư mẫn cảm, tôi thường chới với giao động trước những vụn vặt bên lề. Tiếng chim lào rào thiên di những hoàng hôn hè muộn. Cơn mộng thân thuộc hơi ấm gia đình còn loè nhoè chăn gối vài giọt nước mắt mộng mị. Tiếng xe điện gióng giã chuông sớm ngoài phố chính. Cống rãnh rậm rựt toả hơi những khuya lạnh vui chơi trễ tràng. Tuổi trẻ là vậy sao? Đời sống chỉ bấy nhiêu thôi sao? Và tôi không khỏi liên tưởng những bạn thân còn ở lại trong gai góc chiến tranh. Những Quỳnh, Sơn, Giao, … và nhiều khuôn mặt xa lạ thỉnh thoảng lại hiện lên, nhoà vào giấc mộng tôi.
Như lúc này, giao điểm một kết cuộc có vẻ không mấy thuận chèo mát mái, đêm tôi thường mộng dữ. Tôi thấy mình về lại quê nhà ngập nước, chỉ còn lại những vạt đất ốm nối nhau bằng mấy đoạn cầu ván bấp bênh. Tôi tung tăng trên cầu, hồn nhiên trẻ thơ. Nhiều dáng người lô nhô bên kia rạch nước, sau hàng lau sậy mờ nhạt như bị tẩy xoá. Trời đang xanh, mây lợn cợn như bông bưởi, bỗng sắc lại, đông thành khối màu thép già, từ từ úp xuống. Đám người bên kia rạch lẩn đâu biệt tăm. Còn lại mình tôi rúng động thất thần trên đất nước hoang vu, tịch mịch. Tôi thức giấc, mồ hôi đẫm gối, tim đập rối loạn. Âm thanh khối thép trời ầm ì chuyển động, loa loá sấm chớp, còn dội vang trong thính giác. Lâu nay tôi cứ thắc mắc về hương sắc những giấc mơ. Giờ đây tôi thật sự nhận ra, chúng nhuốm màu sặc sỡ. Màu cỏ lục nõn. Nước và trời thẩm sắc xanh đêm hè nhiệt đới. Mây mơn mởn trắng muốt như những nhánh bông mận, bông bưởi vừa hé. Cả khối thép trời chớp nhoáng từng chặp, lầm lì đe doạ cũng đựng một màu xám kim loại sắc sảo. Tất cả tập hợp thành một bức tranh giả tưởng linh động. Duy mùi hương trong mơ vẫn còn là điều bí ẩn.
Rồi cũng tới ngày hội nhà họp mặt hội sinh viên Aachen. Khách phương xa kéo đến đông gấp đôi bọn tôi. Độc nhất một thành viên giống cái, nhan sắc héo hon, chúng tôi gọi bằng chị. Tỷ số túc cầu rất khiêm nhường, đội nhà mang rổ hứng banh về, te tua tê tái than thở tỉ tê thầm thì trách trời… trơ trẽn. Chúng tôi ăn trưa trong phòng khánh tiết cư xá sinh viên. No nê xong, tới phần lễ nghi và văn nghệ bỏ túi. Hai anh hội trưởng đứng lên phát biểu đôi lời kiểu ‘‘tình hữu nghị đôi ta keo sơn thắm thiết, môi hở răng lạnh’’. Dân chúng vỗ tay lẹp bẹp. Có đứa khui bia ra cụng lanh canh, mời nhau thuốc lá, xí xô xí xào. Vài thằng tới lui lách cách máy ảnh. Nhiều nụ cười xã giao lệch lạc trên môi. Khi hội trưởng hội nhà ngỏ lời yêu cầu mọi người nhiệt tình đóng góp cho chương trình văn nghệ, mọi người đều chăm chú. Tình nguyện, không ép buộc, ca múa trò trống gì cũng được. Tiếng ai thều thào: ‘‘Tự, lên múa bụng đi mày!’’ Rồi đẩy đưa nhau: ‘‘Thằng Quyền đầu bò hát bằng lỗ đít hay hết xẩy’’ hay ‘‘thằng Ẩn biết cử động vành tai điệu à go go’.”
Hội trưởng hội nhà lớn tiếng:
– Xin các bạn im lặng. Theo truyền thống ‘‘tiên chủ hậu khách’’, tôi xin mời anh Thoại và anh Vĩnh. Anh Thoại sẽ ngâm cho chúng ta nghe bài thơ ‘‘Những con đường Hà nội’’ của thi sĩ Tạ Tỵ, qua tiếng sáo của anh Vĩnh.
Vỗ tay lần nữa. Thiền rỉ vào tai tôi: ‘‘Thằng Vĩnh thổi sáo ra nửa lít nước miếng.’’ Đúng vậy, Vĩnh thổi sáo nghe du dương chỉ năm phút đầu, sau đó âm thanh bắt đầu ọc ạch. Căn phòng đột ngột thinh lặng đê mê khi Thoại cất giọng sang sảng: ‘‘Hà nội, chao ơi…’’ Tôi biết tủ thằng này thuộc loại vắt chày ra nước, thêm tính nóng nảy vô cớ, chơi bài chia mà nổi cộc, đem dao con ra để trên bàn hù anh em. Có điều phải công nhận, Thoại có giọng tốt, tê-no chứ không phải tê-đói. Nhưng vì nghe đã nhàm tai bài thơ này, nên tôi để tâm tư mình bồng bềnh về lại quê nhà ấm áp hai mùa mưa nắng. Và mắt tôi lướt ngang những khuôn mặt bạn bè thân sơ. Họ cũng như tôi, mỗi kẻ một mảnh hồi tưởng ăm ắp kỷ niệm. Sài gòn với những đêm lộng gió tháng tám trước giờ giới nghiêm. Mưa ào ạt như lời tỏ tình sàm sỡ xuống mặt đất, nơi có những dinh thự tráng lệ và những xóm dân nghèo mái dột, điện câu. Tôi nhớ hơi thuốc lá đầu đời xây xẩm dưới mái hiên một hiệu buôn đường Lê Thánh Tôn. Có người bỏ đi xa. Tôi ở lại thành phố choáng váng trong cơn sốt chính chiến sự cấp tính. Với những tối bùm lậu. Với những xa hoa đua đòi tuổi trẻ. Với nhạc trẻ top ten. Với thơ văn Búp-bê, Tuổi ngọc. Với rạo rực chuyền tay nhau ‘‘Vòng tay học trò’’ Nguyễn thị Hoàng, ‘‘Yêu’’ Chu Tử. Với bồn chồn chờ kết quả những kỳ thi. Với má ốm yếu tay vẫy trưa tiễn đưa nắng đổ lửa… Và tôi gọi thầm, trời ơi, tự trách mình đeo nặng trái tim nhạy cảm.
Tiếng vỗ tay lào rào. Tôi thảng thốt nhịp tay theo. Thằng Thoại vạch đám đông, sà tới cạnh tôi, giọng xúc động:
– Mày thấy sao?
Tôi nhìn thẳng vào mắt nó, chắc nịch:
– Truyền cảm lạnh lùng vô cùng, vô tận.
Mặt Thoại rạng lên thấy thương. Trên kia, một đứa trong hội bạn đã sẵn sàng tư thế đáp lễ. So dây ghi-ta lẳn tẳn một lát, anh ta ngẩng mặt:
– Tôi xin gửi tới các bạn bài hát ‘‘Trường sơn đông, Trường sơn tây’’ của Hoàng Hiệp để nói thay tâm trạng của hàng triệu đồng bào ruột thịt chúng ta trong thời điểm đấu tranh quyết liệt này.
Tôi và các bạn quen đưa mắt ngó nhau chưng hửng, bài hát gì lạ hoắc lạ huơ, tên thằng cha nhạc sĩ nào chưa nghe bao giờ. Giọng hát anh bạn cất lên gọn, mạnh, luyến láy du dương và… thoang thoảng mùi ‘‘nằm vùng’’:
– Cùng mắc võng trên rừng Trường sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường sơn đông nhớ Trường sơn tây…
Tôi thầm kêu trời, thôi rồi, Việt cộng. Ở cái xứ yên bình, thịnh vượng này, theo cộng sản không ai cấm đoán, nhưng đất nước mình hai miền quốc cộng rạch ròi, không nên lạm dụng cũng như bội ơn những người đã hy sinh vì cuộc chiến tự vệ để những kẻ, như chúng tôi, có cơ hội xuất ngoại du học. Bọn chúng, nhiều đứa có cha anh thuộc loại con ông cháu cha trong quân đội hay chính quyền Việt nam cộng hoà, học hành như hạch, nhờ đút lót mới được qua đây, vậy mà trở mặt. Tôi nghĩ vậy, nên đứng lên, bỏ ra ngoài đi tè. Vài đứa thẩn thơ hút thuốc lá ngoài sân vắng. Tự dưng tôi cảm thấy cô đơn và buồn bâng quơ. Những nghi vấn quái quỉ cứ bám riết lấy tôi, chực chờ dấy mầm cách mạng. Tại sao tôi lại có mặt nơi này mà không nơi khác? Tại sao tôi chỉ quẩn quanh trong bốn vách tư tưởng mình? Cái ngục thất chung thân ấy bao giờ mới thả tù nhân tôi ra cõi cô cùng tận của ý thức? Cuộc chiến Don Quichote trong mỗi người với chiếc bóng của chính mình chưa đủ cam go hay sao mà còn bày binh bố trận đánh nhau nhừ tử vì chủ nghĩa, tôn giáo và lòng tham vô tận? Nhưng không biết, có mấy ai san sớt cùng tôi những suy tư này?
Hôm nghe tin thiết giáp cộng quân tiến vào Sài gòn ủi sập cửa dinh Độc lập, mấy đứa thân thiết chúng tôi hùn nhau nấu một nồi cháo gà, mua một két bia, làm đêm không ngủ. Một đứa lý luận kiểu cổ học tinh hoa: ‘‘Thời buổi này, khôn dại gì cũng chết, biết thì sống!’’ Tôi rầu rĩ như mắc trỉ kinh niên, vì biết rằng kể từ đây khó hồi cố quận. Chúng tôi húp cháo, uống bia, bàn tính non già tương lai thời cuộc. Thoại bực bội chửi đổng:
– Mẹ nó, tao dự định hè này về thăm nhà.
Một đứa chọc ghẹo:
– Đâu ai cấm!
Thoại thách thức:
-Thằng nào dám về, tao cho tiền vé máy bay.
Đứa khác lơ đãng ôm đàn búng ‘‘tứng, tưng’’. Tôi nổi máu văn nghệ, gạ:
– Mày đàn tao hát bài ‘‘Chuyện chúng mình’’.
Tôi chuốc giọng sầu thảm: ‘‘Trở lại chuyện hai chúng… ứ.. ư… mình. Khi anh với em vừa biết đam mê, tình yêu tràn trề… ’’ Vừa hát tôi vừa tưởng tượng ra giọng ca sướt mướt của Thanh Thuý và những đêm mưa dậy thì nằm nghe rỉ rả chương trình nhạc thính phòng. Nhạc gì buồn như sợi tóc bạc tuổi mười tám. Nhưng chính vì vậy mà mỗi khi nghe lại, tâm tư tôi rát buốt như dao cứa.
Những ngày sau đó, chúng tôi hội họp liên miên. Không bao giờ đủ mặt. Một dúm thanh niên tha hương bỗng chia ba, xẻ bốn. Những đứa trước đó chỉ dám nhí nhố phản chiến, giờ cháy nhà ra mặt cộng rõ ràng. Tôi thân với vài đứa, từng nấu ăn chung, la cà ngủ lại qua đêm, giờ chạm mặt nhau trong giờ ăn trưa, chỉ một nhếch cười lạnh. Một số thuộc loại lửng lơ, được chiếu cố kỹ.
Thiền hùng hồn:
– Thời khắc đã điểm, chỉ có trắng với đen, đứa nào xam xám phải vạch nẻo chính tà cho nó thấy.
Tất cả đều đồng ý. Có đứa cười nham nhở: ‘‘Đả đảo bộ phận giữa’’, bị chỉnh tức khắc, đang thảo luận nghiêm chỉnh, không được nói năng cà chớn. Trong thành phần nằm giữa có Quách, người gốc Tàu, và ‘‘tiến sĩ’’ Tẩm, theo lời kể lại, chỉ biết ăn, học và thủ dâm. Một đứa thân với Quách, giơ tay xung phong:
– Thằng quận mười ba, để tao lo!
Đứa khác:
– Còn ‘‘tiến sĩ ’’ Tẩm, phải tới nằm vùng trong lòng địch, nói điều hay lẽ phải cho nó nghe.
– Ê, nó thuộc loại ‘‘bé hạt tiêu’’, thông minh xuất chúng, phải học tập trước khi nói chuyện thời thế với nó.
– Lẽ phải cần gì học?
– Nói có sách, mách có chứng, nó mới nghe.
Thằng nọ phủi tay:
– Tao dùng kế ‘‘đắc nhân tâm’’ để thu phục lòng người.
Một đứa đề nghị:
– Tụi mình tới toà đại sứ xin sách về làm tài liệu, thế nào cũng có lúc cần.
Nghe nhắc tới toà đại sứ, tôi liên tưởng ngay Huế. Thằng này trước đó có tục danh ‘‘tay sai toà đại sứ’’. Lúc Nguyễn văn Thiệu qua đây ‘‘giải độc’’, nó tò tò ra đón ngoài phi trường. Vậy mà bây giờ trở mặt một trăm tám chục độ. Cũng bày trò y hệt mấy đứa nằm vùng kỳ cựu khác, thảo diễn văn đứng đọc trong mấy buổi hội luận. Có thằng còn mở miệng bắt đầu bằng câu ‘‘bác Hồ kính yêu’’ thúi hoắc. Mặc kệ ruồi nhặng khẩu dâm, chúng tôi âm thầm hoạch định việc riêng: quay ronéo truyền đơn phản đối cộng sản bắc Việt xâm chiếm miền Nam, chờ đêm xuống bỏ vào hộp thư các cư xá sinh viên, cho in một tờ báo bằng tiếng bản xứ, gửi đi tứ phương. Nhiều khi cặm cụi tới khuya, không biết mệt.
Riêng tôi đã nhiều tháng rồi không tới trường. Quê nhà tả tơi hoa lá, học hành nỗi gì. Một hôm tôi nhận được văn thư của văn phòng cư xá sinh viên, tỉnh tôi trọ học trước đây, bắt về dọn phòng để phá sập toà nhà vì lý do an toàn. Cư xá là một cao ốc mười hai tầng, ngoài trông như mới, nhưng bên trong, nhiều nơi xệu xạo. Thang máy lúc chạy lúc không. Thang bộ không cửa, gió tuồn tuột, mùa đông tuyết ngấp nghé những bậc cấp. Phòng tắm và phòng vệ sinh mỗi tầng chung, thỉnh thoảng không có nước nóng, dân chúng la ó um sùm. Bởi vậy, ban đại diện sinh viên quyết định cắt tiền mướn phòng hai chục phần trăm, người người hoan hỉ.
Phòng trọ tuy hẹp nhưng mảnh tường trông về hướng tây lắp toàn kính nên sáng thoáng. Chiều tà nắng đẹp, mặt trời một vừng đỏ ối lăn chậm xuống ranh đất chập chùng xanh lá. Tiếng trẻ con nô đùa từ sân dưới vọng lên. Lúc mới dọn vào, lòng tôi cũng rộn ràng, nhận nuôi một con hoàng yến của người bạn sơ giao. Cứ tưởng chim và người sẽ tâm đắc, nhưng cuối tuần tôi bỏ đi hoài. Lần này lâu hơn vì chuyện thời thế, trở về tôi thấy chim rã cánh bên chậu nước khô. Tôi thẫn thờ đỗi lâu, rồi thu tóm tất cả, trút vào thùng rác. Tôi thừ người trong gian phòng hẹp, đẫm hơi quen mà tôi chưa một lần cảm thấy gần gũi. Bà quản gia cho hay, tôi là người dọn phòng sau cùng. Nghe mà não lòng. Kẻ cuối cùng trong toà nhà đã một thời huyên náo tiếng người. Những tường vách ấm áp, mỏng mảnh bên này nghe bên kia trở mình. Thằng hàng xóm có bận dẫn gái về quần quật thâu đêm làm tôi mất ngủ, bần thần cả ngày trong giờ học. Những tiếng chân, tiếng chuông điện thoại, tiếng người gọi tên, tiếng gõ cửa, tiếng âm nhạc đêm hè gió đứng, mùi chiên xào nấu nướng từ căn bếp chung, … Tất cả đã không còn. Vắng tênh. Im lìm. Chỉ mình tôi loay hoay gấp xếp khăn giường, áo gối, hoàn lại người quản gia. Xoay lưng ngó lại gian phòng lần cuối, rồi khoá trái, tôi bước như rơi vào vùng không gian mênh mông bất định. Chuyện học, chuyện nước non, chuyện cơm áo, chưa biết tính sao. Và biết rằng đời mình đang bước vào khúc quanh một chặng đường khác.

(tháng 6. 2003)

 

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)