Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 54

NuiDoan-48_thumb.jpg

 

NuiDoan-48

 Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

(tiếp theo)

 

 

Kết

 

 

Nắng đầu trưa tháng chạp rưới chan chan lên lộ đất. Người đàn bà trẻ trong chiếc áo dài lụa nội hoá màu hoàng yến, quần sa-teng đen, mang giày mũi bít, một tay xách giỏ mây đựng đầy quà cáp, tay kia nắm tay đứa con trai bận quần cụt xanh dương đậm, áo trắng tay ngắn, chân xỏ xăng-đan, kiểu đồng phục học sinh thường thấy ở thành phố, rảo bước hối hả. Tà áo lộng gió phất phơ. Thỉnh thoảng thiếu phụ lại dừng chân, rút khăn mù-xoa chặm mồ hôi rịn trán. Mái tóc phủ ngang thắt lưng loà xoà hứng gió.

Thằng con trai ngước mặt rụt rè:

– Má, má, con khát nước.

Người đàn bà khẽ gật đầu:

– Ờ, ờ, chút nữa má con mình kiếm quán nước, ngồi nghỉ mệt.

– Nhà nội còn xa không má?

Người đàn bà trả lời dè chừng:

– Chắc không còn xa đâu con.

Mới nãy hỏi thăm mấy người ở bến xe đò, họ nói, quãng đường độ chừng hai cây số, đi bộ hơn nửa tiếng là tới. Ngôi nhà gạch nằm bên trái dòng sông, xây cạnh vườn cây ăn trái, điểm dễ nhận là khung cửa gỗ vòng cung, treo tòn teng quả chuông con. Thời tiết tháng chạp nhuốm gió, nóng dễ chịu. Bà đã dọ ý đón xe lôi, nhưng chú lơ xe cho biết, không có xe chạy vô đó vì đường hẹp và phải đi qua vài cây cầu ván.

Đứa con trai đọc trong ánh mắt người mẹ nỗi nôn nóng, hối thúc:

– Thôi má, mình đi bộ, khỏi tốn tiền.

Vậy mà, đi đã hai mươi lăm phút, vẫn chưa thấy ngôi nhà gạch nào. Dọc theo lộ đất, một bên là dòng sông nâu quánh phù sa, lục bình bông tím trôi lặng lờ mặt nước ròng, bên kia là ruộng lúa sắp tới mùa gặt tháng chạp, đơm hột cong oằn. Hương lúa chín lẫn mùi bùn, mùi rơm rạ, mùi cây trái tạp nhạp se se khứu giác. Trong bóng mát hàng cây thưa lá ven ruộng lúa, trâu và người ngồi nghỉ trưa. Xa xa, ẩn hiện sau hàng rào xương rồng, lác đác vài nóc nhà tranh, thấp thoáng hàng dừa thẳng ngọn in lên vòm trời trong veo, không một gợn mây. Tít tắp tận chân trời, mờ mờ viền núi thấp, đỉnh bằng như bị ai vạt.

Bất chợt đứa nhỏ reo lên:

– Má ơi, đàng kia có quán nước.

Người đàn bà nheo mắt ngó. Ở khúc quanh trước mặt, khoảng trăm thước, một quán lá cất dựa thân cổ thụ rũ rượi bóng lá. Thằng con trai rút tay mẹ nắm, chạy trước. Tới gần, thấy dựng phía trước tấm bảng đen nắn nót phấn trắng, nó dừng chân lẩm nhẩm:

– Quán cơm bình dân Bảy Rạng. Thực đơn trong ngày: Cá bống trứng kho kẹo, hai đồng một dĩa. Canh cải chua, một đồng một chén. Cơm khỏi trả tiền. Rượu đế mới. Bia 33, nước xá xị, nước cam nai vàng. Có đá. Chủ nhơn kính mời.

Rồi giơ tay ngoắt:

– Má ơi, ở đây có bán nước giải khát nè má!

Người đàn bà và đứa con trai bước vô. Độc nhất một thực khách ngồi phì phèo thuốc lá bên mặt bàn chén dĩa chưa dọn.

Vừa ngồi xuống, từ sau bếp bà chủ quán bước ra, giọng đon đả:

– Cô em dùng chi?

Thiếu phụ ngần ngừ:

– Má con tôi muốn gọi nước uống.

– Quán của tui có bán nước ngọt đá lạnh. Nếu cô thích uống nước dừa xiêm mới cứng cơm, cũng có.

Thằng con trai vọt miệng:

– Con uống xá xị nước đá.

– Bà cho tôi một xá xị đá, một ấm trà nóng.

Bưng nước ra cho khách, bà chủ quán lên tiếng mời chào:

– Đặc biệt bữa nay quán có bán chè trôi nước. Món chè nầy tui làm ngon có tiếng ở đây đó cô.

Bà khách tần ngần:

– Tôi không biết có kịp không nữa. Chuyến xe đò trở lên Sài gòn chiều nay khởi hành lúc bốn giờ rưỡi.

Bà chủ quán tò mò dọ dẫm:

– Ủa, cô định đi đâu, làm gì mà sợ hổng kịp?

Thiếu phụ nâng tách trà hớp ngụm nhỏ, rồi thở ra thành tiếng:

– Chần chờ năm lần bảy lượt, bữa nay tôi mới có dịp dẫn thằng con về thăm ông bà nội nó. Ba nó biên thơ nhắc hoài, ghi địa chỉ, chỉ đường đi nước bước. Nhưng không biết tôi đi có đúng đường không nữa?

Bà chủ quán ái ngại:

– Địa chỉ là đâu vậy cô?

Thiếu phụ vội vàng lục lọi trong giỏ mây đựng nhóc nhách quà cáp, lát sau lấy ra phong thơ gấp đôi, rút tờ giấy đặc kín chữ, nhẩm đọc:

Nhà ba má anh ở làng Ngàm Long thuộc tỉnh Trà Sơn. Từ Sài gòn em đi xe đò về Trà Sơn, tới nơi đón xe ngựa về Ngàm Long, xuống ở hương lộ số mười bảy. Sau đó em hỏi thăm người ta đường tới nhà ông Phạm huy Chương với bà Trần thị Mến có miếng vườn trồng cây ăn trái, cửa gỗ có treo cái chuông… Tôi đi đúng đường không bà chủ?

Bà chủ quán nhậm lẹ:

– Đúng rồi đó cô. Từ đây tới đó gần xịt. Có điều, tui hổng biết tên trong giấy khai sanh của hai người nầy… Hay là… ý cô muốn nói nhà của ông bà Tư có mấy người con tên Chúc, tên Châu?

Bà khách rực mắt tở mở:

– Phải rồi! Ba thằng nhỏ tên Chúc, Phạm huy Chúc.

Giọng bà chủ quán ngạc nhiên, hăm hở:

– Vậy sao? Nói vậy cậu Chúc còn sống sao? Quỉ thần thiên địa ơi, vậy mà ông bà Tư cứ tưởng cẩu chết bờ chết bụi ở đâu rồi. Bà Tư biết được tin nầy, dám lăn ra chết giấc.

Nói xong, bà tự nhiên kéo ghế ngồi cạnh má con người thiếu phụ, hỏi một mạch:

– Cậu Chúc hiện giờ ở đâu vậy cô? Mạnh giỏi hông? Vợ con gì chưa? Ờ, ờ, … nói vậy, cậu Chúc với cô đây là… gì với nhau vậy?

Thiếu phụ do dự:

– Dạ… thì… tôi có con với ảnh, nhưng không lấy nhau.

– Kỳ hông. Bộ cậu ấy ăn ở với cô có thai rồi quất ngựa truy phong hả?

Bà khách cười buồn:

– Không hẳn vậy. Chuyện hai đứa tôi hơi dài dòng, rắc rối. Bà làm ơn chỉ đường cho má con tôi tới thăm ba má anh ấy đi!

Nét mặt bà chủ quán chợt sầm xuống, hỏi giọng ngạc nhiên:

– Ủa, cô em hổng hay biết gì hết hả?

Thiếu phụ nhíu mày:

– Bà nói sao?

Bà chủ quán trợn mắt:

– Ông bà Tư bán nhà bán đất, dọn lên Sài gòn gần chục năm nay rồi. Miếng đất bây giờ đã có chủ khác, cô Hai tới đó chi cho mất công, đâu còn ai ở đó. Cô với lại cháu ở lại đây, tui dọn cơm cho ăn, chờ tới giờ xe chạy rồi trở về trển. Ăn uống xong, tui sẽ kể cho cô nghe đầu đuôi câu chuyện.

Bà khách đưa mắt dàu dàu ngó ra con đường đất giát nắng lấp loá, buông tiếng:

– Được rồi, bà chủ làm ơn dọn cho má con tôi một phần cơm canh cá kho, hai cái chén.

Thằng con trai xụ mặt:

– Con không thích ăn cá kho.

Người đàn bà ngước mặt:

– Quán có bán trứng gà hay trứng vịt không bà chủ?

– Dạ, đủ hết.

– Vậy bà làm ơn chiên cho cháu một trứng gà với chén nước mắm pha không ớt.

Bà chủ quán day mặt vô hướng bếp, đon đả:

– Được ơi, một phần cơm canh cá kho, một trứng gà chiên, chén nước mắm không ớt, bàn số ba.

Bên trong bếp vọng ra tiếng đàn ông trả lời:

– Có liền!

 

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)