Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 14

NDSL-11_thumb.jpg

 

 

NDSL-11

 

 

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.
 

 

(tiếp theo)

 

Từ đó tới nay đã nhiều năm trôi qua mà chị Ba Khởi vẫn còn ghim trong trí tường tận mọi chi tiết cái buổi trốn nhà ra đi. Làm sao quên được cái đoạn đời ngắn ngủi mà linh động sắc sảo đó? Tưởng như mọi sự là một giấc chiêm bao lý thú, chỉ mình chị nghiệm trải, mà chị chưa một lần chia sẻ cùng ai. Nó là cái kén bướm lụa là óng ả ẩn sâu trong tâm thức chị, thoảng khắc lại động đậy đôi cánh rực rỡ những nẻo bông thơm. Đời người cớ sao như những tấn tuồng, đầy hỷ nộ ái ố.

Lâu lâu chị nhờ Cẩm đọc cho nghe vài chương cổ tích. Có Nghi Xuân, Tấn Lực bị mẹ ghẻ hất hủi. Có nàng Xuân Nương thiệt đáng khâm phục, chẳng nề hà chi một xẻo thịt đùi dâng cho mẹ chồng trong cơn đói hoàng hành. Gấp sách lại, Cẩm với chị Ba rủ rỉ:

– Chị Ba nè, xẻo thịt như vậy, đau chết!

– Xón đái chớ hổng phải chơi. Nhưng bà già đói muốn xỉu, làm sao bây giờ?

– Tỷ như chị là Xuân Nương, chị dám làm vậy không?

Chị Ba mím môi, nghĩ ngợi cặn kẽ:

– Chắc không. Trong rừng thiếu gì cây trái, sao hổng hái cho bả ăn, nhè cái đùi mà thẻo, có ngu không?

– Ngu quá đi chớ. Mà em như bà mẹ chồng, em hổng dám ăn đâu!

Chị Ba cười rượm nước mắt sống:

– Đói quá mà … Biết đâu chừng, trước đó Xuân Nương còn ướp thịt với mắm muối tỏi ớt rồi đem nướng. Thơm điếc mũi chớ hổng phải chơi!

Cẩm thiệt thà:

– Gia vị ở đâu nhiều vậy?

Chị Ba làm mặt nghiêm:

– Đàn bà mình mà em, tánh ưa lo xa, đi đâu cũng nê theo mắm muối.

Có khi, mùa nắng oi bức, chị Ba Khởi căng giường bố, giăng mùng ngủ ngoài vườn sau cho mát. Cẩm háo hức xin má cho Cẩm ra ngủ chung với chị. Trời, ngủ ngon làm sao trong điệu ru côn trùng đồng nội. Chập chờn đây đó đom đóm chớp tắt vũ khúc lân tinh. Có lần ngoài đình làng cúng giỗ ba ngày, tối nào cũng có hát bội, chị Ba lén má cắp Cẩm băng ruộng đi coi. Cẩm không hiểu gì ráo, chỉ thấy đào kép sắm y trang lộng lẫy, sân khấu rực đèn măng-xông lắp màu sáng rỡ, trống chầu và sên phách gõ nhịp xang xíu. Người coi đông nghẹt trong ngoài. Chị Ba phải đội Cẩm trên vai, Cẩm mới thấy. Không lâu sau, Cẩm đâm chán, oặt cổ ngủ gục lên chỏm tóc chị sực nức hương dầu dừa. Bận về, chị cõng Cẩm lặt lìa lúp xúp theo bạn dọc bờ sông. Chị không dám băng tắt ngang ruộng vì sợ ma. Sáng hôm sau, má biết chuyện, rầy chị dữ lắm. Về sau má không cho phép Cẩm ra sân ngủ chung với chị Ba nữa. Mà những đêm quê nhà cũng không còn yên lành như trước. Người ta kể nhau, họ thường trở về lúc khuya khoắc, quấy phá đồn bót Tây đóng, hoặc đột nhập nhà bá hộ để khảo của. Nơi nào họ thường lộng hành, chỗ đó Tây ruồng thường hơn. Nghe kể, Tây đen rạch mặt giết người cướp cạn, không thương tiếc. Làng quê Cẩm ở, tương đối yên vì gần tỉnh. Có điều sưu thuế đổi nặng làm má không ngớt chép miệng thở than. Bao nhiêu mẫu ruộng còn yên đó. Nhà ông bà nội không có lệ nuôi tá điền, mà làng xóm thân cận xúm nhau cấy gặt vần công. Chú Năm Tự là tay làm ruộng giỏi giắn có tiếng. Chú mạnh cùi cụi, chưa hề đau ốm chi. Lại thêm một tay chú Đức cứ hai mùa lúa hằng năm lại tới lui phụ hợ, được trả công bằng lúa đong khẳm ghe.

Còn như chị Ba Khởi và chú Năm Tự đây, chẳng ai có bà con chi với nội ngoại Cẩm. Bà nội thường nhằn nhò, tuổi bây tỵ hợi xung khắc, mỗi khi bà nghe hai người gấu ó dằn dai. Nhưng chưa lần nào Cẩm thấy chị Ba và chú Năm giận nhau. Mà trái lại, hưỡn việc là chị Ba rinh mấy cái áo, cái quần rách của chú Năm ra khâu vá. Chú Năm bụng dạ hệch hạt, đã không mang ơn thì thôi, còn kêu ngạo:

– Dì Ba nó làm bao nhiêu lần, tui đều gạch sổ, đủ số tui gom tiền ra chợ sắm đôi bông cẩm thạch, nhờ người hỏi cưới.

Chị Ba không vừa:

– Tui thấy thân phận chú trôi sông lạc chợ, nên tui ra tay làm phước, chớ đây hổng ham vòng vàng, cẩm thạch.

– Còn chồng, ham không?

Chị Ba làm mặt lạnh:

– Tui tin ở số phần, chú Năm à!

Chú Năm vảnh môi, nói ca dao tự đặt:

– Vô duyên bởi tại số phần. Duyên phần lươn lẹo, chổng mông kêu trời.

Chị Ba háy chú một cái bén ngót. Chú Năm cười ha hả, bỏ đi chỗ khác. Ngoài mặt chị Ba làm bộ giận, nhưng trong lòng chị thấy vui vui. Nghe đâu chú gốc gác người cù lao miệt rừng tràm, rừng đước. Chú ưa chuyện vãn tào lao, nhưng hiếm khi nhắc tới bà con chòm xóm. Có nhắc, lần nào chú cũng mở đầu bằng câu, úi trời, quê tui nghèo rích nghèo rang, nhưng vui lắm lận ai ơi suốt mùa. Nếu có ai cắc cớ hỏi, vui sao bỏ đi, thì chú trả lời, tại cái số tui nó vậy, ham lận đận.

Chị Ba mến phục chú Năm ở điểm nầy. Nghèo, mù chữ, vậy mà chú thuộc ron rót Lục Vân Tiên. Mỗi khi huỡn tay, chú kêu Chung đem cuốn “Vần quốc ngữ” ra bày cho chú đọc viết. Chung thích lắm, vì mấy khi có dịp vênh mặt làm thầy giáo. Hai chú cháu xách ghế đẩu ra ngồi sóng đôi dưới bóng mát cây ổi cạnh chuồng gà sau nhà, để người ngoài lộ khỏi ngó thấy làm chú Năm ê mặt. Bao nhiêu vốn liếng học ở trường làng, Chung nhớ gì, truyền hết cho chú Năm. Chú học chậm nhưng siêng, lâu ngày dày tháng vô đầu lúc nào không hay, chú Năm biết đọc viết võ vẽ.

Dạy riết, tới lúc Chung cạn chữ thì chú Năm đã một nhúm quốc ngữ dằn túi. Có lần chú đề nghị với chị Ba:

– Nếu dì Ba nó muốn, tui chỉ cho đọc.

Chị Ba trề môi:

– Hổng ham! Người gì thuốc rê hôi rình.

Chú Năm hỉnh mũi lần khân:

– Tắm xà-bông thơm, hết hôi cấp kỳ.

– Biết bao nhiêu xà-bông mới đủ?

– Hổng phải tại thiếu mà vì không có người chà xà-bông, xối nước.

– Ai thèm?

Chái nhà sau, nửa làm bếp, nửa là chỗ ngủ của chị Ba Khởi và chú Năm Tự, mỗi người một góc. Chú Năm ngủ dễ, lại ngáy ro ro như sáo diều làm chị Ba khổ tâm không ít. Bà nội biết chị khó ngủ, nhất là lúc chị tới kỳ kinh nguyệt, kêu chị nấu trà khổ qua uống cho mát tì vị. Chị Ba hiểu lòng mình, không hẳn chỉ tại vậy. Cái chị cần, chị không dám tỏ cùng ai, chỉ biết âm thầm nhắm mắt trong bóng đêm khoắc khoải, bên tiếng ngáy trõm trơ của người đàn ông. Rồi chị rầu rĩ bâng quơ, thầm trách tạo hoá keo kiết chi, không ban cho chị chút đỉnh nhan sắc. Đã nhiều phen chị nghiêng mặt soi bóng nước cầu ao, hay tẩn mẩn lấy cái kiếng con ố thuỷ lỗ chỗ ra nặn mụn trứng cá. Có người bày chị hái rau má giã nát đắp lên, nhưng chị chưa làm vì mắc cỡ. Chú Năm Tự thấy được, không khỏi chế nhạo, dì Ba nó sửa sang cho ai ngắm vậy hé?

Một lần, có Cẩm ngủ chung, chị thều thào tâm sự:

– Cẩm nè, chị xấu lắm, phải không em?

Cẩm đẩy đưa:

– Em thấy chị cười có duyên lắm chớ.

Hai mắt chị Ba rạo rực long lanh trong bóng tối:

– Có chắc không đó?

– Em ưa ngó cái mụt ruồi dưới mép môi chị.

Chị Ba cười rúc rích:

– Cái mụt ruồi ăn vụng mà em.

– Chị còn biết nấu ăn giỏi. Chị nướng cá trê giầm nước mắm gừng, ăn khỏi chê.

Chị Ba ghì chặt Cẩm vô lòng:

– Cá trê giầm mắm gừng mắc mớ gì tới chuyện xấu đẹp vậy cưng?

Cẩm tỉ tê:

– Có chớ. Đẹp cho cố mà làm bếp dở, ma nó lấy. Em là con trai, em lựa người đèm đẹp thôi, nhưng phải nấu nướng khéo.

Rồi Cẩm tần ngần:

– Theo em, chị Mừng cháu thầy Ba mới xấu.

Chị Ba cố nén để khỏi bật tiếng cười lớn:

– So với ai hổng so, đem so với con Mừng. Thôi, ngủ đi cưng!

 

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)