Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 16

NDSL-16_thumb.jpg

 

 

NDSL-16

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

(tiếp theo)

 

*

Gian dưới, chị Ba Khởi lùa gắp bún thịt quay còn lại vô miệng, gác đũa ngang tô, cầm chén nước lóng phèn ực một hơi gần cạn. Chú Năm Tự thôi nhai, cất giọng lưỡng lự:

– Tui nói … nói … cái nầy, dì Ba nó đừng giận.

Chi Ba Khởi liếc mắt:

– Mửng cũ hổng bỏ.

Chú Năm dả lả:

– Chuyện nầy mới tinh hè!

Chị Ba đâm tò mò:

– Chú muốn nói, có trời cản.

Chú Năm Tự làm mặt nghiêm:

– Bữa nay dì Ba nó … nêm nước mắm hơi mặn. Chắc dì nó lậm tình ai?

Chị Ba "hứ" tiếng lớn:

– Vô duyên quá! Tưởng chuyện gì trọng đại.

Chú Năm cười khì:

– Nêm nước mắm vừa miệng mọi người, quan trọng lắm chớ. Còn món gỏi ngó sen tép bạc thẻ, dì Ba nó trộn … tui thấy … ơ …

– Gì nữa đây?

– … ngon hết chỗ chê.

Chị Ba chớp mắt:

– Nhờ mấy con tép còn nhảy xoi xói, với lại mớ rau ớt chú hái, tươi rói.

– Tại nước rút, bón phù sa làm rau trái mọc mạnh. Đố khỏi, năm nay trúng mùa.

– Ngoài chợ, người ta đồn nhau tránh ăn tôm càng, cá trê, cá chốt vì chúng rỉa rói thây người chết trôi.

– Vậy sao ăn khô cá tra rộng ao cầu tiêu?

Mặt chị Ba Khởi chầm vầm:

– Nói chuyện với chú nhiều lúc bực mình quá.

Chú Năm Tự vẫn nhơn nhơn:

– Hèn gì dì Ba nó không động đũa tới cái đuôi cá trê nướng dầm nước mắm gừng, ngon thấu trời.

Chị Ba đứng lên, giọng dứt khoát:

– Tui lên nhà trên coi dọn dẹp, còn hâm lại món chè khuya.

Chú Năm Tự không nói gì thêm, chồng mớ chén dĩa vô khay, bưng ra sàn nước. Đêm trở mình tối mịt. Ngó lên, sao vằng vặc giăng đầy. Khuôn trăng lệch ẩn sau vòm lá im gió. Nhạc côn trùng lẫn tiếng ếch nhái uềnh oang, đơn điệu, lê thê. Từ nhà trên vọng ra tiếng ông thầy giáo ngâm nga bài thơ không biết của ai, nghe hùng tráng quá. Chú Năm rút túi thuốc rê giắt lưng quần, chẩm rải vấn điếu, châm lửa, bặp bặp nhả khói. Cảnh trời đất nơi đây đâu khác gì chốn quê chú, cớ sao đôi lúc chú cảm nhận nỗi gì chan chán, chật chội. Chú biết cá tính chú ưa xông pha, lặn lội, ít khi chịu ở một chỗ. Vậy mà nhẩm lại số năm chú tới ở đợ nhà nầy, hai bàn tay không đủ đếm.

Trưa đó, chú đã ngoài hai mươi rồi, máu giang hồ phỉ chí đưa đẩy chú giạt về miệt đất quanh năm nước ngọt cách đây nhiều đoạn sông dài. Chú tới xin tá túc sau đình làng, ngày ngày lội ruộng ra chợ lóng ngóng tìm việc làm. Một góc chợ, dưới bóng mát tàn cổ thụ hằng trăm năm, lúc nào cũng tụ tập một mớ đàn ông, phụ nữ. Ai cần người giúp việc, làm công nhựt hay phụ hợ bất kỳ chuyện chi, cứ việc tới đó lựa chọn, dẫn đi. Chủ, thường là đàn bà, tới tìm chị ở nấu bếp, giữ con. Đôi khi là chủ ruộng cần tá điền cấy gặt theo mùa.

Chú Năm Tự ngồi chờ đã ba buổi rồi, vẫn chưa có ai tới hỏi han, dắt chú đi. Túi thuốc vấn chỉ còn một nhúm lụn vụn. Tiền lận lưng sót lại đâu mấy cắc. Chú khởi tâm lo lắng, chạnh nghĩ tới ngày mai.

Bữa nọ, lúc trời chập chợn nghiêng bóng, chợ nhóm đã thưa người bán mua, chỉ còn lại chú và hai phụ nữ luống tuổi ngồi xổm đó. Hai người đàn bà chìa tay bói vận sự cho nhau. Một người cất giọng rôm rả, chị yên chí, tay chị đỏ lưởng lòng đỏ hột gà như vầy là điềm tốt chớ hổng phải chơi. Người kia ré cười ngặt nghẽo, thôi bà, tay tui đỏ tại mới nãy tui ăn trái xoài mủ nổi mề đay, ngứa muốn chết. Chị nọ chưng hửng, vậy he, hổng chịu nói trước, ai biết. Mẻ nầy, tổ trác, dìa cho rồi. Chị vừa đứng lên, phủi ống quần thì có người đàn bà, tay xách giỏ mây, tiến lại, xẳng giọng:

– Tôi kiếm người làm.

Giọng phát âm lơ lớ. Chú Năm Tự đứng phắt dậy, mặt mày tươi tỉnh. Hai phụ nữ lấn tới cản mặt chú, nhao nhao:

– Tui sành nấu ăn, rửa chén, quét nhà, giặt quần áo …

– Tui còn biết giữ em, tưới cây, đủ thứ hết bà chủ ơi!

Người đàn bà phất tay:

– Không, không, tôi cần một chú chèo ghe giỏi.

Nói rồi bà trỏ mặt chú Năm Tự, thẳng thừng:

– Chú theo tôi!

Chú Năm tở mở, dụi tắt điếu thuốc, mau mắn theo chân người đàn bà. Bấy giờ chú mới để ý ngó kỹ dáng dấp bà ta. Điệu bộ bà vững vạc với quần mỹ a, áo bà ba nâu lợt; đầu tóc quấn cao, hung đỏ như cháy nắng, để lộ đáy ót trắng nhỡn. Cứ theo giọng nói, diện mạo và tạng người mà đoán, chú Năm Tự ngờ ngợ xuất xứ người đàn bà. Đất thuộc địa nầy, thiếu gì Tây tà tới đây lập nghiệp. Kẻ ác tâm thẳng tay chiếm đất, người lương thiện mua lại với giá rẻ. Đa số học thói ăn nói, sống hiệp hoà với người bản địa. Không ít đàn ông lấy vợ ta, con cái đùm đống, tên nửa Tây nửa ta thằng Răng, thằng Rắc, con Xoa, con Rỉ.

Tới bến sông, người đàn bà ra lệnh:

– Ghe tôi đó! Chú đưa tôi về nhà, tôi giới thiệu với chồng tôi rồi tính chuyện sau. Tên tôi là Dupont, chú kêu tôi bà Bông, được rồi.

Giọng người đàn bà chắc nịch, lịch sự, không cảm xúc. Chú Năm Tự vẫn còn bất ngờ trước sự việc xảy tới nhậm lẹ, chỉ biết dạ, dạ, luống cuống tuân lời người đàn bà. Ghe lót chiếu chỗ ngồi, lườn thấy chứa vài bao bố lớn, có lẽ đựng gạo và lổn ngổn khoai lang. Bà Bông ngồi day mặt ra trước. Nắng chiều loé sáng theo từng nhát dầm xẻ nước. Người đàn bà giơ tay tháo kẹp, hất mái tóc dợn sóng nâu đỏ phất sợi theo gió, ngược nắng lấp lánh.

Gần tới ngả ba sông, bà Bông quay mặt:

– Chú bẻ hướng trái.

Rồi nhoẻn cười, phô hàm răng trắng tinh. Nước da bà Bông mịn hồng, gương mặt thanh tú, nhưng rờn rợn vẻ lạnh lẽo bóng quế …

Chẳng hiểu sao, dăm ba hình bóng cũ trở về chợn vợn tâm tưởng chú Năm Tự tối nay, ma lực gờn gợn. Chú nhớ lại, khoảng thời gian chú tới giúp việc trong nhà ông bà Bông xảy ra nhiều chuyện rối rắm, rốt cuộc bắt chú phải bỏ đi. Cớ sự đưa đẩy, mỗi mình chú canh cánh tạc dạ. Nói theo giọng tuồng, ví như thương tích khó liền da …

– Chú Năm làm gì đứng đó như trời trồng, hổng sợ muỗi cắn he?

Người đàn ông thở hắt, day lại. Chị Ba Khởi đứng bên cửa bếp, ánh lửa hoả lò nhấp nháy sau lưng.

– Tui dọn chè khoai nước dừa, có để dành cho chú một chén lưng, vô mà ăn!

Chú Năm Tự vuốt tóc, bước đi để lại chiếc bóng quá khứ còn nấn níu tâm khảm.

*

Tiệc tàn lúc trời quá nửa đêm. Má sai Chúc xách đèn đưa thầy giáo Hoàng về nhà. Thấy Châu chàng ràng bên cạnh, má hiểu ý, nghiêm mặt:

– Con Châu xuống nhà dưới, coi giúp chị Ba dọn dẹp, rửa chén!

Châu dạ nhỏ. Thầy giáo Hoàng chào từ giã, cám ơn ông bà nội, má rồi hấp tấp bước ra cửa. Chúc cầm đèn đứng đợi ngoài hàng ba từ nãy giờ. Má và Châu theo sau, dừng bên ngạch cửa, ngó theo bóng hai người đàn ông lầm lũi tan theo bóng đêm. Má trở vô rồi mà Châu còn đứng đó, bước tới tựa vai vô cột nhà, tia mắt dai dẳng dõi tìm bóng đèn dầu lao chao ngoằn ngoèo lối đất. Lời thơ tiếng nhạc vui vầy còn văng vẳng trong trí cô. Tay đêm dịu nhiễu góp gió mơn trớn gương mặt Châu ngước lên. Tinh tú rạng rỡ. Hương bông trái thơm lừng. Tâm cảm Châu tươi tắn thanh xuân. Cô hít một hơi đầy buồng phổi, quay lưng đi xuống nhà sau.

Chị Ba Khởi khen Châu có giọng tốt, làm đào hát được. Chú Năm Tự hò lơi:

Má ơi … ớ … đừng đánh con đau, để con bôi mặt … ơ … làm đào má coi.

Châu đỏ mặt khúc khích:

– Chú nầy …

Tráng chồng chén dĩa tạm sạch, Châu uể oải đứng lên nói với chị Ba Khởi:

– Mai mình rửa tiếp được không chị? Em tắm rửa rồi đi ngủ.

– Em cứ việc đi tắm, mình chị làm được rồi.

Chú Năm Tự hăng hái:

– Để tui phụ dì Ba nó một tay.

Chị Ba nói không ngửng mặt:

– Nhà chỉ còn bộ chén kiểu nầy, làm bể, chú nai lưng ở đợ trừ.

Chú Năm hệch hạc:

– Tay tui coi ô dề vậy chớ khéo lắm à, dì Ba nó chớ coi thường. Dì Ba nó nè …

Giọng người đàn ông nhỏ lại dụ dự. Chờ một đỗi, không nghe thêm gì, chị Ba Khởi day mặt, hai mắt long lanh:

– Chú muốn hỏi gì?

Chú Năm Tự xổ một tràng như sợ quên:

– Tui muốn hỏi dì Ba nó từ nào tới giờ có thương ai chưa?

Nét mặt chị Ba lẫn đẫn như khoai sượng. Chị nhíu mày chăm bẳm ngó cái người ra vô chạm mặt cằn nhằn gấu ó hằng ngày, mà bỗng dưng lạ hoắc lạ huơ như mới gặp lần đầu. Chị quay sang phía nhiều bóng tối, chớp mắt lí nhí:

– Chú nầy … hỏi … kỳ.

Chú Năm uốn lưỡi:

– Kỳ nhông hỏi má kỳ đà, ngày lành tháng tốt tới nhà … ờ … ở … ớ … luôn.

Chị Ba Khởi cười rưng rứt bờ vai. Chị không muốn nói ra, đây là lần đầu có người hỏi chị những điều thầm kín. Nhưng chị biết tính chú Ba xởi lởi, khó lường. Tưởng giếng sâu, em nới sợi dây dài. Ai dè giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây. Mà người đàn ông đâu đã tỏ lộ tình ý gì, cớ sao chị lại nghĩ ngợi vá quàng "sâu cạn, vắn dài"?

– Thôi, mình để đó, sáng mai rửa tiếp.

Chị Ba nói rồi chùi tay vô khăn vắt vai, quay lưng. Được vài bước, chị day lại, nói mau:

– Chưa có ai hết, chú Ba à!

Cây đèn dầu móc cán tre chao ngọn chập chợn như chực tắt. Chú Năm vặn nhỏ tim đèn. Đốm lửa se sắt mỏng rồi tắt phụp. Đêm úp lại. Chờ một lát, thị giác chú mới quen dần bóng tối. Sông ruộng thủ thỉ khúc nam ai u hoài. Người đàn ông chợt nhận chân nỗi đơn chiếc nặng lòng. Tại cái số mình nó vậy, chớ đâu ai muốn.

Chỗ ngủ của chú Năm Tự cách giường nằm chị Ba Khởi bộ ván bếp dài độ sáu bước. Hầu như sáng nào chị Ba cũng nhiếc móc chú, người gì ngủ ngáy như heo bị thọc huyết. Chú làm mặt rầu rĩ, tại hổng có ai vuốt lưng, quàng tay, gác chân, mới vậy.

Khuya nay, như những khuya khác, chú Năm cũng nằm chèo queo một mình. Có bận chị Ba Khởi rảnh tay, khâu cho chú cái gối ôm dồn lông vịt. Vải dư chị xin của má, tẳn mẳn ráp thành cái gối vá quàng ngộ nghĩnh. Ngặt nỗi chị dồn nhiều lông cánh, ôm cấn da, không đã. Chú Năm phàn nàn, chị Ba biểu đợi mùa cây gòn ở miếu thổ thần trổ bông, chị tới lượm về, thay ruột gối cho chú. Vậy mà, đã mấy độ nắng tới mưa đi, vẫn không nghe chị nhắc nhở chi. Mà đã ai dám léo hánh, lượm lặt thứ gì ở đó? Ổng linh lắm. Nghe kể, có thằng trẻ con tới miễu bắt dế, tuột quần đái bậy, bị ổng quở, làm cho bí tiểu ba ngày ba đêm. Uống nước mía lau lá chanh thiếu điều ói mửa, vẫn không rỉ lấy một giọt. Sau, má nó phải đem xôi chè bánh trái tới cúng tạ lỗi, mới hết.

Chú Năm Tự trở mình, siết chặt chiếc gối ôm vô bụng. Mớ lông vịt cồm cộm gợi nhớ những nghiệm trải thuở làm mướn nhà ông bà Bông. Chú kêu thầm, trời ơi …

 

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)