Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 7

 

 

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

(tiếp theo)

 

… Ông Chín đột ngột kêu lên:

– Sắp tới rồi nghe bây! Chèo thủng thẳng lại!

Chúc định thần nhìn kỹ. Phía trước, chừng trăm thước, thấp thoáng sau đám lá sậm xì là thân cầu xi-măng đen sẩm bắc ngang, ngập nước một phần ba. Nhà phú hộ Hoạch, thuở trước, Chúc được ông nội dẫn tới mấy lần. Ngôi nhà gạch khang trang, tường vôi nâu lợt, lợp ngói đỏ. Phía trước hai gian nối nhau bằng lối đi lót gỗ dầy có mái che. Sau là một dãy nhiều căn ngăn ra làm nhà bếp, cầu tiêu và chỗ ở cho gia nhân. Lúc ông nội còn giữ chức hương quản, ông có thông lệ tới chúc mừng ông bà phú hộ Hoạch ngày mồng hai Tết. Chúc thích lắm, vì lần nào cũng được tiền lì-xì thiếu điều rách túi và được ăn bánh mứt thoả thuê. Phú hộ Hoạch có nuôi hai con chó bẹc-giê lớn chần vần, cao gần bằng Chúc, nhưng rất mực hiền lành và dễ biểu. Ông phú hộ chỉ cần hô một cái bằng tiếng Tây là chúng tuân theo răm rắp. Nghe nói, ông có tới ba bà vợ, sống chung hoà thuận. Nhưng đường con cái ông hiếm muộn, ngoài bốn mươi mới đậu với bà thứ ba hai gái sinh đôi, đặt tên nửa tây nửa ta, Jeannette Hồng và Jacqueline Mai. Chúc nghe bà vú gọi hai tiểu thơ là moa-sen Giang và moa-sen Linh. Mỗi bận Chúc tới là hai đứa xúm lại nắm tay, rủ Chúc tung tăng khắp nhà. Có điều, nói chuyện với hai cô hơi khó, vì hai cô xổ tiếng Tây nhiều hơn tiếng Việt.

Cũng vì biết Chúc rành rẽ ngõ ngách nhà phú hộ Hoạch, mà ông Chín và thằng Mười mới rủ Chúc theo. Chúc thắc mắc, tới đó chi vậy? Ông Chín tỉnh rụi:

– Tới gom của với lại kiếm thêm lương thực.

Chúc phất tay từ chối thẳng. Ông Chín khích bác:

– Tướng mầy coi yêng hùng vậy mà gan thỏ đế. Cả dòng họ phú hộ Hoạch tản cư ráo mẹ nó lên Sài gòn hết rồi.

– Còn gia nhân đâu?

– Tụi nó trốn về quê hết trọi. Lụt lội như vầy, cho vàng cũng hổng đứa nào dám ở lại.

– Tui không quen làm chuyện nầy, ông Chín à. Thất nhơn ác đức lắm!

Ông Chín gằn giọng:

– Hơi sức đâu nói điều nhơn đức với thứ cường hào ác bá? Phú hộ Hoạch làm chó săn cho Tây, bóc lột dân nghèo. Mầy nghĩ coi, cái đám tá điền ra sức làm mọi cho chả, có ai ngóc đầu lên nổi? Hằng năm nai lưng cấy gặt hai mùa, cực hơn trâu ngựa mà chỉ được trả công bằng chục giạ lúa, sao đủ? Phải vay thêm. Cứ vậy mà nợ nần hết đời cha tới đời con, dai dẳng. Mẹ họ, càng nói tao càng tức cành hông.

Chúc nín thinh, hơi chột dạ. Dòng dõi Chúc, tuy không giàu nứt vách đổ tường, nhưng cũng thuộc hàng dư dả. Ông nội Chúc có chân trong ban hương chức hội tề cho tới lúc chứng phong thấp trở nặng, mới nghỉ. Riêng Chúc vẫn có mỹ cảm với gia tộc phú hộ Hoạch. Chuyện xung đột chủ tớ, ở đâu lúc nào cũng có, sao tránh khỏi. Nhiều kẻ bất mãn vì ý đồ cá nhân, thêm mắm dặm muối, trút mọi tội lỗi lên đầu địa chủ. Nói nào ngay, tuy phú hộ Hoạch không phải là người nhơn từ đức độ nổi tiếng vùng nầy, nhưng đổ cho ông tiếng ác, rõ là bất công.

Dẫu vậy, mấy điều ông Chín buộc tội ông cũng làm Chúc chao đảo. Lúc đó Chúc không khỏi nhớ tới lời nhắn nhe sắt thép của cô Năm Bạch Liên tối hoan lạc dạo nào. Tờ giấy kêu gọi thanh niên vùng lên đánh đuổi thực dây Tây và bè lũ tay sai, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, Chúc còn giữ, giấu kỹ trong vách ván cạnh chỗ nằm.

Lương tâm Chúc dằng co giữa hai điều phải trái. Không biết tính sao, Chúc đành trả lời nhát chừng:

– Ông Chín cho tui nghĩ lại rồi quyết định.

Ông Chín bồi thêm lý do then chốt:

– Chuyện nầy không phải trộm cắp mà là lấy lại những thứ bị người ta cướp đoạt, về chia cho dân nghèo. Tao nói ít, mầy hiểu nhiều.

Chúc cúi đầu, dạ rối bời. Hổm rày Chúc có nghe má than thở, gạo muối gần cạn. Số lúa anh em Chúc, Chung cặm cụi đem lên chùa gởi, cũng bị xung công. Chúc biết, lượng lúa nhà phú hộ Hoạch, không phải lẫm mà là kho. Đã có lần Chúc và chị em Giang, Linh vô đó giỡn hớt rồi ôm nhau ngủ quên cho tới lúc gia nhân đổ xô đi kiếm, mới thức.

Hôm sau, Chúc ra điều kiện với ông Chín:

– Tui đồng ý đi theo hai cha. Mà tui giao trước, tới lấy gạo chớ không phải để cướp của, nghen ông!

Ông Chín gật đầu, vỗ vai Chúc, ra chiều đắc ý.

Vậy mà, lúc chất gạo khẳm ghe rồi, ông Chín trở mặt:

– Chúc à, mầy thông cảm. Nhà tao nghèo, lại đông con.

Nói rồi, ông soi đèn kêu thằng Mười chĩa mũi ghe lên nhà trên. Chúc gác dầm vô khoan, chết điếng. Nước ngập luông tuồng. Cửa nẻo toang hoác. Đồ đạc dọn dẹp đâu hết, gian nội thất gần như trống trơn, ghe vô ra thảnh thơi. Chúc để mặc ông Chín với thằng Mười xăng xái, lục lọi vét của. Nhiều thứ không còn ở chỗ cũ trong trí nhớ ấu thơ Chúc. Chẳng hiểu chúng được ông phú hộ đem theo hay đã có kẻ lẻn vô trộm đạo, trước đó?

 

*

 

Con Mừng ngước mặt, nước mắt nước mũi đầm đìa. Được phép của sư ông, gian nhà trai bỗng chốc trở thành phiên toà tạm thời. Hết thảy người lớn đều hiện diện. Trẻ con giành nhau đứng ngồi ngay cửa ra vô, ồn ào như nhóm chợ, mấy chú tiểu phải la rầy chằm chặp, mới tạm yên. Thầy giáo Hoàng là người có học, được sư ông tín cẩn giao cho trọng trách chủ toạ.

Cái tin động trời lan nhanh như điện từ bữa qua. Sư ông lập tức biểu sư cô mời thầy Ba với con Mừng vô tư phòng, gặn hỏi cho ra lẽ. Không biết con Mừng kể sao mà sau đó, sư ông tức tốc cho vời thầy giáo Hoàng tới, ra lệnh tập họp mọi người lại. Nhà trai không đủ chỗ ngồi, bàn ghế được khiêng ra để ngoài sân, chừa lại độc nhất một bàn một ghế dành cho thầy giáo Hoàng. Số người tham dự chen vai ngồi dưới đất.

Sau khi thầy giáo Hoàng lớn tiếng kêu tất cả im lặng, con Mừng được người điệu vô biểu ngồi chồm hổm trước bàn chủ toạ, nước mắt nó đã bắt đầu rỉ rả vắn dài. Tiếng xì xào cất lên. Nhiều người nhổm lưng đứng dậy để nhìn cho rõ, ông thầy giáo phải chật vật khuyến cáo mất vài phút, mới yên. Thầy ra lệnh cho con Mừng đứng lên. Nó vừa dợm chân, lại khuỵ xuống. Một người ngồi gần, chạy tới đỡ nó đứng dậy. Nó giơ tay áo chùi nước mắt, hít mũi rột rẹt. Thầy giáo Hoàng tằng hắng lấy giọng, dõng dạc:

– Kính thưa bà con cô bác, trách nhiệm này thật ra nằm ngoài khả năng của tôi. Trong số bà con bác có mặt nơi đây, hẳn nhiều người thừa sức và kinh nghiệm hơn tôi bội phần, nhưng sư ông đã có lòng tin cẩn, thì tôi sẵn lòng. Chỉ xin bà con cô bác giúp đỡ, nếu có ai mắt thấy tai nghe điều gì, mạnh dạn kể hết ra đây, để tôi tìm cho ra thủ phạm.

Rồi thầy ngó thẳng mặt con Mừng, thấp lời:

– Sự việc xảy ra như thế nào, em vắn tắt thuật lại cho mọi người cùng nghe!

Con Mừng nức lên lẩy bẩy:

– Dạ… dạ, thưa thầy… tối qua con khó ngủ, ra sân hóng gió, với lại… với lại… tìm chỗ đi cầu. Hổng biết nó… nó… rình từ lúc nào, mà con vừa đứng lên thì trong bụi rậm nó phóng ra, xô con xuống đất…

Nói tới đó, con Mừng bỏ lửng, cúi mặt thút thít. Thầy giáo Hoàng phất tay:

– Thôi, được rồi. Em nhớ lại xem, mặt mũi kẻ đó ra sao?

Đứa con gái chậm chạp ngẩng mặt. Gian nhà trai thoắt chốc im phăng phắt. Ai nấy đều nín thở chờ nghe câu trả lời then chốt từ cửa miệng nạn nhân. Hai tròng mắt con Mừng không dưng lờ đờ như mắt cá mùa nước dại. Nó lay lay gương mặt thô kệch, như tìm cách xua đuổi cái bóng ảnh gớm ghiếc đè nặng tâm khảm, để thay vào đó là khung cảnh sáng chiều phẳng lặng tới đi bên rạch Bần, chẳng màng quá khứ lẫn tương lai. Không bận bịu điều chi. Đừng ai đoái hoài, cũng đừng ai gây chuyện.

– Mừng, tôi hỏi em!

Giọng thầy Hoàng thúc hối. Con Mừng giật thót, nét mặt chợn vợn hốt hoảng:

– Dạ, dạ… thầy hỏi chi?

Thầy Hoàng nhấn mạnh từng chữ một:

– Tôi hỏi, em có nhớ mặt kẻ đã làm hỗn em hay không?

Đứa con gái ngơ ngác:

– Thưa… trời tối thui… Con sợ thiếu điều muốn xỉu, hổng dám hé mắt.

Nhiều tiếng thở ra, hậm hực thất vọng. Từ hàng đầu, giọng thầy Ba mù chen vô:

– Ông thầy giáo thông cảm, bẩm tính em nó ba trợn.

Thầy Hoàng ghi nhanh lời khai của con Mừng ra giấy, cho phép đứa con gái ngồi xuống, rồi đảo mặt ngó quanh, hỏi lớn:

– Có ai trong số bà con cô bác tình cờ nghe thấy điều chi khả nghi không?

Mọi người day mắt ngó nhau, thầm thì to nhỏ. Không ai trả lời. Thầy Hoàng nghiêm mặt:

– Vậy những ai vắng mặt hôm nay?

Tiếng ồn nổi lên. Một người hô lớn:

– Thiếu ông Chín.

Tiếp theo là giọng ai dồn dập nối nhau:

– Còn thằng Mười?

– Thằng Mười đâu rồi?

Chỗ gia đình Châu ngồi, không ai lên tiếng. Má cúi gầm mặt, không dám ngước thẳng. Bà nội lần tay vấp váp tràng hạt hổ phách, lẩm nhẩm đọc kinh Bạch y thần chú. Ông nội đặt tay lên vai Chung ngồi phía trước, ấn mạnh như ngăn Chung lại. Chợt, Châu dứng phắt dậy, hai tay giữ chặt vạt áo bà ba, run giọng:

– Thưa thầy, anh Chúc nhà em đi đâu từ đêm qua, chưa thấy về.

Thầy giáo Hoàng chau mày, gõ nhịp thiếu tự chủ chuôi viết xuống mặt bàn. Nhiều tiếng xì xầm vang lên. Thầy Hoàng khẽ lắc đầu như muốn khuyên ngăn Châu điều gì, rồi hỏi lảng:

– Có ai biết mấy người đó đi đâu, làm gì không?

Dăm ba tiếng "không" thốt lên lác đác. Châu ngồi xuống, đầu óc hoang mang. Phiên họp tới đó tưởng gián đoạn vì thiếu dữ kiện thì thầy Ba nhổm lưng, lom khom đứng lên. Bữa nay thầy đeo kính đen, bận áo bà ba nâu bạc phết hai bả vai, quần dài đen vải thô. Thầy nói mà hai bàn tay nắm rịt nhau trước bụng, như thể giấu giếm mấy ngón tật nguyền:

– Thưa ông thầy giáo, thưa bà con cô bác, tui xin phép được dông dài đôi lời. Cớ sự đã rồi, không ai muốn. Nếu như thầy đây tìm ra gian phạm, giao cho cò bót trừng phạt, là điều hợp lẽ. Bằng không thì coi như số phận em nó là như vậy. Thiên la địa võng đã xếp đặt hết rồi. Có chạy, cũng không thoát. Xứ nầy, chuyện cá nhơn rủi ro thấm thía gì với cái mạt vận chung. Nói ra, sợ có người không tin, nhưng bà con cô bác liệu chừng tránh bệnh thời khí. Sau khi nước rút, nhớ rắc vôi quanh nhà. Âm khí vì loạn thuỷ mà ra, lấy hoả diệt. Nghe đáng sợ thiệt, nhưng nạn dẫu lớn cách mấy, rồi cũng qua. Không có gì suy thoái hoài.

Mọi người im thin thít lắng nghe thầy Ba mù đoán vận. Kẻ bi quan thở dài thườn thượt, người lạc quan nghĩ bụng, tới đâu hay đó. Đợi thêm một lát, không thấy ai ra mặt nói gì, thầy giáo Hoàng mới đứng lên, tuyên bố chấm dứt buổi họp. Lũ trẻ con chỉ chờ có vậy, ùa tới cạnh người thân. Thảy thảy tụ năm tụ ba, bàn tán nhốn nháo, không ai ngó ngàng tới nạn nhân. Con Mừng ngồi lặng thinh một đỗi, rồi đứng lên, phủi đáy quần sột soạt, thất thểu tới nắm tay thầy Ba, cúi mặt lặng lẽ rời nhà trai.

 

(còn tiếp)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)