Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 53

NuiDoan-48_thumb.jpg

 

NuiDoan-48

Dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

(tiếp theo)

 

*

Châu thất thểu rời khách sạn, mặt mày thất thần, tóc hứng gió rối xoà. Hai hàng cây chiều tỉnh lẻ chếch bóng xuống mặt đường còn ngậm nắng ban trưa hâm hấp. Giờ nầy không còn chuyến xe ngựa nào chạy về miệt ngoài. Cô hỏi thăm người lạ đường về Ngàm Long. Người đàn bà ân cần:

– Chuyến đò dọc cuối cùng tách bến cách đây hơn tiếng đồng hồ. Cô em ra bến sông hỏi thăm mấy ghe thương hồ, không chừng họ cho quá giang.

Châu run rẩy buông tiếng cám ơn. Người đàn bà ngó Châu từ đầu xuống chân, chặc lưỡi ái ngại:

– Được rồi, cô em đi theo tui!

Châu lặng lẽ bước theo người đàn bà. Lâu lâu bà lại dừng chân, chờ. Đỗi sau, bà ta day qua, dọ dẫm:

– Coi bộ cô em không mấy khoẻ?

– Dạ, em thấy hơi chóng mặt.

– Trúng gió rồi. Tui có đem theo chai dầu xanh, để tui đưa cho xức. Bất đắc dĩ, cô em tới nhà tui ngủ qua đêm, sáng mai hẵng đón xe ngựa về nhà.

Châu cảm động muốn khóc. Người đàn bà móc chai dầu trong giỏ ra, đưa cho Châu. Cô xoa lên hai bên thái dương và nhân trung. Mùi dầu the nồng khiến Châu tỉnh táo đôi chút. Bến sông lộng gió. Ánh hoàng hôn ràn rụa rớt lên sông nước nhấp nhô. Vài chiếc ghe thương hồ cắm sào bên cầu ván. Khói cơm chiều từ khoang ghe bạt gió tản mác.

Người đàn bà xông xáo bước xuống, bắt chuyện với mấy người đàn ông, đàn bà đang lúi cúi thu dọn trên khoang. Lát sau Châu thấy bà ngoắt tay, kêu lớn:

– Cô em ơi, xuống đây!

Thấy điệu bộ Châu e dè, người đàn ông xông xáo nhảy lên cầu, tự nhiên nắm tay cô dắt xuống. Người đàn bà cất giọng hí hửng:

– Cô em đi theo ghe vợ chồng cô chú nầy. Họ nói, trên đường về sẽ tạt ngang Ngàm Long. Thôi, tui đi. Chúc cô em mau hết bệnh.

Châu lí nhí cảm tạ người đàn bà tốt bụng. Bấy giờ cô mới nhận ra hai cái đầu trẻ con, một trai một gái, lấp ló bên khung cửa lườn ghe mái chằm. Người đàn bà bụng chửa mum múm nạt lớn:

– Vô trong! Con Ếch đi lấy thêm chén đũa cho cô đây! Còn thằng Nhái ra sau bưng nồi cơm vô bàn! Nhớ cầm theo mo cau, coi chừng phỏng tay!

Rồi bà xoay qua, cười hiếu khách:

– Nhơn bữa, vợ chồng tui mời cô ăn dằn bụng ba hột.

Thấy vẻ mặt Châu dàu dàu, bà liếng thoắng:

– Cơm canh đạm bạc, cô đừng ngại! Ăn xong, nước lớn nhổ sào là đúng lúc.

Bàn cơm là cái mẹt mây đặt giữa lườn ghe luông tuồng cửa nẻo. Hai bên vách lá chất đầy hũ vịm đựng mắm muối, tương chao và nhang đèn, tạp hoá. Cơm gạo bể, thơm lừng hương lúa mới. Một tô canh mồng tơi tím ngắt nấu tép. Một chén mẻ đựng dưa mắm màu hổ phách trong vắt. Dĩa cá vụn kho mặn và vài lát dưa chuột. Đơn giản, nhưng đậm đà ngon miệng. Hai đứa nhỏ vừa ăn vừa rón rén liếc mắt ngó người khách lạ, lâu lâu lại che miệng khúc khích.

Người đàn bà rầy rà:

– Hai đứa ăn uống đàng hoàng, không được giỡn hớt!

Người đàn ông khơi chuyện:

– Mỗi tuần, hai ba bận, vợ chồng tụi tui đều chèo ngang Ngàm Long. Ở đó có vài khách quen, nhưng chưa biết mặt cô đây.

Châu tần ngần:

– Không biết cô chú có quen bạn hàng nào tên Ba Khởi?

Người vợ tở mở:

– Tưởng ai! Biết. Cổ ưa hỏi mua giấm trắng với lại đường phèn. Lâu lâu còn hỏi mua thuốc trị mụn trứng cá.

– Dạ, chị Ba là người đi chợ nấu ăn cho nhà ba má em.

– Vậy he? Tui nhớ như in ngôi nhà gạch có xây cái cửa coi lịch sự hết sức. Tới cuối năm, mấy cây mận da người trổ trái thấy ham…

Châu lặng thinh, run tay múc canh chan vô chén. Người vợ vọt miệng:

– Ờ, ăn rồi, tui nấu trà gừng cho cô uống ấm bụng, đắp mền nằm nghỉ. Hồi nãy thấy mặt cô tái mét, tui cứ sợ cô lăn ra chết giấc. Đi đâu, làm gì một thân một mình chi vậy hổng biết! Lóng rày, chạng vạng tối đàn bà con gái ít ai dám léo hánh ra ngoài.

Châu cười lấp liếm:

– Dạ, cám ơn cô. Em đi thăm bạn lâu ngày không gặp. Ham nói chuyện, quên coi giờ về.

Nói rồi, cô mới nhận ra câu trả lời thiếu mạch lạc. Người chồng day qua, trừng mắt ngó vợ. Bà ngỏn ngoẻn cúi mặt lùa cơm.

Người chồng đặt chén đũa vô khay, chậm giọng:

– Lát nữa, nếu cô thấy khoẻ, ra khoang ngồi hóng mát, nói chuyện giải khuây. Tui cố chèo đưa cô dìa trước nửa đêm. Chắc ở nhà đương sốt ruột.

Đêm xuống nhậm lẹ như úp lòng tay. Mới đó, vành trăng non đã mọc ngang trời, mỏng tựa chân mày đào hát tém khéo. Ghe xuôi gió, lướt như có người đẩy theo nhịp chèo thủng thỉnh. Trăng sao điểm trang diễm lệ lên gương mặt đêm. Châu cầm tách trà gừng, khoác tấm mền vá miếng chằng chịt ra đầu khoang, ngồi bó gối bên hàng lu vịm chất chồng hai mạn ghe. Gió lắng đọng phe phẩy. Tâm tư cô cũng lắng xuống, lóng cặn những bất trắc. Từ lườn ghe vọng ra giọng trẻ con tập đánh vần: "Bờ a ba. Chờ e che o cheo huyền chèo. Gờ e ghe… Mờ a ma sắc má. Khờ o kho. Cờ a ca sắc cá… Ba chèo ghe, má kho cá."

Đốm lửa thuốc vấn dính môi người đàn ông loé trong bóng tối sau mỗi lần rít. Châu ngước mặt ngó lên. Hằng hà sa số tinh tú lấp lánh khung đêm. Vời vợi, thăm thẳm những bí ẩn trùng vây. Châu khép mắt, choáng váng thấy ra điều trái ngược: Phận số hữu hạn của kiếp người trong cõi minh mông vô tận của thiên la địa võng.

Người đàn ông búng tàn thuốc xuống sông, hít một hơi sâu. Ông ngừng tay chèo, rót trà, hớp cạn, rồi bắt giọng sảng khoái:

– Hoành Sơn ớ.. ơ… lấp lối ra vào. Quốc kêu Vọng đế ờ… cáo gào giả vương. Cung mây đã sẵn trời giương. Non sông sắp đổi ơ… một trường Xuân Thu…

Châu quay lưng, đổi thế ngồi, lắng tai chăm chú ngó người đàn ông vừa đưa đẩy nhịp nhàng đôi mái chèo, vừa thả hồn ngân nga, luyến láy:

Tên trao ba mũi ớ.. ơ… phục thù. Nào hay Khắc Dụng ờ… bày trò cho con. Ngọn cờ lấp ló đầu non. Thạch thành mèo nọ ớ.. ơ… bon bon chạy về. Dặm trường lai láng máu dê. Con quay ngã trắng ơ… ba que cuộc tàn. Trời Nam lại trổi đế vương. Chân nhân đâu phải là phường thầy tăng ơ… ờ…

Lời thơ nghe trúc trắc dị kỳ, khó hiểu như một bài sấm ký. Tia mắt người đàn ông loé rực, mỗi khi ông ngửng mặt về hướng trăng soi. Một khắc lặng im, như chờ gia vị chữ nghĩa ngấm vô tiềm thức. Chỉ nghe tiếng mái chèo chẻ nước loạt soạt. Châu rụt rè bắt chuyện:

– Chú ngâm bài thơ gì lạ quá, không giống bất cứ bài thơ nào em từng nghe trước đây.

Người đàn ông bật tiếng cười ngắn:

– Tui cũng không biết của ai, tựa gì, chỉ nghe đức Trình giáo chủ có lần đọc lên, thuyết giảng cho chúng sinh, đệ tử. Tui thấy thích, xin đức thầy thỉnh về, kêu mấy đứa có học chữ đọc cho nghe. Nghe hoài nghe huỷ, nhập tâm hồi nào hổng hay.

– Nói vậy, chú có biết ý nghĩa bài thơ nói về chuyện gì không?

Người đàn ông thấp giọng kể:

– Hôm đó đức thầy giảng dạy trường giang đại hải, tui hổng nhớ hết, cô ơi. Ðại khái đức thầy cho biết, đó là một bài sấm của một bà chúa tên… tên gì…, quên mất tiêu rồi. Thuở đó bả được dân gian sùng bái như một vị thánh sống. Bữa nọ, bà giáng bút đề thơ tặng một vị vua triều Nguyễn, nhơn lúc ông xin bà phán cho mấy lời tiên đoán vận nước. Lời thuyết giảng của đức thầy chi li rành mạch, nghe sướng tai hổng biết đường nào mà kể. Tui nhớ gì nói đó, không chắc đúng đâu nghen, cô nghe cho đỡ buồn. Đại để, không còn bao lâu nữa, thực dân Tây sẽ thua trận ở nước mình, rút về nước. Sau đó có kẻ cáo già nổi lên giành chánh quyền, gây cảnh chiến chinh loạn lạc như thời Xuân Thu bên Tàu. Cô nhớ hông, có cái câu: "Non sông sắp đổi một trường Xuân Thu"?… Ờ mà, bài thơ còn có thêm đoạn nầy!

Nói đoạn, người đàn ông khép mắt, hít một hơi sâu như thể định thần nhớ lại. Giây sau ông cất giọng sang sảng:

Đồng dao ta có câu rằng. Non xanh mà mọc ớ… trắng răng mới kỳ. Bao giờ trổ ngọn thử ly. Ai ơi nhớ lấy ờ… sấm ky kẻo lầm. Đang khi sấm gió ầm ầm. Ấy là khí vận ơ… để găm trị bình. Thất phu mà lạy thư sinh. Vân lôi ta chấp ớ… mấy anh Thủy Hoàng. Nực cười cho lũ bàng quan. Cờ tàn mà lại ơ… toan đường sang xe. Thôi thôi mặc lũ người hề. Gió mây ta lại đi về gió mây ơ… ([i]) Bài sấm ký chấm dứt ở đây. Ý nghĩa mấy câu nầy ra sao, tui hổng nhớ nổi. Nếu cô buồn ngủ, vô trong nằm nghỉ, không thôi trúng lạnh đa. Lúc nào tới nhà, tui kêu dậy.

Châu lưỡng lự:

– Dạ, có mệt nhưng em chưa muốn đi ngủ.

– Vậy để tui hát hò, kể chuyện đời chuyện đạo cho cô em giải khuây. Còn mấy đoạn sông nữa mới tới Ngàm Long.

Châu kéo mền quấn vai, lí nhí:

– Dạ, cám ơn chú.

Người đàn ông nói xong, hắng tiếng rồi cất giọng:

– Ðể tui hát cho cô em nghe chơi cái bài nầy, điệu Phụng cầu Hoàng, kể lại tâm sự Huyền Trân công chúa lúc cổ từ giã tướng quân Trần Khắc Chung, sang đất Chiêm Thành làm vợ vua Chế Bồng Nga.

Châu "dạ" nhỏ, gấp chân, vòng tay kéo sát ngực, nghiêng mặt úp lên hai đầu gối khép, lắng tai.

Tiệc rượu đêm nay xin mời Khắc Chung uống cạn, để rồi mai nầy Huyền Trân yên lòng cử hành hôn lễ. Theo chồng về miền Chiêm quốc, nơi xứ lạ quê người, lòng nặng trĩu bao nỗi niềm riêng…

Tâm thân Châu vật vờ bay lượn. Không muốn, nhưng những cảnh sắc nhuốm mớ cảm xúc gớm ghiếc trong phòng ngủ khách sạn ban chiều tự khắc dâng lên, tròng tréo ngõ ngách hồi tưởng. Khuôn mặt kẻ chết đuối sau ba ngày từ đáy sâu tối ám trồi lên mặt nước cơn lụt lớn. Hai lõm mắt thao láo, ký thác những hoài nghi. Có điều gì dường như không ăn khớp trong ý thức Châu. Cô đắn đo nhớ lại lớp lang sự việc. Bóng đèn trần phòng tắm soi khuôn mặt cô trong tấm kiếng ố thuỷ. Ngụm trà sen hăng gắt, lạ vị. Hai chân gập xuống bủn rủn. Nền gạch se lạnh. Mùi mồ hôi xông nồng, lạ quen rối reng. Hành động cưỡng đoạt thô bạo. Bất thần, một khung cửa đen đủi xập xuống, bưng bít trí nhớ. Ngũ quan giẫy giụa trong mảnh vụn trí nhớ, sắc lẽm như miểng chai miểng sành cứa lên thịt da trần trụi. Lúc mở mắt, thấy ra nhiều vết trầy trụa dọc ngang ngực bụng. Mấy đầu ngón tay lấm máu lem luốt, của chính cô. Khó lòng tưởng tượng, cái người mà Châu hết mực trân trọng, trót dạ thương yêu lại là kẻ đã nhẫn tâm dầy vò thân xác cô ban chiều. Không… không thể như vậy được. Bởi lẽ, dường như không phải một, mà nhiều người, những kẻ lạ. Toàn thân Châu run bật. Nếu vậy, là những ai?

… Thôi hãy quên đi những gì đôi ta ước hẹn. Vương vấn mà chi cho bận bịu trong lòng. Có đáng chi một chút phận má hồng…

Phải rồi, Châu kêu thầm. Ngấn mắt cô rưng rưng, sá gì chút trinh tiết trong hoàn cảnh nhiễu nhương hiện nay. Phận số đất nước cô cũng đang bị nhiều thế lực xâu xé, tìm cách thoả mãn tham vọng của quyền lực. Những danh xưng bắt đầu bằng hai chữ "chủ nghĩa", đã có lần cô nghe thầy giáo Hoàng liệt kê: đế quốc, thực dân, quốc gia, xã hội, cộng sản, tư bản, … được hô hào, tuyên truyền khích động, trang bị võ khí, dặm phấn tô son tấn tuồng chinh chiến.

Nhưng, kẻ có lỗi là cô, chính cô, chớ không ai khác. Vì, cô đã nghe lời yêu ma cám dỗ, chấp thuận tới gặp ông thầy giáo. Vì, cô đã đồng ý theo ông tới khách sạn, uống phải thuốc lú và tham dự trò chơi đồng bóng của quỷ.

… Còn đau đớn nào hơn, hỡi Khắc Chung ơi, đôi ta đành vĩnh biệt nhau rồi. Ly rượu tạ từ xin người cạn chén, với tất cả nỗi niềm của Huyền Trân là ở nơi đây. ([ii])

Châu khép mắt. Giấc ngủ quàng xiên trôi theo sóng nước.

– Cô ơi, cô ơi, tới nhà rồi!

Người phu trạo lớn tiếng kêu. Châu mở mắt, lảo đảo đứng lên, ngó về hướng bờ sông lùm bụi nhấp nhô. Ánh đèn dầu lập loè ngưỡng cửa. Lời má nhắc ba một khuya nào, sau lần anh Chúc bỏ nhà đi biệt, vẳng lại tâm tưởng Châu: "Đừng tắt đèn, nghe mình! Cho con biết nhà mà trở về."

 

(còn tiếp)


[i] "Bài giáng bút của Liễu Hạnh công chúa" (trích "Thử Giải Thích Một Bài Thơ Ngụ Ý Quá Kín Đáo", Trần Từ Mai, http://www.diendantheky.net/2014/03/tran-tu-mai-thu-giai-thich-mot-bai-tho.html)

[ii] http://hatvan.vn/forum/showthread.php?t=391

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)