Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Núi Đoạn Sông Lìa – phần 38

NuiDoan-37_thumb.jpg

 

 

Không dưng không núi đoạn sông lìa
Đêm ôm gối lạnh, ngày chia ngắn dài.

 

 

(tiếp theo)

 

15

 

 

Một thoáng ngưng bặt. Chỉ nghe từ sau bếp tiếng dao thớt xăm xắp khua động. Châu chớp mắt long lanh ngó ra vuông cửa chan hoà ánh nắng, lắng tai nghe thầy giáo Hoàng thuật chuyện ấu thời nơi quê Bắc. Nhiều chi tiết thi vị và não lòng, tưởng như chuyện tiểu thuyết tân thời. Riêng người đàn ông, trong lúc mềm giọng kể, hồi ức không ngớt bừng lên nhiều cảnh tượng bên lề đã khắc sâu tâm khảm. Như lúc được thằng bé du thủ du thực ở Sài gòn giúp thầy đi tìm nhà người bà con. Anh Thoại phiêu lưu vào Nam làm phu đồn điền cao su một thời gian dài. Sau khi dành dụm được một số vốn, anh rời Long thành về Sài gòn làm thầy ký thu tiền chỗ trong chợ Tân định. Lương cọc cạch vừa đủ nuôi vợ và bầy con năm đứa. Thầy giáo Hoàng ngỏ lời muốn làm phu cạo mủ cao su. Anh Thoại cười nhạo báng, bảo tướng tá thư sinh như chú làm sao chịu nổi công việc nhọc nhằn đó. Ấy là chưa kể những lúc bị mấy thằng cai Tây hà hiếp. Chúng nó thấy chú mày trắng trẻo được trai, thế nào cũng bắt về làm gạc-sông phục dịch trong nhà cho xem! Thầy giáo Hoàng ngơ ngác, thì đã sao? Anh Thoại vỗ vai thầy cái đốp, đâu phải chỉ có vậy, chú còn phải đáp ứng những đòi hỏi sinh lý của chúng nữa đấy. Mấy thằng tây tà nhiều đứa có nhu cầu lạ đời, thích chung chạ với đàn ông, con trai An nam. Mà chú mày có bằng Thành chung, làm phu đồn điền chỉ phí công ăn học, để tao kiếm cho một chỗ đi dạy.

Sau vài tháng không có kết quả, thầy giáo Hoàng dứt khoát rời Sài gòn, xuôi về lục tỉnh.

Nhằm mùa khô, chuyến đò đông khách chật vật rời thành phố. Lúc đò rẽ vào nhánh sông ốm chẻ ra Hậu giang, vừa trườn tới mái lều lá nép mình bên thân cây rậm bóng, bị một toán ba người, kẻ giắt súng dài kẻ huơ mã tấu, bắt dừng lại. Hành khách đang rôm rả chuyện trò, đồng loạt im bặt. Nhiều ánh mắt nhìn nhau nghi ngại. Thiếu phụ đang vạch áo cho con bú, rụt rè rứt đầu đứa bé ra khỏi núm ngực trắng nõn, cài vội hàng nút áo. Đứa nhỏ ré khóc ngằn ngặt. Chủ đò lên tiếng trấn an:

– Bà con cô bác yên tâm. Mấy ổng kiểm soát cho có, hổng sao đâu!

Rồi ông ngoặt mũi đò tắp vô bờ. Một người đàn ông nhảy oạch xuống khoang, khom lưng bước vô. Thanh mã tấu ánh sắc thép giắt lủng lẳng nịt vải quấn lưng quần. Tia mắt gã lom lom dò xét. Áo bà ba đen phanh ngực, nước da rám nắng nâu bóng mồ hôi, bốc mùi thuốc rê khét lẹt. Ngang chỗ thầy giáo Hoàng, gã dừng lại. Đối mặt giây lát, gã bật giọng cộc lốc:

– Cho coi giấy tuỳ thân!

Gã lật qua lật lại tờ giấy nhàu nát, tra gặng:

– Đi đâu, làm gì?

Thầy giáo Hoàng đáp liều:

– Tôi đi thăm họ hàng ở Cà mau.

– Ở đâu tới vậy?

– Tôi từ ngoài Bắc vào đây, lạ người lạ đất, không ngoài mục đích duy nhất là viếng thăm bà con lâu năm không gặp.

– Chớ không phải vô đây làm tay sai cho thực dân sao?

Thầy giáo Hoàng dứt khoát:

– Không.

Cả khoang đò nín thở theo dõi mẩu đối thoại giữa hai người đàn ông. Đột ngột khoé mắt gã loé lên trắng nhỡn. Hắn day qua, trỏ tay điểm mặt người đàn bà mặc áo dài lụa nội hoá ngồi khép nép bên mạn đò chấn song tre, hất hàm:

– Chị kia!

Người đàn bà ngẩng gương mặt trắng xanh, nhướng cặp chân mày tỉa mỏng, giọng điềm tĩnh:

– Chú kêu tui?

– Chị đeo cái gì ở cổ?

Nét mặt người đàn bà không một chút xao động:

– Tượng Phật cẩm thạch nầy tui mua ở Sài gòn lâu rồi.

Gã đàn ông gằn tiếng:

– Hoà hảo chớ gì?

Người đàn bà nói một mạch như diễn tuồng:

– Tui là người sanh trưởng trong gia đình theo đạo Phật. Tui ăn chay ngày mùng một, ngày rằm mỗi tháng, đâu dính líu gì tới Hoà hảo với lại mấy chuyện quốc sự của mấy người.

– Ai làm chứng cho lời chị nói đây?

– Có Phật trời chứng giám. Tui về quê làm ma chay cho má tui, mắc mớ gì tới mấy người mà hạch sách lôi thôi!

Gã đàn ông đỏ mặt sượng trân, rít giọng qua kẽ răng:

– Chị còn trả treo với tui nữa phải hông?

– Tui thiệt lòng, cớ sao chú kêu tui trả treo?

Hai người còn đôi co qua lại, chợt thiếu phụ cho con bú khi nãy ngấc cổ lên tiếng:

– Tui biết mặt chị nầy. Chị là cô Sáu Nhạn, đào cải lương của gánh Tân Thanh ở Sài gòn, không dính dáng gì tới Hoà hảo đâu chú em à!

Được thể, thêm vài hành khách lao xao góp tiếng bảo đảm lời thiếu phụ. Gã đàn ông còn dùng dằng chưa tin thì cô đào hát đã từ tốn tháo sợi dây chuyền, xoè tay đưa:

– Chú cầm lấy, tui tặng chú làm bùa hộ mạng. Nếu việc làm của mấy chú hợp với lòng dân, sẽ được Phật trời phò hộ.

Gã đàn ông cầm lấy món nữ trang, thản nhiên bỏ vô túi áo, quay lưng phất tay:

– Tui cho mấy người đi tiếp.

Nhiều tiếng thở phào nhẹ nhõm. Ra tới sông rộng, con đò xuôi dòng thuỷ lưu phăng phăng như được ai đẩy. Mây che nắng tối sáng chập chùng rẩy lên sóng nước nâu quánh phù sa. Lòng người hoan hỉ hứng lấy cảnh trời nước ngút ngàn. Thầy giáo Hoàng mon men ra khoang sau, chuyện vãn bông lơn với người lái đò đang thảnh thơi rít điếu thuốc vấn. Từ khoang trong, giọng cô đào cải lương cất lên trong vắt bài ngũ cung ai hoài …

Kể tới đó, ánh mắt thầy giáo Hoàng trở nên xa vắng. Châu nghiêng mặt kín đáo ngó thầy. Vầng trán người đàn ông nhiu nhíu như nghĩ ngợi điều gì sâu thẳm. Mép cằm thầy ửng xanh chân râu cạo kỹ, lồ lộ thứ nam tính nhiều bản lĩnh và dầy dạn kinh nghiệm. Cứ mỗi chủ nhật, thầy giáo Hoàng lại tới nhà dạy Châu học. Sau khi bài vở xong xuôi, thầy đều rủ rỉ kể chuyện. Giọng thầy trầm đục, gợi cảm. Thầy dạy Châu cách phát âm rạch ròi dấu hỏi dấu ngã, vần t vần c, vần n vần ng ở cuối chữ. Ngược lại Châu chỉ thầy kiểu nói địa phương phân biệt âm s với x, tr với ch. Thú vị nhất là những đoản chuyện về đất và người xứ Bắc trong cơn biến động nghiệt ngã dưới chế độ bảo hộ. Mỗi lần một ít. Mỗi buổi một tình huống trắc trở. Châu tưởng như thầy giáo Hoàng là pho tiểu thuyết đăng từng kỳ trong tuần báo. Có điều khác, vì đấy là những chương quá khứ chính thầy đã trải qua.

Thầy giáo Hoàng cười khẽ:

– Hôm ấy, lần đầu trong đời thầy được nghe một đào hát chuyên nghiệp hái bài cổ nhạc Nam kỳ, lồng trong khung cảnh hoang dã của trời nước mênh mông. Âm điệu luyến láy thú vị không thể tả. Giọng người đào hát ngọt ngào dài hơi, rưng rưng buồn bã như những chiều mưa trong một xóm lao động ở Sài gòn. Em biết hát cổ nhạc không Châu?

Châu đỏ mặt lúng túng:

– Dạ … dạ, không biết. Nhưng mà … chú Năm Tự ưa hát loại nhạc nầy …

Câu trả lời lạc lõng như một nốt nhạc lỗi nhịp. Ông thầy giáo nhịp nhịp ngón tay lên mặt bàn, nhớ lại âm điệu bài vọng cổ của người ca kỹ trong chuyến đò dạo nọ. Giọng cô thanh tao, lúc xoắn xuýt vui tươi lúc du dương rã rượi loang rộng tâm tư bao la, không bờ bến: "Thương cho con tôm rằn nấu với đọt rau má. Thương cho con cá bống mỡ nấu với ngọn bí đao. Gió thổi lao xao, dậu mồng tơi đưa đẩy. Con sắc ô nó nhảy cho giàn mướp nó đẩy đưa. Tháng mười sớm nắng chiều mưa. Mình còn nhỏ tuổi, chắc còn thưa thớt lòng mênh mông, đôi dòng con đò trên sông …" (*) Cõi lòng người đàn ông rạo rực dâng sóng. Nỗi thôi thúc vươn dài bàn tay rắn chắc tìm năm ngón thiếu nữ mát mềm đan lại. Châu cúi mặt ngượng ngùng, khép mắt giấu trong dòng tóc che ngang. Cảm giác lâng lâng kỳ quặc buổi ban mai hẹn hò lén lút trên núi Phụng hiện về. Nhưng lần này, khác. Đậm đà, gần gũi hơn. Cô thấy ra trong không gian hai lòng mắt nhốt kín dòng ánh sáng ăm ắp khao khát nữ tính, bắt thân xác cô mọc gai cảm xúc. Thầy giáo Hoàng khẽ giọng gọi tên. Cô gái láp dáp mấy tiếng "thầy, thầy ơi", rồi như bị ai sai khiến, bắt cô nghiêng đầu tựa vai người đàn ông. Hương mồ hôi kích thích lạ lùng xông kín khứu giác cô. Những ngón tay gân guốc, rạo rực câm nín luồn vào hàng nút áo buông xuôi. Cùng lúc là vành môi ẩm ướt trườn lên trán, lướt xuống khoé mắt lóng lánh hoen lệ hân hoan, chờn vờn lên vòm má nóng hổi, rồi ngậm lấy khoé môi khép nép thanh xuân. Đầu lưỡi người đàn ông xoắn lấy, sục sạo. Toàn thân Châu run bật, ngũ quan tê điếng tiếp nhận. Vừa lúc nắm tay thầy giáo Hoàng úp lên gò ngực phập phồng, thì ngoài kia vẳng lại tiếng gà đẻ trứng cục tác gióng giả. Châu hốt hoảng nắm lấy cổ tay người đàn ông, đẩy ra. Tiếng gà tiếp tục náo động. Như cảnh tỉnh.

 

(còn tiếp)

 

*Trích “Vọng cổ thương nhớ miền tây”, ca sĩ Hương Lan

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

2 Bình luận

2 Pingbacks »

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)