Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 15, Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Nhật Ký Mùa Phượng Vĩ

Rẽ vào khúc quanh, chạy một đỗi, Quế chợt thấy chiếc xe đạp của Chi chao đảo rồi dừng lại. Quế đạp tới cạnh bạn, hỏi dồn:
– Chuyện gì vậy? Mệt à?
Chi xuống xe, mặt ửng nắng đỏ gay, chỉ tay xuống vòng bánh, nhăn nhó:
– Không thấy sao, còn hỏi? Bể bánh rồi.
Quế thở dài, nâng tà áo quạt phơ phất:
– Xui gì đâu. Đi không chịu coi ngày.
Chi gỡ vạt áo ràng ở yên sau, dẫn xe vào bóng mát ven lộ đất, ngó quanh quất. Trưa ngoại thành vắng ngắt. Nắng đổ hừng hực lên đất. Vài thân dừa lão nghiêng bóng xuống mương nước ốm. Xa xa, thấp thoáng đôi ba mái nhà lợp ngói sau chòm cây thưa.
Quế nhíu mày nhìn quanh, giọng ngờ vực:
– Mày đi đúng đường không đó?
Chi liếc bạn, không đáp, lẳng lặng mở túi vải máng ở tay lái, lục lọi lấy ra mảnh giấy, đọc nhỏ:
– Qua khỏi ngã tư Chi Lăng và Lê quang Định, chạy khoảng một cây số, thấy bên phải có tấm bảng ghi ‘‘trại gà Thanh Tâm’’ thì quẹo vô, chạy thêm chừng năm trăm mét thì tới. Nhà nằm bên trái, có cây cầu gỗ bắc ngang mương, trồng giàn bông giấy tím cạnh cổng sắt sơn xanh…, cô còn dặn, coi chừng mấy con chó nữa nghe Quế, nó ưa cắn ẩu.
Quế lè lưỡi:
– Phải làm sao đây?
Chi tủm tỉm:
– Cái mặt coi vậy mà sợ chó. Đừng lo, cô biết tụi mình tới thăm trưa nay, bảo sẽ xích chó lại. Thôi, mình đi tiếp, không lẽ đứng đây chịu trận à?
Quế ngập ngừng:
– Còn chiếc xe đạp?
– Dẫn bộ tới nhà cô, rồi tính.
Nói xong, Chi xăng xái đi trước. Quế sửa lại cái hộp nhựa đựng ổ bánh gan cột trong giỏ thiếc, cúi xuống phủi ống quần bám vài bông cỏ may, rồi nối đuôi Chi. Vài cơn gió lướt qua, yếu ớt, không đủ sức thốc đôi tà lụa trắng. Quế hối hận đã để lại nhà chiếc nón rơm. Chung qui chỉ tại Chi. Lúc rời nhà, thấy Quế lăm le trong tay chiếc nón, Chi giẫy nẩy kêu ‘‘đồ nhà quê’’. Phải công nhận Quế ‘‘quê’’ hơn Chi. Thuở Chi bắt đầu đi chơi diện váy ngắn thì Quế chỉ dám mặc áo thun cụt tay, quần tây ống 26 là hết cỡ. Lúc Chi đi học sắm áo dài raglan, tà mini thì Quế vẫn cổ điển với kiểu áo tà ngang ống quyển, thừa hưởng của chị Quỳnh. Quần áo Chi cắt may theo thời trang ca sĩ Pháp từ nguyệt san nhạc trẻ ‘‘Salut les Copains’’. Không có gì lạ, trong khi Chi thích nghe Francoise Hardy, Sylvie Vartan hay Adamo, thì Quế còn rụt rè tìm hiểu thế giới âm nhạc của Khánh Ly với ‘‘Diễm xưa’’ hay Lệ Thu với ‘‘Hoài cảm’’. Vậy mà không hiểu sao, Quế và Chi thân nhau. Có lẽ vì hai đứa cùng thương cô giáo Ri. Cô là Pháp kiều, mang hai dòng máu, phụ trách môn Pháp văn. Tên cô thật ra là Marie Nguyễn, nhưng đám học trò quen miệng gọi ‘‘cô Ri’’. Tàn niên khoá này, cô theo chồng về Pháp. Hôm nay Quế và Chi đến thăm từ giã cô.
Hai cô gái vừa dừng chân bên cầu gỗ thì nghe tiếng chó sủa rân. Cả hai còn ngập ngừng cạnh cổng sắt, dáo dác nhìn vào khu đất lập loè đốm nắng thì thấy bóng người thấp thoáng bên lùm cây đơm bông vàng hực. Tiếp theo là tiếng mắng chó, rồi dáng cô Ri khoan thai bước trên lối đi lót gạch nung. Tóc cô màu nâu đồng, vấn cao. Cô mặc áo bà ba màu trứng sáo, quần xa-teng đen. Trông cô tươi mát như một nhánh ngọc lan ngậm sương mai.
Cô Ri nở cười, bày hàm răng trắng ngọc trai:
Bonjour, chào hai em. Mời hai em vào nhà!
Quế và Chi lí nhí chào đáp, rồi theo chân cô bước vào mà có cảm tưởng như vừa lạc sang cảnh giới khác. Hơi mát êm ả trải ngập cánh vườn um tùm tàn cây đan lá. Lồng nuôi két và chim yến dựng bên gốc mận, cành chi chít bông trắng. Cô Ri chỉ chỗ cho Quế và Chi dựng xe đạp, rồi mời hai cô ra thăm xẻo đất trồng cây kiểng trước nhà mà cô gọi là ‘‘vườn Vạn Hạnh’’ và ‘‘hồ Nam Phương’’. Ba người ngồi dưới tán dù vải trắng, cạnh chiếc bàn con trải khăn nhựa, trông ra hồ nước trồng súng, nuôi cá chép Nhật bản. Đầu hè, súng mãn khai tím ngắt, toả hương thoang thoảng. Quế và Chi mở hộp bánh ra mời cô. Quế hấp bánh gan, còn Chi làm chuối xào dừa. Cô Ri ríu rít khen ngợi tài gia chánh của hai cô học trò cưng, rồi quày quả vào nhà lấy chén muỗng. Quế lần ra hồ nước con, nghiêng tóc nhìn. Nước lóng bùn trong vắt, thấy tận đáy. Vài con cá chép vẩy vàng đốm đen lờn vờn dưới đám lá xoè rộng. Khi nghe tiếng chân cô trở ra, Quế quay lại, thoáng thấy bên rèm cửa sau lưng cô Ri, một khuôn mặt con trai thụt vội vào. Quế chưa hết thắc mắc thì cô Ri đã cất tiếng:
– Đăng, con trai của cô, bảo để nó dắt xe đạp của em nào ra đầu đường cho họ vá lại.
Chi luống cuống:
– Thưa cô, xe của em. Xui quá, không biết cán nhằm cái gì!
Cô Ri mang ra không những chén muỗng và thức uống, mà còn đặt xuống bàn một tập ảnh lưu niệm và một quyển sổ bìa nẹp kim nhũ. Quế chia bánh, Chi múc chè ra chén. Cả ba vừa ăn vừa ôn lại chuyện cũ. Cô Ri giở mấy trang ảnh chụp toàn lớp trước khi bãi trường từ thuở đệ thất, đám nữ sinh còn lùng thùng trong áo dài trắng, ngực phẳng, tóc kẹp, chân mang guốc; cho tới năm đệ tứ, đệ tam đã biết uốn tóc, diện áo nhấn eo, tà ngắn. Cô Ri chặc lưỡi luôn miệng, dễ thương, chao ôi, dễ thương quá. Cô quay sang Quế, giọng dịu nhiễu:
– Cô nhớ vào dịp phát phần thưởng năm nào, em lên sân khấu hát bài ‘‘Ngày tạm biệt’’, có đứa rơm rớm nước mắt.
Hai má Quế ửng hồng:
– Dạ, năm đệ tứ.
Cô Ri rót nước chanh ra ly, gắp nước đá bỏ vào. Hơi lạnh đọng lệ quanh thành ly. Giọng Chi nằng nặng:
– Cô không thể ở lại với chúng em được sao?
Cô Ri chớp nhẹ mi mắt viền nâu nhạt, chậm lời:
– Không được em ạ. Chồng cô làm việc trong toà lãnh sự Pháp, mà bang giao Việt Pháp đang có nhiều lủng củng, nên chính phủ Pháp triệu ông về. Bổn phận làm vợ… chắc hai em hiểu?
Quế và Chi cùng lượt gật đầu. Cô Ri tiếp giọng:
– Cô cũng muốn sống chết trên phần đất quê ngoại này lắm chứ, nhưng thực tế không cho phép.
Nói tới đó, cô Ri ngập ngừng ngưng tiếng, tươi mặt rút ra hai tấm ảnh đen trắng trao cho Quế và Chi. Ảnh chụp cô Ri thời con gái, tóc dợn sóng, chân mày tỉa lá liễu, tô sáp môi hình trái tim, mắt nhìn mơ màng kiểu đào chớp bóng. Quế trỏ ngón vuốt nhẹ lên mặt ảnh, lòng nhói chút hoài cảm vu vơ. Một thoáng lặng thinh bao trùm. Thời gian đọng lại yên nghỉ.
Cô Ri cầm viết ghi lên mặt sau tấm ảnh vài hàng ưu ái. Hai cô gái quét mắt đọc lướt. Mấy chữ ‘‘mùa phượng vĩ 1970’’ nhập nhoè dâng sóng cảm xúc trong lòng Quế. Cô gái vuốt lại tà áo phủ đùi, dặn dò:
– Cô qua đó, nhớ biên thơ cho chúng em!
Cô Ri gật nhẹ:
– Những lá thơ mà cô sẽ viết gởi hai em, khi cô theo về quê hương chồng,  chính là cái tình riêng và cũng là lời cám ơn tới đất nước Việt nam đã dung dưỡng cô bấy lâu.
Rồi cô thấp giọng kể:
– Theo lời má cô thuật lại, cô được sinh ra trong tình huống bất đắc dĩ. Bà mang thai cô sau một cuộc Tây ruồng cách đây hơn hai mươi lăm năm. Cô là đứa trẻ không cha, lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của má và ông bà ngoại. Khi má cô thành hôn, bà gởi cô cho ông bà ngoại nuôi nấng. Càng lớn, cái dòng máu dị chủng trong cô càng rõ nét. Cô tự cảm thấy mình không thuộc về ai, đất nước nào. Tinh thần cô mất thăng bằng. Có lẽ ông bà ngoại cảm thấy được chuyện đó, nên bàn với má, gởi cô lên Sài gòn trọ học trường bà sơ. Cô bắt đầu làm quen với bản sắc quê cha…
Vừa kể, cô Ri vừa lật từng trang ảnh gia đình, chuyền cho Quế và Chi xem. Những tấm ảnh rìa răng cưa, lợt lạt thuốc rửa, trổ đốm dấu thời gian.
– Cô được các sơ rèn luyện ngôn ngữ cùng tinh hoa văn hoá Pháp. Cô sung sướng tiếp nhận, hân hoan hấp thụ lời hay ý đẹp, tràn ngập nhân bản qua văn chương của Hugo, Dumas, Balzac… để hãnh diện vì mình mang trong người dòng máu tuyệt vời đó. Cho tới khi biến cố xảy ra. Con bé ấy học chung lớp với cô, an-nam-mít rặt, vóc dáng nhỏ thó, yếu đuối, lúc nào cũng sụt sịt hen suyễn vì chứng dị ứng kinh niên. Sáng đó, cả lớp vừa đọc xong bài kinh kính mừng thì sơ giám thị bước vào, vẻ mặt nghiêm nghị. Sơ gọi con bé an-nam-mít lên, gằn giọng buộc tội nó là đứa đã lén tô lên vách cầu tiêu hàng chữ ‘‘thực dân Pháp, kẻ sát nhân’’. Con bé không phản đối, chỉ rúm người lại khi bị sơ giám thị quắp cổ, lôi xềnh xệch ra khỏi lớp. Cô đợi tới khuya, khi cả bọn đã ngủ say, mới rón rén tìm sang chỗ con bé nằm, hỏi han. Nó thản nhiên xoay lưng ra chỗ sáng trăng, vạch áo cho cô thấy những lằn roi bầm tím. Cô mếu máo hỏi nó, có đau không? Nó đáp, đau, nhưng không nhỏ giọt nước mắt nào. Từ khi đó cô đâm ra hoài nghi. Cô thấy ra đằng sau tấm phông tô điểm cảnh đời văn minh đẹp đẽ là cái tâm bất lương, dối trá. Nhưng không vì vậy mà cô sanh lòng oán hận quê cha. Bằng cớ là sau khi xong trung học, cô chọn ngành sư phạm, môn chính là Pháp ngữ. Tình cờ, qua lời giới thiệu của một gia đình quen, cô kết tình rồi lập gia đình với một Pháp kiều, nhân viên toà lãnh sự Pháp.
Quế không dám hỏi, cô có hạnh phúc không, vì qua câu chuyện cô vừa kể, Quế mơ hồ cảm nhận có điều gì không êm ả trong đời sống tâm lý của cô Ri.
Chi lảng sang chuyện khác:
– Không khí nơi đây trong lành và yên tĩnh quá.
Cô Ri xoè tay chỉ quanh quất:
– Đâu ai ngờ, chỗ này trước đây chừng hai mươi năm còn là vùng đất hoang nước đọng, đêm còn vẳng tiếng cọp gầm.
Quế to mắt hỏi:
– Qua đó, cô nhớ gì nhiều nhất?
– Nhớ các em và tiếng trống trường mỗi sáng thúc giục, mỗi trưa rộn rã. Nhớ tiếng guốc giòn giã xếp hàng trước cửa lớp. Nhớ những tà áo trắng thẹn thùng tuổi dậy thì đệ tam, đệ nhị. Nhớ hàng phượng vĩ mùa hè nhánh đỏ rưng rưng…
Quế đưa mắt chơm chớp nhìn Chi, ngắt lời:
– Cô Ri, đừng!
Rồi nghẹn ngào quay mặt. Cô Ri mở đôi lòng tay đặt lên bàn cho hai cô học trò úp tay vào, miệng cô cười tươi mà hai mắt long lanh ướt. Cô gắng giữ giọng tự nhiên:
– Hai em có đem ảnh theo lời cô dặn không đó?
Quế và Chi ‘‘dạ’’ nhỏ, rồi moi ví lấy ra tấm ảnh thẻ học sinh. Cô Ri đẩy quyển sổ bìa cứng sang cho Quế, nói:
– Mỗi đứa gắn ảnh vào đây, rồi ghi tên, địa chỉ cùng mấy hàng lưu bút cho cô!
Quế gượng cười, mắt đỏ hoe:
‘‘Lưu bút ngày xanh’’ hở cô?
Cô Ri ra giọng văn hoa:
– Không phải, ‘‘lưu bút mùa phượng vĩ’’.
Đôi mắt cô Ri rực lên sau câu nói. Màu mắt cô nâu nhạt, trong suốt, khắc dấu đậm đà trong tâm tưởng Quế.
 
*
 
Mãi gần ba mươi năm sau ngày quê hương thay đổi, trên đất định cư, một hôm bà Quế nhận được một bưu kiện gởi từ Việt nam. Lâu rồi, bà không liên lạc với bạn bè cũ còn ở lại. Giờ đây, tay tần ngần cầm hộp giấy, mắt hối hả đọc tên người gởi, bà Quế không tránh khỏi xúc động. Chi. Bóng ảnh quá khứ thoáng khắc hiện rõ từng nét sắc sảo trong hồi tưởng bà Quế. Cái nắng trưa hôi hổi vùng ngoại thành. Sắc đỏ rưng rưng buồn bã của những chòm phượng vĩ mùa tan trường. Tia mắt soi mói đầy lạc quan của bà giáo mang hai dòng máu như thầm nhắc nhở đám học trò, hãy mạnh dạn dấn thân vào trường đời, nắm lấy cơ hội, tự mình định đoạt lấy tương lai đời mình.
Bà Quế ngồi định tâm bên chiếc bàn con đặt cạnh khung cửa trông ra vườn sau. Đầu trưa, chồng đi làm, con đi học, nhà vắng. Bà lần tay tháo hộp giấy, nhẹ xô từng cánh cửa hồi ức, bới lại nhúm tro than còn loen ấm. Một trang thơ ngắn của Chi kẹp trong quyển sổ bìa nẹp kim nhũ. ‘‘Lưu bút mùa phượng vĩ‘‘ của cô Ri. Dòng chữ ẻo lả kiểu gô-tích đã phai. Nẹp kim nhũ đã ố nhám. Rìa giấy lười xười chất cường toan năm tháng.
Chi viết:
‘‘Quế thương,
Chi vừa nhận được kỷ vật này của cô Ri… không phải, của chồng cô ấy từ Pháp gởi sang. Cô Ri của chúng mình đã qua đời ngày … vừa qua. Chồng cô biên vài dòng vắn tắt, trước khi mất, cô dặn ông nhớ gởi quyển ‘Lưu bút mùa phượng vĩ‘ cho chúng mình giữ làm kỷ niệm. Chi đọc lại, tinh thần bải hoải mất mấy ngày. Rồi Chi phân tích kỹ, thấy mình vô lý, vì những trang nhật ký của cô Ri ở phần sau quyển lưu bút chứa toàn lời lẽ phấn chấn, đầy nhiệt tâm. Chi gởi sang cho Quế đọc và tin rằng Quế cùng san sẻ quan điểm với mình…’’
Bà Quế gấp thơ lại, đặt sang bên. Bà xoè tay mơn vuốt quyển lưu bút, từng trang một. Ảnh của hai cô nữ sinh Quế và Chi vẫn đậm màu hoá học. Miệng cười rạng rỡ. Mắt ngời sáng niềm tin. Thuở đó, tương lai còn là vòm trời rợp hoa mộng. Giờ đây, nhiều ước vọng đã khuất dấu, đã bị thực tế sinh tồn hủy diệt. Đời sống hữu cơ chỉ còn lại ngần này. Vài tấm ảnh và dúm từ ngữ rập khuôn: ‘‘Dù cho ảnh có phai màu..’’ Có những mẫu mực đã thay đổi. Nhiều đơn vị cân đo giá trị tình nghĩa không còn giống xưa.
Bà Quế lật sang phần nhật ký của cô Ri. Cô viết bằng tiếng Việt, ngôn ngữ mẹ. Bút tích cô nở hoa theo ngón tay bà Quế lướt chậm trên từng mẫu tự, từng chữ, từng hàng, từng phân đoạn. Bà cảm nhận rõ ràng giữa những hàng chữ, hơi ấm nhen lửa từ lòng tay cô Ri truyền sang thân bút gỗ, xuống ngòi thép, tan vào mực, nhỏ ròng ròng lên giấy trắng, như cái vòng sinh hoá vẫn âm thầm vận chuyển, tới muôn đời sau.
 
‘‘Thật ra, đây không phải là những dòng nhật ký thường tình, mà chỉ là những suy nghĩ vụn vặt của một người luôn bận tâm với những nghịch lý, những phân nửa khác nhau, tôi muốn ghi lại cho các em, những người tuổi trẻ, những đứa học trò tiểu quốc. Dòng máu tiểu quốc này cũng là một nửa phần xác và bản sắc tôi, kỳ lạ thay, vẫn thường vùng dậy đối chọi với nửa kia đầy những toan tính.
…Có những sớm mai trên quê hương chồng, tỉnh giấc, tôi ngỡ ngàng nhận ra mình như kẻ lỡ đường, băn khoăn giữa hai lối. Cứ đứng như thế. Cứ băn khoăn như thế. Không thiết lựa chọn, vì dường như sự chọn lựa nào cũng sai lẽ. Nơi đây, miền ngoại ô nhiều cây xanh, những sáng chủ nhật yên ả, tôi nghe vọng hồi chuông giáo đường giục giã. Âm thanh khuấy động trí nhớ. Từng lớp kỷ niệm nơi quê mẹ cựa quậy, mạnh dần, rồi gom thành chuỗi chấn động tâm lý, xoi đất, trào thành lệ lửa phỏng da. Tôi nhớ tiếng chèo khua nước tảng sáng ngoài sông thức. Tôi nhớ hương nhang tản mạn trong gian thờ nhà ngoại. Tôi nhớ đốm sao mai lẻ loi đầy tự tin tít tắp nơi chân trời bên kia ruộng nước mênh mông. Tôi nhớ tiếng dép lệch xệch  trên nền gạch tàu. Chầm chậm, thơi thả, loanh quanh chái bếp rập rờn ánh hoả lò… Những tiếng động và ảnh sắc ấy là quặng mỏ âm bản tiềm tàng trong tâm thức tôi, như những hồn ma thụ động, yếm thế, yên phận chờ đợi. Cái điều chờ đợi mới đáng quan tâm. Để hoá thân thành dương bản. Để vùng lên đòi lại quyền sống bị tước đoạt. Để nắm lấy bản mệnh. Để chống lại những âm mưu tha hoá.
…Tôi nghĩ nhiều tới đám học trò cũ. Chúng đáng thương quá. Chúng không có cơ hội chọn lựa nào khác ngoài những lầm lẫn của cha ông. Có những điều tế nhị khó nói. Bản thân tôi là điều tế nhị đó, vì tôi là tập hợp của hai bản sắc, thực dân và độc tài phong kiến. Thân nhân bên chồng luôn coi tôi như một di sản của quá trình đi tìm thuộc địa. Tôi ém nhẹm lý do ra đời của tôi. Chỉ là một chuyện rủi ro. Cả chồng tôi cũng không biết chuyện này. Ông là một người da trắng có lương tâm. Mỗi năm vào ngày đầu âm lịch, tôi đều thắp một nén nhang, châm hai ngọn nến, chưng một bình bông, bày một bữa giỗ chay để nhớ tới má, ông bà ngoại và những thân nhân mà kể từ ngày qua đây, tôi không còn liên lạc. Đúng hơn, tôi không muốn, nhất định không muốn. Tôi tự bôi tôi, như một sáng soi gương, tôi cầm khăn thấm một chút nước mắt, một chút máu tươi, giơ lên chầm chậm lau sạch bóng mình. Trong gương chỉ còn lại tấm vách nhẵn thín sau lưng. Trắng toát màu tuyết lạnh. Nhưng vẫn trơ trơ đó cái ý thức trâng tráo những trõm mắt man rợ. Không bao giờ nhắm.
…Cảm giác ấy tới thật bất ngờ… Không, không thể cho là cảm giác, vì nó không có. Tôi không còn nhận ra tôi. Tôi thấy ra đời sống tâm linh mình chật hẹp, tù túng đến rợn người. Tôi mất lạc thú trong chuyện chăn gối. Chiều chồng, tôi vẫn đáp ứng những nhu cầu thân xác của ông, bằng tâm trạng trơ lạnh. Người da trắng có lương tâm không nhận biết những thay đổi sinh lý trong tôi. Ngay chính tôi cũng không biết, vì khi thể xác tôi giao tiếp ông, não bộ tôi đông cứng, như bị vết chém phân hai. Thoạt đầu, tôi bối rối vô cùng. Nhưng từ từ, tôi biết cái nửa kia trong tôi đang ngoi dậy, bộc phát phản ứng, vì tôi đã nhát nhúa, không tỏ thái độ. Nó buộc tôi lên tiếng.
…Tôi không là cái gì trong xã hội. Tôi tầm thường, nhưng không còn bình thường như mọi người. Tôi trở thành kẻ đứng bên lề mọi sinh hoạt. Những lá thơ thăm hỏi của vài cô học trò cũ là những cánh tay vạm vỡ nâng tôi dậy, ráp  lại những mảnh vỡ tâm lý trong tôi. Quế cho biết có ý định vượt biên sau chính biến 1975. Chi vẫn cố bám lấy Sài gòn. Lời trần tình của em trong thơ cho tôi cảm tưởng, em là thân cây bị cơn lốc thời sự xô ngã. Những cọng rễ yếu vẫn bám đất, tay vẫn níu lấy tờ di chúc tả tơi, tìm tòi đọc lại để vượt thoát, nhưng chữ đã bị mối mọt áo cơm, mưa bão chủ nghĩa gặm nhấm. Không còn gì. Trống không. Quế và Chi đang sống trong một đất nước tự hủy, vậy mà đã dùng giấy mực vực tôi đứng, lay tôi thức, xốc tôi đi nốt đoạn đời còn lại. Tôi muốn gởi tới hai em lời nhắn nhủ của tôi: Các em hãy nghe bằng tai của các em, hãy thấy bằng mắt của các em, hãy nói bằng ngôn ngữ của các em, hãy nghĩ bằng quan niệm của riêng các em, đừng vì bất cứ lý do nào mà vay mượn của ai khác…’’
 
(tháng 7. 1999)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)