Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Kẻ Khác

0 bình luận ♦ 13.06.2018
IMG_4099_thumb.jpg

IMG_4099

Tôi nhặt được một cái tên,

Một cái tên lạ. Chưa từng nghe. Vừa khoe điều này ra, con Tâm đã giành lấy từ tay tôi, lật qua lật lại, lông mi dựng đứng, giương cao nhìn, rồi bỏ vào mũi hít hà, lim dim. Một lúc sau, nó thõng tay, nhìn nghiêng, mặt lạnh: “Nữ. Chắc chắn là nữ.”

Tâm thính mũi hơn con chó Cún của tôi. Đi qua nhà ai, giờ cơm, nó có thể biết nhà đó đang nấu món gì. Lúc đi nghe nhạc, phòng trà, mua sắm, ai sức nước hoa gì, nó biết ngay loại đó. Thậm chí nước hoa rẻ tiền của Ả Rập hoặc hàng giả của Trung Quốc nó cũng đoán trúng một cách tự tin. Tôi thích đi ăn vỉa hè với nó. Cứ gọi món ăn giống nó là yên tâm. Không bao giờ nó chọn phải đồ ăn hư. Nhưng chuyện nó thành thạo hơn là ngửi đàn ông. Nhìn thấy đàn ông, ngực sáu múi, mông nẩy, ngón tay to dài, là nó ngẩng mũi lên, biết ngay loại cỡ. Tôi hỏi: “Mày có bao giờ lầm?" “Ít thôi. Thỉnh thoảng cũng hố như thằng Rubio đoán lầm về bàn tay thằng Trump."

Tâm hay chúi mũi vào điện thoại. Ít thấy nó đọc sách báo, nhưng tin tức và tin đồn nó đều biết. Cô hoa hậu nào bán dâm, giá cả bao nhiêu, hoặc ca sĩ nào nâng ngực, trồng răng giả, vá người mấy mũi nó cũng không tha. Nó hay kể vanh vách, thường thì đúng, đại gia nào sắp vỡ nợ, đại gia nào sắp bị bắt, đại gia nào đang bao bồ nhí giá bao nhiều, mua căn hộ ở phố nào. Trump thì tôi biết, nhưng Rubio là ai thì tôi mù tịt. Tôi tưởng đó là một thày bói hoặc tình địch của Trump. Nó giải thích ngay thằng đó là nghị sĩ bang Florida, đảng Cộng Hòa. Nó thì thầm với tôi, điều ân hận nhất của bố mẹ nó, là ông bà nội nó không di cư vào Nam năm 1954. Điều ân hận thứ hai là sau giải phóng, bố mẹ nó không vượt biển bằng thuyền theo đường Hải Phòng đến Hồng Kông. Điều ân hận thứ ba là không còn cơ hội nào nữa. Thế là bố mẹ nó dồn nỗ lực củng cố đời con bằng cách bán một trong hai căn nhà để thằng em trai nó du học tự túc bên Mỹ. Mấy năm qua, chưa học xong, thằng em đang xin giấy tờ ở lại, vì làm đám cưới giả với một nữ Việt kiều. Tốn vài chục ngàn đô. Nếu xong vụ này, bố mẹ nó mãn nguyện vì đã đẻ ra được một thằng Việt kiều. ông bà sẽ xây một cái tổ đình cao to gấp 2 tổ đình của thằng chủ tịch huyện. Ông bà cũng dồn sức ép nó học ngoại ngữ. Nhưng chỉ học tiếng Mỹ và tiếng Tàu. Tiếng Mỹ là để dễ làm ăn trước mắt, hoặc đất nước này thay đổi chính trị, thì lần này, gia đình nó nhất định vượt biển tị nạn sang Mỹ, nó có sẵn vốn để hội nhập. Tiếng Tàu là khi quân Mã Viện tiến vào, nó cũng có sẵn vốn để ứng xử phòng thân. Nó hay nói về nữ quyền, nhất là sau khi ly di với chồng và thằng em trai nó đi du học. Vào Nam chưa được bao lâu, nên nó vẫn còn giữ được nhiều tố chất gái thủ đô. Hầu như mọi đàn ông nó đều gọi bằng thằng. Có lần tôi hỏi vậy thì chồng và bố chồng thì sao. Nó bĩu môi nếu không gọi bằng thằng thì không biết gọi bằng gì. Với nó, nhắc lại nhiều lần, đàn ông thằng nào cũng giả, hèn, dâm và khốn nạn cả.

Tôi tin Tâm.

Cái tên tôi nhặt được của nữ.

Ngày hôm sau, tôi quay trở lại chỗ nhặt được cái tên hỏi những người hay ngồi hai bên đường. Vỉa hè của thành phố này luôn luôn đông chật. Họ ngồi đứng ngổn ngang, hút thuốc lá, uống trà, cafe, hoặc bầy biện uống bia suốt ngày. Có kẻ nằm gác chân lên chính chiếc honda ngủ ngon lành. Tôi dơ cái tên lên hỏi người đầu tiên. Họ nhướng mắt nhìn, lắc đầu, rồi chỉ sang người kế bên. Người kế bên cũng một động thái y hệt, chỉ sang người bên cạnh. Không ai biết, cho đến khi tôi đi đến cuối đường.

Tôi bước qua bên kia đường, mọi sự lập lại y hệt. Thế là mất cả ngày.

Tôi trở về, kể với mẹ. Mẹ cầm cái tên lên, nhìn kỹ, rồi đưa lên mũi. Bà nói: “Cẩn thận con ạ, tên mà nửa Tây nửa ta thế này, không phải là điềm lành." Mẹ vào bếp mở tủ lấy ra một xấp giấy hàng mã, rồi bật lửa đốt phẩy phẩy chung quanh. Mẹ lấy mấy củ tỏi đặt rải quanh cái tên. “Lỡ có bùa mê thuốc lú." Mẹ tôi rất tin vào tỏi. Tỏi có thể xua đuổi tà ma, quỉ ám, hoặc những điều xui xẻo. Mỗi khi thấy chuyện xui xẻo, mẹ đều đặt tỏi lên bàn thờ hoặc rải trước cửa. Hồi chia tay với Trí, mẹ bắt tôi tắm nước ép tỏi ba ngày liền. Mẹ nói lỡ nó sang Kampuchia đem ngải về ếm vào bụng mày thì sao? Ba ngày đó bà rải tỏi chung quanh giường tôi ngủ. Cả tuần sau tôi không dám ra khỏi nhà. Đúng ra, cắt đứt với Trí, không phải vì bố coi tướng Trí, người cao to, mà bàn tay lại nhỏ, nhìn hơi dị. Bố nói đó là tướng người ích kỷ, tham lam và khoác lác. Nhưng là tôi xiêu lòng vì Tâm. Tâm rù rì, Trí là con trai một, nhà giàu, được chiều chuộng, bàn tay bé nhỏ thư sinh, sẽ là thằng vô tích sự từ nhà bếp đến phòng ngủ. Bố mẹ nó lại là dân bắc, làm dâu tức làm đầy tớ. Chỉ đẻ con và làm oshin cho cả lò nhà chúng. Không chịu nổi đâu. Chuẩn của Tâm là nếu làm dâu cho gia đình Bắc hoặc Trung, thì cẩn thận, địa ngục đấy, chị em ạ. Nhớ tránh cho xa. Tâm thỉnh thoảng bỉu môi, cái môi Bắc Hà cong lên của nó, không hiểu sao tao lại nhẹ dạ đến thế. Một lần thôi đủ nhớ đời. Mẹ nói năm nay con có hạn, sao La Hầu chiếu mệnh, bố đoán có sự thay đổi lớn.

Tôi sinh năm 1986, tuổi Bính Dần. Mẹ bảo đúng rồi, gái tuổi dần, khó lấy chồng. Bố nói tôi cao số. lấy sớm thì sát phu, hoặc trắc trở chia cắt. Lấy trễ thì ít con, về già cô độc. Tóm lại, bố mẹ đều cho là tôi có khả năng ế chồng. Mẹ hay nóng ruột, tôi nói không sao, con sẽ chăm sóc bố mẹ lúc về già. Nhưng ai hỏi tuổi gì, tôi trả lời tôi tuổi Bảo Bình. Tâm sinh cùng năm, già hơn tôi đúng tuần, nó cũng Bảo Bình. Tâm hay lên mạng coi bói hàng ngày. Mỗi khi có điều thú vị, nó đều kể ngay tôi biết. Con gái tuổi Bảo Bình có óc sáng tạo, phóng khoáng, có khả năng chỉ huy, nhưng mau chán, thích thay đổi, Tâm hay xuýt xoa, sao chuyện gì Tây phương cũng hay hơn cả. Tử vi Đông phương thành kiến và ác độc với đàn bà. Đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường, là đào hoa, là thành công, là đáng nể. Đàn bà mà thế thì gọi là lăng loàn, trái luân thường đạo lý. Có lúc Tâm thì thầm, phải chi tất cả bọn đàn ông thế gian này biến.

Bố có nghề tướng số, phong thủy.

Một lần khi Tâm tới nhà tôi chơi, hai đứa nói chuyện cười đùa ngoài phòng khách, khi Tâm về, bố từ nhà bếp ra nói, tao nghe giọng bạn mày, khắc phu, khắc cả gia đình chồng. Số này không thể có chồng lâu dài được. Quả thực, Tâm đã ly dị chồng sau ba tháng làm dâu.

Bố cầm cái tên, đưa lên mũi, rồi nhìn tôi nói: “Cái tên này cao số, ở xa mới phát. Năm nay có thể rắc rối, kể cả việc tai nạn, thưa kiện, thương tích hay ở tù, sẽ có những thay đổi lớn, tốt xấu chưa rõ."

Thế là tôi ra sở công an.

Bố nói, thời trung cổ, khi giáo hội kiểm soát cả thần quyền lẫn thế quyền, kiến trúc lớn nhất là nhà thờ. Thời quân chủ, lớn nhất là hoàng cung, rồi dinh thự lãnh chúa. Ở các nước tư bản thì là bản doanh của các tập đoàn tài phiệt. Tôi tìm đến tòa nhà lớn nhất trung tâm thành phố.

Chính xác. Sở công an.

Đây là một tòa nhà chiếm hẳn một block phố, nhà bốn mặt tiền, biệt lập, vuông vức, với tường cao lát đá thiên nhiên, nhẵn nhụi, nếu đứng xa, màu sắc của bức tường nhìn như mặt nổi của một tảng băng chìm. Chung quanh cây cối hoa cỏ ngăn nắp, không có hàng rong, cafe bệt, ăn xin, bán xé số, bàn nhậu, đậu xe lấn chiếm, y hệt một công ty người nước ngoài.

Sau khi làm thủ tục ngoài cổng, tôi bước vào một sân rộng.

Một bên là hàng người xếp hàng như rồng rắn. Bên đó là hàng người vào thưa trình vì bị mất trộm, móc túi, giựt điện thoại v.v…

Tôi bước vào phía bên kia. Phía của những người trả lại đồ nhặt được. Không một ai.

Những người công an ở đây, giống như những công an giao thông tôi hay gặp ngoài đường, không để lộ cảm xúc ra ngoài. Đa số ặc thường phục, đơn giản. Nếu gặp ở một nơi nào khác, tôi không thể nào tưởng tượng được họ là công an.

Viên công an trẻ tuổi, da trắng xanh, cầm cái tên lên mũi, hít hà vài cái rồi nói: “Đây là người nước ngoài."

Anh ngần ngừ nhìn tôi rồi ngửi thêm lần nữa: “Người này là nữ."

Anh cà cái tên qua máy tính, nói tiếp: "Chúng tôi chưa định vị được người này."

Rồi ngẩng lên, dò xét: “Có thể là bút danh hoặc bí danh của ai đó. Thậm chí tên giả không chừng."

Thế là tôi phải trở lại chỗ nhặt được cái tên để khai báo về việc nhặt được, với tờ khai báo có con dấu đỏ của công an sở tại, tôi quay lại trụ sở chính vào lúc đầu giờ chiều.

Cùng một bàn giấy, vẫn vắng hoe. Phía bên kia vẫn dài một hàng người. Và trước mặt tôi là một anh công an khác. Cũng trắng xanh, có vẻ mới ra nghề, như anh hồi sáng.

Rồi anh công an này, cùng một động tác, ngôn ngữ, giọng nói, cái nhìn, thậm chi cách nhìn nghiêng, gần giống hệt anh ban sáng. Như được đào tạo cùng trường lớp, cách ứng xử và nghiệp vụ khuôn đúc, tôi có thể nghĩ đó là anh em ruột.

Sau đó, tôi được mời ở lại làm việc, thực sự là thẩm vấn bởi ba nhóm khác nhau, một nhóm hỏi về lý lịch, một nhóm khác hỏi về có liên hệ gì với cái tên, một nhóm khác lại hỏi tôi có bao giờ xử dụng bút danh, bí danh hay tên giả.

Mấy giờ sau, tôi mới được trả về.

Đúng ra, cách đây bốn ngày, nhặt được một cái tên, không những làm tôi mất thời giờ, đôi khi bực bội, nhưng đã xáo trộn cả cuộc sống đời thường của tôi. Hình như tôi đã buông xuôi theo những tẻ nhạt hàng ngày. Như một kẻ đầu hàng. Tại sao lại một cái tên? Một cái tên rớt ngoài đường? Vô tình hay cố ý. Tôi bỗng như những anh công an, có thể đặt ra mọi thứ câu hỏi cho chính mình, ngay cả những câu có vẻ ngớ ngẩn hoặc bất ngờ nhất.

Tôi không chọn được bố mẹ. Tôi không chọn được màu da. Tôi không chọn được tổ quốc. Tôi không chọn được giống tính. Tôi không chọn được khi nào tôi sinh ra. Tôi không chọn được tiếng mẹ đẻ. Thậm chí cái tên, tôi cũng không được chọn.

Tôi là ai?

Tôi đến với thế gian này không chỉ khiên cưỡng, tình cờ, mà hoàn toàn phi lý. Một phút nhẹ dạ nào đó của mẹ. Một phút nào đó ham hố của bố. Hoặc nhẹ dạ và ham hố của bố mẹ xảy ra cùng một lúc, Và đúng chỗ. Thế là có tôi. Vừa ra đời, tôi đã là tù nhân của thế gian. Là tù nhân của đất nước. Là tù nhân của xã hội. Là tù nhân của phong tục. Là tù nhân của dư luận. Là tù nhân của thân xác. Là tù nhân của giới nữ. Và bây giờ, là tù nhân của cái tên. Thế mà bây giờ soi gương, chắc gì kẻ đối diện là tôi.

Đúng là tôi? Hay kẻ khác? Ai thực ai giả?

Cái tôi đứng đó hay cái tôi trong gương. Người trong gương đánh tráo tôi, hay chính tôi đánh tráo kẻ khác đó. Thế mà có người nói “kẻ khác là địa ngục”*. Hay tôi là địa ngục của chính mình? Mọi sự trở nên huyền ảo, hỗn độn mê đồ. Một cái tên nào đó nằm tênh hênh trên vỉa hè, cô độc giữa phố xá đông người và ồn ào, đã gây một bão chấn động qua tôi. Cơn bão không những phá hủy tôi, nó phá hủy sự thực. Hoàn toàn không có cái gọi là cái tôi. Vô ngã.

Chờ tôi ở phòng khách đã có Tâm và con Cún. Cún nhảy cỡn, đuôi cong nguây nguẩy. Với nó, chắc tôi vẫn là một cô chủ, cho nó ăn hàng ngày, dắt nó ra ngoài đi dạo hàng đêm. Tâm cũng ôm tôi. Tâm bảo tao tưởng một anh công an đẹp trai có bàn tay to dài đã giữ mày ở lại luôn rồi. Tôi ở lại thật. Mãi mãi. Nhưng với một lý do khác. Tâm ôm tôi thật chặt, hít hà. Hai tay nó nâng mặt tôi lên, mắt long lanh. Tôi nghĩ. Tôi nghĩ. Tôi nghĩ Tâm ơi. Trước đây đã có lần, Tâm thì thầm vào tai tôi, sao không để chính bản thân mình có những trải nghiệm mới. Tôi cũng có lần mơ thấy Tâm xoa tay khắp người, và thèm bàn tay Tâm đi đến chỗ tận cùng của thân thể. Không biết từ lúc nào, tôi nghĩ Tâm có thể lật ngược được tâm hồn tôi, đưa cả hai đến bến bờ mới. Nhưng bất ngờ Tâm đẩy tôi ra: “Em có mùi lạ?” Tâm nhìn tôi chằm chằm, như sắp khóc: “Em đã thay đổi? Em có tên khác?” Lần đầu tiên, Tâm đổi cách xưng hô. Tôi nhè nhẹ là em.

Tâm ơi!

Tâm nói đúng, khi ngồi chờ ở phòng tang vật để nộp cái tên nhặt được, tôi đưa cái tên lên mũi. Bất ngờ, một luồng hơi ấm dịu, lan tỏa khắp người. Hình như tôi đã biết, đã quen mùi vị này từ lâu lắm. Ở chỗ công an này, căng thẳng như có ngàn con mắt dòm ngó tôi từng động tác, tôi vẫn đỏ mặt và nóng bừng. Thế là tôi đổi ý. Tôi quyết định nộp tên mình. Và giữ lại cái tên mới. Cái tên nửa Tây nửa ta đó. Kệ. Tôi chạy ùa ra đường. Tôi vừa được giải phóng. Giải phóng khỏi một cái tên. Một cái tôi cũ mèm. Xong. Không có giải phóng nào lớn bằng giải phóng khỏi một cái tên**.

Lần đầu tiên trên đời, tôi là kẻ khác.

06-2018


*Một câu nói của nhân vật Garcin trong vở kịch No Exit của Jean-Paul Sartre (1905-1980), “hell is other people” (địa ngục là kẻ khác). Bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh của Stuart Gilbert, nxb Alfred A. Knopf, 1949, New York.

**Dựa vào một câu nói của Aung San Suu Kyi (Myanmar): “Không có sự giải phóng nào lớn bằng giải phóng khỏi sự sợ hãi."

hình ảnh: Vô Đề (Your Body Is A  Battleground/ Cơ Thể Bạn Là Bãi Chiến Trường), nhiếp ảnh, bản in trên nhựa tổng hợp của Barbara Kruger, 1989.

bài đã đăng của Lê An Thế

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)