Trang chính » Sáng Tác, Thơ xuôi Email bài này

30 tháng tư 2019

0 bình luận ♦ 13.05.2019

B nhắn tin T chết, năm nay ở California trời mưa nhiều và hoa nở khắp nơi. Xác T đã thiêu và gia đình sẽ đem về rải ở Việt Nam. Pleiku, Kontum, và biển. Tôi không nhớ T trong bộ quân phục, những căn cứ, những đan bom của thời chiến. Tôi chỉ nhớ khuôn mặt, dáng dấp T những lúc hát tình ca, những ly rượu, những quán cafe, những bè bạn cùng chia xẻ. Chúng tôi trộn tuổi trẻ vào chiến tranh, quê hương, tình yêu, thân phận. Lúc ấy, tuổi hai mươi, chúng tôi tưởng chúng tôi bất tử.

Tháng tư 1975. Chúng tôi mất hết.

Sau khi ra tù cải tạo, T vượt biên và tới Mỹ. Đầu thập niên 80, gặp nhau lại ở California thì cả hai đã khác. Tôi không bao giờ nghe lại T hát. Không bao giờ có dịp uống rượu cùng T nữa. Thỉnh thoảng có hẹn nhau ra một quán cafe thì chúng tôi đều ngượng ngập không nói thêm được điều gì. Chúng tôi đã khác. Đã đổi đời. Mỗi người đều bận bịu kiếm sống từng ngày. Hình như màu da, ngôn ngữ, sức nặng quá khứ và kiếp lưu vong đã kéo chúng tôi chìm nghỉm.

Việt Nam và tháng tư. Là một.

Để chống trả với sự trừu tượng của quá khứ, tháng tư 2015, tôi đã quay trở lại những nơi mà sau này, tro T sẽ trải. Một lần tôi tới vùng ngã ba biên giới định tìm nơi Đ đã bị một viên B40. Tình nguyện vào lính cùng ngày, tốt nghiệp cùng khóa, cùng một ngày trình diện ở Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Pleiku. Nhưng sau đó, không tin tức không thư từ. Hai đơn vị chúng tôi chỉ cách nhau có 60 cây đường chim bay. Chỉ biết Trung đoàn 42 Biệt lập của Đ ở Dakto đụng độ nhiều lần ở cuối dãy Trường Sơn. Cho đến khi, 6 tháng sau, biết tin xác Đ cháy đen. Không cơ hội đưa tiễn Đ lần cuối. Chỉ biết Đ thành cố thiều úy. Hưởng dương 20 tuổi. Bây giờ không còn bất cứ dấu vết nào, kể cả những cái tên. Ngọn đồi 875 năm nào cũng không ai biết nó ở đâu. Không còn bất cứ tấm bản đồ nào chỉ ra quá khứ. Lúc sống, xưng hô mày tao. Lúc chết không thể xưng hô vậy nữa.

Ở Việt Nam cây cỏ vẫn xanh.

Nhưng là một màu xanh khác. Những dấu vết đều bị xóa sạch. Tôi còn nhớ những đợt cỏ tranh quằn quại khi đứng trên những bao cát đỉnh đồi nhìn xuống, mãi hàng chục năm sau, tôi mới biết nó là bức tranh Van Gogh. Những con quạ đã để lại tiếng vỗ cánh thê lương.

Trời tháng tư. Vẫn xanh.

Tháng tư năm nay rất nóng. Không thấy những cơn mưa. Tôi nhớ vết đạn trên ngực trái H khi chỉ kịp về thăm chốc lát ở Tổng y viện Cộng Hòa vào 14 tháng tư 1971. Ngày H mất. Sư đoàn 5 Bộ Binh. Cố trung úy. Hưởng dương 23 tuổi. Một phần trong tôi đã chết với Đ. Một phần trong tôi đã chết với H. Một phần trong tôi đã chết với những đồng ngũ chết trận. Những cái chết trận, tôi linh cảm, dù ở bên này hay bên kia, dù kết quả trận chiên thế nào đi nữa, vẫn là bên thua cuộc.

Tháng tư hóa đá.

Chắc T không còn mệt. Chúng ta đã mất quê hương tự bao giờ. Chắc Đ không còn mệt. Đã ngơi nghỉ trước bao năm. Chắc H không còn mệt. Đã bình an hơn những bè bạn ở lại. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời tại sao. Tôi luôn mang mặc cảm sống sót và niềm ô nhục. Nếu đời người là một chuyến tàu vội vã, thì tôi chỉ là kẻ đi sau.

Giữa tháng tư Saigon, tôi càng nhớ tháng tư.

Ngày 30 tháng tư 2019, tôi đi giữa Saigon, trà trộn vào đám đông. Thành phố. Vỉa hè. Ô nhiễm. Rác. Chen lấn. Nóng bức. Ồn ào. Những thế hệ khác. Ngay cả tiếng nói. Cũng khác. Không biết cách nào để gọi đúng quê hương. Cũng có thể, tôi không có quyền gọi như thế nữa.

Tôi bỏ dự định ra bờ sông Saigon để ngồi nhớ biển. Chiều 30 tháng tư 1975, tôi đã vượt biển từ chỗ này. Nhớ lúc ấy, tôi không hề biết mình đi đâu. Nhớ sau đó, những chuyến vượt biên của người khác.

T kể đã vượt nhiều lần, tốn rất nhiều cây vàng, cuối cùng mới thoát. Nhớ hàng trăm ngàn người đã chết trong lòng biển, hoặc bị cướp, giết, hiếp bởi hải tặc Thái Lan. Tôi đóng kín phòng để ngăn chận bất cứ điều gì tràn ra hoặc ùa vào. Chiều nay, mọi sự đều thừa.

Và nhìn ra cửa sổ, trời Việt Nam vẫn rộng.

Tôi sợ sức hút của trái đất, của quê hương, của tình yêu, của quá khứ, của ngôn ngữ, của bóng mình. Tôi nghĩ Đ, H, và bây giờ T đã thoát. Tôi nghĩ những người lính chết trận của cả hai bên đã thoát. Tôi nghĩ những nạn nhân chiến tranh Việt Nam đã thoát. Những con quạ đã bay thoát khỏi bức tranh của Van Gogh. Tiếng vỗ cánh thê lương thuở nào đang nhẹ dần như tiếng chuông ngân.

Saigon 30 tháng tư 2019

bài đã đăng của Lê An Thế

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)