Chiều 30-4-2006, ở đường Moran, Little Saigon, quận Cam, nơi có nhiều tờ nhật báo Việt ngữ, một bà cụ chống gậy không quen nhờ tôi chở ra đầu Bolsa để đón xe bus về nhà.
Bà cụ nói: Tôi nghe hôm nay ở đây có tổ chức ngày tưởng niệm thuyền nhân, nhưng tới nơi không thấy thuyền nhân đâu, mà chỉ toàn quần áo lính, biểu ngữ, huy chương cờ quạt. Tôi sợ quá phải về.
Tôi xin đưa bà cụ về nhà, cách Bolsa 3 block đường, 4 cây số. Bà cụ kể có đứa con trai tuổi sửu, sinh năm 1961, vượt biên năm 1978, mất tích, không biết vì thuyền chìm hay hải tặc. Tôi lại lo vàng cho con em gái của nó vượt biên sang Mỹ năm 1981, bây giờ làm chủ tiệm nail ở New Jersey, có chồng 2 con, khấm khá, và bảo trợ tôi sang Mỹ từ 1994. Tôi không muốn sang, vì sống ở Việt Nam cũng đủ, lại gần mồ mả ông bà. Rốt cuộc tôi đi Mỹ vì ngày nào cũng nhớ tới đứa con trai, mất tông tích từ 28 năm qua. Hôm nào khỏe tôi đều ra ngồi trước Phước Lộc Thọ nhìn người ta qua lại. Khi thấy ai giống nó, tôi đều khóc. Mỗi năm đúng ngày này tôi đều cúng một bữa cơm. Xem đây là ngày giỗ nó.
Căn phòng của bà cụ thuê là một studio, có một giường ngủ nhỏ, một TV, một phòng tắm, sạch sẽ, ngăn nắp, một bàn thờ, có một tấm ảnh đen trắng của một thanh niên gầy ốm, khắc khổ.
Trên bàn ăn dọn sẵn một số thức ăn đơn giản, 2 chén cơm, 2 đôi đũa. Nét mặt người thanh niên trong bức ảnh, tôi nhìn lại, đã trở nên bình thường. Như đang nhìn chén cơm quen thuộc dọn sẵn cho mình.
Tôi đứng loay hoay trong căn phòng giây lát. Hình như lâu lằm, tôi đã quên không biết cách chào từ biệt. Quên cả hỏi tên người con trai lẫn bà cụ.
Lúc đó trời sẫm tối ngày 30-4-2006.
Lái xe trở lại đường Bolsa. Đường vắng, không thấy người và hai bên đường đầy cờ quạt. Tôi bỗng dưng quá nhớ câu thơ của Trần Dần:
Tôi đi giữa Sinh Từ
Không thấy phố
Không thấy nhà
…
Tôi ngừng xe và đi bộ trên đường Moran, miêng lẩm bẩm đọc lại bài thơ mà không hiểu tại sao, những câu thơ lại có thể thấm thía trong một hoàn cảnh khác như vậy.
Một nửa thế kỷ sau bài thơ này, tôi vẫn không biết phố Sinh Từ ở đâu.