Trang chính » Phỏng vấn Email bài này

Nói Chuyện với Tru Sa về “Con Ngõ Vắng”

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 20.06.2014

 

1. Trước tiên, đây không phải là câu chuyện của V mà là một tường thuật của một người thứ ba vắng mặt về V. Một khi đã chú tâm vào những chi tiết và không khí, cũng như góc nhìn và khoảng cách của ‘người kể chuyện về V’  trong “Con Ngõ Vắng,” cảm giác của tôi là “xem” một sự quan sát tỉ mỉ và nghe thuyết minh của một giọng kể theo phong cách tối giản, tiết chế mọi cảm xúc, chỉ toàn ghi nhận và ghi nhận. Việc đọc này tương tự như kinh nghiệm nhìn/ quay/ chiếu lại hình ảnh qua một cái camera đặt cố định trong một con ngõ.  Có thể nói đây là hình thức nghệ thuật chủ đạo để xây dựng truyện, bằng cách thu hình đời sống qua ống kính của ngôn ngữ và trí tưởng?Tác giả chú trọng đến những ngôn ngữ kỹ thuật điện ảnh nào khác cho truyện?

Trong truyện ngắn này, tôi không chủ tâm vào việc xây dựng nhân vật, cốt truyện hay một tình huống ấn tượng ( Điều thường thấy, cơ bản nhất ở một truyện ngắn.) Mọi thứ giống như những ghi chép lại. Nói rằng đây là các mảnh nhật ký rời rạc, bị xào rối cũng chẳng sai. V là người trong cuộc nhưng cũng là người ngoài cuộc. Diễn biến truyện chậm đều và không hề có một khúc ngoặt nào. Người đọc rất dễ bị rơi đi, thậm chí còn quên mất mình vừa đọc gì. Và, đấy là điều tôi mong đợi.

Tôi không tường tận và cũng chưa có nhiều cơ hội để đi sâu về loại hình điện ảnh. Ngôn ngữ tôi sử dụng trong truyện chỉ là cách riêng của mình. Là góc nhìn, và cách tự xử lí hình ảnh của mình. Tôi muốn mọi thứ thật chậm. Và trong cái chậm đấy, tôi sẽ có cơ hội quan sát và nói nhiều hơn.

2. Điều tôi thích ở truyện là sự không-tiết lộ những thứ có thể tạo ra những suy đoán về mục tiêu và động cơ của V. Rất nhiều mâu thuẫn có chủ ý. Trước tiên là tựa đề “Con Ngõ Vắng” vì thực ra nếu đọc kỹ, con ngõ này không vắng, có nhiều nhà, hàng quán, học sinh đến ngồi, khách hàng qua lại, những toán người ra vào trò chuyện, những người đang hoặc đã từng xuất hiện trong ngõ, những cú điện thoại, những âm thanh nghe được từ những laptops, vv…  … Vậy cái “vắng” này nằm ở đâu?

Thời đi học tôi có không ít bạn bè. Nhiều người họ đã mời tôi vào phòng ký túc, tổ chức tiệc ngọt, có bia và nhạc. Họ nói đủ thứ, ăn đủ thứ, uống đủ thứ, và còn nhảy múa theo nhạc. Rất đông vui, tuy nhiên đấy chỉ là sự quần tụ nhốn nháo. Nhiều lúc tôi còn ngỡ mình đi lạc vào một quán bia vỉa hè, và tôi là người lạ. Những cuộc vui như thế kéo dài tuần này qua tháng nọ. Tôi vẫn được mời và luôn thế…Tôi chỉ ngồi một lúc, rồi cáo phép về, và tìm ra cái quán trà nhỏ nơi chỉ có tôi và cái bóng của mình chiếu trên tường.

Một chốn đông, đôi khi lại chính là một hoang đảo.

3. Những yếu tố ngược ngạo khác là những mô típ tái hiện- một cách nhất quán- từ đầu đến cuối truyện: chẳng hạn về que diêm quẹt lên chỉ để quẹt lên, không để châm thuốc, hoặc châm thuốc mà không phải với mục đích để hút; hoặc về những lần “đợi” xe ở bến: đợi nhưng khi xe đến lại không đi, chiếc ba lô là vật bất khả ly thân nhưng cuối cùng bị bỏ quên, vv… Những hành động này “nói” rất nhiều. Tác giả muốn ám chỉ điều gì hoặc muốn người đọc nhìn thấy gì?

Chi tiết đánh diêm, đợi xe được tôi dùng nhiều lần. Đây là hai chi tiết chính, được lặp đi lặp lại ở mỗi phân đoạn. Điều tôi muốn từ người đọc của mình là gì? Sự lặp lại không mục đích? Những dự định phụt tắt? Hay trở mình nhiều lần mà vẫn chưa thoát mộng? Tôi vẫn thích người đọc tự thấy hoặc giúp tôi thấy hơn.

4. Từ những yếu tố/ chi tiết/ mô típ dàn dựng trên, có phải chủ đề truyện nhắm đến tính phi lý của đời sống, sự vô vọng trong những động tác lập lại, hầu như vô nghĩa? Câu nói cuối cùng “Sang đường cái đã” (Tru Sa thường có những câu kết rất bất ngờ thảy người đọc sang một hướng khác), có phải để kêu gọi người đọc ý thức hay có một cái nhìn lại về bản chất của đời sống? “Sang đường” ám chỉ một sự chuyển hướng đi, hay cũng chỉ là một ghi nhận về tính phi lý và vô vọng, vì chúng ta không có khả năng chọn một con đường khác cho mình, chúng ta chỉ có thể tự xoay chuyển vùng vẫy trong một giới hạn đã đặt ra cho mình bằng cách sang đường?

Mỗi truyện ngắn mà tôi viết, thường phải mất một tuần. Có những truyện mất thêm một, hai tuần hoặc kéo dài một tháng, chưa kể việc sửa lại. Một truyện ngắn viết lâu thế, đấy là vì tôi không thể viết nhanh. Lý do nữa, là tôi không chủ tâm làm người khiển rối. Cũng nghĩa là, mỗi truyện khi tôi viết, luôn chưa có kết, chưa phân tuyến. Đến chi tiết, không phải là thứ có sẵn ở đầu, mà tôi phải tự nghĩ ra khi chấm bút đến một phân đoạn cần chi tiết. Chỉ có ý tưởng là hiện hữu. Những gì còn lại tôi phải tự tìm ra khi ngồi vào bàn viết. “Con Ngõ Vắng” tôi bắt đầu ý tưởng từ chính tôi. Bởi tôi vẫn luôn có thói quen uống trà một mình trong một quán trong ngõ. Chỉ khác, tôi có bạn cùng đàm trà. Tuy nhiên, khá lâu trước, thì người bạn đấy không còn, tuy nhiên tôi vẫn thường vào quán trà đấy để ngồi, và vẫn một mình. Tôi có suy nghĩ là, không hẳn việc tìm về đấy là do trà ngon, chỗ tốt hay gần nhà. Tôi đang đợi cái gì đấy. Bạn mình, một người quen, tiếng hồi đáp từ cái bóng mình in trên tường, hoặc đơn thuần chỉ là…Đợi Godot. Sau những cuộc mạn trà cô độc, tôi thường đi đâu đấy cho hết ngày để rồi về. Từ ý nghĩ tôi / hoặc một ai đấy đợi gì và đi đâu, đợi chỉ để đợi hay đi chỉ để đi, tôi đã đặt bút viết “Con Ngõ Vắng.”

“Sang đường cái đã” như chị đã nhận xét, là một sự chuyển hướng. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một sự sang đường tạm thời, một sự chuyển dịch không chắc chắn. Vì đường xá thì nhiều. Sang đường này thì còn đường khác. Mọi thành phố thì rất nhiều đường. Trong truyện, không chỉ V, mà những người khác cũng sang đường ( thằng bé có con chó, cô gái, rồi ông chủ quán trà…) tuy nhiên sự sang đường của họ chỉ là chuyển đi.

Mọi sự chuyển hướng đều không thể đến đích, đấy chỉ là sự trở bước, đôi khi bước sang đường khác có khi lại lọt vào mê lộ. Thế nhưng dù vô vọng, dù cái liềm của thần chết có cắt xuống thì con người vẫn phải tự đoạt lấy đường cái.

5. Giọng văn dửng dưng trong “Con Ngõ Vắng” còn thể hiện tính vô cảm trong đời sống đương đại của những cư dân Hà Nội, chẳng hạn sự dửng dưng trước một tai nạn chết người mà nạn nhân là một cụ già, hoặc một cuộc gọi về một toan tính tự tử mà người nhận không biểu tỏ một cảm xúc nào, và cả những cuộc kết nối mà người đối thoại luôn vắng mặt, vv… Tất cả những điều này được “chiếu” ra từ V, và V như thế đã trở thành một chủ thể có suy nghĩ, thay vì chỉ là một đối tượng của camera trong con ngõ? Hay dù là một chủ thể, những cư dân của Hà Nội vẫn chỉ là những sản phẩm kỹ thuật vô cảm của đời sống đương đại?

Bởi lẽ nhan đề truyện là “Con Ngõ Vắng” nên tôi không muốn bất kì một phân đoạn nhỏ nào gợi lên tình cảm. Một cái thở nồng nàn cũng quá đủ để không gian bị nhiễu. Những gì tôi làm chỉ là kể ra, và kể thế. Tôi sống ở Hà thành đã nhiều năm. Những chuyện tai nạn xe thì quá thường nhật. Ở khu phố nơi tôi ở, vẫn thường có tai nạn xe. Nhiều khi người dân bao gồm cả tôi nghe thấy tiếng va xe, và một thứ gì đấy rơi bịch xuống đường, kèm theo tiếng hô hoán. Thay vì chạy ra thì lại đứng trên nhà, ló nửa cái đầu ra cửa sổ. Ai ở dưới đường thì chạy lại và hiện trường được dân cư phố, người đi đường bọc vào một cái chiếu thịt người. Vì rằng những chuyện thế này quá thường xuyên, nên không ai muốn tiếc nửa giọt nước mắt cho cái tai ương này. Giống như phải uống quá nhiều sữa, nên không còn cảm thấy vị sữa nữa.

Trong cú điện thoại của V với người tự tử, tôi muốn xoay chuyển một ít.

“Đến chỗ tao đi.”

“Có gì gấp.”

“Tao đang muốn tự tử đây.”

“Mày sẽ không tự tử.”

“Tại sao?”

“Mày còn gọi cho tao.”

“Đến chỗ tao, được chứ…”

“Tao không biết…Tao còn chờ xe…”

Cái người gọi cho V không hoàn toàn có ý tự tử, và việc gọi đến V chỉ là để mong có người ở bên. Có khi tự tử chỉ là cái cớ, và việc V không đến mới thực sự khiến người này phải tự tử. V biết, một chút gì đấy, thế nhưng V không đến. Vì V còn chờ xe. Nghĩa là V còn do dự, chưa quyết chắc. Đến hay không, đi hay ở. Lúc V còn cân nhắc thì máy điện thoại hết pin, mọi liên lạc mất trắng. Mọi thứ dừng lại nhưng ở hai bên đầu dây, hai con người đã chịu dừng theo chưa. Không ai biết, và tôi cũng không biết. Tôi chỉ viết thế, và chuyển đoạn.

6. Nếu tôi nói đây là một truyện ngắn rất hay, thể hiện những chủ đề bao trùm nghiệm sinh con người, với một thủ pháp/ phong cách viết thích hợp nhất với chủ đề, Tru Sa nghĩ những độc giả nói chung của chúng ta có đồng ý với nhận định này?

Đầu tiên, rất cảm ơn chị đã hiểu hoàn toàn “Con Ngõ Vắng” Truyện ngắn này tôi đã gửi đi nhiều nơi, đưa nhiều người đọc nhưng đây là những phản hồi tốt nhất. Tôi không mong gì lời khen ngợi và chỉ hứng thú nếu người đọc văn của mình hiểu khớp những gì tôi viết ra. Đây có thể là một truyện ngắn rất hay, rất chán, rất thú vị, rất ngớ ngẩn hoặc rất gì đó…Thì phải do độc giả nhìn nhận, chứ tôi không thể bắt họ theo mình. Với tư cách cá nhân, là người viết thì truyện ngắn này quá buồn chán. Nếu để kể ra thì chẳng có gì. Từ nhỏ, trí não tôi đã được nuôi dưỡng bởi Frankentein, Dracula, Kappa, Noppera-bou, những hầm mộ bật nóc và loài cú lợn báo tử khoác lông trắng…Nên tôi vẫn thích viết những truyện dị thường, u tối hơn là truyện ngắn rỗng. Dẫu thế, ở truyện ngắn này tôi đã hoàn thiện tốt. Truyện tôi đã viết xong, và giờ tôi xin được rút lưỡi mình, nhường quyền nói cho người đọc.

bài đã đăng của Đặng Thơ Thơ

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)