Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Một nơi để viết

Tất cả công việc viết lách của tôi diễn ra trong căn phòng đó. Người ta không biết đến nó, ngoài đời không có căn phòng nào như thế. Từ không gian ấy nẩy ra những kẻ thích tưởng tượng, hoặc ngược lại. Tuy vậy nó có thật với tôi, thật hơn tất cả những căn phòng tôi đã ở, thật hơn tất cả những gì có thật trên đời.

Phòng có hai cửa chính. Một cửa mở ra bao lơn nhìn xưống phố để cuộc sống bên ngoài tràn vào. Một cửa để nhân vật của tôi ra vào từ cầu thang đi xuống lề đường. Cửa này không phải dành cho tôi, bởi tôi đi lại không cần cửa ngõ, và tôi muốn biến mất thật tự nhiên. Nhân vật của tôi cũng rất tự do: họ đến họ đi tùy ý họ. Tất nhiên cũng có người tôi mời đến, có người tôi mời đi khi họ không còn cần thiết nữa, nhưng họ có quyền quay trở lại dù tôi không muốn. Đó là quyền của họ, quyền căn bản của nhân vật. Ngoài họ ra, chỉ duy nhất một người có thể tới dù không đóng vai nào trong câu chuyện, đó là ông chủ bút. Thật ra tôi không muốn ông đến quá thường xuyên, bởi sự hiện diện của ông, dù tích cực, thường làm công việc của tôi thêm khó khăn. Nhưng cửa phòng này không có khóa, ông và các nhân vật muốn vào là vào, còn tôi lại rất muốn hạn chế số người. Khi có quá nhiều người chui vào thì tôi phải đi ra, để căn phòng tự xoay sở với tất cả những người trong đó.

Phòng hơi tối, ánh sáng như trong những hình chụp nghệ thuật, luôn luôn chiếu từ một góc nào đó ra, đi từ đậm qua nhạt, rồi loãng vào một vùng không khí lơ lửng giữa phòng. Đồ đạc thì hầu như cố định, hình dáng không quá rõ rệt làm cho thô thiển, mỗi vật gắn với một tên người nào đó, gây một cảm giác thân mật. Cái ghế ngựa vẫn đu đưa nhịp nhàng, loáng thoáng hình ảnh một người già đọc báo với cây kiếng lúp. Trong lò sưởi có ngọn lửa mẹ đốt từ năm lên chín tuổi. Bình hoa trên bàn từ lần sinh nhật thứ mười ba, có những búp màu hường nhạt như phấn tiên, tiết ra một mùi hương ngọt ngào. Một góc thảm rách có cái xe lửa bằng gỗ đã lòi đinh, hễ đụng tới thì lại cất tiếng hát thánh thót như những giọt nước mưa.

Tôi viết đến chương thứ năm vào một buổi sáng chủ nhật, dự tính sẽ ở trong phòng cả ngày để viết cho xong. Cửa mở rộng, những ngọn gió tinh khiết đùa giỡn những trang giấy của tôi, chúng mang theo những âm thanh tạp dưới đường, tiếng máy xe, tiếng chân khua lề đường, tiếng nói của nhiều tâm trạng bộ hành, tiếng chim hát đồng ca trong rặng cây sát bao lơn. Nhân vật của tôi đã đến nhưng còn chùng chình ngoài cửa, cô gái đang nhoài người khỏi thành cầu thang nhìn xuống phố, mái tóc chảy dài thành miếng lụa đen buông thõng trên nền áo đỏ. Màu áo và tóc nổi bật trên nền nhà bên kia đường. Những lớp nhà lô nhô xô đẩy cắt biển thành từng mảng so le. Tôi sững người nhìn, một bố cục tuyệt khéo! Tôi thu vội hình ảnh vào đầu, mẩu phim này nhiều ấn tượng và cảm xúc, có thể đem dùng vào chương thứ sáu được.

Tôi nghĩ Cô gái, mời cô vào làm việc. Thật sự tôi không cần phải nói, chỉ việc nghĩ trong đầu, có thể thành câu, có thể chỉ là một ý tưởng âm thầm. Nhân vật sẽ hiểu tôi muốn gì ở họ. Ngược lại, họ nói với tôi rất rõ ràng, bằng những âm sắc riêng, cung cách riêng, càng lâu càng sắc nét hơn, lộ rõ cá tính hơn.

Cô gái nhận được ý nghĩ của tôi, quay lại:

“Em còn đang chờ anh ấy đến”.

-Anh nào ở đây?

Cô cau mày:

“Anh quên được à. Anh nghệ sĩ chơi tây ban cầm chứ còn ai nữa”.

“À, thì ra anh ta. Tôi đã cho anh ta nghỉ việc rồi.”

Tôi ngẫm nghĩ: Anh ấy ra từ chương thứ ba kia mà…

Cô lắc đầu:

“ Nhưng em cần anh ấy. Nếu thiếu anh ấy, em không làm việc được.”

“Cô gái, cô có thể tiếp tục vai trò của cô mà không cần đến anh ta. Khi cô đi vào những chương kế, cô sẽ gặp người khác, người đó sẽ thay thế anh ta, sẽ hợp với cô mà lại có lợi cho câu chuyện nữa.”

“Không, anh ấy chưa xong đâu. Anh ấy sẽ quay lại”.

Cô nói rất quả quyết, như là biết chắc chắn điều này.

Bây giờ cô đang ngồi trước mặt tôi, mái tóc xổ tung quấn quanh cổ, trông như tấm áo choàng đen phủ cả đầu lẫn mình, chỉ chừa khuôn mặt và đôi bàn tay trắng nuột. Cái váy đầm đỏ đã biến mất, chỉ còn hai màu đen trắng và vẻ khẩn thiết. Nhưng âm thanh lại gay gắt:

“Mà tại sao lại không muốn anh ấy ở đây cơ chứ?”

“Anh ta không dễ hiểu. Tất nhiên là tôi hiểu anh ta, nhưng không thể phơi bày tất cả được.”

Đôi mắt nhìn tôi soi mói:

“Em tưởng nhà văn phải can đảm hơn? Phải biết nói những gì không thể nói. Không phải chỉ viết những gì anh biết, mà phải viết về những gì anh muốn biết và cần biết.”

Câu nói của cô chạm vào nỗi đau của tôi – nói những gì không thể nói – tôi muốn lắm chứ, nhưng ngôn ngữ nào để chở những điều ẩn náu đó. Tôi nói với cô gái, cũng để phân bua với chính mình:

“Tôi tự đưa mình vào góc kẹt, chưa tìm được lối thoát. Bao nhiêu lần tự dặn mình phải tỉnh táo hơn. Nhưng rồi chẳng có gì dễ cả. Những giải pháp bây giờ đều giả tạo hoặc quá xa vời. Nhưng đây đâu phải việc của cô. Nếu anh ta ra đi không xong thì hẳn sẽ quay về. Nếu cô không muốn làm việc thì cô có thể đi xuống đường phố rong chơi cho đến hết ngày. Còn tôi thì đã có hẹn với xấp giấy này rồi, tôi phải làm việc, phải đào bới, phải vắt óc, phải cày ra chữ cho nó…”

Cô gái ngắt lời bằng cách cười ngất, đó là thói quen có từ đầu, nên tôi hiểu không phải cô ta chế nhạo mình:

“Đúng, nhất là anh đừng đẩy nhân vật đi quá sớm khi họ chưa nói hết cho anh nghe những điều cần nói. Còn anh đã nói thế thì ngày hôm nay của em sẽ rất tuyệt, em sẽ đi café, em sẽ vào ciné, em sẽ ngồi bia hơi lề đường. Em sẽ hát như điên, em sẽ hút như sắp lên cơn nghiền, em sẽ sống, sẽ sống, sẽ sống thật, vì đã thoát khỏi anh. Khỏi cái truyện thất bại của anh. Thôi em đi đây, em đã nói hết những gì em muốn nói.”

Đến ngưỡng cửa cô ta quay lại, ném ra lời cuối, như diễn viên kịch trong một chuyển cảnh sân khấu:

“Mong anh viết được thật nhiều nhé, viết để giữ lại, chứ đừng viết để vứt vào sọt rác như nhiều nhà văn khác.”

Căn phòng chỉ còn mình tôi. Và âm vọng tiếng nói cô gái dội từ bốn vách tường. Cô ta đúng? Dẫu sao thì hôm nay cũng không phải ngày dành cho cô, hẳn vậy. Trở lại chương ba để tìm anh ta, tôi rơi vào một khối hoang mang và tò mò, giống như về lại một ngôi nhà cũ, tìm lại một thứ gì chưa rõ, nhưng biết rằng nó ở trong đó, đâu đó, và khi nhìn thấy thì sẽ biết ngay đấy là nó. Anh ta đang chờ tôi ở đó? Tôi muốn hiểu anh ta đến từ đâu, trước khi chương đầu tiên bắt đầu, vì sao tôi không cảm thấy thoải mái mà anh ta cứ đến. Quả thực anh ta cứ gắng quay lại, dưới nhiều cái tên khác nhau, nhiều mẫu người khác nhau, nhưng nói năng một lúc thì lại lộ cái chất thực của mình ra.

Bản thảo có nhiều nét chữ nghiêng nghiêng viết tay: tình cảm rất mơ hồ, không đủ phức tạp, nên dừng lại và đào sâu hơn nữa chứ đừng đi xa quá…, ý tưởng rất hay, nên khai thác thêm, vì vừa nên thơ vừa bi đát…., có thể lôi cuốn hơn nếu dám liều lĩnh hơn…. Những chữ này vang lên, thành tiếng chân di động trên sàn gỗ, thành tiếng kéo ghế, tiếng ngón tay lật nhanh trên tập giấy, thành giọng nói của người viết….Không cần nhìn tôi cũng biết ông chủ bút đã đến.

Một mẫu người hết sức giản dị, trang phục lẫn ngoại hình đều có thể chìm lẫn, một nhân dáng có thể dễ lãng quên. Nhưng tất cả những ấn tượng này sẽ chấm dứt khi lắng nghe ông nói. Cách nói lúc này đầy vẻ khích lệ:

“Tiếp tục đi, được lắm. Có thể anh đang bị tắc đường. Đừng dừng lại ở chỗ tắc, tìm đường khác mà đi.”

“Nếu đã tắc đường thì còn đi đâu, đi lùi? Lùi cũng không có chỗ. Quay lại càng chết hơn.”

Ông ngồi đúng chỗ của cô gái hồi nãy, lúc nào cũng điềm nhiên, sẵn sàng có một câu trả lời:

“Cứ đi rồi sẽ có đường. Có thể anh chọn con đường, có thể con đường chọn anh. Anh cứ viết nó sẽ đến. Anh phải viết để đào bới một con đường. Viết là một hành động đi tìm điều chưa có, có thể anh sẽ phải lang thang, bất định, có thể anh đi lạc, nhưng đó là cách duy nhất để tìm ra.”

“Tôi nghĩ chỉ còn cách bay lên, nếu mọi con đường đều tắc.”

Mắt ông sáng lên sau lớp kính dày, ông đưa lại xấp bản thảo:

“Thì thế. Tôi có ghi chú những đề nghị ở bên lề, anh nên đọc lại, và viết lại. Đừng ngại mất thời giờ. Tôi nghĩ anh không ngại, vì nếu ngại thì anh đã không viết, và sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện viết nữa. Nên nhớ, đi lạc vào tưởng tượng, và tưởng tượng mình đi lạc, rồi sẽ thoát.”

Khi tôi nhìn lên thì ông đã đi rồi. Tôi ngẫm nghĩ về ông một chút – một con người trầm lặng, thật ít lời, nhưng hễ nói thì lại tạo cho tôi một thử thách mới. Cũng chẳng sao, tôi đang thiếu cảm hứng và cần một thách thức, bất kể đó là gì. Cuộc đối thoại ngắn ngủi cho tôi linh cảm về một điều gì đó đang chờ đợi mình. Đồng thời, cảm giác có một vệt nóng dán lên bàn chân làm tôi nhìn xuống.

Thì ra là nắng. Nắng ở ngạch cửa, đã bò vào tận giữa phòng, luồn dưới bàn viết. Tôi đu đưa chân qua lại giữa luồng nắng, những sợi nắng không chịu nằm yên trên sàn, chúng bám vào chân tôi như muốn lôi kéo. Tôi nhìn ra ngoài, xem nó đến từ đâu: nắng ở đằng sau rặng cây sát bao lơn, trong vòm cây gió đang thì thầm, bầy chim đang hát đồng ca, những âm thanh tạt qua theo luồng gió như đang rủ rê, đang hứa hẹn nhiều điều. Tôi lại nhìn xuống chân, nắng vẫn ở đấy, không chịu đi xa nữa, cũng không chịu lùi bước, quấn quít, níu kéo, rủ rê. Tôi dứng dậy, theo vạch nắng nối từ chân ra cửa. Cũng có thể những sợi nắng cuốn lấy tôi kéo băng ra ngoài. Tôi muốn quay lại nhìn, xem nắng có còn nằm đó không, hay đang cuốn lại như một tấm thảm dưới bước đi… Nhưng không kịp, một mãnh lực đẩy tôi ra khỏi phòng, tuột theo cầu thang, thả tôi xuống giữa hè phố.

Tôi đi, biết rằng mình đang đi, và đi theo nắng – và nắng lúc thấp thoáng nơi này, lúc lấp lánh đàng kia. Nắng mở ra một con đường mới giữa con đường của phố xá. Đường hẹp và chạy xiên xiên, xe cộ thả từ từ, từng đoàn người kéo ra từ một phòng tranh, dừng lại ở những cửa sổ của tiệm nữ trang và quần áo, đổ xuống những bãi cỏ và những quầy bán kem, rồi lại kéo vào một phòng triển lãm khác. Họ đi vừa vội vã vừa chậm rãi, và tôi nhận ra mình cũng đang chậm rãi trong sự vội vàng. Cứ như tất cả đang xảy ra cùng một nhịp độ, trong con phố này, vào giờ khắc này, như tất cả những bè của một bản nhạc, bè nhanh và bè chậm, dòng chẩy và dấu lặng, hòa hợp và đối chỏi…., tất cả cùng tấu lên những âm sắc riêng theo một tiếp điệu chung. Chỉ có những thằng bé trượt ván gỗ trên hè là đi lạc ngoài tiết tấu, nghe như tiếng lướt của dây đàn tây ban cầm….

Tôi biết mình sắp tới quán cà phê ngã ba- nơi có những lối đi dạo vòng theo bờ biển. Có lẽ cô gái ban sáng đang ngồi đâu đó cũng nên. Tôi nghĩ mình đang ngửi được mùi bánh nướng, mùi bơ, mùi cà phê rang, nghe được tiếng máy xay sinh tố. Nhưng cũng có thể tôi chỉ mới thấy thấp thoáng những cây dù với bảng hiệu, và tưởng rằng mình đang ngửi, đang nghe. Tất cả tưởng tượng chỉ là sự đi sớm một chút của ý nghĩ. Tôi đi thêm chục bước nữa, và bây giờ thì chắc chắn những mùi thơm béo bổ đó đang đặc sệt trong không khí. Tôi muốn tránh và tìm một lối đi khác, nhưng nắng lại đang trải qua lối đó, và bắt buộc nếu muốn đi theo nắng tôi phải đi ngang qua tiệm cà phê này. Tôi tránh không nhìn ngang ngửa nữa, chỉ nhìn thẳng vào đám đông mà mình sắp chui vào, và sắp sửa chui ra. Nhưng tôi bắt đầu nghe thấy. Một âm thanh rất rất nhỏ, xen giữa những tiếng ồn của đường phố, như bè giữa của một bản đàn, rụt rè, ẩn hiện, chìm lắng, nhưng không bao giờ biến mất.

Không chịu được nữa, cuối cùng tôi cũng phải quay lại, nhìn sang bên kia đường: Anh ta đang đứng đó – y như lần đầu tôi nhìn thấy anh ta. Chúng tôi chạm mắt nhau…Tôi hơi rùng mình, bởi đôi mắt anh ta đang chiếu lại một hình ảnh cũ, rõ ràng là một sự lập lại của thời gian, nơi một nhân vật xưng tôi gặp gỡ chàng nghệ sĩ ở ngay góc đường này. Mỗi người đứng một bên lề đường, cắt thành một vệt chéo với lòng đường như bóng của những cây cọ dừa vào khoảng mười giờ. Đó là không gian chương thứ nhất, khi anh ta cúi xuống mở thùng đàn, dáng vẻ nâng niu, vuốt nhẹ những chấm bụi mong manh bám trên lưng cây đàn có chiếc eo thon thả của đàn bà. Mắt nhìn trìu mến, miệng mím từa tựa một nụ cười và một lời nói ngầm với người yêu dấu. Anh bắt đầu so dây, chạy thử một dạo tấu khúc, rải nhẹ những hợp âm. Ánh nắng trở nên dịu nhạt khi có tiếng đàn luồn vào không khí, đoàn xe chuyển động rất chậm chạp- hầu như ứ đọng, những âm thanh khác như lùi lại thật xa phía sau lưng. Một nỗi buồn khôn tả dâng lên làm người tôi nao nao, xáo trộn.

Con đường nắng mờ dần. Nắng lúc này đã chạy ra tuốt ngoài khơi, lấp lánh trên đường chân trời. Có lẽ nào nắng lừa tôi đến đây, rồi bỏ rơi tôi, để đi rong chơi trên biển? Hy vọng rằng nắng có thể kéo tôi ra khỏi tiếng đàn, dù rất mong manh, cũng bắt tôi tưởng tượng ra một cách đi theo nắng. Tôi ngửa mặt lên và nhắm hờ mắt lại, cuối cùng nắng chỉ còn là một sợi chỉ vàng óng vắt ngang, một sợi tơ nóng rực đè nặng lên mi. Trong khoảnh khắc này, sợi nắng chồng khít với đường chân trời, và chân trời cụ thể như một sợi dây nối đầu này với đầu kia của tầm mắt….Cứ thế tôi đi, người chông chênh và nhẹ bổng. Trong khi đó, cuộc sống cứ tiếp tục ùa tới, như những chiếc lá lao vút vào người, đến độ tôi sợ mình không kịp ghi nhận thì nó đã bay hút mất đằng sau. Chỉ có một hình ảnh duy nhất tôi còn nắm lại, đó là những cô gái tóc dài mặc áo đầm đỏ đi phía trước, tay họ cầm những bức tranh sơn dầu. Tôi không rõ mình có nhìn thấy những bức tranh đó, nhưng tin chắc là phải có cây đàn và người chơi đàn, bởi hình ảnh đó hoàn toàn phù hợp với bởi một không gian như lúc này.

Nắng đã tan biến hoàn toàn khi tôi về đến nhà, nhưng ảo ảnh của nắng vẫn còn vướng vất trong đầu. Tôi pha cho mình một bình trà thật đậm để tìm lại tỉnh táo. Từ từ, trí nhớ của tôi hồi phục lại, những hình ảnh quen thuộc hiện lên trước mặt, ánh sáng bắt đầu hắt ra từ những bức ảnh trên tường, một mùi thơm nhẹ tiết ra từ những búp hoa bằng phấn tiên, ngọn lửa đã bùng lên trong lò sưởi, màu gạch lẫn với lửa hồng rực, đồ đạc in lên tường những vệt dài ngoằng.. Tôi nhìn thấy một chiếc bóng khác sau lưng mình.

Anh ta đã đến.

Anh ta đã đến. Rất âm thầm, anh ta bắt đầu lại một hành động quen thuộc tôi đã thấy cả trăm lần, gượng nhẹ cây đàn trên tay, áp sát vào ngực, tìm một chỗ ngồi bên khung cửa, và một dòng nhạc bắt đầu tuôn chảy từ những ngón tay gầy guộc. Giọng nói buồn buồn, cũng có thể chỉ là ấn tượng của tiếng đàn:

“ Anh cần phải nghe tôi nói, ghi lại những gì anh nhớ được. Không phải là chuyện dễ, vì anh phải tìm một ngôn ngữ khác để nói những điều tôi muốn nói.”

“Nói đi, cứ nói đi.” Tôi thì thào trong đầu. Bây giờ đó là lối thoát cuối cùng của tôi.

Những ngón tay bắt đầu nói, những dây đàn bắt đầu ngân rung dữ dội. Tất cả hình ảnh của một ngày bắt đầu hiện rõ, từ lúc chúng tôi gặp lại nhau. Tiếng đàn vẽ lại dòng xe trên đường phố chật hẹp, dòng người trầm ngâm trong tiếng chuông lễ chiều, dòng nắng đã tàn phai, dòng trăng chảy từ trời xuống những vòm cây, vào tận trong này. Tiếng đàn mênh mang như dòng cuốn ngoài khơi, bất tận như dòng thời gian mòn mỏi, hoàn toàn không một khoảng ngừng nào. Có một nhịp điệu chung giữa dòng nhạc và dòng tư tưởng liên miên bận rộn đang chạy đuổi trong đầu tôi – một dòng xúc cảm làm tay tôi lạnh ngắt và người run lẩy bẩy khi nói với anh ta:

“Tôi đã tìm được ngôn ngữ để chuyển dịch, tôi nghĩ thế, tôi linh cảm thế. Nhưng đừng đi nhanh quá, chờ tôi theo với.”

Tôi bắt đầu viết, run rẩy và căng thẳng, để theo kịp tiếng đàn. Câu chuyện bắt đầu ở ngã ba đường sáng nay, đi ngược về trước, ngang qua chỗ tôi bỏ rơi anh ta, cứ thế đi lùi xa nữa, trước khi có khởi đầu câu chuyện. Tuy tiếng đàn không hề vội vã, những nốt nhạc vẫn chồng lên nhau hối thúc, những bè chạy đuổi nhau chập chùng – như chúng đang chuyện trò, kể lể, nhắc nhở, thở than. Âm sắc đã thoát ra ngoài giới hạn của tiếng đàn – nó là tiếng đập cửa dồn dập của ký ức, đan kẽ với những hơi thở dài ảo não.

Tôi rơi vào một nơi xa lạ, những điều viết ra làm tôi kinh ngạc, nó như tiếng còi xe ở một khúc đường vắng ngắt, lanh lảnh phát ra từ khoảng không, có một nguồn cội đau đớn và mật thiết vô cùng. Tôi linh cảm một sự nguy hiểm đang cận kề – như một cái giá treo ngang cổ, tất cả đời tôi đặt để hết vào thời khắc này, như một con người liều lĩnh đánh cuộc sinh mạng mình trên một sợi dây, vừa đi vừa nghĩ mình sẽ rớt xuống và chết ngay tại bước này đây, nhưng dù sao mình cũng phải đi hết sợi dây này đã.

Có lẽ anh ta đã ngưng đàn, bởi vì trong khoảng yên lặng đó tôi nghe cả trăm ngàn thanh âm vang dội lại, lẫn với tiếng củi gỗ cháy lách bách của ngọn lửa đốt lên từ mấy chục năm về trước. Có thể là tưởng tượng không, bởi vì anh ta đang nói với tôi:

“Tại sao anh gạt bỏ tôi ra ngoài mà tôi cứ gắng quay lại, anh biết không? Dù anh muốn chối bỏ, anh vẫn cần đến tôi. Tôi giữ nhiều ký ức của anh hơn anh tưởng.”

Tôi thở dài, tiếng đàn của anh ta thì đúng hơn, đó mới là điều ám ảnh không nguôi. Bây giờ thì tôi biết rồi. Vâng, khi tôi đi đến cuối chương sách này, tôi hiểu ra điều ấy. Nhưng chỉ một phần nào đó thôi, tôi nghĩ. Nhưng sao bây giờ nó không làm tôi đau đớn nữa. Mà tiếng đàn ngày xưa cũng đâu kinh hồn đến thế. Điều gì đã xảy ra giữa những năm tháng đó, giữa tôi và tiếng đàn, và một ngôn ngữ đầy gai góc như thế này…

Tôi nhận ra mình đang độc thoại. Người nghệ sĩ tây ban cầm đã ra khỏi phòng… Từ ban công nhìn xuống, cây đàn và người nhập lại thành một hình khối thâm trầm giữa lòng đường ngập đầy tiếng thì thào của những vòm cây. Trong phòng, những cánh cửa đã dần khép, ánh lửa đã tự chìm tắt, tách trà lặng lẽ cạn …. Tôi nhắm mắt, rũ người xuống, như một cánh hoa vào lúc cuối ngày. Vì anh ta sẽ quay lại. Chúng tôi còn gặp lại nhau, có thể nhiều ngày tới nữa… Nhưng bây giờ tôi lại sợ một kiểu khác. Bởi anh ta đến tìm tôi đấy, nhưng linh cảm cho tôi biết một lúc nào đó, bất chấp mọi sự, một lúc nào đó, trước khi mọi thứ kịp kết thúc, anh sẽ đi mất hút. Tôi sẽ mở cửa một buổi sáng nào đó, thấy trống rỗng bên ngoài. Trong những điều không thể nào ngờ, tôi sẽ chọn một cách thức nào đó, cho ngày hôm đó.

Cuối năm 2001

Đặng Thơ Thơ

bài đã đăng của Đặng Thơ Thơ

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • đỗ xuân tê says:

    Truyện này tôi đã có dịp đọc vài ba lần trong tuyển tập đầu tay của ĐTT, “Phòng Triển Lãm Mùa Đông “(2002). Tôi chú ý không phải chỉ vỉ nội dung mà coi nó như một thử nghiệm về bút pháp và tư tưởng khá lạ ở một nhà văn trẻ của thiên niên kỷ mới.Từ không gian của ‘một nơi để viết’, tác giả như muốn nhân danh một người viết để gởi gấm một thông điệp, xác định một thái độ, minh xác mối quan hệ hữu quan giữa tác giả, độc giả, nhân vật, sự kiện…qua một lối viết dùng loại hình của ‘văn’ làm ngôn ngữ chuyển tải cho các loại hình nghệ thuật khác mà sự hòa quyện rất nhịp nhàng của thơ, họa và nhạc đã làm cho câu chuyện trở nên lung linh, sáng tạo. Ta cứ lấy phần thể hiện về ‘nắng’ coi nó như tấu khúc ‘vệt nắng’, với âm sắc của thơ, cung bậc của nhạc và gam màu của họa, tôi nghĩ đây là một trong những đoạn tả về nắng khá độc đáo của một nhà văn hậu hiện đại. Cứ mỗi lần đọc lại tôi tự hỏi sao Đặng Thơ Thơ không lấy ‘Một Nơi Để Viết’ làm tựa đề chung cho toàn bộ 14 truyện ngắn tuyển tập đầu tay? ‘Viết là một hành động đi tìm điều chưa có…Không phải chỉ viết những gì anh biết, mà phải viết về những gì anh muốn biết và cần biết…’, một thái độ chính luận ít thấy ở một cây bút mới thuộc phái nữ cách đây một thập niên.đxt.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)