Untitled (Không Đề) – Keith Haring
Cuộc thi viết lý lịch được tổ chức toàn quốc, cứ bốn năm một lần. Mục đích của ban tổ chức là tìm ra một lý lịch hoàn chỉnh và lý tưởng; một lý lịch vừa cá nhân vừa tập thể, một lý lịch vừa công cộng vừa riêng tư. Điều đó có nghĩa gì? Một lý lịch lớn nhất sẽ được chọn để làm đại diện cho tất cả những lý lịch nhỏ cộng lại. Điều phiền phức thường xảy ra là đôi khi các lý lịch nhỏ cộng lại không giống đáp số là lý lịch lớn. Bạn sẽ bảo, vì thế nên cuộc thi tuyển là cần thiết, để có một lý lịch biểu tượng cho đất nước.
(Lưu ý: Điều mà ban tổ chức sợ nhất, đó là trường hợp các lý lịch nhỏ triệt tiêu nhau nên lý lịch lớn hóa ra một con số không. Khi đó thế giới sẽ khủng hoảng lớn. Và người ta sẽ lùng sục mọi lý lịch dù hèn mọn nhất, tăm tối nhất, triệt tiêu nó đi, để bài toán chung không mang một ẩn số, một dấu hỏi, một nghi vấn nào.)
Lý lịch tôi bắt đầu bằng chủng tộc. Tôi người Mỹ gốc Á lai Phi. Tôi tên Amabo Kcarab Nguyễn. Nét tôi không thuần đen, nét tôi thanh hơn và da tôi nhạt màu hơn những người da đen ở Harlem. Mẹ tôi người Việt. Tôi không có cha và mang họ mẹ. Mẹ tôi không bao giờ hé môi về chuyện cha tôi là ai. Tuy đường tiến thân của tôi đầy dẫy những bất lợi về ngoại hình, chủng tộc, hoàn cảnh gia đình, cả cái tên gọi nữa, tôi đã vào chung kết cuộc thi một cách vẻ vang. Ban giám khảo chú ý đến thành tích học vấn của tôi. Tốt nghiệp thủ khoa trường trung học Bolsa. Cử nhân kinh tế ưu hạng Đại Học Columbia. Tiến sĩ luật khoa Harvard. Chỉ số IQ 199. Những chức danh và bằng cấp đưa tôi vượt qua những cánh cửa khắt khe nhất trong đời.
&
Để bước qua những cánh cửa khác nhau chúng ta cần những loại giấy thông hành khác nhau. Chẳng có lý lịch nào vĩnh viễn cả. Tất cả mọi lý lịch chỉ là tạm thời. Lý lịch chỉ để băng qua những cánh cửa. Những cánh cửa chỉ để người ta băng qua. Không ai dừng lại ở đó, những cánh cửa xoay vòng sẽ nghiến nát họ.
Những cánh cửa cũng là những chiếc bẫy. Mỗi người băng qua bằng thân thể họ. Tôi nhớ Hillary Clinton đã bị chặn lại bởi giới tính của bà. Tôi nhớ Sarah Palin đã vượt qua bằng giới tính của bà. Tôi nhớ những hành khách Trung Đông bị chặn ở phi trường vì chủng tộc của họ. Tôi nhớ thân thể Hồi Giáo bị lục lạo chỉ vì tôn giáo của họ.
Tôi phải vượt qua nhiều cánh cửa nữa. Tất cả những cánh cửa ấy có thể mở ra cho người khác nhưng đóng lại với tôi. Ban giám sát cuộc thi đã cảnh cáo tôi:
“Đây là một lộ trình biến ảo. Đây là cuộc thi mà mỗi thí sinh nhận một đề thi khác nhau. Nếu may mắn thì trúng tủ. Thông thường, đề thi nhắm vào nhược điểm của từng cá nhân. Trong nghĩa đó, đây là cuộc thi công bằng nhất.”
&
Khoa tử vi ban cho mỗi người mang một định mệnh viết sẵn, một văn bản viết bằng thứ mực không thể nào phai. Con người bất lực trên định mệnh của mình. Tất cả những yếu tố ngày-giờ-tháng-năm tôi chào đời sẽ điều khiển những vì sao trên trời, sẽ tạo từ trường đẩy tôi theo một quỹ đạo cố định, sẽ đẩy thế giới thuận theo quỹ đạo của tôi. Tôi không tin. Thời tiểu học và trung cấp của tôi, lý lịch viết bằng bút chì, hoàn toàn có thể tẩy xóa được. Tôi được giáo dục rằng lý lịch của tôi là kết quả của ý chí tôi. Chính tôi sẽ tạo nên con người của tôi, không phải cha mẹ, không phải đảng phái, không phải thế lực, càng không phải khoa bói toán.
Đường định mệnh thẳng tắp giữa lòng bàn tay này là do tôi khắc lên, mỗi ngày, với tất cả quyết tâm.
&
Tôi có thể kiểm duyệt hoặc thêm thắt đôi chút, để chuyện viết lý lịch là một hành trình tự thú đầy sáng tạo. Lý lịch tôi bắt đầu nổi từ lúc tôi làm dân biểu tiểu bang. Việc một người thuộc nhóm thiểu số, da màu, da vàng, họ Nguyễn, tham gia chính trường đã là một chuyện rất bình thường. Người ta đã cởi mở nhiều về chính kiến. Nước Mỹ không kỳ thị. Nước Mỹ là nơi duy nhất trên trái đất cho phép chúng ta thực hiện những điều tưởng như bất khả. Nước Mỹ là nơi chúng ta có thể viết lên những lý lịch hoàn chỉnh nhất.
Tôi giữ niềm tin như vậy đến năm 2042, đến kỳ ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Lúc đó tôi 47 tuổi. Lúc đó người ta bắt đầu thò tay vào lý lịch của tôi. Tôi bắt đầu thấy lý lịch mình bị xáo xào, bị đảo ngược, bị sửa đổi, bị thêm thắt, bị xóa trắng, bị bôi đen; hoàn toàn ngoài tưởng tượng, ngoài kiểm soát của tôi.
&
Đến năm 2042 thì cộng đồng Á châu ở Mỹ, tăng trưởng với tốc độ một triệu rưỡi mỗi thập niên, đã chiếm 25 triệu người. Và 25 triệu này trở thành chướng ngại của tôi.
Còn màu da đen của tôi là chướng ngại cho họ.
Họ nhìn tôi và chỉ thấy một gã da đen lai da vàng, nói trắng ra là một thứ lai tạp hạng bét (tất nhiên có những loại lai tạp “sang”, như Úc lai Nhật, hay Anh lai Ấn). Ngoài da đen, tóc xoăn thì mũi tôi tẹt và mắt tôi hí. Tôi lấy tất cả những gene mạnh nhất của Á châu và Phi Châu. Thế nên chẳng nhóm Á Châu nào ủng hộ lý lịch tôi. Với họ, tôi là dấu tích của phản bội. Mẹ tôi là kẻ phản bội vì bà đã từ chối đàn ông da vàng để chạy theo một gã da đen. Đó là một cuộc tình đáng xấu hổ. Và đáng ghen tị, nếu nghĩ đến khả năng sinh lý vượt trội của người da đen.
Cộng đồng Việt Nam thì phức tạp hơn. Đa số người Việt Nam vẫn giữ lập trường của dân da trắng thời nô lệ. Họ gọi da đen là “mọi đen”. Họ dị ứng với màu đen. Họ chẳng thà bị một ông chủ da trắng sai khiến hơn có một anh bạn da đen giúp đỡ – một nhà văn Việt Nam đã than thở như vậy với tôi. Dẫu sao tôi vẫn hy vọng rằng, tuy họ công khai kỳ thị da đen, nhưng tôi mang họ Nguyễn, mẹ tôi người Việt, và những thành phần bảo thủ trong cộng đồng cũng đã bớt dần theo năm tháng. Tôi biết, một số người vẫn lấy làm tiếc vì nước da ngăm của tôi, những sợi tóc xoăn của tôi, đôi môi thâm của tôi, và cái tên kỳ quặc của tôi. Cái tên mang mùi bom tự sát.
Người Mỹ gốc Phi Châu thì khác. Đương nhiên họ coi tôi là người của họ. Họ thâu nhận tất cả những thành phần lai đen, dù chỉ một giọt máu đen, dù chỉ một phần ngàn DNA đen, anh cũng vẫn là đen. Đen là chủng tộc bao dung nhất.
&
Càng ngày lý lịch của tôi càng sinh chuyện rối rắm.
Ai đó đã tung tin đồn tôi có người bạn thân tên Nguyễn Ái Quốc hiện du học ở UC Berkeley. Và tôi trở thành thân cộng. Họ phát hiện thêm mẹ tôi có người cậu tên Phạm Duy Khiêm hiện ở Việt Nam. Lý lịch mẹ tôi trở nên khả nghi. Không ai biết rằng thời ở Việt Nam mẹ tôi đã là nạn nhân của chủ nghĩa lý lịch. Ở nơi đó, lý lịch là một bi kịch, mà không lý lịch lại càng bi kịch hơn. Mẹ tôi sẽ chẳng cần sang Mỹ nếu như lý lịch bà có chỗ đứng ở Việt Nam. Mẹ tôi tới Bolsa năm 1992, sống độc thân, đến năm 1995 thì chửa hoang, sinh ra tôi. Cũng có thể mẹ tôi bị một gã da đen vô gia cư nào hãm hiếp, và tôi là kết quả của tội lỗi đó.
Người ta lại khởi động một chiến dịch khác nhằm truy lùng tung tích người cha bí mật của tôi. Một lý lịch hoàn chỉnh nên có một người cha gương mẫu. Lý lịch cũng như văn chương, cần có người viết, hoàn cảnh viết, nhà xuất bản, năm xuất bản… Nói chung mọi tác phẩm đều phải có tác giả, nếu không nó chỉ là sự vu khống. Còn bây giờ sự ngược ngạo lố bịch đang xảy ra: những điều mờ ám về thân thế tôi đang trở thành lý lịch chính thức của tôi.
Một nguồn tin khác cho thấy thông tin về DNA của tôi đang phát tán trên internet. Đây là kết quả điều tra của họ:
Mẹ tôi là một trinh nữ. Bà đến ngân hàng tinh trùng và mất 3 tháng trời nghiên cứu từng hồ sơ trong danh mục hiến nhân để tìm ra một con tinh trùng lý tưởng nhất cho tôi. Theo hồ sơ của 47 năm trước, đó là tinh trùng của một người đàn ông lai chủng, nửa trắng nửa đen, học thức rất cao, có lý tưởng xã hội, thích nhạc Bach, tranh Picasso, tư tưởng Gandhi, và khâm phục tổng thống Abraham Lincoln. Đấy là những yếu tố bà muốn tôi phải có.
&
Nguồn tin cuối cho biết họ đã tìm ra cha tôi, bằng cách đơn giản nhất là đảo nghịch tên tôi:
A M A B O K C A R A B
< = >
B A R A C K O B A M A
Bây giờ tôi được biết, Barack Obama, thời gian tranh cử tổng thống đã ngoại tình với mẹ tôi, lúc đó đang ở trong nhóm vận động tranh cử toàn quốc. Tôi là con ngoại hôn. Khi mẹ tôi sanh tôi được 5 ngày, Barack đã đến thăm mẹ con tôi tại một khách sạn trên đường ra phi trường. Cuộc thăm viếng lén lút trong vòng 10 phút. Dường như Barack đã trao cho mẹ tôi một số tiền khoảng 25,000 đô để nuôi nấng tôi. Họ đã pha trộn lý lịch các ứng cử viên Dân Chủ trong cuộc nghiên cứu này(*). Họ tìm thêm nhiều bí mật nữa, đó là tôi đạo Hồi, tôi nằm trong tổ chức của dân Ả Rập quá khích, tôi ghét nước Mỹ, tôi phản quốc, tôi chơi thân với nhóm khủng bố, y hệt Barack bố tôi.
Những tờ báo đồng loạt chửi bới tôi, những đài phát thanh nhục mạ tôi, vô số lời hăm dọa gửi đến điện thư tôi. Họ hân hoan trong chiến dịch phỉ báng tôi, vì những vết nhơ lý lịch của tôi đã biện minh cho những thành kiến trong đầu họ, đã rửa sạch những vết nhơ chính họ.
&
Đêm trước khi vào vòng tuyển cuối cùng của cuộc thi lý lịch, mẹ tôi gọi điện cho tôi, bà khóc:
“Con ơi, tụi nó sẽ giết con mất. Con có muốn một vụ đụng xe trên xa lộ không? Con có muốn một trái bom nổ trước nhà không? Con có muốn lái xe ngoài Bolsa và bị bắn vào đầu không? Con có muốn lý lịch của con bị cắt đứt một cách oan uổng không?”
Tất nhiên không. Tôi muốn một lý lịch chuẩn, minh chứng được khả năng, ý chí, sự trong sạch của mình. Tôi đã thấy nhiều lý lịch đang rất tốt bị cắt ngang chỉ vì những vụ tình dục nhảm nhí, sự tham lam quá độ, tính bè đảng và sự giả dối đáng thương của con người. Lý lịch của tôi đang bị vấy bẩn, đang bị ném bùn bởi chính những người đồng chủng với tôi. Tự điều này đã là một tai nạn đau đớn không ngờ.
Ban tổ chức cuộc thi lấy làm tiếc vì chuyện tôi muốn bỏ cuộc. Họ nói:
“Có ai làm chủ được lý lịch mình? Tất cả, nếu muốn, đều có thể viết vào lý lịch của ông. Họ viết trong đầu họ, ông làm gì được họ. Họ viết bằng miệng lưỡi họ, ông làm gì được họ? Người nổi tiếng không có bản quyền trên lý lịch. Nhưng nếu ông đoạt giải nhất, ông sẽ viết, sẽ tha hồ viết thật nhiều hồi ký để dựng lại một lý lịch mới. Những ngộ nhận, mù quáng sẽ hết. Cuộc ám sát lý lịch sẽ chấm dứt.”
&
Cuộc ám sát lý lịch sẽ chấm dứt?
Nhiều năm sau, tôi vẫn tự vấn, cái chết bôi xóa lý lịch hay hoàn tất lý lịch? Hay đó là cách tốt nhất để thoát khỏi một lý lịch?
Tôi vẫn là nạn nhân của lý lịch của mình. Những người khảo sát lý lịch vẫn đang điều tra tôi. Đó là cuộc thi mà một khi bước vào sẽ không thể bước ra. Họ tiếp tục bắt tôi viết lý lịch mỗi ngày. Họ bắt tôi viết bằng tốc ký, bằng thu âm, thu hình, quay phim, phỏng vấn. Họ khảo sát thường trực 360 độ, 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm, cả những giấc mơ mỗi tối… để dựng một cuốn phim dài chính xác bằng một đời người. Cho nên tất cả mọi thành quả chỉ là tạm thời. Vì tôi vẫn còn đang viết lý lịch và lý lịch của tôi vẫn chưa hoàn chỉnh.
Nhiều năm sau, tôi sẽ hỏi mẹ tôi lần cuối, rằng cha tôi thực sự là ai. Cha tôi có phải người đàn ông thích nhạc Bach, tranh Picasso, tư tưởng Gandhi, và khâm phục tổng thống Abraham Lincoln? Nói chính xác hơn, cha tôi có phải là một con tinh trùng của người đàn ông lai chủng, nửa trắng nửa đen, học thức rất cao, có lý tưởng xã hội? Mẹ tôi không bao giờ muốn hé môi về chuyện này. Tôi sẽ nhấn mạnh rằng, một lý lịch không cha chỉ là một nửa lý lịch. Có thể mẹ tôi sẽ nhắc lại một kỷ niệm, và tôi sẽ nhớ ra ngay.
Năm ấy tôi 13 tuổi, đang mặc áo in chữ HOPE [*] rất thịnh hành trong mùa bầu cử 2008, đang coi Mad Tivi và Saturday Night Live và cười lăn lộn vì những màn diễu nhại mà các chính trị gia cho rằng rất hỗn. Tôi nói:
“Mẹ, con muốn bầu tổng thống bây giờ?”
Mẹ tôi nói:
“Con chưa đủ tuổi. Con phải chờ năm năm nữa.”
Đợi khi mẹ tôi đi ngủ, tôi lén xuống nhà, tìm lá phiếu bầu khiếm diện của bà, dùng bút mực, thứ không thể tẩy xóa được, tô thật đậm, thật đều, kỹ lưỡng vào khung dành cho Barack Obama. Đấy là lần bầu cử đầu tiên trong đời. Đấy cũng là liên kết duy nhất giữa chúng tôi, những người chỉ giữ một nửa lý lịch và đi tìm nửa kia ở tương lai.
(*) Ý họ muốn nói John Edwards và Bill Clinton?
[*] Một khẩu hiệu của ủy ban tranh cử cho Barack Obama.
Kính gởi chị Đặng Thơ Thơ,
Em đã đọc nhiều truyện ngắn của chị. Đề tài và cách viết của chị rất mới lạ. Mấy dòng em viết dưới đây không phải là bình luận về bài “Lý lịch hoang tưởng của tôi” mà chỉ là một vài ý kiến nhỏ xin được đàm đạo với chị. Trước đây em đã đọc Đôi Bạn, Đoạn Tuyệt, Nửa Chừng xuân, Hồn Bướm Mơ Tiên…Em rất yêu thích những truyện đó, đọc tới đâu hiểu tới đó. Những truyện chị viết thì thú thật là em không nắm bắt được hoàn toàn ý tưởng của chị. Thí dụ Hoa cúc trắng (đen) trên nền đen (trắng) thì em hiểu nhưng Con Yêu Tinh Thứ 108 thì hiểu lờ mờ, Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối thì hầu như không hiểu. Em nghĩ có lẽ em đã quen với những chuyện giản dị của Tự Lực Văn Đoàn nên khi văn chương được nâng lên một bậc cao hơn, nhiều ẩn dụ hơn thì khó hiểu quá. Chị có thể viết ít dòng cho em được không, cho em một vài dẫn giải để em hiểu hơn về bài Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối. Thành thật cám ơn chị. Trên đây là những lời rất thật tình của em. Mong nhận được hồi âm của chị. Kính thư. Phương Nguyễn.
Trích từ truyện (hư cấu) của Đặng Thơ Thơ:
Cộng đồng Việt Nam thì phức tạp hơn. Đa số người Việt Nam vẫn giữ lập trường của dân da trắng thời nô lệ. Họ gọi da đen là “mọi đen”. Họ dị ứng với màu đen. Họ chẳng thà bị một ông chủ da trắng sai khiến hơn có một anh bạn da đen giúp đỡ – một nhà văn Việt Nam đã than thở như vậy với tôi.
Tôi không cho rằng câu nêu trên là hư cấu. Đây là một sự thật khá đau lòng của một số người Việt Hải ngoại.
Cám ơn Đặng Thơ Thơ về khả năng và sự táo bạo trong hư cấu phản ảnh trong những tác phẩm gần đây nhất của nhà văn này!
Một độc giả
Bài viết của chị thật thú vị. Em nhận thấy thế giới xung quanh càng lúc càng lộn xộn. Nhiều người không biết cha mẹ là ai, rồi thì những trường hợp người mẹ đi xin tinh trùng, rồi tới những em bé được tạo ra bằng sinh sản vô tính. Ông bà vẫn nói:” Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn.” Hãy tưởng tượng một thế giới gồm toàn những người không biết nguồn biết cội. Không hiểu sẽ hỗn loạn tới như thế nào.
Cám ơn chị đã đặt ra một vấn đề hết sức hay để chúng ta cùng suy ngẫm.
Phương
“Người Mỹ gốc Phi Châu thì khác. Đương nhiên họ coi tôi là người của họ. Họ thâu nhận tất cả những thành phần lai đen, dù chỉ một giọt máu đen, dù chỉ một phần ngàn DNA đen, anh cũng vẫn là đen. Đen là chủng tộc bao dung nhất”
Mới tối qua, trong chương trình Front Line của TV, họ phân tích về vấn đề B.O. cũng bị kỳ thị bời người da đen ở Chicago khi ông ta mới đến. Một số da đen (may be his opponents) said he is a white (rich kid, private school, Harvard elite) in black skin. Michelle, người sinh trưởng ở Chicago đã giúp ông hội nhập và mọc rễ.
Năm 1995, lúc người “Lý lịch Hoang Tưởng” ra dời, B.O chưa tranh cử tổng thống.
Đây là vài nhận xét nho nhỏ với Thơ Thơ. Nội dung bài viết hay, lạ,