LNV: Viện Bảo Tàng về Sự Mất Tích hay là Mất Tích trong Viện Bảo Tàng là chương 10 trong truyện dài Ai, sẽ xuất bản vào năm tới.
Hình như chưa có viện bảo tàng về sự mất tích trên thế giới. Hoặc có mà tôi không biết.
Ai nói viện bảo tàng là một hình thức của mất tích rồi. Bảo tàng về giống khủng long, bảo tàng Ai Cập, bảo tàng văn minh Đông Sơn, bảo tàng về người da đỏ, bảo tàng tội ác Khmer, Nazi, cộng sản Nga, vv… Mọi bảo tàng đều như nhau, chỉ khác là sự mất tích có được chứng thực hay không mà thôi.
“Thé nào sự mất tích có chứng thực?”
“Như là bảo tàng nghệ thuật Louvre, bảo tàng Vatican, Guggenheim…
Nếu mà anh để ý, bất cứ thứ gì có mặt trên đời thì sớm muộn gì đều có bảo tàng về nó. Chỉ trừ bảo tàng về viện bảo tàng, và bảo tàng về sự mất tích. Bởi đó là sự tự soi chiếu. Bởi vì diễn viên mà đóng chính mình thì chán lắm.”
Ai thông minh, phải nói là quá thông minh, và quá tự tin về sự thông minh của cô. Điều này khiến người đối thoại cảm thấy bất an.
Tôi nghĩ, tự soi chiếu cũng cần thiết, còn nhiều người chỉ thích đóng chính mình, hay chỉ đóng được chính mình trong phim, thì có sao. Nhưng tôi chỉ nói với Ai như thế này: “Ai có biết trung bình một ngày người ta soi gương mấy lần không?”
.
Người ta luôn tìm cách nhét những thế giới cũ kỹ, cổ xưa, tàn tạ vào trong những viện bảo tàng. Những thứ gần như trừu tượng vì chỉ được nhìn mà không được sờ mó, đụng chạm. Những thứ bí hiểm. Những thứ vô nghĩa. Những thứ vô dụng. Những thứ chết rồi.
Tôi viết vào sổ tay:
– Một cuốn phim về sự mất tích trong viện bảo tàng.
– Một lũ búp bê
– Một nhân vật tên Ai.
– Một tập hợp nhiều nhân vật tên Ai, một thế giới, dân tộc, hay bộ lạc…
.
Bộ lạc Ais có thật.
Một bộ lạc da đỏ mang tên Ai, mà số nhiều, có S. Và những Ai này giờ đã mất tích hết rồi.
Bộ lạc Ais chiếm một góc trong viện bảo tàng nhân chủng học.
Dựa vào các chứng cứ còn lại, người ta đoán họ đã sống thành làng mạc và thị trấn dọc dòng sông Indian khoảng mười ngàn năm trước Công Nguyên. Cuối thế kỷ 17 họ bị người Tây Ban Nha đến Florida xâm lấn và chiếm đoạt lãnh thổ làm thuộc địa. Vào thời đó thực dân Tây Ban Nha gọi con sông là Rio de Ais, nghĩa là dòng sông của Ais. Dân bộ lạc bị tiêu diệt phần lớn, số còn lại bị bán làm nô lệ, rồi sát nhập vào những bộ lạc da đỏ khác và trôi dạt tứ tán khắp châu lục. Đến năm 1763 thì tên bộ lạc Ais hoàn toàn bị xoá sổ.
.
“Tôi chính là người Ais…”
Một thanh niên da đỏ đã nói với tôi như vậy.
Anh ta và tôi đang đứng ở khu trưng bày di tích các thổ dân đã hoàn toàn bị diệt chủng trong viện bảo tàng.
Tôi quan sát anh ta. Người thanh niên để tóc dài cột sau gáy, mặt khắc khổ, có nét da dỏ thật: hình thể trán và cằm, cấu trúc xương gò má nhô cao, mắt hình hạt hạnh nhân, nước da rám nắng.
Hay là tôi tưởng tượng? Người có nước da nâu đỏ chưa chắc là dân da đỏ, và dân da đỏ các bộ lạc thì rất giống nhau, làm sao biết người này có phải thuộc bộ lạc Ais, một bộ lạc đã hoàn toàn mất tích?
Tuy nhiên có cái gì giữa hai hàng chân mày nhíu lại, nếp hằn thấp thoáng trên trán, bóng tối giữa hai hốc mắt, khiến anh trông đáng tin. Rất giống cách nhìn của những bức chân dung da đỏ đang treo đầy trong phòng. Họ có một điểm chung là không nhìn thẳng. Ánh mắt của họ hướng tới một điểm xa xăm nào đó, như dõi theo một vật đang di động… gợi liên tưởng đến một con ngựa phóng nhanh trên đồng cỏ, một con đại bàng đang xải cánh trên trời, khiến mặt đất tối xầm lại. Hay là tôi bị nhiễm phim cao bồi?
Dẫu sao tôi cũng bị bất ngờ, nên hỏi một câu khá ngốc:
“Anh có còn giữ những di vật như thế này?”
Tôi chỉ vào những thứ bày trong tủ kính, nói xong là thấy hối hận ngay vì lỡ miệng. Không hề tỏ vẻ bị xúc phạm, người thanh niên trả lời:
“Tôi giữ ở đây này.” Anh đặt một tay lên ngực, tay kia vỗ vỗ lên đầu.
Với vẻ kiêu hãnh, anh nhìn thẳng mắt tôi:
“Tôi chính là một di vật.”
Tôi càng bị bất ngờ hơn, nhưng lần này không dám hỏi thêm nữa.
Anh ta nói tiếp:
“Bàn chân tôi là bàn chân Ais. Nhìn đi.”
Theo như cách giải thích của viện bảo tàng này thì bàn chân là dấu hiệu nhận dạng tổ tiên chính xác nhất. Tôi nhìn hình vẽ bàn chân người Ais, rồi so sánh với chân của anh trong đôi dép xỏ ngón, quả là giống y đúc. Người thanh niên này có bàn chân rất khác biệt: ngón giữa dài và nhô cao hơn hẳn các ngón kia, còn hình thù ngón út thật kỳ lạ- chúng mọc cong, phình ra ở đốt trên cùng, rồi chúi đầu vào ngón áp út như dấu mặt, thành ra trông như cái ngón không có móng.
“Nhìn lòng bàn chân nữa, anh sẽ thấy…”
Người thanh niên chỉ vào hình trưng bày, và xoay nghiêng cho tôi nhìn chân anh theo chiều ngang. Quả là y hệt: lòng bàn chân không nằm phẳng mà lõm cao hẳn lên, khiến nhìn ngang trông giống như cái cầu vồng bắc từ gót chân xuống phần ngón có hình thù khác thường.
Tôi bắt đầu tin. Không hẳn vì bàn chân, mà vì vẻ xác quyết của người thanh niên khi nói “Tôi chính là một di vật.”
“Thế…anh định làm gì? Ý tôi là… anh có cho người ta biết…, cho viện bảo tàng, những người nghiên cứu…”
“Vô ích! Họ không tin đâu, họ không muốn tin.”
“Tôi nghĩ… họ phải mừng mới đúng chứ?”
“Không dám đâu! Họ cho là tôi dựng chuyện. Mà dù họ có tin thì họ cũng làm ra vẻ không tin. Họ chỉ muốn mọi thứ tưởng là đã chết thì cứ chết hẳn đi! Lịch sử họ đã viết ra như thế rồi. Viện bảo tàng đã chứng thực rồi. Bây giờ nảy ra một bằng chứng sống thì họ phải làm gì chứ? Họ sẽ bối rối lắm, khó xử lắm…”
“Nhưng mà anh đã nói với ai chưa?”
Anh gật đầu.
“Người nào tôi gặp tôi cũng nói hết. Nhưng vấn đề là tôi phải chứng minh tôi là dân bộ lạc, chứng minh tôi là Ais, chứng minh tôi là tôi.”
“Chứng minh bằng cách nào?”
Người thanh niên không trả lời tôi ngay, trông anh có vẻ phiền muộn. Anh hơi cúi đầu, nhìn chăm chú các ngón chân mình trên đôi dép xỏ ngón:
“Anh là người gì? Tôi không hỏi anh từ đâu tới, where are you from? Dân tộc anh là gì? Tàu, Nhật, Việt, Đại Hàn? Nếu bảo anh phải chứng minh, thì anh chứng minh thế nào?”
Tôi suy nghĩ:
“Tôi biết nói tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Anh. Anh có biết tiếng Ais không?”
Dường như tôi vừa chạm đến điểm yếu của người thanh niên. Anh hơi nhíu mày, mặt tối lại, không nói gì một lúc lâu.
“Không thể là người Ais đúng nghĩa nếu không biết tiếng Ais, có phải anh muốn nói vậy không?”
Tôi mời người thanh niên đi uống nước ở cafeteria ngay trong viện bảo tàng. Chúng tôi mang cà phê ra ngoài vườn và chọn chỗ mát dưới bóng cây dù vải. Vườn có vài bộ bàn ghế mây, rải rác những tác phẩm điêu khắc bằng kim loại, gỗ, và đá xen giữa những gốc cây già oằn mình theo chiều gió. Ba giờ trưa, nắng còn gắt, được cái là có gió thổi từ phía đồi cỏ lau cao ngút ngoài xa. Giữa bảo tàng và đồi cỏ lau là một bãi lầy lớn. Nơi chúng tôi ngồi có thể thấy kiến trúc hiện đại của toà nhà và phản chiếu của nó trên mặt nước xám cạn của bãi lầy. Một đàn quạ xà xuống đậu trên những khúc cây khô quắt. Một nhóm người cầm máy hình di chuyển giữa khu nhà thổ dân và những bức tượng gỗ cao lênh khênh. Vài đứa trẻ thử giả tiếng chim đại bàng, giọng chúng loãng ra, bị hút đi đâu mất.
Khung cảnh như trong một cuốn phim vừa xa lạ vừa quen thuộc. Tôi tự nhủ rằng đây là cảnh thật. Tôi đang ngồi cà phê với một người có thật. Một di vật sống. Mọi thứ đều là thật. Cái bảo tàng này đương nhiên thật. Tôi có thật. Cảm giác không thật này cũng là thật nốt. Rõ ràng là thế. Tuy có cái gì lạc điệu và buồn bã toát ra từ nơi chốn này, nhưng thực sự nó là gì thì tôi cũng chẳng rõ. Một điều không thể thấy bằng mắt thường, những thể vô hình toát ra từ đá, cây cỏ, những dải mây chói sáng trên trời.
Người thanh niên nói với tôi, mà cũng giống như tâm sự, rằng có ba cách để chứng minh anh là người Ais: giấy xác nhận của tộc trưởng, giấy sở hữu đất đai trong bộ lạc, hoặc là biết nói tiếng Ais.
“Tôi đang học tiếng bộ lạc Chitimacha với bà Delphine Ducloux. Nếu anh muốn, tôi sẽ giới thiệu anh với bà.”
“Nhưng… tôi tưởng anh muốn học tiếng Ais chứ?”
“Đúng vậy. Nhưng trước khi muốn hiểu tiếng Ais thì phải học tiếng Chitimacha trước. Vì sau khi mất đất đai, lãnh thổ, bị tàn sát, người Ais đến sống chung với bộ lạc Chitimacha. Theo các nhà ngôn ngữ học thì tiếng Ais đã ảnh hưởng đến tiếng Chitimacha rất nhiều. Bà Delphine Ducloux còn chỉ ra chữ ‘Ais’ trong ngôn ngữ Chitimacha có nghĩa là ‘dân tộc’ nữa.”
Tôi nhìn người thanh niên:
“Nói như vậy, thì tiếng Ais đã đi tỵ nạn, định cư, tìm cuộc đời mới trong tiếng Chitimacha. Khác hẳn quan hệ giữa tiếng Hoa và tiếng Việt…”
Người thanh niên biết nhiều hơn tôi tưởng, anh nói các thứ tiếng Nhật, Hàn, Việt đều có nhiều chữ gốc Hán, cũng nuôi nấng nhau, dung chứa nhau.
“Nhưng mà tiếng Hoa khác! Đó là sự chiếm đóng, áp đặt, đô hộ bằng ngôn ngữ. Đó là sự hút óc, rút máu, để phục vụ nhu cầu thống trị bệnh hoạn…”
Người thanh niên gật đầu:
“Thì cũng như là tiếng Tây Ban Nha đã giết những thứ tiếng khác ở Nam Mỹ. Còn tôi thì phải suy nghĩ bằng tiếng Anh, một thứ ngôn ngữ của kẻ lạ, kẻ thù nữa, nên mọi thứ mới như thế. Đó là thứ hình phạt mà mình không cách nào từ khước được. Bởi vì thiếu ngôn ngữ đó thì mình cũng chỉ là cái xác rỗng, không có óc. Cũng vì vậy mà suy nghĩ của tôi làm khổ tôi. Nếu tôi suy nghĩ bằng tiếng Ais thì đã chẳng có vấn đề gì. Mọi thứ sẽ hoàn toàn thông suốt tự nhiên. Mọi ý tưởng sẽ rõ nét và trong trẻo như bầu trời không mây…”
Người thanh niên thở dài.
“Bây giờ mọi thứ chúng ta nghĩ, anh nghĩ, tôi nghĩ, là nghĩ trong thế giới không-phải-Ais, nên mọi thứ đầy bất trắc và hồ nghi, đáng sợ.”
Rắc rối thật, tôi nghĩ thầm. Nghĩ trong thế giới không-phải-Ais là nghĩ thế nào? Và bà Delphine Ducloux của anh thì nghĩ bằng tiếng gì, nghĩ trong thế giới nào, của Ais hay của Chitimacha?
.
“Vừa nhắc đến bà Delphine Ducloux thì thấy bà.”
Người thanh niên khẽ gõ tay lên bàn để ra dấu cho tôi. Mắt anh hướng về một phụ nữ nhỏ nhắn, tóc bạc, mặc áo đầm trắng dài phủ gối, đang ngồi dưới giàn cây ở góc vườn.
Anh nhìn bà chăm chú để mong bà nhận ra anh, chắc thế. Nhưng bà Delphine Ducloux vẫn ngồi yên, hai tay chắp lại để trong lòng. Có lẽ nắng chói mắt khiến bà không nhận ra anh. Ấn tượng về bà Delphine là vẻ cứng cỏi, vành môi mím nghiêm nghị, hốc mắt sâu nhìn từ xa trông như hai trũng đen thăm thẳm.
Người thanh niên hạ giọng, gần như thì thầm:
“Bà là người cuối cùng biết nói tiếng Chitimacha, và hiểu được những chữ Ais còn sót lại trong tiếng Chitimacha. Bà là cái mốc duy nhất nối tôi với quá khứ. Anh thấy bà đã già lắm rồi không? Tôi chỉ sợ học không kịp.”
Tôi nhìn bà Delphine Ducloux qua cặp kính che nắng, thấy bà trông quen quen, mà không nhớ đã gặp ở đâu. Bà đi đôi xăng đan hở ngón, nhưng tôi không nhìn rõ các chi tiết của bàn chân bà, không hiểu có giống chân người thanh niên này không.
“Bà Delphine đang tập cho tôi nghe các âm thanh không có trong ngôn ngữ thường ngày. Những âm thanh trong thiên nhiên mà người Ais đã phổ vào trong ngôn ngữ họ…”
“Hay nhỉ, phổ vào trong ngôn ngữ!”
Người thanh niên giải thích nghe cũng có lý. Chẳng hạn những âm thanh thiên nhiên đem phổ vào ngôn ngữ sẽ phá tan các biên giới giữa nhiều ngôn ngữ. Chẳng hạn lấy tiếng chó sủa để gọi tên cho con chó, thì tên nó sẽ là “gâu” hay là “gâu-gâu”, thay vì là dog, le chien, hay cẩu, hay chó. Những âm thanh khác như tiếng suối reo, tiếng sấm, tiếng chim, tiếng mưa…, cũng thế.
“Phải nghe cho đúng trước. Nghe được thì sẽ phát âm được.”
Tôi thắc mắc:
“Nhưng còn những thứ không có âm thanh thì sao?”
Tôi nhìn ra quang cảnh chung quanh vườn:
“Như rặng núi, ngọn lau sậy đằng kia? Như ánh nắng? Như bông hoa?
“Tất cả đều có âm thanh hết!” Anh nói với vẻ xác quyết. “Những âm thanh nổi và những âm thanh chìm. Trong một âm lại chứa nhiều thanh khác nhau. Như là nhạc giao hưởng, nhiều bè, nhiều giọng, nhiều âm sắc, cao độ. Tập dần dần rồi sẽ nghe ra.”
Rồi anh nhắm mắt lại, bảo:
“Anh nghe tiếng gió đi. Nhắm mắt lại như tôi. Bài học đầu tiên là nghe và tập phát âm theo gió.”
Tôi cũng nghe lời, nhắm mắt lại. Mới đầu chỉ cảm thấy gió phơn phớt mơn man tóc gáy, chân tay. Rồi bất chợt một luồng khí mạnh ào đến. Những tấm dù che nắng trên đầu kêu phần phật. Tôi có cảm giác mình đang mỏng dần đi, lay lay như tờ giấy. Rồi những đường viền quanh thân thể nhoà vào bầu khí bao quanh. Người tôi cứ thế mà loãng ra.
Người thanh niên nói:
“Thoạt tiên chỉ là tiếng gió u u và tiếng lau sậy xào xạc, đúng không? Đó là những chữ đầu tiên anh nghe thấy.”
Tiếng gió và lau sậy? Tôi lơ mơ nghe nhiều âm thanh nổi lên quanh chỗ đang ngồi. Lại nghe như có tiếng nhiều người đang nói. Những âm thanh lạ, không phải thứ ngôn ngữ tôi đã biết. Nhắm mắt khiến tôi thấy buồn ngủ, đầu nặng chĩu. Tôi chống tay lên bàn, ôm đầu, lim dim nghe ngóng.
Giọng người thanh niên đều đều bên tai:
“Rồi sẽ có tiếng cá quẫy mình trong nước, tiếng vó ngựa trên đồng cỏ, tiếng mũi tên lao vút đi… Tập nghe quen sẽ hiểu đó là một câu chuyện.”
.
Lúc tôi mở mắt ra thì người thanh niên không còn nữa.
Ai đứng xoay lưng về phía đồng cỏ lau. Nắng đã dịu xuống. Bầy quạ bay tán loạn trên không. Trong đầu tôi vẫn mơ hồ những âm thanh pha trộn nhau. Tiếng đập cánh của đàn quạ có thể cũng từ đó ra. Ai bảo tôi:
“Anh ngủ một giấc say quá. Đến giờ đóng cửa bảo tàng rồi.”
“Anh ta đi rồi à?”
“Anh nào?”
“Người thanh niên da đỏ của bộ lạc Ais đó!”
Ai tròn mắt nhìn tôi:
“Có ai đâu! Tôi không thấy ai hết.”
Tôi nhìn ra góc vườn. Không có bà già nào ngồi đó. Cũng không hề có giàn cây nào ở góc vườn!
.
Mấy ngày sau trong đầu tôi vẫn còn văng vẳng những âm thanh từ ngoài vườn sau viện bảo tàng. Giọng người thanh niên là rõ nhất, cứ mỗi lần tôi nhắm mắt thì tiếng anh lại trổi lên, cứ như anh đang ngồi kế bên nói rì rào vào tai tôi. Ai bảo tôi bị ma ám. Người thanh niên là ma hiện ra trêu tôi. Cả bà Delphine Ducloux cũng là ma nốt.
“Người Ais đã tuyệt chủng lâu lắm rồi anh ơi! Còn bà Delphine của anh cũng chết từ đời rồi.”
“Bà ấy trông quen lắm. Tôi đã gặp ở đâu rồi.”
“Thì chắc anh đã thấy hình bà ta treo trong viện bảo tàng. Ở khu Chitimacha có tiểu sử của người cuối cùng biết nói tiếng bộ lạc. Bà ta chết từ năm 1940 kia mà.”
Tôi cố nhớ xem có cái gì khác thường lúc nói chuyện với người thanh niên không, chẳng hạn như bị rùng mình, ớn lạnh, nổi da gà, rởn tóc gáy, như cảm giác người ta hay tả lúc gặp ma. Nhưng tôi chỉ thấy việc xảy ra thật bình thường. Bình thường như tôi đang ngồi đây và đang là tôi. Tôi vẫn còn nhớ lúc đứng cạnh người thanh niên, vẻ ngạo nghễ trong cách anh nói, hình thù các ngón chân anh ta trong chiếc dép xỏ ngón, lúc chúng tôi ra vườn cà phê thì bóng nắng nhảy múa trên nền đá, tấm dù vải che nắng phồng lên xẹp xuống. Tôi vẫn nhớ cách bà Delphine ngồi điềm nhiên như một thực thể bất di bất dịch, cặp mắt sâu trũng hướng về đồi cỏ lau rợn sóng ngoài xa. Mọi thứ in vào đầu tôi vô cùng rõ nét, thật chi tiết, đến độ nếu tôi hồ nghi nó thì tôi cũng phải hồ nghi chính cái đầu mình. Quang cảnh ấy, mỗi lần nghĩ tới, nó hiện lên sáng rỡ như một cuốn phim có độ phân giải cực cao.
Nếu chết mà như thế thì chết còn thực hơn là đang sống nữa.
Trong thâm tâm, một tiếng nói âm thầm bảo tôi là anh ta không chết, rồi tôi sẽ gặp lại anh ta.
“Muốn chết như một người Ais thì tôi phải nghĩ bằng cái đầu của Ais, trong ngôn ngữ Ais, và thế giới Ais…”
Anh ta đã nói thế mà.
hình ảnh: Viện Bảo Tàng Nhân Chủng Học MOA- Vancouver (ảnh đặng thơ thơ)
Tác phẩm xuất sắc, qua đoạn trích dẫn. Gồm những đối thoại và suy tư mạch lạc, hấp dẫn. chữ Ai cũng làm tôi nghĩ đến Artificial Intelligence, Ai Wei Wei…vân vân. Chưa hiểu tác giả sẽ dẫn người đọc đến đâu, hy vọng là những khúc quanh thú vị.
NĐT
Kính thưa nhà văn Đặng Thơ Thơ,
Đọc qua bài của cô về Ais, cô làm tôi có cảm nghĩ rằng tôi là Ais? Hay Ais là tôi? Làm sao tôi có thể biết là tôi đang viết cho cô bằng cái-đầu-của-Ais?
“Chỉ trừ bảo tàng về viện bảo tàng, và bảo tàng về sự mất tích.” Thời buổi này, có lẽ cần có một bảo tàng về những mất mát sự thông cảm, trách nhiệm, nhân cách, v.v., nhất là với tình hình chính trị & xã hội Mỹ. Nước Úc vẫn đang tìm cách giữ lại văn hóa & ngôn ngữ của những bộ lạc thổ dân, dù rằng chưa được thành công lắm.