Trang chính » Sáng Tác, Truyện chớp Email bài này

tình yêu- màu cờ

 

 

 

Lễ Tưởng Niệm ngày 30/4, cộng đồng tôi chia hai ở tượng đài. Gia đình tôi cũng chia hai: tôi đi xuất Janet Nguyễn buổi trưa, cha tôi đi xuất cộng đồng buổi tối. Cha nói, xuất tối đông gấp mười xuất trưa. Tôi nói, trên bàn cân một mình Janet bằng cả một cộng đồng gộp lại.

Vì cha muốn tôi giữ lý tưởng nên tôi tham gia Thanh Niên Cờ Vàng. Tôi, con trai của H.O. Tôi, theo đúng truyền thống, theo học đại học cộng đồng, chuyển lên đại học tiểu bang CSU Fullerton, nơi đây cờ vàng còn là biểu tượng cho sinh viên tị nạn. Mỗi năm vào dịp cuối tháng tư chúng tôi đi treo cờ vàng ba sọc và cờ Mỹ trên các cột đèn dọc theo những đại lộ chính trong khu Bôn Sa. Mỗi lần treo cờ xong thì trời nổi gió lớn, nhiều ngày như vậy, năm nào cũng vậy. Cha nói, nơi nào còn cờ vàng nơi đó là vùng phi cộng sản. Tôi nói, cha chưa đi ăn những quán mới mọc như nấm trong vùng, những quán hạng sang, thiết kế kiểu hiện đại. Cha không đi chợ nhìn các mặt hàng. Cha nên đi mua bảo hiểm xe hơi giá rẻ có nhân viên nói tiếng Việt tác phong cán bộ. Cha không vào đại học nghe sinh viên Việt mới qua nói chuyện với nhau. Cũng vì thế mà tôi ngần ngại chưa đem người yêu về giới thiệu với cha.

Người yêu của tôi nói giọng Hà Nội như cô  xướng ngôn viên đài VNV4. Cô ấy đang học USC ngành quản trị kinh tế. Trường USC treo cờ đỏ sao vàng. Tất nhiên, vì hai nước đã có quan hệ ngoại giao và sinh viên trả tiền học mấy chục ngàn đô một năm. Cô ấy lái xe Mercedes trả tiền mặt, xài đồ hiệu Versace, và dùng nước hoa Chanel Coco Mademoiselle. Tôi đi Honda Accord trả góp, shop ở Target hay Walmart. Nhưng chúng tôi là một cặp đẹp đôi.

Qua đây cô ấy mới biết đến sự hiện hữu của cờ vàng qua chuyện chậu rửa chân. Vụ FOB II thì tôi cũng có đi biểu tình. Vụ Hoàng Sa-Trường Sa trước đại sứ quán Trung Quốc thì cả hai chúng tôi đều tham gia, tôi cầm cờ vàng, còn cô ấy vẫy cờ đỏ. Nhưng chúng tôi cùng đồng ý là phải vẽ lại một lá cờ khác cho Việt Nam. Lịch sử không dừng lại ở lá cờ. Lịch sử do chúng tôi tạo ra. Thế hệ chúng tôi sẽ tiếp tục sống sử, viết sử, và làm sử.

Chẳng hạn như:

Năm nay cô ấy cũng đi xuất trưa  tháng tư đen của Janet Nguyễn ở tượng đài. Năm tới tôi sẽ về Hà Nội ra mắt gia đình vợ vào dịp tháng tư đỏ. Cuối tuần này, sau bữa ăn trưa ở Làng Ngon trên đại lộ Beach mà cô ấy khen là giống quán Ngon ở Hà Nội, chúng tôi sẽ thiết kế chung một lá cờ Việt Nam mới theo mô hình mới.

 

co

 

Chúng tôi thấy điều này là hợp lý, là tất yếu. Vì cô ấy sẽ ở lại đây. Tất cả các du học sinh đi Mercedes sẽ ở lại đây. Họ đã mua hết khu nhà mới xây ngay cạnh Phước Lộc Thọ, trả tiền mặt bạc triệu. Họ sẽ lập gia đình và sẽ định cư. Con cái họ sẽ là công dân Mỹ. Tiền đầu tư vào Việt Nam sẽ đi trở ngược vào nước Mỹ.

Cha tôi nói, mất Trường Sa, mất Hoàng Sa, nhưng mình còn có Bôn Sa. Đây là quê hương thật. Quê hương là nơi cha có thể thấy cờ vàng. Tôi hỏi, nếu mai này mất Bôn Sa thì chúng ta đi đâu treo cờ vàng hả cha?

 

 

 

.

bài đã đăng của Đặng Thơ Thơ

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

2 Bình luận

  • Trần Đăng Khoa says:

    Mình suy nghĩ thì dễ rồi mà làm thì không biết có khó hơn không!
    Có người lại bảo làm thì dễ, suy nghĩ mới khó!
    Chẳng biết thế nào. Âu cũng là duyên.
     

  • ĐẶNG PHÚ PHONG says:

    Lá cờ mới thiết kế cũng chẳng có gì là mới. Cũng đỏ với vàng . Cũng sao và sọc. Tuổi trẻ như vậy thì có nước làm mòn hết cái lãnh thổ Việt nam, rồi trở thành Hảo Hán đi mất.
    Chẳng cần phải trộn đều rồi quậy như quậy hồ. Tư tưởng mà đem quậy như vậy thì trở thành ly sinh tố tả Pí lù…khù cho cả dân tộc.
    Kiếm cái gì mới hơn !
    Dư sức mà. Chịu khó suy nghĩ nữa đi. Nhé!

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)