Gió Mỗi Ngày Một Chiều Thổi, tập truyện thứ năm của Nguyễn Thị Hoàng Bắc, gồm một truyện vừa cùng tên, 12 truyện ngắn, và một thơ truyện.
Các tập truyện trước đó: Long Lanh Hạt Bụi (1988), Bên Lở Bên Bồi (1997), Kéo Neo Mà Chạy (1997), Nhện (2002).
Các tác phẩm in chung cùng bạn hữu: Trăng Đất Khách, Tuyển Tập 23 Người viết sau 75 (1988), Hai Mươi Năm Văn Học Hải Ngoại, Các Cây Bút Nữ Hải Ngoại, Tuyển Tập Năm 2000, và 26 Nhà Thơ Đương Đại (2002).
Đặng Thơ Thơ: Thưa chị, Gió Mỗi Ngày Một Chiều Thổi (GMNMCT) được chị xếp vào thể loại truyện vừa. Với 182 trang và 14 chương, gồm mấy chục nhân vật, đủ loại người, thời gian khởi từ lúc Pháp chưa rút quân đến hiện tại ở Hoa Kỳ, cộng với những vấn đề gai góc của đời sống, GMNMCT có độ nén của cả một thời đại. Như chị đã viết “Quá khứ, tương lai, hôm qua, ngày mai nhào trộn, lẫn lộn, vật vã…,” các yếu tố thời gian/không gian/nhân vật/ tâm trạng/ suy nghiệm… trong truyện luôn chồng chéo trong dòng tường thuật “cuồng phong… từ tứ phương tám hướng” (180). Chị nghĩ sao về nhận định: tác giả xây dựng truyện trên cấu trúc ký ức, một thứ cấu trúc nhiều tính bất chợt với những tình tiết tưởng như lỏng lẻo rơi rớt, nhưng lại bám chặt hết sức dai dẳng, và vì thế mang nhiều tính tự truyện?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Viết về người bao giờ cũng dễ hơn viết về mình…Nên tôi phục sát đất những tác giả viết hồi ký hay tự truyện v.v…Phải tỉnh táo, công bình, nhận đúng, nhận sai, đúng cũng không thể tự khen (vì ai lại mèo khen mèo dài đuôi?) mà sai thì bèn phải tự sỉ vả, sám hối (dễ mấy ai làm được?)
Cho nên khẳng định GMNMCT không phải là tự truyện, cũng không phải là hồi ký của tôi. Nhưng có tác gia, tiểu thuyết gia, "truyện ngắn gia", thi gia nào mà chẳng dựa vào những cảm xúc và kinh nghiệm riêng tư của mình đâu? Nên Đặng Thơ Thơ bảo " tính tự truyện" tất nhiên là không sai.
Dự định ban đầu khi viết GMNMCT là thử viết một tiểu thuyết ngắn bằng những truyện ngắn nhân vật, ý tưởng có liền lạc với nhau ghép lại thành. Nhưng viết rồi mới thấy ý đồ này khó thực hiện đấy. Thể loại truyện ngắn không cho phép những đoạn đối thoại dài đầy đủ, cần cho tiểu thuyết, những mô tả, cử chỉ, vóc dáng tỉ mỉ, và ngược lại những độc thoại lê thê của truyện ngắn thì lại làm giảm đi yếu tố lôi cuốn, hấp dẫn và giật gân, nếu cần, cho tiểu thuyết. GMNMCT vì vậy không thành được một tiểu thuyết, dù chỉ là tiểu thuyết ngắn, mà chỉ là như tên gọi, truyện vừa, novella. Một thử nghiệm nữa nhân tiện cũng muốn chia sẻ, tôi định thử một cách viết tiểu thuyết bằng những đan xen ngẫu nhiên trộn lẫn giữa văn xuôi (tiểu thuyết mới, từ Nam Phong, Tư Lực Văn Đoàn, Hồ Biểu Chánh…) và thơ (tiểu thuyết cũ, như Kiều, Nhị Độ Mai, Phan Trần…) xem sao. Hai trích đoạn trong Chương 5 và nguyên Chương 10 và truyện Những Con Ma ở cuối sách nằm trong những ý đồ đó. Có lẽ tại vậy mà Phan Tấn Hải trong một bài Điểm Sách đã đề nghị đọc GMNMCT như kiểu đọc một bài thơ dài, có thể khởi đầu từ bất cứ nơi đâu, đoạn nào…Còn có thể đi xa hơn, nếu người viết có khả năng viết ra một bản nhạc, thì tại sao lại không hình thành một chương bằng một bài hát, bản nhạc, và độc giả có thể hát lên hay chơi bằng bất cứ nhạc cụ nào họ biết sử dụng. Tiểu thuyết bấy giờ có hy vọng cạnh tranh với kịch và phim ảnh mà vẫn không phải là kịch và phim ảnh?
Đặng Thơ Thơ: Chị có thể kể qua hành trình ra đời (in, xuất bản) sau đó của GMNMCT? Nghe nói khá nhiều truân chuyên?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Tôi định đưa in riêng một mình nó, novella, nhưng vì lý do thương mại có lẽ, NXB Sống, California, (do Trịnh Y Thư giới thiệu) đã thẳng thừng từ chối in vì chê…mỏng quá. Cũng cần mở ngoặc nói thêm, một NXB trong nước (do Đặng Tiến giới thiệu, và nhà văn Lê Minh Hà ở Hànội đã nhiệt tình giúp đỡ), NXB đã nhận lời ký hợp đồng in, và phát hành trong nước. Nhưng sang đến khâu kiểm duyệt (tôi gọi vậy vì không còn nhớ trong nước gọi thế nào, hình như họ gọi là biên tập) tôi từ bàng hoàng, sửng sốt đến phát hoảng, vì BBT đọc, chỉnh, và sửa từng câu, từng ý, từng chữ. Tôi định không dám nói nhiều sợ phiền lòng những người bạn dã nhiệt tình lo lắng, giới thiệu…, đành xin lỗi NXB, và xin đơn phương xin rút lui…
Đặng Thơ Thơ: Chị nói thêm về chuyện “biên tập” này… một chút nữa. Họ “chỉnh, và sửa từng câu, từng ý, tửng chữ” suốt toàn truyện? Mong chị cho một thí dụ?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Lại mở thêm một dấu ngoặc nhỏ nữa ở đây vì Đặng Thơ Thơ hỏi thêm chi tiết "cụ thể", vâng thì cụ thể, thí dụ như khi nhân vật tôi đi lang thang ở Việt Nam, đã cám cảnh "đồng bào tôi già trẻ lớn bé đang vật vạ kiếm sống" (trang 156), cô biên tập đã không ưng, yêu cầu tôi chế từ khác vì vật vạ là hàm ý tiêu cực. Tôi hiểu biên tập, trong chừng mực nào đó, nghĩa là soi từ, bắt chữ, không phải lỗi chính tả, cách dùng từ sai, mà là né một cái gì đó…Tôi vẫn còn giữ nguyên bản thảo yêu cầu sửa rất chi tiết, và tỉ mỉ, nhưng không muốn, và không tiện công bố. Tôi cũng đã nhượng bộ NXB, thật sự đối với người viết lạng lách một từ một chữ là không khó, nhưng do không hiểu rõ tình hình xuất bản trong nước lại khe khắt và phức tạp đến thế, tôi bực bội…Sau một hồi trao qua đổi lại, tôi chỉnh sửa mệt nghỉ, và bắt đầu chán, và đột nhiên hoảng kinh vì nhận ra đứa con mình đã bắt đâu méo mó và biến dạng. NXB cuối cùng cũng đã vừa lòng, và bắt đầu lấy ảnh, và tiểu sử tác giả để tiến hành làm bìa…Thì một giọt nước tràn ly cuối cùng đã xảy ra, Tổng Biên Tập duyệt lại lần cuối, và tìm ra một cái lỗ hổng lớn mà cô BTV cấp dưới đã không nhận ra: họ yêu cầu tôi không được gọi cuộc chiến Nam Bắc VN là huynh đệ tương tàn! Bây giờ thì tôi biết họ né cái gì rồi. Dẫu sao, vẫn phục lăn cách đọc tinh vi, chi ly cực kỳ của các BTV có huấn luyện bài bản, có kinh nghiệm văn chương lẫn lột mặt nạ những tên biệt kích văn nghệ (là tôi chăng, hở trời!?)
Và tất nhiên tôi và novella lại lếch thếch kéo nhau về Mỹ, và theo yêu cầu của nhà NXB Sống phải ghép chung vào với 10 truyện ngắn chưa in để in chung thành một tập (cho đủ độ dày.) ĐTThơ đã cho phép tôi dài dòng thì mình dông dài luôn, bài hát ngắn mà tôi để cho nhân vật hát xả hơi khi đạp xe dưới mưa có câu nhại theo bài Suy tôn Ngô tổng thống hồi đó "bà ngô đình nhu bóp cu ngô tổng thống, ngô tổng thống ngô tổng thống kêu đau.." (trang 89 CMNMCT), thì BTV, TBT trong nước đều ok cho qua, nhưng họ gạt ca từ nhạc chế "từ giải phóng vô đây ta ăn cơm độn dài dài" (trang 89 GMNMCT), còn NXB Sống ở Mỹ thì buộc tôi phải bỏ bài Ngô tổng thống. Nên như bạn đọc thấy, ca từ này không được xuất hiện nguyên vẹn trong GMNMCT, mặc dù nó là hiện thực VNCH chăm phần chăm mà tôi đã nghe (và nghêu ngao hát) đúng theo nguyên văn một thời như thế!…
Đặng Thơ Thơ: Đúng là chuyện kiểm duyệt thì không biên giới! Da Màu rất vui được đăng một bản có đủ cả, từ Ngô Tổng Thống đến huynh đệ tương tàn, đến ăn cơm độn, và vật vạ kiếm sống.
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Da Màu cũng không nên kiêu bằng kiều quá đáng nhé! Mở ngoặc nói cho công bằng: đăng bài thì Da Màu không có trả nhuận bút cho tác giả gì ráo, in tác phẩm ở NXB Sống thì tác giả phải móc tiền túi ra trả cho NXB, và nếu đồng ý in với sự biên tập của NXB trong nước mà tôi đã được giới thiệu thì tác giả được họ trả tiền (không tệ đâu đấy!) Cô chủ biên/ tác giả Đặng Thơ Thơ gặp trường hợp này sẽ cân nhắc ra sao?
Đùa vui một chút thôi, trở lại GMNMNT, số phận truyện vừa này khá long đong là vậy, nhưng một kinh nghiệm mới lại đến: phần lớn phản hồi của người đọc GMNMCT dường như họ chỉ đọc hết truyện vừa là đã …hết hơi, ai đâu hơi đâu mà đọc tiếp qua những truyên ngắn nằm tiếp theo sau đó, cho dù vài truyện tôi cũng gởi gắm vào đấy tâm trạng và tâm huyết lắm! Thành ra, novella tuy có long đong ba chìm bảy nổi, suýt bị đẽo gọt tứ tung, nhưng cũng còn khá hơn lũ truyện ngắn theo sau đã bị đáng đời bỏ xó, đời tàn trong ngõ hẹp.
Đặng Thơ Thơ: Nhiều truyện ngắn trong cùng tập truyện GMNMCT có thể đọc như những “chương” phụ của truyện vừa cùng tên. Theo em, hai truyện ngắn “Nghỉ Hè” và “Một Quyển Album”, do sự tái hiện của nhân vật và chủ đề, do dòng nghĩ và giọng văn, có thể đọc chung với chương 14 “Đẹp Nắng Chiều”. Truyện ngắn “Bí Mật của Con Đường” cũng nằm trong không khí của truyện vừa, với những suy nghĩ về gia đình và đất nước. Có độc giả nào nhận xét như vậy chưa?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Đang mới hở hơi cảm thán chút xíu như thế cho ra vẻ lâm ly bi đát tí thì liền bị ngay độc giả cao cấp Đặng Thơ Thơ kết ngay, độc giả không bỏ qua, mà chỉ vì tác giả nhai lại: vì theo Đặng Thơ Thơ "hai truyện ngắn “Nghỉ Hè” và “Một Quyển Album”, do sự tái hiện của nhân vật và chủ đề, do dòng nghĩ và giọng văn, có thể đọc chung với chương 14 “Đẹp Nắng Chiều”, truyện “Bí Mật của Con Đường” cũng nằm trong không khí của truyện vừa, với những suy nghĩ về gia đình và đất nước…" (sic) Độc giả cũng soi, cũng bắt mình đấy chứ, và nói vậy thì tác giả chết chắc rồi còn gì?
Đặng Thơ Thơ: Không phải là “tác giả nhai lại” đâu. Có thể nào là … sự đối thoại giữa các truyện với nhau? Hay sự cần thiết của việc phá thể loại, phá biên giới giữa truyện ngắn và truyên vừa? Và sự mở ra của các khái niệm? Vì tất cả các truyện đều viết từ góc nhìn feminist. “Kiến Vàng Không Càng” và “U Việt” viết từ kinh nghiệm “lưu đày” khỏi quê hương và khỏi cộng đồng ngoài nước, một sự (tự) lưu đày trong chính bản thân?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Cô siêu độc giả họ Đặng lại thay mặt người đọc cao cấp chất vấn tiếp. Vậy thì xem ra nếu nhận định của độc giả Đặng Thơ Thơ mà đúng thì xem ra thân phận (tác phẩm) GMNMCT và (tác giả) "hai đứa chúng nó" chưa biết đứa mô long đong hơn đứa mô?
Không biết mình có feminist hay không, thường thì tự nhiên nó bộc lộ như kiểu tự thú trước bình minh vậy thôi. Còn kinh nghiệm lưu đày và tự lưu đày nghe thì có vẻ bi thương, bi thảm nhưng đôi khi là một thách thức mà bất cứ người cầm bút tự do nào, như một câu hát tào lao mà đúng, vì hai chữ tự do ta mang đời lưu vong. Tự do có cái giá của nó, và cũng thế, lưu đày lưu vong cũng có cái hạnh phúc riêng tư quý hiếm của nó, không phải ai cũng biết để mà gặm nhắm thưởng thức đâu…
Vẫn siêu độc giả: “Giao Thừa” đưa ra định nghĩa hoặc đúng hơn là hoài nghi về tình yêu. Tương quan giữa tình yêu và khái niệm “giao thừa”? Một ranh giới nào đó, một sự vượt qua, một liên hệ giữa cảm giác và thời gian? (Đặng Thơ Thơ). Thế là hết cảm thán nhé, không những truyện ngắn in kèm với truyện vừa là đã không bị bỏ bê mà còn bị soi tới nơi tới chốn. Có điều độc giả như Đặng Thơ Thơ soi mà không bắt mình đục bỏ như BTV, soi mà tác giả tâm phục khẩu phục, cảnh giác, lần sau liệu mà phát ngôn nhé, và vì không biết nói sao nên lời để tạ ơn người đọc văn tri kỷ, nên nói: Viết là gửi hương cho gió, là gởi lòng mình đến một người, nhiều người tri kỷ, và như một câu thơ tôi đã viết:
"tôi làm thơ để làm gì
họ nói là tự sát
tôi nói là tự thoát"
Đặng Thơ Thơ: GMNMCT (truyện vừa và toàn tập truyện) mang rất nhiều chất thơ nơi cách diễn đạt. Có thể nói toàn tập truyện mang cấu trúc thơ theo nghĩa rộng nhất của từ này. Nguyên chương 10 là một bài thơ “Đau”, và tập sách kết thúc với phần thơ truyện 13 “Những Con Ma”.
“Ngày ấy, Dalat rừng sâu, Saigon nghĩa trang, và Nhatrang muối biển thở ra những vòng chân trời loáng nước tuổi mới lớn gầy dựng vùi lấp tang thương chớp mắt tức thì. Mỗi sáng chiều sóng dập dờn nâng lên đạp xuống, nhân xa lộn vòng ký ức, tràn trề sóng sánh. Những con ma.”
Cám ơn nhà văn-nhà thơ Nguyễn Thị Hoàng Bắc về cuộc trò chuyện này. Cám ơn những con ma “ký ức quá vãng sắp tới đã qua tương lai và hiện tại” của chị.
“Tự do có cái giá của nó, và cũng thế, lưu đày lưu vong cũng có cái hạnh phúc riêng tư quý hiếm của nó, không phải ai cũng biết để mà gặm nhắm thưởng thức đâu…” – NTHB
Than ôi. Tôi có viết thêm mấy bài Tự Bạch nữa cũng không sánh bằng một câu trên của Nguyễn Thị Hoàng Bắc!
“Đào hoa lưu thủy yểu nhiên khứ
Biệt hữu thiên địa phi nhân gian”
Còn có một cõi đất trời khác không phải là cõi nhân gian. Chị đã đến được Ảo Giới sao cứ tìm cách quay về. Mà lần trở về nào cũng thấy buồn bã ê chề.
Người ta vì một giá trị thật trong thế giới ảo hay cần một giá trị ảo trong thế giới thật?