1. “Giường và Điểm Tâm” : Một Định Nghĩa Truyện Chớp
Tôi sẽ bắt đầu bằng cách nói rằng, với Phùng Nguyễn, siêu hư cấu (metafiction) là một thể loại có khả năng giúp anh thương lượng với đời sống, và với văn chương, cùng lúc. Đây là một giả định và tôi sẽ tìm cách chứng minh trong bài viết này. Trước tiên, viết là cách giúp Phùng Nguyễn giữ thăng bằng với đời sống, như anh đã giải thích lý do tìm đến chuyện viết: “Ở vào một thời điểm không lấy gì làm vui vẻ trong đời sống của mình, tôi cho rằng mình cần phải làm một điều gì đó, bất cứ điều gì, bên cạnh chuyện sinh nhai nhàm chán mà tôi vẫn phải làm hàng ngày.” Kế đó, siêu hư cấu là công cụ hữu hiệu để giữ anh thăng bằng với những giấc mơ. Những sáng tác của Phùng Nguyễn có khá nhiều truyện thuộc loại siêu hư cấu. Đó cũng là những truyện tôi chú ý đặc biệt. Phùng Nguyễn luôn băn khoăn về vai trò người viết, về sự có mặt của tác giả trong tác phẩm, về một nhân vật viết văn, một tình huống mang tính nguỵ tạo, hoặc truyện trong truyện, truyện về truyện, truyện mang trong nó hai luồng tự sự khác nhau (“Tác Phẩm,” “Lời Khai”, “Dựng Truyện,” “Khách Quen”, “Quan Hệ”, “Chuyện Tình Kể Lại”, “Văn Sĩ Ngại Ngần”, “Nhà Văn,” “Cháy Lên Những Ngọn Đồi Cỏ Khô,” “Nửa Đường,” vv…), và anh dùng thủ pháp này một cách có ý thức và hệ thống. Qua siêu hư cấu, anh đặt câu hỏi về mối liên quan giữa ý thức và hiện thực bằng một cách khác, một cách nhìn qua lăng kính văn chương, và anh sử dụng thủ pháp này để giải quyết những băn khoăn về chuyện viết. Quá trình viết vì vậy trở thành một trong những yếu tố chính. John Barth đã định nghĩa siêu hư cấu là “tiểu thuyết phỏng theo một tiểu thuyết hơn là phỏng theo đời sống”/”novel that imitates a novel rather than the real world” (Currie 161). Cũng cách đó, truyện chớp-siêu hư cấu “Giường và Điểm Tâm”của Phùng Nguyễn không dính dáng gì tới quán trọ, khách trọ, chuyện du lịch, hay cả hai nhân vật nam-nữ trong truyện, lẫn tình huống truyện. Tất cả chỉ là cái cớ, hay cột mốc để anh mắc lên những tấm biển chỉ phương hướng. Còn chủ đề của truyện lại là thứ hoàn toàn khác. Hãy thử đọc lại truyện:
Buổi chiều ngày cuối năm, ngườì đàn ông nhận phòng của mình tại lữ quán Giòng Sông Nhảy Múa ở thị trấn Tam Giang dọc con đường dẫn đến công viên quốc gia Đại Cổ Tùng. Mười lăm phút sau đó, ngườì đàn bà mang hành lý vào quán trọ Chùm Dâu Đen thuộc thung lũng Xích Bì Nữ, năm mươi mốt dặm ở hướng Bắc-Tây Bắc của Giòng Sông Nhảy Múa. Nếu điều này chưa được thông báo, bạn đọc nên lưu ý cả hai lữ quán đề cập ở trên thuộc loại "Giường & Điểm Tâm," nơi mỗi khách trọ được đảm bảo một nơi để ngả lưng vào buổi tối và một phần điểm tâm vào buổi sáng ngày hôm sau. Dĩ nhiên, không cần phải nói thêm là phần đông khách trọ không chọn các lữ quán này để chỉ ngủ và ăn sáng. Ngay cả những khách trọ đến một mình!
Vào ngày đầu năm, người đàn ông lái chiếc xe cà tàng của mình từ xa lộ 198 qua huyện lộ 21, nhập vào xa lộ 245, và cuối cùng quẹo mặt trên xa lộ 180 để tham quan công viên quốc gia Đại Vương Lũng. Hồ Hume là điểm viếng thăm cuối cùng trong ngày theo như dự tính của người đàn ông. Hồ đóng đầy băng và vắng hoe, chỉ có một chiếc Toyota thể thao tiện ích FJ Cruiser đời mới nhất trong bãi đậu.
Người đàn ông lang thang trên bờ hồ một lúc rồi ra về. Những sự cố sau đây đã diễn ra theo một cung cách thích hợp cho truyện chớp: (1) Chiếc xe cà tàng mắc kẹt trên con dốc đóng đầy băng giá và trơn tuột dẫn ra đường lớn, bít lối ra của chiếc Toyota thể thao tiện ích. (2) Người đàn bà, chủ nhân của chiếc FJ Cruiser, xuất hiện và nhanh chóng quyết định hợp tác với người đàn ông để mang chiếc xe mắc cạn lên khỏi con dốc. Tiếc thay, sự hợp tác không mang đến kết quả nào đáng kể. (3) Người đàn ông, trong một nỗ lực đáng khen thưởng, thực hiện dự định thả lùi chiếc xe xuống khỏi dốc để sau đó sẽ rắp tâm vượt qua con dốc với tốc độ đủ nhanh. Trên thực tế, chiếc xe không bao giờ rời khỏi con dốc. Nó lùi lại, và rơi ngay vào chiếc rãnh sâu đầy tuyết ở vệ đường phía bên trái, và cùng với chủ nhân, nằm chỏng gọng trong tuyết. Bất kể quang cảnh không lấy gì làm ngoan mục này, chiếc xe đã không còn bít lối ra của chiếc FJ Cruiser. (4) Trong khi giúp thu lượm những món cần thiết trong xe của người đàn ông, người đàn bà tìm thấy một cuốn tiểu thuyết với một vài câu bình luận mà theo ý người đàn bà "khá hỗn láo và không cần thiết" viết ở bìa sau, nơi hình và tiểu sử của tác giả được đăng tải. (5) Bắt nguồn từ một số lý do có liên quan đến cuốn sách và lời bình luận ở bìa sau nhưng không thể trình bày một cách chi tiết ở đây vì những ràng buộc trong hình thức truyện chớp, một cuộc thảo luận sôi nổi đã xảy ra giữa hai người trong chiếc FJ Cruiser trên đường ra khỏi công viên Đại Vương Lũng. Nội dung cuộc tranh luận, một cách đáng tiếc, không thể kể lại ở đây một cách tường tận cũng chính vì những giới hạn nhắc đến ở trên của thể loại truyện chớp. Người viết chỉ có thể, một cách ngắn gọn và do đó có khả năng gây ngộ nhận, kể rằng cuộc thảo luận mang tính văn học nghệ thuật cao và đòi hỏi ở người tham dự một kiến thức uyên bác bên cạnh khả năng lý luận và phân tích sắc bén như được trình bày trong bài tiểu luận gần đây nhất của Đinh Từ Bích Thúy, cho dù người viết không lấy làm chắc lắm là người đàn ông thực sự có đủ trình độ và kiến thức để biết ngay cả mình đang nói gì! (6) Vào một lúc nào đó giữa cuộc tranh luận, chiếc FJ Cruser đột ngột dừng lại, tiếng bánh xe rít lên nghe đến ê răng, chủ nhân chiếc xe nghiêng người về phía bên phải, bàn tay trái mang găng tay màu xanh nhạt bay lên và đáp xuống một nơi nào đó trên phần bên phải của khuôn mặt người đàn ông.
Như là một truyện chớp, câu chuyện kết thúc ở đây.
"Chớp" ở đâu, bạn đọc thân mến sẽ hỏi. Không có gì trở ngại, bạn thân mến. Hãy thêm vào câu cuối ở trên (phần 6) ba chữ "như ánh chớp" sau một dấu phẩy. Và chấm hết.
Như vậy, Phùng Nguyễn đã đưa ra định nghĩa của anh về truyện chớp: Một cái tát, như ánh chớp! Để được coi như một truyện chớp đúng nghĩa, nó phải được thực hiện với hiệu quả bất ngờ và đột ngột như thế: nhanh, gọn, dứt khoát, bất ngờ nháng lên và rồi đóng lại ngay, kết thúc đúng lúc.
Phùng Nguyễn viết truyện chớp/siêu hư cấu này theo một kiểu cách rất kinh điển: phân tích bản chất của thể loại chớp, với kiểu bàn luận tinh nghịch cố hữu của anh. Đây là một đoản văn với ít nhất hai mục đích: vừa là một câu chuyện cho độc giả, vừa là một bài tập viết để anh trình bày “những sự cố theo một cung cách thích hợp cho truyện chớp.” Một mặt Phùng Nguyễn viết truyện này với vẻ như đùa giỡn nhưng mặt khác anh đã dàn xếp các tình tiết theo một cấu trúc hiệu quả nhất. Những sự kiện đánh số (1), (2) .., (6) được liệt kê với dụng ý kê khai những hành động hay diễn biến cụ thể tai “hiện trường”, nhằm dẫn tới sự gặp gỡ giữa hai người, tức là tạo ra mối quan hệ. Ngược lại, những sự kiện dẫn đến việc phá huỷ mối quan hệ đã cố tình bị ém đi bằng cách giải thích “không thể trình bày một cách chi tiết ở đây vì những ràng buộc trong hình thức truyện chớp.” Lý do dẫn đến cái tát- đỉnh điểm của truyện- cũng không được nói đến vì “những giới hạn nhắc đến ở trên của thể loại truyện chớp.” Và đấy là phần “thịt” của câu chuyện, phần béo bở nhất, phần phải giấu đi, để là “chớp” đúng nghĩa. Truyện chớp, theo quan niệm của Phùng Nguyễn, phải là một bộ xương cá bị rỉa hết thịt. Người viết là người rỉa thịt từ bộ xương, người đọc là người làm hành động lắp thịt vào lại bộ xương ấy.
Tất nhiên phần “thịt” đó không có gì là chắc chắn, nó tuỳ vào suy luận và tưởng tượng của người đọc. Phùng Nguyễn đã vẽ một nửa ngọn núi bằng những điều anh tiết lộ từ (1) đến (6) và để người đọc tự hình dung nửa còn lại của ngọn núi. Tất nhiên người đọc hiểu nguyên nhân dẫn đến mối bất hoà là sự có mặt của cuốn sách và “những lời bình luận ở bìa sau”. Người đọc có thể suy đoán về mối liên hệ giữa người đàn bà và tác giả cuốn sách: (1) người đàn bà là độc giả và ái mộ tác giả, (2) người đàn bà là người yêu của tác giả, và (3) người đàn bà chính là tác giả. Nhưng người đọc sẽ hoàn toàn không biết gì về nội dung cuốn sách, nguyên do và nguồn cơn của truyện. Cuốn sách nằm ở giữa chừng câu chuyện, không hề được giải thích, và luôn luôn là dấu hỏi. Trong mỗi truyện chớp thành công luôn tồn tại một dấu hỏi (về một câu chuyên), nếu không nó sẽ chưa phải là truyện chớp mà chỉ dừng lại ở vị trí một đoản văn. Dấu hỏi đó luôn hiện hữu giữa người viết và người đọc, về những điều được viết ra, về những thứ thuộc về tiểu thuyết. Và đó là nơi gặp gỡ của văn chương, giữa người viết và người đọc, những xung đột không nhất thiết chỉ nằm trong những “cuộc thảo luận mang tính văn học nghệ thuật cao”. Và điều Phùng Nguyễn muốn nói nhưng tìm cách giấu đi, là mức chấn động hoặc bạo động cần có của tiểu thuyết.
Tính siêu hư cấu của “Giường và Điểm Tâm” ở phần cuối truyện, qua cách Phùng Nguyễn đối thoại trực tiếp với chúng ta, người đọc; và qua cách anh can thiệp vào diễn biến truyện bằng những bình phẩm với tư cách tác giả, đã biến hiện thực (câu chuyện) thành một khái niệm đáng ngờ:
“Như là một truyện chớp, câu chuyện kết thúc ở đây.
"Chớp" ở đâu, bạn đọc thân mến sẽ hỏi. Không có gì trở ngại, bạn thân mến. Hãy thêm vào câu cuối ở trên (phần 6) ba chữ "như ánh chớp" sau một dấu phẩy. Và chấm hết.”
“Như là một truyện chớp” ngụ ý đây không phải là truyện chớp, mà đây là truyện- về-truyện chớp. Bởi nó không hề “kết thúc ở đây” như anh viết. Nó khiến người đọc phải quay lại phần (6), không những đọc, mà còn phải tham dự vào tiến trình viết. Để viết tiếp. Để tìm thấy nhiều cách đọc khác. Để nghĩ thêm về bản chất của chuyện viết. Để thấy nghệ thuật siêu hư cấu có khả năng gì trong việc phủ nhận một sự thật duy nhất hay một ý nghĩa duy nhất trong tác phẩm. Và để nghĩ xa hơn đến khả năng siêu hư cấu những thứ khác trong đời sống.
2. Siêu hư cấu đời sống
Phùng Nguyễn thích viết siêu hư cấu hẳn là phải có lý do. Kinh nghiệm đọc một truyện siêu hư cấu hoàn toàn khác với đọc một truyện thường: người đọc nhận thức họ đang đọc một lối kể chuyện, một cách trình bày một câu chuyện, và việc trình bày này có thể bị can thiệp bởi nhiều thứ như lời bình phẩm, lý luận, khảo sát, diễn giải, trưng dẫn của người đang trình bày với tư cách tác giả. Người đọc bị tước đi quyền được đắm mình vào thế giới và không gian truyện. Họ thực tập việc nghi ngờ điều họ đọc. Một cách khác, họ ý thức tính chất ảo của điều họ đang đọc, gồm cả câu chuyện đang xảy ra và cách câu chuyện được trình bày. Chất ảo không hẳn là phản nghĩa của cái có thật, mà là chúng ta đang nhìn sự thật qua những tấm gương phản chiếu nào.
Một truyện siêu hư cấu hay được nhắc đến của Phùng Nguyễn, “Dựng Truyện”, mang nhiều chất ảo do việc song hành của hai hướng truyện: (1) một người viết tìm cách dựng một truyện ngắn theo quy luật của một nhóm biên tập, và (2) một âm mưu giết người. Tính cách ảo đến từ việc tương tác giữa hai tuyến truyện như Mark Curie đã viết rằng metafiction là “một diễn ngôn nằm dọc theo biên giới” (a borderline discourse). Điều thực sự đã xảy ra trong “Dựng Truyện” là một vụ mưu sát thành công và một cái chết (là những điều tác giả Phùng Nguyễn tiết lộ từ từ). Còn việc viết truyện theo chủ đề Nhà Cho Thuê- vốn được công khai ngay từ đầu truyện, thật sự chỉ là cách đánh lạc hướng, không hề được thực hiện, và do đó mang tính ảo. Người đọc có thể nghi ngờ Phùng Nguyễn đã “dựng chuyện” về việc viết theo chủ đề, nếu như họ đọc “Dựng Truyện” trong một ngữ cảnh khác ngoài chuyên đề Nhà Cho Thuê của Hợp Lưu. Tính ảo cũng đến từ việc Phùng Nguyễn đã lật ngược lại những quy ước kìm kẹp của loạt truyện Nhà Cho Thuê và biến những luật tắc đó thành ảo (trong truyện của anh).
F1: Những luật tắc của chủ đề Nhà Cho Thuê của Hợp Lưu (thật)
F2: Những luật tắc trong “Dựng Truyện” (ảo, chỉ là cớ để nhân vật chính tiến hành âm mưu).
Khái niệm ảo của “Phía Bên Kia Đường” cho phép mơ và thât chơi trò rượt đuổi nhau, cho mỗi điều xảy ra phủ định sự kiện có trước nó, cho nhân vật vượt biên giới ảo-thật của trò chơi băng ngang đường liều mạng. Trong truyện ngắn “Chim Gáy Sau Vườn,” khi nhân vật chính nhìn thấy người yêu mình (đã chết thảm oan trong chiến tranh nhiều năm trước), anh hiểu rằng anh đang nằm mơ, và anh đã “quyết định không ra khỏi giấc mơ của mình, giấc mơ mà sau cùng anh đã tìm thấy, cái giấc mơ như một phủ định mọi ý nghĩa gán ghép cho những biến cố đã xảy ra cho đời anh trong mấy chục năm qua” (ĐêmOakland và Những Truyện Ngắn Khác 64).
Việc Phùng Nguyễn dùng siêu hư cấu đưa chính mình vào trong truyện, và việc anh cho một nhân vật quyết định không bước ra khỏi giấc mơ, hai điều này có liên quan gì với nhau không? Có thể lắm, vì truyện là một thể mơ trong hiện thực và những giấc mơ thì rõ ràng mang tính truyện. Chắc chắn những giấc mơ ấy đầy cảm xúc, vì Phùng Nguyễn đã viết về những giấc ngủ không mơ là những giấc ngủ tê bại mọi giác quan và nhận thức, “cứ như bị thuốc mê” (62). Trong tập Tháp Ký Ức, truyện ngắn “Chuyện Thần Tiên,” là một thể mơ bởi vì nó không hiện hữu trong đời sống, nó chỉ tồn tại trong mơ ước của mọi con người, mơ ước muốn làm chủ cuộc sống từ đoạn đầu đến đoạn kết như dựng truyện. Phùng Nguyễn đã mặc nhận điều này, “Đúng như cái tựa, đó là chuyện thần tiên, nghĩa là ở hồi kết cuộc những điều tốt đẹp phải xảy ra đúng như ý tác giả muốn cho… chính hắn.” (“Nửa Đường” http://damau.org/archives/28776). Theo Phùng nguyễn kể, Nguyễn Xuân Hoàng đã đề nghị câu chuyện nên kết thúc ở chỗ cặp tình nhân chia tay, “Để độc giả có cơ hội thử tìm lấy đoạn kết cho chính mình.” Nhưng, cũng như những nhân vật quyết định không ra khỏi giấc mơ của họ, anh nhất quyết “không thể để độc giả làm hỏng giấc mơ của mình” (“Nửa Đường” http://damau.org/archives/28776).
Như thế, cần đọc “Chuyện Thần Tiên” khác hơn việc đọc một truyện ngắn có chủ đề tình yêu. Cần đọc nó với ý thức liên văn bản và hình thức dụ ngôn nữa. Phùng Nguyễn đã chứng tỏ một ý đồ khác, một sự dàn xếp mang tính tự soi/ tự quy chiếu của siêu hư cấu, mà Đinh Từ Bích Thuý đã nhận xét khi nói chuyện với tôi là “đùa với người đọc, để đánh lừa độc giả của anh.” Vậy thì giả định mà tôi đưa ra ban đầu, “với Phùng Nguyễn, siêu hư cấu là một thể loại có khả năng giúp anh thương lượng với đời sống, và với văn chương, cùng lúc” có nhiều phần khả thể. Phùng Nguyễn chọn siêu hư cấu là chọn tự chủ trong khi mơ mộng và liều lĩnh. Tôi cho đấy là một lựa chọn khôn ngoan trong cách nhìn [ít nhất] hai chiều vào tác phẩm: (1) từ vị trí tác giả, (2) từ vị trí siêu- tác giả (người tác giả đang sáng tạo ra một tác giả khác trong truyện). Như thế anh dành sẵn cho mình những nước cờ phòng hờ (Phùng Nguyễn là người rất biết chơi cờ) để tự do trong cách thương lượng tình thế. Đó là cách anh điều khiển một giấc mơ và cùng lúc biết mình đang mơ, đang ở trong thể ảo.
“Cháy Lên Những Ngọn Đồi Cỏ Khô” cũng thế. Có thể coi đó như một truyện-trong-truyện, vì nhân vật chính xưng “anh” kể lại một câu chuyện tình trong hình thức thư viết cho bạn gái. Nếu nhân vật xưng “anh” là tác giả kể chuyện tình Thái-Phượng trong truyện, thì Phùng Nguyễn là siêu-tác giả khi viết về nhân vật “anh”, người viết thư/kể chuyện. Câu chuyện về một nhân vật tên Thái và một tình yêu không được đáp trả. Khi Phượng (tên cô gái) ra đi, cô mang theo toàn bộ hồn phách Thái. Khi người viết thư đến thăm Thái, anh thấy “Cặp mắt Thái không còn tinh anh như ngày xưa. Chúng trống rỗng. Khi Thái đưa mắt nhìn anh, anh có ngay cái cảm giác thị tuyến của Thái không dừng lại ở bất cứ nơi nào trên người anh. Nó xuyên qua cái không gian của anh (…) Thái vẫn giữ sự im lặng suốt cuộc gặp gỡ, cho đến khi anh nói lời chia tay. Vào lúc anh sắp sửa quay mình bước ra, Thái chợt lên tiếng, cùng lúc anh nhận ra trong đôi mắt hắn một chút lấp lánh của nắng chiều rọi vào từ khung cửa sổ để ngỏ. “Em phá được nước ‘pháo đầu mã đội’ của anh rồi đó!”Qua câu nói của Thái, người kể chuyện [muốn] tin rằng Thái không đau khổ, rằng ký ức Thái sẽ tự động chọn lọc những “điều duy nhất mà Thái thực sự muốn nhớ về mối liên hệ ngày xưa”, những điều chỉ làm Thái vui khi nghĩ đến, và tất nhiên là những kỷ niệm với Phượng cũng được chọn để nhớ theo cách đó: những điều êm đềm, thơ mộng, đẹp cộng với những ước mơ dang dở.”
Người viết thư/kể chuyện so sánh anh với Thái, và nhìn nhận một “điều đáng buồn là anh không còn có khả năng kiến tạo một thế giới tương tự như của Thái.” Câu này hé lộ những xung đột mà Phùng Nguyễn gặp phải trong quá trình sống và viết: văn chương là kiến tạo lại đời sống; giấc mơ là sự mất trí (tạm thời hay vĩnh viễn) trong đời sống. Và Phùng Nguyễn phải đứng giữa, đương đầu với nhiệm vụ phải kiến tạo và nỗi đam mê được mất trí. Và anh đã sử dụng siêu hư cấu, “một diễn ngôn nằm dọc theo biên giới” (Mark Curie), để thương lượng với hai mục tiêu ấy. Tất nhiên, đó chỉ là một trong rất nhiều những biên giới, những rào cản, những khoảng cách mà người viết phải băng qua bằng bản lĩnh, kinh nghiệm, và thiên khiếu riêng. Với Phùng Nguyễn, đó là biên giới giữa những kinh nghiệm quá khứ và việc kể ra những kinh nghiệm ấy bằng cách nào. Biên giới ấy cũng cắt ngang những điều ảo và thật, những điều phải nói và nên giữ lại, những điều có thể cầm chân người viết trong giấc mơ vĩnh viễn của họ, và những điều cần nắm chặt trong tay cho dù chỉ là chuyện thần tiên. Biên giới cần phải thương lượng ấy chính là “cái khoảng trống ghê rợn nằm giữa một điều đã thực sự qua đi và một điều hãy còn chưa tới” (“Nhà Văn,” http://damau.org/archives/2198), như chính Phùng Nguyễn đã nói, bằng văn chương và bằng đời sống của anh.
Tài Liệu tham khảo:
Currie, Mark, ed. METAFICTION. New York: Longman, 1995.