Năm 2013, “Selfie” được Oxford Dictionary chọn là từ được dùng nhiều nhất và phổ biến nhất. Nhưng selfie không phải là một từ rất mới. Cái tên “selfie” tự thân là một “internet slang”, một thứ tiếng lóng được xử dụng rộng rãi trên các mạng thông tin đại chúng. Trước đó, chữ này đã có mặt trong Từ Điển Oxford mạng (Oxford Dictionaries Online).Theo wikipedia, “selfie” xuất hiện lần đầu ở Úc, trên diễn đàn ABC Online (Australian Broadcasting Corporation) vào ngày 13 tháng 9, 2002 (http://www.dailymail.co.uk/news/article-3061118/Australia-revealed-invented-word-selfie-2000-Aussie-phrases-words-added-Oxford-Dictionaries.html). Việc được chọn là chữ thịnh hành nhất năm 2013, một cách nào đó đã khẳng định selfie là một khuynh hướng toàn cầu. Selfie chủ yếu là trò chơi của những người trẻ trong nhóm tuổi từ 16-34. Tuổi trung bình của người thường xuyên selfie là 24, một điều dễ hiểu, do khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, lẫn nhu cầu giao tiếp, và tính năng động của nhóm này.
Định nghĩa của selfie, một cách đơn giản, là ảnh tự chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số hoặc máy ảnh trong điện thoại, với mục tiêu phổ biến trên các social media và trang mạng cá nhân, thông dụng nhất là Facebook và Snapchat. Ảnh tự chụp đã có cùng với sự phát minh máy chụp hình. Tấm chân dung tự chụp đầu tiên được coi là của Robert Cornelius (bên trái) năm 1839 bằng phương pháp “Daguerreotype” của nhiếp ảnh gia người Pháp Louis-Jaques-Mandé Daguerre. Hầu hết những nhiếp ảnh gia nổi tiếng của thế kỷ 20 đều đã thử nghiệm tự chụp. Nhưng selfie là một hiện tượng của thế kỷ 21 với những ý nghĩa văn hóa-tâm lý-xã hội đặc thù. Selfie là sản phẩm của thời đại thông tin và tiến bộ kỹ thuật với webcam, iPhone, iPad, Smart Phone, cùng vô số những ứng dụng về hình ảnh. Vùng đất cho selfie phát triển là những Myspace, FaceBook, Snapchat, Twitter, Instagram, Flickr….
Tại sao selfie? Có vô số trả lời: vì cao hứng, vì buồn chán, vì thời thượng, để gây chú ý, để cho giống bạn bè, hoặc: ai cũng làm thế, tại sao không chứ? … Những ý kiến chỉ trích selfie thường nhắm vào mặt vị kỷ, phù phiếm bề ngoài của hành động này (những tấm hình selfie thường dễ được nhấn nút “Like” nhất). Nhiều nhà xã hội học coi selfie như sự phô trương cá nhân thặng dư, một cách thổi phồng bản ngã, hoặc một hình thức soi gương cho cả thế giới nhìn. Các nhà nữ quyền lo ngại về tác động tiêu cực của selfie trong tương quan giới tính, cách xã hội “soi mói” và áp đặt thêm những về tiêu chuẩn hình thể cho phụ nữ. Tuy vậy, selfie đã trở thành một cách sống, phương tiện giao tiếp, tự quảng cáo, và cho phép cá nhân mở rộng thế giới riêng tư vào không gian chung, với ý thức có lựa chọn và hiệu quả.
Chủ đề “ảnh tự chụp” vừa qua trên Da Màu cho thấy các khả thể khác của selfie, các tương quan khác giữa cá nhân và thế giới, nhiều phần là tương quan mang tính nghệ thuật, với những suy tư nghiệm sinh về bản ngã: con người đứng ở đâu trong trò chơi chụp chính mình này. Mở đầu với một lời kêu gọi tự phát như mọi lần (Nạn Nhân của Mùa Thu, Một Góc, Tết của Tôi,..), Da Màu hy vọng một thử nghiệm tập thể, bất chợt, không định trước, đúng như bản chất của trò chơi. Kết quả nhận được bất ngờ, chủ đề kéo dài hai tháng, mỗi tuần hai selfies thay đổi. Người chụp, trong khi tự “reflect” về mình, đã chọn ra hình ảnh gần gũi nhất với cách họ nhìn họ. Selfie nói lên khái niệm tự chủ, trong đó chủ thể selfie (người chụp) xây dựng và chứng kiến một thứ “reality show” của chính họ. Trong bài tổng kết này, tôi muốn khảo sát selfie như một thể loại nghệ thuật, về nội dung lẫn hình thức biểu hiện. Về nội dung của selfie, vẫn là chủ nghĩa cá nhân, hoặc cái tôi, là trung tâm của mọi quan tâm nghệ thuật. Nhưng mặt khác, đây là một cái tôi bị phân thân, giữa chủ thể và đối tượng, vì tôi tự chụp chính tôi, tôi nhìn tôi như đối tượng chụp, và tôi bị chính tôi “soi”. Để thưởng thức những tấm hình selfie trong loạt này, người xem cũng nên đọc những ghi chú (nếu có) đi kèm theo ảnh. Những ghi chú này không hẳn để giải thích hình ảnh mà nhiều phần mang tính gợi ý, hoặc hé lộ những thôi thúc nghệ thuật, từ phía người chụp. Qua đó, chúng ta có một cái nhìn cụ thể hơn về hình thức nghệ thuật trong selfie. Có thể nói tập hợp selfie trên Da Màu mang nhiều tính thơ, hư cấu, như truyện chớp, là thời sự, là phim ảnh, là cách con người thu hình thế giới, hay kể một câu chuyện cho thế giới nghe.
Hình selfie của Lê thị Thấm Vân là một câu chuyện dài được cô đọng lại. Những sợi tóc rũ, màu da trắng bệch, màu môi đỏ bầm, rất gần với sự hiện hình ma quái. Khuôn mặt và bán thân, cứng và bất động, bị đẩy chìm về phía nền. Mái tóc như hai cánh màn đang khép lại. Cùng với lời dẫn “không để (mình) trôi dập trên sóng đại dương,” đó là câu chuyện của những thuyền nhân, những tai ương, những kẻ sống sót từ biển khơi. Selfie như vậy mang tính tự sự về một kinh nghiệm vừa cá nhân vừa tập thể. Selfie này không đẹp theo kiểu quyến rũ dục tính. Nó thử thách cách nhìn thông thường về ảnh khỏa thân và cơ thể nữ. Và nó kêu gọi người xem hãy vượt lên những định kiến về “tự sướng”: selfie không phải để phô trương. Nó mang một thái độ chính trị, một tuyên ngôn nữ quyền, một “nhắc nhở” về một quá khứ chưa xa, và những làn sóng của những diễn biến lịch sử đang có nguy cơ lập lại.
Selfie Lê Thị Thấm Vân
selfie nhắc nhở
không để (mình) trôi
dập trên
sóng
đại dương
Selfie Trần Thị NgH.
Mùa thu đã chết như thế nào?
Nhiều khi, sự cô đọng của selfie cần đọc như một truyện chớp. Trong toàn loạt hình, tính cách “truyện” mạnh nhất nằm trong selfie của Trần thị NgH. Tựa đề “Mùa thu đã chết như thế nào?” cũng đồng thời là nội dung truyện. Selfie này nhắc tôi nhớ đến một “flash novel” sáu chữ của Hemingway: “For sale: baby shoes, never worn.” Với bản chất là một câu hỏi, không nhằm giải thích, “Mùa thu đã chết như thế nào?” gợi ra nhiều khả thể. Có thể “đọc” ý nghĩa của cánh tay dí sát màng tang. Có thể nghe âm thanh “Bang” trong lặng im. Có thể thấy một chuyển động thật dữ dội từ một cái bóng rất tĩnh. Có thể thấy một sự ngã đổ, sự úp mặt, sự rạp xuống của cỏ khô. Cũng có thể thấy một cái hố đen thẳm mang hình dáng người- sự chấm dứt của nhận thức về thế giới!
Selfie Lê-Đình Nhất Lang
Và những khả thể của tấm hình này nữa! Tấm hình duy nhất “không lời” trong loạt ảnh. Chính sự không lời làm tăng sức mạnh của bức hình! Chủ đề của bức hình là những tia nhìn, hoặc lộ liễu hoặc che dấu, về mọi hướng. Chúng ta đoán người chụp đã dùng self-timer, và không phải ngẫu nhiên mà anh chọn ngồi ở vị trí này để tạo bố cục nhiều lớp với độ tương phản mạnh cho bức hình: một sự lặp lại đi sâu dần và bị đẩy lùi về phía trái. Không gian của bức hình cũng chính là bố cục: khoảng đen đặc vuông góc giữa người ngồi ở góc và nhóm người bên trên. Khoảng đen đặc này nắm giữ những bí ẩn về nội dung và dẫn đến những câu hỏi: liên kết nào giữa người ngồi ở góc bàn với những người đàn ông phía sau? Nhóm những người đàn ông thuộc về một bức ảnh khác, hay trong một cuốn phim đang chiếu lên tường? Nếu kích thước của người đàn ông đội mũ nồi đen không quá lớn, chúng ta có thể nghĩ những người này ở phía bên kia ô cửa nhìn vào căn phòng tối đen nơi người chụp đang ngồi. Thông thường, mỗi không gian cho phép một câu chuyện xuất hiện trong bối cảnh của nó. Nếu những không gian chồng chất lên nhau, ranh giới giữa những câu chuyện sẽ mập mờ, những chi tiết và những nhân vật sẽ thoát khỏi phạm vi của khung hình. Ở đây, họ tự do đi vào những không gian khác nằm ngoài hiện hữu của họ, tương tác với những không gian đó bằng cách tỏ một thái độ (dù là khó hiểu), thảy một tia nhìn, hoặc chỉ quay lưng đi, và khoanh tay ngồi bình thản.
Selfie ở đây là một khái niệm về không gian của người chụp, hơn là chân dung của họ.
Trong tương quan giữa diễn viên và camera, ống kính nắm quyền lực điều khiển và chi phối những đối tượng của nó (người mẫu, diễn viên, vv…). Người xem ở vị trí an toàn khi thưởng thức những câu chuyện trên màn ảnh, ngắm nhìn những nhân vật mình ưa thích, và bình phẩm. Họ ngồi trong bóng tối của rạp chiếu bóng và chủ động trong hành động nhìn. Nhưng với một selfie như của Lê-Đình Nhất Lang, ưu thế này có thể bị đảo nghịch: người xem rơi vào thế bị động. Những ánh mắt từ khung ảnh đang nhìn ngược lại họ. Họ trở thành kẻ bị nhìn. Và đây là sự chồng chất của nhiều lớp nhìn từ nhiều không gian trong và ngoài, trước và sau, trên và dưới, trái và phải. Cái nhìn từ selfie chất vấn điều chúng ta biết về seslfie đó.
Selfie của Phạm Duy Đính cũng mang nội dung về không gian, và chủ đề của selfie cũng không phải chân dung người chụp, mà là điều đang xảy ra trong không gian bố cục của bức hình. Theo anh, “Ý nghĩa của một bức ảnh nằm trong ánh sáng, bố cục, và góc độ chụp. Xem một bức ảnh là xem cách người chụp nhìn và đặt vấn đề với tác phẩm họ đang thực hiện.” Vấn đề, cũng là chủ đề của tác phẩm, được thể hiện qua hình thức (ngồi đối diện), đường nét và sự lặp lại (bờ vai, cánh tay), điều muốn nhấn mạnh (cặp kính/ hướng nhìn), Khác với bố cục vuông góc căng thẳng mang tính đối chỏi của Lê-Đình Nhất Lang, ở bức hình này là một hòa âm thuận qua một đối xứng lệch của một trục vô hình giữa hai người đàn ông. Tia nhìn ngang của Phạm Duy Đính giúp nới rộng không gian để người xem “nhập” được vào tâm trạng của anh trong khung ảnh. Một bức hình thành công nếu nó lôi kéo sự tham dự nơi người xem, khiến họ quên đi khoảng cách giữa họ và tác phẩm.
Selfie Phạm Duy Đính
Nếu những selfie vừa kể gần với dạng thức của một câu chuyện bằng hình ảnh, thì những selfie của Đinh Từ Bích Thúy, Đỗlê Anhđào, và Trần Đức Tài là những trò dàn cảnh. Selfie, trên hết, là những giây phút chơi với chính mình, và tìm cách thoát khỏi giới hạn của mình, như trò chơi hóa trang của những đứa trẻ khi người lớn vắng nhà. Cả Trần Đức Tài lẫn Đinh Từ Bích Thúy đều có những “đạo cụ” cần thiết cho việc hóa trang: “mặt nạ”, kiếng mát dỏm, khói thuốc, áo đầm đen, và tư thế của bàn tay như một chống đỡ cho khuôn mặt… Cả hai đều tự đạo diễn và tự công bố những màn kịch độc diễn của mình. Những khung hình của Đỗlê Anhđào, Đinh Từ Bích Thúy và Trần Đức Tài là những close-up, những quay cận cảnh, khi khuôn mặt diễn viên choán đầy màn ảnh, và là những gợi ý của point-of-view shots, khi máy thu hình cho biết diễn viên đang nhìn thấy gì, hay điều gì đang chi phối họ. Nếu ở Trần Đức Tài là một “still frame”, một chớp ảnh tĩnh trong một chuỗi biến chuyển của làn khói- cũng là tượng trưng cho ý tưởng, với một bố cục chặt chẽ theo quy ước; thì ở Đinh Từ Bích Thúy là những hình ảnh của những động tác đang diễn tiến và không nhất thiết phải hoàn chỉnh.
Selfie của Đinh Từ Bích Thúy làm tôi nhớ đến một đoạn trong cuốn phim 8 1/2 của Fellini, khi vai chính Guido ra đón người tình Carla (do Sandra Milo đóng) ở nhà ga. Trong phim Carla mặc áo đầm đen cổ chữ V, đeo kiếng râm, tóc đen ôm khuôn mặt. Selfie này vừa giống Bích Thúy ngoài đời vừa rất giống Carla trong phim. Còn nhân vật Guido, đạo diễn trong phim, cũng là hình ảnh của đạo diễn Fellini ngoài đời. Phim 8 1/2 chính là về tiến trình sáng tạo của Fellini, đặt để vào nhân vật Guido. Cuốn phim là một tự truyện. Những bế tắc, hoảng loạn, ác mộng, huyễn tưởng của đạo diễn Guido trong phim cũng chính là kinh nghiệm Fellini gặp phải khi thực hiện phim. Điều thú vị ở đây là việc sáng tạo một đời sống y hệt như đời sống thật của mình. Để làm gì? –để thử nghiệm khả năng có hai đời sống cùng một lúc.
“Tôi nghĩ chữ “selfie” cũng có thể được dịch là “tiểu thể” vì tiếp vĩ ngữ (suffix) “ie” sau chữ “self” hàm ý một trò đùa thuộc về khoảnh khắc. Có phải vì vậy mà “selfie” cũng đã được dịch là “tự sướng”? Nhưng selfie cũng là một cách viết tắt/hóa kim văn hóa. Trong những selfies đã gửi đến tôi thích nhất tấm hình “Một Mớ Tôi” của Nguyễn Man Nhiên, vì nó gợi đến nghệ thuật điện ảnh của quá khứ. Phụ tùng không thể thiếu của một minh tinh màn ảnh chính là kính râm. Kính râm cũng là một loại selfie vì người đeo kính râm che mắt để tạo huyền thoại về mình. Tôi thích mua trả giá những loại kính râm với thương hiệu dỏm bán nhan nhản ở các hè phố, rồi mặc áo đầm đen và “đạo diễn” cảnh mình ngồi trong một bồn tắm không nước vào lúc nửa đêm làm một cô đào Ý trong phim của Fellini” – Đinh Từ Bích Thúy
Có hai khả năng xảy ra trong selfie “phim” của Đinh Từ Bích Thúy. Khả năng thứ nhất: những hình ảnh thuộc về một dãy những động tác nối tiếp nhau. Nhưng nếu vậy các hình ảnh cần được sắp theo chiều ngang như một chuỗi phim chạy ngang qua mắt chúng ta, vì chiều ngang là chiều diễn tiến xảy ra trong không gian, theo quy ước đồ thị: trục hoành x= không gian và trục tung y= thời gian. Vì vậy tôi chú trọng đến khả năng thứ hai: những hình ảnh này cùng xảy ra một lúc, vì tất cả cùng ở một điểm cố định trên trục không gian. Tôi cho rằng khả năng thứ hai mới lạ hơn và hợp lý hơn, tuy thoạt nghe có vẻ vô lý. Tương tự như trong không gian 360 độ, một vật thể bị soi từ nhiều vị trí trên, dưới, trước, sau sẽ cho ra nhiều hình ảnh khác nhau. Theo khả năng này, hành động của “cô đào Ý” trong cả bốn bức hình (suy tư, nhìn, cười, và lắng nghe) đều chỉ là một, nhưng được thu từ bốn góc độ, từ bốn ống kính, trong cùng một thời điểm, do đó dẫn đến bốn hình ảnh, bốn cách nhìn khác nhau. Trong trường hợp này, một hành động/thái độ của một người có thể bị/được diễn dịch thành nhiều cách tùy vào tâm trạng của những người chứng kiến. Nó dẫn đến nghi vấn về tính xác thực của mọi hình ảnh khi bị khúc xạ qua những lăng kính chủ quan. Vì cả bốn bức hình đều xảy ra cùng lúc trên một điểm không gian, theo bốn cách ghi nhận khác nhau, chúng ta khó xác quyết được “cô đào Ý” này đã thực sự làm gì.
Trần Đức Tài- SELFIE 51
Tôi tự chụp mình bằng chiếc smartphone nhân ngày 51 tuổi. Những đường nét như khói thuốc là một một hoạ tiết trong app Pixlr của điện thoại được bổ sung sau đó.
Selfie là một cách công bố những màn kịch độc diễn. Tôi muốn thấy mặt nạ của tôi. Tôi muốn xem mình đang đóng tấn tuồng gì, với mọi người và với chính mình.
Trước nhất, những ngón tay
Sau, nếp mí…
Giữa bóng tối,
Và
…
Đỗlê Anhđào
Selfie của Đỗlê Anhđào gần giống kiểu chụp chân dung trong studio khiến người xem không có cảm tưởng đang nhìn một selfie. Có lẽ đây là selfie chụp khéo nhất vì nó xóa đi định kiến rằng người chụp cũng là người mẫu. Tương tự, selfie “Tiếng Gà Trưa” của Vương Ngọc Minh- rất gần với hội họa- tạo độ lệch đáng kể giữa Vương Ngọc Minh và selfie của anh. Khi hỏi về cách thực hiện bức ảnh, anh nói:
“… vào một buổi trưa, nghe nhớ tiếng gà quá, tôi dựng máy, tự chụp bằng máy cannon ae-1, phim màu, cách chụp thì, tôi cứ chụp vào mặt xong, một pô, đọan kéo phim trở ngược lại, chụp lần nữa, lần nữa, ba, hay bốn lần, tôi không nhớ, nhưng, tôi nhớ rất rõ, lúc ấy, cốt chụp sao cho ra tiếng gà, vậy đó.”
Với việc quay phim ngược lại, tìm cách chụp bắt, lại kéo ngược nữa, chụp bắt nữa … của Vương Ngọc Minh, selfie là một hành động mang tính thôi thúc, ám ảnh, nằm ngoài tự chủ, gần như chứng rối loạn hành vi của những người OCD (obsessive compulsive disorder). Ở trường hợp này, ý nghĩa không nằm trong việc làm, nó nằm trong động cơ sai khiến hành động ấy. Những người OCD có thể rửa tay cả chục lần đến mức vô trùng nhưng cảm giác dơ bẩn vẫn nằm trong đầu họ. Đó là thứ không thể tẩy rửa được, mà chỉ có thể làm cho dịu xuống. Selfie, như vậy, là chụp cho qua đi cơn nghiền. Nhưng điều nó muốn thể hiện vẫn chỉ là một thứ nằm trong đầu, cố thủ trong ký ức, lẩn tránh trong tưởng tượng. Và nó thúc dục con người tiếp tục lặp lại những gì đã và đang làm, như quán tính. Thí dụ về chứng OCD, nỗi ám ảnh của một tiếng gà, cũng là một đặc tính của khuynh hướng selfie thời đại: con người thế kỷ 21 selfie thường trực, không ngừng, không bao giờ thỏa mãn, như việc “kéo phim trở ngược lại” để chụp một khuôn mặt, và một khuôn mặt ấy thôi. Nhưng cùng lúc họ biết đó là một việc làm vô vọng. Selfie của Phùng Nguyễn, của Trần Thị NgH. là những bằng chứng rằng con người có thể chụp vô số selfie nhưng tất cả mọi selfie chỉ là cái bóng của bản ngã, trong vô số những điều-chưa-ghi-thành-bóng.
Selfie Phùng Nguyễn
Buổi sáng bên hồ Artemesia với Quỳnh Loan
“Những lúc muốn lưu lại khuôn mặt đang biểu cảm gì đó, hay không biểu cảm gì, tôi tự chụp ảnh mình. Khi hài lòng tấm ảnh selfie, tất nhiên tôi thích công bố. Diễn viên điện ảnh tài hoa mệnh yểu James Dean, đang túng thiếu nhưng khi có tiền mua ngay chiếc máy ảnh để ‘tự chụp ảnh mình trong tư thế u sầu’ (James Dean, A biography -James Bast).” Nguyễn Đạt.
Sự u sầu chỉ có thể ghi lại bằng selfie vì chẳng ai muốn người khác chụp mình trong tâm trạng buồn bã. Gần như một phản xa có điều kiện, chúng ta thường làm bộ tươi cười, tìm một bề ngoài dễ nhìn, khi đứng trước ống kính của người khác. Selfie là một cách để con người đối mặt, nghĩa đen và bóng – với chính tâm trạng mình. Điều tôi chú ý ở selfie Nguyễn Đạt, ngoài ấn tượng trên khuôn mặt, là bố cục hình-trong-hình: tấm ảnh đứng trên một tờ giấy với những dòng chữ viết tay đã nhòa (tôi dùng chữ “selfie” cho bức hình chính, và chữ “tấm ảnh” cho bức hình bên trong.) Những chữ H in lớn màu xanh vừa nằm trên tờ thư vừa chạy xuyên qua tấm ảnh dựng thẳng, với một độ khúc xạ nhẹ, đẩy tầm nhìn đi xa hơn giới hạn của lớp nền/ bức tường (?) phía sau tấm ảnh. Tôi thích cách dàn xếp những đường cắt chạy xéo bề ngang của selfie, trong khi đó những hàng chữ viết tay và dãy chữ H cùng chạy song song vào phía sau tấm ảnh dựng đứng, về phía một điểm ở vô tận. Điều này đem đến một cảm thức không gian khác cho selfie, tạo thêm khoảng cách giữa người nhìn và chủ thể bức ảnh. Về hình thức nghệ thuật, đây không chỉ là selfie, mà là một selfie về selfie. Trong liên tưởng đến siêu hư cấu của văn chương (metafiction), tức truyện về (cách/quá trình viết) truyện, thì đây là một meta-selfie hay siêu selfie. Trong nghĩa đó, mọi selfie chỉ là một cách tái chế, một sự chụp lại, theo một sắp đặt khác, một hình ảnh đã có từ trước.
từ trái sang phải: self portrait của Man Ray- selfie Trịnh Cung
Bên trên là một chân dung “u sầu” khác. Cái nhìn u ám, vết hằn, và đường nét trĩu xuống của cặp môi mang vẻ bi phẫn và một toan tính quyết liệt. Ở selfie này họa sĩ Trịnh Cung rất khác với hình ảnh anh ngoài đời, trong những bức hình chụp chung khi café với bạn bè. Nó khiến tôi liên tưởng đến một tác phẩm của Man Ray, mà ông đặt tên là self portrait. Chính anh Trịnh Cung cũng bất ngờ về những tương đồng ở bố cục, hình thể, đường nét, chi tiết, khi tôi đặt hai tấm cạnh nhau. Việc sắp đặt này là một ngẫu nhiên vô thức- một “hazard”- như cách nói của chính họa sĩ (trong bài “Những Câu Hỏi Nghệ Thuật” kỳ 2). Tôi thích sự đối thoại của hai bức hình, hai thời gian, hai cách nhìn ra thế giới. Ở Trịnh Cung là sự kéo xuống của cặp kính- biểu tượng của tự vệ, hoặc rào chắn – để nhìn bằng đôi mắt trần. Ở Man Ray là một sự dấu mặt, một sự cảnh báo (bàn tay chặn lại), và lựa chọn nhìn sự vật thông qua một công cụ khác.
Văn hóa nhìn, một cách gọi của văn hóa hình ảnh/ văn hóa thị giác, đang là đề tài nghiên cứu trong nhiều ngành khoa học xã hội. Trong từ trường của văn hóa nhìn, các hình ảnh dưới mọi dạng thức cùng hội thoại và cùng thiết lập những mô hình mới về căn cước, ý nghĩa chính trị-xã hội-kinh tế, và các tương quan quyền lực. Nghiên cứu văn hóa nhìn là khảo sát truyền hình, phim ảnh, truyện tranh, thời trang, quảng cáo, mọi thể loại giải trí đại chúng, cùng với hội họa và những bộ môn nghệ thuật khác. Tương tác của hình ảnh, người xem, và cách nhìn (the gaze) tạo nên bầu khí quyển của văn hóa nhìn. Những diễn viên, người mẫu thời trang, vận động viên bóng đá, hoa hậu, vv… trong văn hóa nhìn là đối tượng để bị soi, bị áp đặt những cách nhìn từ phía người xem. Họ đã bị “vật thể” hóa. Selfie do đó trở thành khí cụ của cá nhân để phản ứng và tác động ngược lại từ trường văn hóa đó. Với sellfie, cá nhân tự định nghĩa mình trước cách nhìn ngắm (của đám đông). Cá nhân thay vì là đối tượng bị soi, bây giờ thành chủ thể soi, tự soi chính mình thường trực trên một tấm gương vĩ đại của đời sống. Những selfie của Paulina Đàm, Đặng Thơ Thơ, Hoàng Chính, Nguyễn Man Nhiên cho thấy những cách điều khiển (bản thân) trong những bối cảnh khác nhau. Selfie của Paulina Đàm trở thành một thứ ống nhòm để thu tóm lại thế giới quanh cô. Selfie không còn là hình dung nữa, mà trở thành nhãn quan của chủ thể. Trong selfie kép của Đặng Thơ Thơ, biên giới trong và ngoài bị xóa đi. Tuy người chụp vẫn đứng ở một chỗ, cùng một tư thế, nhưng vị trí của chủ thể ở hai tấm khác nhau: một tấm đứng trong phòng, một tấm ở ban công, do sự điều chỉnh nguồn sáng nhiều hay ít. Thành lan can với chậu hoa màu vàng tạo khái niệm về một ranh giới để vượt qua.
Và selfie trở thành một trò chơi thử nghiệm vượt biên giới.
Selfie của Nguyễn Man Nhiên, rất lập thể, cũng rất siêu thực, tùy cách nhìn và diễn dịch, về hình thức biểu đạt. Chủ đề của selfie này có thể hiểu nhiều cách: một selfie phi-ngã (vì sự khiếm diện của cái tôi-người chụp), hay một bản ngã khuếch tán và phân mảnh (vì bị cắt xén giữa nhiều ống kính) như chính tựa đề “Một Mớ Tôi”. Có lẽ theo cách nhìn của Nguyễn Man Nhiên thì đây là một selfie chụp vào bên trong, một selfie nội soi, khi trong một khoảnh khắc con người nhìn thấy một điều gì bật lên ở một góc bí ẩn- một thứ gì đó khó nắm giữ và khó nói rõ, giữa những phản ảnh chồng chất của hình và bóng.
Selfie trở thành ống kính để nhìn lại thế giới. Và để khua động thế giới nữa.
Selfie Nguyễn Man Nhiên
“Đó là một buổi sáng, khi tôi bước vào mái hiên đầy bóng nắng của quán cà-phê m. đậm chất hoài cổ ở phú nhuận. Ngay bên cửa ra vào của quán là một cái tủ kính có lẽ để trang trí, bên trong chủ nhân chất đầy đồ sưu tập xưa, nhiều nhất là những chiếc máy ảnh cũ… Tò mò đứng lại ngắm, tôi chợt thấy bóng tôi phản chiếu mờ ảo trên mớ đồ đạc, cứ như thể tôi đã ở đó từ rất lâu, trên kệ gỗ lặng lẽ, giữa những vật dụng duyên dáng và bí ẩn dường kia… Và thế là tôi chụp lại khoảnh khắc thú vị ấy. Tôi thích một cái gì đó còn hơn sự hiện diện hay khiếm diện của tự ngã trong bức ảnh không hẳn là selfie theo nghĩa nghiêm ngặt của từ này” – Nguyễn Man Nhiên
Hình tự chụp ở đây thu lại và phản chiếu không gian tôi đang ngồi, những gì tôi đang thấy
Selfie Paulina Đàm
Selfie Hoàng Chính
Trong ảnh có ả
Trong selfie có y
Trong francis có an
-lưu diệu vân-
Cũng trong khái niệm văn hóa nhìn, selfie ghép của Hoàng Chính với Đức Giáo Hoàng Francis trong đám đông không hẳn một hành động vị ngã (an egocentric act), mà là một thể hiện của tinh thần phóng sự, trong một tích tắc phải bắt chụp lại một sự kiện lịch sử. Đó như một phản xạ của con người trong liên kết của họ với thế giới. Điều này cho thấy sự thích ứng nhanh nhạy của con người trong môi trường sống đã được kỹ thuật/điện tử hóa (truyền hình, email, iPhone, texting, FaceBook..) Và selfie trở nên phương tiện thông tin chính thức của một con người, trong một chuỗi những chụp bắt hiện thực, có khi toàn vẹn, có khi đứt đoạn. Selfie là một nỗ lực không ngừng để ghi lại cách con người tham gia vào những hiện thực. Qua những pô ảnh đủ mọi kích cỡ, selfie cho thấy tính liên tục và tiếp diễn của đời sống, cả tính đồng hiện và đa chiều của mọi khoảnh khắc chúng ta đang sống.
Với câu hỏi “Tại sao selfie?” qua chủ đề này chúng ta có thể trả lời: -Selfie là để giải thích “tại sao”- một quan hệ “tại sao” giữa con người với đời sống, với chính mình, với những kinh nghiệm quá khứ, với dòng chảy của hiện hữu. Selfie là cách nhanh chóng nhất để con người bắt chụp chính họ. Selfie là sự nội soi bản thể. Selfie đóng góp vào thế giới một mảnh puzzle của cá nhân/ nhân chứng/ người soi. Với tính cách tư liệu, selfie đóng góp vào các dạng ghi chép như nhật ký, thời sự, tường thuật. Selfie là một sản phẩm văn hóa và cùng lúc trở thành phương tiện để khảo sát chính môi trường văn hóa đó. Trên hết, selfie là một hành động sáng tạo (lại) bản thân. Với tính cách sáng tạo, selfie là một thể loại gắn liền với những hình thức nghệ thuật khác như tạo hình, hư cấu văn học, điện ảnh để đưa ra những diễn dịch mới về hiện thực, cùng lúc cho thấy giới hạn của những điều tưởng như là hiện thực.
“selfie là một hiện tượng của thế kỷ 21 với những ý nghĩa văn hóa-tâm lý-xã hội đặc thù…” (ĐTT)
Một chút về tâm lý…
Khi đi du lịch, tôi thường chụp khá nhiều ảnh. Phần đông là ảnh cảnh trí, và ảnh người ta chung quanh, để khi về nhà nhớ lại mình đã đi đến đâu và những chỗ đó quang cảnh như thế nào. Thỉnh thoảng, hay đúng hơn là rất ít khi tôi tự chụp chính tôi.
Có hai hiện tượng tâm lý xảy ra những khi tôi tự chụp ảnh tôi lồng chung trong một cảnh đẹp.
Thứ nhất, đâu đó thập thò ra khỏi bầu sương khói mịt mờ của tiềm thức trong đầu tôi là ý nghĩ, “để làm chứng là mình đã đến đây”. Làm chứng với ai, và tại sao phải cần làm chứng thì tôi không rõ! Tôi chỉ biết rằng cái ý nghĩ đó tuơng đối khá rõ rệt, và cùng lúc hầu như vô hình vô dạng không thể nắm bắt được.
Thứ hai, càng ít rõ rệt hơn nữa là một cảm tưởng dường như tôi đang xen mặt tôi vào một tấm ảnh đáng lẽ là hoàn hảo hơn nếu không có tôi ở đó. Cũng vậy, léo nhéo từ trong tiềm thức tôi (lần nầy thì hầu như hoàn toàn không có gì trồi lên đến ranh giới của tri thức) là tiếng nói của chính tôi, “xin được phép chụp ảnh chung với quang cảnh nầy một chút”.
Và về chữ “tự sướng”…
Lần đầu tiên tôi nghe chữ “tự sướng” dùng cho “selfie” thì tôi rất làm bái phục người đã nghĩ ra chữ đó. Theo tôi, thông thường “tự sướng” chỉ có một nghĩa duy nhất, đó là “thủ dâm”. Khi dùng “tự sướng” cho “selfie” tôi nghĩ đây là một cách so sánh tài tình để châm biếm cái phương diện vị kỷ, phù phiếm bề ngoài của sự kiện nầy: tự chụp ảnh mình, tự phô trương cái diện mạo hình tướng của mình mà mình cho là xinh đẹp, tự khoe bày, tự cảm thấy hảnh diện, tự cảm thấy vui sướng…, tự sướng.
Tuy nhiên không lâu sau đó tôi nhận thấy chữ “tự sướng” được dùng như một từ chính thức, và duy nhất, để dịch từ chữ “selfie” trong văn bản cũng như trong đối thoại hàng ngày của ngôn ngữ Việt Nam.
Tôi có thể dùng chữ “thủ dâm”, hay bàn luận về vấn đề thủ dâm, với bất cứ ai kể cả phụ nữ mà không hề cảm thấy ngượng ngập. Tuy vậy, tôi vẫn bắt gặp tôi thoáng “gờm miệng” khoảng một phần trăm giây đồng hồ mỗi khi tôi nghe hoặc dùng chữ “tự sướng” để nói đến “selfie”. Mỗi lần tôi dùng chữ “tự sướng” là lồm cồm từ đâu đó ngồi dậy kế bên nó (trong đầu tôi) là chữ “thủ dâm”!
Một lần du lịch gần đây tôi ghé qua Sài Gòn. Đến một tiệm máy ảnh nọ tôi chỉ cây selfie stick đang bày trong tủ để hỏi mua. Cô bé bán hàng, chừng khoảng 21 hay 22 tuổi, trắng trẻo, rất “dễ nhìn” và ăn mặc rất thích hợp cho một ngày nóng bức ở Việt Nam, hỏi lại tôi một cách rất vô tư, “Chú muốn gậy tự sướng hả?” Tôi nhớ khá rõ lúc đó khoảng mấy mươi phần trăm giây đồng hồ sau tôi mới nghe tiếng tôi trả lời, “Phải”.