Technology Killed Reality (Kỹ Thuật Giết Chết Hiện Thực)– 2013- trong loạt hình Boundaries
Abdulla Al Saab- sinh năm 1986- Kuwait
Một phụ nữ Kuwait vừa selfie vừa bịt mắt, một tác phẩm nhiều nghịch lý, dung chứa những thứ mâu thuẫn tương phản nhau. Người phụ nữ thượng lưu ngồi trên chồng sách ngổn ngang, mặc chiếc áo bó sát do chính nhà thời trang/nghệ sĩ Abdulla Al Saab thiết kế. Thế giới của cô một mặt là chủ nghĩa tiêu thụ đang đè bẹp những giá trị tinh thần, một mặt là ám ảnh của chiến tranh và ảo tưởng hòa bình (hình Saddam Hussein và chiếc bóng trên nền nhà), tất cả trên nền cổ kính của quá khứ: những hiện vật của một nền văn hóa lâu đời, cái tách có tay cầm cong vút, và những cuốn sách bìa cứng chữ vàng- thứ duy nhất “đứng” thẳng trong khi những thứ khác nằm vương vãi trên đất.
Có thể thấy nghịch lý này trong chính tựa đề “Islamic Art Now”, Nghệ Thuật Hồi Giáo Hôm Nay. Nghệ thuật trong triển lãm này không phục vụ cho Hồi Giáo!
Năm nay, triển lãm nghệ thuật đương đại Trung Đông tại Viện Bảo tàng LACMA có thêm sự tham gia của những nghệ sĩ sống ở Âu Mỹ có gốc gác Trung Đông. Họ lấy cảm hứng từ truyền thống văn hóa, vận dụng những kỹ thuật và khái niệm từ những thời kỳ mỹ thuật trước, như một cách định hướng lại các mục tiêu nghệ thuật. Một trong những mục tiêu là cho phép cá nhân quyền tự do phát biểu, tự do sáng tạo ngoài kiểm soát gắt gao của chính quyền vốn là tổ chức bảo trợ và đặt điều kiện cho nghệ thuật.
Chữ Ả Rập là một chủ đề thường trực và chủ đạo trong nghệ thuật cổ điển Trung Đông. Trong thế giới Hồi Giáo, thư pháp được coi là hình thái nghệ thuật cao quý nhất do tương quan giữa thư pháp với kinh Qu’ran, vốn được viết bằng tiếng Ả Rập. Trong hầu hết các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, và video của triển lãm này đều có những hàng chữ Ả rập, hoặc làm nền, hoặc viết hằn lên trên hình ảnh, mà những hình ảnh đó thường là thân thể và dung nhan phụ nữ. Các nghệ sĩ một mặt dùng chữ viết như hình thức nghệ thuật, để minh định bản sắc văn hóa và tôn giáo đặc thù của họ, mặt khác họ muốn mở ra những đối thoại về áp lực của tôn giáo và văn hóa, thể hiện qua chữ viết, trên quyền tự do cá nhân, cụ thể là quyền làm chủ thân thể và hành động.
Triển lãm đợt 1 sẽ chấm dứt vào tháng giêng năm 2016. Dưới đây là những tác phẩm tiêu biểu:
God Is Alive, He Shall Not Die– 2012
Chất liệu: Đèn neon trong “Infinity Box” (120 x 120cm)
Nasser Al Salem (Saudi Arabia)- sinh năm 1984
Trong tác phẩm “God is Alive, He Shall Not Die”, nghệ sĩ Nasser Al Salem đặt một đèn neon trong hộp làm bằng những tấm gương soi (infinity Box), dùng đèn để khuếch đại chữ “Allah”, và dùng phản chiếu qua lại vô tận của những tấm gương để tạo ảo ảnh thị giác về tính vĩnh hằng của Thượng Đế. Tuy tác phẩm của Nasser Al Salem cho thấy dấu ấn của tôn giáo và truyền thống, nghệ sĩ sử dụng các chất liệu sáng tạo như đèn, phim ảnh, và cát để viết chữ. Thư pháp của Salem thường tập trung vào ý nghĩa của từng chữ đơn, kết hợp với những vật liệu phi truyền thống, tạo một phong cách mỹ học riêng với nhiều ứng dụng và diễn dịch đa nghĩa.
Mồ Vô Đề (Untitled Tomb)- 2012
Điêu khắc- Chất liệu: Sắt, muội đen
Barbad Golshiri (sinh năm 1982)- Iran
Chìa khóa để mở cửa tấm mồ này là những dòng chữ Ba Tư khắc trên mộ. Hình thức trình bày và kiểu chữ viết thường dùng cho những bản phân ưu/cáo phó trên nhật trình. Điêu khắc này cũng có thể dùng như khuôn kẽm để in stencil thành nhiều bản. Những dòng chữ khắc trên bia là lời tưởng niệm dành cho một nhân vật đối kháng với chính quyền. Trên thực tế, nhà nước Iran không cho phép dựng bia trên mồ nhân vật này, như cách trừng phạt sau khi chết. Nghệ sĩ Barbad Golshiri viết những lời lời tưởng niệm này theo phong cách Kafka, vừa hài hước vừa kỳ quái:
“Nơi đây không an nghỉ Mim Kâf Aleph. Anh đã chết. Chết nhiều tầng tầng lớp lớp. Chôn sâu hơn mọi độ sâu. Mỗi lần mỗi sâu thêm. Mỗi bận chết mỗi sâu hơn. Đá chồng chất đá. Mỗi tảng đá mỗi vùi lấp thêm. Mỗi tảng đá là một lần chết. Mim Kâf Mim Aleph không có bia đá nào. Chẳng bao giờ có. Không thấy tăm tích (cũng có thể hiểu là: thôi kệ đi, sao cũng được). Chẳng hề có trong từng ấy lần chết. Tháng mười hai đã đến và Mim Kâf Mim Aleph đã chẳng còn [đó ]nữa. Giờ cũng không.”
(Here Mim Kâf Aleph does not rest. He is dead. Layer beneath layer dead. Depth beyond depth. Each time deeper. Each death deeper. Stone upon stone. Each stone deeper. Each stone a death. Mim Kâf Mim Aleph has no stone. Has never had. No trace of it (also to be understood as: so be it). Never in all deaths. December came and Mim Kâf Mim Aleph was no longer [there]. Is not.
Làm việc ở Tehran, Barbad Golshiri, sinh năm 1982, thuộc thế hệ nghệ sĩ trẻ dùng nghệ thuật đương đầu trực diện với thể chế độc tài và ý thức hệ thần quyền ở Iran. “Mồ Vô Đề” là tác phẩm chính trong triển lãm cá nhân lần hai ở Thomas Erben Gallery, Nữu Ước năm 2013, một nấm mồ giữa nhiều bia mộ khác, làm thành một nghĩa trang nghệ thuật tưởng niệm những người đã chết cho tự do tư tưởng và dân chủ.
Thảm Cầu Nguyện (Prayer Mat)- 1995
Mona Hatoum (sinh năm 1952)- Lebanon, hiện sinh sống tại Anh.
Tấm thảm để quỳ gối cầu nguyện của Mona Hatoum làm bằng những mũi kim đồng cứng nhọn đâm ngược từ vải bố. Ngay trung tâm là một chiếc la bàn để quỳ đúng hướng thánh địa Mecca.
nhìn gần:
Ở đây chữ viết và thân thể trở thành một liên tưởng, nó mời gọi sự tham gia và cộng hưởng cảm giác của người xem.
Người Hầu Thiếp Nằm (Reclining Odalisque)- 2008, C-print trên thiếc,
Trong loạt hình Phụ Nữ Maroc
Nghệ sĩ Lalla Essaydi, sinh năm 1958, người Maroc hiện đang sống và sáng tác tại Hoa Kỳ.
Chữ viết ngoằn ngoèo khắp bề mặt ba bức ảnh. Hàng vải mỏng của chiếc áo cô gái mặc như làm bằng ký tự. Những dòng chữ tạo ảo ảnh thị giác như đang chuyển động. Các ký tự ăn lan trên da thịt người phụ nữ, xâm hằn lên mọi bộ phận của cơ thể, chỉ trừ đôi mắt. Thân thể trong tư thế bất ổn và bị động: nằm và bị cắt làm ba khúc, nhưng vẻ mặt thách thức và ánh mắt không khuất phục nhìn xuyên thấu qua lớp màng chữ; chằm chằm vào đối tượng ngoài khung ảnh. Bức hình dàn trải, phơi bày, nhưng bí ẩn, vì người xem khó đoán biết điều gì cụ thể từ thiếu nữ: cô có muốn chúng ta đến gần để đọc và hiểu, hay tia nhìn là một cách khuyến cáo người xem nên giữ chừng mực một khoảng cách nào đó?
Không Nói Nên Lời (Speechless)- 1996, nhiếp ảnh
chất liệu: giấy in bạc và mực đen
Shirin Neshat (sinh năm 1957)- Iran, hiện sinh sống ở Hoa Kỳ
Những dòng chữ Ba Tư viết đè lên chân dung nhỏ li ti, đều đặn, thẳng tắp từ một bài thơ của thi sĩ Iran tên Tahereh Saffarzadeh gửi cho em trai cô khi đang tham gia Cách Mạng. Chúng chạy từ phải sang trái trên gương mặt bình thản, khép kín, đăm chiêu. Cũng như bức hình Người Hầu Thiếp Nằm, những dòng chữ không che phủ con mắt đang nhìn thẳng. Bên cạnh gò má là những nòng súng tròn mà thoạt nhìn tưởng là những vòng khuyên tai lấp lánh. Nghệ sĩ Shirin Neshat muốn thể hiện tinh thần cách mạng nơi người phụ nữ bằng những gợi ý thị giác lạnh và sắc. Với tựa đề “Speechless”, bức hình toát ra sự im lặng sắt đá. Việc không nói được đã nói lên nhiều thứ.
Rumia– 2012
Nhiếp ảnh. C-Print
Tal Shochat-1974-Do Thái
Không Đề (Untitled) 2006, trong loạt hình Trường Cảnh Sát Phụ Nữ (Police Women Academy) của nghệ sĩ Abbas Kowsari, người Iran, sinh năm 1970. Những khóa sinh nữ đang biểu diễn leo dây trong buổi Lễ Tốt Nghiệp năm 2005.
Hình bên dưới cũng chụp vào buổi Lễ Tốt Nghiệp Trường Cảnh Sát Phụ Nữ năm 2005 ở Iran. Cảnh Sát Trưởng Mohammad Baqer Qalibaf, hiện nay là Thị Trưởng Tehran, là người vận động với Giáo Chủ Ayatollah Khamenei thành lập Đội Cảnh Sát Phụ Nữ với chương trình đào tạo 3 năm. Khóa đầu tiên tốt nghiệp vào năm 2003. Việc nghệ sĩ Abbas Kowsari được phép tham dự và chụp hình Lễ Tốt Nghiệp năm 2005 là một ngoại lệ bất thường. Kowsari cho biết “trong thời gian Qalibaf làm Cảnh Sát Trưởng, các nữ cảnh sát được biểu diễn võ thuật và kỹ năng truy nã, bao gồm đu dây, leo tường, và tác chiến trong khi xe di động. Khi Qalibaf bãi nhiệm chức cảnh sát trưởng, chương trình đào tạo thay đổi. Lễ Tốt Nghiệp những năm sau này chỉ có diễn văn, diễn hành, bắn súng, và biểu diễn lên đạn khi bị bịt mắt. Các nhiếp ảnh gia không được phép tham dự.”
Những Đơn Vị Ngăn Cách (Measures of Distance)- 1988
Mona Hatoum (sinh năm 1952)- Lebanon, hiện sinh sống tại Anh.
Video- thời gian: 15 phút 30 giây.
Một tác phẩm rất riêng tư: nghệ sĩ thu hình ảnh, chuyển động, và tiếng nói của mẹ mình khi bà đang tắm. Những dòng chữ chạy ngang thân thể là những bức thư bà viết cho con gái. Cha mẹ Mona Hatoum người Palestine, Mona Hatoum sinh ở Beirut và sống phần lớn thời gian ở London trong khi gia đình ở Lebanon. Nội dung thư được đọc lên, cùng với sự xuất hiện của những hàng chữ, về kinh nghiệm lưu vong, phân tán, trôi dạt, mất mát, và những ngăn cách do chiến tranh gây ra. Tác phẩm là một cách đặt để hình ảnh người mẹ trong bối cảnh chính trị xã hội và tình trạng lưu vong toàn cầu. Những lá thư là những đơn vị thu ngắn khoảng cách giữa mẹ và con. Nhưng thoạt nhìn từ góc độ của một người xa lạ với ngôn ngữ Ả Rập, những dòng chữ rất giống dây kẽm gai bao vây và ngăn cản mọi tiếp xúc thân thuộc.
Chữ viết, cũng như những mũi kim chích trên da thịt, những ngọn chông trên đầu gối quỳ, là đề tái ám ảnh không những Mona Hatoum mà còn nhiều nghệ sĩ Trung Đông khác. Cuộc tranh đấu cho quyền tự do tư tưởng và nghệ thuật đòi hỏi một cách nhìn lại những lý thuyết và tín điều trong thế giới Hồi Giáo, để thỏa thuận về một diễn dịch nhân bản và nữ quyền hơn, để con người làm chủ những điều được viết ra, thay vì ngược lại.
Cuối cùng, một trích đoạn từ phim ngắn Ngôi Nhà Cha Đã Dựng Nên (The House That My Father Built- 6:12 phút), năm 2010
Nghệ sĩ Sadik Alfraji, người Iran, sinh năm 1960, hiện làm việc ở Hòa Lan. Chất liệu sử dụng: mực Ấn Độ, giấy gạo, sơn dầu trên bố, ảnh C-print, và đĩa Blu-ray.
Đây là tác phẩm ấn tượng nhất, theo tôi.