Trang chính » Bàn Tròn: Nghệ Thuật & Chính Trị, Phỏng vấn Email bài này

Đối Thoại Với Nhà Văn Nguyễn Viện- kỳ 2/2

(tiếp theo)

Đặng Thơ Thơ: “Nếu mày biết tao là dao thì đừng đụng đến tao. Vì là dao, tao sẽ đâm theo lao vào bất kể thằng nào. Nếu mày cũng biết đau thì đừng láo. Khi chúng mày thấy lao đao thì hãy nhớ đến dao. Đấy là công lý của bọn tao.
Không phải là tao ác, mà chúng mày không đáng sống. Vì sự sống, chúng mày phải chết. Ai bảo mày cản đường tao. Ai bảo mày cướp của tao, tự do và quyền làm người. Ai bảo mày đười ươi. Ai bảo mày trêu ngươi.”

Ngôn ngữ trong bài Rap của cô gái mang tính côn đồ hơn là lời kêu gọi bất bạo động của người trí thức nghiên cứu luật. Phải chăng đó là điều tất yếu “mang tính bản thể” trong tiến trình xã hội hiện nay? Cách tranh đấu hiệu quả nhất đến từ con dao nhọn hay từ đâu?

NGUYỄN VIỆN:
Tôi thích bài Rap đó. Nó thể hiện tính đương đại của trào lưu văn hóa cũng như tính hiện thực của hiện trạng xã hội, tính côn đồ trong hệ thống cai trị và tình trạng phẫn uất của nhân dân. Nó là một phản ứng có tính tự động. Tất nhiên đấy là một hiểm họa có thật cho tất cả chúng ta.

Con dao tự nó không phải tội ác. Nhưng kẻ dùng dao sẽ chết vì dao (Chúa nói). Hơn nữa, dao không hiệu quả bằng súng trong việc thanh toán lẫn nhau, nếu cần.

Đấu tranh cho dân chủ và tương lai của đất nước hiện nay có phải là một cuộc thanh toán lẫn nhau giữa nhân dân và chính quyền hay không?

Tôi tin những người tỉnh táo nhất đều hiểu rằng, “kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai” (Phạm Duy). Vì thế, một cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, vì tương lai và hạnh phúc của chúng ta chỉ nên là một đòi hỏi trong hòa bình để những người cai trị hiểu rằng: Các anh đang sai. Các anh cần phục thiện. Nếu các anh không giác ngộ nhân bản mà vẫn ngoan cố duy trì đặc quyền, đặc lợi của mình bất kể mọi sự, thì đấy chính là hành động của bọn ôm bom tự sát. Dân tộc này sẽ cùng tiêu vong với các anh.

Đặng Thơ Thơ: Nhiều phát biểu trong Sinh Ra Từ Trứng làm nhiều người đọc bị phản cảm về phương diện nữ quyền:

“Tuy nhiên, trong tận cùng tôi, nỗi khao khát muốn hiếp cô vẫn nóng nẩy. Cô đẹp và đầy sức mạnh hủy diệt.”

“Đêm ấy, cô ngủ với ông. Và cô muốn ông đụ cô vỡ nát.”

Có thể nghĩ đây là cách khuyến khích bạo hành tình dục, qua cách sử dụng từ ngữ và sự áp đặt cái nhìn “đực” tính trong các quan hệ nam nữ? Điều này sẽ làm hiện trạng nữ quyền ở Việt Nam vốn đã tệ hại, càng tồi tệ hơn?

NGUYỄN VIỆN:
Người đàn ông muôn đời, từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, có lẽ không bao giờ phai nhạt nỗi ham muốn hãm hiếp phụ nữ như một bản năng giống đực, hoặc sử dụng phụ nữ như một phương tiện tình dục của mình. Nhưng đồng thời, đàn ông cũng muôn đời khao khát được làm nô lệ, phục dịch cho người phụ nữ như một khả thể cho sự ngưỡng vọng cao cả và thuần khiết. Tương tự như thế, tôi nghĩ cũng không thiếu phụ nữ muốn được hãm hiếp, muốn được chiếm đoạt và muốn được dâng hiến, tan ra.

Dù sao, tôi không phủ nhận “đực tính” (hay nho nhã hơn là nam tính) của mình, mạnh. Chẳng có điều gì khiến tôi phải e ngại phô trương cái sức mạnh giống nòi ấy. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là tôi phủ nhận hay coi thường vấn đề nữ quyền. Trong cuộc sống thực, tôi yêu mến, quí trọng những phụ nữ có cá tính và biết thể hiện mình như một chủ thể độc lập. Tôi đề cao nữ quyền như cách đương nhiên của một phẩm giá.

Trong tác phẩm của mình, tôi không tuyên dương sự bạo hành trong tình yêu hay tình dục. Tôi chỉ mô tả những hiện tượng có thật, rất thật như một phần thuộc về bản chất trong đời sống tình cảm con người.

Về hiện tượng bạo hành trong đời sống gia đình ở Việt Nam quả thật rất trầm trọng, di căn của nền văn hóa phong kiến Nho giáo. Cùng với nó, chúng ta cũng cảm nhận được tính trấn áp thường trực trong cuộc sống hôm nay bởi bộ máy cai trị. Nhưng đấy là một bộ mặt khác của xã hội. Trong tác phẩm của tôi, tình dục hay tình yêu, luôn được tôi xiển dương như một ý nghĩa tốt đẹp và thiết yếu, tôi luôn mô tả nó ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Thăng hoa và hủy diệt. Như nó vốn là thế.

Đặng Thơ Thơ: Tôi không nghĩ rằng “…không thiếu phụ nữ muốn được hãm hiếp, muốn được chiếm đoạt và muốn được dâng hiến, tan ra”. Tuy nhiên cách nghĩ  như anh nói rất phổ biến, phát xuất từ sự phóng tưởng tự tôn của nam giới (male fantasy), và được sử dụng như một công cụ tiện lợi cho việc áp chế tình dục trong quan hệ nam nữ. Vì bị hãm hiếp và muốn dâng hiến là hai điều hoàn toàn khác. Cách nghĩ này hình thành từ cơ chế phụ quyền, được củng cố cho đến giờ này để trói phụ nữ không cho họ cơ hội lên tiếng nói đích thực về kinh nghiệm, cảm nhận và tính dục nữ. Tình dục trở thành cách biểu thị quyền lực giữa hai giới tính, vận hành y như cách bộ máy cai trị trấn áp con người, như anh vừa nói.
Một cách thức trấn áp khác là lãng mạn hoá và thi vị hóa tội ác, như cảnh ông hoạ sĩ hiếp dâm cái Ngọ, một bé gái 14 tuổi:
Ông họa sĩ với khả năng bẩm sinh đã nhìn thấy cái đẹp choáng ngợp nhưng thô sơ của cô bé chăn trâu. Bộ quần áo ướt đẫm đã bộc lộ tất cả sự giản dị và phi thường của một thân thể mới lớn. Ông xúc động sâu xa và không thể rời mắt khỏi cô bé. Cô bé cũng nhìn ông như thể nó nhận ra ông là người đàn ông đích thực của nó. Ông hỏi nó: “Em có lạnh không?” Cô bé lắc đầu. Nhưng ông không thể nào từ khước ham muốn được ôm nó vào lòng, sưởi ấm một linh hồn mong manh. Và ông đã làm như thế. Cô bé yên lặng không nói năng. Nhưng giống như con gà con tìm được đôi cánh của mẹ, nó vui sướng ẩn nấp trong cánh tay người đàn ông xa lạ. Rồi trong cơn mưa của trời đất có một cơn mưa khác ấm áp hơn và nồng nhiệt hơn đã rơi xuống trên cánh đồng ngô, rơi xuống trong tử cung của cô bé.”

Những chuyện hiếp dâm như thế vẫn xảy ra, ở mọi nơi, nhưng cách viết đầy thi vị như thế này rất nguy hiểm vì nó vô tình đã khuyến khích hoặc gây cảm tưởng việc này chấp nhận được. Và vấn đề đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm người viết nên được nghĩ ra sao trong phạm vi nữ quyền, vốn chính là nhân quyền?

NGUYỄN VIỆN:
Trước hết xin thành thật khai báo. Nguyễn Viện là nhà văn, không phải cán bộ tuyên giáo, lại càng không phải là một nhà đạo đức học.

Tôi đã viết về tình dục, tình yêu, phụ nữ hay các vấn đề xã hội khác là bởi tôi nghĩ thế, cảm nghiệm thế. Và tôi viết như nó là thế.

Có lẽ sự giả dối hay đạo đức giả thì ở đâu cũng có. Nhưng ở Việt Nam, tình trạng giả dối trở thành một não trạng. Việc tôi “thi vị hóa” một hành động hiếp dâm chắc chắn không phải là cách tôi khuyến khích tội ác hay phản nhân quyền, hoặc chống lại cái não trạng giả dối hay đạo đức giả rất phổ biến hiện nay. Nhưng tôi kinh tởm cái giáo điều “ta căn bản là tốt, địch nhất định phải xấu” như trong tuyên truyền chính trị, hoặc bất cứ tội ác nào cũng thô bạo dơ dáy như cái nhìn vô cảm của luật pháp.

Chiến tranh có thể là anh hùng ca, cũng có thể là quỉ dữ.

Tôi nhìn thấy cái éo le trong hành động của nhân vật ông họa sĩ khi hiếp dâm cô gái 14 tuổi. Vâng, đó là một hành vi tội lỗi theo luân lý thông thường. Và việc làm của ông ta đáng bị truy tố theo pháp luật hiện hành. Nhưng chắc chắn rằng, chúng ta chẳng thể nào cấm được ông rung động trước cái đẹp và muốn chiếm hữu, hưởng thụ nó. Việc của tôi là kể lại cái khoảnh khắc dường như tuyệt vọng của con người trước sự thật. Còn kết án hay khuyến khích nó không phải là việc của tôi. Tôi không giành quyền chọn lựa của độc giả.

Đặng Thơ Thơ: Ở trên anh nói: “Tôi tin rằng chỉ khi nào người Việt dám “bạo hành” với cái “ngàn vàng” cao quí của dân tộc mình, thì khi đó lịch sử Việt mới được viết bởi chính nhân dân của mình. Lý lịch của những đứa con lai sẽ được gột rửa. Chúng ta tái sinh trong ánh sáng hoan lạc của cái “loạn luân” tông truyền, nội huyết.”

Trong vở kịch cuối truyện, cảnh người con trai với người mẹ lấp lửng gần biên giới của “loạn luân.” Anh có thể nói thêm về dụng ý khi viết phần này?

NGUYỄN VIỆN:
Tôi đang sống trong một đất nước thiếu thốn nhiều thứ, từ tự do cá nhân đến nền tảng triết lý cho một xã hội. Điều ấy không có nghĩa là tôi khao khát được làm mọi thứ, có mọi thứ, bất chấp luân thường đạo lý.

Trong phần cuối truyện này, tôi để người con lai gặp lại người mẹ sau bao năm xa cách bởi chiến tranh, bởi ý thức hệ, bởi bối cảnh xã hội, bởi mất mát và thiếu thốn cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Người mẹ, vốn được sinh ra từ trứng, tôi xem như một biểu tượng tâm linh dân tộc. Người con lai, tất nhiên là nhân vật đại biểu cho nền văn hóa đương đại. Và, dụng ý của tôi thật ra cũng đơn giản. Đâu là cách chúng ta tìm lại chính mình sau những luân lạc của thời đại? Phải chăng một cuộc lội ngược dòng, về nguồn là niềm hy vọng cho sự tái sinh trong ánh sáng? Hay nói một cách khác, tự hủy diệt để sống dậy từ tro tàn, có thể?

Đặng Thơ Thơ: Vì vở kịch cuối truyện, theo tôi là phần bất ngờ và độc đáo để kết thúc, đã mang phần riêng tư trong quan hệ giới tính phóng chiếu thành dụ ngôn chung của dân tộc, nên người phụ nữ luôn ở vị thế hiểm nghèo cũng như cái gọi là tâm linh vậy. “Khi ông bố bạo hành tình dục người mẹ, một ẩn dụ của “truyền thống” bạo hành “tâm linh dân tộc”, người con – “đại biểu nền văn hoá đương đại” – đã chọn thái độ bàng quan, mặc dù trước đó đã nghe mẹ kêu cứu về nỗi đau 4,000 năm. Khi bỏ đi, về mặt riêng tư, người con chấp nhận sự áp chế của chế độ phụ quyền trong đời sống cá nhân – biểu hiện qua bạo hành tình dục trong gia đình. Về mặt xã hội, hành động “cố gắng không gây ra tiếng động và bước ra ngoài” nói lên hiện tượng phổ biến về những người dân bất kể giai cấp và lý lịch chính trị đang bỏ nước mà đi. Người con có khả năng làm gì hay hơn thế trong hoàn cảnh đó?

NGUYỄN VIỆN:
Vâng, “cố gắng không gây ra tiếng động và bước ra ngoài” đang là một hiện tượng phổ biến cho những người có khả năng bỏ nước ra đi. Nhưng còn nhiều hơn thế là vẫn cố gắng không gây ra tiếng động và nằm im chịu đựng cho những người buộc phải ở lại.

Tôi đồ rằng trong số những người đang nằm im chịu đựng, họ thật sự không biết điều gì đang xảy ra, hoặc biết nhưng giả như không biết. Chỉ có một số rất ít bày tỏ thái độ của mình, bị “ông bố” cho là phản nghịch, đánh đòn.

Bất chợt, lòng tôi chùng xuống. Tôi buồn. Đất nước này, dân tộc này đang bị bỏ mặc cho bọn lưu manh xâu xé và chà đạp. Tôi cũng có cảm giác “Chúa đã khước từ” khi cái nền tảng tâm linh của người Việt đã bị đánh tráo bởi sự mê tín. Một cảm giác khác của sự mạt vận. Không những môi trường thiên nhiên bị hủy diệt mà bản thân con người ở đây cũng đang bị đầu độc, từ thân xác tới tinh thần. Tôi cảm thông với những người bỏ nước ra đi, và chia sẻ nỗi đau uất nghẹn với người ở lại chờ ngày suy tàn.

Còn người con lai, nhân vật của tôi có thể có một cách hành xử khác không? Tôi không biết.

Đặng Thơ Thơ: Tôi hy vọng vì tình thương dành cho “người mẹ”, anh ta sẽ có thừa dũng cảm để đối mặt và chất vấn “ông bố”. Tôi cầu mong anh ta gặp nhiều may mắn. Tôi cũng mong mọi sự bình an đến với nhà văn Nguyễn Viện và cám ơn anh đã dành thời gian để thực hiện cuộc đối thoại này. 

bài đã đăng của Đặng Thơ Thơ

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • Khách qua đường says:

    Cưỡng đọat đất đai. Cưỡng hiếp sự ngây thơ. Cho rằng ưu tư, đau đớn về tương lai tù mù của một đất nước thảm hại, bị quậy nát bởi bọn bất lương nắm quyền, xong sau đó, ta có thể dùng chúng, những ưu tư, đau đớn này, làm lẽ biện minh cho cưỡng hiếp, tôi e là một lỗ hổng chí ít về lô gích.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)