Trang chính » Biên Khảo, Chuyên Đề, Phỏng vấn, Thơ & Thời Đại Email bài này

Thường Quán: Ác mộng của nhà thơ là…

art-flash2-420x0_thumb.jpg

Lưu Diệu Vân thực hiện

 

art-flash2-420x0

Thời đại tác động ra thơ hay thơ làm nên thời đại? Nói một cách khác, yếu tố nào gây ảnh hưởng trước hay vấn đề này cũng nhức óc như thuyết "gà trước hay trứng"?

 

Nếu được mô tả về thời đại của mình, đa số dân làm thơ sẽ bảo nó tối ám, buồn rầu, điêu đứng. Ấy không là một lời ta thán quá đáng. Nhìn ở một góc độ nào đó thực thì thời đại của chúng ta đang sống có lúc tối ám, buồn rầu, điêu đứng. Dưới mắt thơ ca chúng trầm trọng hơn vì tự bản thân nhà thơ có cái gì đã không vui hơn thiên hạ, tôi gọi hoạt động của thơ là hoạt động dưới hầm lạnh, lạnh hơn thân nhiệt bình thường. Lại nữa, cũng là cần đáng nói, khi nhìn vào thời đại của mình, “tôi kiểm thảo bản thân cùng một thời đại buồn rầu”, nói như Trần Dần, khi những người khác đổ tội cho ai đấy, không phải là họ, thì nhà thơ lại biết hắn ta là một phần của sự tối ám ấy. Hắn ta là bóng mờ, là sự rấp ranh giữa thiện và ác, là giữa phần sạch sẽ vừa kỳ cọ xà phòng, và cái nhám thô còn nguyên những vệt máu sơ sinh lọt lòng, những bàn giải phẫu, những cuộc kiểm nghiệm bản thân.

Người ta sống trong thời đại, như phải sống trong thời gian, anh bị động trong đó, và ở thế đó, anh cọ quậy phản kháng, dò dẫm tìm những lối ra, những bài thơ, những cái viết sau khi trầy trụa, vì bị va đầu vào đủ thứ trên những tuyến địa đạo mù, hoặc là cọ quậy như thế, hoặc là chết, hoặc là hóa thân làm một thứ gì khác, hoặc đầu hàng, hoặc tệ hơn thông đồng với những thế lực bóng tối. Nhà thơ xét trên mặt đạo đức không cao hơn không thấp hơn ai cả, họ chỉ là người cựa quậy và dễ bị thương. Nhưng anh ta có một thứ vũ khí, nó không nhiều, cũng thường thôi, như mọi người, nhưng anh ta biết mài dũa nó chút gì, đó là ngôn ngữ. Rốt lại thì cũng chỉ là vấn đề ngôn ngữ.

Đâu là sự thiếu thốn và đâu là thừa thãi, khi nói đến chất liệu ngôn ngữ thơ?

Về chất liệu [ngôn ngữ] thì biết bao giờ cho đủ, biết sao là thiếu thừa? Basho và Ko Un có lẽ sẽ thấy nhiều bài thơ hôm nay là hơi dài dòng. Nhưng Langston Hughes thì chắc sẽ cảm thông. Mỗi nhà thơ sẽ cân nhắc thiếu thừa không trong cái chung chung, mà trong đơn vị từng mỗi bài thơ, từng mỗi cuộc quán sát để bài thơ đó ra đời. Nó có thể một hài cú là vừa, như Phùng Cung, nó có thể là tràng giang như những bài thơ dài của Octavio Paz.

Có thời thơ rất ư bóng gió, có thời nội tâm thơ thẳng thừng, có thời hình thức thơ tân tiến. Còn bây giờ?

Với thơ, thì chữ ‘thực tại ‘có một quan hệ mật thiết hơn là chữ ‘thời đại’, thời đại tối ám thì nó tối ám, lâu nay nó vẫn là thế, những chiến tranh, xung đột, người giết người, người lừa bịp người, nó vẫn thế [nói trên đại thể chứ đừng chia phân kỳ] nó là vậy, từ thời Phật Thích Ca , thời Chúa Giê Su, thời Socrates, Seneca, Cao Bá Quát, qua tới hôm nay, những thời đại tiếp nối nhau, với những vấn đề triền miên của con người, do trời đất đổ xuống cũng có, nhưng đa phần là do con người tạo ra. Đã bao nhiêu những cuộc chiến tranh, bao nhiêu những trận chinh phạt, những con tàu buôn nô lệ, những cuộc dấy lửa nổi loạn, những chiến tranh cướp bóc, hãm hiếp, chém giết, làm được con người sẽ làm, như nó đã làm. Lịch sử tiếp diễn. Không bao giờ chấm hết để có cái gọi là hậu-lịch-sử. Nhưng thực tại của mỗi nhà thơ, vùng tiếp cận giữa cá thể hắn ta và thế giới bên ngoài, mới là quan trọng, quan trọng đối với chính hắn, quan trọng không kém sự kiểm nghiệm về thời đại, về lịch sử. Chính là ở vùng tiếp cận này thơ có mặt. Ở đây tôi muốn nói tới cái thế giới lung linh, lại rất bình thường, của mỗi buổi sáng thức dậy, của những chiều tối, những giấc mơ, những thoáng gặp, thoáng thấy, những tiếng gọi thăm thẳm, những xuất hiện kỳ bí, cảm nhận được nhưng không bao giờ hoàn toàn lý giải được. Những thế giới hình dung, tưởng tượng, có đó mất đó, đa dạng, biến ảo, không qui chụp được, những ám ảnh ấy mời gọi ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ riêng biệt của cá thể, nằm ngoài cộng đồng, quần thể, bầy đàn. Thế thì nhiều khi bất kể thời đại, thơ nó có những trận đánh nhau riêng của nó. Ngôn ngữ thơ nó đa dạng, nhiều mặt mũi, nhiều cấu trúc khác nhau.

Tuy nhiên làm một sự nhìn lại lịch sử trong một trăm năm, cho từng mỗi khu vực của thế giới, ta sẽ thấy có những biến cố khốc liệt đã làm thay đổi triệt để thơ ca của khu vực đó. Ở Trung Âu là hai cuộc Thế Chiến và Lò Thiêu Auschwitz – “sau Auschwitz mà còn làm thơ là man rợ”. Ai nói được hết tội ác kinh khủng ở Trung Âu nếu không phải là những nhà thơ của khu vực đó, Paul Celan, Tadeus Rosewicz, Zbigniew Herbert, Czeslaw Milosz, ở đó đã tiếp tục Wislawa Szymborska, Tomas Transtromer… Ở Nga, 1917 và những năm Stalin đã thay đổi toàn bộ thơ Nga, Cách Mạng 1917 chấm dứt Tượng Trưng, Acme, đưa nhanh lên Vị Lai rồi sau khi Mayakovski bắn vào màng tang của mình thì tuyệt đối chỉ còn lại thơ trong ngăn kéo, thơ giữ nhập tâm, của Osip Mandelstam, Anna Akhmatova, Boris Pasternak, Marina Tsvetaeva, và thế hệ ngoài lề mà đại biểu tiếp theo nổi bật như chúng ta đã biết là Iosip Brodsky. Ở Việt Nam, 1954 là biến cố tương tự, cuộc chia đôi đất nước và cuộc chiến tranh tiếp liền đó đã biến đổi thơ. 1975 và cuộc exodus lần đầu tiên đưa một bộ phận dân tộc Việt Nam ra với thế giới đã biến đổi thơ, Dù không được ai gọi là nhà thơ, Linda Lê với tôi là một nhà thơ đại biểu của cuộc chia lìa và những phức cảm của nó. Ngay hôm nay, nhìn chung, trên tổng thể, ta có thể thấy ngôn ngữ thơ nó bụi bặm hơn, nó chịu đi xuống thấp hơn, nó chịu trầy trụa hơn, nó đa tầng, phức cảm, tối tăm hơn. Đây là một đề tài dài chúng ta phải trở lại một lúc khác thôi.

Nếu thơ muốn nằm trong dòng chảy hiện tại thì thơ phải thực hiện những thủ tục/nghi lễ nào và nếu thơ muốn tách riêng thì thơ sẽ phải gánh vách những trách nhiệm nào, với người đọc và với nhà thơ?

Khác với âm nhạc, thơ sử dụng ngôn ngữ của con người, nó gắn bó với nhân sinh, với cuộc sống bình thường, tất nhiên nó sẽ đi tiếp với con người, ngày nào còn cuộc nhân sinh ngày đó còn thơ. Âm nhạc gần gũi với thần linh, với sự tinh trong, với sự thanh nhã hơn là thơ. Thơ có chất trần ai, nó có ảnh tượng mắt nhìn của hội họa, nhịp đập của âm nhạc, nhưng nó có chỗ đứng riêng của nó, tôi tạm gọi thơ là những tư duy, quán niệm về thế giới trong ngôn ngữ con người, qua ngôn ngữ nói và viết của con người. Ngày nào chúng ta còn quán sát, còn mơ mộng, còn tưởng tượng, còn đau đớn, buồn vui với thế giới đó, và ý thức về sự biểu tỏ cảm xúc, tư duy, qua ngôn ngữ, thì ngày đó chúng ta còn thơ. Về nghi thức, nó là chuyện riêng, của từng người sáng tác. Brodsky mỗi năm tới mùa Đông ông phải đi tới Venice để nghe đá và nước và ngắm thứ ánh sáng mù mịt ở đó. Ấy là một luxury chúng ta chỉ có thể thèm thuồng. Nhưng mà chúng ta vẫn có thể bước ra ngoài phố, nơi chúng ta đang ở. Tất cả là ở sự bắt đầu, cái gì khiến chúng ta chuyển động, và viết xuống những chữ đầu tiên để bài thơ từ đó tự nó – làm như tự nó – thành hình?

Điều gì sẽ xảy ra khi thơ hiểu lầm thời đại hoặc thơ bị thời đại hiểu lầm?

Ác mộng của nhà thơ.

Nếu nhiều bài thơ cùng đồng thanh về một điều gì đó, có thể được xem như một hành động biểu tình chính đáng hay không?  

Có những thứ ca khúc làm tốt hơn là thơ. Con người sẽ còn lên tiếng trước bất công, trước tội ác. Những ca khúc như ‘We Shall Overcome’ đã rất hữu hiệu. Để phản kháng, người ta có thể làm thơ, nhưng thơ phản kháng để đời được thì cũng hiếm. Bài vịnh chiếc roi của Cao Bá Quát là thơ phản kháng hay, nhưng cũng chỉ hay cho Cao và những người đọc thầm lặng, tới sau ông một trăm năm, hai trăm năm.

Là một tác giả hoạt động trong cả hai nền văn chương Âu và Á, có sự khác biệt và điểm tương đồng nào giữa cái nhìn của thời đại "Việt" và thời đại "phi-Việt"?

Thay vì nói tới chất thời đại và chất văn hóa mà có lẽ là dài, tôi chỉ xin nói là về hoạt động viết, tôi nhận thấy sự tương tác giữa hai ngôn ngữ: ngay khi viết những cái tiếng Việt, có những tác giả [qua tiếng Anh] đâu đó, làm như vẫn lặng lẽ nhìn vào. Ta cẩn trọng hơn. Cũng có thể giàu có hơn, cũng có thể khó khăn hơn.

Cảm ơn Lưu Diệu Vân đã gởi những câu hỏi hay ho lý thú.

bài đã đăng của Lưu Diệu Vân

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)