Trang chính » Biên Khảo, Phỏng vấn Email bài này

CTB nói chuyện với Đặng Thơ Thơ


Đặng Thơ Thơ Nói Chuyện với Cung Tích Biền
Kỳ 1: Tư Thế Văn Chương từ Tật Nguyền Lịch Sử

Đặng Thơ Thơ: Thưa anh, tạp chí văn chương Da Màu rất hân hạnh được thực hiện chuyên đề Cung Tích Biền. Phần phỏng vấn này là một bước cần thiết để độc giả hiểu biết thêm về những tác phẩm gần đây của anh, cũng như những yếu tố chủ quan/khách quan/tư tưởng/xã hội… đã làm nên cõi viết Cung Tích Biền. Để khởi đầu, xin hỏi vài điều tổng quát về văn nghiệp của anh, sau đó chúng ta sẽ đi sâu vào từng tác phẩm.
Trong những tập hợp người viết trước 1975, anh dường như là một nhà văn độc lập không thuộc hẳn về một nhóm sáng tác hay tạp chí nào. Anh đã thành danh từ lâu trước 1975, càng về sau này viết càng mạnh hơn, tư tưởng và bút lực càng sắc sảo hơn. Nhưng lại rất ít những nhận định hay khảo cứu chuyên sâu về văn chương Cung Tích Biền, ngay cả trong những tài liệu văn học sử cũng vậy. Anh nghĩ đâu là lý do?


Cung Tich Biền
: Sẽ say sưa đáp vấn. Nên có thể dài dòng, lạc điệu, tiêu phá thời gian người đọc. Tôi đề nghị thế này. Ngoài những câu có thể trả lời ngắn gọn thì thôi. Những câu hỏi khác tôi trả lời bằng hai cách. Một cách thật ngắn [ngắn] dành cho những ai ít thì giờ.Và một cách dài [dài] dòng, rất ngao du, đọc mệt nghỉ, cho cạn nguồn cơn. Vị nào muốn đọc phần nào thì đọc.

Trả Lời Ngắn: Tôi là một Nhà văn, trước tiên là Viết. Mọi nguồn khép-mở tạo ra những liên hệ về sau từ tác phẩm, là hạ hồi phân giải.Tôi cũng có biết vài lý do, nhưng không đủ “vị thế” để trả lời. Nội dung sự vụ này nằm NGOÀI TÔI. Nó nằm ở phía các nhà nghiên cứu phê bình.

Đôi khi văn chương tôi là Trống Rỗng, một cái Lỗ Đen “thiếu khả năng nhận ánh sáng”, nên chẳng có gì để rọi soi. Đây là vì tôi thiếu diễm phúc.

Lại có thể do lịch sử trở trêu, cuộc tiêu tán mở rộng, nên số phận văn chương của tôi, chưa có cuộc trùng phùng, để nhận diện và lai tĩnh.

Đúng, tôi là một Nhà văn Độc lập. Nói cho chính xác tôi tự cô lập bằng cách sống ẩn mình, và thành tâm đoạn tuyệt những mối quan hệ không cần thiết, trong hòa đồng xã hội. Tôi chú mục giữ cái vị thế cô đơn để trọn vẹn cuộc Hành Nghiệp.

Trả Lời Dài: Đây là một câu hỏi nòng cốt buộc tác giả phải nói nhiều chỗ riêng tư, của đời thường và những đặc điểm thời thế liên hệ đên việc sáng tác. Rất dài dòng. Tôi đề nghị chuyển phần trả lời dài của câu hỏi này xuống cuối bài phỏng vấn. Xem như một phần kết. Một Lời chào tạm biệt.


Đặng Thơ Thơ: Những tác phẩm sau này của anh xuất hiện ở hải ngoại nhiều hơn trong nước. Nếu phải tự xếp loại mình vào một dòng văn học nào, thì đó là văn học miền Nam 54-75 nối dài, văn chương phản kháng trong nước, hay văn chương ngoài luồng sau 1975, hay là một nhóm nào khác?

Cung Tích Biền: Tôi đã từng xếp hàng chết mê dưới ánh sáng Xã hội chủ nghĩa để chờ mua ba lạng thịt mừng xuân, đó là tiêu chuẩn cho toàn gia đình năm miệng ăn khi én bay ngoài trời; rồi đợi chờ mua vài ly bia hơi về cúng ông bà chiều 30 Tết. Tôi đã được phân loại rạch ròi trong lý lịch.Văn chương tôi cũng được dán nhãn hiệu từ khuya.

Cha tôi nếu còn sống bây chừ đã 116 tuổi, mẹ tôi qua đời đã trên 40 năm; vậy mà vừa rồi tôi bị chộp đầu trong đám biểu tình chống Trung Quốc, vô đồn Công an quận 3, đường Trần Quý Cáp [sau 1975 đường này mang tên Võ văn Tần]. Lúc lập biên bản tra vấn, một Đại úy Công an, bộ chừng nhỏ tuổi hơn con trai tôi, anh cư xử với tôi khá nhã nhặn, lịch sự rất mực, nhưng lại nằng nặc buộc tôi phải khai tên cha tên mẹ.

Có cái đời tiên tổ Trưng Vương Triệu Ẩu nào mà bắt cái lão già 71 tuổi phải khai tên tộc cha mẹ mình trong cái biên bản “Không thể nào phạm tội cũng đương nhiên mang tội”. Ngày hôm sau tôi được các bạn sinh viên đi biểu tình nói rằng khi họ bị bắt vô đồn, thì công an tức tốc mời cha mẹ lên dạy dỗ con, rồi bảo lãnh con về. May quá, nếu cha tôi còn sống, tội nghiệp ông phải chống gậy lên đồn công an bảo lãnh cho thằng con 71 tuổi. Rồi hai cha con, cộng lại gần hai trăm tuổi trời, cùng nhau…chống gậy ra về.

Sắp hàng, xếp dòng, phân loại, dán nhãn hiệu, kê khai…cái đời nó ác nhơn như rứa mà bây chừ bắt tôi đi xếp loại mình là dòng văn học nào thì cực quá đi quý nương ôi. Chết sướng hơn.


Đặng Thơ Thơ: Thưa anh vâng, không cần xếp loại vì những xếp loại đều chung chung, thiếu sót hoặc giao thao hay chùng lấp nhau. Nhưng mỗi người viết lớn đều mang một cá tính rất riêng và tự tạo cho họ một vị trí riêng trong văn học. Xin hỏi về thế đứng của văn chương Cung Tích Biền giữa nhiều dòng chảy. Có thể nhìn văn chương Cung Tích Biền như màn trình diễn của cặp song sinh Thừa-Dư (tên một truyện ngắn của anh sau 1975), người Bắc kẻ Nam, người Tả người Hữu, người mất chân trái người cụt chân phải, khi đứng ghép lại thì thành một hình hài có đủ hai chân? Tức là một tư thế văn chương thống nhất từ sự tật nguyền lịch sử?


Cung Tích Biền:

Trả Lời Ngắn: Đúng là như thế, nhưng xin đảo ngữ một chút. Rằng là:“Một tư thế văn chương thống nhất, trong trường hợp Tôi, là tái tạo từ nguyên trạng nát vỡ cho một Phục-sinh, được phiêu du thu nhặt Lịch sử, từ tật nguyền ráp lại.”

Cứ như thế, anh chàng lao xao khuynh hữu thì gãy phăng cẳng trái. Cái cậu nhất tề cực tả thì trời lấy lại cái chân phải. Lúc ráp lại trên cái sân khấu đoàn tụ, lúc nước non thu về một mối, thì hai anh Dư-Thừa phải tựa vào nhau, vì cái ý thức “Chẳng Thể Thiếu Một.”

Trả Lời Dài: Nếu người trả lời phỏng vấn có quyền “lạc đề” thì tôi xin lai rai lạc đề trong câu hỏi này.

1. Khi văn chương hình dựng, biểu tỏ cái lịch sử tật nguyền thì trước tiên chính văn chương cũng tự thân tật nguyền.

Về hình thức, tật nguyền khi nó là công cụ. Về nội dung nó càng lưu lạc ý nghĩa, lẫn ý niệm, nó phiêu bồng hoặc sắt thép, đến bất khả tư nghị. Bất cứ dưới điều động nào. Bất cứ được hóa trang dưới tà thuật xử dụng ngôn ngữ tinh vi nào.

Vì sao? Vì chữ nghĩa hôm nay không tự thân độc lập. Nó xiêu ngã và được nhào nặn, tùy vào môi trường nó hiện thể. “Chữ”, “Từ” không còn là những định nghĩa trong điển chế ban đầu. Nó tiến triển, hóa mình, không theo tiến trình tự nhiên và khách quan vì nhu cầu xử-dụng-mới. Mà “Nó” được [bị] nhuộm màu vì cái “Khuynh”, cho ý đồ chính trị, cho nhu cầu của thực đơn thời thế. Nó bị điều động bởi con roi âm mưu, đôi khi vô hình.

Cho nên mỗi nhà văn, hoặc mỗi phương-gia-dùng-chữ, nơi mỗi giọt mực đã một cái gi rất ngất ngưởng. Một rắp tâm phục tùng, nô bộc. Hoặc một phóng ngoại mang ý thức thoát vượt. Cái nào cũng đụng đầu một sự cắt tỉa đến khả nghi.

2. Hãy nới rộng sự lạc đề xem nào. Một ví dụ cái giá máu xương, cái từ Đa nguyên chẳng hạn.

Nếu tôi sống ở Paris, Nữu ước, tôi không bao giờ nghĩ tới cái từ đa nguyên. Nó bình thường như ta chẳng bao giờ nhắc tới việc ta có cái lỗ rốn trong người. Nhưng ở nơi này đây, cái quê nhà luôn-luôn-thường-trực-ngày-ngày-đêm-đêm-nắng-mưa-mưa-nắng, triền-miên-miên-triền khô kiệt cái văn hóa, nên cái chữ “văn hóa”, “đời sống văn hóa” “khu phố văn hóa” đã được thường trực kẻ thành nghìn nghìn khẩu hiệu đủ kích cỡ, lắm màu sắc, căng treo từ đầu lăng mộ tới hang cùng ngõ hẻm, từ cáiCung “văn hóa lao động” đến cái Xóm đĩ “lao động bán trôn phải văn hóa”—Vâng, nơi này đây, cái từ đa nguyên, nó vốn im lìm chỉ tốn một giọt mực in, nay đã khoác tính nhân xưng, đã trở thành một ông Thiện và một ông Ác. Khi thì nó là một khát vọng tốt đẹp. Khi lại được xem là cái nọc độc, diễn biến hòa bình, cần phải thường trực với ý thức tiêu triệt.[Tôi không nói cái thực-tế-đa- nguyên, vì nó đã có đâu nơi này, tôi chỉ nói “đa nguyên” từ chỗ nó sắp được phát âm, hoặc nó sẽ được “click”con chuột].

Đúng một thời điểm, nếu có một cuộc phỏng vấn hai người. Một nhà đấu tranh cho dân chủ nhân quyền sẽ phát biểu:

“Đa nguyên là nguyện vọng tha thiết, chính đáng cho cả Dân tộc

Ông Nhà Cộng sản sẽ khẳng định:

“Đa nguyên là phá bĩnh, hủy hoại tình đoàn kết dân tộc, làm mất sự ổn định dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng.”

Nhà văn đứng phía nào giữa hai mặt?

Hai mặt này luôn trực diện, đối kháng một mất một còn. Mà văn chương thì không thể “hai mặt.” Vậy phải cắt bỏ đi một, như Dư –Thừa phải cắt bỏ một. Không chỉ phải cắt bỏ một “phần văn chương” mà cắt “một cẳng của nhà văn.”

Một văn chương hoàn chỉnh chính là Một Nạn Nhân.

Một Hoàn chỉnh Văn chương là tật nguyền ráp lại.

Chúng ta không hề bắt buộc cái ký-hiệu, cái công-cụ-biểu-hiện, phải chịu trách nhiệm nội dung cái nó “biểu hiện là,” cái nó “đang nói là.” Nhưng trong tác phẩm của Nhà văn, không những Chữ, mà cả cái ngoặc đơn, ngoặc kép, dấp chấm phẩy, cái ngang nối, vẫn mang một ý nghĩa, một phát biểu, một chịu chung trách nhiệm. Cái súng bắn máu, con dao đâm người, không thể nằm ngoài vụ án. Sau lưng tác phẩm, nhà văn (thậm chí) là vô danh. Là không cần thiết Nhắc Tới. Tác phẩm mới là cái Có Mặt. Mới là thường-trực-trả-lời.

Một thường-trực-trả-lời, trong hoàn cảnh Việt nam hôm nay, phải là một trung-thực-chịu-nạn.

Văn chương có thể huyền ảo, nhưng trách nhiệm của Nhà văn không hề là một hư ảo.

3. Tôi xin lạc đường tiếp: Thế nào là Nhất quán?
Hãy cho một ví dụ thời thế dung tục, với cái giá rất bình dân, giá vỉa hè. Thế này, một “người chọn tự do” trước đây có bao lâu, chạy trối chết trên bãi lầy bờ biển vượt biên, công an tiếc hụi hụi vì chộp hụt một “thằng phản quốc”. Bữa ni ông về, ông khệnh khạng đứng trên chót vót đầu lưỡi trân trọng của Ngài Chủ tịch Nước, vì chính Ngài đã thật lòng trước quốc dân, đã thân ái thừa nhận ông là “Khúc ruột nghìn dặm”, là vốn quý của giống nòi.

Thì hôm nay “khúc ruột” ngự trên Boeing “ruột khúc” về. Không cần nhãn hiệu Búa Liềm, chỉ cần Khúc mang bất cứ máy móc xe cộ gì có hình cờ MỸ là ngẩng cao đầu nhất trí tiếp thu. Chỉ cần Khúc trưng ra cái hình ông Franklin trên tờ 100 đô la là đủ, không cần cầm ảnh Bác Hồ.

Nhưng nếu Khúc không mang đô la, cái đem lại no đầy cho Bụng. Mà Khúc mang về cái khác, cái có tính tư tưởng phục vụ cho Não. Giả dụ, tư tưởng ở một cấp độ phổ thông, là đòi hỏi một thể chể chính trị mà mọi công dân phải được bình đẳng tham dự, bình đẳng trao đổi nguyện vọng, nhất thiết loại bỏ cái chính trị cai ngục, nô tỳ nguyện vọng, thì ngài Não này có được trải thảm đón chào như ngài Bụng kia không. Hay Não Tự Do vừa bước xuống khỏi cầu thang máy bay tại phi trường Tân sơn nhất thì tức khắc được lệnh trục xuất ra khỏi cái xứ sở Thằng Cuội, chỉ một “ khúc” đã dài đến dặm nghìn.

Thế nồ? Rứa thì lồm sô? Nhất quán như rứa thì mần răng bi chừ?

Văn chương, nếu muốn khỏi tật nguyền, thì phải tự cưa cẳng như Dư-Thừa? Hay văn chương tự trọng thì nên đi “cưa phăng cái lưỡi người”?

[Ghi chú: Tác giả là người của nước Quảng-nam-dân-chủ-cộng-hòa. Nên đôi khi phát âm giọng Quảng cho đỡ nhớ nước-Quảng-nam-mình. Tôi xin dịch câu trên ra tiếng Việt nam: “Thế nồ? Rứa thì lồm sô? Nhất quán như rứa thì mần răng bi chừ?” có nghĩa là “Thế nào? Vậy thì làm sao? Nhất quán như vậy thì làm sao bây giờ”]

4. Tôi ung dung lạc đề tiếp :Lại thế nào là Phản động?
Trong lĩnh vực văn chương, hôm nay lẫn bây giờ, có cái ông đang phành mồm hô hào rào chắn chuồng trại cho kỹ lưỡng, đừng in tác phẩm tụi nó, đừng cho bọn nhà văn trước 1975 phản động hồi trào.

Lại có một vị vừa đây đã điện thoại từ Hà nội, nhờ người đại diện trong Nam, ân cần liên hệ với một nhà văn cũ, hiện tác phẩm của ông ta trước 1975 đang bị cấm lưu hành, để xin một cái truyện cũ, viết từ thời Việt nam Cộng Hòa, để đăng trên tờ Báo chính thống, số Xuân Văn nghệ Trung ương [Hà nội]- ngay Tết 2008 này đây [mục “Văn Nghệ Miền Nam Trước 1975”- truyện Ngoại ô, Dĩ an và Linh hồn tôi].

Như thế, hai vị này vị nào phản động đây. Ai là Dư ai Thừa? Ai là người bảo vệ Đảng, gìn giữ giềng mối tới giọt nước miếng cuối cùng. Ai là người biết suy nghĩ tiến bộ: “Nới rộng tầm nhìn, không gì bằng hãy Nhìn lại.”

5. Lại thế nào là Yêu nước?
Gần đây một vị Thầy Đáng Kính –con cháu thầy Đặng Tiểu Bình từng dạy cho Việt nam một bài học- đã gom hẳn hai đảo Trường và Hoàng sa về cho thầy. Tuổi trẻ Việt nam xuống đường, Hà nội – Sàigòn biểu tình, chửi cha cái thằng-thầy-mất-dạy.

Đám biểu tình tóc xanh mắt sáng, liền bị rượt đuổi, vây bắt ngay trên đường phố. Bị lần lượt tống vào bót tra xét, lập biên bản.

Vậy tuổi trẻ Việt nam này yêu nước hay là phá hoại, phản động? Hay vừa yêu nước lại vừa phản động. Hay là ai phản động lúc này thì đích thị là người yêu nước. Hay là vì rất mực yêu nước nên tất yếu phải bị điểm mặt mày là phản động.

6. Rồi thế nào là Ngụy?
Sao lại đau như thế. Sao lại phí phạm giống nòi quá xá cỡ, để lúc nào hiểu ra điều chân chính thì mới đảo ngược. Mỗi Đảo-ngược là nhìn ra nghìn xương đen đã hóa linh trong Đất Mẹ. Chúng ta có hai chân mà mỗi chân đi một ngả, trì kéo đến tật nguyền.

Một trận tương tàn nào, hằng triệu đau thương mả mồ, để diệt cho hết cái lực lượng thù nghịch Việt nam Cộng hòa. Nhưng cái gì tác động nếu không là lương tri, là danh dự giống nòi, khi một bộ phận [tuy thiểu số nhưng vẫn là Một Tiếng nói] TUỔI TRẺ HÀ NỘI HÔM NAY đã ra tận Bến Chương Dương, sông Hồng [tháng 12-2007], thắp nhang khói, hướng về Hoàng sa để tưởng niệm những chiến sĩ Hải quân Việt nam Cộng hòa xưa kia đã chiến đấu vì Tổ Quốc Việt nam thân yêu.

Một Đảng quang vinh nào một thuở đã rất mực “cờ in máu” để chống xâm lăng, đế quốc. Một Đảng quang vinh nào hôm nay lặng câm, một cách lạ lùng và bí ẩn, một cách ấm ớ và đáng nghi ngờ là hèn nhát, trước cuộc cướp nước trắng trợn của “Bọn địch thù thiên niên thù địch phương Bắc” mà từ Trưng-Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, tất cả đã cùng nhân dân tử chiến và quét sạch.

Những hiện thực hai mặt trên đây không thể không nằm trên bàn viết của Nhà văn.

Những điều mà Nhà nước Việt nam Cấm Nói Hôm nay, không thể là Muôn đời Không thể Nói ra.

Nếu im lặng, chúng ta bất đắc dĩ trở thành người viễn xứ rồi.

Văn chương sẽ ứng xử như thế nào để tìm ý nghĩa, chỗ trung thực của lịch sử? Những tế bào ngôn ngữ nào để cấu trúc nên tác phẩm, mà thoát khỏi khối u, di căn ung thư từ nguồn nghĩa.

7. Trở lại cách đặt câu hỏi về văn chương tôi: “là một tư thế văn chương thống nhất từ sự tật nguyền lịch sử?”

Chỉ có thể là như thế. Thống nhất từ một Cái Nhìn riêng tôi. Cái Nhìn tục lụy. Cái Nhìn u hàn, linh đinh, kinh qua cái lịch sử cháy đỏ những hình hài.

Tôi khiêm tường tự giải như thế này. Trong văn chương tôi, lịch sử là gương soi, chỉ là không gian để thấy bóng mình. Lịch sử không là đối tượng nghiên cứu. Tôi không là sử gia. Tôi tự vấn trước Tôi gương soi. Nhờ lịch sử phản hồi để được thấy mình-là-một-người-khác. Hữu-Vô vấn đáp. Giữa cái gọi là Mùi – có thật mà không Hình, và Bóng – có hình mà chẳng là Thật.

Tôi lạnh lùng mang gương soi đến những ngã bảy ngã ba thời gian, vừa tối vừa trăng. Chỗ của dị thường nhật nguyệt, chỗ mà chính tôi từng sát na lướt trôi, tôi gặp hiển linh uất ức và tật nguyền. Tôi tái dựng. Phục chế Tôi. Một tâm sự biết quằn quại và biết hát ca. Nên văn chương tôi là rất chủ quan. Từ một Chốn Riêng, Vực Cùng ngẫu nghĩ. Trong cái hạn hẹp Chữ nghĩa. Nơi một đời thường trói buộc, giữa một rộng lớn Chuồng Người.

Là người đang “Diện bích”, nhưng tôi không là chân nhân để trường niên “đối tường”, tôi rất muốn hóa kiếp ngay kiếp này.Tôi bước xuống vô minh, tự mình bưng chiếc bình sành có in hình chiếc xương cụt, trong Xứ Động Vật Màu Huyết Dụ, đi lang thang đó đây tháng ngày tìm người hốt hài cốt cho mình.

“ Bóng và Bình,

giọt máu không màu,

giọt mưa không suốt,

Máu là mưa.”

[thơ CTB]

Máu đã trong vắt hạt mưa, mà Lịch sử vẫn tật nguyền ư?

Sao đã Dư mà còn Thừa? Đã Thừa-Dư mà mỗi bên vẫn đi tong một cái cẳng giò? Trên dưới trong ngoài của Thừa-Dư này là một Khoảng Trống. Chờ giải mã. Không phải chờ lấp đầy.

Nhưng lịch sử tật nguyền có thể chờ Một-Ngày-Mai. Thế hệ này có thể nối tiếp thế hệ khác, với một khả-năng-việt-nam vừa kỳ diệu vừa mù tối, vừa khắc khoải đến nồng cháy lại chừng như đầu hàng, là để mỏi mòn chịu đựng, và mòn mỏi chờ mong.

Cho cùng, tật nguyền? – Có chi là đáng sợ. Cái đáng sợ là mãi chịu chia ly trong tật nguyền. Mãi mãi ù lì, sống như Ông, nhân danh Ông, để giam ngục Danh dự Con Người.


Đặng Thơ Thơ: Vẫn trong Thừa Dư, anh viết, “Lịch sử từ lâu nhường bước cho một đám sinh vật bốn chân thủng thỉnh đi qua.” Trong hành trình sáng tác ngót 40 năm, anh đi từ Bạch Hóa qua Thằng Bắt Quỷ đến Xứ Động Vật và cõi Toàn Chuồng. Những ẩn ngữ, những phúng dụ, những hàm ý anh xử dụng để xây dựng và làm nền tảng cho tác phẩm là ám chỉ tiến trình lịch sử trên đất nước hiện nay, một hành trình đi từ cõi người về kiếp thú, một định mệnh đau đớn về sự sa đọa nhân cách xuống hàng thú tính. Có người cho rằng anh đã cực đoan trong cách viết và bi kịch hóa quá mức những vấn đề xã hội. Có người nghĩ rằng anh đã tự tra vấn chính mình bằng những bi kịch quốc gia đậm tính thời sự và đẩy tác phẩm lên tầm vóc thế giới bằng cách vận dụng ngôn ngữ điêu luyện. Anh nghĩ về cả hai cách nhìn này ra sao?


Cung Tích Biền:

Trả lời ngắn: Hai cách nhìn trên là đa diện. Mở nguồn hai nhận định có vẻ “phủ nhận nhau”, nhưng theo tôi, chẳng mâu thuẫn gì nhau. Không hề ngược chiều.

Cực đoan là kích hoạt nghệ thuật đi đến tận cùng Nghệ thuật. Đẩy tác phẩm lên tầm vóc nó cần có. Vị nhân sinh hay vị nghệ thuật, văn chương vốn cần sự chân thật, rót lòng vì điều Cần Nói, Phải Nói. Không có cái cách mưu lợi.

Cho rằng tôi “bi kịch hóa quá mức những vấn đề xã hội” thì oan cho tôi. Tôi là kẻ bất tài trong diễn đạt để tỏ bày cho cạn nguồn bi kịch nơi này.Dù ngôn ngữ điêu luyện bậc thánh, phú chú đến tận đỉnh, cũng không nói hết được “cái thân phận dưới đáy thân phận” của đồng bào Việt nam tôi, Đã qua và Hôm nay – có thể còn rất lung, một lưu đày trong Mai-Mốt. [Tôi không hề định giá cái nhà lầu chiếc xe hơi, những tiệc rượu sum vầy là tiêu chuẩn hạnh phúc].

Những số phận nơi này [đang là xác xương yên nằm trong Đất Mẹ, hay là thịt-chạy-thây-đi nhởn nhơ] nếu xét qua lăng kính lịch sử, nó là thực cảnh của những nhân phận đông lạnh dưới trăm độ âm, hoăc nung cháy trên nghìn độ C. Nhưng tôi chỉ có khả năng hình dựng [hoặc tường trình] theo cái cách chênh lệnh 5 độ C giữa nóng và lạnh, kiểu dự báo thời tiết ẻo lả trên đài truyền hình.

Tôi không hề miêu tả một con chuột chết thành một con voi thiêng đẫm máu. Không hề. Tôi bất lực chỉ “nói ra” được một phần hiện thực, chỉ mỗi cặp ngà trắng, nứt rạn những đường vân dĩ vãng, của con voi đau thương kia; bây giờ nó đang là món hàng mỹ thuật trang trí chỗ tuyên ngôn, của bọn ăn mày dĩ vãng, nơi đại sảnh của triều đình.

Những phần còn lại của con-voi-thiêng-đẫm-máu trong tiếng trống trận kia, chỗ sử lịch chênh vênh bi tráng kia, hãy chờ những thiên tài trong tương lai văn chương Việt nam viết tiếp.

Tôi xin cúi đầu mong đợi.

Trả lời dài:

1. “Thiên sinh vạn vật duy nhân ư tối linh”, trong câu nói này đã phần nào thừa nhận Người-cũng- một- phần-vật.

Nhưng tôi xin nói rõ, dù bị mất dấu một phần quê hương, bị cắt cụt một phận người, thường trực chìm đắm trong thảm đát, tôi không hề thù hận giống nòi tôi. Tôi không hề miệt thị Quê hương, cái “Tổng thể thân yêu” này là súc vật.

Tôi chỉ nói đến cái phần kiếp sa đọa của Lịch sử, cái suy đồi triền miên trong ý thức hệ của Xã hội con người. Tôi nói sự phá sản khủng khiếp từ một nền Giáo dục lừa đảo, phỉ báng lương tri đạo lý, bôi đen tinh hoa tuổi trẻ. Tôi nói cái chính sách ngu dân nó mãi tàn phá còn độc hại hơn cả sự tàn phá của bao năm chinh chiến

Nó độc ác và tinh vi đến độ hôm nay khó thể nhận diện, khi ngồi trong lầu cao máy lạnh. Hay tần tảo ngược xuôi vì túng quẫn, bệnh tật, thiếu chữ. Nó vô hình như hơi thở. Nó ở ngay trong mỗi con người không thể vắng nửa giây đồng hồ cái tâm linh hóa thú…

2. Nếu chúng ta mắng người là súc vật, thì là xúc phạm con vật.
Cỏ cây, suối nguồn nào phụ ai. Chỉ con người mới làm vạn vật úa màu. Lá cải, quả dưa, hãy còn là thức nuôi người.

Tôi xin kể một chuyện nhỏ, có thật trong ngay nhà tôi, mà có thể nhà ai cũng có, có thể ai cũng gặp trong đời. Để nghiệm ra rằng, nếu chúng ta mắng người là súc vật, thì sai lầm. Là xúc phạm con vật.

Con chó Bi nhà tôi nó già, hình như nó ung thư gan lâu ngày. Nó nằm liệt, bụng phình dần ra. Rồi qua đời hôm 27 tết, khi đài khí tương báo tin khí hậu Sapa tuyết rơi dày.

Đêm cuối cùng Bi gượng dậy, nó bước ra vườn, nó đi quanh quanh, như nhìn lần cuối những vì sao, cái bầu trời mà nó không được may mắn làm người.

Lúc trời rưng rưng sáng Bi vào nhà, nằm quay đầu về chỗ tôi ngồi đọc sách. Bi mệt và thở dốc, muốn trút hơi. Vợ tôi thấy cuộc tạ từ của con chó già thân thương – mà hằng ngày bà chăm sóc cho nó từng viên thuốc, chén cháo, từng bồng ẵm tắm rửa cho nó – sao mà nó thở hắt ra lâu lâu quá, buồn quá. Vợ tôi bảo tôi:

“Anh dỗ dành Bi một cái đi anh. Nó tội quá.”

Tôi ngồi xuống, bế Bi lên, ôm Bi vào lòng. Người nó lạnh toát, có thoảng một mùi hôi của bệnh.Tôi vuốt ngực, nó thở liên hồi. Cần cổ Bi ức giựt, chừng như hơi hắt ra thì nhiều mà lực hít vào không còn nữa.Tôi an ủi:

“Thôi Bi đi đi Bi ơi, thôi con thong dong Bi ơi.”

Rất lạ lùng, sau câu an ủi của tôi, Bi mềm người và tắt thở, nhẹ nhàng từ biệt.. Nhưng rất lâu đôi mắt nó vẫn mở, vẫn nhìn mơ hoặc, như chính cái kiếp trước nó là một con người, đến ngay giờ đây nó mới ngắc ngoải trong kiếp Bi.

Thấy hai con mắt Bi mở hoài, như mong đợi một sự gì nữa ở tôi. Tôi rùng mình. Lại tự nghĩ: “Hay là mình cũng hòa mình trong cái chết của Bi đây”. Tôi bảo vợ tôi:

“ Em vuốt mắt cho Bi một cái đi.”

Vợ tôi ôm Bi và vuốt mặt. Chao ôi, như một con người chờ đợi một kẻ thân yêu đang phiêu bạt đâu đó, phải quay về vuốt mặt mới chịu vĩnh viễn Ra Đi.

Bi từ từ nhắm mắt. Nắng cuối đông vàng tênh. Ở phương Bắc, Thăng Long lạnh như trời sắp xuống tuyết.

3. Thông thường văn chương nghệ thuật, là “nhân cách hóa con vật,” chứ chẳng thể “súc vật hóa con người.”

Nhưng lịch sử can qua, súng đạn cuộc nội chiến, cũng như thù nghịch tư tưởng, đã bỏ lại những bích họa rùng rợn trên bức tường thời gian, cùng những phẩm vật giống nòi tàn phế nơi này, mà khi nhìn lại, đây không hề mang dấu-vết-con-người.

Đâu phải vì cuộc nội chiến tương tàn mới trực chỉ giết nhau, mới cực chẳng đã băm vằm ruột thịt. Mà hôm qua đây. Nào tôi có bi kịch hóa. Đã có nghìn đau thương hóa dạng. Một người mẹ đã đánh đứa con trai năm tuổi yêu quý của mình bằng bất cứ gì có thể gây máu, ngay trong nhà. Nồi cơm điện, chày đâm tiêu, tấm thớt đang bằm rau, vơ được gì thì dùng cái đó phạng vào đầu cùng thân thể đã đầy máu me của đứa bé chưa hề biết tự vệ.

Phải chi chị có cây súng. Chỉ nhả phăng một loạt đạn. Chị vừa mau hả cơn giận. Mà thằng con bé bỏng bớt đau đớn hơn.

Đánh đến khi đứa con bé bỏng nát nẫm ra, gục chết người mẹ vẫn còn la hét muốn băm vằm cả cái không gian chật chội, ứa màu khổ đau. Chị quẩn trí lắm. Chị cô đơn một mình nuôi con. Chị túng thiếu cùng cực. Chị có cái gì để “đánh trả” thay cho sự trả thù lên chính một phần định mệnh mình?

Giữa cái thành phố Sàigòn ồn ào mà trơ trẽn này, không có gì cả quanh đây để chị đánh trả. Tất cả đã trở thành vô hình. Chị nhìn quanh đây nhà cao cửa rộng, đường phố ngập nghìn xe, nắng vẫn tươi và đời vẫn những đời. Nhưng rất đỗi vô hình. Chị biết là mình thù cuộc đời, nhưng không nhìn ra kẻ thù nào, ngoài thằng bé con ngây thơ chưa biết trá hình, ngụy trang con thú độc ác của xã hội vây quanh. Con thú to lớn này đang ẩn mình, mượt mà, dưới nhưng chiêu bài, những lời ru. Cái kiểu anh nài nằm trong chiếc võng treo dưới lòng bụng con voi đi quyến rũ voi cho quyền lợi của chủ nài. Từ xa, đó là tiếng sáo của đoàn lữ nhạc du dương.

Con thú tội lỗi, nơi này, đã và đang mặc long bào.

Sống cách nào cũng là Trong bóng thú bao trùm.

4. Trở lại câu Đặng Thơ Thơ hỏi: Có người cho rằng anh đã cực đoan trong cách viết và bi kịch hóa quá mức những vấn đề xã hội?

Thì đây, rõ là văn chương không thể là một con tắc kè, hóa màu tùy môi trường, đổi đỏ thay xanh, cho phù hợp đường lối. Cho an toàn cái vị trí nương nhờ, đầu hàng, trú ẩn. Hoặc hạ “đô” một chút cho có sắc màu văn dĩ tải đạo.Hoặc khơi khơi ba phải để giữ cái màn trinh “vị nghệ thuật” trước tên Mã Giám Sinh thời cuộc.

Văn chương tôi là văn chương kinh nguyệt. Một loại MÁU ĐI RA TỪ CƠ THỂ MẸ. Nhờ nó, Mẹ tôi rửa sạch buồng trứng, và đón chào tình ái – cũng có thể là chấp nhận một bất đắc dĩ – trước khi thụ thai. Để tôi vào đời. Để, tùy nhân phận, tôi nhận thêm một loại máu oan khiên, hoặc tinh khôi khác, từ Cõi-Người.

Tôi nghìn kiếp thọ ơn Mẹ.

Máu [Chữ] kinh nguyệt này có khả năng không đóng cục [đông máu]như máu từ những vết thương khác. Nhưng không thể nào không chảy ra. Không chảy ra là một thế giới cỏ hoa hương sắc mùi vị giai nhân tắt thở. Chính vì chỗ này mà Trời Đất cho nó dừng ngay dòng chảy khi Người Nữ không còn xuân xanh. Nghĩa là văn chương còn Đẹp [lý tưởng] khi còn lưu chảy. Không thể đóng cục [đầu hàng] dù là Vết thương. Còn khả năng thai nghén [chữ nghĩa, tư tưởng] khi suối nguồn còn báo động thời gian định kỳ Nguyệt và Kinh.

Văn chương kinh nguyệt là thứ văn chương cam uất, hóa mình tẩy rửa, để sau đó cưu mang tinh hoa truyền đời qua trứng. Ấy, lại bảo tôi Thánh hóa cả uyên nguyên suối nguồn Cái-Lỗ// Huyền tẩn.

5. Lập lại câu Đặng Thơ Thơ hỏi: Có người nghĩ rằng anh đã tự tra vấn chính mình bằng những bi kịch quốc gia đậm tính thời sự và đẩy tác phẩm lên tầm vóc thế giới bằng cách vận dụng ngôn ngữ điêu luyện. Anh nghĩ về cả hai cách nhìn này ra sao?

Tôi đang trong mùa bão lũ. Sức điên cuồng gió và vực nước xoáy có thể nhận chìm bất cứ gì. Tránh cái trung tâm vòng xoáy ở hạ lưu, tôi nhảy về phía thượng lưu thì nước cũng trả tôi về vực xoáy nơi hạ lưu. Trong hai cách nhìn, NHÌN cách nào tôi cũng là KẺ QUAY TRÒN TRONG VÒNG XOÁY. Đó chính là sức hút lịch sử, của tra vấn định mệnh.

6. Chúng ta đứng nơi đâu trong cái thế sự vòng tròn. Lịch sử không có điều kiện đường thẳng. Lịch sử dân tộc tôi, là luôn hối lỗi. Kéo lùi thời gian, làm thui chột tháng ngày, vì luôn cố quay đầu lại.

Cuộc nội chiên vừa qua đã bày lộ cái sai lầm, tội lỗi không gì có thể rửa sạch. Đó là cái chính sách phi nhân, dùng cả máu xương triệu người để tàn phá, hủy diệt một xã hôi văn minh hơn mình, hoàn chỉnh hơn mình, lương thiện hơn mình,để rồi sau đó, tập tành Làm Lại.

Mỗi một lần Phá đi Làm lại là kéo trì, tốn phí năm mươi năm thí điểm trên sự sống còn của lương dân. Tôi nói chí ít là năm mươi năm. Nửa thế kỷ cả một nhân loại đi tới hạnh phúc tiến bộ, thì nơi này tuổi trẻ bị bần cùng hóa trí tuệ, tài năng bị tinh vi triệt hạ, con người được xài phí – từ nhân phẩm tới xác xương – như nguyên liệu Đốt đền, như một bầy chuột bạch trong thử nghiệm. Chỉ được tiêm chích vi trùng vi khuẩn để tìm bệnh.

Chúng ta là những hình nhân trong cái lồng đèn kéo quân. Cũng áo mão ngựa xe lọng kiệu lính hầu, nhưng chạy vòng tròn. Quanh quẩn cái sức hút của ngọn lửa Đốt Đền trung tâm. Chúng ta là cái phi lý, cái ức chế, mâu thuẫn, giữa lực hút vào, và cái ý thức ly tâm. Sự thoát vượt luôn chạy vòng, đương đầu, rồi về chốn cũ. Lại tên lính kéo quân theo vòng.

Thế hệ chúng tôi là những sinh vật được hiến tế, để phù thủy nấu cao. Bầy quỷ đóng gói, bao bì. Chúng tôi, tôi chẳng hạn, tôi chỉ Sống từng phần. Một phần khác bỏ lại. Hoặc chỉ rặt tồn tại trong một giấc mơ điêu tàn.

(còn tiếp)

bài đã đăng của Đặng Thơ Thơ

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)