Trang chính » Biên Khảo, Phỏng vấn Email bài này

CTB nói chuyện với Đặng Thơ Thơ, kỳ 4

Cung Tích Biền nói chuyện với Đặng Thơ Thơ

Kỳ 4: Viết, một Định Đặt từ Hố Thẳm Trí Tuệ?

Đặng Thơ Thơ: Thưa anh Cung Tích Biền, chúng ta đang bước vào phần cuối của phỏng vấn. Trong Kỳ 3, anh có nói: “Tôi vững tin rằng ngoài con người phàm trần này chúng ta còn một đấng thần linh trong chúng ta. Thần linh, trong chừng mực, có thể thương lượng với tử thần. Cũng là chỗ đồng chí đồng thần với nhau.”


Từ câu nói đó, xin chuyển đến anh một câu hỏi của Đinh Từ Bích Thúy như sau:
Xin anh vui lòng định nghĩa khái niệm "nhân bản" trong văn chương và nghệ thuật. Trong những truyện của anh, từ Bạch Hóa, đến những tân truyện, có rất nhiều xác chết, và cảm tưởng của người đọc ở cuối truyện là một sự trống vắng khủng khiếp, hay đúng hơn, một nỗi lạnh thấm xương–cái cảm giác đã bị mất hẳn danh dự làm người. Có lẽ, trong những truyện của anh, khi phanh phui những mất mát của quyền làm người, anh đã khẳng định nét "nhân bản" trong nghệ thuật văn chương của mình, chứ không phải là một nhà cynic chỉ xác nhận thuyết hư vô của xã hội mới?”

Cung Tích Biền: Khái niệm “nhân bản” trong văn chương nghê thuật của nhà văn nó nằm ngay trong những gì nhà văn đã viết. Nó là cuộc thể hiện qua các nhân vật, không là dạng thuyết giải suông, thường găp nơi các lý thuyết gia.
Quả là trong hầu hết sáng tác của tôi đều có cái Chết, xác chết. Không có chết không có truyện. Không có xác chết là xã hội mất dấu sinh tồn. Chết đủ kiểu, mọi nơi, chết ngày chết đêm. Mưa cũng tắt thở. Nắng cũng quẹo chấu. Buồn thì “đay”. Mà vui cũng chẳng ham sống. Chết dưng dưng tình cờ. Chết có chủ đích chết, con xin tình nguyện đi đong dưới tuyến nước bọt của Cha…
Một thằng con là thằng Sáu Vu về thắp đuốc đêm khuya chặt đầu cha ruột của mình vì cha là quốc gia; một thằng con khác, quốc gia phiêu bồng, lính Biệt động quân, lúc hành quân về lại làng xóm xưa không nhận ra cha mình bị chặt đầu chết sinh thối dưới mương. Tất cả đều đoạn tuyệt tổ tiên. [Bạch Hóa]
Một người chú tha hương nhiều năm, về thăm cô cháu gái đang là người tình của một người lính viễn chinh trong đồn lũ Đà nẵng; cháu gặp chú mừng tủi gục đầu trên vai chú khóc than nỗi niềm; thình lình thằng Viễn chinh tống cửa xông vào, tưởng vợ ngoại tình, hắn xã phăng một loạt đạn M16, chú cháu chết ngọt [Ngoại lai]
Một anh sồn sồn đang sống trong nước non xã hội chủ nghĩa hạnh phúc tràn đìa như nước kinh đen Nhiêu lộc; sau 1975, bỗng một sáng anh lăng đùng ra chết, vì cái bệnh đồng sàng dị mộng; người nhà tẩm liệm đặt vào áo quan; một ngày sau thằng chả lồm cồm bò dậy trong quan tài; mọi người cạy áo quan cho anh ta sống lại; nhưng sống lại dở dở ương ương, nửa người nửa ma; vì có lệnh từ âm ty là được sống thêm thì phải Thôi Nói, thấy gì biết đó, không có quyền tham gia ý kiến; phải câm, không câm cũng đành giả câm; Nói ra thì hộc máu chết liền; vậy mà câm được hơn mười năm thì anh va thể hiện cái quyền Nói. Quả thực nói xong nỗi uất với con cháu anh va hộc máu chết tuơi trong đêm giao thừa Xuân gõ cửa [Dị mộng].
Một cô Trinh xinh tươi tuổi hai mươi đã đứng ngay dưới vách núi hiểm nghèo của thực tế; một thằng cha Chiêu năn nỉ cô Cởi truồng cho xem để nó trả tiền; nó muốn xem thần tượng không thông qua áo quần; cô Trinh run sợ, cô quay lại gặp Bắt Quỷ; Thằng Bắt Quỷ khuyên cô nên hóa trang thành con me cùi để dễ bề đi xin ăn; Cuối cùng Cô Trinh chết giữa sức ép một bên là Nghệ thuât vị nghệ thuật Cởi truồng, bên kia là Nghệ thuật vị nhân sinh ăn mày [Thằng Bắt Quỷ].
Đầy rẫy những cái chết kịch liệt điện ảnh. Có truyện ngắn đến những ba bốn cái chết như là…xung phong thọ nạn.
Quả là hơn 40 năm viết lách là 40 năm đi sưu tầm cái, kiểu, mùi, tình cảnh, của xác Chết… để làm nền cho hy vọng . Một nữ độc giả thắc mắc “Làm cái chi mà chết cùng trời cuối đất như rứa. Đọc văn mà chẳng thấy ái tình, chẳng có nụ cười, chỉ lạnh gáy vì não bộ nhức đau. Càng đọc càng như thấy mình chẳng còn cái quyền sống, cũng thấy mình …đáng chết.” Tôi cười trừ, “Thì có ai thực là Sống nơi này đâu. Phải thay nhau chết, để tác động lương tri chứ”.
Cái Chết thì cầm chắc rồi. Chẳng ai từ chối được món quà tặng, không phát lần thứ hai, này. Cái còn lại là: “ Chúng ta không lên tiếng được thì nhờ cái Chết lên tiếng”. Kể cả chết rồi [như nhân vật Trần Khương Bật của Dị Mộng] mà cũng cố thức giấc ngay trong áo quan, Thà Được Nói rồi hộc máu cũng đành. Thà Nói rồi Chết tiếp. Như Nàng Bóng đã yên trong mồ cũng ‘thức giấc báo tin.’
Trong một chế độ mà người Sống nơi này phải im re như gỗ đá. Thì chế độ ấy phải nhận hậu quả từ đồng loạt những cái chết phát biểu. Đó là giờ phán quyết của Lịch sử.
Muốn biết biết thời điểm Giờ phán quyết này thì hỏi Bóng.
Bóng biết rất rõ chu kỳ suy kiệt-phục hưng của Tương lai Việt. Bóng là Cái Hồn Việt khoan dung, giàu nhân ái. Bóng chưa hề tan trong Hư vô.

Đặng Thơ Thơ: Xin anh cho biết những trường phái, hoặc những nhà văn đã ảnh hưởng đến bút pháp/nghệ thuật văn chương của anh.


Cung Tích Biền
: Tôi chỉ quan tâm tới tư tưởng, không chú trọng trường phái. Tập lắng nghe hồn của chữ, còn xác chữ thì thể hiện dưới dạng nào cũng được.
Đọc rất nhiều, và mê rất nhiều tác giả tiêu biểu trong nền triết học, và văn chương nghệ thuật Đông-Tây. Về mức độ ảnh hưởng? Trong ý thức của tôi là “tự quyết” khi sáng tác. Nhưng khách quan mà nói – có thể từ vô thức, hoặc tiềm thức, hoặc cái tâm thức bí ẩn, đã chịu rất nhiều ảnh hưởng từ mọi nền triết học nghệ thuật, mọi tinh hoa. Tôi không thể nào thiếu chân thật là mình không hề ảnh hưởng ai, ít ra về bút pháp/ nghệ thuật phối tác.
Tôi xin được đa tạ tất cả những nguồn Ngữ, những biển cả tư tưởng, mà tiền nhân, những bậc tài năng, đã cho tôi thụ hưởng. Để tôi cưu mang và tái hiện, truyền đạt, trong một giới hạn và nhỏ bé riêng mình.

Đặng Thơ Thơ: Bây giờ thì anh có thể rảnh rang trả lời câu hỏi thứ nhất như anh đã hứa từ đầu bài phỏng vấn chứ? Xin được nhắc lại câu hỏi để độc giả dễ theo dõi:


Anh đã thành danh từ lâu trước 1975, càng về sau viết càng mạnh hơn, tư tưởng và bút lực càng sắc sảo hơn. Nhưng lại rất ít những nhận định hay khảo cứu chuyên sâu về văn chương Cung Tích Biền, ngay cả trong những tài liệu văn học sử cũng vậy. Trong các tập hợp người viết trước 75, anh có vẻ là một nhà văn độc lập không thuộc hẳn về một nhóm sáng tác hay tạp chí nào. Có phải đây là lý do?

Cung Tích Biền
: Từ tuổi trưởng thành, tôi được ảnh hưởng cách sống và lời dạy của Cha tôi. Là hãy cố gắng sống làm sao cho đạt cái Vô danh. Đây là một cái Đạo. Đến nay, ngoài 70 tuổi, tôi không theo được lời Cha dạy. Lại cực nguy hiểm dưới bóng mặt trời, là tôi đã sống không đạt đạo Vô Danh mà, hệ lụy vì Hư danh.
Sống giữa đời, mỗi người phải có một cái nghề. Quái, tôi không đi làm thợ mộc, thợ cày mà lại đi viết văn. Tôi cũng có được phần tí chút cái chân thiện của người thợ cày thợ cưa. Nhưng thua xa những người này, vì họ vừa thật sự chân thiện lại vừa không phát biểu gì về chân thiện, về lương tri, trên luống cày, trong tiếng hò cưa.
Bao năm Viết, giấy mực dương danh những nghệ thuật, tư tưởng, đạo lý, lương tri. Vừa dương danh, vừa tưởng rằng mình có nhiệm vụ, có thiên chức phải dương danh. Những cái “Tưởng” này đã hủy hoại, và tàn phá toàn triệt, cái Tôi có thể tránh đi nếu tôi không cầm bút.
Tôi thực tình mà nói, không hề là hối hận, bởi vì rủi ro số phận này quá lớn, phủ trùm sự hối hận hay hối lỗi. Nó là cái định đặt từ Hố thẳm trí tuệ.
Hằng bao người đã đeo mề đay chỗ Hư danh này, không loại trừ nhiều lĩnh vực ngoài văn chương, không loại trừ cái được gọi là sáng ngời chân lý. Một mặt mề đay rực sắc màu dương danh ra ngoài, một mặt trái xám thô, rất âm thầm quay vào ngực, hướng vào chỗ trái tim máu. Để làm gì? Để chờ ngày phán xét, chờ cái sát-na đốn ngộ, chờ một cái bình thường nhưng cấp thiết nhất, là Nhìn Lại.
Giữa dòng cuồng lan của Hôm nay, sự Nhìn Lại đã phần nào bị lãng quên.
Về nghiệp dĩ một đời đeo nặng, tôi có một chút kinh nghiệm. Là văn chương nghệ thuật không hề có hay hoặc dở, không cũ và mới, không có tác phẩm vĩ đại hoặc lời ngẫu nhĩ tép riu. Một câu danh ngôn có khi dạy người hơn một tiểu thuyết nghìn trang. Mà văn chương chỉ có, chỉ là, cái Mở raĐóng lại. Chỉ có đương đầu hoặc thỏa hiệp. Chỉ có phá phách đào bới, tới Máu và Mùi, tới Xương tàn và lăng tẩm. Hoặc hàn gắn, lấp đầy, làm lành. Có những lấp đầy hư ảo. Cả những lấp đầy bằng thứ ngôn ngữ rặt mùi lừa đảo, thừa mứa lương tâm chính trị.
Từ chỗ “cầu tre lắt lẻo” này mà ác liệt tạo ra cái lố lăng lẫn tai nạn nghề nghiệp.

Đặng Thơ Thơ: Xin phép được ngắt lời anh nơi đây. Mong anh chia xẻ thêm với độc giả về những “tai nạn nghề nghiệp” này. Chúng có tác động gì đến chuyện phổ biến sáng tác của anh?


Cung Tích Biền
: Có vài tai nạn, rất nên quên, nhưng tôi phải nhắc lại do câu hỏi này: Những năm cuối 90 thế kỷ trước, chế độ cộng sản tại các nước XHCN Đông Âu và Liên xô lần lượt quy tiên [bất cứ cái Chết nào cũng mong nó lên tiên], văn nghệ trong nước có chuyển động. Được tạm Cởi trói. Cái dây xích tháo ra chỗ tay cầm viết lại được đặt ngay chỗ bước chân đi. Tạp chí Sông Hương lúc ấy, có đăng cái truyện ngắn Qua Sông của tôi. [Tôi quan niệm rằng bất cứ đâu, nếu có điều kiện thể hiện được chút tự do tư tưởng thì xuất hiện ngay; miễn là anh viết như thế nào. Ngay bây giờ, trong nước, nếu có một thời cơ nào tạo mở tự do ngôn luận, tôi sẽ xuất hiện ngay].
Sau khi truyện Qua Sông vừa đăng tải, tức khắc tuyên huấn tỉnh Thừa Thiên Huế có ngay một cái văn thư gởi Tạp chí Sông Hương phê phán tiêu cực.
Nội dung văn thư có một đoạn phân tích truyện Qua sông, và kết luận đây là một truyện ẩn dụ với một giọng văn sâu kín và cực kỳ phản động của một tên Cung Tích Biền, nhà văn Ngụy, một tên Việt gian [tôi nhắc lại, trong văn thư có rõ ràng cái từ Việt gian gắn liền với bút hiệu tôi], viết để tiếp tay cho bọn chống cộng hiện đang hô hào Phong trào chuyển lửa về quê nhà, vận động diễn biến hòa bình, từ nước ngoài. [cái văn thư này do anh Th.Ph. đại diện Báo Sông Hương tại Sàigòn thưở đó cho tôi xem]
Một thời gian sau, [1991] tạp chí Mỹ thuật Thời nay [Sàigòn] có đăng truyện ngắn Vỡ Hoang Trước Bình Minh của tôi. [Nội dung truyện khá đơn giản. Thì rằng là sau tiệc cưới, đêm động phòng hoa chúc thay vì phải ái ân, thì chàng rễ đang say túy lúy, mê man ngủ. Cô dâu nằm trống toác trong đêm mơ hoang; và cô đã mộng thấy mình say đắm với một chàng trai hào hoa. Tất cả chỉ là mộng nhưng cô cực kỳ lạc thú, và thực tế là cửa mình cô ướt đẫm nhựa tình. Sáng thức dậy, nhìn chồng mới cưới, cô rùng mình. Không phải vì hối hận đã ngoại tình trong mộng, mà cô chán chê cái đang hiện thực trước mặt, chồng ơi, một cái xác phàm tầm thường, mồm còn ứa ra cái thối thum thủm của tiệc rượu chiều qua].
Chuyện chỉ có thế, đương nhiên là văn phong rất trong sáng. Nhưng tức khắc anh P.M.H [thư ký tòa soạn] bị tai ương. Anh nhận ngay một lá thư tay của thầy giáo Vũ Hạnh [vì tôi có học mấy giờ Việt văn với ông; ngay sau đó là đổi sang học Thầy Nguyễn Phu, trong trường mái tranh vách lá, thời chín năm Kháng chiến; dù nửa chữ, tôi vẫn luôn gọi ông là thầy]. Nội dung thư tay gởi anh P.M.H , thầy Chửi, xát muối cái truyện thậm tệ. Nào là cái thằng sĩ quan Ngụy này dựng hình tượng ẩn dụ phủ nhận hiện thực quang vinh, để chống Đảng ta. Cung Tích Biền là một hoàng hôn, một chút hơi tàn phản động của văn học ngụy quân ngụy quyền rơi sót chứ bình minh nỗi gì [anh P.M.H thuở đó, đã cho tôi xem cái thư này].
Tôi chỉ ung dung đọc qua, xem như lá rụng ven đường. Không chủ tâm lưu giữ hai cái văn bản trên làm gì.
Trên đây là danh dự làm Việt gian. Còn đây là cái bằng khen làm Việt cộng. Năm 2001, nhà xuất bản Kim Đồng Hà nội in một toàn tập [4 quyển] khá đồ sộ Truyện Ngắn Việt nam Thế kỷ XX, trong đó có truyện Thằng Bắt Quỷ của tôi ở ngay tập 1 [trong tập 1 này còn có truyện của các nhà văn Võ Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Mộng Giác]. Tức thì trên một tạp chí hải ngoại có ngay một bài điểm mặt, rằng tập 1 là tập hợp những bồi bút Đảng viên, cùng những nhà văn tay sai Việt cộng nằm vùng. Thật ra, nhà xuất bản đã tự động chọn truyện của một số nhà văn cũ, đã từng xuất hiện trên báo mà in vào tuyển tập. Tôi không hay biết gì. Mấy tháng sau, anh N.Đ.N đại diện nhà xuất bản, mới gặp tôi, tặng sách và tiền nhuận bút đàng hoàng.
Trong một thời, ở hoàn cảnh Việt nam, văn chương chữ nghĩa đã phần nào tự hủy cái phẩm giá cao quý; do áp đặt, sợ hãi, chia rẽ, từ mặc cảm, hay từ vỗ ngực tự tôn, từ những góc nhìn ý thức hệ cùng thái độ chính trị cực đoan; và do đời sống người cầm bút thường trực bị vây khổn bởi nhiều ràng buộc xem ra hiểm nguy; một nhà phê bình khi cầm bút, họ phải tự hiểu mình đứng nơi đâu. Khen bằng lời nói khi trà dư tửu hậu, rằng truyện anh viết cực hay, anh là thiên tài viết truyện ngắn, thằng đó ngó vậy mà nó viết số một; vui thôi, nhưng khi cầm bút “viết về”, thì phải coi lại; cái Lợi đâu bao nhiêu mà cái Lụy là thiên trùng.
Trong một thời đại tiếng súng trận đã vắng im, nhưng con người vẫn tiếp tục “Chết” bởi lời nói, dư luận, vì văn chương chữ nghĩa, không phải là ít. Không chỉ chết ngáp chết đứng tại Hà nội Sàigòn, mà có thể chết dập não ngay dưới gầm trời thừa mứa tự do Cali. Vậy nên tốt nhất là cẩn trọng.

Đặng Thơ Thơ: Cám ơn anh đã chia xẻ với Da Màu và độc giả những kinh nghiệm kể trên. Anh nghĩ sao về nhận định cho rằng anh giữ một thế đứng độc lập không thuộc về một nhóm sáng tác hay khuynh hướng nào. Và trong đời thường thì sao?


Cung Tích Biền
: Xin thưa, tôi là một nhà văn Độc lập. Không là do hoàn cảnh đẩy đưa, mà đây là một chủ đích, có ý thức sáng suốt và xuyên suốt trong quá trình cầm bút của tôi. Nó là nguồn cội, tạo mở con đường tự tại, an nhiên, tự do trong sáng tạo, và có điều kiện để ẩn mình. Là cách thế hữu hiệu, để phần nào tránh ô nhiểm.
Đúng ra là tôi tự cô lập. Với nhiều nhà văn đây là một thái độ không cần thiết, lại khá hiểm nguy.
Từ trước 1975, tôi không gia nhập Hội Văn bút của Việt nam Cộng Hòa. Là một sĩ quan nhưng tôi không là Hội viên Hội Nhà văn Quân đội [dù có một lần về xem Đại hội, rất vui và rất tình].
Sau 1975, tôi chưa hề là Hội viên bất cứ Hội Nhà văn nào từ địa phương đến trung ương, măc dù có lúc tôi được vận động để vào Hội. Rất nhiều Nhà văn cũ, nếu xuất hiện lại, cũng như thế.
Cũng như hầu hết các văn nghệ sĩ còn lại, sau tháng 4-75, ngoài học tập cải tạo về phía sĩ quan đã giải ngũ, tôi phải học tập khóa Chính trị nghiệp vụ [dân sự]. Đông lắm, anh chị em văn nghệ sĩ mọi ngành nghệ thuật được gom tất vào đây nghe giảng đường lối. Tất cả là ba khóa. Không hiểu làm sao các nhà văn nhà thơ lúc này đông vô số kể. Một anh cà mèng, xưa kia trót làm một bài thơ ca ngợi “Ấp chiến lược” thời Ngô đình Diệm, bây giờ cũng phải bị cải tạo.
Về sau, sau các khóa học, anh chị em lần lượt người vượt biên, người đi tù, người sống cho qua ngày. Một số đông anh em trong chúng tôi thất nghiệp, chán đời, thì thỉnh thoảng tụ hội chỗ quán bia hơi ngay trong sân hội Văn nghệ, để tán gẫu, kể chuyện tiếu lâm. Đa phần có khuynh hướng vô chính phủ.
Cũng cần nói cho rõ, cái Hội Văn nghệ mà anh em hay lui tới thời ấy, là một nơi có tính mặt trận. Không có tính cách khắt khe kỷ luật, không có Thẻ Hội viên như các Hội đoàn khác. Không có hội họp thường kỳ, hay quy chế gì ráo. Ngày ngày không công ăn việc làm thì chôm đồ nhà ra chợ trời bán, rồi vào đây đánh bóng bàn, uống cà phê bia bọt. Hơn vài ba chục anh em mà tôi quen biết bây giờ đang ở nước ngoài, cũng đã từng tới đây uống bia nói trạng cho khuây khỏa. Nhà nước [công an] có nhiệt liệt theo dõi, nhưng cũng hàm ý cho nơi đây là cái “lỗ thông hơi thời thế”. Cho “tụi nó” bớt vượt biên.
Về nghề nghiệp, trong bao năm, tôi không hề là Cố vấn, Chủ báo, Chủ biên, Tổng biên tập, Tổng thư ký, Thư ký tòa soạn, Ban chấp hành, hay thậm chí quản lý trị sự, đại diện báo, làm chi nhánh phát hành, cho bất cứ một tờ báo, tạp chí, tập san nào.
Viết hằng chục tờ báo, tôi luôn chỉ là một Cộng tác viên, không nằm trong bộ sậu có quyền uy, trụ cột của một tòa soạn nào. Vài tờ báo cũng phát cho tôi cái thẻ Báo chí. Nhưng tôi cố gắng tối đa hạn chế sự hội họp, Hội đoàn.
Với bút hiệu Cung Tích Biền, tôi chưa lúc nào gởi bài, truyện, để dự thi bất cứ một giải thưởng lớn nhỏ nào.
Tôi chưa từng chủ xướng một trường phái, trào lưu, hay một nhóm thi văn đoàn, đàm trường văn chương nghệ thuật nào.
Tác phẩm tôi in ra, trước 1975, là đơn độc, không quyển nào có cái Tựa giới thiệu của một vị đàn anh, hay lời Bạt của bạn bè. Không có lễ lạc bất cứ lớn nhỏ nơi đâu, để mừng vui ra mắt tác phẩm mới. Không có trò giao lưu với độc giả.
Về bạn văn, tôi không có đầu tư, thân thiện kết hợp với bất cứ một ai làm bạn văn nghệ thiết cốt, một nhóm chí tình sống chết, để yểm trợ nhau khi “trái chữ trở mùa”. Để nã đạn cứu bồ.
Tôi sống đơn lẻ, và chết e rằng lẻ loi.
Với người đi sau, tôi không bao giờ thấy giữa trời đất thơ mộng bao la này có một sợi heo may nào báo hiệu tôi phải có trách nhiệm tạo dựng một lớp người viết trẻ, để lãnh đạo, để mình làm đàn anh, phòng tạo cơ hội cho “xấp nhỏ kế thừa”.
Trong giao tế, tôi cố giữ một khoảng cách xã hội. Tôi có rất đông bạn bè, nhưng tuyệt đối không có tri âm tri kỷ. Không muốn mình là phiên bản của ai và ngược lại. Thà là thù địch, mà nhận rõ chân thù nghịch.
Tôi sinh trưởng trong một gia đình ông bà cha mẹ đã dạy giỗ đầy đủ về lễ nghĩa quan hôn tang tế, về tương trợ tiền bạc, thăm viếng cứu giúp lúc bạn bè nghèo khó ốm đau, tận tụy tiễn đưa người đến nghĩa địa. Tôi cố gắng làm tròn nhân nghĩa này. Nhưng tôi hạn chế tận cùng quan hệ, cả bà con cháu chắt.
Con cháu không cần thăm viếng gì. Lớn rồi thì tìm trời mà bay nhảy. Trở thành Tây, thành Mỹ, thành tiên, hay đảng viên, ma cô đĩ ngựa, sida ma túy, thì tùy.
Tôi triệt tiêu ý niệm đồng hương, đồng môn, đồng đảng. Đây là một nhân loại không cần thiết khoanh vùng chủng tộc. Tuy nhiên tôi vẫn … yêu đồng bào.
Tôi không hề là đảng viên bất cứ một đảng phái nào, Cần lao nhân vị, Dân chủ, Quốc dân đảng, Đại Việt…Chẳng là hội cựu học sinh sinh viên, chẳng là cựu đồng khóa sĩ quan, hay cựu binh, hưu trí nào.
Cũng ác nhơn, trốn đâu thoát trong cuộc chơi huynh đệ. Xuân thu nhị kỳ cũng tiệm này quán nọ lai rai. Anh em thỉnh thoảng gọi nhau, vì đời còn hóm hỉnh, ba trợn. Nhưng tôi chỉ rất mực túy lúy tương giao chỗ hàng quán, thân ái nơi bờ sông, cồn cỏ chiều chiều. Rồi thôi. Ngoài quán xá, tôi rất hiếm khi đến uống ăn ở nhà bạn hữu.
Ngày Tết nhứt tôi chẳng bao giờ tới mừng xuân nhà ai.Và đương nhiên mình chẳng có tiếp ai. Bao chục năm qua, bạn bè trong cũng như ngoài nước, nếu nhớ lại [trừ vài trường hợp hiếm hoi] quý vị sẽ nhận ra rằng, chưa một lần các vị nhận của tôi một cái thiệp chúc Tết nào. Và đương nhiên quý vị cũng chẳng bao giờ tốn vì tôi một cái thiệp xuân.
Trong hầu hết bạn bè, trước kia cũng như anh chị em đông đúc bây giờ, tôi không hề biết rõ vợ con nhà cửa, địa chỉ người ta nơi đâu. Rất hạn chế thư từ. Bây giờ thì có Meo, Chát. Trừ vài hiếm hoi, bạn bè ốm đau, tôi tuyệt không bước chân tới thăm nhà bất cứ một người nào.
Tôi gặp người chỗ ngã ba ngã bảy, không cùng đồng chí đồng hương đồng môn đồng nghiệp nào cả, trên một con đường, dù một đoạn đường tâm sự.

“Xin chào nhau giữa con đường,
mùa xuân phía trước miên trường phía sau”
[Bùi Giáng]
Tất cả những cái KHÔNG trên đây là ý thức có thật. Nhưng tôi phải an nhiên để bước qua cái rào chắn vô hình. Phải ngậm đắng nuốt cay để “Ngồi được cái chỗ của riêng mình.”
Đây là một Độc lập, thu hẹp trong ý nghĩa tự cô lập khá nguy hiểm. Và chẳng có gì đáng khen.
Trong văn chương, tôi lại rất hiếm nói lên chuyện nhà cửa, đời riêng, kỷ niệm bạn bè; nỗi vui buồn từng trải – trừ vài bài phỏng vấn như thế này.Trong tất cả sáng tác của tôi bấy nay, tôi không có cái tạng hồi ký, hay tự sự “chuyện chúng mình”
Tôi nói cái bao la vô bổ. Cái hư tưởng. Tôi viết cái người ta không cần biết đến. Nhưng có thể, theo tôi, đó là cái lối ngỏ mà văn chương tôi cần. Tôi theo con nước ngược. Nên ngăn cách giữa tôi với mọi người càng mở rộng. Sự liên thông về tin tức càng lạc nguồn. Sự ngộ nhận càng được mùa bồi đắp.
Trong dằn dặt mấy mươi năm tôi không có một dòng nào để thanh minh những hiểu lầm, ngộ nhận mà đời gieo rắc- trừ bài phỏng vần tôi trả lời Lý Đợi [Talawas tháng 2-2007]. Và lai rai trong bài PV này.
Đây là một thiệt thòi. Nhưng là một bí ẩn cần dành dụm.
Đây là một cơn lạnh lùng. Nhưng không là tiếng thở dài.
Nó là rất mực cần thiết đối với tôi. Hữu danh là phù phiếm. Mà Vô danh là cái Đạo cả đời khó thực hiện.

Đặng Thơ Thơ: “Một bí ẩn cần dành dụm”, cách nói này rất hay nhưng e rằng thiệt thòi không những cho tác phẩm mà còn cho văn học nữa? Hiện giờ anh có nghĩ đến một nhà phê bình văn học nào, có sự đồng cảm đặc biệt, để nghiên cứu chuyên sâu toàn bộ tác phẩm của anh?


Cung Tích Biền
: Trong một nền văn chương nghệ thuật của bất cứ một dân tộc hay một cộng đồng ngôn ngữ nào, nhà văn viết ra tác phẩm cũng rất cần những nhà nghiên cứu, phê bình. Nhà văn được nhà nghiên cứu, phê bình, soi sáng những gì đã viết, là một nhà văn có diễm phúc.

Nhưng vẫn có những thời buổi cắc cớ. Có những nhà phê bình tầm cỡ, nghiêm chính, tuy rất hiếm, lại sớm ẩn dật. Lại có những nhà văn tài năng phải thất vọng, vì phùng thời lai láng cái tầm thường. Chỗ chữ nghĩa chỉ lao xao cồng chiêng inh ỏi. Có những “Vật nổi” được tràn lan tức tốc ngợi ca, bèo bọt chỗ thời thượng. Lại có những “Vật chìm”đương thời không ai động tới, thậm chí bị lạnh gáy khi đọc.

Đời sau, hoặc sau nữa, Nó mới là “Cái được vớt lên từ Quên lãng giếng sâu” từ Người-Tương- Lai, trong cái ánh sáng phục hồi, mới mẻ, tinh khôi và chân chính.

Đặng Thơ Thơ: Câu hỏi cuối để tạm đóng lại đối thoại hôm nay, anh có cảm nghĩ gì về bài phỏng vấn này?


Cung Tích Biền:
Thú vị. Hơn bốn mươi năm cầm bút tôi chưa gặp một bài phỏng vấn nào đặt ra những câu hỏi gợi cho tôi cảm hứng để trả lời như thế này. Những câu hỏi thiết thực, sâu sắc, đánh mạnh, xoay quanh những chủ đề văn chương nghệ thuật và hoàn cảnh sáng tác của tác giả. Nó không có những câu hỏi vớ vẩn vi vu, mục đích trơn tru thù tạc.
Thông qua nội dung các câu hỏi, tôi hiểu Ban Biên tập của Văn chương Da Màu và Đặng Thơ Thơ đã chịu đọc, và đọc rất kỹ những sáng tác của tôi trước khi cân nhắc và cẩn trọng đặt ra câu hỏi. Trân trọng cảm ơn Người Phỏng vấn và Ban biên tập.
Hân hạnh gởi tới quý cư dân mạng Lời chào thân ái và trân trọng.

Cuộc trò chuyện này xảy ra giữa Đồng Ông Cộ và Quận Cam. Một cuộc trò chuyện mệt nghỉ, hết hơi, kiệt sức, hoa mắt, và gãy tay (vì gõ phím). Nhưng vô cùng hứng khởi! Vô cùng hào khí! Mong rằng từ cuộc đối thoại này, song song với những nhận định và tiểu luận học thuật viết riêng cho chuyên đề nhằm soi rọi văn chương/hệ thống tư tưởng Cung Tích Biền; cùng những tác phẩm của nhà văn – đã, đang và sẽ còn được tiếp tục giới thiệu trên Da Màu – chúng ta sẽ có một chân dung văn học Cung Tích Biền hoàn chỉnh.

Cám ơn nhà văn Cung Tích Biền. Cám ơn Nhà Kinh-Luận tài tình đã “bạch hóa” cuộc đời, tư tưởng, những vết thương và những chiêm nghiệm của mình. Chúc anh đường văn chương thênh thang trên những nẻo Chính Danh.

bài đã đăng của Đặng Thơ Thơ

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)