Độc giả có thể nghe tác giả đọc truyện này theo link: https://youtu.be/3J5E_FiYfH0
Tôi co quắp trên nền nhà. Cơn nhức nhối bồng bềnh như tảng băng trôi nổi trong đầu. T. đứng lừng lững trong khung cửa. Một người đàn bà đứng sát bên hắn. Ông anh sao thế này. Giọng nói của T. vẫn hệt như ngày nào. T. ngồi sụp xuống, lắc lắc vai tôi. Lại lên cơn nữa chắc. Tôi loay hoay chống tay ngồi dậy. Bây giờ thì tôi nhìn rõ người đàn bà. Một người đàn bà rất trẻ và rất đẹp. Với tôi, tất cả đàn bà đều trẻ, đều đẹp (dĩ nhiên là không ai bằng cô ấy).
T. ném cái túi xách lên sa lông, tuột đôi giầy ra, dùng chân đá vào bên cạnh khung cửa.
Tôi đưa tay rờ rẫm mặt mình. Tôi vẫn còn nguyên vẹn.
Tôi nhìn T. Mới về đấy à. Rồi tôi nhìn người đàn bà. Người đàn bà có cái miệng rộng. Nụ cười xinh xắn. Nụ cười ấy tươi rói đôi môi có đường viền đỏ thẫm. Mầu hồng của son môi làm tươi thắm nụ cười hay nụ cười đẹp làm tươi thắm đôi môi tôi cũng không biết nữa. Người đàn bà chớp mắt hơi nhiều. Mí mắt xâm đặm đường viền đen. Con mắt lóng lánh tia nhìn gói ghém muôn vạn điều khó nói.
Lại quên uống thuốc nữa phải không ông anh. T. hỏi.
Tôi gật đầu cho qua chuyện. Ừ, bận quá. Bây giờ thì tôi nhớ. Tôi nhớ những vòng hào quang tỏa sáng căn phòng, tôi nhớ những đốm sáng bắn đầy không gian của những đêm pháo bông mừng ngày Quốc Khánh. Tôi nhớ cái điện thoại ở rất gần nhưng cũng rất xa tầm tay.
Sự trở về bất ngờ của T. làm tôi sững sờ. Hắn vẫn vậy. Bặt tông tích ít lâu. Nhiều khi tôi nghĩ hắn chết khô ở xó xỉnh nào đó hay đang ngồi đếm thời gian trôi bên trong hàng rào kẽm gai một trại giam nào đó của chính phủ Liên Bang.
Mỗi lần trở về, hắn thường dúi vào tay tôi một ít tiền, gọi là góp phần trả tiền thuê nhà.
Hắn cứ vậy. Chuyến này chắc đi hơi lâu, lúc biến đi, T. hay bảo tôi như thế.
Cái mặt sạm đen sừng sững trước mặt tôi. Tôi nhìn hắn như người ta nhìn một thây ma vừa đội mồ sống dậy.
T. cầm cổ tay tròn trịa của người đàn bà, kéo lại phía tôi.
“Ông anh kết nghĩa đây!”
Người đàn bà nhoẻn miệng cười, “Hello anh.”
Tôi gật đầu, lòng xớn xác cơn vui lạ mặt. Tôi chống tay ngồi dậy, nhìn quanh, bối rối. Đồ đạc trong phòng bồng bềnh trôi. “Chú mày không báo trước để anh dọn dẹp. Cái nhà như bãi rác.” Thường tôi gọi T. bằng “mày”. Có người đàn bà bên cạnh, nó được tôi thêm cho chữ “chú”, nghe trang trọng hẳn lên.
T. phá ra cười. Rồi nó ngậm miệng lại nhưng vẫn tiếp tục cười. Tiếng cười khùng khục như dòng nước lũ bị tắc nghẽn, lúc tuôn qua lòng cống hẹp.
Tôi nhìn vào vạch lông mày tỉa kỹ của người đàn bà.
Người đàn bà quét tôi bằng con mắt ướt rồi xoay đầu nhìn quanh. Những tờ báo quảng cáo của siêu thị quăng bừa bãi trên sa lông. Đống áo quần mới đi giặt về, chưa kịp xếp, nằm ụ lên một góc chiếc ghế dài trong phòng khách.
Rồi cái đầu tóc uốn quăn ấy xoay lại, trải tia nhìn lên tôi. Khi không tôi nghe ấm áp khắp châu thân, như lúc ôm gọn vào lòng đống áo quần nóng hổi vừa lấy ra từ máy sấy.
“Có gì đâu anh. Đàn ông mà được như vậy là giỏi lắm rồi.”
Rồi người đàn bà xoay qua T. “Phải không anh?”
Lúc nàng quay vòng, hình ảnh hụt hẫng của một thân hình đầy đặn, cong uốn, vun đầy, loang loáng những cánh hoa vàng trên nền áo lụa, bồng bềnh trước mắt tôi như chiếc phao, như cánh buồm bập bềnh trong lòng cơn bão biển.
“Ông anh giỏi lắm đó em. Đầu bếp số một.” T. vênh váo.
“Vậy sao?” giọng người đàn bà reo vui. “Vậy là khỏi sợ đói rồi.”
Tôi vui lây cái vui của T. và người đàn bà của nó.
Đầu óc lâng lâng, ngây ngất trong mùi nước hoa phảng phất từ mái tóc uốn quăn, từ manh áo lụa tím điểm những bông hoa vàng, từ phần thân thể trắng ngần kia. Mùa xuân nơi ấy. Mùa xuân gió lộng, thổi bay những cánh hoa vàng. Những cánh hoa mọc trên đồi cao. Những cánh hoa mọc trong lũng vắng. Thiên nhiên mở rộng. Hai ngọn đồi nhấp nhô. Mùi nước hoa tỏa ra từ trí tưởng, từ nước da trắng ngần.
“Quên giới thiệu anh. Đây là Jackie, người yêu của em.”
Tôi nghe cổ họng mình thắt lại. Không biết vì tuổi tác hay vì nỗi hoang mang. Tôi nhìn T., muốn bảo nó rằng mày lucky như vẫn thường nói, nhưng sự hiện diện của người đàn bà làm tôi bối rối.
Chắc T. hiểu ý tôi.
“Chuyến này dừng bước giang hồ.” T. nói cái câu nó thường hay nói mỗi khi trở về sau một thời gian bặt tông tích.
Tôi cười với tia nhìn lấp lánh cơn vui của người đàn bà.
T. hiểu. Hắn đứng ép sát người đàn bà, vòng hai tay ôm quanh hông nàng. Tôi nhìn hai bàn tay củi khô xoắn lấy nhau trên bụng người đàn bà, lòng nhói lên chút gì đó như một oan ức không nguôi.
“Thật đó! Chuyến này nhất định dừng bước giang hồ.”
“Đi kiếm gì ăn đi anh.” T. đề nghị.
“Ở đây có tiệm Việt Nam không anh?” Người đàn bà ngọt ngào câu hỏi.
Tôi kể tên của vài quán ăn quen.
“Mình đi ăn ở tiệm nào đây anh?” Người đàn bà hỏi.
“Tiệm nào cũng ô-kê hết.” T. trả lời.
Thế là ba đứa kéo nhau đi ăn tiệm. Nhưng trước khi bước ra cửa, tôi không quên chạy lên phòng ngủ, thay vội bộ quần áo, rồi lướt vào nhà tắm, vớt nước lên mái đầu rậm rì những tóc. Tôi nhìn mình chăm chú trong tấm gương soi. Mấy sợi lông mũi chĩa ra như châm chọc. Tôi loay hoay nhổ, nhưng tiếng T. đã réo vang ở tầng dưới. Hai đứa nó chắc đói bụng lắm rồi .
T. lái chiếc xe Nhật Bản. Trước khi mở cửa xe cho tôi chui vào, hắn nháy mắt với tôi, “Đừng hỏi gì nghe ông anh.”
Tôi trả lời ô-kê và lầm lũi chui vào băng sau. Mùi da bọc nệm ghế xoáy vào lỗ mũi nồng nồng. Jackie ngồi phía trước, nghiêng đầu dựa vào vai hắn. Những ngón tay người đàn bà táy máy những nút bấm giàn đèn xanh đỏ trước mặt.
Chuyện mưa nắng thời sự nổ vang trên đường đi. Tụi Mỹ đánh I-rắc ghê quá anh nhỉ. Thằng T. hăng hái đổi sang đề tài chiến tranh. Tôi không để ý gì mấy đến chuyện chiến tranh. Tôi đã hưởng đủ mùi vị chiến tranh ở Việt Nam ngày trước, dù lúc ấy tôi mới chỉ là thằng bé con chưa ráo máu đầu. Thành ra tôi cứ ậm ừ với chuyện ôm bom tự sát, chuyện thánh chiến nọ kia.
Xe ngừng. Tôi bước vội ra ngoài, lừng khừng đứng chờ.
T. chạy qua mở cửa cho Jackie. Hắn học cái kiểu cọ văn minh này từ lúc nào thế không biết. Lúc người đàn bà xoay người, đưa chân ra ngoài, tôi bắt gặp một khoảng thịt da trắng ngần. Tới bây giờ tôi mới nhận ra chiếc váy ngắn trên đầu gối mầu da bò Jackie mặc.
Tô phở nguội mau trước mặt tôi. Tôi đã cố lắng nghe tiếng nhạc vọng ra từ những chiếc loa treo ở một góc trần nhà. Người ca sĩ đang nỉ non về một tình yêu dang dở. Nhưng lời ca tình tứ không át được cái giọng ba người đàn bà ngồi ngay ở chiếc bàn trước mặt tôi.
Con mụ có giọng nói nặng nề (tôi không kể tên vùng đất ấy ra kẻo người ta lại bảo là tôi kỳ thị) như thể đang vừa nói vừa trệu trạo nhai miếng cháy cơm nguội. Con mụ kể chuyện người quen nào đó du lịch Việt Nam, ăn quà vặt, ngộ độc, ói mật xanh mật vàng.
“Ăn yếu vậy anh!” Jackie nói. Tôi bối rối cười trừ.
Bỏ dở tô phở, tôi gọi một phần bánh hỏi thịt nướng, đem về nhà. T. gật gù. Phải rồi, để tối khỏi mất công nấu cơm. Tôi lặng thinh.
Buổi tối, lúc T. lái xe đưa Jackie đi quán cà phê Việt Nam, hát ka-ra-ô-kê, tôi cầm bọc bánh hỏi thịt nướng, qua gõ cửa nhà cô ấy.
Cô ấy ngơ ngác nhìn bọc đồ ăn trên tay tôi. Thằng bé Timmy mắt nhắm mắt mở, dụi mặt vào lưng áo mẹ.
“Ngủ chưa?” Tôi hỏi nhỏ.
“Ngủ chi sớm dzậy!” Cô nói với một nụ cười. Bao giờ câu nói của cô ấy cũng đi chung với nụ cười.
Cô ấy đỡ bọc đồ ăn trên tay tôi. Những đầu ngón tay chạm vào da lưng bàn tay tôi, mềm mại. Cái mềm mại dịu dàng bò lan trên lớp da sần sùi lớp vẩy thời gian. (Ơi thời gian, gã phù thủy biến tôi thành con khủng long già cỗi!) cái mềm mại ấy chạy vòng quanh trên da, như con ốc sên bò quẩn trên phiến đá mỏng hòn non bộ.
“Mua chi hoài dzậy?”
Miệng trách móc nhưng mắt cười biết ơn. Tôi lặng thinh ngắm bờ vai tròn, hồn bập bềnh theo dòng tóc chảy xuôi.
Thằng bé đưa tay sờ vào bọc đồ ăn, hai mắt tròn nhìn tôi, “Mommy, Timmy đói bụng.”
Tiếng vọng cổ vọng ra từ phòng khách. Bài ca quá trời là quen thuộc. Chiều nay én liệng trời cao, mây đào gieo khắp nẻo quê hương mù xa diệu viễn, mẹ ơi xuân năm nay chắc con sẽ không dzìa. Tôi cố nán lại, nghe cho xong câu vọng cổ.
“Cám ơn nghe.” Cô nói.
Tôi trả lời không có chi rồi quay lưng trở về, lòng hân hoan một câu hát quen.
“Khoan!” Giọng thảng thốt của cô kéo sựng bước chân tôi lại.
“Mặt sao bầm vậy?”
Tôi lấp lửng, “Không sao đâu.”
“Té nữa phải hôn?”
“Đâu có…”
“Lại quên uống thuốc nữa phải hôn?” Cô ấy nhìn tôi bằng ánh mắt trách móc.
“Đưa thuốc đây, mỗi ngày nhắc giùm cho!” Đó là chút an ủi hiếm hoi mà chứng bệnh tàn khốc ấy đem lại cho tôi.
T. và Jackie về lúc quá nửa đêm. Hai đứa nó bỏ quên chìa khóa cửa trong phòng ngủ. Báo hại tôi phải ra mở cửa cho hai đứa. Jackie nhìn tôi, cái nhìn dài thườn thượt.
Chắc hai đứa nó uống nhiều bia lắm bởi lúc đứng nép qua một bên cho hai đứa lách vào, tôi đã nghe bao tử mình quặn lên vì hơi thở nồng nặc của chúng nó. Rồi cả đêm tôi bị dựng đầu dậy bởi tiếng mở cửa phòng ngủ với tiếng đóng cửa và giật nước nhà cầu.
Chúng nó làm cái giống gì mà lục đục suốt đêm.
Đêm ấy và những đêm sau nữa, tôi thường giật mình thức dậy lúc một, hai giờ sáng và trằn trọc mãi tới khi mặt trời mọc.