Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

thư tình viết muộn | kỳ 11

0 bình luận ♦ 31.12.2020
Cover-Picture_TTVM_thumb.png

ldv

Độc giả có thể nghe tác giả đọc truyện này theo link: https://youtu.be/KGIh24j6mkw

Người thông dịch đến sớm như mọi khi. Tôi gật đầu chào anh ta. Anh ta nháy mắt chào lại. Người cảnh sát đứng sát bên tôi. Phòng khám vuông vắn bốn bức tường mầu xám nhạt. Chiếc kim giây của chiếc đồng hồ treo tường uể oải vạch những nét cà giật như bị níu kéo bởi khối thời gian đang dần keo đặc lại. Chúng tôi đứng như thế không biết bao lâu. Cả ba không có gì để nói. Tôi lại nhìn quanh quất cãn phòng. Bốn phía là vách tường. Người cảnh sát cũng nhìn quanh. Tôi biết đấy là thói quen nghề nghiệp. Ông ta muốn chắc chắn là không có kẽ hở nào để tù nhân có thể luồn qua đó mà trốn chạy. Bốn bức tường bưng bít. Một khung cửa hẹp đã khép lại phía sau. Chiếc bàn lớn trống trơn trên mặt. Chiếc ghế xoay bọc da. Bốn chiếc ghế thường có chỗ tựa lưng. Người thông dịch lật lướt qua những trang đầy mầu sắc trong một tờ tạp chí. Chúng tôi không nói gì với nhau. Tôi đưa cả hai tay lên gãi mặt. Những vòng sắt nhỏ của chiếc còng chạm nhau kêu lạch cạch. Người cảnh sát chỉ một chiếc ghế bảo tôi ngồi. Tôi ngồi xuống, dựa lưng vào thành ghế. Miếng nệm ở lưng ghế mềm mại vỗ về cái lưng mỏi rã rời.

Người cảnh sát lui lại sát vách tường, cạnh khung cửa của lối ra duy nhất. Trong đời, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình quan trọng như lúc này. Bây giờ là lúc an toàn tuyệt đối. Không kẻ gian nào dám móc túi tôi, không kẻ cướp nào dám chĩa dao vào ngực tôi đòi tiền hay bắt tôi đưa ví. Bây giờ tôi đi đâu cũng có cận vệ võ trang đầy đủ đi theo.

Ý nghĩ ngộ nghĩnh chợt làm lòng tôi lâng lâng. Tôi mỉm cười một mình rồi quay lại nhìn người cảnh sát, chia với anh ta một nụ cười. Nhưng cặp lông mày của anh ta chỉ nhướng lên như cố vạch cho suông một câu hỏi khó.

Cánh cửa bật mở. Một người đàn ông bước vào. Hắn cao tưởng chừng có thể chạm cái đầu vào trần nhà. Hắn đi ào qua sau lưng tôi, khuấy lên một cơn lốc nhẹ. Áo sơ mi thùng thình rúm ró nhét vào quần. Một góc phía sau xổ ra ngoài. Tôi nhìn quanh phòng xem có bọc rác nào cần lấy đi không nhưng không thấy. Người đàn ông nhân dáng thô kệch, ăn mặc xuề xòa này giống hệt những người phu thường bám theo chiếc xe rác mỗi sáng thứ tư vẫn chạy qua khu nhà tôi ở.

Gã kéo chiếc ghế có lưng dựa bọc da, ngồi phịch xuống, xì xồ một tràng tiếng Anh. Người thông dịch sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn và mau mắn dịch lại câu chào của gã.

À, thì ra đây là bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Ông bác sĩ tâm thần yêu cầu người cảnh sát tháo chiếc còng ở cổ tay tôi ra. Tôi nhìn ông ta bằng con mắt biết ơn.

Nhưng ông ta không nhìn tôi. Tôi vừa xoa xoa hai cổ tay vừa dựa lưng mạnh bạo vào thành ghế, tận hưởng cái tiện nghi của giây phút tự do quý báu.

“Anh tên gì?”

“Độc thân?”

“Tuổi?”

“Địa chỉ?”

“Có mấy anh chị em?”

“Bố mẹ còn sống không?”

“Ở đâu?”

Những câu hỏi dồn dập ném ra qua mặt bàn gỗ bóng. Tôi ngỡ chừng ông bác sĩ và tôi đang chơi bóng bàn. Và những trái bóng ông ta ném ra làm tôi tối tăm mặt mũi.

“Ở đây với ai?”

Câu hỏi làm tôi nhớ tới cô ấy. Tôi không vội vã trả lời nữa. Tôi để cho hình ảnh cô ấy lướt thướt dịu dàng trong trí nhớ.

Rồi tôi trả lời cộc lốc, “Một mình.”

“Nhà hay apartment?”

“Town-house.”

“Có đi làm không?”

“Không.”

“Sống bằng cách nào?”

“Tiền bệnh.”

“Anh bệnh gì?”

“Động kinh.”

“Động kinh?”

“Động kinh.”

“Bao lâu mới lên cơn một lần?”

“Vài tuần.”

“Vài tuần?”

“Có khi vài tháng mới lên một lần.”

“Có bạn gái không?”

Tôi lại nghĩ đến cô ấy.

“Không.”

“Có làm tình thường không?”

Tôi nhìn ông bác sĩ tâm thần. Tôi nhìn người thông dịch khi anh ta vừa nói xong chữ cuối câu. Xem chừng cả hai đều nghiêm trang khi hỏi cái điều cấm kỵ. Tôi xoay lại nhìn người cảnh sát. Mặt anh ta lạnh lùng đến không ngờ.

“Bao lâu làm tình một lần?”

Tôi nhìn cái cạnh bàn gỗ nâu. Tôi nghĩ đến cô ấy. Tôi nghĩ đến dòng tóc đổ ngang vai. Tôi nghĩ đến hai vòm cong, xuôi phía dưới chiếc cổ trắng ngần.

“Một tuần? Một tháng? Một năm?”

Tôi nghĩ đến cái lưng thon lúc cô ấy diện áo thun, đến đôi chân suông đuột khi cô ấy diện quần jean.

“Never?”

Những câu, những chữ tới tấp ném vào mặt tôi. Và hình ảnh Jackie trôi về, bồng bềnh đôi vú kiêu căng không nhân nhượng cái cổ áo đã chịu nhường, xẻ xuống thật thấp.

Tôi trả lời, “Never.”

Ông bác sĩ gật gù. Đến bây giờ tôi mới nhận ra ông bác sĩ không ghi chép một chữ nào những lời khai của tôi, mà trong phòng này cũng chẳng có một thứ gì cho ông dùng mà ghi mà chép. Ông bác sĩ che miệng ngáp. Ngáp xong, ông xới những ngón tay thô vào cái đầu tóc bù xù. Những sợi tóc mầu muối tiêu.

“Chia phòng với đàn ông hay đàn bà?”

Tôi nghĩ đến thằng T., “Đàn ông.”

“Chỉ có hai đàn ông trong nhà thôi?”

Tôi nghĩ đến Jackie.

“Có đàn bà nữa chứ.”

“À.” Ông bác sĩ gật gù.

Tôi lại nhìn cái cạnh bàn mầu nâu. Phòng khám bệnh không khác gì phòng thẩm vấn tù nhân. Không có bất cứ vật gì ngoài bàn ghế và bốn bức tường. Chắc người ta sợ bệnh nhân nổi cơn điên bất tử.

Bỗng dưng ông bác sĩ đẩy chiếc ghế có bánh xe lùi ra sau, đưa tay mở hộc bàn, lôi ra một xấp giấy. Ông ta lựa một tấm, đưa lên trước mặt tôi, “Hình gì đây?”

Tôi nhìn cái hình lạ lẫm. Mầu đen trên nền giấy trắng, trông giống hệt vết mực loang trên giấy.

“Anh thấy giống hình gì ngoài đời sống?”

“Chả thấy giống gì hết.”

“Có, anh đã gặp nó rồi. Cố nhớ lại coi.”

Tôi nghiêng đầu bên phải, rồi nghiêng đầu bên trái. Vẫn không nhận ra cái hình mà ông bác sĩ bảo tôi đã thấy trước đây rồi. Vết mực loang trên giấy. Những đốm tròn nối nhau bằng những vệt dài cong quẹo. Ờ, tôi nhận ra. Hình như nó giống những chiếc áo ngực mầu đen đan rối vào nhau tôi đã thấy trong phòng tắm nhà cô ấy. Nhưng tôi sẽ không nói ra cho ai nghe hết.

“Những con chim én mùa xuân.” Tôi trả lời.

Ông bác sĩ lại đưa tấm giấy khác ra trước mặt tôi, “Hình gì đây?”

“Em làm anh thất vọng quá. Thế trước khi lấy chồng nước ngoài (nó nhấn mạnh hai chữ nước ngoài) mẹ em không dạy em một khóa nấu nướng gì sao. Không biết nấu nướng gì mà cũng lấy được chồng nhỉ.” Sao thằng khốn nạn không biết rằng cô ấy còn đang cái tuổi cắp sách đến trường thì phải khăn gói theo nó về cái xứ sở lạnh lẽo này. Sao nó không hiểu được rằng nếu đất trời không đổi dời, cái ngữ nó xin xách cho cô ấy một chiếc dép biết cô ấy có chịu cho không.

Thằng chồng ngồi gác chân lên bàn, bấm đài ti-vi một cách hậm hực. Mặt cô ấy xịu xuống, cái phụng phịu trẻ con. Cô ấy nhìn tôi. Cô ấy nhìn Jackie. Chúng tôi nhìn cô ấy. Tôi nhìn cái viền nước mắt đỏ sọng ở hai mi. Tôi biết nói gì bấy giờ.

Chợt Jackie nắm lấy tay áo tôi, kéo tôi đứng dậy, “Mình về thôi!”

Cô ấy xớn xác hai mắt nhìn. Tôi đọc ra được lời van nài trong đôi mắt quá đỗi trẻ thơ ấy. Tôi nhùng nhằng đứng dậy theo cánh tay Jackie.

Tôi chỉ biết chào cô ấy bằng ánh mắt. Trước khi xoay lưng, tôi còn thấy được hai giọt nước trong như hai giọt ngọc lăn dài xuống đôi má người con gái.

Vừa bước qua khung cửa nhà, tôi hỏi, “T. đâu?”

Jackie sưng sỉa, “Ai mà biết ông ấy đi đâu.”

Tôi ngồi phịch ngay xuống chiếc ghế rời của bộ sa lông cũ trong phòng khách. Tôi nghĩ tiếc cho cô ấy, lấy phải thằng chồng không ra gì.

“Cái thằng này kỳ cục quá. Người gì mà không biết điều gì hết. Vợ đã nấu cho ăn còn chê lên chê xuống.”

Jackie vừa xếp những giầy dép ở bậc thềm cho gọn gàng vừa lẩm bẩm, “Cái người thất học nó ăn nói vậy đó anh ơi. Chồng gì mà chơi vợ ngay trong phòng khách, trước mặt hàng xóm láng giềng như thế.”

Dường như người ta cố tìm cho tôi một tội danh nghe được. Tôi thì cứ loanh quanh tránh trả lời cái chuyện lấy đồ cho ai. Tới mức ông luật sư bực mình dõng dạc bảo nghe đây, tôi giúp ông chứ không phải muốn hại ông. Tội ông có thể ở tù lâu nên chính phủ mới trả chi phí cho ông mướn luật sư. Tôi bần thần nghĩ ngợi. Xứ sở nhân đạo đến khó mà tin được. Có ở đâu mà nhà nước phải bỏ tiền ra tìm luật sư chữa chạy cho phạm nhân như thế không.

“Ông lấy quần lót phụ nữ cho ai?”

“Chẳng cho ai hết.”

“Không cho ai thì lấy làm gì?”

Tôi muốn nói sao không bỏ tù tôi ít lâu cho nó xong chuyện. Mất công hỏi đi hỏi lại hoài.

Thằng cho quá giang xe (tôi đặt tên cho nó là thằng râu dê) ghé thăm cô ấy từ lúc nào mà tôi không hay. Nó quà cáp tối đa. Cái chiêu quà cáp, cúng kiếng, lễ lạc của nó làm tôi chóng mặt.

Nhớ lần tôi ngồi trên gác nhìn qua cửa sổ, canh chừng chiếc xe mắc tiền trong bãi đậu.

Nó đeo kính đen, áo jacket choàng ngoài sơ mi. Cổ tay áo sơ mi gài nút kỹ lưỡng nhưng cổ áo thì hở hai ba nút, phanh ra cái xương ức gồ ghề. Nó đủng đỉnh mở cửa sau, lấy ra một bó hoa lù xù như bó hoa phúng điếu đám ma, ôm vào người. Rồi nó bước đi vài bước mới quay người trở lại, điệu nghệ như tay vũ công dợm những bước đầu tiên cho điệu luân vũ, đưa đồ điều khiển báo động ăn trộm xe hơi, bấm nút. Tiếng còi ngắn vang lên như một câu nói móc hỗn xược.

Xong cái công việc nghiêm trọng ấy, thằng râu dê lững thững bước về phía nhà cô. Tôi thấy nó giống hệt một tên tài tử Hồng Kông trong phim tập nào đó tôi có dịp coi qua.

Tôi đang ngồi sững ra bên khung cửa, hình dung những trò vặt thằng râu dê sẽ làm với cô ấy thì có tiếng Jackie ngọt ngào, “Ngồi ngóng ai mà buồn rũ ra vậy hở ông anh?”

bài đã đăng của Hoàng Chính

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)