Độc giả có thể nghe tác giả đọc truyện này theo link: https://youtu.be/mTqfY1J4OJY
“Ordinary things never appear ‘foggy’ or far away to me. Mọi vật thông thường không bao giờ có vẻ mờ ảo như sương mù đối với tôi.” Nhiều khi tôi ngỡ tôi sống một mình giữa những hình bóng trôi dạt bồng bềnh. Người ta trôi quanh tôi như những cụm lục bình dạt quanh mảnh cù lao nhỏ. Như cái phim gì đó về những người Do Thái và ông chủ hãng người Đức, thời chiến tranh thế giới thứ hai. Suốt cả phim, ai cũng chỉ có hai mầu đen trắng. Riêng một cô bé gái có chiếc áo mầu đỏ ở đoạn cuối phim. Cái chấm đỏ nhỏ nhoi nhưng rực rỡ. Cô Ấy cũng giống em bé gái trong phim, rực rỡ trong cuộc sống. “Hát ru nữa đi.” Tôi thì thào. Con bé Amy đã ngủ say, miệng nhay nhay núm vú giả. Tôi đã bảo nhiều lần là tập cho nó bỏ núm vú lúc ngủ mà có ai nghe đâu. Cô Ấy nhìn tôi, thì thào, “Amy ngủ rồi, ru chi nữa?”
“Hát ru nghe đỡ buồn.” “Bộ buồn dữ lắm hả?” Tôi lặng thinh, nhìn xuống những ô vuông trên nền nhà. Một sợi tóc vắt ngang hai cạnh góc vuông. “Hát gì bây giờ?” Tôi ngước lên, ánh mắt vướng lại ở cổ chiếc áo thun mầu xanh da trời.
Da gì đâu mà trắng như miếng thạch. “Hát mấy câu ru hồi nãy đó.” Người con gái xoay lưng lại phía tôi, tay đặt nhẹ lên cạnh chiếc giường có bánh xe của con bé. “Chim chiền cành ớt líu lo, sầu ai nơn nỗi ốm o gầy mòn.” Câu ru giọng miền Nam đặc. Câu ru kéo tôi về bên những cụm lục bình; về những cù lao chơ vơ trên mặt nước. Cô Ấy quay lưng đi, tôi chỉ còn thấy một dòng tóc chảy mãi, chảy hoài. Xuyên lối tương lai, ngược đường quá khứ. “Chim guyên ăn trái nhãn lồng, thia lia goen chậu, dzợ chồng guen hơi.” Lặng thinh. Tiếng hát ru thì thầm, nhẹ như hơi thở.
Ca dao miền Nam hiền như cỏ dại. Cô Ấy làm lòng tôi nao nao. “Hay quá!” “Còn câu này nữa nè.” Tôi nghiêm trang chờ đợi, như tín đồ ngoan đạo, đợi chờ ân sủng. Người thiếu phụ hất nhẹ mái tóc, thì thào, “Ai phụ tui có đất trời chứng giám. Biết câu đó hông?” Tôi lắc đầu. “Cái phận tui nghèo tui hổng dám phụ ai bộ hổng biết thiệt hả?” “Không biết thật mà.” “Tưởng giếng sâu tui nối sợi dây dài.” Cô Ấy cúi đầu. Tóc đổ hai vai. Tôi thành pho tượng biết vui buồn. Tóc chẻ đôi bờ. Tóc rẽ ngôi sau lưng, khoe hờ khoảng gáy trắng. Đến bao giờ tôi mới đặt được môi mình lên đó. “Sao nữa?” “Ai ngờ đâu giếng cạn, tui tiếc goài sợi dây.” Tôi đuối người. Ca dao gì đâu mà xót xa đến không ngờ. Cô Ấy bất chợt quay đầu lại, “Hớt rồi!” mành tóc đùa hai vai như cánh màn một sân khấu nhỏ. Đôi mắt long lanh. “Đọc lại hết bốn câu được không?” “Chi vậy? Buồn thấy mồ à!” Tôi không dám nhìn vào đôi mắt ấy. Tôi sớn sác trước đôi môi mím hờ. Đôi môi níu kéo một nụ cười nên đôi môi lúc nào cũng vướng chút tinh nghịch. Và nước da trắng ngần. Rồi bỗng dưng Cô Ấy nhìn tôi, đọc hết bốn câu trách móc não lòng. Ai phụ tôi có đất trời chứng giám, cái phận tôi nghèo, tôi không dám phụ ai, tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài, ai ngờ đâu giếng cạn, tôi tiếc hoài sợi dây. Tôi tiếc hoài sợi dây. Tiếc hoài sợi dây. Em của anh, bao giờ mình mới là của nhau.
Tôi vốn liếng đâu nữa mà sắm dây để đo xem lòng giếng sâu hay cạn. Mọi vật thông thường có vẻ mờ ảo đối với anh không. Người thông dịch vừa hỏi vừa gõ nhẹ cái bút lên tập giấy chi chít những chữ. Tôi nhìn anh ta. Vầng trán anh ta lờ mờ vết da nhạt mầu bằng đồng hai mươi lăm xu, trông như một vết sẹo cũ. Tôi sẽ tiếc hoài sợi dây cho dù lòng giếng sâu hay cạn. Sẽ tiếc hoài sợi dây.
Bắt đầu là những câu đối đáp đều đặn, nghe vang vang, nhịp nhàng như thể hai nguời đang cùng nhau song ca một bài dân ca quan họ. Ví von cho nó mầu sắc vậy thôi chứ không có gì văn vẻ trong những câu đối đáp của cặp vợ chồng ấy. Họ ném bùn vào nhau như đám ca sĩ nhạc rap hay rock gì đo ném những lời thô lỗ, cùn mằn vào khán giả. Một lát sau, tiếng nguời đàn bà yếu đi. Giọng người đàn ông gầm lên như con thú nổi điên. Những câu chửi vung vít vọng qua khung cửa sổ mở rộng. Mùa hè nhà nào cũng mở rộng cửa nhưng vẫn không làm dịu đi được chút nào cái nóng nung người. Và nhờ mở rộng cửa mà những tiếng chửi thề nghe rõ mồn một. Chợt có tiếng loảng xoảng, nghe như tiếng một chiếc thau nhôm bị ném mạnh vào tường. Hình như đó là cái khay Cô Ấy mua về từ tiệm đồ cũ. Rồi tiếng bàn ghế ném vào nhau rầm rầm. Tiếng hét của thằng bé Timmy. Rồi tiếng khóc xé màng nhĩ của con bé Amy. Người đàn ông đứng lên, ngồi xuống, bứt rứt như kẻ tử tù thời Trung Cổ sắp bước lên giàn hỏa.
Ông vểnh tai lắng nghe, chăm chú như con chó đánh hơi những bất an sắp chụp xuống quanh mình. Tiếng gào thét quyện vào nhau. Đồ lăng loàn, đồ đàn bà đĩ thõa. Anh nói ai đĩ. Tao nói mày đó. Đồ khốn nạn. Anh mới là đồ khốn nạn. Phí công tao bảo lãnh mày qua. Tiếc tiền hả tiếc tiền thì để tui về lại Việt Nam dzới má tui đi. Mày xài hết tiền của tao rồi mày kiếm chuyện. Mày muốn ly dị phải không, đừng có hòng. Má ơi, Timmy uýnh con nè má. Chùm âm thanh lẫn vào nhau. Chùm âm thanh quấn lấy ông, làm ông quay cuồng chóng mặt. Ông đứng bật dậy, bước tới bước lui. Gót chân nện xuống nền nhà từng bước tưởng chừng muốn đạp đổ hết những bước tường vây quanh ông, để ông có thể chạy thẳng một đường qua bên ấy mà giải cứu người đàn bà bất hạnh. Người đàn ông cầm ống nghe điện thoại lên. Những tiếng động vẫn xoáy vào tai ông. Ông áp ống nghe điện thoại vào tai.
Tiếng o o của đường dây điện thoại rền rĩ như tiếng con ong say phấn hoa. Bên kia chỉ còn tiếng trẻ con khóc. Ông hạ cánh tay xuống. Những bắp thịt trên mặt ông giãn ra. Tiếng đàn ông lại rổn rảng ném vào không gian cái cộc cằn. Mày là đồ ăn bám. Ông lại mím môi, nâng cái ống nghe điện thoại lên. Tiếng đồ vật loảng xoảng. Bây giờ nó quăng tới cái gì nữa đây. Âm thanh ấy chỉ có thể phát ra từ cái khay nhôm để ly tách uống nước. Nhưng tiếng loảng xoảng ấy ông đã nghe rồi. Học Anh văn gì mày. Đi thả thì có. Tiếng con bé Amy gào khản cổ nghe thảm thương cực độ. Bàn tay ông bóp chặt cái ống nghe điện thoại.
Tiếng hét của Cô Ấy. Đồ khốn nạn. Thằng đàn ông chửi thề. Đù má mày. Người đàn bà chửi lại. Anh đù má anh đi. Mọi tiếng động chợt ngừng. Trong trí tưởng tượng của người đàn ông, thằng đàn ông đứng sững đó, như xác chết đội mồ sống lại. Hai con mắt đỏ ngầu phừng phực lửa thiêu cháy người đàn bà và hai đứa bé. Bỗng dưng âm thanh vỡ ra tung tóe. “Ui da! Trời ơi!” Tiếng người đàn bà xoắn vào vũng không gian xám ngoắt của trí tưởng người đàn ông rồi vụt tắt. Người đàn ông dùi đầu ngón tay lên những con số trên điện thoại một cách bạo tàn. 9. 1. 1. Và ông gào vào ống nói cái câu ông đã thực hành không biết bao lâu, “He kills her!” rồi vội vàng cúp máy.
“I frequently think of the same silly thing over and over for hours. Tôi thường nghĩ hoài về một điều ngu ngốc nào đó.” “Anh đọc lại hộ tôi.” “Anh thường nghĩ hoài về một điều ngu ngốc nào đó.” Người thông dịch nháy mắt với tôi sau câu nói. Tôi cau mày, “Biết thế nào là ngu ngốc bây giờ?” “Thì cái gì mà bị người ta coi là ngu ngốc đó.” “Người ta nào?” “Người đời.” “Nhiều khi người ta nghĩ mình ngu ngốc nhưng chính người ta mới ngu ngốc.” Tôi bắt bẻ. Người đàn ông gãi cằm, không trả lời. Tôi hỏi hắn, “Anh thấy sao?” Hắn rùn vai, “Tôi không thấy sao hết.” “Thế nào mới là ngu ngốc chứ?” Người đàn ông lặng thinh, nhìn xuống những dòng chữ li ti. Tôi nặn óc suy nghĩ. Đời sống này chả biết đâu là phải đâu là trái. Điều ngu ngốc hôm nay biết đâu lại là điều khôn khéo ngày mai.
Tại sao người ta phải đặt những câu hỏi lắt léo làm gì vậy. Tôi sửa lại thế ngồi, nhìn thẳng vào mắt người thông dịch, “Phải người ta gài bẫy tôi không vậy?” “Gài bẫy anh làm gì?” “Để bỏ tôi vào nhà thương điên.” Hàm răng trên của người đàn ông cắn lấy môi dưới. Hắn ta có những chiếc răng cửa trắng bóng. Dù cặp môi thì thâm đen như môi kẻ ghiền thuốc lá lâu năm. “Tôi nghĩ không phải vậy đâu.” “Sao anh biết? Anh có phải bác sĩ tâm thần không?” “Không.” “Hay anh làm cảnh sát chìm?” “Không phải.” Người đàn ông trả lời vội vã. Hàm răng trên thôi cắn môi dưới. Những chiếc răng trắng muốt biến đi khỏi tầm nhìn mệt mỏi của tôi. “Vậy sao anh biết họ sẽ không bỏ tôi vào nhà thương điên?” “Tôi đoán vậy.” “Đoán. Đoán.” Tôi lắc đầu. “Anh làm sao vậy?” Người thông dịch nhìn xoáy vào mắt tôi. Lúc này tôi không biết tôi đang làm sao, hay đang bị gì nữa. Tôi chỉ thấy nhức đầu. Những bức tường nghiêng ngả. Cặp bóng đèn nê-ông trên trần nhà xoay chậm rãi như hai cánh quạt một chiếc máy bay lên thẳng.
Tôi sắp cất cánh. Tôi sắp bay lên, lẫn lộn vào mây trời. Tôi sắp thành mây, tôi cần những cơn gió. Gió đưa tôi về thành phố ấy, nơi Cô Ấy đang một mình tay bế tay bồng. Sao cứ nghĩ đến Cô Ấy là lòng tôi ấm lại. Tôi muốn tha thứ cho cả cuộc đời. “Anh không trả lời người ta mới chuyển vào nhà thương điên. Biết chưa!” Người thông dịch gằn giọng. “Anh đọc lại câu hỏi giùm.” Người thông dịch đọc lại câu hỏi trong bản tiếng Anh dầy đặc những chữ. Tôi nghe ra sự nhẫn nhịn trong giọng nói của anh ta. “Anh thường nghĩ hoài về một điều ngu ngốc nào đó.” “Đúng.” “Rồi. Câu kế tiếp.” Hắn nhìn vào trang giấy, “Đôi khi chân tôi mất năng lực tới mức tôi không còn bước đi được.” Hắn có moi móc gì tôi không đây. Tôi ngước lên, nhìn xoáy vào mắt hắn. Hắn còn trẻ. Chắc không ngoài bốn mươi. Đuôi mắt có ít nhiều những nếp nhăn. Những nếp nhăn từ hai bên thái dương chụm lại, dán vào nhau ở đuôi mắt. Những nếp nhăn vẽ thành hình nan quạt. Cái nan quạt chỉ hiện lên đậm nét khi hắn cười. Khi hắn nghiêm trang, trông hắn trẻ hơn nhiều. Nhưng dù trẻ hay già, hắn cũng đâu có quyền mỉa mai tôi.
Làm sao hắn biết hai chân tôi đã rụng ra từng khúc rời khi nhân viên tiệm quần áo phụ nữ gọi tôi lại. Vì vậy mà bọn họ đã bắt được tôi. Vì vậy mà cả một kế hoạch sụp đổ, cả một chương trình tan vỡ. Và bây giờ tôi ngồi đây, nghe người ta mỉa mai, moi móc. “Có không?” Tôi gật đầu, buông xuôi. “Tốt. Câu kế.” “Thì câu kế.” “Không có gì lôi cuốn được tôi.” Không có gì lôi cuốn được tôi. Không có gì lôi cuốn được tôi. Không có gì lôi cuốn được tôi. Ừ. Không có gì lôi cuốn được tôi ngoài Cô Ấy. Tôi đã nghiêng ngả vì Cô Ấy. Cô Ấy bảo tôi chết, tôi cũng dám chết, miễn là Cô Ấy vui. “Có thứ gì lôi cuốn được anh không?” Gã thông dịch hỏi lại. “Từ từ đã.” Tôi gắt. Bởi hắn vừa mới cắt đứt khúc phim đong đưa chiếc áo ngực ren đen phơi chơ vơ trên xà ngang, chỗ treo cái màn nhựa mỏng ngăn đôi phòng tắm nhà Cô Ấy. “Có không?” “Có chứ.” Tôi quả quyết. “Thứ gì?” “Đủ mọi thứ.” “Đủ mọi thứ?” Tôi muốn đấm cho hắn một cái. Nhưng cánh tay tôi mỏi nhừ. Và cái còng nặng trĩu ở cổ tay kéo lê vai tôi xuống.
Nên tôi lười biếng gật đầu. Hắn hí hoáy ghi câu trả lời vào trang giấy. “Câu kế tiếp: tôi không bao giờ cố tình làm ai buồn.” “Câu này hay đấy.” Tôi gật gù, trong đầu nặng trĩu hình ảnh Cô Ấy.
Người như vậy làm sao ai nỡ làm buồn cho được, trừ cái thằng chồng chết tiệt kia. “Đúng không anh?” người thông dịch như lây cái vui của tôi. “Đúng! Quá đúng!” Hắn lại hí hoáy đánh dấu câu trả lời vào trang giấy. “Câu tiếp: đa số người ta đều lương thiện.” Tôi ngọ ngoạy cổ tay. Cái còng tụt xuống, lộ ra một vết đỏ hằn trên da như lằn roi. Cô Ấy mà nhìn thấy những vết lằn này, thế nào cũng cuống lên đi tìm chai dầu nhị thiên đường. Người như thế làm sao không thương cho được. “Đa số người ta thì lương thiện, đúng không?” Người thông dịch lập lại câu hỏi. Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn, “Anh có lương thiện không?” Người đàn ông chần chừ như phỏng đoán những ý tưởng chôn sâu dưới cái câu tôi mới nói. Rồi hắn trả lời nhẹ bâng, “Có chứ.” “Vậy trả lời có giùm tôi.” “Nghĩa là khi nói đa số người ta thì lương thiện thì anh cho là đúng hay sai?” “Anh trả lời giùm đi.”
Tôi lì lợm. “Đa số người ta thì lương thiện. Đúng không?” “Đúng.” Hắn lại hí hoáy đánh dấu câu trả lời. Bỗng dưng tôi tự hỏi mình có thật hắn ghi câu trả lời đúng như tôi nói. Bà Nhiêu hàng xóm vẫn hay ví von bút sa gà chết. Ấy là chuyện quê nhà. Nơi cái xứ sở người và thú đôi khi ngủ chung một chỗ, dẫu gà phải có chuồng, và người nên có nhà có cửa. Viết sai đi một chữ, mạng gà cũng toi theo. Bây giờ tôi ngồi đây. Hai tay chắp lại, trông nhờ chút ân huệ của lòng từ tâm nơi người đàn ông xa lạ, những mong hắn ta sẽ viết đúng những gì tôi nói. Tôi không muốn bị ném vào nhà thương điên chỉ vì sai lầm của người khác. “Từ trước đến giờ anh có viết đúng theo những gì tôi nói không?” Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn để nói cho hết những điều tôi nghĩ. Hắn sựng người lên như bị ai nắm tóc kéo ngược ra sau. “Anh hỏi gì kỳ vậy?” “Chẳng kỳ gì hết. Ai biết được là anh có ghi đúng như tôi trả lời không đây. Tôi không điên anh làm cho tôi điên thì sao.” “Anh nói gì kỳ vậy?” “Không kỳ gì hết.”
Môi người đàn ông mím lại. Những nếp nhăn vẽ nan quạt hai đuôi con mắt. Hắn già thêm vài tuổi. “Anh làm vậy không điên người ta cũng nghĩ là anh điên.” Tôi nhìn quanh. Người cảnh sát ngồi sau chiếc bàn nhìn tôi chăm chăm. Nãy giờ tôi không thèm ngó tới hắn. Thành ra lúc bắt gặp tia nhìn của tôi, hắn nhướng cặp chân mày, hỏi gì đó. Người thông dịch trả lời bằng tiếng Anh. Tôi lắp bắp biện hộ cho riêng tôi. Tôi bảo tôi không tin người thông dịch. Tôi nói bằng tiếng Việt, vội vã bởi tôi biết sẽ không đủ thời gian cho tôi nói hết những điều mình nghĩ. Tôi phải nói ra hết. Người cảnh sát đứng dậy. Khẩu súng lục bên hông phải lúc lắc. Cây ba toong bên hông trái cũng lúc lắc. Hắn đứng cao tưởng chừng sắp chạm vào trần nhà. Tôi nói. Người thông dịch nói. Người cảnh sát tròn con mắt đứng nghe. Những ngón tay khổng lồ của anh ta co vào duỗi ra, bứt rứt. Sau cùng người thông dịch đứng dậy, xếp xấp giấy lại, trao cho người cảnh sát. “Mai mốt có người khác dịch cho anh. Tôi thua rồi!” Hắn nói trước khi xoay lưng lách ra khỏi căn phòng nhỏ như chiếc hộp đựng đồ chơi trẻ con.