Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

thư tình viết muộn | kỳ 6

0 bình luận ♦ 24.12.2020
Cover-Picture_TTVM_thumb.png


ldv

Độc giả có thể nghe tác giả đọc truyện này theo link: https://youtu.be/TW-G56Yvpso


Thằng trồng cỏ – bây giờ ông biết nó bị bắt vì trồng cỏ thuê – gợi chuyện. “Ông có bao giờ nghĩ cái phòng xử trong tòa án là một sân khấu kịch không?”

Ông ngơ ngác, “Không. Sao?”

“Như sân khấu Paris By Night ấy.”

“Ừ thì như sân khấu,” ông gật gù. “Nhưng ai là người diễn chứ?”

“Còn ai vào đây nữa.”

Người đàn ông ngẩn người ra suy nghĩ.

“Có gì đâu mà nghĩ ngợi. Quan tòa, luật sư, công tố công tiếc, tôi với ông, là diễn viên hết ráo.”

“Ừ, cũng giống sân khấu thật. Chỉ thiếu khán giả.” Ông lẩm bẩm.

“Thiếu sao được mà thiếu.”

“Đào đâu ra khán giả?”

“Cái bọn ngồi chầu rìa chờ xem ông tòa kết án chứ ai.”

Người đàn ông lại gật gù. Đúng thật. Cái bọn chầu rìa chờ nghe bản án.

“Trong đám diễn viên ấy ông biết ai chính ai phụ không?”

“Phải quan tòa là diễn viên chính không?”

“Tôi nghĩ quan tòa với tội phạm chúng mình là diễn viên chính. Bọn luật sư, Công tố viện, thư ký thư kiếc là phụ hết. Cái bọn ngồi dưới là đám khán giả nhiễu sự. Chỉ có thiếu vỗ tay cổ võ, chạy lên tặng hoa tặng bông cho diễn viên nữa là đủ bộ sân khấu kịch trường.”

Người đàn ông gật gù, “Nghĩ cũng hay.”

“Hay quá đi chứ. Ông nghĩ trong đám diễn tuồng ấy ai là người quan trọng nhất.”

“Phải quan tòa không?”

“Quan tòa làm sao quan trọng bằng tội phạm. Không có quan tòa mình có chết chóc gì đâu trong khi không có tội phạm là quan tòa bị lai-óp ngay thôi. Thành ra ông không thấy từ quan tòa đến luật sư và công tố viện đều gọi mình bằng ngài đấy sao?”

“Ngài bao giờ đâu mà ngài?”

“Sir không là ngài thì là gì bây giờ. Cái nhà ông ỡm ờ!”

Người đàn ông cố nhớ lại những lần ra tòa lê thê xem mình đã được ông tòa gọi bằng ngài lần nào chưa.

Có thể có nhưng ông không nhớ ra đấy chăng.

Cô ấy đau bụng mà không cho ai biết. Đến khi thằng Timmy chạy qua bấm chuông gọi tôi, cơn đau đã dữ dội lắm rồi. Trong lúc chờ xe cứu thương, cô ấy cong người ôm bụng làm lòng tôi xốn xang. Tôi nghĩ đến thằng đàn ông đã làm khổ cô ấy. Giờ này nó ở đâu.

Lúc cô ấy nguôi cơn đau, tôi lau mồ hôi trên trán, trên má, trên cổ cô ấy. Những sợi gân xanh lờ mờ dưới làn da mỏng chiếc cổ thanh tú làm tôi rờn rợn cả thịt da.

Tôi hỏi uống cà phê không, cô ấy rùn vai, hổng dám đâu!

Lúc ấy đang là mùa hạ. Trời ẩm và nóng.

Cái quạt điện lại bị hỏng, tôi ngồi quạt cho cô ấy bằng chiếc quạt nan mua được trong một lần hiếm hoi, quá giang xe thằng T. đi lên phố Tầu.

Lúc đau bụng, cô ấy quằn quại, lê lết trên nền nhà.

Tôi xót xa nhìn sợi gân máu trên trán, trên cổ cô nổi lên, muốn bật ra khỏi làn da mặt mỏng như tờ giấy. Lòng tôi đau nhói, miệng tôi khô đắng. Tôi lấy cho cô ly nước. Trong một giây, môi cô nứt ra khóe cười, khóe cười thê thảm của cánh hoa cố luồn lách qua bụi gai dầy, để vẫy tay với ánh mặt trời. Rồi cô nhấp một ngụm nước, rồi cô lại cong người ôm cái bụng lồi cả ra ngoài chiếc áo thun bó chặt.

Tôi che miệng ngáp muốn sái quai hàm.

Rồi cô ấy nắm ghì lấy tay tôi. Cô ấy kêu mẹ, cô ấy kêu trời, rồi cô ấy gọi anh ơi. Tôi bàng hoàng. Cô ấy gọi tôi hay cô ấy gọi ai. Tôi mong cô ấy gọi lại thêm một lần. Anh ơi. Có khó khăn gì lắm đâu. Nhưng từ lúc ấy cho đến khi xe cứu thương lại đón đi, cô ấy không gọi tôi thêm một lần nào.

Trong khi chờ xe cứu thương, bọc nước vỡ. Nước chảy loang nền nhà lót nhựa tổng hợp. Tôi hoảng hốt nhìn dòng nước chảy loang lổ trên nền nhà. Tôi cố tìm xem có máu trong vũng nước ấy không.

Lúc xe cứu thương tới, bà Nhiêu bới tung những hộc tủ đựng áo quần của mẹ con cô ấy, moi ra bộ quần áo ngủ của cô ấy, nhét vào cái túi xách. Tôi muốn dìu cô ấy ra xe cứu thương nhưng vướng thằng bé Timmy nên đành đứng lại ở cửa. Hai nhân viên xe cứu thương đỡ hai bên cô ấy. Người đàn bà tóc vàng tíu tít Are you okay. Cái giọng trong vắt như tiếng hót của những con chim trên nhánh cây trước nhà. Người ta nâng bổng cô ấy lên xe, đóng cửa lại. Thằng bé Timmy nhùng nhằng kéo tôi về phía xe cứu thương nơi khuất sau cánh cửa mẹ nó co người như con sâu bị lũ kiến lửa bâu cắn. Mommy, mommy. Thằng bé léo nhéo gọi.

“Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình.” Bà Nhiêu lẩm bẩm đọc ca dao tục ngữ trước khi thu mình gọn lỏn trong lòng chiếc ghế nệm to xù. Cánh cửa xe cứu thương đóng lại. Tôi tần ngần nhìn theo.

Cô ấy đi rồi, căn phòng bỗng hoang vu.

Tôi lấy tấm khăn xếp bên bồn tắm lau vũng nước ối loang lổ.

Vũng nước đã có những chỗ khô quánh lại, vằn vện trên nền nhà.

Jackie gọi về ngủ. Tôi lừng khừng hỏi thằng Timmy có cần mang đồ chơi gì theo không. Thằng bé chạy lên phòng một lát. Tôi nhìn Jackie. Đầu óc trống trải. Bát cãi hoang tuổi thơ. Tôi lại như đứa bé ngần ngại trước những vạt sóng cuộc đời.

“Nó đi đâu vậy anh?” Jackie hỏi.

Tôi lúng túng, “Nó đòi đi lấy đồ chơi gì đấy mà.”

“Gớm, cái thằng nhiều chuyện!”

Jackie mắng yêu. Sao người đàn bà nào cũng dễ yêu khi dịu dàng, nhỏ nhẹ.

Timmy chạy xuống, ôm trong tay một bọc ny lông nổi cộm những đồ đạc gì đấy.

“Cái gì mà nhiều thế?” Jackie hăng hái.

“Game.”

“Game à?” Tôi xen vào. “Có máy đâu mà chơi game.”

Mặt thằng bé xịu xuống.

Jackie vỗ vai nó, dịu dàng như người mẹ, “Thôi ngoan này, đi ngủ sớm, mai bác cho đi shopping.”

Thằng bé bỏ bọc đồ xuống nền nhà, nét mặt buồn thấy rõ.

Jackie dắt tay nó, “Thôi đi nào. Ngủ sớm, mai thức sớm đi shopping.”

“Hay là lấy mấy cuốn sách…”

Nghe tôi nói, thằng bé giật tay ra khỏi bàn tay của Jackie.

Jackie ngước nhìn tôi, “Lấy sách làm gì?”

“Đọc trước khi ngủ. Bedtime stories ấy mà.”

“Anh đọc cho nó à?”

Tôi có biết gì đâu mà đọc. Nhưng tôi thấy đầy rẫy trong phim ảnh xứ này, bố mẹ thường đọc truyện cho con cái trước khi đi ngủ. Mấy chữ bedtime stories tôi còn nhớ được từ hồi đi học lớp Anh ngữ cho di dân.

Tôi lờ câu hỏi nặng nề của Jackie, dắt Timmy lên lầu.

Căn phòng của cô ấy xinh xắn như chiếc hộp nhỏ. Cái chăn len mầu đỏ tươi trải trên mặt nệm một góc xốc xếch như có ai mới từ dưới lớp len ấy lồm cồm chui ra và quên vuốt lại cho thẳng. Mặt nệm chỗ ấy nhàu nhò. Tấm gương soi phía sau bàn trang điểm phản chiếu tấm hình treo trên tường. Cô ấy cười trong khung chữ nhật. Nụ cười quá đỗi trẻ thơ. Căn phòng vắng lặng và trống trải. Mùi hương lạ lẫm phảng phất trong không gian. Mùi tóc rối vỗ về, mùi thịt da gây gây, mùi nước hoa dịu dàng. Tất cả trộn vào nhau quyện tôi vào vùng mơ hồ trí tưởng.

Tiếng động nhẹ đánh thức tôi. Tôi quay lại. Bé Timmy đứng sau lưng tôi tự hồi nào, hai tay lễ mễ bưng năm sáu cuốn sách.

“Nhiều thế.”

Thằng bé nhoẻn miệng cười. Cái răng cửa sún thấy thương.

“Một cuốn thôi.”

“Hai cuốn.” Thằng bé kỳ kèo.

“Cũng được.”

Chúng tôi theo nhau xuống cầu thang. Jackie đứng chờ, kiên nhẫn như pho tượng. Những cảm xúc trên khuôn mặt vẫn còn nguyên như thể thời gian đã ngừng trôi.

Khóa cửa xong, tôi lầm lũi bước đi với Timmy và Jackie về bên nhà. Thằng Timmy tung tăng đi giữa. Những ngón tay nhỏ xíu của nó nắm chặt lấy ngón tay cái của tôi và ngón tay nào đó của Jackie. Những ngọn đèn đường xô ba chiếc bóng ngã nhào xuống mặt đường, nhùng nhằng, nhập vào nhau. Như những hình ảnh nhập nhằng của quá khứ trộn lẫn với hiện tại.

Tôi cố ậm ờ nhai từng con chữ cho thằng bé.

“Uncle đọc kỳ quá hà!”

Thằng bé có câu trách móc giống hệt mẹ nó.

Tôi buồn cười, “Sao lại kỳ.”

“Hỏng giống tiếng English gì hớt.”

Thấy không, còn nhỏ xíu mà giọng nói thằng bé đã lai đầy âm hưởng giọng mẹ nó.

Tôi muốn thằng bé đừng ngủ. Tôi muốn nó nằm bên cạnh tôi hoài. Tôi muốn kể cho cho nó nghe chuyện cổ tích Việt Nam.

“Vậy thì khỏi đọc sách. Kể chuyện được không?”

“Fine.”

Tôi gỡ cánh tay khỏi đầu thằng bé, “Ngày xưa có một ông vua nhân từ…”

“Ông dzua là gì dzậy?”

Tôi suy nghĩ.

“King.” Tiếng Jackie từ bên ngoài vọng vào.

Bỗng dưng tôi chẳng còn chút hứng thú nào để kể chuyện cho ai nghe nữa.

Phải kể cho tôi biết chuyện thật của ông, có thế tôi mới giúp ông được. Ông luật sư này dai như đỉa. Ừ thì chuyện của tôi thế này đây. Tôi cũng có vợ có con như người ta. Tôi vượt biên với con gái nhỏ. Tôi ghép hộ với một người đàn bà. Bọn Cao Ủy bảo muốn đi định cư phải có vợ có con. Độc thân thì có mà chờ dài cổ ra cũng chẳng nước nào dám nhận. Cô ta trẻ hơn tôi nhiều lắm. Chúng tôi có với nhau một đứa con trai. Tôi bị chứng động kinh từ nhỏ nên không được cấp bằng lái xe. Qua xứ sở này không lâu thì mất vợ. Đúng ra là vì tòa không cho liên lạc với người ta. Dĩ nhiên là tôi nhớ con trai tôi chứ. Nhớ cả mẹ nó nữa. Tôi chỉ ngủ với người ta được một lần nhưng xách nước, đi lãnh lương thực thì không biết bao nhiêu lần. Người ta bảo tôi là đồ dịch vật gì đâu, làm hại đời người ta. Mỗi một lần mà cũng có thai được. Vâng, tôi bảo đảm chỉ có một lần. May mà thằng bé cũng giống tôi. Luật pháp bên này lôi thôi nhỉ.

bài đã đăng của Hoàng Chính

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)