Đầu hói, bụng phệ. Mắt kính tròn gọng vàng. Con mắt nhỏ như thu hẹp lại với cái đùn của đống thịt hai bên gò má. Người đàn ông nhìn tôi chăm chăm, “Cậu có… gì?”
Tôi bất giác đặt tay lên ngực, luồn vào trong áo. Túi áo ngực trống rỗng. Bàn tay chạm vào xương sườn. Những cái xương chênh vênh như khung sắt chiếc lồng giam con thú dữ. Lồng ngực tôi như chiếc lồng nhưng chẳng giam được ai.
“Cậu muốn cầm món gì?” Người đàn ông hỏi lại.
Nới rộng cổ áo cho hơi ấm trong căn phòng xua đi cái lạnh đầu đông còn vướng trên cổ, trên mặt, tôi lúng túng, “Thưa ông. Thưa ông…”
Chữ nghĩa tôi dừng lại ở đó. Tôi đã thu hết can đảm để bước vào chốn này. Tôi phải chờ cho trời tối mịt để hy vọng không gặp người quen. Vậy mà chữ nghĩa vẫn bỏ mặc tôi một mình.
Tiếng nhạc vang vang trên chiếc loa treo ở trên quầy sàn gỗ sát tường. Bài hát về một giấc mơ cho một ngày nắng đẹp ở California. Sau bức bình phong vẽ đầy hoa dường như có người đang làm việc. Thư ký hay nhân viên kế toán lo sổ sách gì đó, bởi tôi nghe tiếng máy chữ gõ liên tục.
“Vâng, tôi nghe đây.” Người đàn ông dùng ngón tay trỏ, tròn và ngắn như trái chuối cau đẩy cái gọng kính đang trễ xuống xống mũi. Câu nói gắn trong cuống họng ông ta làm tôi ngại ngùng.
Tôi xoay người muốn tháo lui. Miệng ấp úng, “Dạ thưa, dạ thưa…”
“Có đồ ăn trộm nên ngại phải không?” Người đàn ông buột miệng.
Thân thể tôi đang xoay nửa vòng chợt sựng lại.
“Ông nói sao. Đồ ăn trộm gì?”
“À, không sao, không sao. Đồ của mình thì mình đem cầm lúc nào mà chả được. Ai dám thắc mắc.” Người đàn ông hạ giọng như sợ ai nghe được. “Nữ trang phải không? Thấy đi tay không thế này là biết nữ trang rồi. Có nhiều người tưởng hai bàn tay trắng nhưng giầu phải biết.” Người đàn ông nhìn tôi. Góc mép nhếch lên một khóe cười đầy dấu hỏi.
Tiếng máy đánh chữ chợt ngưng lại sau bức bình phong nhưng không thấy người nào ló ra. Rồi tiếng máy lại gõ rào rào. Tôi bỗng tò mò. Tôi hình dung đến mười ngón tay thon thoăn thoắt gõ lên khung máy chữ. Một bà già làm thư ký lâu năm. Cũng có thể là một cô gái. Nhưng chuyện ấy đâu ăn nhằm gì đến tôi.
“Nhẫn cưới hay đồng hồ? Dạo này sao lắm người cầm nhẫn cưới thế không biết, thời buổi kinh tế xuống dốc, tình yêu cũng xuống theo. Đâu nào, đưa tôi xem. Nhẫn có đính hột xoàn không?” Giọng người đàn ông lên xuống nhịp nhàng, xen kẽ cái tò mò và niềm hoan hỉ.
“Ơ. Ơ…” Lời nói ngập ngừng trong cuống họng. Biết nói thế nào đây. Tôi nuốt nước bọt. Cổ họng chợt khô đắng.
“Cứ đưa tôi xem, chả ai cười chê gì. Tình yêu cũng có lúc xuống lúc lên như thủy triều, như giá vàng, như chỉ số thị trường chứng khoán. Nhẫn cưới hay đồng hồ? Cậu sáng sủa đẹp trai thế này thì chắc không đến nỗi phải đem nhẫn cưới đi cầm.” Tiếng cười chợt vỡ ra, tung tóe trên mặt tủ kính bày đầy những đồng hồ, dây chuyền, bật lửa ga đắt tiền, dao găm Thụy Sĩ, máy chụp hình, máy hát nhạc loại bỏ túi, điện thoại di động. Đủ thứ, đủ loại.
“Thưa ông. Tôi có cái này.”
Tôi luồn tay vào dưới áo, hóp bụng lại lôi ra một xấp giấy, gói trong bọc ny lông.
Con mắt người đàn ông sáng lên rồi bỗng dưng tối lại. “Giấy tờ gì thế này?”
“Thưa ông. Đây là… Đây là…”
Chữ nghĩa lấp ló đâu đây bỗng thụt sâu vào ngõ tối. Tôi loay hoay như đứa bé đang sắp tuột mất sợi dây nối tiếp con diều đang liêu xiêu trong khoảng xanh mịt mùng.
“Gia phả hả? Hay là bài thuốc gia truyền?”
“Thưa không. Đây là bản thảo.”
“Bản Thảo?”
“Dạ. Bản Thảo.”
“Bản Thảo gì?”
“Thưa ông,” tôi hít một hơi dài và thở ra thật nhẹ. “Bản thảo một cuốn tiểu thuyết.”
Người đàn ông buông rơi hai cánh tay xuống hai bên thân mình. “Tiểu thuyết à? Đã xuất bản chưa? Nếu chưa mới có giá trị.”
Ý nghĩ chạy dọc trong đầu tôi như những ngọn đèn theo nhau thắp sáng một đoạn đường u tối. Trong thoáng giây, tôi cảm thấy yên lòng. Người đàn ông này xem ra cũng hiểu giá trị của chữ nghĩa. Đứa bé trong tôi chợt hí hửng. Tôi dán vội một nụ cười lên môi.
“Thưa… chưa xuất bản lần nào.”
Cái đầu nặng trĩu gật gù trên chiếc cổ bạnh. Rồi cái đầu bỗng dưng sựng lại.
“Bản thảo tiểu thuyết thất lạc chắc? Của ai vậy? Hemingway, Steinbeck? Hồi xưa đi học làm luận văn về mấy cha nội này nhức đầu muốn chết!”
Nụ cười trên môi tôi vón tròn lại, rơi bệt xuống nền nhà, lăn tròn trên nền xi măng.
“Không phải của mấy ông ấy, bác à.”
“Faulkner chăng?”
“Cũng không.”
“Uổng quá vậy. Thế của tác giả Việt Nam mình à?”
Tôi ngập ngừng gật đầu.
“Tác giả Việt Nam mình ở hải ngoại cậu có biết ông Vương Tôn với ông Hồ Thiên Ý không?”
Ông Vương Tôn, ông Hồ Thiên Ý thì tôi biết, hai ông ấy có mấy cuốn sách đình đám. Mấy cuốn sách được văn giới và bạn bè họ xúm vào công kênh. Cuốn Đời Đời Kiếp Kiếp của ông Vương Tôn được bao nhiêu nhà phê bình viết bài khen ngợi. Cuốn Trường Thiên Thế Kỷ của ông Hồ Thiên Ý cũng vậy. Bao nhiêu người viết mong được như hai ông ấy. Tôi thấy tôi – ít nhiều – cũng lọt vào cái đám nhập nhằng khát khao ấy.
Tôi rụt rè, “Dạ biết.”
“Phải bản thảo của hai ông ấy không?”
“Dạ không.”
“Chẳng lẽ của cậu?”
Tôi ngần ngại gật đầu.
Người đàn ông ngơ ngác một giây rồi bật cười tung tóe.
Từ sau tấm chắn nơi vọng ra tiếng máy chữ mà mới một phút trước còn rộn ràng chợt ló ra một khuôn mặt con gái. Tóc xõa sau vai. Mắt tròn. Môi đỏ.
“Giời ạ, tôi mua cái thứ quỷ này làm gì.” Người đàn ông gằn giọng.
Mặt tôi bừng nóng. Tôi nói vội, thật nhỏ giọng, bởi không muốn cái người tóc xõa sau vai kia nghe thấy. “Dạ không, bác không phải mua. Bác chỉ cầm giùm vài hôm.”
“Cầm giùm. Cầm giùm. Cầm để cúng ông bà ông vải tôi ấy à.”
Nét mặt người đàn ông cứng lại. Trong giây lát tôi thấy mình đang đối đầu với một tảng đá; tảng đá mà ai đó đã khắc lên khuôn mặt một con người.
Tôi bối rối tháo cúc áo bụng, cẩn thận nhét xấp bản thảo vào giữa da bụng và lớp vải, luồn một phần ba xuống dưới dây thắt lưng quần. Rồi không một lời chào – tại sao phải chào một phiến đá – thất thểu bước ra khỏi tiệm cầm đồ, lọt ra vùng băng giá, suýt nữa đụng phải một người đàn bà đang lơ đãng nhìn những đôi giày cao gót dàn hàng ngang trên mặt kệ.
Tôi kéo cao cổ áo, co ro bước xuống lề đường. Tuyết viền trắng kẽ nối những viên gạch vuông vức mặt đường như những đường kẻ trên cuốn vở cho trẻ con tập vẽ.
Cơn tuyết mỏng đầu mùa. Đầu mùa nhưng cái lạnh đã buốt da. Tôi đi. Tôi lầm lũi đi. Đèn đường chớp tắt. Đỏ đỏ, xanh xanh. Tôi kéo cổ áo lên thật cao cho bớt lạnh. Tôi lầm lũi bước đi. Tôi thấy bóng tôi dài ra rồi ngắn lại. Rồi lại dài ra, ngắn lại. Tôi thở khói bay mịt mù như con rồng không khạc ra được ngụm lửa nào mà chỉ phun toàn những khói. Tôi cứ vác cái đầu nặng nề trên hai vai và bước đi như thế xa khuất những ngọn đèn đường. Và tôi thấy tôi lạc vào một khu công viên nhỏ bé. Vương Tôn. Hồ Thiên Ý. Dễ gì được như hai ông ấy. Những đỉnh cao văn học Việt Nam ở nước ngoài. Hai cuốn sách Đời Đời Kiếp Kiếp và Trường Thiên Thế Kỷ tôi cũng có đọc qua. Tầm thường và nhàm chán nhưng thiên hạ xúm vào ca ngợi.
Có hai bóng người ngồi co ro bên đốm lửa lập lòe. Tôi tiến về phía họ. Hai bóng người quấn đầy giẻ rách trên người. Họ ngước lên nhìn tôi. Rồi lại cúi xuống hơ tay trên đốm lửa lập lòe cái khung sắt thiên hạ dùng để nướng BBQ vào mùa hạ. Tôi nhìn ngọn lửa nhảy múa trong vỉ sắt. Những cành cây gẫy, những miếng bùi nhùi, những chiếc lá ẩm ướt tỏa khói làm cay mắt. Tôi tiến lại bên họ. Hai cái đầu ngẩng lên. Bốn con mắt nhìn. Một già, một trẻ. Có vẻ như hai cha con. Hay là hai ông cháu. Người đàn ông gật đầu ra dấu. Tôi cười với họ. Rồi tôi ngồi xuống bên họ. Cậu bé nhích qua một bên nhường cho tôi một chỗ. Người đàn ông chỉ tay vào bếp lửa. Bàn tay đeo cái găng rách hết những đầu ngón tay. Tôi hơ hai tay trên những lưỡi lửa chập chờn. Người đàn ông mỉm cười. Những nếp nhăn chằng kín khuôn mặt.
Trong thoáng chốc tôi trở thành một người vô gia cư. Cái lạnh nhập nhằng trên vai, trên cổ nhưng hai bàn tay thì nóng ran hơi lửa. Tôi nhìn người đàn ông, rồi tôi nhìn cậu bé. Rồi tôi mỉm cười với họ. Ngọn lửa càng lúc càng yếu ớt. Những chiếc lá ướt không chịu bắt lửa. Khói tỏa cay mù con mắt.
Tôi nghĩ đến hai nhà văn lớn. Vương Tôn. Hồ Thiên Ý. Họ tìm đâu ra mà lắm bạn bè. Họ ban bố cho đời những tác phẩm được công kênh khắp chốn. Nhắc đến họ, chẳng cần thêm hai chữ “nhà văn” trước cái tên đình đám. Vương Tôn. Hồ Thiên Ý. Thế đã quá đủ. Tôi luồn tay vào bụng. Người đàn ông nhìn tôi ngạc nhiên. Cậu bé liếc sang tôi với chút nghi ngại trong ánh mắt. Tôi lôi xấp bản thảo ra. Bốn con mắt dán vào xấp giấy. Tôi gỡ chúng ra khỏi cái bọc ny lông. Tôi gỡ từng trang, từng trang, bỏ vào khung sắt. Những trang giấy nồng nàn bắt lửa. Ánh lửa lóe sáng khuôn mặt người đàn ông, thắp sáng nụ cười trên môi cậu bé.
Trong ánh lửa bập bùng, tôi thấy những nhân vật của tôi vẫy tay chào. Những cái vẫy tay tạm biệt thường thấy ở sân ga. Như những kẻ tiễn đưa, tôi muốn bám lấy khung cửa con tàu, nhảy lọt vào một toa, theo những nhân vật đã bao mùa màng chia sẻ với mình nỗi vui cùng niềm thất vọng.
Tôi không bao giờ bén mảng lại cái tiệm cầm đồ ấy nữa. Mỗi khi có việc phải đi qua khúc đường ấy, tôi luôn đổi sang lề đường bên kia.
Vậy mà tôi đâu có thoát.
Tôi gặp lại khuôn mặt trái soan, mái tóc thả hai bên vai và đôi mắt tròn một buổi chiều cũng vẫn mùa đông ấy nhưng là buổi tàn đông, tuyết tan, cây trổ lá mướt xanh, trời hắt nắng xuân rạng rỡ.
“Tôi muốn nói với ông một điều mà chẳng bao giờ gặp được ông.”
“Gặp tôi làm gì?” Tôi hỏi với tất cả ngại ngần trong từng thớ thịt.
“Ông cậu tôi… Tiệm cầm đồ của ông cậu tôi… Tôi muốn giải thích…” Con mắt chớp nhanh bối rối.
Nhưng tôi mới là cái kẻ cần phải bối rối lúc này. Tôi nhìn con mắt ấy. Rồi tôi nhìn khóe môi đỏ. Khóe môi mấp máy, “Ông có quen hai ông nhà văn Vương Tôn và Hồ Thiên Ý không?”
Tôi gật đầu.
“Hai ông ấy đem bản thảo lại tiệm cầm đồ của cậu tôi. Hai cuốn Đời Đời Kiếp Kiếp và Trường Thiên Thế Kỷ đấy, ông biết không?”
Hai cuốn ấy tôi biết. Quảng cáo rầm rộ. Ra mắt sách ầm ỹ và tay chân bạn bè ca ngợi thấu trời xanh ai mà không biết. Nên tôi lại gật đầu.
“Hai ông ấy đem bản thảo chép tay lại cầm, ông cậu tôi đâu biết hai ông ấy đã chụp bản sao, tôi cũng mê đọc sách Việt, tôi thấy họ ra mắt sách đúng hai cuốn mà tập bản thảo hai ông ấy đem đi cầm, ông cậu tôi không theo dõi nên không biết, nên cậu tôi vẫn cứ chờ hai ông ấy đến chuộc lại.”
Tôi tròn hai con mắt. Tôi á khẩu. Tôi không ngờ hai nhà văn lớn ấy ngoài tài viết văn, ngoài tài móc nối, lại còn mưu mẹo khôn lường.
“Tôi phải giấu hai xấp bản thảo dầy cộm ấy đi, sợ cậu tôi biết, ông ấy sẽ buồn.”
“Tôi xin lỗi,” tôi ngập ngừng nói với đôi môi đỏ.
“Bản thảo bữa hôm trước của ông, ông có dự tính…”
“Tôi bỏ rồi,” tôi ngắt lời của đôi môi đỏ. Hình ảnh hai khuôn mặt ốm o dưới ánh lửa bập bùng của những trang bản thảo mới chỉ một mình tôi đọc thắp sáng trong trí tôi. Hai cha con cái nhà ông vô gia cư ấy bây giờ ở đâu?
“Tôi xin lỗi.” Tôi lập lại cái câu vô nghĩa.
“Tại sao lại xin lỗi?”
“Xin lỗi giùm hai ông Vương và Hồ.”
Cô gái kéo sát cổ áo, chặn cơn gió vừa lùa qua và cô bỗng cười thật tươi.
Khi không tôi cũng cười theo. Và tôi hít đầy không khí mùa xuân vào lồng ngực. Cái lồng ngực hom hem như cái khung sắt vênh vẹo, cái khung èo uột chắc cả đời cũng chẳng giam giữ được ai.