Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 12, Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Trở đá

0 bình luận ♦ 11.11.2006

 

Mười năm nay cứ khoảng lúc giữa mùa mới này thì dân chúng thả bộ, dạo vòng vòng quanh vùng biển Tamarama & Bondi, xem tượng điêu khắc. Triển lãm “Sculpture by the Sea” kỳ này (2 – 19/11, Sydney) có điểm thích thú là những bức tượng mười người bạn nhỏ. Đọc báo thấy mười tên này cũng lang thang không kém ai, đã từ Blue Mountain (Núi Xanh, “xanh mãi trên đồi hoang” của Thầy TS) ngang qua Phố Tàu trước khi về đây, đứng trụ giữa cát, đá và bụi biển.
Thăm tượng đá Sydney năm nay, tôi nhớ tới Bãi Đá năm nọ.
Năm đó, tới Bãi Đá, trời cũng đã chiều. Đường quê cũ về thăm, vui thì có mà sao xấu quá, xe chạy một lúc, nghĩ xuống đi bộ chắc nhanh hơn.
Mấy tháng trước, ông Biển trở đá trên vùng Bãi Lội, được vài hôm rồi đi đâu mất. Tuần rồi, mới có người phong phanh là ông đã đến Bãi Đá. Trên đường, tôi hỏi anh Lục, “Anh có chắc hôm nay ông Biển ra bãi không?”. “Cô cứ hỏi hoài, đã bảo hôm nay ổng ra mà. Cô trở đầu về bây giờ thì cũng đã trễ, theo anh đi.”
Hỏi ảnh cho có vậy thôi chứ lần này tôi háo hức muốn đi xem ông Biển trở đá lắm. Nghe danh ông ấy hoài, mấy tháng trước cứ lần lữa, kẹt chuyện này, bận việc khác, ngẫm nghĩ rồi tiếc. Người ta nói về ổng nhiều. Ai bây giờ ngồi quán uống cà phê cũng nói về ông Biển trở đá, ăn trưa ăn sáng cũng hỏi chuyện ông Biển trở rùa. Hôm nọ, ngồi sau xe ôm, anh lái cũng ráng quay đầu ngạc nhiên hỏi “Cô chưa đi ông Biển hả? Định khi nào?”
Hỏi thì họ cũng không biết ông ấy tên là gì, hay quê từ đâu đến. Chỉ biết ổng hay trở đá trở rùa những vùng gần biển, bèn gọi “ông Biển” cho dễ nói chuyện.
Chiều trên biển hơi lạnh, Bãi Đá cũng không đông người lắm. Nhìn độ chừng, khoảng ba bốn ba lăm, vài gia đình có con nhỏ, sáu bảy cô gái, còn lại đa số đàn ông lớn trung trung. Trên bãi cát, có ba tượng đá cao xê xích khoảng nửa thước, màu hơi xam xám (không hiểu vì trời chiều sắp tối?), da đá nhẵn rờ vào lại thấy âm ấm.
Anh Lục với tôi đứng cạnh một gia đình có 2 đứa con nhỏ, con trai trạc mười, bé gái còn trên tay mẹ. Ông Biển chân đi không, đứng trên cát ướt như muốn bắt sóng. Người xem, có kẻ trên cát, có người đứng xa hơn một ít, còn lại tụ ba tụ bốn. Ông nói, tôi nghe lời được lời không, chỉ thấy tay lúc khua lên xuống, lúc ôm vào như đang giải thích điều gì.
Một chốc sau, người đàn ông bên cạnh tôi cúi xuống nói nhỏ nhỏ vào tai thằng con trai mười tuổi, gương mặt hớn hở. Thằng bé bước nhanh tới cạnh ông Biển, đưa tay vẫy vẫy, miệng cười như ngày đi ăn giỗ. Đã được anh Lục cho biết trước, tôi chăm chú nhìn thằng bé cạnh ông Biển, chờ xem nó đi lúc nào. Nghe ông Biển hét một tiếng lớn, cùng lúc dẫm mạnh gót chân phải xuống cát, nơi thằng bé đứng khoảnh khắc trước chỉ còn lại một con rùa nhỏ bằng bàn tay, màu trăng trắng (không hiểu là vì ánh trăng ?), hai càng nhỏ như tư lự một lúc. Chốc sau sóng trườn lên, qua chân ông Biển, trở xuống kéo con rùa theo. Mới đầu còn thấy dạng trắng trong nước, thêm một đợt sóng tiếp, tôi nhìn mãi không thấy nó đâu nữa.
Anh Lục và mấy người đứng cạnh cặp vợ chồng quay qua vỗ vai bắt tay họ, nói vài câu chúc mừng cho bé đã đi được suông sẻ, không bị vướng lại trên cát lâu. Hai vợ chồng mặt mày vui vẻ, trả lại mấy tiếng cám ơn. Anh Lục kề tai tôi giải thích “Đứa nào còn nhỏ thì ổng cho hóa rùa, còn lớn như tụi mình thì phải thành đá tượng. Anh thực tình không hiểu ổng làm sao trở đá trở rùa được, cô chắc cũng không hiểu. Nhiều người cho là họ hiểu lý do, giải thích động lực này căn cơ nọ. Cô biết là ai cũng có ý kiến về việc ông Biển trở đá trở rùa, nhưng không mấy người chịu đi. Tụi mình khác với họ là cũng vì mình còn lòng tin, tin ở cõi vĩnh cửu. Người không tin thì không dám bước tới, không trở đá trở rùa được.”
Ngưng một bẵng, anh Lục quay qua hỏi “Anh đi đây, cô tính sao?” Tôi nhìn anh, cảm cái lạnh từ bụi biển trên gáy, “Anh đi trước. Em còn kẹt, con bé chưa thi tú tài. Chắc chờ cháu nó xong xuôi mới tính được. Anh đi trước vài năm có hề gì, trở đá rồi, anh mãi cũng còn đây”.

Anh Lục ôm tôi. Trong giữa những giao động từ gió biển, tiếng sóng kéo rì rào trên cát, đập vào bờ đá cuối bãi, giọng người quanh đây ú ớ, có mấy tiếng chim ang ác. Anh Lục nhìn ông Biển, gật đầu. Một tiếng hét lớn, cùng lúc với gót chân phải đạp mạnh xuống cát, nơi anh Lục đứng, có một tảng đá xám. Tôi đến gần, tay xoa mặt đá âm ấm, nói nhỏ “Thôi anh đi vui nhé. Thế nào vài năm nữa mình cũng gặp lại.”
VL

 

 

bài đã đăng của vi lãng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)