Trang chính » Chuyên Đề, , Phỏng vấn, Văn Chương Thiếu Nhi Email bài này

“tìm lại những rung động cũ”: vi lãng trả lời phỏng vấn chuyên đề văn chương thiếu nhi

0 bình luận ♦ 12.11.2020

 

 

(1) Những tác phẩm thiếu nhi hoặc thiếu niên nào đã gây ấn tượng sâu đậm với bạn trong thời đi học/đang lớn? Tại sao?

Trước hết, cần minh xác về định nghĩa ‘thiếu nhi/thiếu niên’. Có lẽ ‘thiếu nhi’ là dễ rồi. Cứ xem khi cắp sách vào tiểu học là thiếu nhi đi. Sang những năm đầu trung học đến khoảng hết đệ nhất cấp (hết lớp 9), có thể gọi là thiếu niên. Những năm cuối cùng trung học, dù chưa hết tuổi ‘teen’ (13-19, thirteen-nineteen) như ở nước ngoài, nhưng cũng đã là lớn. Với chiến tranh thời đó, học lớp 10, xuống đường biểu tình chống chế độ quân chủ, bị ngửi lựu đạn cay, bị bắt bớ vào bót, bắt vào lính nếu thi rớt tú tài 1, v.v. Tôi không nghĩ tuổi đó còn được gọi là thiếu niên nữa. Thời loạn lạc đổi đời, thanh thiếu niên cũng ‘chín’ sớm.

Những năm tiểu học, bắt đầu từ những truyện cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại về thời những vua Hùng, dã sử, cận sử, có lẽ là những cái đọc hấp dẫn nhất, kéo tôi khỏi đời sống khó khăn để bước vào mơ mộng. Những Trầu Cau, Thánh Gióng, Bánh Chưng Bánh Dầy, Mỵ Nương, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Cổ Loa, Tây Sơn, v.v. Tôi vẫn nhớ lại hình ảnh vua Quang Trung (có lẽ vì có tên tôi nằm trong đó 🙂 ) lẫm liệt, ấn tượng khiến tôi nhiều ngày lấy bút chì vẽ lại ngài, với gươm treo ngang hông, đội nón có chúp nhọn trên đỉnh, đồ lại, vẽ lại từ một tấm hình nào đó trong trang truyện. Lớn chút nữa, tình cờ đọc được truyện về Lưu Nguyễn lạc trên cõi tiên mấy năm trời để khi về lại làng cũ đã mất đi trăm năm (sau này biết về thuyết thời gian tương đối của Einstein, cũng không lấy làm lạ lắm). Cũng nhớ có đọc, và mê, truyện tranh Lucky Luke – lúc nào cũng nón rộng vành, điếu thuốc một bên miệng, tay súng, cỡi ngựa bờm vàng, Doraemon – mắt to, miệng lớn, Xì Trum – da xanh, có khi có kẻ da màu đen, TinTin, Siêu nhân, Người Dơi, Người Nhện,…

Những năm đầu trung học, gia đình tôi phải rời tỉnh miền Trung, vào Sài gòn sống, nên mất liên lạc bạn cũ thời tiểu học. Gia đình lại khá đông con, ba tôi làm sĩ quan cấp Úy, lương bổng cố định hàng tháng, đời sống tạm đủ những chẳng dư giả gì lắm. Lúc đó tôi lấy làm lạ khi thấy bạn bè có ít tiền lẻ để mua sách báo, trong khi anh em chúng tôi chỉ cầm được mấy tờ giấy bạc khi được sai đi ra quán trong cư xá mua báo mỗi cuối tuần. Ăn sáng ở nhà, lúc nhỏ thì đi bộ đến trường tiểu học, lên trung học, xa hơn, đôi khi không có xe nhà thì được tiền đi ‘xe lam ba bánh’ để đến trường. Không có tiền cho bỏ túi như bên nước ngoài, nên không tự mua sách báo theo ý thích được.

Sách truyện đọc được chỉ qua ‘trao đổi’ với bạn bè cùng lớp, cùng xóm. Nói là ‘trao đổi’ cho oai, chứ với tôi chỉ là ‘mượn’. Mượn được một quyển từ bạn bè, đọc ngốn đọc ngáo để phải trả lại nhanh. Còn lại thời đó, báo chí chả có bao nhiêu truyện cho trẻ em, ngoài vài truyện tranh đăng lại từ nước ngoài.

Những năm đó, đầu trung học tôi đọc được vài truyện từ Duyên Anh (Dzũng Đa kao, Bồn Lừa, Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy, Thằng Vũ, Thằng Khoa v.v.), một hai truyện Nhật Tiến. Lớn hơn một hai năm nữa, tôi đọc được nhiều truyện từ những nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn, mượn từ một gia đình quen lại thích đọc sách (Đoạn Tuyệt, Con Đường Sáng, Anh Phải Sống, Dọc Đường Gió Bụi, Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân, Trống Mái, Bướm Trắng, Sợi Tóc, …), hay những truyện dịch từ nước ngoài (Ngàn Lẻ Một Đêm, Cuốn Theo Chiều Gió, Ba Chàng Ngự Lâm, Đỉnh Gió Hú – hình như Nhất Linh dịch, 20000 Dặm Dưới Đáy Biển, truyện từ chị em Bronte, trinh thám Sherlock Holmes, truyện Z28, …)

Thời đó, không mấy ai tránh khỏi truyện tàu. Không có tiền để mua, hay mượn từ tiệm cho mướn sách, tôi chỉ đọc ké, nhờ vào lòng tốt bụng của những chủ tiệm. Những năm đó, tôi hay đi bộ ra phố Lăng Cha Cả, gần chợ (lớn chút nữa, có xe gắn máy hai bánh, tôi chở má tôi đi chợ, vào quán đọc nhờ khi chờ bà mua xong). Có một tiệm cho mướn sách/truyện, người chủ tiệm biết tôi chẳng có tiền bạc gì trong túi, nên tốt bụng cho tôi ngồi trên một ghế thấp trong góc, muốn đọc gì thì đọc, miễn không đem ra khỏi. Tây Du Ký, những bộ kiếm hiệp Kim Dung, Đông Chu, Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Liêu Trai Chí Dị, v.v.

Thơ thì tôi không đọc được bao nhiêu, phần vì bạn bè ít đọc, tôi cũng chưa ‘thấm’ gì với thơ, trừ hai năm cuối trung học. Lúc đầu thì có đọc thơ tiền chiến: Xuân Diệu, Huy Cận, TTKH, Hàn Mặc Tử, … Thơ mới hiện đại thì cũng chỉ vài tập, đọc cóm trong tiệm sách, hoặc ngoài vỉa hè. Dăm ba bài Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương, thơ điên Bàng Dúi. Cứ đi lang thang dọc hai ba con đường bán sách vỉa hè thời đó, sách để chồng chồng đầy lề đường. Cầm quyển này lên, thấy ảnh bìa cuốn mắt, lật ra đọc được vài trang thơ xem thử, rồi lại phải để xuống. Hai năm cuối trung học, trước khi ra nước ngoài, thơ có lẽ dễ đi vào hơn, khi được nghe qua lời ca từ những bản nhạc ở quán cà phê (Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Cung Tiến, …)

(2) Lúc đó bạn thường hay đọc những thể loại văn chương nào?

Chắc là truyện văn chương và kiếm hiệp Kim Dung.

(3) Xin hãy kể lại những phương tiện sách báo vào thời điểm đọc sách thời đó: bạn mượn sách từ thư viện nhà trường, từ nơi cho mướn sách, được gia đình mua sách cho đọc, hay tự để dành tiền mua sách báo, v.v.?

Ba má tôi không đọc gì nhiều trừ báo ngày, tôi không có được tiền túi nên không mua được gì. Đa số là mượn từ bạn bè, và đọc ké trong tiệm cho mướn/mượn.

(4) Bạn nhận được những thông tin hoặc nhận xét về các tác phẩm thịnh hành/đáng đọc từ đâu: bạn bè, nhà trường, người thân, v.v.?

Chỉ từ bạn bè thôi. Mà cũng không ‘nhận xét’ gì, ai có và đọc rồi thì mượn đọc nhanh để người khác đọc.

(5) Bạn có thường trao đổi về những tác phẩm, hay những nhân vật mà bạn yêu thích với bạn bè? Ở lứa tuổi nào bạn bắt đầu có những trao đổi về sách báo, văn chương?

Cũng ít thôi. Tôi có vài ba người bạn thích đọc nên cũng thường trao đổi quan điểm, Bạn bè đa số là học ban B, nên có lẽ không để ý nhiều đến văn chương như những bạn học ban A hay C.

(6) Những tác phẩm, nhà văn, hay những nhân vật ấn tượng này có làm bạn muốn trở thành một người viết? Tại sao (có hay không)?

Tôi không nghĩ đến việc muốn trở thành người viết. Đọc, là chỉ vì thích, nhất là khi không có điều kiện.

(7) Bạn có bao giờ đọc lại những tác phẩm ngày còn bé hay mới lớn? Cảm giác sau (những) lần đọc lại ra sao?

Tôi ít khi đọc lại truyện cũ, vì từ lúc qua Úc, văn chương nước ngoài (Âu, Á) thì quá nhiều, mà thời gian mình không có bao nhiêu. Lại thêm ngoài sách về văn chương, còn bao nhiêu thể loại khác cần/muốn đọc. Thảng hoặc, đọc lại vài quyển từ Nhất Linh (cũng mới đọc lại Giòng Sông Thanh Thủy mấy tháng trước), hay thơ cũ (đa phần là thơ thời 60-75). Thơ ngắn, dễ đọc lại, mỗi lần đọc lại thì bao giờ cũng thấy có gì đó mới.

(8) Tại sao bạn vẫn nghĩ về các tác phẩm/nhà văn này? Hoặc, tại sao bạn không còn nghĩ về họ như vậy?

Với sách truyện tiếng Việt, người viết Việt, tôi muốn tìm lại những rung động cũ, mà đời sống những năm đó (mấy năm trước ngày rời nước, cuối ’73) qua quá nhanh, không có thời giờ để đọc kỹ.

(9-10) Theo bạn thì một tác phẩm viết cho thiếu nhi/thiếu niên, nếu thành công, phải hội đủ những yếu tố nào? Tại sao?
– Một tác phẩm viết cho thiếu nhi/thiếu niên có nên bảo vệ tinh thần trẻ em/thiếu niên, tránh những đề tài có thể làm các em bị sốc, tránh đoạn kết bi thảm, hay không? Đề tài, đoạn kết nào nên được tránh? Tại sao (nên/không nên tránh)?

Cái khó là viết cho hợp sự phát triển tâm lý và tri thức của người đọc. Tôi mạn nghĩ không cần, và không nên, viết táo bạo quá cho trẻ em. Khơi dậy óc tò mò, trí tưởng tượng, đừng gán ép những quan điểm tôn giáo, chính trị, bạo lực, hãy để trẻ em tự nhiên phát triển quan điểm riêng mình khi đến lúc.

VL

bài đã đăng của vi lãng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)