Trang chính » Bàn Tròn, Bàn Tròn: Nghệ Thuật & Chính Trị, Biên Khảo, Nhận Định Email bài này

Khi kẻ đồng lõa là nhà văn

LTS: Trong cùng chiều hướng với việc giới thiệu “Hội nhập và Nơi chốn” của nhà văn Đặng Thơ Thơ trên tạp chí Da Màu gần đây, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu tham luận “Khi Kẻ Đồng Lõa là Nhà Văn” của nhà văn Phùng Nguyễn (đăng lần đầu tiên trên diễn đàn Hội Luận Văn Học nay tạm ngưng hoạt động vì lý do kỹ thuật).
“Hội nhập” hay “Hòa hợp hòa giải,” bất kể như là một ý niệm hoặc một tiến trình, luôn là một con đường chông gai cho những ai muốn khai triển hoặc thực hiện, bởi vì cuộc hành trình bắt đầu với sự tranh đấu với chính mình.

Thực ra tôi thích nghĩ về chủ đề “Hội nhập” trên mạng Hội Luận Văn Học Việt Nam (HLVHVN) như là một nỗ lực tạo điều kiện cho những thảo luận nghiêm chỉnh về một khả năng hoà giải giữa những người làm văn học của những mảng văn học Việt Nam khác nhau tùy thuộc vào điều kiện địa lý hoặc/và chính kiến. “Hoà giải”, đối với tôi, nếu cần phải giải thích, chỉ đơn giản là tiến trình xóa bỏ những ngộ nhận để đạt đến một cảm nhận trung thực về mình và người. Ở đây, Mình đến trước Người.

Bằng cách lướt qua một số những bài tham luận, trả lời phỏng vấn, và những phản hồi tương tác của các tác giả/độc giả tham dự trên HLVHVN và trên diễn đàn talawas.org, chúng ta có thể nhận ra vài phản ứng tiêu biểu về sự cần thiết của “hội nhập,” hiểu theo nghĩa tôi trình bày ở trên. Một số người kết luận “hội nhập” hoàn toàn không cần thiết, và trong cùng một lúc không nhất thiết đồng ý với nhau về lý do của sự không cần thiết này. Một số khác, trong khi không tuyên bố là không cần thiết, có vẻ như đặt mình vào vị trí của người đã nắm vững tinh túy của khái niệm hoà giải hoặc đã hoàn tất công trình này nên “hoà hợp – hoà giải” với chính mình hay với tha nhân không còn là một vấn đề đáng quan tâm. Số còn lại, ghi nhận sự cần thiết của hội nhập, nhưng, một cách đáng tiếc, dừng lại ở phía bên này của lằn ranh phân cách trừu tượng và cụ thể.

Nếu có điều gì tôi thích ở “Im lặng của biển cả” của Trần Văn Tích (TVT), và có thể kể thêm một số trao đổi của ông trong phần “Ý kiến ngắn” của talawas, chính là sự thẳng thắn. Chưa sạch bóng quân thù thì ta không thèm chơi. Rất quân tử Tàu. Rất Hứa Do, Sào Phủ… tân thời. Chỉ tội cho đám nhà văn nhà thơ trần tục (trong đó có tôi) phải uống nước đục ở cuối giòng! Câu hỏi ở đây là liệu phản ứng thẳng thừng này, bên cạnh việc tránh né đưa ra giải pháp cho vấn nạn được sử dụng như là lý do của sự tẩy chay hội nhập, có thực sự giúp thay đổi mảy may nào hiện thực của bất cứ ai, kể cả của TVT, ngoại trừ việc làm dầy thêm lớp vỏ phòng thủ của chính mình? Trong một ý kiến ngắn trên talawas, TVT sử dụng cụm từ “tiếng hát nhân ngư” khi nhắc đến “các lời kêu gọi hoà hợp hoà giải, giao lưu hội nhập do người trong nước đưa ra khi mà đảng cộng sản còn độc quyền cai trị, dù nhân danh bất cứ điều cao cả nào…” Tôi không biết chắc “người trong nước” gồm những ai bên cạnh nhà nước cộng sản, nhưng tôi có thể đọc thấy niềm hoài nghi trộn lẫn với sợ hãi tương tự như phản ứng của giới cầm quyền trong nước khi nghe đến “diễn tiến hoà bình.” Một cách đơn giản, tôi không nhìn thấy sự dọa nạt của các từ hoà hợp hoà giải, giao lưu hội nhập, diễn tiến hoà bình. Nếu có ai đó, kể cả chính quyền cộng sản, cung cấp cho tôi một nơi chốn để tôi có thể vào đó phản đối những điều cần phản đối, thậm chí chửi rủa những đối tượng xứng đáng được đối xử như thế, mà không lo phải tù tội thì tôi sẽ không bỏ qua cơ hội. Những hoài nghi kiểu “diễn tiến hoà bình” này chỉ có thể hiểu được nếu đến từ người trong nước, kể cả “người trong nước” theo cách dùng của TVT, bởi vì tù tội là điều hoàn toàn có thể xảy ra!

Một số độc giả rõ ràng không đồng ý với một vài phát biểu của nhà văn Ngô Tự Lập (NTL), nhưng những trao đổi qua lại thực ra không liên quan gì nhiều đến đề tài “Hội Nhập.” Tôi thì cho rằng NTL hoàn toàn có quyền phát biểu nhận định của mình về nền tự do ngôn luận của Mỹ, cũng như Gareth Porter có quyền khẳng định không hề có cái gọi là Thảm Sát tết Mậu Thân ở Huế và Noam Chomski phủ nhận tội diệt chủng của Khmer Đỏ. Đây là những nhận định độc lập của cá thể dựa trên quan điểm, kiến thức, và khả năng tư duy của mỗi cá nhân. Tôi chỉ cảm thấy lo ngại về sự lạc quan của NTL khi ông tuyên bố, “Thú thật, không rõ từ lúc nào, tôi thấy vấn đề hội nhập trong ngoài không còn quan trọng. Thậm chí, ít nhất với tôi, nó có vẻ không còn là ‘vấn đề’ nữa. Nó đang dần dần chuyển thành vấn đề của các nhóm khác nhau về quan điểm chứ không hạn chế về địa lý“. Đây là một kết luận sâu sắc, cũng sâu sắc không kém cái kết luận về tự do ngôn luận kiểu “Bin Ladin” của Hoa Kỳ. Có điều, NTL đã không chịu bỏ công giải thích cho độc giả cái giới hạn của “hội nhập” mà ông đã khoanh vùng và bơi lượn thoải mải trong đó. Tôi e rằng “hội nhập” của NTL không lớn hơn cái bồn tắm ông nhúng mình vào lần cuối cùng trong dịp viếng thăm xứ Mỹ mới nhất của mình.

TVT, NTL là những người rất tự mãn, nhưng xem ra chưa thể so sánh được với Đỗ Kh. (ĐK). Có một số bạn đọc bày tỏ sự ngưỡng mộ bài tham luận “Cái khó của hoà giải là làm hoà với kẻ khác” của nhà thơ/nhà lý luận này, nhưng tôi rất tiếc không thể chia sẻ với họ điều này. Trước hết, tôi không hiểu tại sao ĐK lại ngượng chín cả mặt khi có ai đó chứng kiến anh đang “hoà giải” với chính mình, trừ phi ĐK đánh vần sai be bét hoặc tôi trông gà hóa cuốc, đọc sai be bét một cụm từ nào khác thành “hoà giải.” Thêm nữa, tại sao lại có mặt những ví dụ/dẫn chứng về “sự đọc” của Stalin mà lại vắng mặt những dữ kiện về số Bạch vệ đã thoát khỏi cảnh lưu đày ở Siberia nhờ vào khả năng đọc và yêu thích Bulgakov của nhà độc tài tiếng tăm này? Nhưng vượt lên trên những điều lặt vặt đó là cung cách đọc “vượt lý lịch” rất đáng khâm phục của ĐK. “… tôi không dùng chính sách lý lịch để thanh lọc cái đọc của tôi, trong hay ngoài, đồ đen hay đồ bông, cờ vàng hay là cờ đỏ“. ĐK đã nói như thế. Và tôi ghen tị đến xanh rờn cả người. Tôi nghĩ nếu nó (hoà giải trong giới làm văn học) là việc đọc, thì trước hết cần phải có “cái để mà đọc”. Trong khi điều này xem ra không hề là vấn đề cho ĐK, “nó” luôn luôn là một vấn đề to tát cho rất nhiều độc giả khác, ngay cả những độc giả nặng kí, những nhân vật quan trọng và có thẩm quyền trong lãnh vực văn hóa văn nghệ của nước nhà.

Cách đây ít năm tôi có hân hạnh đọc bài tham luận mà học giả Hoàng Ngọc Hiến (HNH) giao nộp cho William Joiner Center (WJC) trong đó tác giả trình bày những nhận định của mình về văn học hải ngoại. Tôi rất lấy làm khâm phục HNH vì thực ra không dễ dàng gì để sản xuất một bài viết nghiêm túc, đồ sộ 35000 chữ về một nền văn học đã có mặt khoảng 20 năm, gồm hàng trăm tác giả, hàng ngàn đầu sách, và hàng đống dây mơ rễ má với một nền văn học khác (cũng có bề dầy 20 năm) chỉ với mớ kiến thức đến từ một thu lượm bắt đầu và chấm dứt ở một thời điểm nào đó giữa một lục cá nguyệt! Nhà học giả này đã, trong một khoảng thời gian kỷ lục, tranh thủ tìm hiểu về những tác giả và tác phẩm mà ông chưa hề có cơ hội làm quen trước đó, đơn giản chỉ vì đã không hề có được trong tầm tay để chỉ làm quen! Chuyện “đọc” với một giáo sư hàng đầu trong việc chuyên trị văn chương nước nhà mà còn khó khăn như thế, làng nhàng như tôi thì lấy gì mà đọc đây. Mà không đọc của kẻ khác (địa ngục là kẻ khác) thì lấy gì để quyết định có nên “vượt lý lịch” hay không! Thêm nữa, không những là của “tha nhân” mà của “người nhà” với nhau cũng chưa chắc đã có thể đọc nhau đâu đấy nhà thơ ĐK thân mến ạ. Có nghe vụ “Trần Dần – Thơ” mới đây?

Trừ phi ĐK bỏ công chia sẻ kinh nghiệm thu thập “cái để đọc” và quá trình xây đắp cái khả năng “đọc vượt lý lịch” để đám dân dã chúng tôi học hỏi, đành phải kết luận là bài tham luận của ĐK chỉ nên dành/áp dụng cho giới bourgeois văn học đầy đặc quyền trong và ngoài nước, đại diện bởi, theo thứ tự, thiếu tướng công an Khổng Minh Dụ (KMD) và nhà thơ ĐK.

“Hoà giải phẫu” của nhà thơ/nhà lý luận Phan Nhiên Hạo (PNH) đọc thú vị hơn nhiều. Tôi vốn thường tìm thấy mình không đồng ý với PNH hoặc với ĐK hoặc với cả hai (khi họ cãi nhau) về một hay nhiều tuyên bố trong bài của họ, nhưng “Hoà giải phẫu”, ít nhất ở phần kết luận, gần như là một ngoại lệ. Một vài chỗ tôi tâm đắc, thí dụ như “Trong đời sống, nhà văn không phải đối thủ ngang sức với giới chính trị. Chỉ một cái bắt tay của nhân vật lãnh đạo, một bữa tiệc mời, nhiều người viết đã nhanh chóng rưng rưng thoả hiệp, đấm ngực bỏ qua tất cả“. Nhưng khi PNH đặt điều kiện như trong đoạn dưới đây “… sự hoà giải, ít nhất trong văn giới, sẽ không thực chất và ích lợi gì nếu không đặt trên đồng thuận chính trị căn bản. Sự đồng thuận, trong thời điểm hiện nay, là tiến đến một thể chế dân chủ…” thì tôi lại thấy PNH hao hao giống nhà nghiên cứu Trần Văn Tích… bị nhúng nước (cho mềm ra một tí ấy mà)! Con gà và cái trứng, nên bắt đầu điều nào trước, tiến hành thể chế dân chủ hoặc tạo điều kiện ngồi cùng với nhau để có thể thỏa thuận về, cùng với những điều quan trọng khác, việc tiến hành một thể chế dân chủ? Trong mọi trường hợp, tôi đồng ý với PNH ở phần trích dẫn dưới đây, ngoại trừ câu tôi cố tình loại bỏ, “việc tảng lờ chính trị không phải giải pháp tốt“. Bởi vì tảng lờ bất cứ điều gì, không chỉ riêng lãnh vực chính trị, cũng không phải là giải pháp tốt: “Sự hoà giải cần được thúc đẩy, nhưng phải trong tinh thần đối thoại thẳng thắn, không tránh né… Một cuộc đối thoại thẳng thắn dĩ nhiên không dễ dàng, có khả năng gây đau đớn. Nhưng đây là sự đau đớn không tránh khỏi trong giải phẫu chữa trị bệnh di căn“.

Như đã đề cập ở trên, PNH là một trong những người đến gần nhất với ranh giới giữa trừu tượng và cụ thể, chỉ tiếc là vị bác sĩ giải phẫu này đã không giới thiệu một vài bệnh nhân điển hình cần đưa lên bàn mổ.
Nhà thơ Thận Nhiên (TN), với hoàn cảnh đặc biệt “một cảnh hai quê” của mình, có cái nhìn khá phóng khoáng về người và việc, nhưng khi chạm đến chuyện “hội nhập,” anh không ngần ngại đứng vào hàng ngũ những kẻ hoài nghi tính thực dụng của hội nhập như là một công trình tập thể: “Tôi nghĩ ngày nay sự cách biệt về giao lưu là một vấn đề/vấn nạn ảo, không có thật, hoặc bị cường điệu hóa. Nếu có thì nằm ở cách nghĩ của từng cá nhân và chỉ từng cá nhân ý thức và giải quyết nó theo phương cách của mình. Biện pháp tốt nhất cho mọi vấn đề của một nghệ sĩ là hãy sống đàng hoàng trung thực và làm việc có hiệu quả trong lãnh vực của mình“. Tất nhiên có nhiều người đồng ý với TN, đặc biệt ở phần “hãy sống đàng hoàng trung thực và làm việc có hiệu quả trong lãnh vực của mình”. Tôi, rất tiếc, xin được không đồng ý. Không có gì sai về phần phát biểu này của TN ở cương vị cá nhân, nơi bất cứ điều gì, việc gì chúng ta làm hoặc không làm chỉ ảnh hưởng lên chính mỗi cá nhân của chúng ta mà thôi. Và đây, tiếc thay, là điều không tưởng, đặc biệt cho những người cầm bút.

Sự cố “Trần Dần – Thơ” song song với sự xuất hiện của mạng HLVNVN là một ngẫu nhiên thú vị. Trong khi một số người có thể không hài lòng với những thay đổi đột ngột trong nội dung cũng như quyết định công bố/không công bố “Thư ngỏ” của quý vị đồng tác giả, tôi cho rằng đây là một cột mốc đáng kể trong tiến trình tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận của giới làm văn học trong nước. Chỉ riêng việc các giới chức liên hệ phải giải thích quanh co và đưa ra những biện pháp hành chánh ngây ngô ở phút cuối để đối phó với khả năng “Thư ngỏ” được phổ biến rộng rãi hơn cũng đã là một dấu hiệu khích lệ. Đây là một trong những vùng đất mới lạ mà giới làm văn học chính thống, hoặc “trong luồng”, đang dọ dẫm khám phá. Ở cương vị người quan sát, cần phải nhận thức được rằng thời gian và sự khích lệ là những yếu tố cần thiết cho bước đầu.

Ở một khía cạnh khác, và không kém phần quan trọng, “Thư ngỏ” bộc lộ một thực tế mà người ta vẫn tránh né, không muốn đề cập ở nơi công cộng: cuộc nội chiến về ý chí vẫn tiếp diễn giữa một bên là giới thống trị và bên kia là giới bị trị. Vũ khí của kẻ yếu thế nhất trong đám bị trị: im lặng khinh bỉ! Điều này được nhắc đến trong bình luận của Phan Bi Thiệt [Thòi?] và trong một số thơ văn “dấn thân” đăng rải rác trên Tiền Vệ, talawas,Da Màu nhân vụ “Bản tuyên cáo của người Việt yêu nước” về sự kiện Hoàng/Trường Sa do một nhóm văn nghệ sĩ “ngoài luồng” khởi xướng trước đây.

Trong mười năm dưới chế độ Cộng sản sau tháng tư 1975, tôi ít nhất có cái may mắn đã không phải trải qua “cơn ác mộng” này với tư cách một nhà văn, nhà thơ miền Nam. Tôi đã không biết gì về những điều văn nghệ sĩ miền Nam phải hứng chịu trong mười năm kế tiếp, thêm mười năm sau đó, và có vẻ đang tiếp tục… Nhưng tôi đã có cơ hội gặp gỡ một vài người trong số họ. Một trong những người đó là nhà thơ Nguyễn Phan Thịnh (NPT). Tôi gặp anh, lần đầu và cuối, ở Sài Gòn, vào dịp Tết Đinh Hợi 2007. Anh nhỏ nhẹ nhưng không nhân nhượng. Tạp chí Hợp Lưu, cùng với những điều tốt và xấu, thực và giả được gán ghép cho nó, đối với anh, là một biểu tượng của đầu hàng. Trong khi tranh luận với anh về nhận định này ở góc nhìn của một người viết hải ngoại, tôi luôn nghĩ đến những nỗ lực tinh thần lớn lao anh phải thực hiện để “giữ mình” trong bao nhiêu năm tháng để được quyền tiếp tục đưa ra một phán xét như thế. Đó là sĩ khí, tôi nghĩ, và đây là điều, trong ba thập kỷ, cho đến thời kỳ cởi trói lần đầu tiên, đã không hề thấy giới sĩ phu Bắc Hà bộc lộ từ sau vụ đấu tố Nhân Văn – Giai Phẩm. Anh ngã xuống không lâu sau lần gặp gỡ vì bệnh nan y, nhưng “những điều anh đã viết xuống, trước và sau khi chiến tranh chấm dứt, dưới một hay nhiều cái tên, sẽ còn đó, lấp lánh trên cao, gởi cái nhìn phán xét xuống những thế lực của trù dập, của bất công, của trá ngụy…” ( Nguyễn Phan Thịnh và những đôi mắt nhân chứng). Trong khi tất cả những trù dập, bất công giáng lên đầu văn nghệ sĩ miền Nam, giới văn nghệ chính thống (nghĩa là có thẻ Hội nhà văn Việt Nam) làm gì, ở đâu? Nói như Nguyễn Đình Chính (NĐC), ốc còn không mang nổi mình ốc. Nhưng tôi e rằng đó không phải là tất cả lý do. Còn có một điều gọi là sự lãnh đạm. Và lắm khi sự lãnh đạm còn tệ hơn những điều làm thành định nghĩa của nó: nỗi thống khổ của kẻ khác!

Trong khi không nhất thiết đồng ý với thái độ im lặng trong khinh bỉ (hoặc khinh bỉ trong im lặng) diễn tả trong bài bình luận của PBT, tôi tin rằng mình có thể hiểu được phần nào lý do sự hiện hữu của thái độ xem ra tiêu cực này. Liệu đã có bất cứ tác giả của bất cứ bài tham luận nào trên HLVHVN đề cập đến sự lãnh đạm như là một vấn đề cần mổ xẻ trong quá trình hội nhập? Liệu đã có bài viết nào nói lên được một cách thuyết phục sự cần thiết, và cần thiết ở mức độ không còn là một lựa chọn, của công cuộc hoà giải giữa những người cầm bút với nhau, và trên hết, với chính bản thân họ? Tôi e rằng chưa, cho đến khi “Hội nhập và nơi chốn?” của nhà văn Đặng Thơ Thơ (ĐTT) được đưa lên mạng.

Bên cạnh việc phân tích một cách chính xác những “điểm mù” trong bài viết của nhà văn Tô Nhuận Vỹ (TNV), và không chỉ riêng TNV, phần còn lại của “Hội nhập và nơi chốn?” là một lý giải tuyệt vời về một điều vô cùng quan yếu cho nỗ lực “hội nhập” theo cách hiểu của tôi. Trong tiểu đoạn “Tại khoảng không của những nỗi đau”, ĐTT trích dẫn Elie Wiesel (EW), “Nhân chứng bắt buộc chính mình phải cung khai. Cho tuổi trẻ hôm nay, cho những đứa bé sẽ sinh ra ngày mai. Hắn không thể để quá khứ của hắn trở thành tương lai của những thế hệ sau”. Cũng chính trong tiểu đoạn này, ĐTT đã viết, “Hội nhập không phải chỉ đòi hỏi người khác chấp nhận mình và trong cùng lúc bôi xóa những yếu tố đã làm nên người khác, những ký ức cá nhân, những kinh nghiệm, lịch sử của họ mà mình không từng trải“. Không thể nào nói hay và đúng hơn ĐTT và EW! Hoà giải chính là vì một điều như vậy (EW), và để hoà giải cần có một suy nghĩ như vậy (ĐTT).

Wiesel giải thích sự cần thiết của hoà giải/hội nhập. “Nhân chứng bắt buộc chính mình phải cung khai. Cung khai điều gì? Sự Thực. Để làm gì? Để quá khứ của chúng ta KHÔNG trở thành tương lai của những thế hệ sau”. Đây là câu trả lời dành cho TVT, NĐC, NTL, TN, và nhiều người khác ở bên này hoặc bên kia các bờ đại dương/biên giới chính kiến. Người viết không thể phủ nhận vai trò nhân chứng của mình, “nó” là cái bóng của mỗi người viết, sinh ra, lớn lên cùng họ và đeo đuổi họ không rời, là số phận của người viết, đặc biệt trong những giai đoạn đầy biến thiên của đất nước. Điều duy nhất người viết có thể làm là nhận lãnh trách nhiệm của một chứng nhân lịch sử và xem đây là một đặc quyền. Bởi vì không phải ai cũng xứng đáng là người chứng!
Bằng cách chọn đứng ngoài hoặc trên những nỗ lực hoà giải/hội nhập, bất kể là vì hoài nghi, kênh kiệu, hoặc…cận thị, người viết phủ nhận không chỉ tư cách mà cả trách nhiệm nhân chứng của mình. Họ, vô tình hay cố ý, làm ngơ hoặc cho phép sự tồn tại và phát triển của điều trá ngụy, như là đối nghịch của Sự Thực mà EW đã đề cập, và tiếp tục làm ngơ hoặc cho phép những nọc độc văn hóa mọc ra từ trá ngụy gây tác hại lên không chỉ một người, một nhóm người, mà nhiều thế hệ của một dân tộc.

Tôi có nói về sự lãnh đạm ở một phần trước. Ở đây là sự đồng lõa, của nhà văn, với những thế lực đen tối. Và có khi không chỉ là đồng lõa!

Phùng Nguyễn

bài đã đăng của Phùng Nguyễn

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)